Hôm nay,  

Nguyên Nhân Thất Bại Của Cuộc Hành Quân Giải Cứu Nhà Báo James Foley

06/09/201400:00:00(Xem: 4147)
1* Mở bài

Vào lúc nửa đêm ngày 4-7-2014, cuộc hành quân đặc biệt để giải cứu phóng viên James Foley và những con tin khác đã được thực hiện trên lãnh thổ Syria.

Tổ chức hết sức chu đáo. Phương tiện hùng mạnh. Chiến sĩ vô cùng tinh nhuệ và chuyên nghiệp…nhưng cuộc hành quân thất bại vì thiếu tin tức tình báo chính xác.

Hoa Kỳ không có hệ thống điềm chỉ chân rết trên đất nước Syria giống như ở Pakistan trong cuộc đột kích triệt hạ trùm khủng bố Bin Laden vào ngày 2-5-2011 ở Abbottabad, Pakistan.

Phi cơ dọ thám không người lái không có điều kiện hoạt động 24/24 trên không phận Syria vì bị đe dọa bởi hệ thống phòng không của chính quyền Bashar al-Assad và của cả quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Thiếu tin tức chính xác vì quân khủng bố luôn luôn di chuyển con tin đến những địa điểm bí mật khác nhau.

Tóm lại cuộc đột kích giải cứu con tin không thành công vì thiếu tin tức tình báo chính xác.

Cuộc đột kích và việc từ chối trả tiền chuộc và trao đổi tù nhân của chính phủ Mỹ dẫn đến việc phóng viên James Foley bị cắt cổ, đã gây chấn động cả thế giới.

2* Cuộc hành quân giải cứu nhà báo James Foley

2.1. Cuộc hành quân

Cuộc hành quân đặc biệt giải cứu phóng viên James Foley và những con tin khác đã được tổng thống Obama phê chuẩn. Lực lượng hành quân gồm có các binh chủng: Lữ đoàn không vận đặc biệt số 160, các phi cơ quân sự, trực thăng và phi cơ không người lái. Biệt kích Delta và Đội 6 của biệt kích hải quân SEALs.6

Mục tiêu tấn công là đột kích vào một doanh trại mang tên Bin Laden thuộc thành phố Raqqa, miền đông nước Syria. Thành phố nầy nằm trong khu vực do nhóm Nhà nước Hồi giáo (NN/HG) (IS=Islamic State) kiểm soát, là nơi mà tình báo Mỹ cho rằng các con tin bị giam giữ.

Vào lúc sau nửa đêm ngày 4 tháng 7 năm 2014, chiếc trực thăng Black Hawk thả 20 biệt kích xuống thị trấn nhỏ tên Akrishi nằm sát thành phố Raqqa.

Vừa chạm mặt đất, đội đặc nhiệm gặp ngay hỏa lực phòng không dữ dội nhắm vào họ. Toán biệt kích chống trả quyết liệt và đã tiêu diệt các ổ hỏa lực của phiến quân.

Washington xác nhận có nhiều tay súng của nhóm Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt. Phía biệt kích có một binh sĩ bị thương nhẹ khi súng phòng không của phiến quân tấn công vào các trực thăng.

Trước khi rút lui, toán đặc nhiệm phóng hỏa đốt doanh trại của quân thánh chiến.

Cuộc hành quân thất bại vì các con tin đã được di chuyển đến một địa điểm bí mật khác.

2.2. Vì sao cuộc hành quân thất bại?

2.2.1. Biệt kích Delta và biệt kích hải quân SEALs. 6

Biệt kích Delta là lực lượng biệt kích hàng đầu của lục quân Hoa Kỳ. Họ thường đảm trách những cuộc hành quân nguy hiểm ở sâu trong lòng địch.

Biệt kích hải quân SEALs.6 (SEAL TEAM SIX - SEAL=Sea, Air and Land Team 6) nổi danh khắp thế giới sau vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden ngày 2-5-2011 ở Abbottabad, Pakistan.

blank
Hình ảnh về cuộc thánh chiến.

2.2.2. Về con tin

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, một tổ chức độc lập ở Mỹ ước tính có khoảng 24 nhà báo người Mỹ và các quốc gia khác đã bị bắt cóc và giam giữ ở Syria, trong đó có phóng viên Mỹ là Steven Sotloff, người đã xuất hiện ở đoạn cuối video clip hạ sát James Foley.

2.2.3. Nhóm khủng bố đoán trước vụ tấn công của Mỹ

1). Nguồn tin thân cận nhóm Nhà nước Hồi giáo tiết lộ

Nguồn tin từ người thân cận nhóm NN/HG tiết lộ, nhóm nầy đã dự đoán sẽ có cuộc tấn công của Mỹ để giải cứu tù nhân vì tai mắt của họ ở Thổ Nhỉ Kỳ đã thấy những người Mỹ tiến hành việc dò tìm tin tức về các con tin, ở thành phố Antakya, Thổ Nhỉ Kỳ, cách biên giới Thổ-Syria 20 km.

Phương thức thu thập tin tức tình báo nầy có thể không đúng sự thật, vì tình báo Mỹ không vụng về đến nổi dùng người Mỹ chính gốc đi tiếp xúc với dân địa phương một cách công khai để moi tin tức.

