Hôm nay,  

Tiến Đến Một Nước An Nam Cộng Hòa Tự Do

14/06/201400:00:00(Xem: 3072)
Trần Văn Thạch
(Bài này do nhà cách mạng Trần Văn Thạch viết bằng tiếng Pháp trên Báo Sinh viên, Số 5, ngày 15-9-1927. Dịch ra tiếng Việt bởi Dương Hiếu Nghĩa và Phan Thị Trọng Tuyến. Sách “Trần Văn Thạch (1905-1945): Cây bút chống bạo quyền áp bức” sẽ ra mắt vào Thứ Bảy 14 tháng 6 – 2014 tại Pháp.)

Những sự kiện đã xảy ra tại Đông Dương trong những tháng gần đây thực sự làm thất vọng não nề những ai đã tin rằng với chánh phủ Varenne, kỷ nguyên tự do mở ra cho đất nước họ, nào ngờ đâu chỉ là mở ra một thời kỳ hứa hẹn. Trong những bài diễn văn đọc ở Hội đồng Chánh phủ, quan thái thú phương Tây (có hàm râu đẹp) này đã tuyên bố rằng ông sẽ cho người An Nam hưởng những biện pháp khiến đời sống xã hội của họ được dễ dàng hơn, rằng nếu tự do hội họp, tự do báo chí và tự do phát biểu chưa được chánh thức chấp thuận, những quyền đó đã có trên thực tế.

Tôi không biết cái gì đã đảo lộn trong bộ óc thái thú khiến ngài không giữ được những lời hứa đó. Có cần phải buộc tội cái "không thiện chí" của ông quan Toàn quyền này không? Hay buộc tội những tính toán cẩn thận thuộc cá tính con người vùng Auvergne? Hay ông ta chỉ là một nạn nhân mới vừa bị lây bệnh thực dân chủ nghĩa? Tiếng đồn tốt đẹp về ông quan Toàn quyền xã hội chủ nghĩa đã thực sự chết rồi. Nói theo kiểu ông Franklin-Bouillon thì Varenne chỉ là một người thuộc đảng xã hội nắm chức quan Toàn quyền mà thôi.

Dù sao đi nữa thì các quan Thống đốc Nam Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ, và Thống sứ Bắc Kỳ đang tha hồ phạm tội ác, mà họ không mảy may e ngại một thứ lệnh cấm nào đó sẽ không bao giờ đến từ quan Toàn quyền. Ông Friès, Khâm sứ Trung Kỳ và ông Blanchard de la Brosse, Phó Thống đốc Nam Kỳ hành xử y như vua Louis XIV, là hễ thích thì tống vào tù bất cứ người nào và họ có quyền tuyệt đối không thông qua một thủ tục nào cả. Đợt sóng chủ nghĩa thực dân đã hùng hổ chánh thức trút cơn thịnh nộ điên cuồng xuống thuộc địa.

Đối với giới báo chí Việt ngữ thì có chế độ kiểm duyệt mù quáng gần như ngu ngốc đến độ cấm báo chí đăng tải một số tin tức nào đó. Ông Khâm sứ Friès thì cấm không cho vào giang sơn ông mọi báo chí An Nam nào có tư tưởng bậy bạ, bậy bạ bởi vì họ tố giác những sự quá trớn của kẻ xâm lăng. Về vấn đề hội họp, tất cả đều bị cấm, kể cả những buổi họp có tính cách tôn giáo và văn hóa. Trong dịp nhà ái quốc lừng danh Lương Văn Can qua đời, những buổi lễ truy điệu đưa tiễn ông ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ đều bị ngăn cấm. Những ai đến dự các buổi lễ đó đều bị đưa vào tù. Người ta công khai vi phạm sự tự do cúng giỗ những người chết và truy điệu các vị anh hùng. Với những tội danh mà các quan tòa và các quan cai trị chúng ta sáng chế ra, người Việt sinh trưởng ở miền Trung thì bị trục xuất ra khỏi Nam Kỳ hay ngược lại, tương tự như ở Pháp người ta muốn ra lệnh trục xuất những người Breton [vùng Bắc Pháp] ra khỏi tỉnh Provence [Nam Pháp] vậy.

