Hôm nay,  

TT Obama Và Luật Pháp

05/08/201400:00:00(Xem: 5699)

...Dường như xã hội chủ nghiã thật sự là con đường TT Obama muốn đi theo...

Ngay từ những ngày đầu khi TNS Barack Obama ra tranh cử tổng thống, đã có nhiều dư luận tố giác ông theo chủ nghiã cộng sản, có thể nói là “tân cộng sản”, tức là cộng sản tân thời, văn minh hơn và không sắt máu như cộng sản thời Xít-Ta-Lin hay Mao, nhưng căn bản là cộng sản, vạn sự là của chung do Nhà Nước quản lý. Nhẹ tay hơn thì gọi ông là người có khuynh hướng theo xã hội chủ nghiã –socialist- theo mô thức Tây Âu.

Phải nói ngay, kẻ viết này chưa bao giờ nhận định TT Obama là cộng sản, hay xã hội chủ nghiã, mà chỉ coi là ông là thành phần cấp tiến khá cực đoan thôi. Nhưng rồi càng ngày thấy TT Obama đi xa về phiá tả, tự nhiên cũng phải thắc mắc.

Ngay từ hồi mới tranh cử năm 2007-08, chẳng ai biết TNS Obama là ai, quan điểm như thế nào. Chỉ biết ông chủ trương đại đoàn kết toàn dân, bất kể xanh đỏ, trắng đen, già trẻ, giàu nghèo,... Và dân Mỹ hầu như bị hớp hồn bởi cái chiêu bài ôn hòa đó. Nhưng rồi dần dần người ta thấy... coi dzậy mà hổng phải dzậy. TT Obama đã mau chóng trở thành tổng thống tạo phân hóa lớn nhất trong tất cả các tổng thống cận đại.

Cách đây ít tuần, trên cột báo này có đăng bài về Hoàng Đế Obama rớt long bào, vì đã bị Tối Cao Pháp Viện tố cáo đã vi phạm Hiến Pháp, lạm quyền. Mà kết tội với số phiếu 9-0. Lạ lùng hơn nữa, đây không phải lần đầu mà lần thứ 13 TCPV biểu quyết 9-0 chống TT Obama, tức là trong đó có cả các thẩm phán nổi tiếng là cấp tiến, và cả hai nữ thẩm phán do chính TT Obama bổ nhiệm.

Ta cũng không nên quên trước khi làm tổng thống, ông Obama đã tốt nghiệp luật tại đại học trứ danh Harvard, làm tới chủ biên cho tạp chí Harvard Law Review, lại còn là phụ giảng về luật Hiến Pháp tại đại học Chicago trứ danh không kém. Như vậy tất nhiên phải rành luật, nhất là luật Hiến Pháp, hơn ai hết. Thế nhưng khi làm tổng thống thì ông lại là người bị Tối Cao Pháp Viện... lật ghế nhiều nhất trong tất cả các tổng thống cận đại, từ năm 1940 tới giờ.

Chuyện dân chúng kiện cáo Nhà Nước là hết sức bình thường trong cái xứ này. Đại đa số được giải quyết ở các cấp toà dưới. Thỉnh thoảng mới có vụ kiện cáo lên tới tận TCPV, và dĩ nhiên Nhà Nước được hay thua cũng là chuyện bình thường.

Trong trường hợp chính quyền Obama, với một tổng thống là siêu luật gia như vậy, chắc hẳn tỷ lệ thắng phải nhiều hơn thua. Nhưng thực tế ngược lại, TT Obama thua nhiều hơn thắng, mà lại thua đậm.

Vì thắc mắc sao lại có chuyện lạ như vậy được, nên kẻ viết này đã đi lục lạo xem TT Obama đã bị thua về những chuyện gì. Và những điều khám phá ra được đã làm cho kẻ viết này thật tình phải suy nghĩ lại. Xin chia sẻ với quý độc giả, gọi là để rộng đường dư luận.

Trước khi đi vào những mẫu chuyện đó, có lẽ phải nói sơ qua về thế nào là quan điểm “xã hội chủ nghiã”.

