Hôm nay,  

Tháng Tư Về Chuyện Chiếc Ghe 69 Người

01/04/201400:00:00(Xem: 9298)

Video: Introduction of the Archive of Vietnamese Boat People
http://www.youtube.com/watch?v=t4eD4bDx5fU

Để tưởng nhớ đến các đồng bào Việt Nam đã bỏ mình trên bước đường đi tìm tự do.

Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải từ Canada, vừa gửi tới BBT TTXVA nội dung phỏng vấn ông về những cảm nghị và nhận định nhân ngày 30 tháng 4 sắp tới, ngày mà cả nước: “Có triệu người vui nhưng cũng cả triệu người buồn”( Phỏng Vấn Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải – Canada)

http://www.ttxva.net/phong-van-thuong-nghi-si-ngo-thanh-hai-canada/

* * *

Tri ân vòng tay nhân ái của thế giới tự do

Video 1- Medecins du monde (Tàu Pháp cứu vớt thuyền nhân Việt Nam) (nói tiếng Pháp)
http://www.ina.fr/video/CAB8201303801

Video 2-Tàu Cap Anamur Đức Quốc cứu vớt thuyền nhân VN

Boat People aus Vietnam - Cap Anamur - Hamburg/GER-Teil 4b
http://www.youtube.com/watch?v=rA9RLnQCLQk

Cây cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi

Hắn và vợ, tay bồng tay dắt hai đứa con còn nhỏ, lặng lẽ, bùi ngùi bước ra khỏi nhà cha mẹ, nơi mà hai vợ chồng hắn tá túc từ hơn một năm nay tại Saigon. Đồ đạc chỉ vỏn vẹn có hai cái xách tay nhỏ, đựng một vài bộ quần áo cũ và một ít thức ăn khô. Đó là ngày 23 tháng 3 năm 1980. Hắn vừa tròn được 37 tuổi.

Trời còn tối om khoảng ba- bốn giờ sáng. Trong nhà, ngoài một cô em vợ ra thì không còn ai hay biết gì hết. Hắn dặn cô em nhờ nói lại với Pa Má, là Anh Chị cần phải về Cần Thơ gấp để xin lại căn nhà bị tịch thâu một năm trước đó vì đã đi không lọt và bị bắt...

Đây là lần thứ ba mà hắn liều mạng lôi vợ con mạo hiểm theo hắn. Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu hắn, coi chừng “nhứt quá tam” hay “jamais deux sans trois” làm hắn cũng thấy ngài ngại...

Lần đầu, tháng giêng năm 1979, xuống cá nhỏ ngay tại bến Ninh-Kiều Cần Thơ, Chẳng may chuyến đi bị gài bẫy từ đầu, nên khi vừa leo qua cá lớn đậu ngay vàm Cần Thơ thì công an đã chờ sẵn trong ghe đón tiếp nồng hậu không sót một mống nào, chẳng khác nào cá vào rọ.

Hắn và vợ con bị nhốt hết hai ngày ở Chấp Pháp Cần Thơ nằm cạnh bờ sông, xế khỏi Trại Nhập Ngũ số 4 cũ, một quãng trên đường vô Cái Răng.

Qua ngày hôm sau, một diễn biến thật bất ngờ xảy ra như một giấc chiêm bao: hắn và vợ con được thả ra. Đây là một cái bất ngờ tuyệt điệu chẳng khác nào cá mắc cạn được đem thả trở lại xuống nước.

Khỏi phải nói hai vợ chồng hắn đều mừng hết lớn. Tưởng đâu là cuộc đời mình đã bị tiêu tùng rồi, nhưng có lẽ nhờ “chánh sách chiêu dụ chất xám”, họ thả gia đình hắn ra thật sớm sau hai ngày bị nhốt để về nhà làm tờ…tự kiểm.

blank
Hình ảnh một thời thuyền nhân.

Trí thức 3N

Thời điểm đó phong trào vượt biên nở rộ khắp miền Nam. Đặc biệt là đa số giới trí thức cũ, đều bằng mọi giá tìm cách bỏ đi. Anh nào không đi thì bị thiên hạ mỉa mai và liệt vào nhóm trí thức 3N tức là hoặc nghèo, hoặc nhát, hoặc ngu?! Chất xám thất thoát nhiều khiến nhà nước cộng sản phải cấp bách đề ra chánh sách o bế giới trí thức cũ để khuyến dụ họ ở lại phục vụ đất nước, v.v...

Chòm xóm không ai hay biết gì hết, nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn. Hú hồn hú vía!

Rồi hắn được cho đi làm việc trở lại tại nhiệm sở cũ là trường Đại học Cần Thơ. Vợ hắn, dược sĩ ngụy, thì cũng được...gởi gắm đi làm tại một nhà thuốc Tây quốc doanh nằm trên đường Nguyễn an Ninh ngay trong thị xã Cần Thơ, dĩ nhiên là dưới quyền sai bảo của chị thủ trưởng dược tá giải phóng. Nói là đi làm cho nó ngon vậy đó chớ thật sự ra có làm gì đâu, mà cũng chẳng có ai dám giao cái gì đâu mà làm. Hắn biết là hai vợ chồng hắn đang bị người ta theo dõi và canh chừng gắt củ kiệu lắm. Tối ngày cứ lo luây quây học tập chánh trị, họp tổ, rồi sau đó là lo ba cái vụ chầu chực để mua nhu yếu phẩm theo giá chánh thức cũng đã hết thời giờ rồi. Hắn rầu thúi ruột và hết còn biết tính sao nữa.

Bế tắc hoàn toàn! Chỉ còn có một con đường duy nhất là phải tìm cách binh nữa. Bằng cách nào? Hắn cũng chưa biết được. Chỉ còn biết cầu xin Trời Phật và chờ phép lạ mà thôi.

Ngoan cố đi nữa …lại kẹt nữa.

