Hôm nay,  

Mùa Xuân Bừng Nở, Mà Lòng Người Cũng Thật Rộng Mở Tại Thành Phố Philadelphia

26/04/201400:00:00(Xem: 2960)

Sau trên 20 giờ ngồi trên xe lửa Amtrak khởi hành từ Chicago vào tối ngày 16/4, tôi đã đến Philadelphia vào buổi chiều ngày hôm sau 17/4/ 2014. Thành phố lịch sử này nằm giữa trục lộ từ New York đến thủ đô Washington DC – là nơi tôi thường hay lui tới để viếng thăm bà con bạn hữu vào mùa xuân trong những năm gần đây.

Thật đúng như tên gọi của nó - chữ Philadelphia trong tiếng Hy lạp có nghĩa là Tình Yêu Thương Huynh Đệ (The City of Brotherly Love) – tại nơi đây tôi đã nhận được nhiều sự chăm sóc ân cần và tình cảm nồng hậu của bà con người Việt cũng như người Mỹ. Vào giữa tháng Tư, khí hậu tại đây đã bắt đầu ấm áp hơn nhiều – đặc biệt là nếu so với cảnh giá lạnh, nhất là sau lúc có tuyết ở Chicago mà tôi đã phải trải qua vào hồi đầu tháng. Nhờ vậy, mà hoa lá đã nộ rỡ khắp nơi trên các lùm cây tại thành phố được mệnh danh là “Cái Nôi của Tự Do” từ hồi cuối thế kỷ XVIII (The Cradle of Liberty). Và Cái Chuông Tự Do (Liberty Bell) vẫn còn được trang trọng trưng bày tại khu vực chứa đựng nhiều vết tích kỷ niệm từ cái thời Cách Mạng Mỹ oanh liệt hào hùng thuở đó.

Phong cảnh thiên nhiên khách quan thì xinh xắn tươi đẹp như vậy, mà sự trải nghiệm chủ quan của bản thân tôi, thì cũng thật là hưng phấn êm đềm phát xuất từ những cuộc gặp gỡ trao đổi thâm tình với nhiều bà con thân thiết tại đây trong lần viếng thăm năm 2014 này. Tôi xin lần lượt ghi lại một số nhân vật điển hình và sự kiện cụ thể chân thực dưới đây.

I – Tại nhà Cô Mỹ Linh ở khu phía Nam Philadelphia.

Mấy năm gần đây, mỗi lần đến Philadelphia thì tôi đều được cô Mỹ Linh sai cháu Huy ra bến xe đón bác về ở nhà mẹ con cô tại khu phố phía Nam. Nhờ làm việc trong ngành xây cất sửa chữa nhà cửa, nên cháu Huy lần hồi đã đích thân ra tay sửa sang sắp xếp căn nhà 2 tầng lầu tương đối khá gọn gàng tươm tất. Vì thế mà mỗi lần đến nhà này, tôi đều nhận thấy có sự cải thiện đổi mới với những tiện nghi thỏai mái hơn trong sinh họat thường ngày của gia đình. Nội thất trong căn nhà xem ra khang trang sáng sủa nổi bật hẳn lên giữa khu phố gồm những căn nhà cũ kỹ của giới bình dân lao động với thu nhập ít ỏi thuộc nhiều sắc dân thiểu số nơi đây.

Cô Mỹ Linh xuất thân từ một gia đình nghiệp chủ làm ăn thành đạt có tiếng tăm tại miền Nam hồi trước năm 1945. Cô lập gia đình với chú Hoan là con trai thứ trong gia đình của bác Nguyễn Ngọc Chương – đây là một gia đình mà tôi có duyên gắn bó thân thiết từ trên 60 năm trước vì cùng quê hương trong tỉnh Nam Định ở miền Bắc. Sau năm 1975, chú Hoan phải đi ở tù cải tạo theo diện là một sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng không may, chú bị tai nạn và mất trong trại cải tạo ở Trảng Lớn, Tây Ninh vào cuối năm 1976. Hồi đó, cô Mỹ Linh mới ở vào độ tuổi ngòai 30, nhưng cô đã dứt khóat ở vậy nuôi con và chăm sóc tận tình cho bố chồng là bác Chương cho đến ngày bác qua đời vào năm 1985.