Nói chung thì theo quan điểm này, thế giới có quá nhiều bất công xã hội, người giàu ức hiếp người nghèo. Nếu không bị ức hiếp thì người nghèo vì hoàn cảnh từ ngày chào đời, cũng đã không có điều kiện công bằng để ngoi đầu lên, suốt đời lận đận trong cảnh khó khăn. Nhà Nước có bổn phận giúp đỡ họ, cứu họ khỏi phải bị giới nhà giàu hiếp đáp quá mức, và cũng làm sao cho họ có cơ hội tiến thân đồng đều.

Sự giúp đỡ này trên thực tế hiện thời, cả những đại tài phiệt cũng muốn. Thời đại này khác xa với thời thế kỷ 18-19 khi nhà giàu chỉ biết trấn lột người nghèo tối đa. Thời đại bây giờ, mấy ông đại gia thông minh hơn, lý luận cũng nên giúp mấy người nghèo ăn nên làm ra, khấm khá hơn, để họ có ít tiền mua sắm hàng do các đại gia bán ra. Chứ cả thiên hạ nghèo mạt rệp thì đại gia sản xuất hàng hoá ra bán cho ai?

Đó cũng là lý luận trên địa bàn chính trị thế giới. Những nước giàu viện trợ, giúp những nước nghèo khá hơn, để những nước này có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá của nước giàu.

Tóm lại, ai cũng muốn giúp đỡ người nghèo để thiết lập một chế độ tương đối công bằng hơn, tư bản hay cộng sản cũng vậy. Khác nhau là ở mức giúp đỡ nhiều hay ít và bằng cách nào thôi. CS chủ trương lột của người giàu chia lại cho người nghèo, tư bản chủ trương mọi người chung lưng làm cái bánh lớn ra cho mọi người đều có phần.

TT Obama chủ trương giúp đỡ nhà nghèo với khuynh hướng muốn tái phân phối lợi tức mạnh, bằng cách đánh thuế nhà giàu nhiều hơn nữa để chia lại cho người nghèo. Dù sao thì cũng chưa đến mức muốn san bằng bất công xã hội bằng nhà tù, súng đạn, để bắt cả nước Mỹ phải đồng đều trước chén bo bo. Thành ra dựa trên tiêu chuẩn này, không thể nói TT Obama là cộng sản, cũng như chưa đủ tiêu chuẩn để nói TT Obama theo xã hội chủ nghiã.

Xã hội chủ nghiã cũng dựa trên nền tảng Nhà Nước vú em, chăn nuôi dân từ ngày còn là thai nhi cho đến khi nằm dưới hai thước đất.

Trong vấn đề này, TT Obama chủ trương Nhà Nước vú em thật, qua tất cả những chính sách của ông. Đặc biệt là qua Obamacare, bắt buộc tất cả mọi người không trừ một ai phải có bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt nặng.

TT Obama còn muốn nhiều nữa, như muốn dẹp hết các hãng bảo hiểm tư nhân để Nhà Nước độc quyền lo chuyện bảo hiểm, nhưng mấy đại gia ngành bảo hiểm Mỹ không dễ nuốt như vậy. TT Obama muốn lấy thuế nhà giàu nhiều hơn nữa nhưng cũng chưa được. TT Obama cũng không muốn cho ai được chơi súng ngoại trừ Nhà Nước với cảnh sát, quân đội, nguy hiểm lắm. Nhưng chưa làm được vì dân Mỹ không thể từ bỏ súng được.

Tuy TT Obama chưa thiết lập được chế độ công bằng tuyệt đối trước chén bo bo cũng như chưa mang Nhà Nước bao trùm lên hết cả mọi chuyện được, nhưng nhìn qua hàng loạt quyết định của Tối Cao Pháp Viện mới thấy TT Obama đã có rất nhiều cố gắng trong chiều hướng đó. Cái không may cho TT Obama, và chắc phải gọi là cái may mắn cho chúng ta là TCPV đã không chấp nhận rất nhiều quyết định của chính quyền Obama, đã kéo tay TT Obama lại.

Chỉ trong vài tuần trước lễ Độc Lập vừa qua, TCPV đã biểu quyết 5 vụ công dân thưa kiện chính phủ và chính phủ thua đủ 5 vụ vì TCPV cho rằng Hành Pháp với tay quá xa, xa hơn Hiến Pháp cho phép.