Về mặt tư pháp, công lý tiếp tay với chánh quyền, càng ngày càng khắc nghiệt với dân chúng Việt và chỉ với người dân Việt mà thôi. Sau khi bị cảnh sát đánh đập, các em học sinh còn phải bị tù vì đã tham gia vào các cuộc bãi khóa chống lại sự hiếp đáp ngu xuẩn của các ông hiệu trưởng người Pháp. Các nhà báo cũng bị giam cầm vì họ đã kiên quyết chống đối chế độ chuyên chế của chánh phủ. Ông Clémenti, một nhà báo ở ngoài Bắc bị cầm tù. Luật sư Phan Văn Trường, một nhà báo An Nam cũng bị truy tố. Một nhà văn ở miền Nam bị ở tù vì cho tái bản một tác phẩm đã xuất bản có giấy phép. Bất cứ lúc nào công dân của chúng ta cũng bị người ta đe dọa cho vào tù. An ninh người dân luôn tùy thuộc vào trát bắt của các quan tòa đắc lực trong việc giúp chánh quyền đàn áp những phong trào vận động quần chúng.

Cuộc đàn áp đó có nghĩa gì khi nó làm lộ rõ sự lo âu ngày càng lớn nơi các quan lại cai trị chúng ta? Nó chứng tỏ rằng càng ngày càng có nhiều đồng bào ý thức được cái thân phận nô lệ bị người bóc lột, rằng càng lúc họ càng không chịu đựng nổi cái số kiếp nạn nhân của những bất công và bất bình đẳng, rằng tinh thần yêu nước ngày càng rõ nét trong tim họ và tinh thần ấy sẽ thể hiện qua hành động. Quả là điềm lành! Những người áp bức cứ tự do ra tay áp bức dân thuộc địa chúng tôi đi: như thế các người sẽ kích động hơn nữa năng lực chúng tôi, các người sẽ khơi dậy đến cực độ lòng phẫn nộ của chúng tôi và làm lộ rõ bản chất thực dân càng lúc càng ghê tởm dưới mắt chúng tôi!

Bởi vì chủ nghĩa thực dân luôn luôn thật ghê tởm! Cái "nhiệm vụ khai hóa" của nước Pháp chỉ là một thứ ngụy biện mà thực dân sử dụng khéo léo như dùng dùi cui vậy. Những người đọc diễn văn chánh thức công bố cho những ai muốn nghe họ là sau thất bại năm 1870 , nước Pháp rất cần có thuộc địa. Và càng cần hơn nữa sau chiến thắng năm 1918. Ông Albert Sarraut, với tài hùng biện của người dân miền Nam Pháp, há đã không từng ca ngợi đó sao, về sự "khai thác" các thuộc địa? Hỡi ông Jules Ferry, xin tưởng nhớ ông, người cổ súy cho chiến tranh và xâm chiếm thuộc địa!

Nhưng vấn đề quyền lợi hình như không loại trừ vấn đề đạo đức. Do vậy người ta nói với chúng tôi rằng sự nghiệp của nước Pháp, ngoài chính quốc ra, chủ yếu là khai hóa, rằng nước Pháp không có một tham vọng nào khác hơn việc soi sáng cho những dân tộc mà nước Pháp che chở. Sau khi dùng súng thần công bắt ép chúng tôi phải nhận chịu nền bảo hộ, nước Pháp còn bắt chúng tôi hợp tác như một con trâu phải hợp tác với ông chủ của nó để kéo cày cho ông ta. Nước Pháp đã cho chúng tôi nếm mùi ân huệ nước Pháp một cách đẹp đẽ bằng cách cấm chúng tôi không được nghĩ gì khác hơn ngoài chuyện ăn uống. May mà đời sống vật chất của chúng tôi hiện còn được duy trì và nếu chúng tôi chưa chết vì nghèo đói sau những trận lụt sông Hồng hay sông Cửu!

Nhiệm vụ khai hoá ư? Thôi đi! Ngọn đuốc tượng trưng mà các anh thực dân đang cầm trong tay chỉ soi sáng được các đồn điền cao su hay những cánh đồng bông vải do chính tay các lao công chúng tôi trồng, soi sáng các hầm mỏ do chính công nhân chúng tôi khai thác, soi sáng các đồng ruộng sở dĩ phì nhiêu là nhờ công sức cha ông chúng tôi. Khi đến lượt người An Nam muốn được người ta soi sáng trí thông minh và tâm hồn thì người ta dùng bạo lực lôi họ ra khỏi nguồn ánh sáng ấy.