Ông Rami Abdelrahman, người đứng đầu tổ chức giám sát nhân quyền ở Syria cho biết, trước thời điểm xảy ra cuộc đột kích thì nhân viên trong tổ chức của ông đã nhận được những thông báo từ nguồn tin thân cận của NN/HG, cho biết Hoa Kỳ có thể đột kích khu vực.

2). Nhóm Nhà nước Hồi giáo luôn thay đổi địa điểm giam giữ con tin

Trong việc thương lượng chuộc phóng viên James Foley, ông Philip Balboni, giám đốc báo Global Post đã bỏ ra hàng triệu đô la thuê một công ty an ninh có nhiều liên hệ với NN/HG để đưa Foley về nhà. Qua những cuộc tiếp xúc, công ty nầy xác định được vị trí giam giữ Foley và bám sát, vì thế Foley và những con tin khác được chuyển đến nhiều địa điểm bí mật khác.

Hơn nữa, nhóm NN/HG nầy chuyên bắt cóc nhà báo làm con tin để tống tiền và cứ mỗi lần một con tin được thả thì những con tin khác phải chuyển đến chỗ khác.

Do đó, rất khó phát hiện nơi giam giữ các con tin.

2.3. Nguyên nhân thiếu tin tức tình báo chính xác.

1). Mỹ chưa có hệ thống tình báo ở Syria

Theo giải thích của ông Michael Robin, thuộc Trung tâm Tư vấn American Enterprise Institute, Washington, thì CIA và tình báo quân đội Mỹ đã không xây dựng được một hệ thống chân rết ở hạ tầng cơ sở của Syria.

Ở Pakistan thì các gián điệp Mỹ dựa vào mạng lưới chỉ điểm để có tin tức chính xác về chỗ ở của Osama bin-Laden, thế nhưng ở Syria tình báo Mỹ chưa có một mạng lưới cộng tác viên bao trùm lên cả nước theo như kiểu ở Pakistan.

2). Bị hạn chế về việc xử dụng máy bay trinh sát không người lái.

Tại Iraq, Afghanistan, Pakistan, Yemen, Hoa Kỳ dùng phi cơ không người lái (drone) để phát hiện và theo dõi phiến quân, nhưng bầu trời Syria không cho phép những chiếc drone hoạt động liên tục suốt ngày đêm vì bầu trời Syria có hỏa tiễn phòng không đáng ngại đối với những chiếc drone của Mỹ. Ngoài lực lượng phòng không của Bashar al-Assad, phe NN/HG cũng có thể bắn hạ những chiếc drone của Mỹ vì họ đã có hỏa tiễn chiếm được của Iraq. Mặc dù NN/HG là kẻ thù của Al-Assad và của Hoa Kỳ, nhưng không có gì bảo đảm cho việc phi cơ không người lái hoạt động tự do trên không phận Syria để triệt hạ tổ chức khủng bố nầy.

Ở Syria, CIA đã có huấn luyện một số chiến binh cho nhóm Hồi giáo ôn hoà, nhưng số đó quá ít.

Theo ông Robin, những đồng minh của Mỹ như Qatar, Thổ Nhỉ Kỳ lại không tích cực chia xẻ tin tức tình báo cho Hoa Kỳ vì dân của họ là người Á Rập Hồi giáo.

blank
Hình ảnh về cuộc thánh chiến.

3* Phóng viên James Foley bị bắt cóc

Ngày 22-11-2012, phóng viên James Foley cùng với người thông dịch bị bắt ở gần thị trấn Taftanaz, phía tây bắc Syria, khi họ đang trên đường đi đến biên giới Thổ Nhỉ Kỳ. Ít lâu sau đó, người thông dịch được phóng thích.

Cuối tháng 11 năm 2012, gia đình Foley đã liên lạc được với kẻ bắt cóc nhưng cuộc đối thoại đã chấm dứt đột ngột ngay khi vừa mới bắt đầu. Đó chỉ là thông báo cho gia đình biết là James Foley đang nằm trong tay họ, khởi đầu cho những điều kiện thương lượng kế tiếp theo sau.

Mãi tới 6 tuần lễ sau, tháng 1 năm 2013, gia đình Foley mới thông báo là James đã bị bắt cóc.

Tháng 9 năm 2013 gia đình Foley mới biết được James còn sống. Đó là một thanh niên người Bỉ sang Syria chiến đấu trong nhóm Nhà nước Hồi giáo (NN/HG) chống lại chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad. Thanh niên nầy đã kết bạn với với James Foley, và khi trở về Bỉ đã cung cấp tin tức vô cùng quan trọng nói rõ về nơi bị bắt, nơi giam giữ và do ai bắt.

Người cha, ông John Foley cho biết “Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết chắc James còn sống và cũng là khoảnh khắc tuyệt vời của gia đình chúng tôi”

4* Những thơ điện tử

4.1. Email ra điều kiện thả James Foley

Theo NBC News thì có rất nhiều email phát xuất từ những địa chỉ không thể dò ra được, đã gởi tới gia đình con tin trong suốt năm 2013. Đến tháng 10 năm 2013 thì mất liên lạc.

Những email đó đã được chuyển đến FBI.

Một tháng sau, tháng 11/2013 email gởi tới ông bà Foley đưa ra hai điều kiện để James được thả ra là, gia đình và báo Global Post phải trả tiền chuộc là 100 triệu euro (132 triệu USD), và chính quyền Mỹ phải thả ngay một số tù nhân Hồi giáo, không nêu danh tánh.

