Hôm nay,  

Giàn Khoan 981 Như Một Thách Thức Trên Biển Đông VN

04/06/201400:00:00(Xem: 3919)

Chuyện Trung-Cộng đưa giàn khoan khổng-lồ 981 vào vùng đặc-quyền kinh tế của VN trên Biển Đông (tương-đương với Lô 143 về thăm dò dầu khí của VN) vào ngày 2/5/2014 đang đặt ra một thách-thức không riêng gì với VNCS mà còn là một thách-thức đối với mọi người VN yêu nước, đối với các nước ASEAN và đối với cả các nước ở ngoài khu-vực như Mỹ, Nhật, Ấn-độ, v.v...

Vì sao?

Vì vị-trí của giàn khoan đó (ở vĩ-tuyến 15o29 Bắc và kinh-tuyến 110o12 Đông) rõ ràng nằm trong vùng đặc-quyền kinh tế 200 hải-lý của VN (chỉ cách xa Cù lao Ré, tức Đảo Lý-sơn) của VN có 119 hải-lý, một vùng đặc-quyền kinh tế được Luật Biển 1982 của Liên-hiệp-quốc công-nhận.

Vấn-đề rắc rối là bởi:

1/ Chủ-quyền lịch-sử của VN trên quần-đảo Hoàng-sa (Tây-sa đối với TC) thì ít nhất có thể chứng minh được một cách rõ ràng, minh bạch từ TK 17 với các đội Bắc-hải đi khai thác quần-đảo này dưới thời Chúa Nguyễn (theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và nhiều bản-đồ của người Âu-châu vẽ từ thế-kỷ 16 đến thế-kỷ 19 ghi rõ quần-đảo này thuộc về VN). Trong khi đó thì cho đến đầu TK 20, các bản-đồ của Trung-quốc chỉ ghi đảo Hải-nam là điểm cực-Nam của TQ. Về mặt này, sách của G.S. Monique Chemillier-Gendreau ở Pháp ủng-hộ chúng ta 100 phần trăm.

2/ Nhưng TQ có thể, cũng dựa vào luật quốc-tế để nói là họ đã có "chiếm-cứ hữu hiệu" ("effective occupation") trên 1/2 của quần-đảo này từ 1956 và chiếm nốt vào tháng 1/1974. Giờ đây, họ đã có thị-xã Tam-sa trên đó với quân-đội, cơ-quan hành-chánh và một dân-số thường-trực ở đó, ít nhất thì cũng đã được 40 năm mà không gặp một sự thách-thức nào đáng kể cả. Song lập-luận đó là áp-dụng cho những đất đảo chưa ai khai thác, chứ Hoàng-sa thì đã có VN khai thác từ thời chúa Nguyễn, qua thời các vua nhà Nguyễn, đến thời Pháp-thuộc (Pháp xây cả đài khí-tượng ở ngoài đó), đến thời Nhật trả cho Quốc-gia VN (của ông Bảo Đại) cho đến cuộc hải-chiến ngày 19/1/1974 nên không thể bảo là không có ai thách-thức được.

3/ Vùng đặc-quyền kinh tế (EEZ, Exclusive Economic Zone) kéo dài đến 200 hải-lý đi từ một đường cơ-sở dựa trên quan-niệm thềm lục-địa thì mới chỉ có từ ngày có Luật Biển của LHQ (UNCLOS 1982) mà thôi.

Dựa trên những nhận-định trên thì rõ ràng là VN có một căn-bản pháp-lý khá vững chắc so với lập-trường của TC:

- VN có chủ-quyền lịch-sử ít nhất cũng trên 300 năm, TC không hay cùng lắm là mới có đây (nhưng còn bị thách-thức, tức là còn trong vòng tranh chấp).

- VN có thềm lục-địa kéo thoai thoải ra tới Hoàng-sa, TC không có thềm lục-địa kéo ra chỗ giàn khoan ngay dù như ta có công-nhận chủ-quyền của TC trên quần-đảo Hoàng-sa/Tây-sa.