Qua Mỹ theo diện HO, cô đem cháu Huy tới định cư ở Philadelphia và nhận thấy tại đây người lớn tuổi được chính quyền lo lắng chăm sóc cho thật chu đáo về bảo hiểm y tế cũng như về nhiều mặt an sinh xã hội. Cộng đồng người Việt tỵ nạn sinh sống an vui hòa đồng với nhiều sắc dân da đen, da trắng cũng như với sắc dân thiểu số gốc Á châu hay gốc Latino. Do đó, mà cô có ý định cùng con cháu sinh sống lập nghiệp lâu dài tại miền đất này.

Cô Mỹ Linh coi tôi như một người anh lớn trong gia đình và cả hai mẹ con cô đều tận tình ra sức tiếp đãi thật ân cần quý mến, dành cho tôi mọi tiện nghi thuận lợi về nơi ăn chốn ở - kể cả trong việc mời mọc tiếp đãi các bạn hữu của tôi nữa. Cụ thể là cô luôn nhắc tôi mời cha Đinh Công Hùynh là người bạn lâu năm của tôi đến nhà dùng bữa ăn chung với vài ba người bạn thân thiết trong khu xóm đạo thuộc Nhà thờ Saint Thomas Aquinas – mà cha Hùynh là một linh mục phụ tá đặc trách khối giáo dân Việt nam gồm có chừng vài trăm gia đình.

Mỗi ngày, trong bữa cơm gia đình chúng tôi thường hay gợi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của những bà con trong dòng họ cũng như của những thân hữu của đại gia đình. Đặc biệt, cô Mỹ Linh luôn hỗ trợ, khích lệ tôi trong những công việc xã hội nhân đạo – nhất là trong công tác tranh đấu cho Nhân quyền mà tôi vẫn theo đuổi từ nhiều năm nay. Cụ thể như mỗi khi tôi đến tiếp súc và hội họp với giáo sư Sophie Quinn-Judge tại Đại học Temple ở về phía Bắc thành phố, thì cô thường yêu cầu tôi kể lại cho cô biết thêm các chi tiết về sinh họat của tôi tại viện Đại học có danh tiếng của địa phương này.

Thành ra, ngòai tình thân trong gia đình, giữa cô Mỹ Linh và tôi lại còn có sự đồng cảm tương đắc và hỗ trợ lẫn nhau trong ý hướng cùng theo đuổi những việc làm có ích lợi thiết thực cho nhân quần xã hội nữa.

II– Anh chị Nguyễn Đình Hà và quán ăn Vietnam Palace ở khu Trung tâm thành phố Philadelphia.

Như đã hẹn qua điện thọai với anh Hà, vào buổi trưa ngày 23/4 tôi đã đến quán Vietnam Palace trên đường số 11 gần với cơ sở Convention Center tại downtown Philadelphia. Năm ngóai, tôi cũng đã được anh chị Hà mời đến ăn tối tại đây. Nhưng lần này, vì là buổi trưa tương đối ít khách, nên anh Hà đã có nhiều thời gian chuyện trò trao đổi với tôi trong một bữa ăn trưa kéo dài đến trên một giờ. Sau đó, chủ nhân lại còn dẫn tôi lên coi căn phòng khá rộng khỏang khóat ở trên lầu là nơi thường được các thân chủ đặt trước để được quyền sử dụng cho việc đãi tiệc. Và đặc biệt trước đây căn phòng này lại còn thường được các văn hữu trong Nhóm Duyên Văn dùng cho các Buổi Ra Mắt Sách của các thân hữu do Nhóm đứng ra bảo trợ tổ chức nữa.

Rồi tiếp theo, anh Hà lại còn chở tôi về thăm căn nhà do gia đình anh cư ngụ từ lâu nay. Căn nhà không lớn lắm, nhưng lại có khu vườn khá rộng rãi – tọa lạc trong tiểu bang New Jersey bên kia cây cầu nổi tiếng Benjamin Franklin bắc qua con sông lịch sử Delaware. Tuy căn nhà nằm trong một tiểu bang khác, nhưng lái xe đi tới chỉ mất có trên 10 phút mà thôi. Vì thế, hàng ngày anh chị vẫn từ nhà đi qua lại bên tiệm ăn một cách thật mau lẹ dễ dàng.