Rồi một dịp may khác lại xuất hiện vài tháng sau …Xuống bãi tại Phong Điền. Ghe là một loại tam bản lớn không có mui gì hết, ớn quá chừng nhưng lỡ rồi. Ghe được thả theo dòng nước sông Hậu, tà tà hướng xuống Cà Mau để tìm đường ra biển.

Nhưng than ôi! Kỳ nầy lại bị tổ trát một lần nữa, xui xẻo hết cỡ ngoài dự tính. Đúng là mưu sự tại nhân, nhưng thành sự tại thiên. Một trạm kiểm soát trên sông Ông Đốc thình lình gọi ghe tấp vào bờ để xét hỏi. Thế là bể! Cả ghe bị tóm. Hắn và tất cả bạn đồng hành đều bị áp giải vô Rạch Ráng ở Cà Mau.

Trong chuyến đi nầy, ngoài nhóm bạn bè của hắn trong Đại học Cầnthơ như Anh Chị PL (nay còn ở bên nhà), dược sĩ TĐB (hành nghề tại Bắc Cali), hai vợ chồng dược sĩ C&D. và mấy đứa con, và hai vợ chồng Trung tá Bác sĩ HNT, Giám đốc Quân Y Viện PTG Cần Thơ cũng có mặt trong chuyến vượt biên nầy.. Nghe nói, hiện nay Bs ở Tx.

Hắn lo cho hắn thì ít nhưng lo cho vợ và hai dứa nhỏ thì nhiều. Tất cả nhóm dàn bà con nít đều bị nhốt trong vựa lúa phía sau láng của đàn ông chừng trăm thước. Ăn uống làm sao đây? Lỡ có bệnh hoạn thì lấy thuốc đâu mà chữa trị.

Nhưng cũng may, một hai tuần sau, thì gia đình bên vợ hắn ở Saigon hay được hung tin là chuyến đi bị vướng. Tội nghiệp, Ông bà ngoại các cháu phải cực khổ tức tốc lặn lội từ Sài Gòn xuống thị xã Cà Mau, rồi từ đó đón đò máy đi cả buổi mới vô tới Rạch Ráng để xin lãnh hai đứa cháu nhỏ (3tuổi và 5 tuổi) về nhà...Trời ơi! Nhớ lại thuở đó sao mà trần ai lai khổ vô cùng tận vậy.

Sau vài tuần bị nhốt, thì vợ hắn cũng được thả về trước, còn hắn thì bị giam thêm một thời gian nữa.

Ban ngày, họ bắt bọn hắn đi lội nước nhổ cỏ ngoài ruộng cho bỏ ghét và cũng để cho biết thế nào là lao động. Tối về láng, hắn và các bạn tù bị xiềng một cẳng lại với nhau qua một thanh sắt dài khóa lại ở một đầu phía ngoài cửa vào. Tiểu tiện phải “làm” trong lon ngay tại chỗ, xong thì chuyền cho người nằm sát vách phía bên trong, vạch tấm phên ra và hất đại xuống mương. Nhớ lại có một hôm nhân lúc đi lao động, vì đói, ai nấy lúc về cũng ham nhổ theo cả bó rau muống ruộng để ăn sống. Tối bữa đó thì đa số đều bị tào tháo rượt, phải làm ren rét tùm lum ngay tại chổ. Cuộc đời tù tội là thế đó. Thê thảm quá.

Nhưng có lẽ là cảnh khổ cực của bọn hắn không nhầm nhò gì so với hoàn cảnh của các anh em “ngụy quân ngụy quyền” bị CS trả thù và đì về tinh thần lẫn thể xác trong những trại tù cải tạo.

Muỗi Cà Mau nhiều không thể tưởng tượng được. Mới 4-5 giờ chiều là chúng bay vo vo đen nghệch thấy mà phát sợ. Vướng lần thứ hai nầy hắn nghĩ rằng chắc phải bị kẹt lâu lắm chớ không mong gì được thả ra sớm đâu.

Hắn thuộc gia đình ngụy quyền mà. Vợ hắn thuộc loại “tư sản mại bản” vì có nhà thuốc Tây ở Sài Gòn. Mặc dù đã bị họ kiểm kê ốp hết ráo hết trọi, của thiên trả địa, nhưng gia đình hắn vẫn nằm trong diện không được thiện cảm của chế độ đương thời cho lắm!.

Lúc bị nhốt, tin bên ngoài từ Cần Thơ cho biết là có vài người không đồng ý xin cho hắn ra vì hắn thuộc loại quá ngoan cố hết thuốc chữa. Chắc cũng không mấy sai đâu. Người ta đã tha cho một lần rồi mà không tởn. Hắn rầu thúi ruột đi. Tương lai mù mịt. Nhưng rồi hắn thầm nghĩ, đây là một canh bạc, có lúc ăn thì cũng có lúc phải thua, đó là lẽ thường tình ở đời mà thôi.

Cũng hên, sau khi bị nhốt hết ba tháng thì cả nhóm được Thành Hội Trí Thức Yêu Nước Cần Thơ cử Anh ba T. xuống lãnh hết ra...(Anh ba T ngày xưa là nhân viên nằm vùng trong Tòa Án Cần Thơ). Đây là việc nằm trong kế hoạch chánh trị của họ trong thời điểm đó mà thôi.

Lần nầy thì mất hết tất cả. Te tua. Lỡ leo lên lưng cọp rồi thì không thể xuống được!.

Nhà cửa của cải bị mất hết, mất luôn cả hộ khẩu, nên gia đình hắn chẳng còn chỗ nào ở đành phải về tá túc một cách bất hợp pháp tại nhà ông bà già vợ tại Sài Gòn. Vốn liếng, nữ trang và bao nhiêu cây dành dụm từ bấy lâu nay đều được đem chụm hết trong hai chuyến đi hụt vừa qua. Căn nhà của hắn ở đường Mậu Thân gần cầu Rạch Ngỗng Cần Thơ cũng bị mất luôn và nghe đâu được họ biếu cho Năm P trưởng ty Nông nghiệp Cần Thơ thời đó.