Chắc chắn có những người An Nam ngây thơ tin tưởng và bênh vực các lý thuyết thực dân. Nhưng những người có đầu óc lại không dễ bị thao túng vì những luận điệu bịp bợm đó. Bởi vì những luận điệu đó, cho dù bắt nguồn từ một động cơ tốt hay cao thượng nào đó, đều luôn luôn đi đến kết luận là tán dương công trình khai thác thuộc địa như thể biến sự ích kỷ thành ra lòng từ thiện vậy! Chỉ cần chúng tôi có một trái tim và một chút lương tri là đủ để chúng tôi mong muốn đất nước chúng tôi được độc lập và tự do, và đủ để chúng tôi hiểu được bổn phận người ái quốc. Đó là giải pháp chúng tôi đề nghị cho bài toán xâm chiếm thuộc địa đầy áp bức và vô nhân đạo.

Thật ra chuyện chiếm lĩnh thuộc địa là thứ hình thức đấu đá tranh sống trong đó những kẻ mạnh luôn chiến thắng và những người yếu phải ngã gục. Các quốc gia hiện đang ở trong Hội Quốc Liên rất dửng dưng trước tiếng rên siết của các dân tộc đang bị họ nô lệ hóa. Họ nói rất hay về hòa bình, nhưng là thứ hòa bình của kẻ mạnh.

Không có lực lượng quân sự, và chỉ bằng sức mạnh tinh thần của sự bất hợp tác thôi, chúng tôi sẽ bẻ gãy các xiềng xích trói buộc mình.

Trong hiện tại, phương tiện chống cự của chúng tôi là gì? Tại Đông Dương, những tờ báo An Nam không ngừng đấu tranh tốt đẹp bằng cách tố giác những sự vi phạm xảy ra quá nhiều. Các quan cai trị chúng tôi chẳng lo nghĩ tới vì họ tin chắc sẽ không bao giờ bị nghiêm trị. Nếu cần thì họ sẽ trả lời bằng hành động phi pháp mới. Tuy vậy các tờ báo nầy có được cái lợi là giúp cho giới trí thức theo sát tình hình thời sự và giữ gìn cũng như khơi mãi ngọn lửa yêu nước trong tim họ. Những người đại diện cho chúng tôi dù được đắc cử nhưng vì không có quyền hành nên chỉ có một vai trò thật mờ nhạt. Những phản kháng của họ không có tiếng vang nào cả. Bên cạnh chúng tôi có một ít người Pháp phẫn nộ vì bất công nên khi họ bênh vực chúng tôi, họ đồng thời bênh vực luôn chánh nghĩa nhân loại. Do vậy mà đôi khi họ cũng hứng chịu cơn bất bình của chánh quyền. Chúng ta hãy lên tiếng khen họ để họ đừng nản lòng trong cuộc tranh đấu nầy, bởi cả chúng tôi và họ đều có quyền tranh đấu.


Ở Pháp, các tờ báo do đồng bào chúng ta thực hiện đã lần lượt ra đời và sớm chết đi mà không lớn mạnh nổi vì thiếu phương tiện sống. Trong giới hạn khả dĩ, các báo ấy cũng được dư luận Pháp lưu ý đến. Chúng tôi phải nhìn nhận là quý ông Nguyễn Thế Truyền và Dương Văn Giáo đã rất can đảm khi cho chào đời tờ báo đầu tiên, La Nation Annamite (Quốc Gia An Nam) và tờ thứ nhì, La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương). Và cũng phải công nhận vùng hoạt động của họ còn yếu, vì ngoài những nghị sĩ và các chánh trị gia có thế lực ra, hầu hết người Pháp gần như hoàn toàn không biết gì về những đau khổ và nguyện vọng của chúng ta. Nhiều người vẫn tự hỏi chúng ta phàn nàn cái gì mặc dầu đã có những tác giả tài ba viết về Đông Dương và tiết lộ số phận hẩm hiu của chúng ta.

Ông P. Veber viết trên tờ Candide:

Tôi có nhận được một tờ báo tiếng Pháp… tờ lá cải nầy phát hành tại Ba Lê, thực chất chỉ là một bài công kích dài thiên về việc tự trị của các thuộc địa ở Viễn Đông của chúng ta. Quý vị không thấy là họ đã đi hơi quá sao?

Nhưng rồi ông ta viết tiếp, giọng đểu cáng:

Không có cuộc đô hộ nào mà êm đềm và thiện ích như cuộc đô hộ của chúng ta.

