Hôm nay,  

Tưởng nhớ quá khứ để mở cửa tương lai! Hay khép lại quá khứ để đóng cửa tương lai?

09/08/201421:16:00(Xem: 4503)

Tưởng nhớ quá khứ để mở cửa tương lai!

Hay khép lại quá khứ để đóng cửa tương lai?

.

Âu Dương Thệ

.

Nguyên nhân và điều kiện để chính giới biết tưởng nhớ quá khứ và mở cửa tương lai thay vì khép lại quá khứ là đóng cửa tương lai.

Tâm lí và tri thức khác biệt của hai thái độ và lập trường này: Một bên có lí trí sáng suốt, thức thời và có ý chí dám vượt qua con đường mòn đã sai lầm của lịch sử; còn bên kia thì không dám vượt qua cái bóng của mình chỉ khư khư ôm ấp lấy quá khứ đã hoàn toàn bất cập với thời đại!

.

Tưởng nhớ quá khứ để mở cửa tương lai

Ngày Chủ nhật 3.8 tại ngọn núi Hartmannsweilerkopf nằm ở biên giới Pháp-Đức, nơi chôn vùi hàng chục ngàn binh sĩ Pháp-Đức tử thương, hai Tổng thống Pháp-Đức F. Hollande và J. Gauck đã cùng nhau nghiêng mình trước những binh sĩ hai nước đã phải hi sinh đúng 100 năm trước trong Thế chiến thứ nhất. Chính nơi này 100 năm trước đã diễn những trận đánh trận địa chiến giữa hai bên cực kì tàn khốc và dã man làm cho hàng chục ngàn binh sĩ hai bên đã bị chôn vùi trong khu vực này. Sự khốc hại và dã man đến nỗi các thế hệ sau đã đặt cho núi này một tên mới là “Núi ăn thịt người”!

Trước sự tham dự đông đảo của nhiều giới, đặc biệt là thanh niên Pháp-Đức, Tổng thống Gauck đã nói “Các thế hệ ông cha của chúng ta không thể nghĩ rằng, ngày hôm nay chúng ta lại có thế đứng cạnh bên nhau!”“cuộc chiến tranh thật là tàn khốc và vô nghĩa!” Hai Tổng thống Pháp-Đức đã cùng nhau ôn lại lịch sử, tưởng nhớ quá khứ, nhìn nhận những sai lầm trong lịch sử của hai bên và lặng lẽ ôm chầm lấy nhau ngay trước tượng đài kỉ niệm. Cảnh tượng này gây xúc động sâu xa không chỉ cho những người có mặt trong buổi lễ mà còn tạo ra xúc cảm mạnh cho hàng triệu người theo dõi qua các kênh truyền hình Pháp, Đức, Âu châu và thế giới.

.

Ngày hôm sau tại thành phố Lüttich (Bỉ) một buổi lễ tưởng nhớ Thế chiến thứ nhất với sự tham dự của 20 nguyên thủ và 80 phái đoàn của nhiều nước trên thế giới như cácTổng thống Hollande, Gauck, Thủ tướng Anh, Quốc vương Bỉ và Tây ban nha….Chính vào ngày này một trăm năm trước vua Đức Wilhelm II. đã bất chấp chính sách trung lập của Bỉ đưa quân Đức xâm chiếm Bỉ và dùng Bỉ mở đường sang đánh Pháp. Thế chiến thứ nhất kéo dài trong 4 năm (1914-18) đã làm thiệt mạng 17 triệu người, trong đó có nhiều triệu thanh niên các nước, nhất là ở Âu châu.

