Hôm nay,  

Kỷ Niệm Với Nhà Thơ Hữu Loan

30/08/201400:00:00(Xem: 2637)
Hai nhà thơ Hữu Loan và Hà Thượng Nhân là bạn cùng lứa tuổi và cùng xuất thân từ quê hương Thanh Hóa, nên rất gắn bó thân thiết với nhau. Hai ông vẫn xưng với nhau là “Mày/Tao” như cái hồi còn nhỏ tuổi có đến trên dưới 80 năm rồi. Ngày nay cả hai đã ở vào cái tuổi “cửu thập sắp sửa bước tới “bách tuế” rồi. Trước năm 1945, tại Thanh Hóa người ta vẫn gọi hai ông là Tú Loan (Nguyễn Hữu Loan), Tú Trinh (Hòang Sỹ Trinh = Phạm Xuân Ninh sau này) với sự trọng nể kính phục, vì vào thời đó những người có bằng Tú tài ở địa phương thì rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay được.

Sau 1954, thì Hữu Loan ở lại miền Bắc, còn Hà Thượng Nhân thì vào miền Nam. Và cả hai đều có sự nghiệp thơ văn đáng kể, mỗi người mỗi vẻ.Tôi có cái duyên được gần gũi quen biết với cả hai nhà thơ nổi danh này. Năm ngóai 2008, tôi đã viết về nhà thơ Hà Thượng Nhân, năm nay tôi xin viết về những kỷ niệm vui vui với nhà thơ Hữu Loan. Vì đã có nhiều tác giả phân tích chi tiết về các bài thơ của Hữu Loan, nên tôi sẽ không lạm bàn về lãnh vực văn chương thơ phú, mà chỉ ghi lại cái kỷ niệm riêng tư khó quên giữa nhà thơ và tôi ở Saigon vào năm 1988-89.

Sau năm 1975, qua Trương Hùng Thái (chú Thái) là một nhà thơ trẻ ở miền Nam, tôi có dịp gặp gỡ làm quen được với mấy nhà thơ ở miền Bắc như Trần Dần, Hữu Loan. Các bạn trẻ ở Saigon hay tổ chức những buổi sinh họat văn nghệ tại tư gia, vừa gọn gàng kín đáo mà lại vừa thân mật ấm cúng như trong phạm vi một gia đình. Anh Trần Dần hồi đó đã đau bệnh nên đi lại khó khăn. Nhưng anh Hữu Loan dù đã ở tuổi “thất thập” rồi, mà vẫn còn tráng kiện lắm, anh cỡi xe đạp rong ruổi khắp nơi trong thành phố, ra cả ngọai ô. Tôi thường dẫn anh đi ăn phở nơi các quán “Phở gánh” trong mấy đường hẻm khu Ngã Ba ông Tạ hay khu Nhà ga Phú Nhuận. Cũng như dẫn anh đi uống cà phê ở mấy quán bình dân, khuất nẻo như quán cóc trong lối xóm. Anh Loan rất thích cái phong cách cởi mở, hồn nhiên của người miền Nam, mặc dầu họ đã phải sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa trên 10 năm rồi. Nhiều gia chủ khi được giới thiệu anh là tác giả bài thơ nổi danh “Màu tím hoa sim”, thì đã vui vẻ khỏan đãi món ăn, thức uống, mà không hề lấy tiền của Hữu Loan. Dịp này, anh tâm sự với tôi: “Bà con miền Nam thật là cởi mở hào phóng, đày ắp tình người…”

Và trong nhiều buổi tối, chú Thái và cô Tú còn hay tổ chức bữa nhậu để khỏan đãi Hữu Loan, dịp này bằng hữu tha hồ chuyện trò tâm sự với nhà thơ được tiếng là “bất cần đời”, chuyên môn đi thồ những phiến đá đẽo từ khu đồi núi tại vùng quê Thanh Hóa.

