Hôm nay,  

Iraq Bát Nháo

24/06/201400:00:00(Xem: 8128)

...Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan chỉ là vấn đề thời gian...

Trong hơn hai tuần qua, một tin tức thời sự mới đã nhẩy lên ghế nóng hổi nhất. Lại một khủng hoảng nữa! Mỗi tuần một khủng hoảng. Đó là khủng hoảng Iraq.

Một nhóm nổi loạn Hồi Giáo quá khích có quan hệ mật thiết với Al Qaeda, có tên là “Quốc Gia Hồi Giáo Iraq Và Syria” (Islamic State of Iraq and Syria - ISIS) đang tung hoành tại Iraq, mới chiếm được thành phố Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq nằm ở phiá bắc, và Tikrit, quê hương của Saddam Hussein, trên đường nam tiến và đang đe dọa tấn công thủ đô Bagdad trong nay mai. Tin tức mới nhất, quân ISIS đang tấn công một đồn chỉ cách thủ đô hơn 30 dặm.

Các lực lượng võ trang của khối tôn giáo Sunni, đồng minh với Saddam Hussein trước đây, đã bắt tay hợp tác với các lực lượng ISIS từ Syria qua chống lại chính quyền trung ương của Thủ Tướng Nouri al-Maliki, thuộc khối tôn giáo Shiia.

Theo Washington Post, trong ba năm qua, từ ngày đồng minh tháo chạy, chính quyền Iraq đã mất kiểm soát gần hai chục thành phố lớn nhỏ, và quân nổi loạn hiện đã chiếm một phần ba xứ Iraq trong khi TT Obama ngó lơ.

Cuộc chiến lai rai bộc phát mạnh khi quân nổi loạn chiếm toàn vùng bắc Iraq, là vùng mỏ dầu hỏa, với Mosul là thành phố thứ nhì của Iraq. Với mỏ dầu này, quân nổi loạn sẽ có nguồn tài chánh vĩ đại để tài trợ cuộc chiến, chưa kể số tiền 430 triệu đô cướp được từ chi nhánh Ngân Hàng Trung Ương tại Mosul. Và không biết bao nhiêu súng ống, đạn dược, đại bác, quân xa,...

Sau hai tuần cân nhắc, đắn đó, suy nghĩ, TT Obama quyết định gửi 300 cố vấn quân sự qua cứu Iraq, nhưng không có thủy quân lục chiến. Dĩ nhiên không ai nghĩ đến chuyện mang “lính đánh bộ” nào vào cả. Vì quá nhiều yếu tố.

Trước hết ông tổng thống có giải Nobel Hoà Bình sẽ không bao giờ dám làm chuyện đó. Tại Libya, trước áp lực quá lớn của các đồng minh Anh Pháp, ông đã đành phải cho máy bay chạy qua thả bom từ thật cao để tránh tổn thất, rồi tiếp tục “lãnh đạo từ phiá sau”. Tại Syria, ông vạch lằn ranh đỏ, rồi xoá, rồi vạch lại, rồi núp sau lưng Putin trốn ra khỏi xứ đó, vạch lại lằn ranh ở bến tàu Nữu Ước, nơi mà “an ninh và quyền lợi” của Mỹ sẽ bị “trực tiếp đe dọa” theo định nghiã của “chủ thuyết Obama” mới được công bố tại West Point cách đây ít tuần sau hơn 5 năm thi hành một chính sách đối ngoại không chủ thuyết.

Đối với hai cuộc chiến mà TT Obama được TT Bush thân tặng lại, thì một viên chức cao cấp của Bộ Quốc Phòng đã nhấn mạnh chính quyền Obama đã có một chiến lược duy nhất, đó là rút ra bằng mọi giá, càng mau càng tốt, không thắc mắc chuyện hậu quả lâu dài.

Với cá tính “hiếu hoà” đụng đâu trốn đó, không ai nghĩ TT Obama sẽ có ngày lên truyền hình tuyên bố khai chiến với ISIS, cho dù bất kỳ chuyện gì xẩy ra.

Ngoài ra, dân Mỹ có thể nói đã bị nhồi sọ, nhập tâm chống cuộc chiến Iraq bởi TT Obama và phe cấp tiến từ ít nhất 6-7 năm nay rồi. Không thể nào một sớm một chiều lại đi hậu thuẫn một cuộc “tái chiến” tại Iraq.

Vấn đề đặt ra bây giờ không phải là Mỹ tham gia cuộc chiến lại hay không, mà là trả lời vài câu hỏi chính.

