Hôm nay,  

Tiếng Ve Mùa Cũ

22/05/201400:00:00(Xem: 4539)

Tuổi thơ của tôi cũng như bạn đã từng đi qua những mùa hè nóng bỏng râm ran tiếng ve sầu. Tiếng ve âm vang trong lớp học với hoa phượng đỏ tràn đầy ngoài song cửa. Và những câu thơ ngụ ngôn của La Fontaine:

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con...

Đó là một trong những bài học ấu thơ khuyên nhủ tuổi học trò chăm chỉ học hành cần mẩn như kiến, đừng lo ca hát chơi bời say sưa như ve. Để ngày sau đông giá hối tiếc…

Nơi tôi và bạn ở, đâu đâu cũng có ve khi hè về. Nhưng trong những ngôi nhà vườn, những vòm cây cao, những con đường ngập lá cỏ thì tiếng ve ra rả và thênh thang hơn suốt ngày. Những tiếng ve ấy lại càng âm vang xa và nhiều hơn khi cất lên trong mấy ngả tường thành, trong mấy vòm cổng nội phủ...Khi hoa phượng đỏ bắt đầu nở rộ, khi sen mặt hồ bắt đầu thoáng hương, những trái nhản lồng chín vàng trên cây và tiếng trống trường tưởng chừng như sắp lắng. Thì vang lên trong không gian ngập sắc màu và hương thơm cây trái ấy là tiếng ve. Lúc nhè nhẹ, lúc hân hoan, lúc thét gào...một khúc giao hưởng ngày hè.

Những tiếng ve ngày hè rộn ràng, háo hức và lấp lánh màu nắng vui, không như tiếng ve đêm. Bởi ve thường hát khi tìm bạn trong ánh ngày. Chỉ có những chú ve cô đơn xấu trai, kém tài và thiếu may mắn còn nỉ non trong đêm tối. Những tiếng ve đêm hè thật buồn cứ rơi chập chờn trong vườn đêm, lúc nhặt lúc thưa. Như muộn màng trách nhau những thủy chung tình ái. Rồi yên ắng chìm sâu trong bóng đêm mùa hạ tưởng chừng như an phận. Giấc ngủ đến với những ước mơ đời vui chợt bị đánh thức khuấy động bởi tiếng ve, nhiều lúc thảng thốt nghe như tiếng rao đêm của những mảnh đời nghèo khó, chân đất trên muôn ngõ vắng thôi còn xôn xao. Những tiếng ve đêm tưởng chừng như tiếng thở dài của lòng, khi thao thức nằm trăn trở chờ sáng...

Bọn trẻ ngày ấy không có nhiều trò chơi và thú giải trí gì cho ngày hè ngoài những trận đá banh chân đất, nướng cám vò đất sét đi câu cá tràu, trèo cây hái trái phượng ăn và đi câu ve bằng cần tre có dính chút nhựa mít đầu ngọn. Những con ve đực nằm yên trong vòm lá, kêu inh ỏi bạn tình mà không hề lưu ý đến những cần tre nhỏ dính keo vào cánh từ những chú bé nghịch ngợm.

Cuộc đời của ve thật nhiều điều kỳ thú và mang đầy triết lý. Điểm đặc thù là chu kỳ sống có một không hai của chúng. Ve nằm lặng lẽ dưới mặt đất trong nhiều năm liền (từ 3 đến 17 năm tùy loài). Đến một ngày đầu hè ấu trùng trồi lên mặt đất, leo lên cây, lột vỏ nhộng "kim thiền thoát xác" hong khô đôi cánh cứng và...ca hát. Sau khi tìm được bạn tình, yêu thương, đẻ trứng trên cành lá. Hai tháng hè ngắn ngủi yêu thương rồi chết, trứng trưởng thành rớt vào lòng đất, nằm kiên nhẫn chờ đợi nhiều năm nữa để làm lại một đời ca hát.

Có lẽ hình tượng hóa thân từ trứng - ấu trùng - đến một đôi cánh đẹp; từ nhiều năm ẩn dật náu thân trong lòng đất, trước khi đến với đời sống ngắn ngủi, rồi ra đi để lại một tiếng vọng mùa hè âm vang; tiếng ve sầu là nguồn thi hứng cho đời. Bàng bạc nhiều nhất trong những vần thơ Haiku Nhật Bản. Hảy nghe những câu thơ của Basho, thấm đượm mùi thiền. Khi lạc quan yêu đời thì tiếng ve cứ hồn nhiên giửa mùa hè ngắn ngủi, chẳng có vẻ gì sắp chết:

Cicadas singing
No sign
of dying soon.
.
Ve sầu ca hát miên man.
Sá gì cái chết, màng chi cuối hè

Khi lắng đọng nội tâm, chỉ một tiếng ve sầu cô đơn, như nỗi lặng thinh đơn côi, thấm sâu vào đá tảng. Thật trầm sâu triết lý như một công án thiền:

Lonely silence
a single cicada's cry
sinking into stone.
.
Ôi trong tỉnh lặng sa mù
Tiếng ve chìm lắng sâu vào đá xưa

Đó là những tiếng ve đơn độc. Khi ve cùng cất tiếng râm ran thì âm thanh như tiếng bè trầm, rồi dần lên cao, lên cao và trải dài miên man như không dứt như tiếng đại hùng chung.

Temple bell
also sounds like it is
cicada's voice
.
Lặng nghe một tiếng chuông chùa
Âm vang như thể lời ve nguyện cầu

Hay như tiếng ve chiều hôm nắng quái, thổn thức một hiện hữu giữa muôn trùng đại ngã, nơi chênh vênh đầu vực, cuối ghềnh đời của nhà thơ Maeda Fura:

The dawn cicada
makes itself heard
at this cape
.
Con ve chiều lên tiếng
mủi đất biển nơi này
Tiếng ve hay tiếng sóng
đánh thức một đời say

Và thảng thốt như trong xa xăm phôi pha, chợt vắng tiếng ve nỉ non, một thời reo vui như tình, trong thơ của Ishida Hakyo:

Utterly distant
when this one oil cicada
stops its cries
.
Từ em xa cách tột cùng
Khi ve thôi đã khóc cùng chia ly

blank
Hình ảnh Thiếu nữ và tiếng ve mùa cũ.

Người Nhật với nghệ thuật bonsai và haiku đã cho thấy sự đam mê và tỉnh thức trong từng nhánh cây, ngọn cỏ, hòn sỏi đến tiếng ve. Ngôn ngử Nhật dành biết bao nhiêu từ cho ve: Hatsuzemi là con ve đầu tiên cất tiếng ca, Semishigure là tiếng ve như mưa rào, Aburazemi là tiếng ve reo như dầu sôi, Kumazemi là tiếng ve ồn ào ra rả, Oshizemi là ve cái không tiếng kêu và Utsusemi là cái vỏ không khi ve lột xác...


Chu kỳ đời sống đặc thù của kiếp ve sầu cũng làm nên những câu chuyện cổ kỳ thú ở Hy Lạp: Rằng có một chàng trai tên là Eunomos, đánh đàn cithara (loại đàn cổ giống đàn lyre, tiền thân của đàn guitar) Trong một cuộc thi âm nhạc, vừa khi chàng bật âm cao cuối cùng để kết thúc giai điệu tuyệt vời thì dây đàn cithara đứt. Thần kỳ thay một chú ve sầu bay vào đậu trên cây đàn và hát thay cung bật. Eunomos thắng cuộc thi đó! Tiếng ve tượng trưng cho âm nhạc.

Cũng trong truyền thuyết Hy Lạp xưa, theo Plato thì nhà triết gia Socrates ngồi dưới gốc cây ven sông một chiều hạ, đàm đạo cùng người học trò Phaedrus (nghỉa là sáng suốt) trên cao tiếng ve hát râm ran. Socrates bảo Phaedrus đừng bao giờ xao lảng và buồn ngủ, hãy bàn đến những vấn đề minh triết. (Bởi theo Socrates đời sống có 4 đặc ân làm con người say đắm: lẽ tiên tri ngày mai - Sự giải thoát ràng buột hiện tại - Thi ca và Tình Ái.) Những chú ve vừa ca hát vừa lắng nghe những đàm thoại của họ. Sau đó bay về trình báo điều lành với những nàng Thơ Muse. Socrates bảo rằng từ trước khi những vị thần thi ca Muses ra đời, thì những con ve mang hình hài người. Khi âm nhạc đến trong đời, những con người (mang kiếp ve sầu) này say đắm ca nhạc. Họ cống hiến một đời ca hát đến quên ăn quên uống, đến thân xác tan biến. Những vị thần Muses thưởng cho những con người này hóa thành ve, cất tiếng ca miên trùng, được ca hát nỉ non mà không màng ăn uống nghỉ ngơi. Hát ca từ khi chào đời đến khi lìa trần, chỉ đôi lần thấm giọng bằng những hạt sương non, ve là hóa thân của thi ca và đời sống khắc kỷ của người thi sĩ.