Thế chiến thứ nhất kết liễu nhưng chính giới nhiều nước, nhất là một số quốc gia lớn ở Âu châu khi ấy, đã không sáng suốt và đủ ý chí rút ra được bài học đúng-sai trong lịch sử, nên lại sớm rơi vào hận thù, nghi kị và tìm cách trả đũa nhau theo những chủ trương dân tộc cực đoan. Cuối cùng lại làm bùng nổ Thế chiến thứ 2 (1939-45) gây ra thiệt hại nhân sự và tàn phá còn khủng khiếp hơn trước. Cả châu Âu chỉ còn là những đống tro tàn, những cảnh di tản và đói rách thảm thương. Mãi khi đó lãnh đạo mới ở nhiều nước, nhất là hai tử thù Pháp-Đức, mới tỉnh ngộ và quyết chí chọn giải pháp hợp tác thay vì đối đầu, từ đó mở màn cho kỉ nguyên hòa bình, phồn vinh và dân chủ suốt gần 7 thập niên ở nhiều nước Tây Âu và từ hơn 20 năm cả nhiều nước cựu CS Đông Âu. Chính họ đã biết tưởng nhớ quá khứ, rút ra những bài học sai lầm, nên đã xây dựng tương lai Âu châu sáng lạn!

.

Trong dịp này cả hai Tổng thống Pháp-Đức cũng như nhiều chính khách trong Liên hiệp Âu châu (EU) đã không chỉ cùng nhau tưởng nhớ tới quá khứ. Họ còn nhấn mạnh phải biết rút ra những bài học lịch sử. Đó là hòa bình, phồn vinh, dân chủ và nhân quyền, những thành quả sáng chói của EU ngày hôm nay, không phải tự nhiên mà có; nó là một chuỗi không biết bao nhiêu những cố gắng của các chính quyền và nhân dân các nước xuyên qua nhiều thế hệ. Vì thế các vị đứng đầu EU đã cảnh báo phải biết gìn giữ và bảo vệ những giá trị, không để những khuynh hướng chính trị cực đoan lợi dụng các khó khăn để phân hóa EU, đồng thời cũng không để chủ trương bá quyền của Tổng thống Nga Putin đe dọa hòa bình ở Âu châu và thế giới.

.

Vì sao mà hai nước tử thù trong nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng từ sau Thế chiến thứ 2 Pháp-Đức và nhiều nước trong EU đã trở thành đồng minh và láng giềng thân hữu với nhau, bình đẳng với nhau giữa các nước lớn với 70-80 triệu dân tới các nước nhỏ chỉ vài trăm ngàn dân? Tại sao họ đã biết gìn giữ hòa bình và cùng nhau chia sẻ sự phồn vinh cũng như hạnh phúc cho cả nửa tỉ người ? Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và nhiều nước trong EU sau Thế chiến 2 đã sáng suốt và đủ ý chí rút ra được những bài học đắt giá trong lịch sử và quyết từ bỏ các chủ trương dân tộc cực đoan, lấy những giá trị căn bản của Dân chủ Đa nguyên làm cơ sở chung xây dựng ở từng nước và cũng là cơ sở để cùng nhau hợp tác để kiến tạo hòa bình, kinh tế phồn vinh, nhân phẩm của mọi người được tôn trọng và bình đẳng giữa các nước hội viên, bất kể lớn hay nhỏ.

.

Khép lại quá khứ là đóng cửa tương lai !

Trong lúc đó khi phái đoàn cao cấp CSVN sang Thành Đô (Trung quốc) đầu tháng 9.1990 để xin cầu thân với Bắc kinh, hai bên đã đưa ra tiêu chí “khép lại quá khứ”. Nghĩa là đóng cửa lịch sử lại, sai trái không xin lỗi, không được đụng vào; vì thế tuy miệng tuyên bố hợp tác chiến lược toàn diện và bạn bè tin cậy, nhưng thực tình chỉ vì chẳng đặng đừng mới phải chung sống với nhau mà thôi. Đây là cảnh đồng sàng dị mộng, Bắc kinh đưa ra khẩu hiệu hợp tác theo lối “4 tốt” (“đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt” !!! ), nhưng thực tình thì chỉ lợi dụng và chờ thời cơ xâm lấn lãnh thổ và bòn rút tài nguyên của VN theo đúng kiểu thực dân. Còn khi đó Hà nội đang trong cảnh thất thế, thế cô lực tận, để cứu chế độ toàn trị nên phải nhận lại sự đùm bọc của Bắc kinh, như người ngậm bù hòn cay đắng nhưng vẫn khen là ngọt!
.

