Hôm nay,  

Ra Mắt Sách Tại Toronto: Trần Văn Thạch (1905-1945) Cây Bút Chống Bạo Quyền Áp Bức

20/09/201422:55:00(Xem: 7061)

BUỔI RA MẮT SÁCH

TẠI TORONTO

Trần Văn Thạch (1905-1945)

Cây Bút Chống Bạo Quyền Áp Bức

.
Buổi ra mắt sách Trần Văn Thạch, Cây Bút Chống Bạo Quyền Áp Bức của tác giả Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến đã được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy 6.9.2014 tại trụ sở Hội Người Việt trên đường Keele, Toronto. Đông đảo khách đến tham dự, chật cả hội trường. Buổi lễ do một nhóm bằng hữu của tác giả Trần Mỹ Châu tổ chức, với sự hỗ trợ của Hội Người Việt Toronto.
.

Mở đầu là lời chào mừng và tuyên bố ý nghĩa buổi lễ của Ông Nguyễn Hữu Kỳ trưởng ban tổ chức, kế tiếp là bài tham luận của nhà biên khảo Trần Gia Phụng, rồi tới lời bình của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, được chính ông thu vào đĩa CD bức thư riêng ông gửi tác giả vì hôm đó ông không có mặt tại Toronto.

Tiếp theo là phần chủ yếu của buổi ra mắt sách: phần nói chuyện của tác giả Trần Mỹ Châu, con gái nhà cách mạng Trần Văn Thạch, viết về cha mình nhưng đồng thời làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử bị “che giấu hay bị bóp méo vì luận thuyết một chiều của người thắng cuộc” (trích trong sách chương “Tôi đi tìm Cha”).

Cử tọa cũng được nghe ông Nguyễn Hữu Kỳ giới thiệu đồng tác giả Phan Thị Trong Tuyến, và nhà văn Trà Lũ đọc những lời đánh giá cao cuốn sách của một số nhân vật nổi tiếng bên Pháp, bên Hoa Kỳ, ngay cả bên Việt Nam và nay tại Toronto. (Tất cả các bài này được tuần tự trình bày dưới đây, sau phần hình ảnh.) 

Sau đó là phần phát biểu của một số nhân vật quen biết trong cộng đồng, như các ông Đỗ Khánh Hoan, Vũ Hữu Doanh, Phùng Quang Tuấn, Nghiêm Phú Phúc, và một số thân hữu. Điều khiển chương trình là nhà văn Trà Lũ. Cuối buổi lễ là phần tác giả đích thân ký tặng sách cho các người tham dự. Nét độc đáo của buổi lễ hôm nay là tác giả không bán, chỉ tặng sách, nhưng những người tới tham dự đồng tình đóng góp vào quỹ cộng đồng HNV Toronto.

 blank

       

     blank

 Buổi sinh hoạt tuy mang tính chất văn hóa, nhưng cũng mang nặng tầm quan trọng về phương diện lịch sử của giai đoạn này, đã thành công trọn vẹn. Các người tham dự đã được tác giả và các tham luận gia trình bày những chi tiết mới lạ về lịch sử chưa từng được đưa ra cho tới nay. Được biết cuốn sách về nhà cách mạng Trần Văn Thạch này được rất nhiều giới đánh giá rất cao, vì nó đầy giá trị xác thực khách quan về lịch sử, được chứng minh qua những tài liệu tác giả thu thập tại các thư viện và văn khố tại Pháp và Việt Nam qua nhiều năm. Kết thúc, tác giả chụp hình chung với một số người tham dự ái mộ, và nhận quà lưu niệm do ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám Đốc Điều Hành của Hội Người Việt, thay mặt Hội trao tặng. Buổi ra mắt sách kết thúc vào lúc 6 giờ chiều.

Quý vị nào muốn mua sách, xin liên lạc:

Tại Canada và Hoa Kỳ: Trần Mỹ Châu, E-mail: chau-tran@shaw.ca

Tại Âu Châu: Phan Thị Trọng Tuyến, E-mail: phantttuyen@hotmail.com

Giá sách:

Canada: Cnd$16 + bưu phí; Hoa Kỳ: Us$15 + bưu phí; Âu Châu: Euro$10 + bưu phí

NGUYỄN HỮU KỲ

(Tháng 9, 2014)

blank     

 blank

          

        blank

     .

Trích

LỜI MỞ ĐẦU

của Nguyễn Hữu Kỳ

Thưa quí vị, quí bạn

Ban tổ chức chúng tôi xin chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của tất cả quí vi và quí bạn đã bỏ thì giờ ngày cuối tuần đến tham dự buổi ra mắt sách của người bạn chúng ta, tác giả Trần Mỹ Châu, ngày hôm nay.

Trước hết, Ban Tổ Chức phải cảm ơn tác giả, chị Trần Mỹ Châu, đã ưu ái dành cho Toronto, mà nhà văn Trà Lũ gọi theo phát âm Việt ngữ là Tổ Rồng To, cái vinh hạnh đứng ra tổ chức buổi ra mắt tác phẩm đầu tay mà cũng là tác phẩm “để đời” của chị. Xin cảm ơn chị.

Bây giờ, như anh Lương nói, chắc có nhiều vị thắc mắc tại sao có buổi ra mắt sách ngày hôm nay?
.

Xin thưa rằng tác giả, mà từ đây chúng tôi gọi thân mật là chị Châu, như nhà văn Trà Lũ nói, gốc gác vốn ở thủ phủ của đại đa số dân tị nạn Tổ Rồng To chúng ta, nên chị muốn chính thức ra mắt cuốn sách chị vừa hoàn thành tại đây, trong không khí “thân tình, ấm cúng.” Bản chất khiêm nhường, chị không muốn tổ chức “rầm rộ”, như loan tin trong các tổ chức của cộng đồng chẳng hạn, nên ngay cả thư mời cũng không có.  Tôn trọng yêu cầu của chị, Ban Tổ Chức chỉ liên lạc qua điện thoại hay email hay trực tiếp.