We know that you are royally blest Cicada. When among the tree-tops, you sip some dew and sing your song; for every single thing is yours.

(Scratching the 17-year Poetic Itch. Mười bảy năm nôn nao - bài thơ cổ khiếm danh thế kỷ thứ 5)

Sau khi hóa thân vươn đôi cánh mềm, hong khô và mãnh liệt ca hát, ve sầu để lại chiếc vỏ khô mang dấu tích của một quá khứ trầm tư đầy hoài cảm. Như câu thơ của Stuart Dybek:

Chiếc vỏ của một con ve bám vào màn cửa là tất cả những gì còn sót lại từ bài ca chói chang rộn rã đêm qua. (Mùa thu nhiệt đới.)

Tiếng ve sầu miên man trở về hoài niệm những tháng năm xưa quê nhà. Có nghe lòng rung rung giọt sầu khi nhớ về kỷ niệm ấu thơ.

Nhà anh đầu suối
Nhà em cuối dòng
Suối có một lòng
Sao tình đôi ngả
Kể từ mùa hạ
Tê tái ve sầu
Đêm thắp đèn dầu
Chúng mình ngồi học
Giờ anh đi đâu
Chong đèn, em khóc
(Chong đèn. Phạm Thiên Thư)

Tê tái tiếng ve như tiếng lòng là vậy. Bởi tiếng ve làm khuấy động một khung trời ngày thơ, một mùa hè chia ly khi cùng chung nhau một đời suối, mà tình trôi mấy ngả… của một nhà thơ làm ngất ngây đời – đạo. Nhưng tuyệt vời nhất có lẽ một nỗi hờn của cỏi lòng người cư sỹ khi tự tình:

Còn nghe được tiếng ve sầu
Còn yêu đốm lửa đêm sâu bập bùng
Quê người trên đỉnh Trường Sơn
Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu (Tự Tình. Tuệ Sỹ).

Nhìn kiếp ve sầu không khỏi chạnh lòng nhớ đến kiếp người. Nếu có 17 năm nằm thao thức trong lòng đất, thì một chiều hôm đầu hạ, có chú ve non oằn mình vươn ra thân xác hẹp, thoát thai hóa thân làm đôi cánh phù vân. Rồi cất tiếng ca đồng vọng chỉ trong hai tháng hè ngắn ngủi. Hỏi sao lòng không bùi ngùi, thơ không ngừng rơi và nhạc không ngơi bay? Tiếng ve đó dù đơn côi lẻ loi cũng đủ làm đau một phiến đá, làm trở mình một con sóng đầu ghềnh, làm nối lại một cung tơ đành đoạn và làm minh triết một tỉnh thức kiếp người. Như tiếng đại hồng chung âm vang trong đêm hè vô minh.

Và tiếng ve đó ở trời Tây biêng biếc hay trời Đông mênh mang, có một giây phút thực tại khi lòng chùng xuống một hoài niệm ngàn trùng. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi như một sát na. Chỉ một tiếng ve nức nở của đầu hè háo hức hay nuối tiếc tâm khảm. Thì tiếng ve đó đủ làm xao động một bờ vai gầy nặng trỉu những mê hoan:

Hôm nay chợt nhớ thương người.
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.
(Trần Dạ Từ)

Bây giờ là tháng Năm, chắc phượng đã thắm nơi quê cũ cùng tiếng ve miên man. Những cậu bé mười sáu, mười bảy tuổi thôi còn đi bắt ve sầu. Những cô bé tóc thề nay đã biết buồn vân vê tà áo học và bắt đầu lo âu về ngày mai bất toàn. Mười bảy năm niên thiếu có chuẩn bị gì cho đời những hân hoan? Mười bảy tuổi hoa niên qua đi ngắn ngủi như mười bảy âm vận trong bài thơ haiku. Kiêu sa mà đầy vọng động, thiết tha như mười bảy năm ve nằm trong lòng đất.

Mười bảy năm mê muội
trong lòng đất ăn năn.
Một đêm hè trở giấc
thoát thai cánh ve sầu.
Uống giọt sương của lá,
hát một mùa phiêu du.
Lại về trong lòng đất.
Tiếng ve vọng thiên thu (SB)

Như tiếng âm vang trong lòng cũ. Một trưa đầu hạ ở xứ người. Có câu thơ vụng về năm chữ. Rơi xuống thềm hoang một phận người. Cũng mong như tiếng ve sầu kêu vang giửa tháng năm mùa hè, đủ đánh thức một chút hiện hửu nhỏ nhoi trong kiếp mù sa luân hồi tội nghiệp.

Sean Bảo. Tháng Năm, 2014

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.