Tại sao cuộc chiến bộc phát?

Anh nhà báo phe ta Fareed Zakaria đã đổ thừa cho Bush như thường lệ dĩ nhiên. Thật ra cũng không phải hoàn toàn vô lý. Lý do sâu xa là vì Mỹ, do quyết định của TT Bush vì nhu cầu an ninh Mỹ, đã phá cái xiềng của Saddam Hussein xích dân Iraq lại.

Hồi Giáo từ rất lâu rồi, đã bị phân hoá thành hai “hệ phái” Sunni và Shiia. Hai hệ phái này, tuy cùng đạo và cùng thờ một Đấng Tiên Tri Mohamed, nhưng kình chống nhau một cách không đội trời chung. Trong hầu hết các xứ Trung Đông, tình trạng tương đối yên ổn vì thông thường thì luôn có một khối thật lớn, thật mạnh, khống chế khối kia. Như khối Shiia hoàn toàn kiểm soát Iran về phiá đông của vùng Trung Đông, trong khi Sunni hoàn toàn nắm tuyệt đại đa số phiá tây của vùng Trung Đông, gồm Ả Rập Saudi, Jordania, Ai Cập, Bắc Phi. Cái không may cho Iraq, cũng như Syria, là nằm trong vùng trái độn ở giữa, nơi cả hai khối Sunni và Shiia đều hiện diện và xung đột mạnh mẽ.

Tại Syria, đa số dân theo Sunni, nhưng TT Assad lại là Shiia, do đó giải thích chế độ độc tài của Assad và cuộc nội chiến kéo dài.

Tại Iraq, ngược lại, đa số dân theo Shiia, nhưng Saddam Hussein lại là Sunni. Saddam dùng bạo lực khống chế và khi cần, tàn sát thẳng tay khối đa số Shiia. Kể cả đi đến chiến tranh chống Iran luôn. Bàn tay sắt của Saddam duy trì một sự ổn định tương đối cho Iraq. Saddam bị tiêu diệt, nước Mỹ ngây thơ mơ mộng, hy vọng mang “dân chủ” vào Iraq, và lá phiếu sẽ mạnh hơn AK-47. Sai lầm lớn đưa đến tình trạng nội chiến liên tục từ hơn chục năm nay.

Thật ra TT Bush không tung lính Mỹ vào Iraq để dân chủ hoá cái xứ này, mà là để diệt mối họa Saddam, một hành động được lấy trong bối cảnh hậu 9/11, rồi hy vọng dân chủ sẽ kềm chế được mấy ông hung thần Hồi Giáo quá khích.

Dưới chế độ đầu phiếu “dân chủ”, khối Shiia là khối đa số, lên nắm quyền, trả đũa những đàn áp dưới thời Saddam, đàn áp khối Sunni lại. Đàn áp chính trị mà cũng đàn áp kinh tế luôn, không chịu “ăn đồng chia đủ” tiền dầu hoả với khối Sunni, và một khối thiểu số khác, gốc Thổ Nhĩ Kỳ là khối Kurd.

Iraq biến thành “Tam Quốc Chí” tân thời với ba cánh Shiia, Sunni và Kurd đánh nhau chí chóe. Và trong cảnh hỗn quân hỗn quan đó, các phe phái ngoài nước cũng ào vô ăn ké, trong đó đáng kể nhất có Iran ủng hộ khối Shiia, Thổ Nhĩ Kỳ kín đáo đứng sau lưng khối Kurd, và Al Qaeda đánh cả hai bên Shiia và Sunni để khiêu khích, tạo nước đục để thả câu. Năm 2006, Al Qaeda đặt bom đền Golden Mosque ở Samarra, thánh địa Shiia, khiến dân Shiia đùng đùng nổi giận đi đốt đền Sunni trả thù.

Anh láng giềng Syria là trường hợp đặc biệt. Các nhóm võ trang đang nổi loạn chống TT Assad là đồng minh của khối Sunni phiá tây Iraq. Tổ chức ISIS là một trong những tổ chức nổi loạn chống TT Assad, lớn mạnh nhờ cuộc nội chiến tại Syria, bây giờ tràn qua Iraq, mưu đồ thống nhất Syria và Iraq lại thành một nước Hồi Giáo mới. Trong tình trạng này, chính quyền Iraq bây giờ cũng có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của TT Assad.