- TC nói giàn khoan Haiyang 981 cách xa đảo Tri-tôn của Hoàng-sa/Tây-sa 17 hải-lý, tức là ở ngoài 12 hải-lý là định-nghĩa của lãnh-hải đi với đất liền.

- Ngoài ra, TC còn đòi chủ-quyền trên Biển Đông theo một con đường 9 vạch (tức không liền-lạc), thường gọi là "lưỡi bò," thâu tóm đến 80 phần trăm của Biển Đông 3 triệu rưởi cây số vuông. Con đường này, lúc đầu là 11 vạch, được vẽ ra từ 1947 nhưng đến tháng 5/2009, TC mới chính-thức đòi đó là của mình. Song không có quốc gia nào công-nhận con đường 9 vạch này và Ủy-ban Luật Biển của LHQ cũng không công-nhận.

Lẽ phải ở bên ta, tại sao không dám kiện?

Với những căn-bản pháp-lý vững vàng như thế thì ta phải hỏi: Tại sao VN không dám bắt chước Phi-luật-tân mà kiện TC ra Tòa Án Luật Biển ở Hamburg?

Đến đây thì mới thấy là Hà-nội "há miệng mắc quai." Bởi:

- Từ 14/9/1958, Hà-nội đã có công-hàm Phạm Văn Đồng công-nhận định nghĩa lãnh-hải ("territorial waters") 12 hải-lý của TC trên Biển Đông, trong đó có Hoàng-sa và Trường-sa (như được ghi rõ trong quyết-định của Quốc-vụ-viện Trung-quốc ngày 4/9/1958 mà công-hàm của Ô. Đồng xác-nhận).

- Đến tháng 1/1974, khi TC đánh chiếm Hoàng-sa thì Hà-nội ở về phe TC, không lên tiếng, nghĩa là minh-nhiên xác-nhận giá-trị của công-hàm Phạm Văn Đồng.

- Tháng 3/1988, TC đánh Trường-sa của VN và chiếm đảo Gạc-ma và 7 bãi đảo khác. Hải-quân "Nhân-dân" tuy không chống trả vẫn bị bắn chết 64 người.

- Rồi đến hội-nghị Thành-đô (3/9/1990), toàn-thể bộ xậu của Đảng CSVN, trong đó có cả Phạm Văn Đồng bên cạnh Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh, đã chấp nhận một số nhượng-bộ mà sau đó được thể-hiện bằng một hiệp-ước biên-giới (31/12/1999), một hiệp-ước về vịnh Bắc-bộ và nghề cá (25/12/2000)–theo đó VN mất ít nhất 720 km2 đất biên-giới và 11.000 cây số vuông biển–mà không đả động gì đến Hoàng-sa Trường-sa.

Để ra khỏi cái vòng kim-cô mà tự mình cột lên đầu này, Hà-nội đã có một vài nỗ lực đáng ghi nhớ nhưng không hữu hiệu lắm:

- Ngày 25/11/2011, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ-tướng, đã ba lần khẳng-định trước Quốc-hội CSVN ở Ba-đình là chủ-quyền trên quần-đảo Hoàng-sa là thuộc về VNCH (dứt khoát ông ta nói "chính-quyền Sài-gòn, tức Việt Nam Cộng Hòa," 3 lần, chứ không phải Mặt Trận hay cái gọi là "Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN" công-cụ của Hà-nội).

- Ở hội-nghị Shangri La năm 2013, ông Dũng mới chỉ dám nói bóng nói gió đến những hành-động xâm lấn của TC: "Ở đâu đó trong vùng đã có xuất hiện những khuynh-hướng dùng quyền-lực đơn-phương, những đòi chủ-quyền vô-căn-cứ, và những hành-động đi ngược lại luật quốc-tế xuất phát từ việc áp đặt và chính-trị quyền-lực." (“Somewhere in the region, there have emerged preferences for unilateral might, groundless claims, and actions that run counter to international law and stem from imposition and power politics.”)