Giám đốc Global Post, ông Philip Balboni cho biết đã trả nhiều triệu đô la để thuê một công ty an ninh có ảnh hưởng với NN/HG để chuộc Foley về.

Tháng 9 năm 2013, công ty an ninh đã xác định được vị trí giam giữ Foley và bám theo sát, vì thế Foley được chuyển đến nhiều nơi giam giữ khác nhau.

Khi chính phủ Mỹ từ chối trả tiền chuộc và trao đổi tù nhân thì cuộc đàm phán chất dứt ngay.

Ông Philip Balboni cho rằng đòi hỏi những điều kiện như thế là một canh bạc quá mạo hiểm không ai có khả năng tham gia vào. Một chuyên viên am tường thời cuộc nêu nhận xét “Yêu cầu nầy không phải là một yêu cầu thực tế bởi vì tiền chuộc thông thường chỉ vào khoảng từ 2 đến 4 triệu euro mà thôi”.

Ngày 12-8-2014, gia đình Foley nhận được một email của nhóm bắt cóc nói rằng:

- Chính phủ Mỹ từ chối trả tiền chuộc.

- Từ chối đàm phán trao đổi tù nhân.

- Cho biết không có lý do gì để thương lượng, ngoài vũ lực.

- Nhà nước Hồi giáo sẽ cắt đầu Foley để trả thù việc Mỹ ném bom vào họ ở Iraq.

4.2. Vài nét tổng quát về James Foley

Nhà báo Mỹ James Foley

James Wright Foley (18-10-1973 – 19-8-2014), 41 tuổi, sinh tại Rochester, New Hampshire. Con ông bà John và Diane Foley. Tốt nghiệp cao học nghệ thuật (nhà văn, nhà thơ) ở Đại học Massachusetts (2003), Đại học báo chí Medill (2008). Foley thường nói: “Nếu không có báo chí tiền tuyến thì chúng ta không thể nói cho thế giới biết là chiến tranh tồi tệ như thế nào” (James Foley)

blank
Hình ảnh về cuộc thánh chiến.

5* Video cắt cổ nhà báo Foley tiết lộ vô số tin tức về tên sát thủ

5.1. Cảnh cắt cổ phóng viên James Foley

Ngày 12-8-2014, cha mẹ phóng viên Foley nhận được email của những kẻ bắt cóc nói rằng:

Chính phủ Mỹ từ chối trả tiền chuộc, từ chối đàm phán trao đổi tù nhân, và không có lý do gì để thương lượng với người Hồi Giáo, ngoại trừ thông qua vũ lực. Tác giả của những email cho biết họ sẽ trả thù những vụ đánh bom của Mỹ ở Iraq bắt đầu từ việc giết chết James Foley.

Một nguồn tin thân cận gia đình Foley cho biết gia đình nầy đã (quyên góp) sẵn sàng trả khoản tiền chuộc để giải thoát Foley, dù có vi phạm luật Hoa Kỳ.

Đến ngày 19-8-2014, nhóm khủng bố đưa lên Youtube một video clip dưới tên “Một thông điệp cho America”. Clip video nầy nhanh chóng bị xoá nhưng nó vẫn tiếp tục lan truyền trên những trang mạng và được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau khi xác của Foley được nêu rõ, người đàn ông đeo mặt nạ cho biết rằng nhóm Hồi giáo của họ hiện còn đang giam giữ một nhà báo Mỹ khác tên Steven Joel Sotloff, cộng tác viên của tạp chí Time, Foreign Policy và Christian Science Monitor, nói rằng nhà báo nầy sẽ bị giết nếu tổng thống Obama không ngừng các cuộc tập kích chống lại “Nhà nước Hồi giáo”.

Ngày 21-8-2014, đài truyền hình NBC (National Broadcasting Company) đưa tin về một đoạn video trên Youtube dài 5 phút, mô tả cảnh cắt cổ nhà báo Mỹ James Foley do nhóm khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo thực hiện.

Nhà báo Foley mặc quần áo màu cam đậm, ở tư thế quỳ gối, tay bị trói ra sau lưng, đầu cạo trọc, ngực gắn một micro nhỏ dây màu đen.

Đứng bên cạnh là sát thủ thân thể hoàn toàn phủ kín bằng quần áo màu đen, chỉ chừa hai mắt và phần trên của sóng mũi.

Tay phải sát thủ nắm áo sau lưng của Foley, tay trái cầm con dao ngắn, vai anh ta có sợi dây da của bao súng bên hông trái.

Đài NBC đưa tin, nhà báo James Foley bị bắt buộc phải đọc một bản tuyên bố chống Mỹ và bị cắt cổ ngay sau khi chấm dứt câu “Mỹ mới chính là kẻ giết người”. Tên sát thủ tuyên bố, việc xử tử Foley là để trả đũa các vụ không kích của Mỹ đánh vào nhóm “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq.

Phân tích đoạn video. Hình ảnh và âm thanh rất rõ nét cho thấy được thực hiện bằng những thiết bị chất lượng cao và bởi những tay chuyên nghiệp.

Mặc dù cố tình quay quang cảnh trống trải ở phía sau chỉ thấy bãi cát và bầu trời, tuy nhiên hình ảnh đơn giản đó đã cho những chuyên viên phân tích tình báo rất nhiều chi tiết rất hữu ích, để từ đó truy tìm ra kẻ sát nhân.