Chính thái độ bất đắc dĩ và bất bình đẳng trong hợp tác, nên từ sau Hội nghị Thành Đô Hà nội đã không được phép và không dám tổ chức kỉ niệm hàng năm các lễ 19.1 (Bắc kinh chiếm Hoàng sa của VN 19.1.1974) và 17.2 (Chiến tranh biên giới VN-Trung quốc 17.2.1979). Trái với chủ trương cùng nhau tưởng nhớ quá khứ để cùng nhau xây dựng tương lai như Pháp, Đức và nhiều nước EU, Bắc kinh và Hà nội lại chủ trương “khép lại quá khứ” theo cách nói trên, nên chưa có lần nào lãnh đạo hai nước cùng nhau tới thăm viếng và tưởng nhớ tới những binh sĩ hai bên đã bị giết hại, thậm chí đầu năm nay Tập Cận Bình còn dùng đường giây nóng điện thoại ra lệnh Nguyễn Phú Trọng không được tổ chức các lễ kỉ niệm này. Vì thế Hà nội cũng không dám để cả thân nhân, bạn hữu các binh sĩ quá cố tới thắp hương tưởng niệm! Vì không dám thành thực tưởng nhớ quá khứ, nhận ra những sai lầm, nên họ lại nhắm mắt theo vết xe cũ, con đường mòn cũ để cuối cùng bị tắc nghẽn ngoại giao không có tương lai mà đỉnh cao mới là giàn khoan HD 981!

blank

Giàn khoan HD 981 của Trung quốc

Đối với đồng bào ruột thịt, những người cầm đầu chế độ toàn trị CSVN, xuyên qua nhiều thế hệ, cũng giữ thái độ “khép lại quá khứ”, không đủ lí trí và ý chí để dám nhìn thẳng vào lịch sử để nhận ra những sai trái lỗi lầm; nhưng lại chỉ tìm cách tô hồng, boi son và nếu bất đắc dĩ phải nhận những khuyết điểm thì lại tự bào chữa đổ cho tình thế lúc đó, chứ lãnh đạo luôn luôn đúng đắn! Cho nên suốt chiều dài gần 70 năm cầm quyền hầu như chưa có một người lãnh đạo nào phải bị tù tội vì những sai lầm và tội ác đã gây ra cho nhân dân và đất nước! Điển hình như phong trào “cải cách ruộng đất”, “đấu tố địa chủ” theo kiểu Mao do Hồ Chí Minh phát động vào giữa thập niên 50 đã giết hại hàng chục ngàn nông dân. Sau đó tuyên bố “sửa sai”, Trường Chinh tuy bị mất chức Tổng bí thư nhưng vẫn giữ ghế Ủy viên Bộ chính trị và sau đó tiếp tục leo lên những vị trí quan trọng khác trong Đảng và Nhà nước! Tiếp đến phong trào “Trăm hoa đua nở” học theo Mao để đàn áp các trí thức và văn nghệ sĩ muốn được suy nghĩ và viết độc lập theo hiểu biết và lương tâm của mình vào cuối thập niên 50, cho tới nay cũng những người cầm đầu trước đây và hiện nay chưa một lần chính thức nhìn nhận sai lầm và xin lỗi những người đã bị tù tội. Cả cuộc dựng đứng và đàn áp nhiều trí thức, sĩ quan và cán bộ cấp cao bị kết tội “Xét lại chống đảng” từ đầu thập niên 60 cho tới nay cũng vẫn im lìm! Tất cả những tội ác và sai lầm khủng khiếp này đều xuất phát từ chủ trương “khép lại quá khứ”, nghĩa là lãnh đạo tìm mọi cách bịt lại những sai lầm, không chịu xin lỗi và cũng không cho ai được khui ra!