- Phải đợi đến ngày 10/5 vừa rồi ở hội-nghị ASEAN ở Naypyidaw, Miến-điện, ông Dũng mới là nhà lãnh-đạo VNCS đầu tiên đích-xác dám gọi tên "Trung-quốc" ra và tố-cáo hành-động "ngang-nhiên" của TQ là "nguy-hiểm," đe dọa hòa-bình và ổn-định trong khu-vực cũng như tự do hàng hải trong vùng.

Tại sao ASEAN chưa ủng-hộ được VNCS?

Những phát biểu trên đây của ông Nguyễn Tấn Dũng chưa thuyết-phục được người dân VN và nhất là các nước trong ASEAN mà ông cần lôi kéo về phía VN. Vì sao?

Vì nếu có thật (và khá muộn màng) thì nó cũng chỉ là một tiếng nói lẻ loi trong một tập-đoàn lãnh-đạo mà ai cũng biết đặc-trưng của nó là lãnh-đạo tập-thể. Vì nó đi ngược lại tất cả những câu kinh mà lãnh-đạo Hà-nội, từ ông Tổng-bí-thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống, vẫn nhai nhải từ bấy lâu nay:

- 16 chữ vàng và 4 tốt, dẫn đến

- chỉ dám gọi tàu Trung-quốc là "tàu lạ,"

- không dám mạnh miệng phản-đối TQ hay đòi bồi thường về những hành-động sát hại ngư-dân VN hoạt-động trong ngư-trường VN, rồi

- bắt bớ, đánh đập, bỏ tù những tiếng nói ôn-hòa biểu tình chống TQ, và

- đến tận gần đây, 3 trong 4 ông đầu sỏ ở Hà-nội (Sang, Trọng, Hùng, Dũng) vẫn câm như hến về giàn khoan 981 dù như có họp cả hội-nghị Trung-ương kỳ 9 ở Hà-nội.

Đó là lý-do tại sao Thông-cáo chung của ASEAN ở Naypyidaw cũng không thể đứng được về phía VN trước những sự đe dọa và hành-động "ngang-nhiên" của TQ đối với VN và Phi-luật-tân. Để giải-thích thái-độ lưng chừng, đứng giữa của họ, họ chỉ cần hỏi lại ông Dũng và VN: "Đến chủ-tịch nước ông, Tổng-bí-thư Đảng độc-quyền ở nước ông hay chủ-tịch Quốc-hội của ông còn không dám nêu đích-danh kẻ thù thì tại sao ông lại muốn chúng tôi, đa-phần không có xích mích gì với Bắc-kinh, làm việc gây hấn đó giùm cho các ông?"

Tại sao Mỹ cũng chưa thể nhập cuộc?

Để khẳng-định quyết-tâm của Hoa-kỳ "quay gót về châu Á" ("pivoting to Asia"), từ ngày 22 đến 29/4/2014, Tổng-thống Obama của Hoa-kỳ đã thăm viếng 4 nước ở Đông-Á và Đông-Nam-Á: Nhật-bản, Đại-Hàn, Phi-luật-tân và Mã-lai-á. Ở ba nước đầu, ông đã mạnh dạn xác-nhận và củng-cố cam-kết của Mỹ đối với an-ninh quốc-phòng của cả ba, riêng đối với Hà-nội ông đã không ghé và cũng không hứa hẹn gì.

Tại sao?

Đó là vì thay vì dựa vào Mỹ để cân bằng cán cân lực-lượng trong khu-vực có lợi cho độc-lập của VN, Hà-nội lại đi chọn chính-sách "ba không": không liên-minh với một quốc gia nào, không chấp nhận cho một nước ngoài đặt căn-cứ quân-sự trên đất mình, và không dựa vào một nước nào để chống một quốc gia khác. Tưởng thế thì ta sẽ trung-lập và các nước sẽ để yên cho ta. Song cuộc đời không giản-dị vậy! Làm thế thành ra VN tự bó tay, rơi vào bẫy "chia để trị" của TC.