Te tua láng túi sạch sẽ

Để kiếm sống qua ngày, vợ hắn phải nấu xôi, pha cà phê bán ngay bên lề đường cạnh tiệm thuốc Tây cũ của mình tại góc đường BC/HTT Sài Gòn.

Còn hoàn cảnh của vợ chồng người bạn là dược sĩ C. và D. cũng bi đát lắm. Họ cũng mất nhà và mất cả nhà thuốc CD ở đường Tự Đức Cần Thơ nên đành phải dẫn bầy con (nhiều lắm!) về tá túc nhà bố mẹ ở khu sân vận động Cộng Hòa Sài Gòn. Để kiếm sống, anh chị C.& D làm bánh cam rồi mỗi ngày Anh C. từ nhà, cong lưng hì hục đạp xe ra bỏ mối cho vợ chồng hắn bán tại quán cà phê lề đường.

Đây là tình nghĩa bạn bè lúc hoạn nạn...Và đó cũng là hình ảnh thê lương của hầu hết các dược sĩ ngụy một thời le lói hết sức, nhưng lúc sa cơ thất thế thì cũng bi thảm không ai bằng!

Lên voi xuống chó là như thế đó!.

Từ trên 30 năm qua hắn không thể bắt liên lạc lại được với gia đình anh chị C & D. Năm 2011 có một thân nhân của duợc sĩ C cho biết trên trang mạng Người Việt Boston là cả gia đình người em của họ đã không có cái may mắn đến được bến bờ tự do. Tội nghiệp quá.

Còn hắn thì chạy tới chạy lui phụ giúp ba cái chuyện lặt vặt cho bà xã. Hắn xuống tinh thần mất moral, chán chường thấy rõ, nhất là mỗi khi nghe tin có một người bạn nào đó đã tới nơi yên ổn sướng quá. Hắn cảm thấy mình là kẻ thua cuộc, bất lực, lẻ loi và cô độc hết sức!.

Có nhiều người khi xưa là bạn, nay thấy hắn thì lại lơ lơ là là, có lẽ họ sợ bị liên lụy đến bản thân chăng? Đời là thế!

Sa cơ thất thế là hoàn cảnh chung của phe thua cuộc. Thôi thì cứ nghĩ đó là một sự cộng nghiệp chung của dân miền Nam phải đồng phải gánh chịu. Hy vọng có ngày rồi trời sẽ sáng trở lại...

Và cũng vào thuở đó, người ta hô hào lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói thì ở tù nên phong trào tăng gia sản xuất bằng cách nuôi heo bùng lên khắp nơi trong các thành phố miền Nam. Bất cứ chỗ nào người ta cũng có thể nuôi heo được hết.

blank
Hình ảnh một thời thuyền nhân.

Heo và nguời ở chung với nhau.

Người ta nuôi heo ngay tại Sài Gòn trong những căn nhà lầu, trong một số villa sang trọng mà lúc đó đã đổi chủ, trong nhà bếp, trong nhà tắm, nơi sàn nước, ngoài sân và thậm chí còn có người nuôi heo cả…trên sân thượng nữa.

Hắn chụp thời cơ nhảy ra làm nghề chích dạo và chữa bệnh cho heo. Phần đông thân chủ của hắn là những cán bộ quyền thế của chế độ mới. Họ cho xe lại đón hắn về nhà khám bệnh cho heo, tiền bạc sòng phẳng!

Hắn sống lây lất qua ngày để chờ thời. Hắn cảm thấy tuyệt vọng trước một viễn ảnh quá đen tối, bế tắt không còn lối thoát.

Mỗi khi nhìn thấy ghe tàu đậu dưới sông là hắn thầm mơ tưởng viễn vong và ước ao…phải chi thế nầy, phải chi thế nọ, v.v…Hắn mơ, hắn ước, hắn cầu nguyện làm sao có thể đưa được gia đình đến một miền đất nào đó. Hắn sẵn sàng làm bất cứ công việc gì, miễn sao nơi đó hắn có thể hít thở được không khí thật sự tự do mà thôi...

Tia hy vọng

Rồi một hôm, có một anh bạn đến móc nối hắn vì biết hắn đã từng du học nhiều năm tại Bangkok và nói được chút ít tiếng Thái, để làm thông dịch khi cần.

…Ra đến bến xe xa cảng Miền Tây, hắn lấy vé chợ đen đi Cần thơ, nơi chôn nhau cắt rún và cũng là nơi mà hắn có rất nhiều kỷ niệm trong suốt 10 năm dạy học tại đó.

Ngủ nhờ qua đêm tại nhà của một em học trò cũ trong một tâm trạng hết sức phập phòng lo sợ bị phường khóm xét hỏi bất tử. Trời vừa hừng sáng thì gia đình hắn lật đật ra Bến Xe Mới ở lộ 19 Cần thơ thật sớm để lấy vé đi SócTrăng. Hắn rất sợ phải chạm mặt bất ngờ với mấy em sinh viên hay người quen thì coi như bể hết.

Tại Sóc Trăng, gia đình hắn đổi xe dong tuốt xuống Cà Mau. Tới thị xã Cà Mau khoảng 4-5 giờ chiều. Còn đang đứng lớ ngớ ở bến xe chưa định hồn không biết phải làm gì bây giờ, vừa hồi hợp lo sợ tụi cách mạng 30 và công an xét giấy đi đường và cũng vừa lo lắng không biết người liên lạc có đến đúng hẹn hay không, thì may thay hắn gặp được một hai người quen ở Đại học Cần Thơ. Họ cũng đồng một cảnh ngộ như gia đình hắn vậy. Trong chuyến đi nầy còn có cả nhạc sĩ PMC dẫn theo hai đứa con (anh PMC và các cháu hiện đang sống tại Montréal). Hắn cảm thấy hơi bớt lo đôi chút.

Mướn chiếu ngủ đỡ giữa trời ngay tại bến xe. Nằm trằn trọc, lăn qua lăn lại suốt đêm, đầu óc thật căng thẳng, mãi đến 4 giờ sáng thì có người đến ra dấu cho từng tốp nhỏ đi theo họ xuống bãi một cách thật là lặng lẽ.