Do đó, nếu quí vị, đặc biệt là giới truyền thông và hội đoàn, không nhận được thư mời chính thức thì xin vị tình thông cảm với chị và Ban Tổ Chức.

Nhưng “thân tình, ấm cúng” không có nghĩa là không cần thiêt. Trái lại phải nói là rất cần thiết, vì tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của cuốn sách, như ghi chú trong trang bìa chót của cuốn sách: “Chỗ đứng xứng đáng của ông cũng như nhiều người yêu nước bị giết vào thời kỳ cuối năm 1945 và sau đó, cần được xác định rõ lại trong lịch sử cận đại nước Việt Nam. Chúng tôi mong quyển sách này là một trong những bằng chứng trả lại sự thật cho lịch sử đã bị bóp méo từ lâu”

Và lời bình của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: “Tôi xin cảm ơn chị đã để lại cho đời một tác phẩm thật giá trị, góp phần vào nguồn sử liệu quan trọng của đất nước”
.

Thêm lời tâm sự của nhà văn Phan Thị Trong Tuyến, đồng tác giả, trong “Đôi dòng tâm sự”: “… Quyển sách này còn là bản cáo trạng và chứng cớ xác thực bác bỏ lời vu khống của kẻ sát nhân giấu mặt. Quyển sách này tự nó cũng là một đàn tràng giải oan cho cả một thế hệ…”

Đây là cuốn sách cần đọc và phải đọc vì những lý do nêu trên, và tầm quan trọng đó cũng chính là lý do của buổi ra mắt sách ngày hôm nay.

Riêng với chị Châu, khi kết thúc chương “Tôi đi tìm Cha” chị có viết, “ Tôi cũng tự hào là đóng góp được phần nào để làm sáng tỏ một chương lịch sử Việt Nam bị mờ phai vì che giấu hay bị bóp méo vì luận thuyết một chiều của người thắng cuộc… Tôi hãnh diện có người cha tên Trần Văn Thạch”

Chị quá khiêm nhường đấy thôi. Phải nói là chị đã đóng góp được một phần vô cùng quan trọng cho một giai đoạn lịch sử đầy tang tóc của dân tộc cho đến nay sẽ còn nằm trong bóng tối nếu không có tác phẩm của chị ra đời. Cuốn sách của chị là một lời cảnh tỉnh cho những kẻ ngoan cố lấy cứu cánh biện minh cho hành động, dù biết hành động đó là vô nhân, vô đạo.
.

Thật vậy, tất cả những ai yêu tự do, trọng sư thật cũng sẽ rất hãnh diện có một người như chị, đã cống hiến cho Việt Nam một trang sử mới, tôn vinh những nhân vật ái quốc chân chính như cha của chị và các người bạn đồng chí hướng với ông như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Số… và nhóm La Lutte của các ông.

Từ nay, chị không cần tự giới thiệu, mà cũng chẳng cần ai giới thiệu là ái nữ của nhà cách mạng Trần Văn Thạch, vì chỉ nguyên sự hiện diện của chị đủ để mọi người biết chị là ai!

Xin cảm ơn quí vị.

NGUYỄN HỮU KỲ

(Toronto, 6 tháng 9, 2014)

 .

 

GIỚI THIỆU SÁCH

Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức

(Trình bày tại Hội Người Việt Toronto ngày 6-9-2014)

Trần Gia Phụng

           

Kính thưa . . .

Để giới thiệu tác phẩm Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức của hai tác giả Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, tôi xin bắt đầu hơi xa: Sau hai hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862) và Giáp Tuất (15-3-1874), Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp.  Pháp bãi bỏ giáo dục và thi cử Hán học, mở trường dạy chữ Pháp, theo chương trình Pháp, phổ biến văn hóa Pháp.  Từ đó, người Việt ở Nam Kỳ chuyển qua học chữ Pháp, văn hóa Pháp và văn hóa Tây phương.  Cũng từ đó, nhiều thanh niên bắt đầu qua Pháp du học.  Xin chú ý đây là thời kỳ phát triển chủ nghĩa cộng sản (CS) sau khi Marx và Engels tung ra bản The Communist Manifesto (Tuyên ngôn cộng sản) năm 1848; Đệ nhất Quốc tế thành lập năm 1864; Đệ nhị Quốc tế thành lập năm 1889, cách mạng CS thành công ở Nga năm 1917 và đảng CS Pháp được thành lập năm 1922.  Các trào lưu nầy ảnh hưởng nhiều đến sinh viên du học.    
.

Đợt du học đầu tiên từ Nam Kỳ có thể chia thành hai nhóm: nhóm nhà giàu và nhóm trung lưu với nhà nghèo.  Nhóm nhà giàu qua Pháp hoặc ăn chơi, hưởng thụ, hoặc học những ngành nghề để trở về tiếp tục bảo vệ và phát triển cơ nghiệp sẵn có của cha ông, từ đó hình thành năm 1923 đảng Lập Hiến (Parti Constitutionaliste), hợp tác với Pháp, nhưng cũng đưa ra một số đòi hỏi cải cách cho tự do dân chủ. 

Nhóm trung lưu và nhà nghèo phải chăm học và học giỏi mới được du học.  Ngoài những người lo chăm học để trở về phụ giúp gia đình, thì những người cấp tiến và thiên tả, qua Pháp vừa học, vừa hoạt động tranh đấu cho đất nước Việt Nam.  Ngay tại Pháp, nhóm sinh viên nầy cũng chia thành hai:  Nhóm thứ nhứt gia nhập đảng Cộng Sản Pháp và theo Đệ tam Quốc tế Cộng sản do đảng CS Liên Xô chỉ huy.  Nhóm thứ hai tuy cấp tiến thiên tả, nhưng không theo chủ nghĩa nào, hoặc chịu ảnh hưởng của tư tưởng Trotsky, được gọi là nhóm Đệ tứ.  Cần chú ý là Đệ Tam QTCS nằm trong hệ thống đảng CS do Liên Xô lãnh đạo, hoạt động theo lệnh đảng.  Đệ tứ QTCS chỉ là một phong trào chính trị, cấp tiến, thiên tả và theo tư tưởng Trotsky, không thuộc đảng phái nào.