.

Chủ trương “khép lại quá khứ” càng được những người có trách nhiệm của chế độ toàn trị tổ chức tinh vi và xảo quyệt đối với các thành phần nhân dân ở miền Nam sau 1975. Lập ra những “trại cải tạo” từ Bắc-Trung-Nam để giam cầm bóc lột sức lao động, hành hạ tinh thần và thể xác hàng mấy trăm ngàn công chức, binh sĩ của Việt nam Cộng hòa (VNCH) hàng chục năm. Gần 40 năm “chiến thắng” tuyên bố hòa hợp dân tộc, nhưng bên thắng cuộc vẫn không trợ giúp thương binh VNCH, không cho tự do thăm viếng và trùng tu các nghĩa trang quân đội miền Nam. Chính sách trả thù và ngược đãi đã khiến cho mấy triệu người phải bất dĩ làm thuyền nhân vượt Thái bình dương tìm tự do, hàng trăm ngàn phải bỏ mình trên biển cả! Nhưng tới nay chưa có một lần giới lãnh đạo toàn trị nhìn nhận đó là những sai lầm và tàn bạo. Ngược lại, những năm đầu thì lại kết án họ là “chạy theo đế quốc”, đến khi cần đến “kiều hối” thì lại không ngượng miệng và xỏ xiên ngọt ngào gọi họ là “đồng bào ruột thịt xa ngàn dặm”!
.

Chiến dịch “đánh đổ tư sản mại bản” do Đỗ Mười cầm đầu mở ra ở miền Nam vào cuối thập niên 70 làm tan nát hệ thống kinh doanh miền Nam, hàng trăm ngàn tư thương và gia đình bị đẩy về những vùng “kinh tế mới” ở những nơi rừng thiêng nước độc, thay vào đó là dựng lên các Doanh nghiệp nhà nước chỉ làm ăn thua lỗ. Chủ trương “kinh tế tập thể” với các hợp tác xã nông nghiệp… ở miền Nam đã dẫn tới nạn đói khủng khiếp ở VN vào thập niên 80. Đây là những sai lầm cực kì nguy hiểm trong kinh tế, nhưng chưa bao giờ những người cầm đầu nhìn nhận công khai là sai lầm, quá lắm chỉ âm thầm sửa sai và nói đó là “đổi mới” và còn tự tâng bốc đây là sáng suốt. Không những thế, những người có trách nhiệm như Đỗ Mười chẳng chịu một hình phạt nào mà còn nắm chức Thủ tướng rồi Tổng bí thư để sau đó lại cho tái lập các loại Doanh nghiệp nhà nước kiểu mới như các “tổng công ti và tập đoàn kinh tế nhà nước” dưới thời Nguyễn Tấn Dũng đang trở thành nơi các con ông cháu cha và các nhóm lợi ích trong Đảng đục khoét hàng trăm ngàn tỉ công quĩ từ thuế của dân!
.

Trong những năm gần đây các hành động xâm lấn biển đảo, bòn rút tài nguyên của bá quyền Bắc kinh ngày càng ngang ngược và nguy hiểm; nên các giới trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ đã công khai tố cáo và tổ chức những cuộc biểu tình phản đối. Đây là những hành động yêu nước đúng đắn, nhưng nhóm cầm đầu hiện nay thay vì ủng hộ lại thẳng tay đàn áp, theo dõi và giam giữ nhiều người. Ngay cả khi Bắc kinh dựng giàn khoan HD 981 từ Nguyễn Phú Trọng tới Nguyễn Tấn Dũng cũng vẫn cấm nhân dân không được tự do biểu lộ lòng yêu nước bằng phương pháp bất bạo động. Đó cũng chỉ vì họ phải tuân lệnh của Bắc kinh là “khép lại quá khứ”!

