Hôm nay,  

Hình Ảnh Và Vai Trò Của Người Cha

14/06/201408:32:00(Xem: 4990)

HÌNH ẢNH VÀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA


Sau bài viết Hình Ảnh Mẹ Trong Phật Giáo, tác giả đã nhận đươc những lời đón mừng hoặc cám ơn nhiệt tình của độc giả và các thân hữu, từ các nguyệt san, báo online, diễn đàn, và đặc biệt là sự khuyến khích tác giả nên viết luôn về Người Cha; tiện dịp Tháng Sáu hằng năm ở Hoa Kỳ, có Ngày Cha (Father’s Day), đúng vào lúc Mùa Cưới. Và trước khi làm cha thì thường phải làm chồng. Do đó, bài viết Hình Ảnh Người Cha đến với mọi người hôm nay, hy vọng như một duyên tái ngộ, cho một nhân lành.

***

Thường, người mẹ gần gũi, chăm sóc con, nên được con thương mến hơn, và người cha nghiêm khắc, uy quyền, ít có thì giờ trò chuyện với con; nhưng ngược lại, có khi mẹ quá chuyên quyền, khó chịu, và cha cởi mở, thông cảm với con hơn. Lại có những trường hợp tuyệt vời, mẹ khôn ngoan, sâu sắc, nhưng phúc hậu, khoan thứ; cha chính xác, can đảm, mạnh mẽ; cả hai cha mẹ bổ sung khiếm khuyết cho nhau, để cùng thương yêu, hướng dẫn con cái, nhưng cũng biết nghiêm trị chúng khi cần, nhất là khi thấy con vượt qua giới hạn của sự lễ nghĩa và đạo đức con người. Cũng nên nhớ, con yêu quý mẹ nhất, nếu cha thiếu lễ độ và bất lịch sự, keo kiệt, nặng lời với mẹ của các con, thì chúng cũng không kính phục cha. Người cha có tư cách, sống gương mẫu xứng đáng, dù kẻ xấu có ác ý chê bai, các con vẫn biết đánh giá danh dự của cha mình, và ngang nhiên đứng thẳng vào đời, để noi theo tài đức của cha. Thực tế cho thấy, đa số những người thành đạt lâu dài trong xã hội, có hiếu với cha mẹ. Bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà, cha mẹ trong một căn nhà, tượng trưng cho sự thành kính, lễ nghĩa, biết tri ân của gia đình đó. Ngược lại, người cha lừa dối, bất tín, bất trung, hèn yếu, dù có đóng kịch được một thời, cũng có lúc lộ ra, từ đó, có thể làm con mặc cảm, ít hy vọng và khó thành công khi vào đời.

 

Trong văn hóa Việt, người cha được ví như cái nóc nhà - “Con có cha như nhà có nóc”, vì cái nóc nhà cao ráo giúp căn nhà che mưa nắng và gió tuyết cho ta ở bên trong, và người cha thường cao hơn mẹ con, về vóc dáng lẫn nhân cách. Hơn nữa, người cha còn là quả núi rất cao, in bóng lên bầu trời xanh hy vọng, cho gia đình đặt niềm tin vào. - “Công cha như núi Thái Sơn”. Đúng vậy, từ xưa nay, nhất là sau năm 1975, dù ở quốc nội hay tỵ nạn CS ra hải ngoại, người cha có trách nhiệm, luôn gánh vác nặng nhọc, không từ nan việc gì, lao động tay chân hay trí óc, dơ sạch, sang hèn, tiền nhiều hay ít, ai khinh chê mặc kệ, cha đều nhận lãnh để nuôi con. - “Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng, không phủ kín ơn cha.” Tình và ơn của cha rộng lớn, bao la vô tận, vượt thoát lên cao như mây trời, tuy nhẹ đó nhưng rất cao thượng. Cái tâm nhỏ bé, nông cạn của con làm sao hiểu được?

Con cái nên ngưỡng mộ công lao cha làm việc cực nhọc nuôi dạy mình từ nhỏ. Không được khinh cha nghèo, bệnh, già, xấu xí, ít học, cao thấp, chột mắt, tàn tật...; có khi ngượng ngùng, không dám giới thiệu cha với bạn... “sang”! Nếu bạn khinh cha mình thì đó không phải là bạn chân thật, để lưu giữ. Thử hỏi, bạn “sang” đó có dám nuôi mình vài ngày không? Vì “Còn cha, gót đỏ như son. Một mai cha chết, gót con đen xì.” - Cha còn sống thì con được nuôi dưỡng, bảo bọc. Cha chết thì con phải ra đời kiếm sống. Ở ngoại quốc thì vừa làm vừa học, giữ trẻ, chạy bàn, làm nails, nhân viên tính tiền ở các chợ hoặc khu thương mại... Ở Việt Nam thì bán vé số, khiêng vác, đạp xích lô, chạy xe ôm, đánh giầy, phụ hồ, làm ruộng, vớt tôm cá chết ở sông... Cực khổ lâu ngày thì gót chân son kia, nay cũng biến thành gót chân... đen xì, là phải!