Dù như nhà bất đồng chính-kiến Cù Huy Hà Vũ từ năm 2010 có gọi đi với Mỹ là "mệnh-lệnh của lịch-sử" nhưng nhiều người trong Đảng CSVN, nhất là cấp lãnh-đạo ở chóp bu, vẫn tin tưởng sự trỗi dậy của Trung-quốc (về mọi mặt, từ an-ninh đến kinh tế) là tất-yếu, rằng Trung-quốc sẽ giành cho bằng được thế bá-quyền ở trong vùng trước khi đi xa hơn nữa là thách thức vị-thế số 1 của Hoa-kỳ trên thế-giới, rằng trong hoàn-cảnh đó thì tốt hơn hết là nên sắp hàng trước như là chư-hầu số 1 của Bắc-kinh ở Đông-Nam-Á. Do vậy nên mới có thái-độ mà người dân trong nước kêu là "hèn với giặc, ác với dân."

Dựa vào một bối-cảnh như thế nên Hoa-thịnh-đốn cho rằng không thể và không nên ôm chầm lấy Hà-nội với một thái-độ lừng khừng và có thể phản-phúc bất cứ lúc nào. Thậm chí Hoa-kỳ có thể còn đi tìm một đồng-minh "đáng tin cậy" hơn trong lá bài VN. Đó là cái yếu-thế của Hà-nội đối với Mỹ trong lúc này.


Uyên-nguyên của tham-vọng Trung-quốc ở Biển Đông

Trong gần suốt lịch-sử của Tàu, Trung-quốc tuy là một đế-quốc bành-trướng trên đất liền (có thế mới đi được từ một trung-nguyên tập trung vào một khúc của sông Hoàng-hà và sông Vị biến ra thành một đế-quốc với lãnh-thổ gần 10 triệu cây số vuông, nước có diện-tích lớn thứ tư trên thế-giới) song, chỉ trừ có một giai-đoạn dưới thời nhà Minh (1405-1429), lại không có tham-vọng biển. Chính lịch-sử này đã ru ngủ được nhiều quan-sát-viên về tham-vọng biển của Bắc-kinh cho đến gần đây nhưng từ thập niên 1980, quan-niệm chiến-lược của Đặng Tiểu-bình đã định nghĩa lại thế đứng của Trung-quốc dựa trên một thế-giới đa cực (a multipolar world), trong đó ta sẽ chứng-kiến sự suy đồi của Nga (Liên-Xô) Mỹ, sự vươn lên của Đức (ở Âu-châu) Nhật (ở Đông-Á) và sự trỗi dậy (mà họ Đặng hứa là sẽ hòa-bình) của Trung-quốc. Đó là nội-dung một bài báo quan-trọng của Trung-quốc viết ra vào năm 1986 dưới ngòi bút của ông Huan Xiang.

Tuy-nhiên, trong sự trỗi dậy này, các chiến-lược-gia Trung-quốc đã nghĩ đến một chiến-lược biển xanh ("blue ocean strategy") bên cạnh một sự chiếm-lĩnh không-gian mà họ cho là có thể thương lượng được với Mỹ trên Thái-bình-dương. Chiến-lược này là kết-luận tất-yếu của một sự phân-tích về tài-nguyên nội-địa ngày càng cạn kiệt của TC:

- Để nuôi dưỡng sự phát triển của kinh tế Hoa-lục ở một mức cao (10% hay hơn một năm), TC sẽ cần nhiều nguồn cung-cấp nguyên-liệu lấy hay mua từ nước ngoài. Để chở những nguyên-liệu này về TQ chế-biến, cần những đường hàng hải bảo đảm an-toàn, nhất là qua Biển Đông. Sự thực, Trung-quốc còn muốn đảm bảo đường biển này sang đến cả Ấn-độ-dương.