Có lần chúng tôi tổ chức cho mấy bạn trẻ đi thăm mấy địa điểm khảo cổ về văn minh “Óc Eo Phù Nam” tại quận lỵ Đức Hòa hồi đó đã được sát nhập vào tỉnh Long An, thì Hữu Loan cũng tham gia và anh rất phấn khởi được biết nơi đây hồi trên 1500 năm trước đã là thủ phủ của Vương quốc Phù Nam. Chuyến đi này được thực hiện là do sự sắp xếp của anh Võ Sĩ Khải là một chuyên gia khảo cổ, trước kia là một môn sinh của vị Giáo sư nổi danh Nghiêm Thẩm. Phái đòan đi tham quan gồm nhiều bác sĩ, nha sĩ, y tá trẻ vốn tham gia công tác thiện nguyện để chăm sóc y tế cho bà con người thiểu số tại miệt Túc Trưng, Định Quán. Có cả cựu Dân biểu Phan Xuân Huy cùng mấy tu sĩ Phật giáo, Công giáo và một số nhà giáo cũng đi theo nữa. Là một chuyên gia lâu năm trong ngành khảo cổ, anh Khải đã giải thích tường tận cho chúng tôi về những khám phá những cổ vật tại một số địa điểm được đào bới, mà xưa kia là các đền thờ của người thuộc Vương quốc Phù nam theo đạo Bà La Môn, rồi bị người Khmer từ phía Cambodia đến chiếm đóng và xua đuổi họ tản mát đi lên phía rừng núi hay ra biển khơi mất dạng luôn.

Nhà thơ Hữu Loan rất tò mò ngắm nghía các cổ vật còn được lưu trữ tại Bảo tàng viện tạm thời ở thị xã Long An, mà trên đường về lại Saigon, chúng tôi lại được anh Võ Sĩ Khải hướng dẫn đến thăm viếng để hiểu biết chi tiết hơn về cái nền văn minh Óc Eo Phù Nam đã bị sụp đổ từ trên 14- 15 thế kỷ trước. Anh Khải cho biết, theo ý kiến của linh mục Trần Tam Tỉnh vốn là một giáo sư về Khảo cổ học lâu năm ở Canada, thì nên xây dựng Viện bảo tàng chính thức ngay tại Đức Hòa là nơi được xác nhận trước kia là thủ phủ của vương quốc Phù Nam, vì xung quanh đó tập trung rất nhiều di tích đền đài, dinh thự của nhà vua.

Và đặc biệt là còn tìm thấy được tấm lắc bằng vàng có chạm trổ “Lệnh Rút quân” của nhà vua ban ra, lúc quân Khmer kéo tới rất đông để chiếm đóng lãnh thổ của vương quốc vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Cổ vật này là một bằng chứng xác thực nhất về sự tồn tại của vương quốc Phù Nam, mặc dầu nó đã bị xóa sổ từ gần 1500 năm nay rồi. Anh Loan cứ tấm tắc khen ngợi công trình nghiên cứu khoa học của anh Khải và các chuyên viên khảo cổ trong khu vực miền Nam ở đây.


Vào thời gian đó, nhà thơ Hữu Loan còn được Báo Tuổi Trẻ tặng cho một Giải thưởng về một bài báo mới nhất do anh viết, với số hiện kim lên đến mấy trăm ngàn là một món tiền lớn lúc bấy giờ. Nhưng không may cho anh, là sau đó anh bị kẻ bất lương tước đọat gần hết món tiền này, khi tụi chúng giật được cái cặp da anh cột ở phía sau yên xe đạp mà anh vẫn chạy đi trong thành phố. Đây quả là cái mặt trái đen tối của cái thành phố xô bồ, vàng thau lẫn lộn. Chúng tôi thật thông cảm bùi ngùi xót xa với anh trước cái tai nạn thật đáng tiếc ở dọc đường phố Saigon như thế ấy.

Nhân tiện cũng xin nhắc lại là trong dịp vào thăm miền Nam năm 1988 -89, Hữu Loan đã tham gia với phái đòan của mấy “Dũng sĩ Đalat” gồm nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đi khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc để vận động các văn nghệ sĩ cùng ký thư thỉnh nguyện yêu cầu phải có Tự do sáng tác, Tự do xuất bản, báo chí theo tinh thần “Đổi Mới – Mở rộng Dân chủ” mà Nhóm Văn Nghệ Đalat đã chủ trương và công bố trong một Bản Tuyên ngôn, khiến gây chấn động dư luận khắp nơi hồi đó. Quả thật nhà thơ lão thành Hữu Loan đã tiếp sức thật đúng lúc, đúng chỗ cho các bạn dũng sĩ trẻ ở miệt Cao nguyên Langbian vào cái thời hé mở “Đổi Mới” sau năm 1986. Chi tiết vụ này đã được nhà văn Bảo Cự ghi đày đủ trong cuốn sách “Hành trình cuối Đông” xuất bản ở hải ngọai mươi năm trước đây.