Riêng Trần Văn Thạch, ông đậu tú tài Pháp hạng ưu ở Sài Gòn năm 1925, du học Pháp năm 1926.  Tại Pháp, bên cạnh việc học, ông còn hoạt động chính trị chống chính sách cai trị của Pháp tại Đông Dương, nên ông bị quyền toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội là Maurice Antoine Monguillot đề nghị với chính phủ Pháp trục xuất về nước năm 1928, nhưng nhờ Hội Bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền Pháp can thiệp, ông được ở lại Pháp tiếp tục việc học. 

Trần Văn Thạch tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Văn chương Đại học Sorbone (Paris) ngày 2-11-1929, và về nước đầu năm 1930, (Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, sđd. tr. 61), trước khi xảy ra cuộc biểu tình trước điện Élysée (văn phòng tổng thống Pháp) ngày 22-5-1930, để phản đối nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đàn áp dã man cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
.

Sau cuộc biểu tình nầy, chính phủ Pháp trục xuất 19 nhà hoạt động chính trị ra khỏi nước Pháp, trong đó có nhiều nhân vật thuộc nhóm Đệ tam Quốc tế và Đệ tứ Quốc tế.  Điểm đặc biệt là sau khi về nước năm 1930, các ông không tham gia chính quyền Pháp, không làm quan cho Pháp, mà hành nghề tư nhân tự mưu sinh, nhất là dạy học ở các tư thục. 
.

Sau khi an cư, ổn định cuộc sống, từ 1933 hai nhóm Đệ tam và Đệ tứ công khai liên kết tranh đấu, mở những cuộc diễn thuyết, và xuất báo La Lutte bằng Pháp văn, vì báo tiếng Pháp xin phép dễ ở thuộc địa Nam Kỳ.  Báo La Lutte có mục đích tranh đấu đòi hỏi độc lập cho đất nước và bảo vệ quyền lợi của giới thợ thuyền, ra số đầu ngày 24-4-1933.  Xuất bản được bốn số thì báo tự đình bản ngày 2-6-1933 sau cuộc bầu cử Hội đồng thành phố ngày 7-5-1933.  Trong cuộc bầu cử nầy, Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch đác cử vẻ vang.  Tuy nhiên, thực dân Pháp đã tìm cách loại hai ông ra khỏi Hội đồng ngày 12-8-1933.
.

Các nhà tranh đấu tiếp tục hoạt động và tái bản báo La Lutte ngày 4-10-1934.  Ngày nầy cũng là ngày chính thức ra mắt mặt trận thống nhứt “La Lutte” (Tranh đấu) giữa hai nhóm Đệ tam và Đệ tứ.  Đây là sự kết hợp duy nhứt giữa Đệ tam và Đệ tứ trong phong trào cộng sản trên thế giới.  Tháng 5-1935, trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn, các ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai trong nhóm La Lutte lại đắc cử, nhưng Pháp cũng kiếm cách loại bỏ.  Chỉ Trần Văn Thạch đủ điều kiện, còn ở lại Hội đồng nầy.  Do vậy, ông có cơ hội chứng kiến, theo dõi và chống lại những bất công xã hội, can thiệp giúp đỡ dân nghèo và lên tiếng trên báo chí.
.

Trên tờ La Lutte, ngoài những bài viết về chính trị thời sự, Trần Văn Thạch phụ trách mục thường xuyên  “Petits clous” (Những cây đinh nhỏ), là “mục như câu chuyện hằng ngày trên các nhật báo bay giờ, mục châm biếm chỉ trích chánh sách cai trị... thật là cay chua, mà tế nhị với một bút pháp tinh vi, nhẹ nhàng mà nhức nhối cho những kẻ nào bị Thạch châm biếm, nhức nhối khó chịu như bị đinh đóng vào người.” (Bà Phương Lan, Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu 1906-1945, Sài Gòn, Nxb. Khai Trí, 1973, tr. 223.)

Sự hợp tác Tam-Tứ ở Sài Gòn chưa được bao lâu thì vào đầu 1937, tại Liên Xô, Stalin ra lệnh tiêu diệt những người theo xu hướng Trotsky. Đảng CS Pháp, nhận chỉ thị của Stalin, liền khuyến cáo nhóm CS Đệ tam Việt Nam phải chấm dứt hợp tác với nhóm CS Đệ tứ Việt Nam.  Như thế là cuộc hợp tác CS Tam-Tứ ở Việt Nam chấm dứt và chính thức tan rã ngày 15-6-1937. (Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, sđd. tr. 77.)  Chỉ còn một mình nhóm Đệ tứ điều khiển báo La Lutte.
.

Theo chủ trương của lãnh đạo Liên Xô, năm 1939, từ Trung Hoa, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), với bí danh là P. C. Lin, ra lệnh cho đảng Cộng sản Đông Dương (CSĐD) tiêu diệt nhóm Đệ tứ.  Ở Nam Kỳ, nhóm Đệ tứ càng bị nhóm Đệ tam chỉ trích gay gắt hơn khi Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm đắc cử chính thức và Trần Văn Thạch đắc cử dự khuyết vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (còn gọi là Hội đồng thuộc địa) tháng 4-1939; trong khi Nguyễn Văn Tạo và nhóm Đệ tam thất bại nặng.  Tuy nhiên thực dân Pháp không thừa nhận các kết quả nầy.

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ ở Âu Châu ngày 3-9-1939, Pháp bắt những người mà Pháp cho là nguy hiểm tại Việt Nam.  Trần Văn Thạch, Nguyễn An Ninh bị bắt năm 1939.  Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai bị bắt năm 1940 và đều bị đày đi Côn Lôn, từ 3 đến 5 năm.  Mãn hạn tù Côn Lôn từ 1943, các ông trở về đất liền, nhưng đều bị biệt xứ và quản thúc tại gia.  Trần Văn Thạch ở Cần Thơ, Phan Văn Hùm ở Tân Uyên (Bình Dương) ...
.