VỤ THỨ NHẤT RILEY

Anh chàng David Riley vác súng bắn vào xe người qua đường chơi, trốn thoát không bị bắt. Mấy tháng sau, cảnh sát tình cờ chặn anh vì lái xe quá tốc độ, lấy điện thoại di động của anh, lục lọi, khám phá ra anh là thủ phạm, đưa anh ra tòa, kết án dựa trên thông tin từ điện thoại. Anh kháng cáo cho rằng cảnh sát vươn tay quá dài, lục coi trái phép các cuộc gọi riêng tư của anh.

Lên đến TCPV và TCPV biểu quyết 9-0 là Bộ Tư Pháp của TT Obama xâm phạm quyền riêng tư của anh này. Quyết định này có nghiã từ giờ trở đi, cảnh sát không có quyền dòm ngó vô điện thoại của thiên hạ nếu không xin trát tòa án trước. Nôm na ra, Nhà Nước Obama đã hành xử như một xứ công an trị cho phép cảnh sát truy lùng quá sâu vào đời sống riêng tư của thiên hạ.

VỤ THỨ NHÌ NOEL CANNING

Cột báo này đã bàn qua vụ này trong bài “Hoàng Đế Obama Rớt Long Bào”, liên quan đến việc TT Obama bổ nhiệm sái phép không thông qua Thượng Viện ba người vào Hội Đồng Quốc Gia Về Quan Hệ Lao Động. TCPV biểu quyết 9-0 TT Obama đã vi phạm Hiến Pháp, qua mặt Thượng Viện, với mục đích giúp các nghiệp đoàn.

VỤ THỨ BA HOBBY LOBBY STORES

Đây là một công ty tư nhân nhỏ, bị luật Obamacare bắt buộc phải mua bảo hiểm ngừa thai cho nhân viên. Công ty phản bác, cho rằng luật này ép công ty phải giúp ngừa thai, có thể đưa đến cả phá thai, là trái với tín ngưỡng của công ty, không chấp nhận chuyện phá thai.

Nhà Nước Obama bác bỏ lập luận này, cho rằng công ty không phải là “người”, hay cá nhân, nên không có tín ngưỡng.

Lên đến TCPV, và TCPV biểu quyết 5-4 công ty không phải là “người” nhưng dù sao thì Obamacare đã đi quá xa khi ép công ty phải trả tiền bảo hiểm ngừa thai và phá thai và công ty có quyền từ chối trả tiền bảo hiểm đó cho nhân viên. Tuy tỷ lệ chỉ là 5-4, nhưng hai thẩm phán cấp tiến là Stephen Breyer và Elena Kagan (do TT Obama bổ nhiệm) đã phụ giải thêm là tuy họ không biểu quyết theo đa số trong vấn đề này vì nhiều lý do, nhưng họ cũng đồng ý chính quyền Obama qua Obamacare đã xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, ép người ta làm trái với tín ngưỡng. Coi như biểu quyết này là 7-2.

Điều luật bắt công ty phải trả tiền bảo hiểm mua thuốc ngừa thai đã “giúp” gia tăng mạnh số người mua thuốc ngừa thai từ khoảng 1 triệu người năm 2012, lên tới 5 triệu năm 2013 theo thống kê của chính quyền Obama. Người ta có thể nhìn luật này như giúp “giải phóng” phụ nữ, hay giúp các bà có dịp vui vẻ nhiều hơn. Quyết định của TCPV sẽ không cắt giảm số người này, nhưng sẽ ảnh hưởng lớn lên các bà, các cô nhân viên các tổ chức và cơ sở tôn giáo như trường học, nhà thương, viện dưỡng lão.

VỤ THỨ TƯ HARRIS

Bà Pam Harris có con trai bị bệnh, ở nhà lo cho con. Bà xin trợ cấp và Thống đốc tiểu bang Illinois (Dân Chủ) cấp cho bà ít tiền trợ cấp để bà khỏi đi làm, với danh nghiã bà là công chức tiểu bang, nhân viên săn sóc sức khỏe tại gia –home healthcare worker-. Nghiệp đoàn các công chức (Service Employees International Union- SEIU) chính thức ghi bà là công chức, bắt bà phải đóng lệ phí cho nghiệp đoàn vì coi như bà là thành viên của nghiệp đoàn. Thống Đốc và Bộ Tư Pháp hậu thuẫn nghiệp đoàn.