Hôi cuối năm 1989, tôi có việc phải đi từ Saigon ra Hanoi và nhân tiện ghé thăm anh chị Trần Dần tại nhà ở gần Ga Hàng Cỏ. Anh Dần cũng cho biết Hữu Loan mới ra đây, đang đi thăm bạn hữu ở Hanoi. Đúng lúc đó thì xảy ra Đại hội các Nhà văn và có sự tranh luận sôi nổi về tự do sáng tác văn nghệ theo trào lưu Đổi mới. Anh Dần phấn khởi cho tôi hay là: “Nhìn chung, thì phe tiến bộ dân chủ đã thắng thế trong Đại hội này”. Nhưng tôi lại không được gặp lại Hữu Loan trong dịp cả hai chúng tôi cùng ở Hanoi vào cuối tháng 11 năm 1989 đó. Theo tôi biết thì Hữu Loan đã tự ý rời bỏ cả đảng cộng sản, cũng như bỏ hết mọi sinh họat với Hội Nhà văn, nên đã không hề tham dự với đại hội này. Nhưng chắc chắn là anh cũng như anh Trần Dần đã rất phấn khởi trước sự can đảm bày tỏ ý kiến của một số bạn văn nghệ sĩ của các anh trong dịp đại hội vừa kể.

Nhân tiện cũng xin ghi lại một câu đối mà chính Hữu Loan đã đọc cho tôi ghi lại như sau: Đã lâu có một văn nghệ sĩ (hình như là Chu Thành, vì tôi không nhớ rõ Hữu Loan xác định tên tác giả này) ra câu đối:

“Bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác”,

thì Hữu Loan đối lại là:

“Mày ăn dân hết nước dân ăn mày”.

Tôi mới được đọc trên internet là Hữu Loan còn làm rất nhiều câu đối vào lọai khó đối đáp, như câu:

“Da trắng vỗ bì bạch”

Chính tôi thì chưa được biết câu đối lại của Hữu Loan riêng cho vế này ra sao. Mong có bạn nào sưu tầm được các câu đối này để cho bạn đọc bốn phương được thưởng thức, thì hay lắm vậy.

Và kể từ đầu năm 1990 lúc tôi bị công an bắt giữ cho đến khi qua định cư ở Mỹ năm 1996, thì tôi không có dịp trực tiếp liên lạc với anh Hữu Loan nữa. Nhưng qua nhà thơ Hà Thượng Nhân ở San Jose và mới đây qua nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự cũng qua thăm bà con ở Mỹ, thì tôi lại được biết thêm chi tiết về cuộc sống của anh Loan. Ông lão nay đã ngòai 90 tuổi rồi, mà vẫn còn minh mẫn, cương nghị như hồi nào. Đọc trên internet, tôi thật phấn khởi được biết anh vẫn sống thanh thản nơi quê hương Thanh Hóa cùng với đại gia đình rất đông con, cháu và đặc biệt là với người vợ đã tận tình chia sẻ cay đắng, ngọt bùi với anh trên nửa thế kỷ nay.

Đối với tôi, Hữu Loan là một nhân cách thật lớn lao, kiên cường đã giữ vững được tiết tháo liêm sỉ của người sĩ phu trí thức theo đúng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Tôi thật may mắn được quen biết thân thương với những bậc đàn anh vừa có tài năng, vừa có tư cách đáng quý, đáng trọng như Hữu Loan, như Hà Thượng Nhân, như Dõan Quốc Sĩ …

Xin cầu chúc Anh và Gia quyến luôn được mọi sụ An Lành Tốt Đẹp./

California, Tháng Tám 2009

Đòan Thanh Liêm

Ghi chú thêm được viết vào năm 2014:

Nhà thơ Hữu Loan qua đời tại Thanh Hóa vào năm 2010 ở tuổi ngòai 90. Nhà thơ Hà Thượng Nhân thì mất tại San Jose California năm 2011 cũng ở tuổi ngòai 90.

Như vậy là bây giờ hai ông bạn thân thiết cùng quê Thanh Hóa là Tú Loan và Tú Trinh đã gặp lại nhau nơi cõi Vĩnh Hằng./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.