Trong khi đó, từ năm 1940, tình hình chính trị Việt Nam càng trở nên phức tạp với sự xuất hiện của quân đội Nhật Bản.  Nhật vẫn để Pháp cai trị nhưng luôn luôn áp lực nhà cầm quyền Pháp.  Đầu 1945, khi bắt đầu thất bại, chuẩn bị rút quân về nước, Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945. Chẳng bao lâu sau, ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh.  Quân Nhật ở Đông Dương buông súng.  Mặt trận Việt Minh (VM) do đảng Cộng Sản Đông Dương chỉ huy, nhanh tay cướp chính quyền. 

Nắm được quyền lực, VM thi hành triệt để chủ trương giết tiềm lực trên toàn quốc, tức là giết tất cả những ai có khả năng, dù có đảng phái hay không đảng phái, mà không theo cộng sản.  Tại Nam Kỳ, VM bắt giết hết các nhà hoạt động chính trị, kể cả các nhân vật trong nhóm Đệ tứ.  Riêng Trần Văn Thạch bị giết ngày 23-10-1945 tại Bến Súc, Thủ Dầu Một. (Trần Mỹ Châu, sđd. tr. 123.)

Ngoài quyển Le Français correct xuất bản năm 1932, Trần Văn Thạch còn để lại rất nhiều bài báo mà ngày nay chúng ta gọi là tạp ghi bằng Pháp văn trên tờ La Lutte.  Những bài báo nầy được con gái của ông là bà Trần Mỹ Châu sưu tầm trong các văn khố ở Pháp và ở Sài Gòn, gom góp trở lại khá đầy đủ, và do nữ văn sĩ Phan Thị Trọng Tuyến phiên dịch qua tiếng Việt, in thành sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức mà quý vị đang có trong tay. 
.

Sách gồm hai phần.  Phần đầu là biên niên sử về Trần Văn Thạch với hai bài viết của hai người con của ông, là bà Trần Mỹ Châu và ông Trần Văn Tự.  Là người trong gia đình, tác giả đã đưa ra một số chi tiết lịch sử  mới về Trần Văn Thạch mà các tài liệu trước đây không được rõ ràng chính xác.  Những chi tiết nầy tuy không lớn lao, nhưng rất cần thiết để đính chánh một số sự kiện lịch sử.

Ví dụ, tác giả xác định khi còn ở Paris tuy thiên tả nhưng Trần Văn Thạch chưa phải là Đệ tứ Quốc tế.  Khi về nước và hoạt động với các nhân vật Đệ tứ, ông mới nghiên về Đệ tứ.  Tác giả cũng xác định Trần Văn Thạch về nước đầu năm 1930, trước khi xảy ra cuộc biểu tình trước điện Élysée ngày 22-5-1930.  Điều nầy hoàn toàn khác với các tài liệu về trước.  Quan trọng nhất là nhờ tài liệu gia đình, tác giả xác định Trần Văn Thạch bị giết ngày 23-10-1945 tại Bến Súc, Thủ Dầu Một.  Trước đây, các tài liệu đều  cho rằng Trần Văn Thạch và những người Đệ tứ bị Việt Minh đưa ra Phan Thiết giết tại sông Lòng Sông. 

Phần thứ hai là các bài tạp ghi của Trần Văn Thạch trên tờ La Lutte, tranh đấu chống bạo quyền, bênh vực dân nghèo, chống lại những bất công xã hội hoặc châm chọc chế độ Pháp thuộc.  Những bài báo nầy vẽ lại bức tranh xã hội thời Pháp thuộc một cách sinh động bằng những việc thật, người thật, thời gian cụ thể.  Càng đọc, chúng ta sẽ càng thú vị ở chỗ là chúng ta sẽ rất ngạc nhiên là xã hội thời Pháp thuộc không khác gì xã hội hiện nay ở trong nước.  Hai chế độ thuộc vào hai thời đại khác nhau, hai giai đoạn lịch sử khác nhau, hai nhà cầm quyền khác nhau, lại chẳng có gì khác nhau; cũng quan liêu, cũng thối nát, cũng bất công, cũng bóc lột, cũng đàn áp như nhau.  Nguyên do vì hai chế độ nầy đều là hai chế độ thực dân.  Một bên là thực dân ngoại lai, một bên là thực dân nội địa hay tự thực dân (auto-colonisation).
.

Tuy nhiên nếu đọc thật kỹ sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức, chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn nữa, là ít nhất thời Pháp thuộc, những người bất đồng chính kiến có quyền tỏ bày ý kiến, có quyền tranh đấu bất bạo động, có quyền viết báo, có quyền xuất bản sách báo, có quyền diễn thuyết, tức có quyền tự do ngôn luận.  Chẳng những thế, những người bất đồng chính kiến còn có quyền ứng cử, tức có quyền tự do chính trị.  Đó là chưa kể những quyền tự do khác mà các bài báo của Trần Văn Thạch cũng đề cập đến, như quyền tự do giáo dục, không theo một chủ nghĩa nào, tự do du học; tự do cư trú (không cần có hộ khẩu); tự do mưu sinh; tự do tôn giáo.  Đáng chú ý là dưới thời Pháp thuộc, có hai tôn giáo được thành lập mà không cần xin phép, nhưng vẫn được tự do truyền đạo và hành đạo là đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, trong khi ngày nay, hai tôn giáo nầy bị truy bức gắt gao tàn bạo. 