Tại Iraq, lúc đầu khối Sunni đánh nhau mạnh với khối Shiia, được hậu thuẫn của Al-Qaeda. Nhưng sau đó, ý thức được mưu đồ của Al Qaeda, Sunni trở mặt chống Al Qaeda, tiếp tay với chính quyền trung ương Shiia và quân lực Mỹ, đưa đến những thành công lớn của tướng Petraeus, ổn định phần nào tình hình quân sự Iraq cuối trào Bush. Công tác chưa hoàn tất thì TT Obama nhậm chức.

Nước Mỹ phá cái xích Saddam, khiến mấy con cọp dữ được thả lỏng ra, tha hồ cắn nhau, nhưng thay vì kiên trì thuần phục đám cọp này theo chiến lược của tướng Petraeus, thì lại mau mắn tháo chạy, dưới sự lãnh đạo của TT Obama, bất kể hậu quả.

Và đó là lý do gần quan trọng nhất của cuộc chiến tái phát mạnh. Ngày trước, TT Bush tuyên bố sẽ rút quân tùy theo sự lớn mạnh của quân lực chính quyền trung ương Iraq. Các anh yếu thì chúng tôi rút chậm, các anh càng mạnh bao nhiêu thì chúng tôi rút quân mau bấy nhiêu. Dưới thời TT Obama, sách lược thay đổi, chúng tôi cần rút càng mau càng tốt, các anh mạnh hay yếu, hòa hợp hòa giải hay không, là chuyện của mấy anh.

Một câu hỏi là tại sao lực lượng nổi loạn có vẻ tạp nhạp như ISIS lại mạnh như vậy, thành công dễ dàng như vậy? Câu trả lời là ISIS đã lớn mạnh qua kinh nghiệm cuộc nội chiến kéo dài từ mấy năm nay tại Syria, thêm vào đó, phần lớn cấp lãnh đạo quân sự của ISIS là khối sĩ quan cao cấp Sunni của quân đội Saddam đã bị sa thải, có khả năng quân sự cụ thể.

Chuyện gì sẽ xẩy ra?

Thắng lợi của ISIS sẽ bắt buộc Iran can thiệp. Chính quyền Iran đã chính thức lên tiếng sẽ can thiệp nếu được yêu cầu. Chắc chắn là Thủ Tướng Iraq, Nouri al-Maliki sẽ không ngồi yên chờ chết, và đã yêu cầu Mỹ can thiệp. Nếu Mỹ từ chối hay can thiệp kiểu ển ển xìu xìu không giúp Maliki chiến thắng được, hay áp lực bắt Maliki từ chức, thì ông sẽ quay qua các giáo chủ Iran và chính quyền trung ương Shiia của Iraq sẽ thành con cờ của Iran, ảnh hưởng của Iran sẽ thay thế Mỹ hoàn toàn tại Bagdad.

Ta sẽ thấy cái trục đồng minh mới, Syria-Iraq-Iran. Trước đây, cái trục Syria-Iran bị hóc cục xương Saddam ở giữa. Cái tréo cẳng ngỗng lạ lùng nhất là ta sẽ thấy Iran và Syria, kẻ thù của Mỹ, lo bảo vệ Bagdad của ông Maliki, con đẻ của Mỹ. Trong khi đồng minh số một của Mỹ, Ả Rập Saud lại hậu thuẫn và tài trợ khối Sunni, đồng minh của ISIS, để đánh Maliki. Nếu quý độc giả chưa thấy đủ rối trí, thì xin thêm một yếu tố nữa: ISIS là một trong những tổ chức nổi loạn tại Syria và được Mỹ yểm trợ súng đạn để chống Assad! Bây giờ nhờ Mỹ nuôi lớn mạnh, vác súng đạn Mỹ chạy qua đánh Maliki. Ai hiểu được, xin giải thích cho kẻ viết này.

Khối đa số Shiia dĩ nhiên cũng không thể ngồi yên chờ chết. Giáo chủ Ali al-Sistani của Shiia đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng võ trang Shiia đứng lên bảo vệ đạo. Một lực lượng Shiia đã bắc tiến, mưu chiếm lại thánh địa Samarra, đồng thời đang tổ chức vòng đai bảo vệ thủ đô Bagdad. Quân đội chính quy Iraq là một tổ chức ô hợp gồm cả ba khối, không có tinh thần đoàn kết hay chiến đấu sống chết cho khối nào hết, nên đã tan hàng mau lẹ trước quân nổi loạn. Bây giờ thủ tướng Maliki phải trông cậy vào các nhóm võ trang Shiia bán chính thức nhưng rất cực đoan, hung hăng.