5.2. Phương pháp tìm ra hung thủ

Các chuyên viên phân tích tình báo xem xét giọng nói, y phục, bề cao, nước da và thuận tay trái khiến cho họ tin tưởng rằng họ có thể xác định hung thủ là ai.

Bà Elizabeth McClelland, chuyên viên pháp y về giọng nói cho biết, giọng nói của sát thủ là giọng của người Nam London, tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, nhưng chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Farsi điều nầy gợi ý có liên hệ gia đình với người Afghanistan.

Bà McClelland cho biết thêm, các chuyên viên của cảnh sát MI5 và tình báo MI6 của Anh dùng software vi tính đối chiếu giọng nói trong video với giọng nói được lưu trữ trong hồ sơ cá nhân của những nghi can để tìm thủ phạm. Khi hai tần số trùng lên nhau thì có thể nhận ra thủ phạm.

Các nhà phân tích nghe giọng nói của đối tượng, cách nhấn trọng âm, độ dài âm tiết, cũng như chất giọng và cách xử dụng ngữ pháp.

Trên thực tế mỗi người có một giọng nói riêng, không ai giống ai cả. Khi ngưởi ta nghe nhiều lần, nghe quen tiếng của người nói, và sau đó chỉ nghe giọng nói quen cũng biết người đó là ai. Ví dụ như tiếng của tổng thống Clinton, của Tổng thống Bush (cha) hay nghe tiếng Kỳ Duyên, Nguyễn Ngọc Ngạn thì biết là ai mà không cần phải thấy hình.

Trong tiếng Việt, dễ phân biệt người nói giọng Nam, giọng Bắc, tiếng của người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau, Sóc Trăng…

Về chiều cao của sát thủ được ước lượng bằng cách so sánh tư thế quỳ của Foley với tư thế đứng của tên sát nhân. Hung thủ cầm dao tay trái cho biết hắn là người thuận tay trái.

Đối chiếu những chi tiết thu thập được nghi can được biết là một cựu ca sĩ nhạc rap của Anh tên là Bary.

5.3. Lý lịch hung thủ

Abdel-Majed Abdel Bary, 23 tuổi sinh ở London thường được gọi là John, đã bỏ nhà sang Syria gia nhập nhóm khủng bố năm 2013. Quyết tâm “Toàn tâm phục vụ cho thánh Allah”. Cũng trong năm nầy, Bary đã đăng lên trang mạng xã hội Twitter tấm hình của chính anh ta, tay trái cầm cái thủ cấp. Bary có giọng nói, màu da, chiều cao phù hợp với người mang mặt nạ cắt cổ Foley trên video. Thế thì thủ phạm chính là hắn.

Đài NBC cho biết thêm, người cha của Bary từng bị dẫn độ từ Anh sang Mỹ vì có liên lạc chặt chẽ với Bin Laden và cũng là người tham gia vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở châu Phi năm 1998.

5.4. Nhà báo Mỹ thứ hai bị cắt cổ

1). Hình ảnh bị cắt cổ

Ngày 2-9-2014, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã đưa ra một video clip dài hai phút rưởi về hình ảnh cắt cổ nhà báo Mỹ thứ hai là Steven Joel Sotloff, được xem như một thông điệp thứ hai gởi cho nước Mỹ, yêu cầu ngưng không kích vào lực lượng của họ ở Iraq.

Tên sát thủ còn đưa ra lời đe dọa sẽ cắt đầu người kế tiếp tên là David Haines, người Anh, được báo Washington Post cho rằng đó là một nhân viên cứu trợ bị bắt cóc hồi tháng 8 năm 2013.

Báo chí đưa tin, Steven Sotloff bị buộc phải đưa ra một tuyên bố chống Mỹ. Ông nói: “Tổng thống Obama. Chính sách đối ngoại can thiệp vào Iraq của ông được cho là để bảo vệ mạng sống và lợi ích của người Mỹ. Vậy tại sao tôi phải bị trả giá cho sự can thiệp của ông. Tôi không phải là công dân Mỹ sao?”

2). Lời đe dọa của sát thủ

Tiếp theo, tên sát thủ bịt mặt đưa ra lời đe dọa: “Chừng nào tên lửa của các ông còn tiếp tục không kích người của chúng tôi thì lưỡi dao của bọn tôi sẽ còn lướt trên cổ người của các ông”.

3). Người mẹ xin tha mạng cho con

Bà Shirley Sotloff, mẹ của Steven lên truyền hình xin tha mạng cho con.”Tôi xin các ông hãy thả con tôi. Là một người mẹ tôi xin các ông hãy thương tình và đừng trừng phạt con trai tôi về những việc mà nó không có quyền quyết định. Xin các ông, với quyền hạn của mình, mà tha mạng cho nó”.

Sát thủ tay trái tên Abdel-Majed Abdel Bary đã lộ diện, trước sau gì cũng sẽ chịu số phận giống như trùm khủng bố Osamar Bin-Laden mà thôi.

Tình báo Anh và Mỹ đang ráo riết truy tìm tên khủng bố có máu lạnh nầy.