Đó, xem đó thì rõ cung cách và khả năng viết lách của những người thuộc một quốc gia tự do. Một thứ giọng điệu, than ôi, không đủ trình độ mà một số người khác vẫn còn giữ.

Cần phải có những buổi thuyết trình, và mở một chiến dịch lâu dài bền vững qua báo chí. Hiện nay chúng ta thiếu thốn phương tiện. Ngay như khi chiến dịch này thành công, chúng ta chỉ đạt được những thỏa nguyện hạn chế. Ở đất nước chúng ta, chủ nghĩa tư bản Pháp rất mạnh, hơn hẳn những nơi khác, vì nó còn được chánh quyền thuộc địa tiếp tay ban phát cho mọi ân huệ… Bởi vì ở nước ta, ngoài vấn đề giai cấp còn có vấn đề chủng tộc, chủng tộc mạnh nhất cũng là giai cấp được ưu đãi nhất. Do vậy, rốt cuộc rồi, hy vọng tối thượng của chúng ta vẫn còn nằm yên trong chúng ta.

* * *

Hỡi dân tộc An Nam, đừng chờ đợi ai hết, tương lai dân tộc tùy thuộc ở chính dân tộc An Nam mà thôi! người ta đã viết như thế trong tờ Diễn Đàn Đông Dương được phát hành ở Ba Lê. Và họ có lý. Bổn phận và danh dự cứu Tổ Quốc Việt nằm trong tay những con dân Việt. Bằng cách nào đây? Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng tới một lúc nào đó đa số người An Nam sẽ biết rõ bổn phận của mình để đoàn kết chống chánh quyền thực dân bằng một chánh sách tuyệt hảo là chánh sách bất hợp tác. Một đồng nghiệp đã nói, nếu một ngày nào đó mà tất cả các ông Hội đồng xã An Nam đồng lòng cùng trả chức, nghỉ việc, từ chối không tiếp tục thâu bất cứ sắc thuế nào nữa, thì chúng ta sẽ thấy các quan Tây chủ tỉnh của chúng ta buồn phiền như thế nào. Cho dù thực dân nói gì đi nữa họ chỉ có thể sống trên đất nước ta với sự đồng ý của chúng ta mà thôi. Chỉ cần làm cho họ thấy thôi, làm sao mà chúng ta không thành công được?

Với sự tuyên truyền tích cực trong quần chúng, những người Việt ưu tú sẽ giúp cho người dân hiểu được sự cần thiết và hiệu quả của chánh sách đó. Để tránh không bị rơi vào tay luật pháp, chúng ta phải đi đường vòng. Bởi vì tất cả những luật lệ gian ác mà họ áp đặt lên cổ chúng ta đó, từ sắc lệnh được tùy tiện lấy ra từ một bộ nào đó cho đến những nghị định do vị Toàn quyền nào đó ban hành theo ý muốn, đều không do lá phiếu chúng ta bầu ra. Vì thế chúng ta không thể kính cẩn tôn trọng chúng được.

Chúng tôi không muốn và cũng không thể đưa ra tại đây một chương trình hành động với đầy đủ chi tiết được. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại cho các bạn đồng bào sinh viên là phải tránh mối nguy cơ hai mặt mà những người khác đã từng cảnh giác: làm công chức và làm những chức vụ danh giá về hành chánh.