Trong suốt ba giờ vừa tại nhà, vừa bên tiệm ăn, anh Hà và tôi đã mặc sức mà hàn huyên tâm sự về đủ mọi thứ chuyện riêng tư gia đình cũng như chuyện chung của quê hương đất nước và cả đến kinh nghiệm sống trên đất Mỹ nữa. Thân phụ anh là giáo sư Nguyễn Đình Nhiếp đã từng theo học về khoa học tại Pháp từ hồi thập niên 1920 – cùng thời với các kỹ sư Đặng Phúc Thông, Hòang Xuân Hãn v.v… Về nước, cụ chuyên đi dậy học mà có người học trò sau này cũng nổi tiếng là ông Hòang Văn Chí mà giới thức giả ở các nước Anh và Mỹ đều coi là một chuyên gia rất thông thạo về tình hình chính trị xã hội của chế độ cộng sản ở miền Bắc Việt nam. Do đó, mà anh Hà có mối liên hệ thâm tình lâu ngày trên đất Mỹ với gia đình ông bà Hòang Văn Chí cho đến khi cả hai ông bà đều khuất núi.

Anh cũng kể thêm về trường hợp của gia đình ông bác ruột là cụ Nguyễn Đình Pháp bị đấu tố rất tàn bạo trong thời Cải cách Ruộng đất vào năm 1952 tại vùng Nghệ An gần phía biên giới với nước Lào. Cụ Pháp nguyên là một y sĩ, rồi sau lại chuyển công việc đi khai khẩn mở đồn điền. Ấy thế mà cụ ông bị đem ra đấu tố và tịch thu tòan bộ gia sản thật dã man. Anh đã tìm thăm người chị là con ông bác và được chị kể cho nghe rành mạch về các chi tiết thật rùng rợn kinh khiếp với sự dối trá bày đặt dàn dựng của Đội Cải Cách trong vụ đấu tố này.

Tôi quen biết anh Hà là do sự giới thiệu của anh Phạm Phú Minh tức nhà văn Phạm Xuân Đài là bạn thân thiết và cũng là người đồng hương của anh Hà từ miền đất Hội An Quảng Nam. Anh Hà xuất thân từ làng Ký Lam, nên anh lấy bút hiệu là Hà Kỳ Lam mỗi khi viết văn. Anh Hà cũng phải gia nhập quân ngũ và theo học Khóa 13 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào năm 1962 – cùng khóa với tôi, nhưng hồi đó chúng tôi lại chưa có dịp quen biết nhau. Sau khi ra trường, anh được thuyên chuyển về Lực Lượng Đặc Biệt nên sau 1975 bị đưa “đi tù học tập cải tạo” mãi tận ngòai Bắc với bao nhiêu khó nhọc gian khổ. Nhưng sau khi ra tù, thì may mắn anh và gia đình đã liều mình vượt biên và đến định cư lập nghiệp liên tục tại vùng Philadelphia từ năm 1981 đến nay.


Chị Hà là người sinh trưởng tại Cambodia, theo học chương trình Pháp tại Trung học Sisowath nổi tiếng ở Phnom Penh và sau khi trở về Việt nam thì thành lập gia đình với anh Hà vào năm 1970. Vì cả hai người đều có trình độ văn hóa tương đối cao, nên gia đình anh chị đã hội nhập khá thành công trên đất Mỹ - mà cụ thể là quán ăn Vietnam Palace do anh chị làm sở hữu chủ và điều hành từ hơn 20 năm nay đã trở thành một cơ sở kinh doanh rất thành công, thu hút được số đông thực khách là những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Và anh chị đã phát triển được mối tình cảm giao hảo thân thương tốt đẹp với nhiều người trong số các bạn thực khách đông đảo đó.

Điển hình là chuyện một người cháu bên họ của bà xã anh bị đau thận nặng mà chỉ có thể được cứu sống bằng cách người ruột thịt trong nhà hiến tặng cho một trái thận để thay thế cho cơ quan đã bị hư hại hòan tòan. May mà có vị luật sư vốn là chỗ thân tình quen biết đã tận tình vận động để trong thời gian ngắn nhất đem được người cha của đứa cháu bệnh nhân mãi từ Việt nam qua Mỹ - nhờ vậy mà các bác sĩ chữa chạy mới có thể tiến hành được việc ghép thận cứu sống được cậu bé này.