6* Đề nghị trao đổi tù nhân

6.1. Tù nhân “Lady Al Qaeda”

Aafia Siddiqui, một trong 7 tên khủng bố bị tầm nã

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đề nghị đóng tiền chuộc mạng cho nhà báo Foley là 100 triệu euro (132 triệu USD) đồng thời trao đổi Foley với một nữ tù mà chúng gọi là “Lady Al Qaeda”. Lady Al Qaeda tên thật là Aafia Siddiqui sinh ngày 2-3-1972 tại Karachi, Pakistan. Năm 1990 vào Mỹ dưới diện nhập cảnh visa sinh viên, theo học ở Đại học University of Houston, Texas, trong ba tam cá nguyệt. Khi nhận được học bổng toàn phần của đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology). Năm 2001, lấy bằng tiến sĩ thần kinh học tại đại học Brandeis University.


Năm 2003, ly dị chồng trở về Pakistan nhận nhiệm vụ phụ trách tài chánh của tổ chức Al Qaeda. Năm 2004, FBI đưa tên bà nầy vào danh sách 7 tên khủng bố bị tầm nã. Bà cùng 3 đứa con biến mất suốt 5 năm.

Tháng 7 năm 2008, Siddiqui bị cảnh sát Afghanistan bắt với nhiều tài liệu viết tay và tài liệu được lưu vào thẻ nhớ máy vi tính, về việc chế tạo bom bẫn chứa virus Ebola và các vũ khí hóa học giết người hàng loạt, chế tạo một máy diệt phi cơ không người lái…

Tháng 2 năm 2010, bồi thẩm đoàn kết án 86 năm tù, bị giam ở một trung tâm y tế liên bang tên Carswell, Texas, một nhà tù dành cho nữ phạm nhân cần điều trị tâm thần.

6.2. Trao đổi tù nhân

Tổng thống Obama đã từng trao đổi 5 tù nhân Taliban để đổi lấy một quân nhân đào ngũ tên Bowe Bergdahl, được thả ngày 31-5-2014. Vụ việc nầy bị nhiều chỉ trích và tranh cãi lớn.

Với trường hợp của phóng viên James Foley chính quyền Obama quyết định thực hiện một cuộc hành quân táo bạo giải cứu Foley vào tháng 7 năm 2014.

Tuy nhiên cuộc hành quân thất bại vì các tù nhân con tin đã được chuyển đến vị trí khác.

7* Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo

7.1. Vương quốc Hồi giáo

Người Hồi giáo dùng thánh chiến làm cuộc cách mạng để lập ra vương quốc Hồi giáo chính thống, với khẩu hiệu đấng Allah là mục tiêu, nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, kinh Koran là Hiến pháp, luật đạo Hồi Sharia là luật pháp. Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là thể hiện lòng trung thành. Vì thế họ là những người cuồng tin và cực đoan, sẵn sàng dùng bom tự sát giết người hàng loạt để đạt mục đích.

Ngày 29-6-2014, lực lượng thánh chiến Hồi giáo tuyên bố thành lập quốc gia xem như một đế chế và thủ lãnh mới tên Abu Bakr al-Baghdadi là ông vua nước nầy.

Vương quốc nầy trải dài từ tỉnh Aleppo, bắc Syria, đến tỉnh Diyala ở phía đông Iraq.

Trên video truyền hình, họ kêu gọi tất cả những người Hồi giáo hãy thề trung thành với người lãnh đạo mới. Vương quốc nầy tuyên bố giáo quyền Hồi giáo sẽ được áp dụng cho tất cả những người Hồi giáo trên thế giới. Bác bỏ ảnh hưởng về dân chủ và những “rác rưởi” của Tây phương và cả Thiên Chúa giáo.

Họ cũng chủ trương áp đặt quyền kiểm soát chính trị trong những vùng lãnh thổ có người Hồi giáo ở Trung Cận đông, bắt đầu từ Jordan, Do Thái, Palestine, Li Băng, Cyprus và một khu vực Hồi giáo ở Nam Thổ Nhỉ Kỳ.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (NN/HG) nầy bị các quốc gia như Mỹ, Anh Quốc, Canada, Úc, Indonesia, Saudi Arabia, và cả LHQ cho là một nhóm khủng bố.

7.2. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo phát triển rất nhanh

1). Lực lượng phe thánh chiến phát triển rất nhanh

Vào chiếm thành phố

Thành công của NN/HG ở Iraq là chiếm được thành phố lớn thứ hai là Mosul và tiến sát đến thủ đô Baghdad. Nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq là Baiji cũng đã lọt vào tay của phiến quân, họ cũng chiếm những cửa khẩu với Syria và Jordan khiến cho người ta nghĩ là lực lượng nầy rất hùng mạnh.

Tháng 6 năm 2014, tờ The Economist cho rằng NN/HG có thể lên tới 6,000 tay súng chỉ riêng ở Iraq, và từ khoảng 3,000 đến 5,000 ở Syria. Trong đó có 3,000 người nước ngoài, gồm có khoảng 1,000 người đến từ Chechnya và 500 người đến từ Mỹ, Pháp, Anh và một số nước khác ở châu Âu.

Về phía NN/HG họ tuyên bố có 4,000 tay súng ở Iraq. Đến tháng 8 năm 2014 quân số của họ nhanh chóng tăng lên đến 30,000 ở Iraq, và 50,000 ở Syria.

Chiến thắng của lực lượng thánh chiến cho thấy sự yếu kém của quân đội Iraq cũng như chính sách sai lầm của Thủ tướng Nouri Al-Maliki.