Lên đến TCPV, bị TCPV bác với lý luận mọi công dân đều có quyền tham gia hay không tham gia một tổ chức nghiệp đoàn. Cho dù bà lãnh tiền trợ cấp của tiểu bang, nhưng không có nghiã là bà là công chức bắt buộc phải tham gia nghiệp đoàn các công chức và đóng tiền niên liễm cho nghiệp đoàn. Đây là một đòn gần chí tử đối với nghiệp đoàn vì đặt lại toàn bộ nguồn lợi tức chính của nghiệp đoàn.

VỤ THỨ NĂM McCULLEN

TCPV bác bỏ 9-0 một luật của tiểu bang Massachusetts được Nhà Nước Obama hậu thuẫn tối đa, cấm không cho biểu tình chống phá thai trong vòng 35 feet (khoảng hơn 4 thước) cách bệnh viện phá thai. TCPV cho rằng những người chống phá thai hoàn toàn có quyền biểu tình bất bạo động bất cứ nơi nào họ muốn. Ở cái xứ Mỹ này mà lại có chuyện cấm biều tình?

Đó là năm trường hợp Nhà Nước Obama thua đậm mới đây tại TCPV. Rồi tin mới nhất cho biết Nhà Nước lại vừa thua một cuộc chiến nữa ở cấp tòa phá án, dưới TCPV một mức, có ảnh hưởng rất lớn lên Obamacare, với vụ dưới đây.

VỤ HALBIG

Bà Jacqueline Halbig thưa Bộ Y Tế đã trợ cấp tiền mua bảo hiểm cho một số những gia đình mua bảo hiểm y tế qua các trung tâm phối hợp của liên bang (federal exchanges). Hiện nay, có 36 tiểu bang chưa có, hay không chịu thiết lập trung tâm phối hợp của tiểu bang, khiến liên bang phải nhẩy vào lập trung tâm phối hợp của liên bang. Theo bà Halbig thì việc Bộ Y Tế trợ cấp khi mua bảo hiểm qua liên bang là vi phạm luật vì luật Obamacare chỉ cho phép trợ cấp những người mua bảo hiểm qua các trung tâm phối hợp của tiểu bang thôi.

Cãi cọ, thưa ra tòa lên đến cấp phá án liên bang (federal appeal), và toà đồng ý với lập luận của bà Halbig.

Tức là cho đến nay, TT Obama đã trợ cấp tiền mua bảo hiểm cho hơn 5 triệu người một cách bất hợp pháp, tốn công quỹ cả trăm triệu.

Vụ này coi như chưa xong vì chắc chắn sẽ lên đến TCPV, nhưng dù sao cũng cho thấy sự luộm thuộm của Obamacare, với không biết bao lỗ hổng, có thể đe dọa sự tồn vong của luật này luôn. Nếu TCPV đồng ý với tòa phá án, thì chỉ có hai giải pháp: một là hàng triệu người đã nhận trợ cấp sẽ phải hoản trả lại tiền (qua sở thuế) và nền tảng của Obamacare xụp đổ, hai là luật Obamacare phải sửa lại một cách quy mô. Nếu cuộc bầu cử tháng Mười Một tới mang lại chiến thắng cho phe CH tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện thì coi như Obamacare sẽ bị khủng hoảng nặng, có thể tiêu tan luôn, vì phe DC không có cách nào mang Obamacare ra thảo luận và biểu quyết lại được vì sẽ không đủ phiếu.

Ngoài ra trong vài năm qua, Nhà Nước cũng đã thua liên tục, điển hình là vài vụ sau:

VỤ JONES

TCPV cũng biểu quyết 9-0 không chấp nhận cho Nhà Nước có quyền lén lút gắn máy định vị GPS vào xe hơi của một người bị tình nghi phạm tội.

VỤ HOSANNA-TABOR

TCPV biểu quyết 9-0 bác bỏ lập luận của chính quyền Obama cho rằng Nhà Nước có quyền định nghiã ai là thành viên của giáo hội –church clergy-.