Chuyện kể về gia đình anh chị Hà còn rất nhiều tình tiết lý thú vì đượm nhiều tính chất nhân bản sâu sắc – mà tôi sẽ tường thuật đày đủ hơn trong một dịp khác. Vì bài viết không thể kéo dài quá, nên ở đây tôi chỉ xin ghi sơ qua về kinh nghiệm hội nhập văn hóa của gia đình anh chị Nguyễn Đình Hà trong hơn 30 năm định cư tại thành phố lịch sử này.

III – Những người bạn Mỹ thân thiết của tôi tại thành phố này.

Tôi có ít nhất 3 người bạn thân thiết từng sinh sống và làm việc tại Philadelphia, xin ghi lại một số cuộc gặp gỡ trao đổi với các bạn đó.

1 – Anh John Sommer là cựu đòan viên IVS ở Việt nam hồi thập niên 1960. (IVS = International Voluntary Service = Đòan Thanh Niên Chí Nguyện Quốc Tế)

Vào các năm 2007 – 2009, mỗi lần đến Philadelphia, tôi đều gặp lại anh John Sommer vốn là một người bạn quen biết từ trên 40 năm hồi đầu thập niên 1960 của nhiều bạn hữu chúng tôi trong Nhóm thanh niên họat động xã hội như Trần Ngọc Báu, Hà Tường Cát, Lê Đình Điểu, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Tòan, Đỗ Ngọc Yến v.v… Trước đây, có lúc John làm việc cho tổ chức văn hóa xã hội rất có tiếng, đó là Ford Foundation. Và gần đây, thì John cộng tác với Dwight Eisenhower Foundation có trụ sở chính đặt tại khu Trung tâm Philadelphia.

Lâu ngày mới gặp lại nhau, John mời tôi đi ăn cơm trưa và rối rít hỏi thăm tin tức về từng người trong số nhóm bạn quen biết năm xưa và hai chúng tôi được dịp sống lại những ngày tháng tươi đẹp của cái thời trai trẻ vô tư với nhiều mộng mơ đó.

Hiện nay, thì John Sommer đã nghỉ hưu và trở về sinh sống với gia đình tại tiểu bang Vermont giáp giới với biên giới Canada. Có lần John nói với tôi là có thể anh sẽ tham gia vào việc mở mang giáo dục ở Việt nam. Nhưng từ vài năm nay, tôi không được tin tức mới nào của anh.

2 – Judy Wicks tác giả cuốn sách nổi tiếng “Good Morning, Beautiful Business” mới xuất bản năm 2013.

Qua sự giới thiệu của Sherry Hall là người bạn đời của Dick Hughes tại New York, mà tôi được quen biết với Judy Wicks vốn sinh sống là lập nghiệp lâu năm ở Philadelphia. Sherry và Judy là hai người bạn thân thiết ở tuổi thiếu thời tại vùng quê gần với thành phố Pittsburgh Pennsylvania, như gần đây mới gặp lại nhau. Thấy tôi hay đến Philadelphia, nên Sherry mới giới thiệu cho tôi gặp gỡ làm quen với Judy – vì Sherry cho rằng việc quen biết gắn bó này sẽ thật có lợi cho cả Judy và tôi đều là dân hăng say họat động xã hội.

Vào đầu năm 2013, lúc tôi vừa tới Philadelphia thì Judy có mời tôi đến nhà để uống trà, nhân tiện Judy cũng trao cho tôi bản thảo của cuốn sách chị sắp cho xuất bàn nhan đề “Good Morning, Beautiful Business”. Đây là cuốn Hồi ký Tự thuật về những họat động của một phụ nữ thật năng nổ trong lãnh vực tổ chức điều hành kinh doanh với tinh thần phục vụ xã hội, bênh vực môi sinh và đặc biệt là phát triển lọai thực phẩm ngay từ địa phương gần kề với các đô thị. Cuốn sách được độc giả hoan nghênh nồng nhiệt, nên tác giả Judy Wicks đã phải đi bôn ba khắp nơi hầu trực tiếp gặp gỡ tiếp súc với độc giả và cổ võ cho đường lối “phát triển bền vững” tại từng địa phương (sustainable development).

Trong điện thư gửi vào giữa tháng Tư, Judy cho tôi biết là cuốn sách sắp phải cho tái bản và còn được một nhà xuất bản ở Đại Hàn xin cho ấn hành bản dịch sang Hàn ngữ. Tôi sẽ có dịp giới thiệu cuốn sách độc đáo này trong thời gian gần đây, xin quý bạn kiên nhẫn đón coi.