Xuống cá lớn

Nối gót theo người dẫn đường đi một khoảng xa ở phía trước, hắn lôi vợ con hấp tấp bước theo, xuyên qua những con hẻm quanh co giữa các xóm nhà bình dân còn chìm đắm trong đêm khuya.

Trống ngực hắn đánh thình thịch liên hồi. Hắn sợ tất cả: sợ gặp phải tổ dân phố, sợ công an, sợ người lạ, sợ con nít và sợ luôn cả mấy con chó trong xóm.

Tâm trạng hắn lúc đó thật là phức tạp. Hắn vừa hồi hộp, vừa lo lắng, vừa bùi ngùi đứt ruột vì phải xa lìa đất mẹ, nhưng đồng thời hắn cũng cảm thấy vô cùng phấn khởi náo nức khi nghĩ đến mỗi bước đi tới sẽ là những bước đưa gia đình hắn đến gần một chân trời mới đầy tự do và hy vọng…

Hắn niệm Phật thầm trong bụng. Rồi kìa, “Cá lớn” đậu chình ìn ngay tại bờ sông trước mắt. Đây là loại ghe bầu để chở hàng trên sông, dài cỡ 12 mét là cùng, có mui bịt kín khoang và ở phía đàng sau là cabine nhô cao lên để tài công lái. Hắn không nói ra nhưng trong bụng hơi lo vì không biết loại ghe này đi biển có được không?

Thôi thì đành chịu vậy, vả lại đài radio tiên đoán tình hình thời tiết ở biển Đông và vịnh Thái Lan khá tốt. Có người còn nói tháng ba bà già đi biển vì biển rất êm vào mùa này. Mấy người tổ chức cho biết là họ đã chuẩn bị kỹ lắm đừng có lo. Máy ghe là máy Yanmar loại mới, 6 hay 7 blocs gì đó?

Nói vậy thì nghe vậy chớ hắn nào có biết ất giáp gì đâu.

Tất cả mọi người đều bị ếm hết trong khoang ghe, không được gây tiếng động. Mấy cháu bé đều bị cho uống thuốc ngủ trước đó hết. Trong khoang ghe, tất cả được chia nhau ngồi chen chút dọc theo hai bên vách. Mọi người đều im lặng.Sợ lắm. Trên cabine thì chỉ có tài công và Ba P.“người hướng dẫn” địa phương mà thôi (nghe đâu anh ta là đại úy công an địa phương gì đó ?)

Tất cả có 69 người khách vừa lớn vừa nhỏ. Ghe mở máy chạy bình bịch một cách thong thả xuôi theo giòng nước Sông Ông Đốc đổ ra biển để vào vịnh Thái Lan.

Vĩnh biệt đất mẹ yêu dấu

Hai bên sông, xóm làng khi ẩn khi hiện sau những rặng cây bần xanh tươi. Dưới nước, ghe xuồng và tắc ráng xuôi ngược không ngơi. Càng ra gần cửa biển lòng sông càng mở rộng ra.

Bà con trong ghe thì không ai nói với ai lời nào cả, tinh thần mọi người đều rất ư là căng thẳng vì chưa ra tới biển. Trời đã bắt đầu tối. Đến khoảng 11 giờ khuya, thình lình từ trong màn đêm lóe lên tia sáng chớp tắt của ánh đèn Pile nào đó, rồi chẳng bao lâu không biết từ đâu đến, một chiếc xuồng nhỏ cặp sát vào ghe một cách nhẹ nhàng. Sau khi nhận một cái túi do người tổ chức giao, “người hướng dẫn” từ cabine tuột xuống xuồng và biến mất trong đêm tối.

Sắp tới trạm biên phòng rồi, mọi người đều im lặng, ghe tắt máy tắt hết đèn và thả trôi theo giòng nước. Mọi người đều nín thở im lặng và cầu nguyện thầm trong bụng. Thật là đứng tim trong 25 phút dài bất tận trong đời hắn.

Qua khỏi trạm kiểm soát một đổi khá xa, máy ghe được mở trở lại xả hết tốc lực về hướng cửa biển. Nhưng không bao lâu thình lình ghe bị khựng lại, hình như đụng phải vật gì ở dưới nước. Mọi người đều xanh mặt hồn vía lên mây. Có 1-2 anh em khỏe mạnh nhảy xuống nước để xem tình hình thế nào. Trời ơi ghe bị vướng đáy rồi, xui ơi là xui. Biết làm sao bây giờ?.

Nhưng Trời cũng còn thương, lối một tiếng đồng hồ sau, nhờ con nước lớn chiếc ghe tự nhiên xút ra khỏi đáy và tiếp tục vọt ra biển với hy vọng có thể ra tới hải phận quốc tế trước khi trời sáng tỏ. Láng cháng dám gặp đám tàu đánh cá quốc doanh thì phiền phức lắm.

Biển đây rồi, gió ào ào, trời nước mênh mông vô tận.

Ghe nhảy sóng một cách chòng chành, lắc lư làm nhiều người bắt đầu bị say sóng ói mửa tùm lum. Chạy theo hướng nào đây?

Nhiệm vụ này đã được phân công cho anh T. trung úy hải quân, nhưng ra tới biển là anh ta bị say sóng như chết rồi nên không giúp ích gì được hết. Té ra anh ta chỉ làm việc trong văn phòng mà thôi chớ không có kinh nghiệm về hải hành gì hết. Có bạn nóng mũi, văng tục Đ.M. đòi quăng anh ta xuống biển cho đỡ tức. Nhưng rồi cũng bỏ qua thôi.

Cái la bàn nhỏ xíu được lôi ra để định hướng. Người bàn thế nầy, người nói thế kia, cãi cọ om sòm. Cuối cùng thì nhắm hướng mặt trời lặng mà chạy cầu may.