2). Quân đội Iraq không muốn chiến đấu

Mỹ đã trang bị các loại vũ khí trị giá hàng tỷ đô la cho quân đội Iraq nhưng vấn đề là ở chỗ quân đội nầy không muốn chiến đấu, lý do là thủ tướng Maliki chỉ bổ nhiệm những người trung thành chớ không phải là những người có khả năng vào đội ngũ các tướng lãnh và những quan chức cao cấp. Tệ hơn nữa, sự phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo theo hệ phái Sunni đã làm mất đi tinh thần chiến đấu của những binh sĩ thuộc hệ phái nầy. Binh sĩ Sunni không muốn chiến đấu để bảo vệ chính phủ và các lãnh đạo Shiite.

7.3. Tổ chức cai trị ở vùng chiếm đóng

Trong các vùng kiểm soát NN/HG áp dụng chương trình quyền lực mềm bao gồm việc thực hiện các dịch vụ xã hội, tôn giáo cụ thể là những bài giảng về việc cải đạo để gia nhập hệ phái Sunni. Thực hiện các công việc dân sự như sửa chữa đường sá giao thông, duy trì việc cung cấp điện và nước, mở cửa trường học và bịnh viện. Bắt lính và thẳng tay trừng trị những người chống đối thuộc hệ phái Shiite.

7.4. Ai hỗ trợ tài chánh cho Nhà nước Hồi giáo?

Giữa năm 2014, tình báo chính phủ Iraq cho biết tài sản của tổ chức nầy lên tới 2 tỷ USD, nhiều nhất so với những tổ chức khủng bố khác trên thế giới.

Nguồn tài chánh thu được từ số tiền chuộc các con tin, từ sự tài trợ của các tư nhân và các tổ chức Hồi giáo phi chánh phủ. Tiền thu nhập qua việc xuất cảng dầu thô ở những mỏ dầu trong vùng họ kiểm soát, hiện nay thu được 2 triệu đô la mỗi ngày, 730 triệu mỗi năm. Khi chiếm được thành phố Mosul họ cướp tiền ở các ngân hàng và tài sản của những doanh nghiệp về vàng bạc.

Tại các vùng do họ kiểm soát, những con đường buôn lậu và những tài xế xe tải chở dầu thô đến Jordan, Thổ Nhỉ Kỳ, và Syria đều phải đóng thuế cho họ.

Trước kia, hai quốc gia viện trợ tích cực cho tổ chức nầy trong phe nổi dậy chống chế độ độc tài của Bashar al-Assad là Saudi Arabia và Qatar, nhưng từ khi tổ chức nầy thành lập nhà nước Hồi giáo chính thống, chủ trương triệt hạ những phe Hồi giáo ôn hòa thân Tây phương thì hai quốc gia nầy hạn chế lại việc tài trợ cho NN/HG nầy.

8* Tổng quát về thủ lãnh Abu Bakr al-Baghdadi

Abu Bakr al-Baghdadi sinh năm 1971 tại thành phố Samarra, Iraq. Đã nhận bằng cử nhân, cao học và tiến sĩ ở đại học Hồi giáo The Islamic University of Baghdad.

Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ông nầy bị lực lượng Mỹ-Iraq giam giữ từ tháng 5/2004 đến năm 2009.

Ngày 16-5-2010, Al-Baghdadi giữ vai trò lãnh đạo của NN/HG sau cái chết của người tiền nhiệm Abu Omar al-Baghdadi trong một trận phục kích.

Từ tháng 3 đến tháng 4/2011 ông nầy cho thực hiện 23 cuộc tấn công vào quân chính phủ Iraq. Từ tháng 5 đến tháng 8/2011 lực lượng NN/HG đã tổ chức trên 100 vụ tấn công vào quân chính phủ bằng đánh bom tự sát, bom vệ đường và phục kích làm chết hàng trăm quân chính phủ.

Ngày 5-7-2014, một đoạn video cho thấy al-Baghdadi đang thuyết giảng tại nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở thành phố Mosul mà họ chiếm được.

9* Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda.

Đài CNN phổ biến một số tài liệu cho thấy tổ chức khủng bố nầy là mối đe dọa về an ninh đối với phương Tây còn to hơn Al-Qaeda nhiều. Các nhà phân tích khẳng định sức mạnh quân sự của NN/HG vượt trội hơn cả Al-Qaeda.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf, đưa ra đề nghị, cần phải tiêu diệt các thủ lãnh NN/HG và phải chận đứng nguồn cung cấp tài chánh cho tổ chức khủng bố nầy. Tổng thống Pháp, François Hollande, cũng nêu đề nghị là Tây phương cần phải có một chiến lược cụ thể và toàn diện chống lại họ vì tổ chức nầy không những chi đe dọa Iraq hay Syria mà cả Li Băng và các quốc gia trong khu vực.

9.2. Những thách thức mà Tây phương phải đối phó

1). Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo có lãnh thổ rộng lớn

Chỉ trong vòng 8 tháng mà NN/HG đã kiểm soát một vùng rộng lớn phía tây và phía bắc Iraq, kế đó mở rộng trên khu vực phía bắc Syria. Vùng lãnh thổ nầy rộng hơn diện tích của nước Jordan (91,880km2). Đồng thời kiểm soát các thành phố lớn ở Iraq và Syria cùng các giếng dầu trong khu vực.

Vũ khí của họ rất đầy đủ do chiếm đoạt các kho vũ khí ở những nơi chiếm đóng trên lãnh thổ Iraq và Syria.

2). Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nầy có nhiều tiền, nhân lực và vũ khí đầy đủ.