- Với những nguồn năng-lượng ngày càng cạn kiệt của Hoa-lục, TQ lại càng cần những nguồn cung-cấp nhiên-liệu ở xa, như dầu của Trung-Đông, Venezuela, Mễ-tây-cơ v.v. cũng chuyên chở chủ-yếu qua Biển Đông.

- Nhưng quan-trọng hơn cả là nếu chiếm được Biển Đông thì TQ có thể có được một nguồn dầu khí lớn (được ước-lượng là chỉ thua Trung-Đông) rất gần nhà, không bị rủi ro ngăn chặn trên đường về TQ, và có thể bảo đảm được nguồn nhiên-liệu phục-vụ phát triển lâu dài trong nhiều năm nữa cho nền kinh tế của TQ.

Đó là lý-do vì sao Bắc-kinh phải chiếm Biển Đông cho bằng được, đưa ra những đòi hỏi chủ-quyền thật phi lý như đường 9 vạch, còn gọi là "đường lưỡi bò," mà họ chính-thức muốn thế-giới công-nhận. Vì phải chiếm được ưu-thế ở Biển Đông cũng như Đông-hải (giữa Nhật và TQ) thì tham-vọng biển xanh của TQ mới có cơ thực-hiện để ra đến tận Thái-bình-dương mà cách đây ít năm, một tướng TC đã đề nghị chia đôi với Mỹ.

Cái xấu số của chúng ta là vì biển và đất VN, nhất là hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa của chúng ta, lại nằm chắn ngay trên đường bành-trướng về phía Nam và ra khơi của Trung-Cộng. Mà đó lại cũng là không-gian sống ("Lebensraum") của VN từ khi ta đã hoàn-tất cuộc Nam-tiến của chúng ta đến mũi Cà-mau. Vì vậy mà xung-đột Việt-Trung là chuyện tất-yếu, như đã xảy ra trong thời-gian qua. Chuyện giàn khoan do đó chỉ là một biến-cố trong một chuỗi hành-động lấn lướt của TC mà sẽ chỉ ngừng khi có một giải-pháp tái-cân-bằng lực-lượng trong vùng.

Những khả-năng trả đáp hiện có của CHXHCN Việt-nam

Trong vụ giàn khoan ta thấy Hà-nội khá lúng túng trong nhiều nghĩa. Dù biết trước là TC đang đưa giàn khoan vào vùng biển VN song Hà-nội không dám lên tiếng cho đến khi TC tuyên-bố giàn khoan đã tới địa-điểm vào ngày 2/5. Sau đó, Hà-nội chỉ dám phản-đối một cách yếu ớt, lúc đầu còn chiếu lệ qua phát-ngôn-nhân của Bộ Ngoại-giao rồi mãi dần dần mới lên đến cấp Bộ-trưởng Ngoại-giao (Phạm Bình Minh gọi Ủy-viên Quốc-vụ-viện Dương Khiết Trì và Ngoại-trưởng Vương Nghị của TQ), Nguyễn Phú Trọng định nói chuyện với Tập Cận-bình nhưng bị từ chối.

Lại mất thêm một số ngày, lực-lượng Cảnh-sát Biển và Giám ngư của VN mới tìm cách ra yêu-cầu giàn khoan rời khỏi vùng biển VN nhưng bị ngăn ngừa bằng một lực-lượng hải-quân áp-đảo của đối-phương (có lúc lên đến 130 tàu biển lớn chống lại 29 tàu của phía VN). Rõ ràng là Hà-nội không có lựa chọn vũ-lực nào dù vùng biển thì không thể phủ-nhận được là "của mình."