Đến quá trưa, thình lình tiếng máy nổ khác thường, lạch cạch lạch cạch rồi êm ru bà rù. Anh thợ máy bất đắc dĩ nhảy xuống tháo các bộ phận máy ra, xem cái nầy, mò mẫm cái kia, mở ra lấp vào cả tiếng đồng hồ, mồ hôi nhuể nhại, rồi thử quay máy cho chạy. Mọi người đều nín thở. Một lần, hai lần, ba lần, bốn lần…Tất cả đều im lặng chỉ có tiếng gió thổi ào ào bên ngoài ghe mà thôi.


Vô ích: máy hư rồi! Mọi người đều vô cùng thất vọng ra mặt. Trời ơi! Làm sao đây Trời? Gió càng lúc càng thổi mạnh, trời bắt đầu kéo mây đen kịt. Những con sóng to nối tiếp nhau đợt này đến đợt khác, nhồi chiếc ghe lên xuống, lắc qua lắc lại như một cái hột vịt vậy. Ai nấy cũng đều điếng hồn hết. Thế này thì cái chết cầm chắc trong tay thôi.

Cũng may là trên ghe có một chị đã từng đi sông đi biển rồi nên có một chút kinh nghiệm. Chị ta hướng dẫn các anh tài công bất đắc dĩ về cách bẻ càng lái để chặt sóng.

Trước tình thế thập tử nhứt sanh, hắn và một số anh em trên ghe phải thay phiên nhau ra phía sau ghe ráng sức kềm cái càng lái. Đó là một cái cán gỗ rất dài để điều khiển bánh lái. Kềm nó cho đúng hướng rất nặng nề và rất khó khăn, vì sóng to và gió quá mạnh.

Những lúc ghe nghiêng thì rất nguy hiểm, không khéo là bị cái càng lái gạt té xuống biển như chơi. Nhiều lúc hắn cũng xém bị hất xuống biển. Trời kéo mây đen thêm nữa. Gió bắt đầu nổi lên ào ào càng lúc càng mạnh hơn đẩy chiếc ghe đi rất nhanh, nhồi lên hụp xuống, thật kinh hãi vô cùng.

Đàng xa hiện rõ dần dần bóng dáng lờ mờ của một hòn núi mà có người cho biết đó là đảo Thổ Châu, cách đảo Phú Quốc 100 km về hướng nam. Tâm trạng của anh em lúc đó thật phức tạp, mừng lo lẫn lộn vì nếu ghe tấp vào đảo thì khỏi phải chết, nhưng lại phải bị đi tù mút chỉ cà tha.

Nhưng tự nhiên lối một giờ sau thì gió lại đổi hướng thổi bạt chiếc ghe trở ra, đi mãi và đi mãi ra khơi...

Thỉnh thoảng có những con cá nược phóng theo hai bên ghe như muốn lội đua cùng chiếc ghe khốn khổ.

Nam mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn

Hắn cảm thấy mình bất lực hoàn toàn trước hoàn cảnh bi đát nầy. Chỉ nằm chờ chết. Ôm vợ con vào lòng mà đầu óc thật ngổn ngang trăm ngàn ý tưởng không mạch lạc.

Hắn lâm râm niệm chú…Nam mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn, quảng đại linh cảm Bạch Y Quan Thế Âm Bồ Tát...

Trước cái chết gần kề mình mới cảm nhận được giá trị của cái sống. Hắn nghĩ đến lúc ghe bị lật úp chắc hãi hùng lắm. Hắn cảm thấy thật ân hận khi nhìn vợ và hai đứa con còn quá nhỏ tuổi. Không lẽ nghiệp quả của mình nặng nề như thế nầy sao? Không lẽ số mình là số con rệp hay sao?

Rồi hắn nhớ lại lá số tử vi do một thầy tử vi lập cho hắn hơn 15 năm về trước, lúc hắn vừa mới ra trường chưa có vợ con gì hết. Lá số đâu có nói là hắn sẽ phải chết thảm như vầy đâu. Hắn nhớ ông thầy có nói hắn sau nầy phải ở xa nơi chôn nhau cắt rún gì đó, ngoài ra cung mạng và cung phúc đức của hắn cũng khá tốt. Trước khi đi một ngày, vợ chồng hắn cũng có lên chùa ở miệt Phú Nhuận để trước lễ Phật sau là nhờ Thầy trụ trì xem coi có đi được hay không. Sau khi bấm độn, Thầy nói: được! Nhớ tới đây, hắn lại lên tinh thần. Hắn nghĩ chết sống đều do số mạng cả, lo làm chi cho mệt mất công...

Mọi người trên ghe đều kiệt sức, đói khát, ngủ gà ngủ gật, chỉ chờ một phép lạ đến cứu mình mà thôi. Bao nhiêu tàu bè nhấp nhô ở chân trời để rồi cũng rẽ sang hướng khác. Tối đến, mỗi khi thấy ánh đèn đàng xa, thì bọn hắn đốt đuốc lên làm hiệu, nhưng cũng chỉ toi công vô ích, thất vọng hoàn toàn.

blank
Hình ảnh một thời thuyền nhân.

Đối mặt với cướp biển Thái Lan

Rồi thì chuyện gì sẽ đến thì nó phải đến. Qua ngày thứ ba, có một chiếc tàu đánh cá Thái Lan xăm xăm tiến tới. Đây là loại tàu khá lớn và có cả radar. Mọi người đều kinh hoàng và hồi hộp.Đàn bà con gái lo tìm dầu mỡ bôi lên mặt lên mày cho nó thúi tha ghê tởm. Tàu Thái xáp gần,trên bong lố nhố 5-7 tên có vẻ dữ dằn, rồi thì tàu cặp vào sát ghe kêu một cái rầm. Ghe bị chòng chành dữ dội và nứt một bên hông. Thật khiếp đảm không lường. Mọi người trên ghe đều ngồi yên thinh thích và hồi hộp, im lặng chờ đợi. Bọn Thái nhảy qua ghe, 4-5 tên cầm mã tấu, còn một tên thì cầm súng lục.

Nhờ biết chút ít tiếng Thái lúc đi du học mấy năm ở Bangkok, nên hắn lãnh nhiệm vụ làm thông dịch và thương thuyết với bọn hải tặc.

