Hôm nay,  

Chứng Từ Của Một Người Tù Kiên Giam

21/06/201400:00:00(Xem: 4978)
Bài viết nhân đọc cuốn sách Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh.

Tài liệu tham khảo chính yếu: Sách “Thung Lũng Tử Thần – Hồi Ức Một Người Tù Cải Tạo.” Tác giả Vũ Ánh. Nhà Xuất Bản Người Việt phát hành tháng 6/2014.

* * *

Trước đây khi còn sinh thời, nhà báo Vũ Ánh đã cho đăng thành nhiều kỳ trên Nhật báo Người Việt những bài viết của mình kể lại một số chuyện xảy ra tại trại giam khét tiếng có tên là Trại A-20 nơi vùng đất Xuân Phước – Tuy Hòa. Nay nhân dịp Kỷ niệm 100 Ngày tác giả Vũ Ánh qua đời, nhà xuất bản Người Việt Books cho tập hợp lại các bài báo đó và ấn hành thành một cuốn sách dày 284 trang với nhan đề:

Thung Lũng Tử Thần - Hồi Ức Một Người Tù Cải Tạo.

Đọc qua cuốn sách đó, ngòai những đoạn mô tả về lối đối xử tàn tệ bạo ngược của cán bộ đối với người tù bị cùm cả chân lẫn tay trong phòng kiên giam – tôi còn nhận ngay ra được một số nhân vật mà mình quen biết thân thương hay đã nghe tiếng từ lâu – mà nay phần đông cũng đã lìa đời ngay tại trại A-20 đó, hay sau này khi đã được trả tự do về lại với gia đình. Nhờ vậy mà tôi có thêm được những thông tin chi tiết hơn về cuộc sống trong tù của những người đó. Và tôi có thể nói rằng: Những chứng từ của Vũ Ánh trong cuốn Hồi Ức này rõ ràng là có tính chất khả tín, trung thực. Tôi xin ghi lại trong mấy mục sau đây:

I – Những người chết trong nhà tù A – 20.

Tác giả ghi lại vào năm 1986, thì đã có đến 126 người tù chết tại trại tù Xuân Phước A – 20, mà người cuối cùng là Linh mục Nguyễn Văn Luân, “một tu sĩ trẻ trầm tĩnh và rất cương quyết”. Ở phòng biệt giam trong trại tù Xuân Phước, vị Linh mục người miền Trung này lại còn kết thân với một tu sĩ Phật giáo khác, đó là Thượng Tọa Thích Thiện Minh người miền Nam và còn trao đổi thơ văn đọc cho nhau nghe nữa.

1 – Linh mục Nguyễn Huy Chương cũng đã mất ở trại này. Ông là người làng Thủy Nhai chỉ cách làng Cát Xuyên thuộc huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định của tôi chưa đày 2 kilomét. Hồi Đệ nhất Cộng hòa, ông Chương là một Dân biểu đối lập có tiếng, ông cùng với ông “Nghị Kaki Nguyễn Văn Cẩn” can đảm công khai lên tiếng phê phán bà Ngô Đình Nhu trên diễn đàn Quốc Hội. Sau đó, ông trở lại đi tu và làm linh mục coi sóc xứ đạo Bình Đông ở Quận 7 Saigon. Người cùng bị bắt với ông hồi năm 1976 là Linh mục Đinh Công Hùynh hiện đang sinh sống tại thành phố Philadelphia.

Những linh mục khác nữa mà cũng mất tại trại tù Xuân Phước, thì phải kể đến LM Nguyễn Văn Vàng vụ Phục Quốc, LM Nguyễn Quang Minh vụ Nhà thờ Vinh Sơn…

2 - Dân biểu Khúc Thừa Văn cũng là một lãnh tụ Quốc Dân Đảng ở tỉnh Quảng Nam. Ông Văn được tiếng là một con người rất kiên cường hiên ngang trước nghịch cảnh, ông bị cùm nhiều ngày trong phòng biệt giam ở Xuân Phước và đã qua đời tại đây.