Tất cả những tội ác và sai lầm khủng khiếp và triền miên suốt mấy thập kỉ vừa qua, như trình bày ở trên, từ trong đối ngoại tới kinh tế và nội trị đều qui vào một mối: Chế độ độc đảng áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin theo thế giới đại đồng đã bị thực tế phủ nhận hoàn toàn và trở thành viển vông hoang tưởng. Nhưng những người đang nắm vận mệnh đất nước lại không có lí trí và ý chí nhận ra những sai lầm nguy hại này, họ vẫn chủ trương “khép lại quá khứ” và đẩy đất nước vào một tương lai đen tối!

.

Sự khác biệt căn bản giữa “tưởng nhớ quá khứ” và “khép lại quá khứ”

Như đã định nghĩa ở phần đầu, “tưởng nhớ quá khứ”“khép lại quá khứ” vừa là chủ trương chính trị vừa là thái độ tâm lí của những người lãnh đạo của từng nước. Nhưng hai việc này hoàn toàn trái ngược nhau như ngày với đêm, trắng với đen. Trong khi “tưởng nhớ quá khứ” đòi hỏi khả năng lí trí sáng suốt và ý chí muốn thay đổi thực sự của những người nắm trọng trách, đồng thời đòi hỏi xã hội đó phải có những cơ chế cởi mở, trong đó đảng cầm quyền chỉ là một thành phần của xã hội mà thôi. Bên cạnh đó còn có các chính đảng đối lập, báo chí độc lập và các tổ chức xã hội dân sự được tự do thành lập và hoạt động theo lãnh vực nghề nghiệp của mình. Xã hội đó còn có cơ chế phân quyền độc lập giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tất cả các cơ chế tổ chức này tạo thành một hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội tạo ra những cuộc đối thoại, tranh luận, phản biện công khai và thường xuyên không chỉ trong nghị trường mà cả trong báo chí và các tổ chức dân sự khác. Nhờ thế xã hội đó trở nên thông thoáng, có những cơ chế và tổ chức vừa kiểm soát lẫn nhau, nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cạnh tranh vươn tới tương lai tốt hơn không chỉ trong chính trị mà cả trong kinh tế…Chính xã hội mở này giúp cho dư luận thấy rõ và thấy sớm đâu là những đồng thuận được đa số ủng hộ, đâu là những chủ trương mị dân, quá khích và phiêu lưu. Những cuộc tranh luận công khai, thẳng thắn và cởi mở giúp cho các giới trưởng thành về chính trị, các chính đảng luôn luôn phải chịu những thử thách và quyết định của dư luận nhất là trong các mùa tranh cử quan trọng. Khiến cho thủ lãnh chính đảng cầm quyền không thể tự thần thánh hóa mình, không thể dễ dàng đánh lừa cử tri, không thể im lặng trước những bức xúc của nhân dân và càng không thể dấu diếm các sai lầm theo kiểu “khép lại quá khứ” được!
.

Cả hai điều kiện - một chính giới có lí trí sáng suốt và có ý chí muốn thay đổi thực sự và xã hội cởi mở - đã có ở một số nước Âu châu từ sau Thế chiến 2, đặc biệt Pháp và Đức, từng là cựu tử thù. Khi ấy cả Tổng thống Pháp De Gaulle và Thủ tướng Đức Adenauer cùng các cộng sự chính đã sớm nhận ra là: Không thể xây dựng một tương lai mới cho châu Âu trên nền tảng hòa bình, phồn vinh và dân chủ mà lại không dám nhìn thẳng vào quá khứ; vì “khép lại quá khứ”, tránh không nhìn nhận lỗi lầm là giúp cho chủ trương phục thù của các bên có thể trỗi dậy trở lại và đe dọa hòa bình! Khi đó nếu Đức và Pháp không hòa thuận lại với nhau thì có thể nguy cơ Hồng quân Liên xô khi ấy có thể nhuộm đỏ không chỉ ở Đông Âu mà cả toàn Âu châu, trong đó cả Pháp lẫn Đức. Vì thế chính phủ Đức đã công khai nhìn nhận những sai lầm của chế độ độc tài Hitler và tuyên bố muốn cùng Pháp và các nước Tây Âu xây dựng một liên minh chính trị, kinh tế mới, dựa trên các nền tảng tin cậy và dân chủ. Chủ trương thức thời và khôn ngoan này đã được dư luận đa số ở Pháp, Đức và một số nước Tây Âu triệt để ủng hộ. Các thế hệ tiếp theo trong chính giới Pháp, Đức… đã thấy rõ những lợi ích rõ ràng của chính sách “mở cửa tương lai” bằng cách “tưởng nhớ quá khứ”!
.