Phải đợi đến hôm 10/5, Thủ-tướng Nguyễn Tấn Dũng ở cuộc họp ASEAN ở Miến-điện mới dám chọn chiến-thuật "la làng." Nhưng những vụ bạo-động như đốt phá các công-ty đầu tư của nước ngoài nhân biểu tình chống TQ ở Bình-dương và Hà-tĩnh (13/5) lại đẩy Hà-nội vào thế thủ, phải chống đỡ những tố-cáo của đối-phương là Hà-nội đã dùng bạo-lực.

Mãi đến tận gần đây, Hà-nội mới nói chuyện được với Mỹ ở cấp cao (Bộ-trưởng Ngoại-giao Phạm Bình Minh hôm 21/5 nói chuyện qua điện-thoại với Ngoại-trưởng John Kerry của Mỹ, và mới đây được mời sang Mỹ để gặp trực-tiếp ông Kerry).

Tuy-nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng Bắc-kinh đã hố khi đưa giàn khoan 981 vào vùng biển VN. Đó là việc ấy đã thành một hồi chuông cảnh-báo đối với tất cả các nước có quyền-lợi trong Biển Đông (kể cả Hoa-kỳ khi cho rằng mình có "lợi-ích quốc gia" trong vùng biển này). Khả-năng TC tìm được dầu trong vùng này cũng rất thấp theo sự đánh giá của Nha Địa-chất của Hoa-kỳ và nếu 15/8 tới đây, giàn khoan đó không tìm ra dầu thì TC buộc lòng sẽ phải bỏ đi trong tẽn tò. Và lúc bấy giờ thì VNCS sẽ "bất chiến tự nhiên thành." Tuy-nhiên, ngay dầu cuối cùng TQ có phải rút giàn khoan đi thì họ cũng đã làm thành được một tiền-lệ.

Yếu-tố VNCH

Trong khi đó thì càng ngày càng có lởi khuyến-cáo Hà-nội nên kiện Trung-quốc ra tòa án quốc-tế, ít nhất cũng bắt chước Phi-luật-tân và kiện ra Tòa Án Quốc-tế về Luật Biển ơ Hamburg. Một bước đi như vậy đòi hỏi phải xét lại ai có chủ-quyền trên quần-đảo Hoàng-sa. Và đến đây thì yếu-tố VNCH trở nên bất khả khuyết. Và đi cùng với nó là phải phủ-nhận giá-trị của công-hàm Phạm Văn Đồng. Đây là con đường Hà-nội đang tìm cách đi theo:

- Ngày 25/11/2011, ông Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng-định chủ-quyền VNCH trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa ở Quốc-hội CSVN ở Ba-đình.

- Mới đây, nhân cuộc gặp gỡ với Tổng-thống Phi-luật-tân Benigno Aquino, ông Dũng cũng nêu ra khả-năng VN dùng biện-pháp pháp-lý để tìm cách giải-quyết vấn-đề.

- Hướng đi đó cũng là điều ông Dương Danh Huy, một chuyên-viên ở Anh, đã nêu ra từ cả hơn năm nay và ông cho là phải dựa vào chủ-quyền của VNCH.

- Tháng 2/2014, Tiến sĩ Trần Công Trục ở trong cũng đã viết: “Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.”

- Gần đây hơn, dồn dập chỉ trong có mấy ngày, đã có những phát biểu theo chiều hướng đó từ: ông Hoàng Việt, một chuyên-gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng Hà-nội nên kiện TQ về giàn khoan mà thôi, ông Đinh Kim Phúc, một chuyên-gia khác, gợi ý Quốc-hội CSVN nên chính-thức phủ-nhận giá-trị của công-hàm Phạm Văn Đồng (21/5/2014), Tiến-sĩ Tạ Văn Tài ở hải-ngoại (ngày 22/5/2014), ông Trần Duy Hải, Phó-chủ-nhiệm Ủy-ban Biên-giới quốc gia (24/5/2014 ở họp báo Hà-nội: “Bạn không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được. Vậy nên điều đó càng khẳng định công văn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý.”), tất tất đều phủ-nhận giá-trị của công-hàm Phạm Văn Đồng...