3 – Luật sư Quách Văn Trung, bào đệ của Giáo sư Quách Thị Nho.

Anh Trung chết vì bị tai biến mạch máu não, mà cán bộ dối gạt không cho người vợ lên thăm được đưa xác chồng. Cái chết này, luật sư Trần Danh San cũng chứng kiến và có lần đã kể lại cho tôi nghe từ lâu.

II– Những người đã ra đi sau khi được trả tự do.

1 – Thầy Đạt tức Hòa Thượng Thích Huệ Đăng

Ông thầy này là một người tù kiên cường, thà chịu ngồi tù kiên giam chứ không chịu đi lao động vào ngày mồng một và ngày rằm để mà ngồi thiền niệm Phật. Chính ông đã làm lễ quy y cho Vũ Ánh ngay trong trại tù. Ra tù được ít lâu, thầy Đạt bị bắt lại vào năm 1990 và tôi đã có dịp ở tù chung với ông tại nhiều trại giam, đặc biệt là trại Z30D ở Rừng Lá Hàm Tân từ năm 1992 cho đến khi tôi được trả tự do vào năm 1996.

Vốn có tính tình lạc quan xởi lởi, thầy Đạt làm cho các bạn tù chính trị chúng tôi lên tinh thần nhiều lắm. Thượng Tọa Thích Thiện Minh thế danh là Huỳnh Văn Ba trong cuốn Hồi ký “26 Năm Lưu Đày” xuất bản ở hải ngọai năm 2007 – cũng đã hết lòng ca ngợi tấm gương uy dũng của vị tu sĩ đàn anh này. Tiếc thay, sau khi ra tù vào năm 2000, thì thầy Đạt lại qua đời vào năm 2009 tại chùa Phước Duyên cũng ở miệt Nha Trang Tuy Hòa.

2 – Luật sư Trần Danh San, người phát động tranh đấu nhân quyền ở miền Nam ngay từ năm 1977.

Vũ Ánh đã không tiếc lời khen ngợi sự quả cảm của người luật sư này khi cùng với các bạn tù như Nguyễn Chí Thiệp, Trần Bửu Ngọc, v.v… họp chung với nhau để làm tờ báo chui ở ngay trong trại Xuân Phước gọi là tờ “Hợp Đoàn”. Luật sư San cũng bị kiên giam nhiều ngày, nhưng vẫn giữ được tinh thần khẳng khái kiên cường. Ra tù, anh đã tìm cách vượt biên ngay và định cư tại Mỹ. Nhưng vào mùa hè năm 2013, anh San đã qua đời vì bệnh ung thư.

Luật sư Trần Danh San cùng với bạn đồng nghiệp Triệu Bá Thiệp là những tiêu biểu sáng giá trong giới luật sư tiếp nối cái truyền thống cao đẹp trong công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền của các bậc tiền bối như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở miền Bắc hồi giữa thập niên 1950.

III– Những nhân cách đáng quý.

Phải sống trong những điều kiện nghiệt ngã khổ cực quá mức, mà lại còn bị cán bộ cai tù xúi bảy dụ dỗ này nọ, nên đã có một số trại viên cam tâm nhận làm công việc báo cáo tố giác anh em đồng cảnh ở trong trại tù với mình. Những người này được gọi là làm “ăng ten” cho cán bộ quản giáo, do đó mà bị anh em khinh chê ghét bỏ vì cái tội “phản bội lại những người trước kia là đồng đội với mình”.

Nhưng ngược lại, thì vẫn có những trại viên giữ vững được nhân cách tốt đẹp cao thượng của bản thân - điển hình như mấy nhân vật mà tác giả Vũ Ánh ghi rõ tên tuổi trong các trang từ 187 đến 195 và rải rác trong nhiều trang khác nữa. Cụ thể, xin trích lại một vài chi tiết như sau:

1 - Nguyễn Đình Quý, sĩ quan cảnh sát lúc bị cùm trong phòng biệt giam đã ngang nhiên đốp chát với cả cán bộ trưởng trại Lê Đồng Vũ như thế này: “Đâu có sao cán bộ, nằm ở đây thì khỏi phải lao động thôi”!