3 – Chị Sophie Quinn-Judge tại Đại học Temple ở Philadelphia.

Ngày Thứ Hai 21/4, tôi lại đến thăm Sophie tại Đại học Temple trên đại lộ Broad về phía bắc thành phố. Trước đây, tôi đã có nhiều dịp viết về người bạn rất trí thức mà thật là hiền dịu dễ thương dễ mến này. Vì thế, trong bài này tôi chỉ ghi lại thật vắn tắt câu chuyện trao đổi của hai chúng tôi trong bữa ăn trưa tại câu lạc bộ dành riêng cho các giáo sư của cơ sở giáo dục rộng lớn này.

Vì bữa đó là sau lễ Phục Sinh chị không bận rộn với việc giảng dậy, nên Sophie có nhiều thời giờ chuyện trò trao đổi với tôi về chuyện nghiên cứu viết lách chuyên môn. Đại khái tôi cho Sophie biết là việc nghiên cứu của tôi về công cuộc phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu hậu cộng sản sắp sửa hòan tất và hy vọng cuốn sách sẽ có thể được trình làng vào năm 2015 sắp tới. Còn Sophie, thì cũng cho tôi biết là hy vọng sẽ hòan thành cuốn sách về “Thành phần Thứ Ba” trong chiến tranh Việt nam vào năm tới, nhân dịp đánh dấu “40 năm chấm dứt chiến tranh” (1975 – 2015).

Về sinh họat riêng tư gia đình, Sophie cho biết cháu gái lớn có gia đình tại Boston và chị thường đến thăm 2 cháu ngọai tại đây. Còn cháu gái nhỏ, thì đang theo học bậc Cao học tại Đại học Georgetown ở Washington DC – cháu chuyên nghiên cứu về các nước trong khu vực Trung Á thuộc Liên Xô trước đây (Central Asia). Cháu có lợi điểm là rất thông thạo tiếng Nga ngay từ cái thời còn nhỏ lúc Sophie làm việc ở Liên Xô từ cuối thập niên 1980 qua đầu thập niên 1990. Tôi hỏi:”Thế thì bố Paul của các cháu bây giờ ra sao?” Sophie cho biết: “Paul hiện vẫn ở Bruxelles và vẫn say sưa với công chuyên chính trị quốc tế như hồi nào. Mới đây, Paul còn đến quan sát tình hình tại Ukraine nữa…”

Đến lượt Sophie hỏi tôi: “Liệu anh có cháu nào cũng say mê với chuyện công việc xã hội như anh không?” Tôi phải trả lời rằng: “Không có người con nào của tôi mà lại cũng tham gia vào lọai công việc nhân đạo và nhân quyền giống như tôi cả. Tuy nhiên các cháu vẫn hỗ trợ những họat động của tôi – mà cụ thể là các cháu đã lo trang trải mọi chi phí liên hệ đến họat động của tôi đấy …” Sophie cười và nói: “Anh thật là một người có may mắn lắm vậy đó…”

Trước khi chia tay, Sophie còn dẫn tôi đi thăm mấy cơ sở xây cất mới hòan thành gần đây của Temple. Và cũng như mọi lần tôi lại được chứng kiến cái cảnh sinh họat thật sôi động náo nhiệt của hàng hàng lớp sinh viên - thật trẻ trung vào lớp tuổi của lũ cháu nội ngọai của tôi lúc này – họ lăng xăng đi lại trên khắp các ngõ ngách hay từng nhóm 5 – 7 người trải tấm vải bày các món ăn trưa chung với nhau nơi các bãi cỏ rải rác trong khuôn viên nhà trường.

Rõ ràng là tôi thấy mình trẻ lại như cái thời còn đang ở vào lứa tuổi đôi mươi mà tính ra đã đến 50 – 60 năm trước ở Saigon hay ở Washington DC – giữa lúc vẫn còn vô tư nô nức ngày ngày cùng với chúng bạn cắp sách đến trường vậy.

Xin cảm ơn Sophie vì đã tạo cơ hội cho tôi được sống lại cái tuổi thanh xuân hồn nhiên, êm ả thơ mộng đến như thế - tại đây lúc này./

Philadelphia, ngày 25 tháng Tư 2014

Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.