Riêng Trần Văn Thạch, đề mục “Petits clous” châm biếm, chống đối bạo quyền, chống áp bức bất công của Pháp, vẫn tự do đăng tải thường xuyên trên báo La Lutte, và không bị tù vì những bài báo mình đã viết.  Ngày nay, chuyện nầy không thể xảy ra ở Việt Nam.  Không có nhà văn hay nhà báo nào viết bài chống CS mà không bị tù.  Không có tờ báo giấy nào đăng bài chống CS mà không bị đóng cửa.  Vì vậy trong nước lại xuất hiện báo chui, là những bài báo “chấm com” (như gmail.com, yahoo.com, blog, hay face-book).  Chấm com hiện nay là những cây đinh nhỏ tiếp nối truyền thống của Trần Văn Thạch.

Cuối cùng, trước khi dứt lời, tôi xin tỏ lòng cảm ơn hai tác giả Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến đã có công sưu tầm, phiên dịch và phổ biến những bài báo của Trần Văn Thạch, chẳng những bảo tồn một tài liệu quý giá của nhà cách mạng Trần Văn Thạch, đính chánh những sai lầm trước đây, mà còn giúp cho mọi người hiểu biết về xã hội và chính trị thời Pháp thuộc, về đường lối tranh đấu bất bạo động dưới chế độ thực dân, về biến chuyển lịch sử một giai đoạn tuy ngắn ngủi nhưng đầy biến động vào cuối thời Pháp thuộc.  Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu sách Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức đến quý vị độc giả khắp nơi.  Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 6-9-2014)

 .

 

THƯ NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC NGẠN

gửi cho tác giả TRẦN MỸ CHÂU

(Ông không đến dự buổi ra mắt sách được.

Thư được thu vào đĩa CD và phát âm cho cử tọa nghe.)

Toronto, ngày 3 tháng 9, 2014

Kính gửi chị Trần Mỹ Châu,

Tôi viết mấy hàng để cám ơn cuốn sách quí của chị mà tôi đã say mê đọc suốt dêm qua với nhiều xúc cảm dân trào, có lúc muốn rơi nước mắt. Suốt hai mươi năm ở Sài Gòn, tôi nhớ chỉ có một lần duy nhất tôi đi cùng người bạn, chở nhau bằng Vespa, đến đường Trần Văn Thạch bên Tân Định. Bạn tôi hoạt động trong giới ca nhạc nên cần gặp nghệ sĩ Tùng Lâm cư ngụ trên con đường này, trước cửa rạp cinéma Tân Định. Lúc từ đường Hiền Vương rẽ vảo, bạn tôi bảo:

- Tên đường này họ viết lộn! Trần Văn Trạch mà họ viết lầm là Trần Văn Thạch.

Lúc bấy giờ tôi ngay ngô qua, không biết là bạn tôi nói đùa, nên hăng say giảng:

- Trần Văn Thạch là một nhà trí thức yêu nước, viết báo bằng tiếng Pháp trong nhóm La Lutte, nhằm chống lại sự áp bức của thực dân Pháp và  theo đuổi lý tưởng đấu tranh cho công bằng xã hội!

Bạn tôi nói:

- Nhưng ông ấy không bị Pháp giết mà lại chết vì bàn tay Việt Minh!

Tôi giật mình nhận ra  mình bị hố. Bạn tôi biết về Trần Văn Thạch còn hơn cả tôi!

Gần 50 năm rồi, mỗi lúc nhớ lại câu chuyện nhỏ ấy, tôi vẫn cười ngượng nghịu một mình. Mãi đến hôm nay, đọc cuốn sách chị Mỹ Châu viết về thân phụ của chị, ở trang 16, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì chính chị hồi còn nhỏ cũng đã mắt nhắm mắt mở đọc lầm cái tên Trần Văn Trạch trên tấm bích chương trước rạp hát mà tưởng là Trần Văn Thạch!

Thưa chị Trần Mỹ Châu,

Tác phẩm của chị là một công trình nghiên cứu và sưu tầm công phu, nặng tính chuyên môn, soi sáng cho độc giả, trong đó có tôi, biết thêm nhiều chi tiết cần thiết về một nhân vật lịch sử trong giai đoạn khốc liệt và phức tạp nhất của đất nước. Kẻ thù chính của dân tộc lúc ấy là thực dân Pháp, xét ra lại không khát máu bằng nhóm người mà thân phụ chị đã từng có lúc coi là đồng chí! Đó là cái kết luận bi thảm nhất mà biết bao nhiêu người yêu nước như Trần Văn Thạch đã phải gánh chịu.

Một điều quan trọng nữa tôi muốn nhấn mạnh ở đây, thưa chị Mỹ Châu, là cách viết của chị khiến tôi nhớ đến cái tựa nổi tiếng của Nguyễn Mạnh Côn là “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”. Vâng! Chị viết về cha mình bằng tâm tình nhưng dứt khoát không để mất đi sự khách quan của lịch sử. Gần 40 trang đầu tiên trong phần “Tôi Đi Tìm Cha”, chị viết rất cảm động, mạch văn trong sáng, không thể nói là của một người mới cầm bút.

Xin cám ơn chị đã để lại cho đời một tác phẩm thật giá trị, góp phần vào nguồn sữ liệu quan trọng của đất nước. Xin chị cũng cho phép tôi gởi lời cám ơn nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến về công trình dịch thuật xuất sắc đóng góp trong tác phẩm này.

Kính thư,

NGUYỄN NGỌC NGẠN
.

CƠ DUYÊN ĐƯA ĐẾN SỰ THÀNH HÌNH

QUYỂN SÁCH TRẦN VĂN THẠCH

Trần Mỹ Châu

Lúc nhỏ, tôi chỉ được biết ba tôi là một người kể chuyện tuyệt vời, tối nào tôi cũng thỏ thẻ với ông: “Ba kể chuyện Alibaba với 40 thằng ăn cướp đi”. Lớn lên nghe mẹ và anh chị kể lại tôi được biết thêm ông là một giáo sư Pháp văn nổi tiếng, một ông Hội đồng Thành phố được dân nghèo mến chuộng. Rồi đến năm 1955, dưới thời Ngô Đình Diệm, tôi bắt đầu khoe với bạn bè: “Có biết đường Trần Văn Thạch bên hông chợ Tân Định không?... Ba tôi đó!” Cũng từ năm 1955 tôi cũng được nghe một số người am hiểu thời cuộc nhắc đến nhóm “Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch” và các danh từ Đệ Tam, Đệ Tứ, nhưng ý nghĩa sâu rộng của các từ này thì tôi chẳng biết gì nhiều.