Trên đây chỉ là vài vụ thưa kiện tiêu biểu. Trong thời gian 5 năm chấp chánh, TT Obama đã bị TCPV bác bỏ với tỷ lệ 9-0, tổng cộng 13 lần. Tất cả những vụ thua kiện đều liên quan đến vấn đề Nhà Nước với tay quá xa, xâm phạm vào quyền riêng tư cá nhân kiểu các chế độ công an trị như lục điện thoại, gắn GPS vào xe, tìm cách áp đặt chế độ vú em bao đồng. Vụ Hosanna-Tabor lạ lùng nhất khi Nhà Nước tự cho mình quyền quyết định những người làm việc trong nhà thờ, ai là ông cha bà sơ, ai không, đến độ ngay cả bà thẩm phán Elena Kagan cũng phải nhận định lập luận của chính quyền thật là lạ lùng –“amazing”. Cũng không khác gì Nhà Nước CHXHCNVN quyết định ai là “Công Giáo yêu nước”.

* * *

Trước những kết quả thua liên tục như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi sao Nhà Nước Obama, với ông siêu chuyên gia về luật Hiến Pháp, lại có thể thiếu hiểu biết về luật lệ đến như vậy. Đây là câu hỏi chính đáng khó có câu trả lời dứt khoát.

Theo ý kiến cá nhân của kẻ viết này –không phải là luật sư, chưa bao giờ học luật- thì Nhà Nước Obama không thể mù mờ về luật pháp như vậy được. Chẳng qua là một sự cố tình đẩy càng xa chính sách Nhà Nước Vú Em càng tốt, tới đâu hay tới đó, cùng lắm là TCPV bác thôi, rồi thì ta lại thử chiêu khác. Gặm nhấm được chừng nào hay chừng nấy. Dường như con đường xã hội chủ nghiã thật sự là con đường TT Obama muốn đi theo.

Đặt vấn đề như vậy ta mới thấy vai trò của TCPV quan trọng tới mức nào trong việc định hướng cho chính sách trị quốc của Mỹ. TCPV hiện nay có 4 thẩm phán bảo thủ, 4 cấp tiến, và một sàng qua sàng lại. Những vụ thất bại của TT Obama chỉ chứng minh TT Obama đã đi quá xa đến độ ngay cả những thẩm phán cấp tiến, trong đó có hai vị do chính TT Obama bổ nhiệm, cũng không chấp nhận được.

Tin giờ chót, Hạ Viện đã biểu quyết thưa TT Obama ra tòa về tội lạm quyền lấn át Lập Pháp. Đây sẽ là một vụ xử cực kỳ quan trọng, đi xa hơn việc thưa kiện cá nhân TT Obama, vì đây là vấn đề xác định quyền hạn giữa Hành Pháp và Lập Pháp. Điều oái ăm là trong khi các dân biểu CH thưa Hành Pháp để dành lại quyền cho Lập Pháp, thì tất cả các dân biểu DC đã biểu quyết chống lại, tức là họ đã biểu quyết muốn nhường quyền của Lập Pháp cho Hành Pháp, để họ được... ngồi chơi xơi nước, chấp nhận tất cả những gì tổng thống muốn!

Cũng cần ghi nhận chuyện này khác xa đàn hạch –impeach-. Đàn hạch nhắm vào cá nhân tổng thống với mục đích cất chức ông. Vụ thưa này là Lập Pháp thưa Hành Pháp đã lạm quyền. Nếu Hạ Viện thắng, thì TT Obama vẫn làm tổng thống, chỉ có quyền hành bị giới hạn bớt đi. Thật ra, TT Obama chưa phạm tội tầy trời gì để phải bị đàn hạch, chỉ là chuyện lấn quyền và bất tài thôi. Hiến Pháp không có quy định cất chức tổng thống vì bất tài. Nhưng phe DC đã mau mắn khua chiêng trống rầm rộ là TT Obama sắp sửa bị đàn hạch, kêu gọi gây quỹ giúp DC bảo vệ ông, và ngay sau đó, đã thu được một triệu đô trong một ngày. Chính trị mánh mung là vậy, thiên hạ ai dại ráng chịu. Năm 2008, 11 dân biểu DC đưa ra dự luật đàn hạch TT Bush, nhưng không đi đến đâu vì chẳng có thêm phiếu nào. (03-08-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.