 

Dù biết đôi khi “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng cha mẹ vẫn nên giữ tư cách, làm gương tốt cho con. Theo triết lý Nhân Quả của Phật Giáo, cha mẹ nhân hậu thì thường con cái cũng ngoan hiền. “Cây xanh thì lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành, để đức cho con.” Nên các nhà giáo, cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, hàng xóm, bạn hữu... phải cố gắng gieo hạt giống Chân, Thiện, Mỹ cho con cháu; cụ thể qua cách ăn nói, tiếng khóc, nụ cười, ánh mắt, cách giao tiếp hằng ngày với nhau trong gia đình và với người khác ở ngoài cộng đồng, xã hội. Nếu gian dối, bất tín, bất trung, bất nghĩa, thì con cháu thường bị gánh hậu quả xấu, do mình để lại. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”; “Cha nào, con nấy”. Người Mỹ cũng có câu tương tự: “The apple doesn’t fall far away from the tree” - Trái táo không rơi quá xa từ cái cây mà nó đã rơi xuống.

 

Theo Phật giáo, cha phải dạy con Nghĩ Lành và Làm Lành; hướng dẫn con chọn nghề để con tự lập; chia của cải cho các con đồng đều để chúng khỏi tranh chấp hoặc thù ghét nhau (trừ khi nhà có phúc, các con tự ý nhường nhịn nhau với việc chia phần lớn hơn cho ai: nghèo hơn, bệnh tật, không con...); dạy con nên người công dân tốt cho xã hội, rồi dựng vợ, gả chồng cho con, theo thuần phong mỹ tục. Thêm nữa, Người Cha Tốt có Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả với con; ngay khi con còn nhỏ, phải dạy con Phật Pháp, với Thiện Ác, Nhân Quả, để con biết sợ Tội Lỗi, biết xấu hổ và biết sám hối khi nói sai, làm ác (chứ không trở thành côn đồ, mặt dạn mày dầy, chẳng biết thẹn khi nói gian, làm ác). Cha mẹ còn phải giữ Ngũ Giới, để trở thành núi cao, biển rộng, cho con tự hào mà noi theo.

 

Quan trọng nhất, cha phải học và huân tập cho được 4 điều: Tín, Thí, Giới, và Hỷ.

1) Tín: có đức tin vào Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng.

2) Thí: có lòng từ thiện, tâm nhân ái với kẻ bần cùng, thiếu thốn (tinh thần và vật chất).

 Nhất là nhớ ban sự lạc quan và nụ cười cho con, khi chúng thất bại, buồn rầu.

3) Giới: giữ các quy luật đạo đức trong gia đình, xã hội, và giới luật của nhà Phật.

4) Hỷ: có sự cảm thông, hoan hỷ, bao dung; nhất là khi con có lỗi.

Khi gặp tai nạn, thất bại, chuyện buồn, việc không may xẩy ra, là lúc vợ con cần thái độ lạc quan và nụ cười thân thiện của người cha nhất. Nụ cười ấy nói rằng: “Thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, “Sông có khúc, người có lúc”, “This, too, shall pass.”

Mở rộng ra khỏi gia đình, mỗi người nên tập mỉm cười khi gặp nhau, nhưng phải là nụ cười chân thật, không gượng ép, không thủ đoạn, mưu mô. Cười cười trước mặt, rồi đâm sau lưng, là bất thiện. Thà rằng đừng cười, tốt hơn.

***

Theo Kinh Lục Phương, hơn 2,500 năm trước, khi Đức Phật Thích Ca và khoảng hai ngàn vị tỳ kheo đi khất thực, vào thành La Duyệt Kỳ, lúc sáng sớm, thấy một thanh niên, tên là Thiện Sinh, thân người còn ướt vì vừa tắm xong, với y phục chỉnh tề, đang lễ bái 6 phương. Ngài hỏi đó là nghi lễ gì. Anh ta đáp: “Khi cha con sắp mất, có dặn, nếu con muốn lễ bái, thì phải lễ 6 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên và Dưới. Làm con có hiếu, phải nghe lời cha dạy, nên sáng sớm, con tắm sạch, chắp tay lễ bái.”