Đến đầu thập niên 60, ít ai nói đến Đệ Tam, Đệ Tứ; người ta bận tâm lo sợ hiểm họa Việt Minh, Việt Cộng. Bản thân tôi bận rộn vừa đi học, vừa đi làm để giúp gia đình. Đến năm 1963, du học ở Mỹ, sau đó tôi tiếp tục học ở Canada, rồi định cư ở xứ nầy. Thời đó người Việt ở Toronto không quá 50 người, phần đông là sinh viên. Ít ai nhắc đến tên đường Trần Văn Thạch. Nhưng khi người Việt tị nạn bắt đầu đến Toronto cuối thập niên 70, nhiều người bạn mới của tôi, trong đó có anh Trần Trung Lương, nhớ Sài Gòn xưa, bắt đầu nhắc đến tên đường cũ. Vài lời nhắc nhở, ngợi khen, mến tiếc của bạn làm tôi phấn khởi, muốn tìm hiểu thêm về người cha mà tôi chỉ được biết trong thời gian ngắn, một mùa hè xa xôi.

Ý định “đi tìm cha” bắt đầu từ đó, nhưng phải đợi đến lúc về hưu mới thực hiện được. Hành trình “tìm cha”của tôi kéo dài trong nhiều năm, từ Canada đến Pháp, đến Việt Nam. Tôi lục lạo tài liệu, sách vở trong Thư viện và Văn khố Quốc gia Pháp ở Paris, Văn khố Pháp quốc Hải ngoại ở Aix-en-Provence, và cuối cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp ở Sài Gòn.

Tôi tìm được khoảng 80% các tờ báo La Lutte (mà nhiều nhân chứng thời đó cho rằng ba tôi là chủ nhiệm) và rất nhiều tài liệu mật thám Pháp về các sinh viên Việt Nam có thái độ chống Pháp đang du học tại Pháp. Ngoài những người kể trên, tôi cũng đọc được hồ sơ của nhiều người khác, như các ông Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Trần Văn Giàu, Bùi Quang Chiêu, v..v…

Giờ đây tôi được biết rất nhiều về ba tôi. Nếu có ai xin tôi tóm tắt trong vài dòng sự nghiệp tranh đấu cách mạng của ông, tôi sẽ nói: Trần Văn Thạch lúc nào cũng chủ trương tranh đấu công khai hợp pháp, ôn hòa bất bạo động, trên báo chí, tại nghị trường, để nhân dân có quyền tự do dân chủ căn bản; để công nhân, nông dân và lao nông không bị bóc lột; để dân nghèo được phúc lợi xã hội; để quần chúng không bị thực dân, tư sản, quan lại hà hiếp.

Tôi cảm thấy có một tình cảm đặc biệt nào đó gắn bó tôi với con cháu những người một thời là bạn đồng hành hay có quen biết ba tôi. Tôi di tìm họ. Tìm được anh Phan Kiều Dương, con bác Hùm; chị Nguyễn Thị Minh, con bác Ninh; em Quỳnh Dao, con của nhà văn, nhà báo Đỗ Bá Thế, (bạn của bác Thâu, biết ba tôi, thân với mẹ tôi); bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, học trò cũ của ba tôi; chị Hồ-Tài Huệ-Tâm, con bác Tường. Và một người có công rất nhiều giúp tôi thực hiện quyển sách này: Phan Thi Trọng Tuyến. Tuyến “biết” ba tôi từ lúc còn bé: hầu như ngày nào cũng đi trên con đường Trần Văn Thạch, ngang chợ Tân Định.

Ba tôi bị giết vì chính sách độc quyền lãnh đạo của Cộng sản. Mẹ tôi hóa thành người mất trí suốt đời vì chế độ đàn áp của thực dân. Anh tôi chết vì một viên đạn của Việt Minh lộng quyền. Gia đình tôi mất nhà mất cửa vì lòng tham lam của nhà giàu bắt tay với trí thức. Tôi lớn lên rất sợ các tư tưởng cực đoan, các chính quyền độc đoán, các tư bản cực độ. Tôi thương những người lầm than, thấp cổ bé miệng, những ai bị bạo quyền áp bức, bị doanh thương tư bản bóc lột. Tôi tìm cách giúp họ trong phạm vi khả năng của mình.

Nhơn dịp tôi về thăm mẹ lần chót, Hội Khuyến Học tỉnh Vĩnh Long tổ chức phát học bổng cho các sinh viên và học sinh nghèo do tôi tài trợ, phần đông mồ côi cha hay mẹ. Trong bài phát biểu, tôi kể ngắn gọn cho các em nghe câu chuyện “đi tìm cha” của tôi với cái tựa “Bà già 70, tập làm văn, học viết sử”, để khuyến khích các em cố vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, học thành tài, giúp xã hội. Kiên trì sẽ thành công.

Với buổi ra mắt sách hôm nay, tôi cảm thấy mình thành công trên nhiều mặt: vượt được bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống để làm một vài việc hữu ích cho đời. Lúc ban đầu, khi đặt bút viết về ba tôi, tôi chỉ muốn trao lại cho con cháu chút di sản tinh thần ba tôi để lại. Nhưng càng đi sâu vào công việc khảo sát tìm hiểu về hoạt động của ba tôi và các bạn đồng hành của ông trong nhóm La Lutte, càng đọc được nhiều tài liệu của Đảng Cộng sản Đông Dương và sách vở xuất bản trong nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam, tôi càng thấy cần phải làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử Việt Nam bị móp méo từ lâu.