Khối Kurd phiá bắc bị ngỡ ngàng, chưa kịp chống đỡ, đang củng cố lực lượng để phản công, đánh lại quân ISIS.

Thực tế, ta sẽ chứng kiến cảnh Iraq bị chiến tranh tàn khốc lâu dài trước khi đi đến tình trạng bị chia làm hai hay ba nước. Cho dù Iraq không tan vỡ thành mấy mảnh, thì chính quyền Bagdad cũng sẽ chỉ kiểm soát được chừng một nửa hay một phần ba lãnh thổ thôi.

Điều đáng quan ngại cho Mỹ là tất cả những nước –hay vùng- mới mọc đó, nếu không trở thành một tân Afghanistan, địa bàn mới của Al Qaeda, thì cũng là đồng minh của Iran và Syria. Tất cả đều là đất có thể nuôi dưỡng khủng bố chống Mỹ, cả khối Tây Phương và Do Thái.

Liên quan đến thái độ của chính phủ Mỹ, TT Obama đã lên tiếng một cách không thể rõ ràng hơn, đó là chuyện của mấy anh. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Mỹ không vô thì Iran sẽ vô, Nga sẽ vô, Tầu sẽ vô. Cho nên Mỹ sẽ phải vô. Nhưng vô theo kiểu Obama, chân trong chân ngoài, vừa vô vừa run.

TT Obama cũng tuyên bố đây là vấn đề chung cho cả thế giới, không phải là rắc rối của riêng Mỹ, do đó, cả thế giới cũng phải góp phần giải quyết vấn đề. Đó là thông điệp TT Obama gửi cho các đồng minh Âu Châu. Nhưng không may cho TT Obama, lúc này là lúc cả thế giới hình như đang lo... coi đá banh tại Brasil, không rảnh để cõng chuyện Iraq dùm cho Mỹ.

TT Obama cho biết sẽ gửi 300 ”cố vấn quân sự” qua giúp, nhưng không tham chiến. Dân Việt ta quá rõ chuyện “cố vấn”, chẳng giải quyết được chuyện gì. Cố vấn chỉ giỏi xúi dại, càng cố vấn tình hình càng xấu. Kinh nghiệm VNCH chúng ta chưa quyên được. Dưới thời TT Kennnedy, cũng bắt đầu bằng vài trăm cố vấn, leo thang dần đến hơn nửa triệu quân, rồi cuối cùng cũng tháo chạy.

Chính quyền Obama cũng cho rằng Thủ Tướng Maliki là nguyên nhân khủng hoảng, không đủ khả năng trong vai trò lãnh đạo Iraq, cần phải thay đổi. Dù là Obama hay Nixon hay Kennedy, giải pháp cuối cùng của Mỹ vẫn không phải lỗi Mỹ, lỗi mấy anh lãnh tụ địa phương vô tài, tham nhũng phải thay thế. Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nouri al-Maliki, v.v...

Chính trị Mỹ như là những bài vọng cổ, có một vài điệu, hát cả trăm năm, chỉ đổi lời và ca sĩ.

Đi xa hơn nội bộ Iraq, tất cả khối Ả Rập trong vùng, Ả Rập Saud, Ai Cập, Jordania, các tiểu vương quốc dầu hỏa vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Pakistan, sẽ phải cân nhắc lại quan hệ với Mỹ để tự bảo vệ chính mình.

Một hậu quả nữa của chính sách Trung Đông của TT Obama: Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan chỉ là vấn đề thời gian, không phải là có thể hay không mà là chừng nào. TT Obama đã trả lại những lãnh tụ còn sống của họ rồi đó.

TT Putin và CT Tập Cận Bình sẽ khai thác cái rối loạn này tối đa, bành trướng thế lực của Nga và Trung Cộng trong nồi cháo heo khổng lồ này, cũng là kho dầu xăng của cả thế giới.

Về kinh tế, nếu Iraq rơi vào tay Iran hay ISIS, hay nội chiến trường kỳ, giá dầu hỏa trên thế giới sẽ tăng, không tránh được. Có chuyên gia đã ước tính xăng tại Mỹ leo lên 5-6 đô một ga-lông chỉ là bước đầu.

Tóm lại, cả Iraq và Afghanistan có triển vọng thành căn cứ địa của khủng bố Hồi Giáo quá khích, cả vùng Trung Đông sẽ được “tái phối trí” lại, với ảnh hưởng ngày một lớn của Nga và Trung Cộng, giá dầu xăng trên thế giới có thể tăng vọt, trong khi đại cường Mỹ đứng ngoài gãi đầu gãi tai không biết phải làm gì. Đó là hậu quả trực tiếp của chính sách đối ngoại tại Trung Đông của anh cựu tổ chức cộng đồng.