 

Phật dạy: “Quả thật có tên của 6 phương đó, nhưng trong Pháp Hiền Thánh của ta, không phải lễ 6 phương là cung kính đâu. Vì nếu lễ, mà không trừ gian ác trong lòng, làm những hành động bất nhân, bất nghĩa, thì lễ ấy không ích gì.” Thiện Sinh bạch Phật: “Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy con, Cách Lễ 6 Phương theo pháp Hiền Thánh.” Phật dạy: “Nếu ai tránh đươc 4 nghiệp kết, 4 trường hợp ác, và 6 nghiệp gây hao tổn tài sản, là kính lễ 6 phương. Hiện tại, được bậc trí và xã hội khen ngợi, hưởng 31 quả lành, khi chết, sanh lên Cõi Lành.” Rồi Đức Phật giải thích rõ như sau:

Bốn Nghiệp Kết là: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ. Đây là bốn loại hành động kết ác nghiệp, gây đầy rẫy bất an cho xã hội hằng ngày, như ta thường thấy.

Bốn Trường Hợp Ác là: Tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Nhưng có 2 loại tham dục. Loại tham dục thứ 1: làm nô lệ cho ngũ dục (tài, sắc, thanh, thực, thùy) cần phải loại bỏ, vì khiến tâm trí mê mờ, dẫn đến các ý muốn điên đảo, sân hận, sợ hãi, và ngu si. Loại tham dục thứ 2: phục vụ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp... giúp sự học thành công, đạo đức phát triển, trí tuệ tinh thông, gia đình bình an, cộng đồng phồn thịnh..., thì cần thực hành.

Sáu Nghiệp Gây Hao Tổn Tài Sản: cần phải bỏ đi, là - đam mê rượu hoặc dùng thuốc độc hại; cờ bạc; phóng đãng (gây ra 6 lỗi: không tự chăm sóc thân, mất dần của cải, không giúp được vợ con, những điều khổ ác trói buộc xác thân, thường dối trá, và sợ hãi); mê kỹ nhạc (say mê ca vũ, đàn trống, sáo kèn đến độ mất sáng suốt, bỏ bê bổn phận làm người chân chính); kết bạn với người ác; lười biếng.

Ai cũng cần có bạn, nhưng Tình Bạn chân thực rất hiếm, phải biết chọn bạn tốt mà chơi. Vì Đức Phật nói: “Nầy Thiện Sinh, giao du với kẻ ác có 6 lỗi: dễ sinh khinh lờn người tốt, ưa chỗ lén lút, dụ dỗ vợ người, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người, xoay tài lợi về mình, ưa phanh phui lỗi người. Nếu cứ làm bạn với kẻ ác thì thường gặp tai nạn, việc bất lợi, và tài sản hao mòn.”

Phật lại bảo Thiện Sinh: “Có 4 loại oan gia (kẻ thù) nhưng giả làm thân với ta, nên cần phải biết, để tránh xa. Bốn hạng ấy là ai?

1) Hạng úy phục: thường làm 4 việc - trước cho, sau đoạt lại; cho ít, mong được trả lại nhiều; vì sợ, gượng làm thân; vì thấy lợi, gượng làm thân (giả như bạn, nhưng tâm không chân thật).

2) Hạng mỹ ngôn: thường làm 4 việc - không biết phân biệt việc lành, dữ, cứ hùa theo mà làm; gặp nạn, việc khó, thì lánh xa; gặp việc lành, việc phải, thì ngăn cản, không giúp; gặp việc nguy hiểm, khó khăn thì chỉ trích, chống đối, hoặc tìm cách đùn đẩy cho người khác làm.

3) Hạng kính thuận: làm 4 việc - việc trước dối trá; việc sau dối trá; việc hiện tại dối trá;

 thấy người tốt có chút lỗi nhỏ, vội rêu rao cho nhiều người biết.

4) Hạng ác hữu: làm 4 việc - bạn lúc uống rượu; bạn lúc đánh bạc; bạn lúc dâm dật; bạn lúc ca vũ. (Ngoài ra, không làm bạn để giúp các việc tốt lành, việc thiện).

 

Lại có 4 hạng người chân thật đáng thân cận. Vì ta được họ cứu hộ và mang lại lợi ích.

1) Hạng ngăn mình làm quấy: thường làm 4 việc - ngăn cản ta làm ác; chỉ bày ta những việc chánh trực; có lòng thương xót ta; chỉ ta đi con đường Thiện để sinh Thiên.