Chính vì sáng suốt và khôn ngoan nên giới lãnh đạo mới ở Tây Âu sau Thế chiến hai đã dám “tưởng nhớ quá khứ” nhận ra những sai lầm và biết dùng ý chí để vượt qua tâm lí của bóng tối hận thù và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chính nó đã “mở cửa tương lai” cho một EU dân chủ, nhân quyền, phồn vinh và hòa bình từ trên nửa thế kỉ nay!

.

Trái lại, vì không sáng suốt và không đủ ý chí nên những người cầm đầu CSVN đã chủ trương “khép lại quá khứ”, đóng cửa quá khứ, không dám nhìn nhận những sai lầm và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để có thể mở cửa tương lai tươi sáng cho VN. Vì vậy sau gần 70 năm nắm quyền nhưng hận thù và chia rẽ vẫn ngự trị, bộ máy công an mật vụ đàn áp nhân dân càng được tăng cường; vẫn ngoan cố duy trì hệ thống Doanh nghiệp nhà nước làm kinh tế tụt hậu, nợ công chồng chất, tham nhũng như rươi. Trong khi ấy, vì giữ mục tiêu đảng trước nước sau nên những người cầm đầu chế độ toàn trị lại cứ tiếp tục nhắm mắt cúi đầu quì gối trước Bắc kinh, mở cửa cho phương Bắc thực hiện các chủ trương bành trướng và vơ vét tài nguyên của VN, đang đe dọa chủ quyền và độc lập của đất nước! Vì thế tương lai của dân tộc đang rất đen tối!

.

Gần đây nhiều đảng viên tiến bộ có tên tuổi và biết quí tự trọng đã lên tiếng báo nguy về những sai lầm cả trong đường lối đối ngoại với Trung quốc và các chính sách phản dân chủ với nhân dân đang đẩy đất nước vào môt tương lai đen tối, có thể dẫn tới mất chủ quyền và độc lập. Nguyên nhân của nó là do những người đứng đầu chế độ toàn trị vẫn theo con đường mòn “khép lại quá khứ” cả với nhân dân và với bên ngoài, không đủ sáng suốt và ý chí để nhận ra những sai lầm để dám thay đổi triệt để. Đây là những lời cảnh báo chính xác và có động cơ trong sáng. Vì thế nhiều đảng viên tiến bộ và nhiều giới ủng hộ.

.

Cuộc vận động chính trị mới rất cương quyết và kiên trì của nhiều giới, đi đầu là trí thức và thanh niên, cho một nước VN dân chủ mới đang được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều đảng viên tiến bộ và biết quí tự trọng. Trọng tâm của nó là làm thay đổi tương quan lực lượng giữa dân chủ-tiến bộ và độc tài-bảo thù, với mục tiêu trong sáng là mở cửa tương lai cho VN đặt trên những giá trị nền tảng phù hợp với văn minh thời đại là đoàn kết, dân chủ, độc lập, phồn vinh và hòa bình, sánh vai bình đẳng với các dân tộc văn minh khác!

8. 8. 2014

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
Địa chỉ: dcvapt@gmail.com
.
Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.