Chúng tôi sẵn sàng và vui mừng đón ý kiến của quý vị để quyển Trần Văn Thạch trong lần tái bản tới được hoàn hảo hơn. Ngoài ra tôi cũng dự định soạn thảo quyển tiếng Pháp và quyển tiếng Anh trong vài năm tới.

Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn quý khách và thân hữu. Sự có mặt của quý vị hôm nay là một điều khích lệ lớn lao cho tôi. Tôi cũng xin cảm ơn anh Lương, anh Kỳ và nhiều bạn thâm niên của tôi, cùng ban Chấp hành và văn phòng Hội Người Việt Toronto đã ra công sức giúp chúng tôi có được buổi họp mặt vui vầy hôm nay. Xin đa tạ.

TRẦN MỸ CHÂU

(Toronto, 6 tháng 9, 2014)View shared post

 

 .

 ***

 

GIỚI THIỆU ĐỒNG TÁC GIẢ PHAN THỊ TRỌNG TUYẾN

Nguyễn Hữu Kỳ

Đồng  tác giả, nữ văn sĩ Phan Thi Trọng Tuyến đã từng ra nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm sau:

Mùa hè một nơi khác. Westminster, California: Văn nghệ, 1986

Một trang đời. Los Angeles, California: Thanh Văn, 1988

Mùa xuân và những con dã tràng. Paris, An Tiêm, 1995

Và nhiều tác phẩm khác.

Phan Thị Trọng Tuyến dành một tình cảm đặc biệt cho chị Trần Mỹ Châu, mà chị Châu ghi nhận trong chương mở đầu như sau: “Nhiều lần, nhứt là sau những chuyến về Việt Nam thăm mẹ, vướng vào tâm trạng trầm cảm, tôi lặng thinh một thời gian. Tuyến lo ngại, tìm tin qua người này người nọ, nhưng vẫn cho tin để tôi yên trí. Khi vui và phấn khởi trở lại, tôi gởi email đề “La Revenante” (“Người khuất trở về”) là Tuyến vui mừng trả lời ngay: “Chị muốn em làm cái gì em cũng làm hết!” (“Tôi đi tìm cha”, tr. 33).

Đúng vậy, nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến đã góp một phần không nhỏ cho cuốn sách là dám nhận phần dịch thuật các bài báo ông Trần Văn Thạch viết trong mục “Petits Clous” của tờ La Lutte, với lời văn châm biếm, lời chơi chữ độc đáo khó mà dịch thoát ý. Chị cũng dịch một số bài xã luận của ông và một số tài liệu liên hệ đến vai trò của nhà cách mạng này trong thời gian đó. Kể tổng cộng các bài dịch quá nửa cuốn sách (247 trang trong tổng số 444 trang) với lời dịch lưu loát mà chị vẫn còn khiêm nhường “mong độc giả thông cảm, lượng thứ cho những lỗi lầm và sơ sót chắc chắn có, khiến tác phẩm gốc có thể bị hiểu sai hoặc giảm giá trị.” (“Đôi dòng tâm sự”, tr. 397).

Rất tiếc vì “quan san cách trở”, người ở Pháp người ở Canada, chị không tới dự được với chúng ta ngày hôm nay, nhưng sự đóng góp của chị cho cuốn sách đóng vai trò không nhỏ mà chị Châu đã ghi nhận như sau: “Không có Tuyến giúp thì quyển sách này khó mà hoàn thành được.”

NGUYỄN HỮU KỲ

(Toronto, 6 tháng 9, 2014)View shared post

 

.

 

TRÍCH CÁC BÀI THAM LUẬN, ĐIỂM SÁCH

(Được nhà văn Trà Lũ đọc cho cử tọa nghe.)
.

Một nhà văn/nhà báo ở Việt Nam

Tháng 5, 2014

....Thú thật, tôi không nghĩ đây là tác phẩm của một người "chưa hề viết sử". Và cuốn sách đã khiến tôi phải rớt nước mắt, một cách thiệt sự, vì tấm lòng của người con đối với người cha quá cố đã lâu. ..Nhờ đọc lại các trang sách, báo, tài liệu cũ tôi được biết ông thân của chị, ông Trần Văn Thạch, một trong những nhà đấu tranh chống thực dân trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Biết nhưng để hiểu tương đối tường tận về ông, phải đợi đến cuốn sách của chị, một công trình riêng về ông Thạch mà chị đã dầy công sưu tập và viết rất đáng kính trọng.
.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích

15/08/ 2014 trên mạng vietbao.com

Đây là sản-phẩm của tình hiếu-tử, của chữ "hiếu" bởi đây là con gái, chị Trần Mỹ Châu, viết về cha mình. Trả lại sự thật cho một người cha kính yêu, và do đó cũng là trả lại sự thật cho lịch-sử…
Một cuốn sách đáng đọc, cần phải đọc

Tưởng một cuốn sách do con viết về bố của mình thì ta sẽ dễ gặp chủ-quan. Đằng này không, cuốn Trần Văn Thạch (1905-1945) …. là một mẫu mực về viết sử và rất chính-xác …

Phần tiểu-sử viết rất kỹ càng, chính-xác và khách-quan về Trần Văn Thạch chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Hai phần ba còn lại là những bài báo của Trần Văn Thạch, viết hầu hết trong tiếng Pháp, đã được nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến dịch từ các số báo cũ còn kiếm được ở thư-viện và văn-khố Aix-en-Provence ở Pháp. Đọc những bài này, tôi đâm kinh hãi. Bởi đa-phần những đề-tài được Trần Văn Thạch bàn luận và trình bầy vẫn còn nguyên tính thời-sự của chúng…
.