2 - Linh mục Nguyễn Văn Luân còn khẳng khái hơn, ông nói thẳng với trại trưởng Vũ: “Thưa cán bộ, ông nói quá đấy thôi. Nhưng so với các ông và với chế độ này, anh em chúng tôi lúc nào cũng mạnh. Bởi vì nếu chúng tôi không mạnh, thì các ông đâu có sợ mà phải nhốt chúng tôi như thế này. Chính các ông mới là người yếu và lúc nào cũng sợ hãi, chứ không phải chúng tôi…”

3- Đoàn Bá Phụ, cựu đại đội trưởng Tiểu Đòan 7 Nhảy Dù đã tổ chức việc gửi thuốc cứu LM Luân bị bệnh kiết lỵ. Công việc thật công phu và may mắn trót lọt giúp cho bệnh nhân thóat khỏi cơn nguy biến. Tình liên đới đùm bọc giữa các bạn tù cùng bị biệt giam với nhau mà Vũ Ánh ghi lại ở đây - cũng như cho chính anh khi bị bệnh phù thũng, thì thật là cảm động.

4 - Ông Hùynh Cự, một hồi chánh viên nổi tiếng vào cuối thập niên 1960, thì cũng đã trả lời bình thản cho trại trưởng Vũ: “Lẽ ra đem tôi ra bắn ở cầu Bình Triệu thì mới là khoan hồng. Nhà nước nhốt tôi vào trại cải tạo thì cứ nhốt. Nhưng giữa tôi và cán bộ có những suy nghĩ khác nhau về công và tội với đất nước, thì nên hãy để cho lịch sử phán xét!”

5 -Còn về chính đương sự, thì tác giả Vũ Ánh đã rất khiêm tốn, không chịu ghi ra những chi tiết về sự khẳng khái gan dạ của chính bản thân mình. Cụ thể như khi anh dặn anh em cùng làm tờ báo Hợp Đòan rằng: “Các cậu nhớ chỉ khai là chính tôi Vũ Ánh mới là người khởi sự bày trò ra - bao nhiêu tội cứ đổ lên đầu một mình tôi thôi nhé. Đừng có khai cho người khác. Nhớ nghe…” Đọan này cũng như nhiều chi tiết khác về sự can trường dũng cảm của Vũ Ánh là do anh Phạm Đức Nhì sĩ quan Nhảy Dù ghi lại mới đây, sau khi Vũ Ánh đã qua đời ít lâu thôi.

IV – Để tóm lược lại, tôi xin ghi ra một vài nhận xét ngắn gọn như sau:

1 – Dưới chế độ cộng sản, tại Việt nam trong gần 70 năm qua thì phải có đến hàng triệu tù nhân chính trị mà bị đày đọa tàn nhẫn trong cả ngàn trại giam rải rác ở khắp nơi. Trong số các trại giam này, thì trại A – 20 ở Xuân Phước Tuy Hòa được các tù nhân xếp vào lọai ác ôn khủng khiếp nhất – mà có người còn gọi đó là một thứ “địa ngục trần gian”.

Trong cuốn Hồi ức của Vũ Ánh, thì tác giả gọi đây là “Thung Lũng Tử Thần” vì đã có rất nhiều tù nhân chính trị đã phải bỏ xác tại đây. Cuốn sách này đã bổ túc cho cuốn “Trại Kiên Giam” đã ra mắt trên 10 năm trước đây, mà tác giả là Nguyễn Chí Thiệp thì cũng là bạn cùng ở tù và cùng làm báo chui với Vũ Ánh ngay tại trại trừng giới khét tiếng này.