Chỉ trong vòng tháng 7 năm 2014 NN/HG đã chiêu một được hơn 6,300 tay súng với 80% là người Syria và phần còn lại là người nước ngoài.

Chính phủ Mỹ cho biết họ có tổng cộng 15,000 tay súng, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng trên thực tế con số to hơn gấp ba lần.

Một số lớn những tay súng ngoại quốc đến từ Chechnya, Úc, châu Âu. Washington ước tính có khoảng hàng chục công dân Mỹ gốc Á Rập Hồi giáo trong hàng ngũ đó.

3). Hành vi vô cùng tàn bạo và dã man

Giới quan sát ghi nhận hành vi của nhóm Hồi giáo thánh chiến cực đoan nầy vô cùng tàn bạo đối với kẻ thù. Nhóm nầy thường xuyên chặt đầu binh lính chính phủ Syria và xử tử những người thuộc hệ phái Shiite của chính phủ Iraq.

Tổ chức theo dõi nhân quyền ước tính NN/HG đã xử tử hơn 700 thành viên các bộ tộc ở Syria.

Tuy nhiên NN/HG đã cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và bảo vệ an ninh cho người Sunni được xem là công dân của vương quốc Hồi giáo nầy.Tạp chí Foreign Policy nêu rõ họ cho phép các viên chức địa phương ở Iraq và Syria được tiếp tục giữ vị trí quản lý các bịnh viện, các cơ quan luật pháp ở những nơi mà đã chiếm giữ và kiểm soát.

4). Khuyết điểm của chính quyền Iraq

Giới quan sát cho biết chính những yếu kém của chính quyền Iraq là lý do khiến cho nhóm NN/HG tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của họ.

Cựu thủ tướng Nouri al-Maliki áp dụng chính sách phân biệt đối xử đàn áp người Sunni khiến họ nổi giận và chạy theo tổ chức thánh chiến NN/HG. Tân Thủ tuớng Haidar al-Abadi sẽ phải thực hiện nhiệm vụ hàn gắn sự chia rẻ giữa hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Shiite.

9.3. Vũ khí tối tân của lực lượng Nhà nước Hồi giáo

Các loại vũ khí mà nhóm khủng bố nầy đang xử dụng đã được lấy từ các kho dự trữ trên toàn quốc thời tổng thống Saddam Hussein. Đó là những vũ khí khá hiện đại. Số lượng vũ khí được gia tăng khi các tỉnh, thành phố lọt vào tay quân nổi dậy ở Syria và ở Iraq sau khi Mỹ rút quân. Những hỏa tiễn phòng không Stinger, hỏa tiễn chống xe tăng, súng phóng lựu M-79 và các loại vũ khí khác.

Họ cũng thu được các loại xe tăng T-54, T-55, xe humvee, và các loại xe bọc thép.

Hồi tháng 6 năm 2014, khi chiếm thành phố lớn Mosul lực lượng nầy chiếm thu các loại phi cơ như trực thăng hiện đại là UH-60 Black Hawk, phi cơ vận tải.

Tuy nhiên, theo ông Peter Baumont của báo The Guardian thì dường như họ không có khả năng xử dụng những loại vũ khí và phi cơ đó.

Khi tổ chức NN/HG chiếm thành phố Mosul họ đã thu giữ những tài liệu và nguyên liệu về hạt nhân đã được lưu giữ ở Đại học Mosul.

Trong bức thơ gởi cho ông TTK/LHQ Ban Ki-moon, đại sứ Iraq ở LHQ là ông Mohammed Alhakim cho biết các tài liệu và nguyên liệu hạt nhân đó “có thể được xử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Nhưng phát ngôn viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA=International Atomic Energy Agency), ông Gill Tudor cho biết những tài liệu đó thuộc về loại sơ cấp và họ không có chuyên viên hạt nhân nên không sản xuất vũ khí đó được, vì vậy không có sự đe dọa nào cả.

9.4* Nhóm nhà nước Hồi giáo muốn tấn công Mỹ

Năm 2009 Abu Bakr al-Baghdadi được Mỹ trả tự do, đã nói với các binh sĩ Mỹ một cách mỉa mai rằng: “Tôi sẽ gặp lại các ông tại New York”. Câu nói nầy gây lo ngại cho Mỹ, vì hồi cuối tháng 5/2014, một công dân Mỹ tên Moner Mohammad Abusalha đã thực hiện cuộc đánh bom tự sát ở Syria, đã gây lo ngại cho Tây phương và nhất là Hoa Kỳ, bởi vì có hàng ngàn thành viên NN/HG mang quốc tịch của các nước châu Âu và cả Hoa Kỳ nữa. Những công dân châu Âu nầy có thể mang hộ chiếu các nước của họ để vào nước Mỹ, kể cả những người mang quốc tịch Mỹ trở về nước để đánh bom tự sát. Vì thế, cuộc chiến chống khủng bố càng phức tạp hơn.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của NN/HG không những chỉ là Hoa Kỳ, mà còn là mâu thuẩn giữa NN/HG với Al-Qaeda, và giữa hai hệ phái Sunni và Shiite. Shiite đang nắm quyền cai trị tại Syria (Bashar al-Assad) và Iraq.