Trích bài tham luận của Ông Nguyễn Văn Trấn

nhơn dịp ra mắt sách tại Sceaux ngày 14/06/ 2014

Sự xuất hiện quyển sách nói về một nhơn vật của lịch sử Việt nam gần đây mà hậu quả là thực tế của đất nước ngày nay dưới ách thống trị bạo ngược của cộng sản Hà Nội là điều vô cùng quan trọng, đầy ý nghĩa tốt đẹp. Việc làm này là một bổ khuyết chẳng những cần thiết làm sáng tỏ một giai đoạn hệ trọng của lịch sử Việt Nam đầy mâu thuẫn và phức tạp, trong đó những ngưòi ái quốc không có chỗ đứng, mà còn cần cho tủ sách của người Việt Nam vốn đông đảo mà thiếu sách vở…

Riêng về phần tài liệu liên quan tới nhơn vật lịch sử, phải nói là cả một công trình sưu tầm dài hơi. Để phát họa lại con người Trần Văn Thạch, tác giả Mỹ Châu đã phải đi nhiều nơi lục tìm trong văn khố để có được chừng đó tài liệu gốc…

Tôi nhắc lại [một số chuyện] để bày tỏ lòng tưởng nhớ và kính trọng lớp tìền bối đã vì đại nghĩa mà xa gia đình, hy sanh cả mạng sống và đồng thời cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tác giả Trần My Châu, đến tuổi thất thập, hoàn thành đươc một công trình giới thiệu khá đầy đủ, trung thực, đượm đầy tình thương người cha đã mất không để lại một dấu vết từ hơn nửa thế kỷ qua….

Tôi thật lòng cảm ơn tác giả, Bà Trần Mỹ Châu, đã gởi cho một tác phẩm, khi đọc, tôi có cảm tưởng như mình bỗng trở thành người của thời cuộc Việt Nam những năm trước và sau Đệ nhị Thế chiến bởi bị cuốn theo, không kịp ý thức, những biến cố lịch lịch sử do tác giả dẫn lại quá rõ ràng bằng những tài liệu đầu tay giá trị.
.

Trích bài tham luận của Luật sư Trần Thanh Hiệp

nhơn dịp ra mắt sách tại Sceaux ngày 14/06/ 2014

Quyển sách « Trần Văn Thạch, Cây bút chống bạo quyền áp bức » ra đời đúng lúc, vì Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Ý thức hệ cộng sản dưới chế độ xã hội gọi là chủ nghĩa tại Việt Nam đã và vẫn còn đang chà đạp giá trị con người. …

Từ hơn nửa thế kỷ trước, đất nước bị người Pháp đô hộ, Trần Văn Thạch đã anh dũng tranh đấu cho giá trị con người Việt Nam tại miền Nam thuộc địa. Khi cả nước được đặt dưới quyền cai trị của tập đoàn cầm quyền người bản địa, ông vẫn tiếp tục tranh đấu. Ông đã ngã xuống vì đấu tranh cho một cuộc sống lành mạnh, văn minh, độc lập, tự do. Chúng ta ghi nhớ sự nghiệp và sự hy sinh của ông. Chúng ta nhận lãnh trước lịch sử sứ mạng thực hiện viêc thay thế ý thức hệ bệnh hoạn đó bằng văn hoá chính trị lành mạnh. Càng sớm càng tốt. ..
.

Trích bài tham luận của Ông Vũ Thư Hiên

nhơn dịp ra mắt sách tại Sceaux ngày 14/06/ 2014

Lịch sử cận đại VN đầy rẫy bi kịch….Nhưng lịch sử Việt Nam không phải chỉ có những bi kịch lớn ấy. Bên cạnh chúng còn nhiều bi kịch bị quên lãng. Những bi kịch này sẽ chìm nghỉm trong dòng đời, sẽ mai một hoàn toàn, nếu như không có những ngòi bút rỉ máu xuống những trang giấy để chúng vĩnh viễn tồn tại, để cho hậu thế được biết về chúng, ngõ hầu tránh những lặp lại trong tương lai.

Hận thù có thể xóa bỏ, nhưng tội ác thì không được quên. Tội ác được quên lãng sẽ quay lại, chắc chắn là thế…

Trong ý nghĩa ấy, tôi chào mừng và cảm ơn sự ra đời của cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay của tác giả Trần Mỹ Châu với sự cộng tác của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến. Trong cuốn này người đọc sẽ thấy được dù chỉ một mảnh vỡ nhỏ nhoi trong tấn bi kịch ít được biết đến nhất, cũng là tấn bi kịch bị xuyên tạc nhiều nhất, là tấn bi kịch của nhóm nguời yêu nước mang tên "những người trotskistes Việt Nam". ..

Do sự che giấu và bóp méo lịch sử của ngành tuyên truyền dối trá, thế hệ trẻ hôm nay hầu như không biết đến những chiến sĩ anh hùng ấy: Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lương Đức Thiệp... và rất nhiều người khác nữa.

Mà chẳng cứ thế hệ trẻ, ngay thế hệ chúng tôi, những người đã già, cũng chẳng biết bao nhiêu về tấn bi kịch xảy ra cho họ. Nếu có ai gọi là biết thì đó là sự biết sai lạc qua những tài liệu giả mạo.

Bi kịch của một cá nhân lớn không kém bi kịch của một đám đông. Hơn bi kịch của đám đông, nó được cảm nhận rõ ràng hơn, đau đớn hơn. 

Một lần nữa, tôi nói lời cảm ơn tác giả và những ngưòi đã góp sức cho việc ra đời cuốn sách về một người con xứng đáng của nước Việt: Trần Văn Thạch.

Vì thế mà cuốn sách của tác giả Trần Mỹ Châu lại càng có ích. Nó bổ xuyết cho lỗ hổng kiến thức về lịch sử. Nó chiêu tuyết cho những tên tuổi bị bôi nhọ.
.

Trích bài điểm sách của nhà văn/ nhà biên khảo lịch sử Võ M. Nghĩa

Đăng trên Tạp chí online Sacei (Saigon Arts, Culture &Education Institute, California)

số 65, tháng 3, 2014:

Hy vọng rằng tác giả một ngày kia sẽ gửi đên chúng ta bản tiếng Anh để cho giới nghiên cúu người Việt hải ngoại cũng như phương Tây tiếp cận được tài liệu lịch sử phong phú này (tạm dịch từ nguyên văn tiếng Anh.)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.