2 – Tác giả cố ý dùng chữ “Người Tù Cải Tạo”, đó là vì muốn nói lên cái chính sách thật tàn nhẫn vô nhân đạo của người cộng sản chiến thắng mà chuyên dùng mọi thứ cực hình như bỏ đói, bắt làm việc nặng nhọc như khổ sai, xiềng xích cùm kẹp trong các phòng biệt giam v.v...Họ nhằm bẻ gãy tinh thần của người chiến bại, bắt tù nhân phải phục tùng, bó tay đầu hàng – mà họ coi là “đã an tâm cải tạo tốt”. Nhưng trong suốt cuốn sách, tác giả đã đưa ra nhiều sự việc cụ thể để chứng minh rằng: “chính sách dùng bạo lực hạ giá nhân phẩm của người cộng sản đối với đa số tù nhân chính trị ở miền Nam sau năm 1975, thì đó là một sự thất bại hòan tòan”. Vì thế, mà trong dân gian mới có câu: “Ai cải tạo ai?”

3 – Là một nhà báo kỳ cựu, Vũ Ánh đã tỏ ra có cái nhìn thật sâu sắc và nhất quán trước những nghịch cảnh éo le của các bạn cùng bị hành hạ tàn tệ như mình nơi trại trừng giới khắc nghiệt A – 20 này trong mấy năm đầu của thập niên 1980. Những nhận định, phán đóan của anh vừa có tính chất chính xác, chừng mực mà cũng vừa biểu lộ một tấm lòng bao dung thông cảm đối với sự sai sót yếu đuối thường tình của một số bạn đồng cảnh. Tác giả cũng biểu lộ tinh thần bất khuất kiên cường trước sự áp đảo dọa nạt của cán bộ cộng sản.

Tóm tắt lại, đây là một cuốn Hồi ức rất có giá trị của một người tù mà phải bị cùm cả chân lẫn tay liên tục suốt 4 năm trong chuồng cọp tại trại trừng giới A – 20 ở thung lũng Xuân Phước Tuy Hòa. Rõ rệt đây là một chứng từ trung thực và khả tín của một con người vừa có nhân cách cao đẹp vưà có tinh thần quốc gia kiên định vậy.

Người viết rất vui mừng và hân hạnh được giới thiệu với bạn đọc cuốn Hồi ức về “Thung Lũng Tử Thần” thật đáng tin cậy này.

Westminster California ngày 19 tháng Sáu 2014

Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau đây là thư ngỏ của cô Nguyễn Thanh Nhiên gửi phó tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới CSVN Nguyễn Như Phong.
Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thì ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Trung Cộng đang tăng tiến, bất chấp việc tuyền truyền chủ nghĩa cộng sản vô thần
Mùa Thu ở Hoa Thịnh Đốn kéo dài ba tháng, bắt đầu từ 21 Tháng 9 đến 21 Tháng 12. Mỗi năm cứ sau Halloween
Có một số độc giả nêu thắc mắc về một bản tin trên Việt Báo nói rằng Giáo Hội PGVNTN đã "tan vỡ," và cho rằng chữ này không chính xác.
Một tuần vận động thành công và nhu cầu cần thiết: Dịch các lá thư CS “chửi” Hoa Kỳ, để nộp cho QH, BNG và Hội đồng An Ninh Quốc Gia
Theo nhận xét từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Institute of Directors, một tổ chức qui tụ các công ty thương mại của người Anh
Tôi tên là Nguyễn Phương Anh , giới tính : Nam, ngày  sinh : 11/9/1972 , số giấy chứng minh nhân dân : 011537150 , ngày  cấp 13/10/2004 do công an Hà nội cấp
Kỳ nhông (hay cắc kè giông, caméléon) là một loại bò sát có đặc tính đổi màu da (các lớp vảy) tùy môi trường: giữa đám lá nó biến thành sắc xanh
Còn đúng một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lên các cấp lãnh đạo của chính quyền liên bang và tiểu bang
Hoà Thượng Thích Quảng Độ thuật lại chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ USCIRF... Đó là bản tường trình của nữ sĩ Ỷ Lan
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.