10* Những khó khăn làm hạn chế hiệu quả triệt hạ khủng bố

10.1. Về Syria

Hoa Kỳ hiện đang đối diện với hai thế lực làm cản trở khả năng triệt hạ NN/HG. Đó là chế độ độc tài của chính quyền Al-Assad và thế lực của nhóm NN/HG. Mỹ không thể dựa vào nhóm nầy để chống nhóm kia, vì cả hai đều coi Hoa Kỳ là kẻ thù. Hơn nữa, một trong hai thế lực chiến thắng hay bị tiêu diệt đều không mang lại một chế độ dân chủ, tự do cho người dân Syria, điều quan trọng là một chế độ chính trị nào sẽ lãnh đạo nước Syria sau khi một trong hai nhóm bị Mỹ tiêu diệt?

10.2. Về chính quyền Iraq

Chính quyền Iraq hiện tại rất yếu và sai lầm về chính trị trong việc kỳ thị người theo hệ Hồi giáo Sunni, cho nên đa số binh lính Sunni không muốn chiến đấu để bảo vệ chánh phủ và các lãnh đạo hệ phái Shiite. Do đó nhiều thành phố lớn bị rơi vào tay nhóm NN/HG.

Bộ Quốc Phòng Chuck Hagel nói không thể triệt hạ NN/HG bằng sức mạnh quân sự được mà cần phải cải cách chính trị nhắm vào sự đoàn kết xã hội bao gồm nhiều phe phái, vì bọn chúng biết kết hợp chủ thuyết tôn giáo để lôi cuốn người dân về với chúng.

11* Thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố

Một liên minh quốc tế sẽ giải tỏa được những khó khăn hiện tại mà Mỹ đang đối diện.

11.1. Vai trò quan trọng của các quốc gia Hồi giáo ôn hòa trong vùng Vịnh

1). Sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo đối với các quốc gia Hồi giáo ôn hòa

“Nhà nước Hồi giáo” (IS=Islam State) là chữ viết tắt của cái tên “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông” (ISIL=Islamic State of Iraq and the Levant)

Nhóm thánh chiến nầy đã tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) với chủ trương áp dụng giáo quyền và quyền chính trị lên người Hồi giáo trên toàn cầu, bắt đầu từ Jordan, Do Thái, Li Băng, Cyprus và phía nam Thổ Nhỉ Kỳ. Vương quốc nầy thanh lọc, loại trừ ảnh hưởng của Tây phương, Thiên chúa giáo, đồng thời diệt trừ những lãnh đạo phản Hồi giáo tại các nước thân Tây phương.

Chủ trương nầy trực tiếp đe dọa các quốc gia Hồi giáo ôn hòa, vì thế đúng lúc, đúng thời cơ để thuyết phục họ tham gia liên minh quốc tế mà Hoa Kỳ đã chủ trương.

Ngoại trưởng John Kerry đang đến Trung Đông thực hiện việc nầy.

2). Vai trò quan trọng của các quốc gia Hồi giáo ôn hòa ở Trung Đông

Trước sự đe dọa của NN/HG, các quốc gia Vùng Vịnh sẽ có thể tích cực hơn tham gia vào liên minh, nhưng sự vận động cũng cần nhiều thời gian.

Khi tham gia liên minh, những nước nầy sẽ bao vây, cô lập NN/HG, ngăn chặn nguồn tiếp tế tài chánh, và hợp tác, chia xẻ thông tin về tình báo để không kích chính xác.

Các phần tử cực đoan chỉ bị đánh bại khi nào những nhà nước có trách nhiệm và người dân của những nước đó đoàn kết chống lại chúng.

Người dân Á Rập Hồi giáo có khuynh hướng tôn vinh những lãnh tụ tôn giáo của họ, bao che giúp đỡ những chiến binh thuộc hệ phái đó, vì thế đó là một khó khăn khó vượt qua. Những chiến binh thánh chiến thường được các bộ tộc bao che, tiếp tế, hỗ trợ cụ thể như Pakistan đã bao che cho bin-Laden và các bộ tộc dọc biên giới Afghanistan đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Taliban, cũng như các bộ lạc ở Yemen đã bao che al-Qaeda ở nước họ.

12* Kết luận

Việc phổ biến cảnh cắt cổ những nhà báo Mỹ là hành động ngông cuồng, ngu xuẩn và sai lầm, đã không buộc được Mỹ phải ngừng không kích mà trái lại tự hại mình. Đó là thế giới thấy được sự dã man, tàn bạo khiến cho Tây phương sát cánh nhau chặt chẽ hơn trong việc triệt hạ khủng bố.

Việc tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo chính thống khiến cho các quốc gia ôn hòa chống lại tổ chức nầy. Tuyên bố sớm như thế chỉ là tự cô lập mình.

Hành động cắt cổ đe dọa không làm cho Mỹ thay đổi chiến lược chống khủng bố. Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ không run sợ và sẽ làm tất cả những biện pháp có thể để đưa tội ác ra công lý.

Bộ trưởng QP Mỹ, Chuck Hagel cho biết Mỹ đã có tọa độ của những căn cứ khủng bố trên nước Iraq. Lời tuyên bố ngắn gọn và đơn giản nầy cho thấy đó là một cảnh cáo thật sự đe dọa trầm trọng đối với nhóm cực đoan NN/HG.

Kế hoạch thành lập một liên minh chống khủng bố có thể dễ dàng đối với Tây phương, nhưng không dễ thuyết phục được các quốc gia Hồi giáo ôn hòa trong vùng Vịnh vì nước nào vũng có hai hệ phái đối nghịch nhau.

Trúc Giang

Minnesota ngày 5-9-2014

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.