2) Hạng thương yêu: làm 4 việc - Mừng khi ta được lợi; lo khi ta bị hại; khen ngợi đức độ của ta; can ngăn khi ta nói ác, làm ác.

3) Hạng trợ giúp: làm 4 việc - hộ vệ ta không cho buông lung, phóng dật; che chở ta khỏi hao tài do sự buông lung; ủng hộ ta để khỏi sợ hãi; cân nhắc phải trái với ta ở chỗ riêng tư (không công kích ta trước công chúng hoặc lén lút đâm sau lưng).

4) Hạng đồng sự: làm 4 việc - không tiếc thân mạng với ta; không tiếc của cải với ta; giúp ta khỏi sợ hãi; khuyên bảo ta ở chỗ riêng.

 

Như vậy, trước, Thiện Sinh là con có hiếu và nghe lời cha dặn, nhưng không hiểu ý nghĩa việc lễ bái 6 phương. Dù cha đã mất, nhưng vai trò hướng dẫn về lễ nghĩa của ông đã là một nhân duyên hy hữu, đưa con trai gặp Phật. Sau, Thiện Sinh được Phật dạy: Phương Đông là cha mẹ, Phương Tây là vợ con, Phương Nam là sư trưởng, Phương Bắc là bạn thân, Phương Trên là các bậc trưởng thượng, Phương Dưới là người làm dưới quyền. Như vậy, Bài Dạy Lễ Lục Phương là Cách Phật Dạy Thiện Sinh và chúng ta - thực hành Đạo Làm Người:

1) Con phải hiếu thuận với cha mẹ và giúp cha mẹ hướng thiện, không tạo nghiệp xấu.

2) Cha mẹ nuôi con lớn lên, nhưng cũng phải dạy con đạo đức, và ngăn con làm điều xấu ác. Nhờ vậy, gia đình được hạnh phúc, xã hội bình an, Phương Đông không có gì lo sợ.

 

3) Chồng phải làm 5 điều nghĩa với vợ: Lấy lễ mà đối đãi nhau; uy nghiêm nhưng không ác nghiệt; tùy sức, cung cấp y thực cho vợ; tùy thời, tặng đồ trang sức cho vợ; phó thác việc nhà cho vợ làm nội tướng (không tranh cãi, chê bai nặng lời, gây khó khăn việc nội trợ trong nhà).

4) Vợ cũng có 5 điều lễ với chồng: Dậy trước; ngủ sau; nói lời hòa nhã; kính nhường tùy thuận; nhận lãnh ý chồng.

Nếu chồng thương yêu và tôn trọng vợ, vợ cung kính chồng, thì nhà nhà hạnh phúc, phương Tây an vui.

 

5) Đệ tử cung phụng sư trưởng đúng cách, thầy săn sóc và dạy bảo học trò nên người tài đức, thì nền giáo dục ở đó phát triển, Phương Nam được an ninh.

 

6) Mỗi người phải có 5 điều thân kính với bà con, bạn hữu, xóm giềng: Chu cấp khi cần thiết; nói lời hòa hợp; giúp ích; làm việc gì thì hai bên cùng đươc lợi; không lừa dối nhau.

7) Bà con cũng phải có 5 điều đối lại: Hộ vệ giúp ta khỏi buông lung; hộ vệ cho ta khỏi bị hao tài vì buông lung, phung phí; che chở ta khỏi sự sợ hãi; khuyên răn ta chỗ riêng tư; thường khen ngợi nhau.

Nếu mỗi người biết thân kính bà con, không nói xấu nhau, không lừa gạt nhau, theo tương quan 2 chiều như vậy, thì Phương Bắc được yên ổn, không còn lo sợ.

 

8) Kẻ đàn việt cung phụng hàng sa môn 5 điều: Thân, khẩu, ý đều hành thiện, cúng thí đúng thời, chào đón khi đến nhà. Sa môn cũng khuyên dạy Phật Tử 6 điều: ngăn ngừa làm ác, chỉ làm điều thiện, dạy cách giữ tâm lành, giúp họ nghe được những điều tốt lành chưa nghe, giúp họ hiểu rõ những gì đã nghe, mở bày con đường sinh Thiên.

Nếu hai bên đối xử nhau tốt lành như vậy thì Phương Trên được bình yên, không lo sợ.

 

9) Chủ phải có 5 điều đối với tớ: Tùy khả năng mà sai bảo, tùy thời mà cho ăn uống, tùy thời mà thưởng công lao, khi bệnh thì giúp thuốc men hoặc cách điều trị, cho tôi tớ có thì giờ nghỉ ngơi.