Lúc đầu, tụi nó hơi giật mình không hiểu tại sao trên ghe có người lại biết nói tiếng Thái. Hắn cắt nghĩa, hắn tả oán hoàn cảnh bi đát và xin tụi nó giúp đỡ. Thằng cầm súng, có lẽ là tên đầu đảng, chĩa con chó lửa vào đầu hắn và bắt buộc hắn nói lại với tất cả là phải nộp hết vòng vàng tiền bạc, bằng không thì tụi nó sẽ bụp một phát là đời hắn tiêu tùng luôn. Hắn rất lạnh xương sống. Hắn năn nỉ hụt hơi thiếu điều lạy lục tất cả mọi người trên ghe nên đưa hết tiền bạc ra để đổi lấy mạng sống. Tụi nó lục lạo, tung bới tất cả đồ đạt, mò xét khắp nơi, đổ bỏ cả thùng nước ngọt để tìm kiếm nữ trang cất dấu trong đó. Cũng may là tụi nó không có làm hỗn với ai hết. Xong rồi thì rút đi rất nhanh. Ghe bị vô nước, tuy chưa nhiều nhưng cũng phải lo tát ra.

Không bao lâu sau thì có một chiếc tàu đánh cá khác lại đến để...ăn mót. Có lẽ là bọn hải tặc dùng máy radio thông báo với nhau. Trước khi đi tụi sau nầy còn oái oăm bắt theo một cháu bé 2-3 tuổi gì đó, không biết để làm gì khiến cha mẹ đứa trẻ quá khiếp đảm kêu gào khóc la thảm thiết. Nhưng may thay, độ một giờ sau thì tụi nó quày trở lại trả đứa nhỏ.

Giữa trưa hôm đó thì lại có một chiếc tàu đánh cá thứ ba đến, nhưng lạ thay, tụi nó không xáp vô mà chỉ đậu ở ngoài xa cách ghe vài chục thước và ra hiệu biểu mình qua.

Một lần nữa, hắn lại xung phong lãnh nhiệm vụ nầy. Nhảy xuống biển lội thiếu điều hụt hơi hắn mới qua được bên tàu Thái. Tụi nầy có vẻ hiền hơn mấy đám kia. Hắn trổ tài ngoại giao, quọt quẹt lỏm bỏm ba mớ tiếng Thái, nhờ họ giúp kéo ghe vào bờ. Tụi nó chịu nhưng đòi ăn tiền. Hắn lại trở về ghe, bàn với mọi người và năn nỉ người nào còn dấu được tiền bạc thì xin làm ơn làm phước bỏ ra chớ không thì chết hết cả đám. Cuối cùng thì cũng gom góp được thêm một số ít tiền đem nạp cho tụi cướp. Bọn chúng suy nghĩ sao đó không biết, nhưng cuối cùng cũng chịu. Chúng nhảy qua ghe quan sát tình hình một lúc, xong cha con chúng hè nhau hì hục tháo cái máy ghe đem về tàu đánh cá và ra lệnh cho tất cả mọi người phải leo qua tàu của chúng, chỉ chừa lại hai người ở lại để điều khiển chiếc ghe. Sau đó thì chúng thả dây cột chặt chiếc ghe để tàu đánh cá kéo đi.

Đến đây thì mọi người đều thở phào, phấn khởi lên tinh thần thấy rõ.

Chúng nấu cơm cho ăn. Thức ăn chính là món cá chiên, ăn ngon ơi là ngon. Nước đá uống thả giàn, vì có cả hầm lận. Chúng nói chưa vô bờ liền được vì còn phải đi kéo lưới thêm một ngày nữa. Muốn sao thì mình đành phải chịu vậy. Tối đến, mưa trút xuống dữ dội như thác nước, ai nấy đều ước loi ngoi như chuột và lạnh cóng run cầm cập. Thằng nhỏ con trai ba tuổi của hắn bắt đầu sốt nóng và ho nhiều. Chắc là nó bị cảm nặng hay bị sưng phổi gì đó. Vợ hắn đè nó ra lấy dầu cù là cạo gió, rồi sau đó hắn mò được trong túi xách một hũ ampicilline, đem ra lụi cho thằng nhỏ mấy phát nó mới bớt sốt...

Giữa đêm có tiếng la thất thanh từ chiếc ghe ở phía sau: Anh S. té dưới biển rồi. Mọi người đều hốt hoảng. Hắn báo động cho bọn Thái hay liền. Tàu bớt máy và quay ngược trở lại, rọi đèn pha rà tới rà lui khắp mặt biển. Sau một hồi tìm kiếm thì thấy nạn nhân đang ngụp lặn dưới nước. Chúng thả phao xuống và kéo anh ta lên. Khỏi phải nói người mừng nhất là vợ con của anh ta.

Ánh đèn chớp tắt cuối chân trời

Qua đêm hôm sau, khoảng 1-2 giờ khuya, thình lình chúng ngưng tàu lại. Ai nấy đều nhốn nháo lên. Có chuyện gì đây? Chúng kêu hắn lại và chỉ ở chân trời phía trước có một đốm đỏ cỡ lớn hơn đầu điếu thuốc một chút, chớp tắt đều đặn từng chập. Chúng bảo đó là ánh đèn của ngọn hải đăng nằm trên một hòn đảo nhỏ không mấy xa bờ Thái Lan cho lắm. Chúng bảo là không thể kéo mình vô đất liền được vì sợ cảnh sát Thái bắt, nên ra lệnh bắt buộc tất cả phải trở về ghe ngay lập tức.

Ai nấy đều nhao nhao lên quá sợ vì ghe đã bị bể rồi, lại nữa đất liền còn xa quá, làm sao đây? Mọi người xúm nhau năn nỉ bọn chúng bằng đủ các thứ ngôn ngữ để xin chúng kéo tiếp vào bờ. Vô ích. Có hai ba chị dằn co khóc la dữ quá khiến chúng nổi dóa phải đè khiêng thải qua ghe. Khi mọi người trở về hết bên ghe, bọn Thái liền chặt dây và rồ máy vọt mất trong đêm tối...