Làm công chức là đương nhiên tự mình từ bỏ mọi tự do hành động. Là trở thành điếc và mù. Người ta biết quá nhiều về những điều khắt khe mà các công chức phải hứng chịu, nào là bị trách móc đã đọc vài tờ báo nào đó, nào là đã tham gia những buổi họp nào đó. Làm công chức, là tự đày mình vào một đời sống vật vờ như cây cỏ, phải từ bỏ mọi sinh hoạt chánh trị và xã hội, ngoại trừ… các phản xạ sinh lý. Nếu số đông người An Nam có học không ra làm công chức thì chánh quyền chuyên chế đã gặp phải một sự chống đối mạnh mẽ hơn, biết đâu đã có thể đưa tới một thực tại lành mạnh. Nhưng tại sao hễ ra trường là họ đều trở thành công chức như vậy? Chúng tôi không nói làm công chức thì không hữu dụng. Bởi vì làm công chức trong ngành giáo dục, làm thầy giáo cho dân chúng là làm những việc mà đất nước không thể thiếu được. Nhưng chính xác hơn là trong những ngành mà công sức bỏ ra không cân xứng với lòng mong muốn, thí dụ như trong ngành giáo dục, nghề nầy lại ít được ưa thích hơn là ngành hành chánh. Ở đây, người thư ký mới vào nghề ít ra cũng hy vọng leo nhanh lên nấc thang thứ bực để đi đến mức "huyện", "phủ", "đốc phủ", tất cả đều là vấn đề "danh dự", và đây thật là căn bệnh khá phổ biến ở đất nước chúng ta. Dù được mang danh "tay sai của chánh phủ", họ phải làm tất cả mọi công việc trong khi các ông chủ sự người Pháp, chỉ phải hạ bút ký tên thôi là đủ lãnh phần lương hậu hĩ, vậy mà họ tự thấy rất hạnh phúc khi đối xử với dân chúng, họ ra điều phong cách "ông lớn" y như những ông lớn thứ thiệt. Từ đây về sau, một anh chỉ có bằng tú tài thôi cũng có thể trở thành một "ông huyện", điều đó khiến nhiều bà mẹ chỉ mong thấy con mình đạt được mảnh bằng tú tài, và việc học hành tới đó là đủ.. Thật quá tai hại cho chúng ta!!!

Các sinh viên Việt Nam bên Pháp thì muốn đạt được bằng cấp cao để có thể làm các ngành nghề tự do. Cầu mong cho họ tránh được nhà tù nghề cạo giấy!

* * *

Mong sao các sinh viên Việt Nam tự hiểu mình và hiểu chúng tôi. Chúng tôi không phải là những người quốc gia hẹp hòi chỉ muốn đất nước mình lớn mạnh trong khi các quốc gia khác bị thiệt thòi. Chúng tôi chỉ muốn có một sự công bằng trong quan hệ giữa người và người với nhau, giữa người Pháp và người Việt cũng như giữa những người Việt với nhau thôi. Chúng tôi khinh bỉ những thực dân, các chức sắc cao cấp hay các nhà đại tư bản, chỉ biết tìm cách chiếm lĩnh mọi đặc quyền đặc lợi. Chúng tôi cũng khinh những người trong hàng ngũ chúng ta quá ham tiền ham của, quá xấu xa, chỉ biết làm giàu trên sự nghèo đói của đồng bào mình, nép dưới bóng cờ tam tài và được các quan thầy Pháp vui vẻ bao che.

Chỉ người lao động mới có quyền sống và hưởng những lạc thú tỉ lệ thuận với công lao. Người ta sẽ nói sao mà lý tưởng quá vậy? Thế hệ An Nam trẻ rất danh dự mà công nhận lý tưởng nầy, thu thập được qua kiến thức học đường. Chế độ nô lệ đến với chúng ta từ nước Pháp, nhưng sự tự do cũng đến từ nước Pháp, như ai đó đã nói. Và quả thật như thế.

Được trang bị bằng lý tưởng mới mẻ đó, thế hệ trẻ An Nam sẽ làm việc để giải phóng đất nước, để thiết lập một nước An Nam Cộng Hòa, giữ vai trò hàng đầu trong liên bang Đông Dương, nơi đó tất cả mọi người, bất kể là dân tộc nào, đều được luật pháp bảo vệ, những luật lệ được bầu ra trong tinh thần công bằng vốn là đặc tính của dân tộc chúng ta.

GHI CHÚ:

1) Ám chỉ ông Varenne, Toàn Quyền Đông Dương, 1925-1928, người gốc vùng Auvergne, Pháp. Xin xem bài “Alexandre Varenne vieillit”, La Lutte số 141.

2) Tác giả chơi chữ: nguyên văn nolonté = no volonté = không thiện chí.

3) Cuộc chiến Pháp-Phổ (hay Pháp-Đức), cũng được gọi là “Chiến tranh 1870”, kéo dài từ tháng 7, 1870 đến tháng 5, 1871. Sau khi thua trận, Pháp phải nhượng cho Phổ hai thành phố Strasbourg, Metz, và vùng Alsace-Lorraine. Sự mất mát lãnh thổ này là nguồn gốc của sự thù hận trong nhiều năm tiếp tới khiến cho quan hệ Đức-Pháp luôn ở trạng thái căng thẳng, một trong những nguyên nhân dẫn đến Thế chiến thứ nhất. (Theo vi.wikipedia.org)

4) Société des Nations: tiền thân của Liên Hiệp Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.