10) Người làm cũng có 5 điều phục vụ chủ: Dậy sớm, làm việc chu đáo, không trộm cắp: của không cho thì không lấy, làm việc thứ tự, khen ngợi và bảo vệ danh giá cho chủ.

Nếu chủ tớ đối xử tương trợ với nhau công bằng như vậy, thì Phương Dưới được an vui.

 

Bấy giờ, Thiện Sinh chắp tay, bạch Phật: “Lành thay! Thật quá chỗ mong ước của con và vượt xa lời cha con dạy. Như người mê được tỏ, như trong nhà tối được thắp đèn. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện giữ 5 giới của Phật Tử: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu hoặc dùng các chất thuốc độc hại.”

 

Rõ ràng, Kinh Lục Phương tức Kinh Thiện Sinh, ngắn gọn nhưng súc tích, sâu xa mà rõ ràng, đã được Phật Thích Ca khéo léo chỉ dạy theo cách xử sự hai chiều, có trên có dưới, có qua có lại, hòa hợp, công bằng, dân chủ, nhân đạo, không độc đoán và ác nghiệt (đã có từ trên 2,500 năm trước). Đây cũng là Cách Thực Hành Đạo Làm Người: có đạo đức, lễ nghĩa, thủy chung, mà mỗi chúng ta phải cố gắng hành xử với mọi người theo Chân Tâm của mình, để tự bảo vệ bản thân, và đồng thời ổn định gia đình, làng xóm, đoàn kết nhau, giúp củng cố cộng đồng và phát triển xã hội.

***

 

Như đã thấy, Làm Cha, Làm Mẹ - là một nghĩa vụ nuôi dạy con rất quan trọng cho gia đình và đất nước. Nó cao quý lắm và cần được xem trọng hơn việc kinh doanh kiếm thật nhiều tiền, để thỏa mãn ngũ dục thế gian (mà phải bỏ bê con). Hoặc vì quá lo làm ăn mà cha mẹ thay đổi tính tình, trở nên trầm cảm, cáu gắt, hung tợn, trợn mắt, đập phá, hét la..., làm mọi người cùng đau khổ trong căn nhà địa ngục. Dù khó khăn đến đâu, Người Cha hãy giữ lạc quan và cố gắng mỉm cười. Bởi vì:

 

1) Dad - A son’s first Hero. A daughter’s first Love. - Cha là Người Anh Hùng đầu tiên của con trai, là Tình Yêu đầu tiên của con gái.

2) My father used to play with my brother and me in the yard. Mother would come out and say, 'You're tearing up the grass'; 'We're not raising grass,' Dad would reply. 'We're raising boys.' (Harmon Killebrew) - Cha tôi thường chơi giỡn với anh em tôi trong sân cỏ. Mẹ tôi có lần đi ra và nói: “Cha con anh đang dẫm nát cả cỏ”; Cha tôi đã trả lời, “Chúng ta đang nuôi dạy con trai, không phải nuôi cỏ.”

 

3) The most important thing a Father can do for his Children is to Love their Mother. - Điều quan trọng nhất mà một người Cha có thể làm cho các con của mình là Thương Yêu Mẹ của chúng.

4) A Real man takes care of his kids no matter what the relationship is with the mother of his child. - Một người đàn ông Thực Sự biết chăm sóc các con mình, dù mối quan hệ của ông ta với người mẹ của chúng ra sao.

5) I never knew how much I loved your Daddy until I saw how much He loved You. - Mẹ chưa bao giờ biết mẹ yêu Ba của con nhiều bao nhiêu, cho tới khi mẹ nhìn thấy Ba con yêu con nhiều như thế nào.

 

Và sau cùng, hãy nghe tiếng nói tự hào của con trai (đã lập gia đình) với người cha: I asked my Dad what he hoped my son would be when he grew up. He replied, “A Good Person.” - “Tôi hỏi Ba tôi, Ba mong con trai của con sẽ làm gì khi nó trưởng thành? Ba tôi đã trả lời, “Làm Một Con Người Tốt”. Thật là một Người Cha Gương Mẫu cho con cháu!!

Happy Father’s Day!!! Chúc mọi người vui vẻ bên nhau trong Ngày Từ Phụ!!!

 

Ngày 15/6/2014 - GS TRẦN THỦY TIÊN, M. A. in Human Sciences

 

Nguồn Tham Khảo:

- Kinh Thiện Sanh, số 16, trong Kinh Trường A- Hàm, thuộc Đại Tạng Kinh, ấn hành năm 1991

- http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-1623/TiNH-CHA-NuI-Ca.html

 

 

 


.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.