Ghe tiếp tục trôi chầm chậm theo sóng nước. Biển rất yên. Trời dần dần sáng tỏ. Đàng xa, bóng dáng của một trái núi bắt đầu xuất hiện lờ mờ ở chân trời phía trước và càng lúc càng rõ nét thêm hơn. Hầu như tất cả bọn đàn ông con trai đều kéo róc nhau lên ngồi trên mui ghe, hồi hộp chờ đợi…

Chầm chậm và chầm chậm chiếc ghe định mệnh từ từ trôi về hướng núi... 10 giờ, rồi 11 giờ, trái núi lần lần hiện ra rõ nét thêm, có thể nhìn thấy những đám rừng trên cao chen lẫn những tảng đá to tướng xám xì xám xịt,...11 giờ ruỡi mọi người hết sức hồi hộp.

Tưởng chừng như chết đi sống lại

Còn khoảng 200 mét thì tới bờ. Rồi 100 mét… Rồi 50 mét… thình lình lườn ghe chạm đá ngầm kêu rồn rột, chòng chành lắc qua lắc lại, nghiêng qua một bên và rồi dừng hẳn lại.

Hắn và các bạn cùng phóng xuống nước chỉ tới ngang ngực mà thôi. Chân hắn vừa chạm đất thì…nước mắt hắn cũng tuôn trào ra vì quá vui mừng và quá xúc động.

Khi tất cả mọi người trên ghe đều vô được trong bãi cát, hắn và vài người bạn mới đi vòng qua các đồi nhỏ, len lõi giữa đám cây rừng hoang dã, theo đường mòn vòng qua phía bên kia núi. Thình lình, ngước lên vách núi ở đàng xa bọn hắn thấy có bóng dáng một người đang đi lơn tơn. Hắn và mấy người bạn đều đồng loạt la lên, ra dấu bằng cách quơ tay quơ chân tới tấp.

Người đó đã nhận thấy và đi chầm chậm về hướng của bọn hắn. Đó là một anh lính Thái có nhiệm vụ gát trạm đèn pha trên đảo hoang nầy.

Ngoài ra không có nhà cửa của dân cư nào khác tại đây hết. Hắn bèn trình bày sơ sơ hoàn cảnh cho anh ta biết. Anh ta lập tức trở về đồn và điện vô đất liền. Anh cho biết đây là một đảo nhỏ của Thái Lan nằm ngoài khơi, không mấy xa thành phố duyên hải Rayong, 150km về phiá nam Bangkok

Thế là kể như thoát nạn rồi, nhưng để cho chắc ăn, tối hôm đó hắn và vài người bạn lẻn xuống chiếc ghe và dùng búa đập phá cho nước vào thêm trong hầm khoang để khỏi bị cưỡng bách kéo ra khơi trở lại.

Nhập cảnh Thái Lan

Sáng ra, một tàu cảnh sát Thái ra đón tất cả 69 người về sở cảnh sát Rayong để lấy lời khai và làm thủ tục nhập cảnh. Chấm dứt một cuộc vượt sóng kinh hoàng! Cái giá phải trả cho sự Tự Do!...

Ngủ tại đây một đêm, hôm sau thì tất cả mọi người đều được đưa về trại tỵ nạn Laem Sing. Đó là ngày 31 tháng 3 năm 1980.

Ngày 22 tháng 6 năm 1980, hắn cùng vợ và hai đứa con được bốc đi định cư tại Canada, xứ lạnh tình nồng, đất lành chim đậu.

Cuộc đời trước mặt đổi thay và hắn vẫn tiếp tục đi.

Tự Do là vô giá!

Xin cám ơn TRỜI PHẬT. Thank you CANADA./.

Lời bạt

Chuyến bay charter Wardair ngày 22/6/1980 cất cánh từ Bangkok đã đưa trên 300 người dân tị nạn Việt Nam qua định cư tại Canada. Sau khi ghé Nhật Bản (căn cứ Guam hay Okinawa?) để lấy thêm nhiên liệu, phi cơ tiếp tục bay đến Canada. Đáp xuống phi trường Edmonton (Alberta) một giờ, xong bay tiếp đến phi trường Mirabel, phía Bắc Tp Montreal.

Một cảm giác mừng vui, lo âu, bồi hồi, hoang mang, xúc động không thể nào tả hết cho được. Đây là đất tự do, là tương lai của con của cháu mình.

Trên mười chiếc xe bus quân sự loại lớn đón tất cả người tị nạn về tạm trú tại căn cứ quân sự Longue Pointe nằm ngay trên đường Hochelaga,Montreal. Đây là một Immigration processing center hay nơi làm thủ tục định cư.

Gia đình người hắn thuộc diện “mồ côi” nên được hội nhà thờ bảo trợ. Một tuần sau tất cả được đưa ra phi trường Dorval (nay là phi trường Trudeau) để đi định cư tại Montague. Đây là một thành phố 2000 cư dân thuộc tỉnh bang PEI (Prince Edward Island) nằm về phía ĐôngCanada.

Nhà thờ Công giáo St Mary’s Parish và nhà thờ Tin Lành United Hillcrest Church tại Montague đã đứng ra bảo trợ trong một năm. Họ là những ân nhân đã dang rộng vòng tay nhân ái đón tiếp gia đình mình trong buổi ban đầu tại miền đất hứa.

Người viết xin mượn lời suy tư của nhà văn Phạm Tín An Ninh (định cư tại Na Uy) đã nói lên lòng biết ơn sâu xa của người tị nạn Việt Nam đối với thế giới tự do:

“Họ là nhừng kẻ xa lạ, không cùng màu da, màu tóc, không cùng ngôn ngữ, mà lòng thông cảm yêu thương họ đã dành cho chúng tôi lớn lao biết đến dường nào. Trong lúc những "người anh em" cùng một nhà thì lại hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng để phải đành lòng bỏ nước mà đi”.