Chính sách tháo chạy bất kể hậu quả để lại khoảng trống chính trị và quân sự tại cả Afghanistan lẫn Iraq đã đưa đến những hậu quả ta thấy ngày hôm nay.

TT Obama làm gì được bây giờ?

Câu trả lời ngắn gọn là “chẳng làm gì được hết”. Vấn đề là ngay từ đầu đừng để nhà cháy, để cháy rồi thì quá trễ. NATO và Liên Hiệp Âu Châu ngó lơ, lo coi đá banh hết. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi thế giới ngăn cản một nhóm khủng bố phá vỡ dân chủ đang được thành hình tại Iraq. Đó là chuyện tối đa LHQ có thể làm được.

Chủ Tịch Hạ Viện, dân biểu Cộng Hoà John Boehner đã cho rằng TT Obama đã “đi ngủ trưa” –take a nap- suốt mấy năm qua khi quân nổi loạn Iraq bắt đầu chiếm từng tỉnh, từng vùng. Thật ra, có thức và có nhìn rõ, TT Obama cũng sẽ chẳng làm gì khác hơn là ngó lơ. Đó là chính sách của ông, không phải là chuyện lơ là, ngủ quên.

Bằng chứng rõ ràng nhất là ông đã quyết định rút hết toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq, không để lại một ít đơn vị tối thiểu, hay vài ba chục ngàn quân để bảo đảm Iraq không rơi vào tay khủng bố Hồi Giáo quá khích, hay rơi vào tay Iran và Syria.

Ở đây, ta lại thấy một chuyện khôi hài được lập lại nữa.

Năm 2010, TT Obama cho ông phó Biden lên truyền hình tung hô cuộc tháo chạy khỏi Iraq là thành quả vĩ đại (“great achievement”) của TT Obama vì ông đã “chấm dứt được sự can thiệp của Mỹ và đã thành công rút 90,000 quân về, để lại một chính phủ vững bền đang mạnh tiến trên con đường dân chủ hóa”.

Bây giờ, tình hình đổ vỡ, không ai khác hơn là bà cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, đã tuyên bố ngày 12 tháng 6 vừa qua chuyện rút quân “đã được quyết định bởi chính quyền trước” (“was set by the previous adminstration”).

Vẫn mô thức cổ điển của phe ta. Tốt đẹp thì tranh công, tai hại thì là... tại Bush! (15-06-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
24/06/201411:54:37
Khách
Không hiểu trách nhiệm An ninh thế giới thế nào ?
IRac bất ổn thì chỉ trông chờ người Mỹ còn khi nào ổn thì Thằng Trung Quốc lại nhẩy vào để hoạt động khai thác.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thì ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Trung Cộng đang tăng tiến, bất chấp việc tuyền truyền chủ nghĩa cộng sản vô thần
Mùa Thu ở Hoa Thịnh Đốn kéo dài ba tháng, bắt đầu từ 21 Tháng 9 đến 21 Tháng 12. Mỗi năm cứ sau Halloween
Có một số độc giả nêu thắc mắc về một bản tin trên Việt Báo nói rằng Giáo Hội PGVNTN đã "tan vỡ," và cho rằng chữ này không chính xác.
Một tuần vận động thành công và nhu cầu cần thiết: Dịch các lá thư CS “chửi” Hoa Kỳ, để nộp cho QH, BNG và Hội đồng An Ninh Quốc Gia
Theo nhận xét từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Institute of Directors, một tổ chức qui tụ các công ty thương mại của người Anh
Tôi tên là Nguyễn Phương Anh , giới tính : Nam, ngày  sinh : 11/9/1972 , số giấy chứng minh nhân dân : 011537150 , ngày  cấp 13/10/2004 do công an Hà nội cấp
Kỳ nhông (hay cắc kè giông, caméléon) là một loại bò sát có đặc tính đổi màu da (các lớp vảy) tùy môi trường: giữa đám lá nó biến thành sắc xanh
Còn đúng một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lên các cấp lãnh đạo của chính quyền liên bang và tiểu bang
Hoà Thượng Thích Quảng Độ thuật lại chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ USCIRF... Đó là bản tường trình của nữ sĩ Ỷ Lan
Báo sự thật, số 120, ngày 15-10-1949 có đăng bài viết của Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước Dân chủ; Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.