Và như vậy cũng tất-yếu phải trở lại căn-bản pháp-lý của VNCH và chủ-quyền của VNCH trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa dựa trên ít nhất 5 văn-kiện quốc-tế: Hiệp-định Thiên-tân giữa Pháp và nhà Thanh (1885), dựa vào đó Pháp đã xây dựng một cây hải-đăng và trạm khí-tượng trên đảo Pattle ở Hoàng-sa (1937); Hiệp-định Hòa-bình San Francisco (1951) ghi nhận sự đòi chủ-quyền của VN do Thủ-tướng Trần Văn Hữu; Hiệp-định Đình chiến Genève (1954) chia đôi đất nước giao HS-TS thuộc về miền Nam; Hiệp-định Hòa-bình Paris (27/1/1973) khẳng-định sự toàn vẹn lãnh-thổ của Miền Nam; và Định-ước Quốc-tế đảm bảo việc thực-thi Hiệp-định Paris (1/3/1973), tái-khẳng-định sự toàn vẹn lãnh-thổ bất khả xâm-phạm của miền Nam. Đặc-biệt, Hà-nội đã ký kết cả Hiệp-định Genève 1954 lẫn hai hiệp-định Paris 1973, cam-kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh-thổ của Miền Nam, và Trung-Cộng là một trong 12 "quốc gia" có ký tên vào Định-ước quốc-tế Paris.

Dựa vào yếu-tố VNCH, chúng ta sẽ có những căn-bản pháp-lý rất vững chắc. Chỉ riêng một sự-kiện này chứng tỏ là viên sĩ-quan vào tiếp thu miền Nam từ ông Dương Văn Minh hôm 30/4/1975 đã khá hàm hồ và không sáng suốt khi tuyên-bố: "Các anh không có gì để bàn giao cả!" Cũng may đó không phải là một lập-trường chính-thức của VNDCCH lúc bấy giờ, tức tiền-thân của CHXHCN Việt-nam hôm nay. Có dựa vào thế đứng như một quốc gia được quốc-tế công-nhận thì Tuyên-bố ngày 4/2/1974 của Bộ Ngoại-giao VNCH mới còn nguyên giá-trị của nó.

Tham-luận ở HMDC 2014

Viết xong ngày 23/5/2014

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bạo lực hung tàn sẽ không bao giờ chế ngự được niềm khao khát căn bản nhất của con người là có được tự do
Thượng tọa Thích Không Tánh tường trình việc Cứu trợ Dân Oan, Nạn nhân cầu Cần Thơ và nạn nhân bão lụt Kekina
Năm 2004, Viện thăm dò dư luận Galớp của Mỹ có thăm dò nhận xét của người dân Mỹ về xã hội Mỹ; kết qủa hơn 70% trong số gần 100 triệu người được hỏi
Là người dân Việt nam, không một ai trong đất nước không biết đến những anh Pha, Chị Dậu, Chí Phèo..., những nạn nhân của chế độ thực dân Pháp ngày xưa
Trong chuyến thăm viếng Bắc Hàn vừa qua của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, dường như lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn có nêu ý kiến là Bắc Hàn
Tháng 11 là tháng Tạ Ơn của người Hoa Kỳ để cám ơn Thượng Đế đã ban cho chúng ta sự sống
Gần đây người ta khám phá một loại cây thường được gọi là “cây phép lạ - miracle tree”
Ngày 30/10/2007 vừa qua, tôi công bố bài viết về việc có một vài người ở cơ quan tôi đã có hành động xấu đối với tôi
Lữ Đoàn 3, còn có tên gọi là Airrowhead Stryker, thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã tổ chức buổi lễ trở về của Lữ Đoàn  hôm 11/10/ 07
Sau đây là thư ngỏ của cô Nguyễn Thanh Nhiên gửi phó tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới CSVN Nguyễn Như Phong.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.