(Ngưng trích: Cô con gái quá giang đêm mồng một Tết- Phạm Tín An Ninh)

Montague là một thành phố nhỏ nên buồn lắm. Tại nơi đây, người gõ đi làm lặt vặt như hái thuốc lá, hái dâu Tây và làm công nhân lao động trong nhà máy biến chế thủy sản GeorgeTown Seafoods, nhưng chỉ được 2 tháng thì bị cho nghỉ việc vì mùa Đông nhà máy đóng cửa.

Tháng 3 năm 1981, gia đình quyết định dọn về Montreal để lập nghiệp. Trong một hai năm đầu, hai vợ chồng đều đi làm trong hãng xưởng với lương tối thiểu 3.75$/giờ. Chồng làm cho một hãng dụng cụ, phụ tùng điện và plastic tại Ville Mont Royal, Montreal. Vợ thì đi làm cho một xưởng sản xuất nử trang rẻ tiền tại Ville Saint Laurent, gần phi trường Montreal.

Sau đó thì hai vợ chồng tìm cách đi học lại.

Lịch sử là một sự tái diễn không ngừng:Tị nạn kinh tế hay tị nạn chánh trị?

- Thuyền nhân Việt 'thế hệ mới'
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/07/130719_thuyen_nhan_viet_the_he_moi.shtml

“Bộ di trú Úc cho hay ngày càng có nhiều người Việt vượt biển tới Úc để xin tỵ nạn. Ông Trịnh Hội, luật sư người Úc gốc Việt, nói rằng lý do là vì chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người dân.

…Phóng viên Joanna McCarthy của Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc ABC đã hỏi Luật sư Trịnh Hội về lý do khiến số người Việt Nam vượt biển tới Úc gia tăng.

Ông Trịnh Hội nói rằng một trong những lý do là vì chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp người dân, cụ thể là các blogger, những nhân vật bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động….” (Ngưng trích Radio Australia)

Vỡ mộng vượt biên

31/10/2013

Viễn cảnh được nhập cư Úc với cuộc sống giàu sang đã nhanh chóng vỡ tan với nhiều người ở tỉnh Nghệ An. Họ bị đưa vào trại tị nạn, trục xuất về nước trong cảnh nợ nần

Với hy vọng được nhập cư Úc, nhiều người dân ở Nghệ An đã vay mượn một khoản tiền lớn, từ 6.000-15.000 USD/trường hợp để nộp cho các đối tượng chuyên tổ chức đưa người vượt biên.

Những chuyến đi hãi hùng…

Tháng 3-2013, anh Cảnh và một số người đồng hương khác được một đầu nậu chuyên tổ chức vượt biên sang Úc ở xã Nghi Vạn đưa vào TP HCM rồi lên máy bay sang Indonesia. Tại đây, họ được đưa sang Úc bằng thuyền. “Thuyền nhỏ nhưng chở đến 60-70 người. Mấy ngày đầu, thuyền bị sóng đánh trôi lênh đênh trên biển khiến ai cũng vô cùng hoảng sợ; nhiều người tuyệt vọng, nghĩ đến cái chết. Sau 12 ngày lênh đênh, thuyền cũng đến được vùng biển gần Úc và bị cảnh sát bắt giữ. Lúc được tàu cảnh sát đưa lên bờ, chúng tôi mới nghĩ là mình còn sống” - anh Cảnh nhớ lại.

Trở về từ Úc đã hơn 2 tháng nhưng anh Nguyễn Văn Cảnh (ngụ xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa hết sợ hãi khi nhắc đến chuyến vượt biển hãi hùng…”

(ngưng trích Đức Ngọc,Trang Người Lao động)
http://nld.com.vn/ban-doc/vo-mong-vuot-bien-20131031083443340.htm

Du học sinh Việt Nam – Một thế hệ “vượt biên” thời hiện đại

Trích dẫn (đoạn cuối):"... Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), nước ta hiện có trên 100.000 du học sinh (DHS) theo học tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là Úc (khoảng 25.000 người).

Xếp thứ nhì là Mỹ (14.888 người), kế tiếp là Trung Quốc (12.500), Singapore (7.000), Anh (6.000), Pháp (5.540), Nga (5.000), Nhật Bản (3.500). Trong đó khoảng 90% đi học bằng kinh phí tự túc.

Đa số DHS sau khi tốt nghiệp đều tìm cách định cư tại nước sở tại vì điều kiện làm việc và môi trường sống ở nước ngoài.

Nhiều DHS không muốn về Việt Nam vì không có cơ hội phát triển và xã hội ẩn chứa quá nhiều rủi ro về các vấn nạn xã hội, một phần vì thích môi trường sống tự do ở các nước Tư bản.”

(Ngưng trích http://vulep.blogspot.ca/2012/08/du-hoc-sinh-viet-nam-mot-he-vuot-bien_9931.html)

Tham khảo

Video: Fall of Saigon 1975 (Sài Gòn thất thủ)
http://www.youtube.com/watch?v=IdR2Iktffaw

- Chanh Nguyen Thuong se fait communicateur auprès de la communauté vietnamienne

Par Rhonda Wilson, Affaires publiques,ACIA
http://www.advite.com/ChanhNguyen.htm

- Bùi Trọng Cường & Nguyễn Phục Hưng- DI TẢN VÀ VƯỢT BIÊN
http://nguoiviethaingoai.org/ditan.html

- Trí thức miền Nam sau 75

Tác giả: Huy Đức “Bên Thắng Cuộc” (Một BCA gởi cho GNA)
http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/tr-thc-min-nam-sau-75.html

- Đoàn Thanh Liêm: Suy Nghĩ Về Chuyện Hội Nhập Tại Xã Hội Âu Mỹ
http://nguoivietboston.com/?p=21306

- Nguyễn Thượng Chánh-Người Việt Tị Nạn Tại Montréal
http://vietbao.com/a186729/nguoi-viet-ti-nan-tai-montreal

Montréal, tháng tư 2014

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.