Hôm nay,  

Quyết Liệt Trừng Phạt Nga Có Thể Bị Phản Ứng Ngược

25/03/201400:00:00(Xem: 6025)
Ngay khi kết quả trưng cầu dân ý hôm 16/3 được công bố, với 97% phiếu đồng ý tách Crimea khỏi Ukraine, Tổng thống Putin đã đón nhận bán đảo này trở về đất mẹ. Tiến trình sáp nhập chính thức kết thúc ngày 21/3 khi được quốc hội Nga phê chuẩn.

Điều ông Putin muốn thực hiện đã thành công, dù có cảnh báo trước nếu làm thế sẽ bị Hoa Kỳ và các nước trong Liên hiệp châu Âu EU trừng phạt.

Hoa Kỳ và EU coi việc sáp nhập Crimea là vi phạm hiến pháp Ukraine và luật quốc tế nên không công nhận kết quả. Cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và với khối EU cho đến nay mới chỉ là ngôn từ ngoại giao, kèm với biện pháp chế tài vài chục cá nhân người Ukraine và người Nga.

Sau khi Nga công nhận chủ quyền độc lập của Crimea, hôm 17/3 Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng và ngăn cấm vào Mỹ 11 cá nhân đã gây ra khủng hoảng Ukraine, trong đó có tổng thống bị truất nhiệm Viktor Yanukovych, vài cố vấn thân tín của ông Putin như Dmitry Rogozin, Vladislov Surkov và Sergei Glazyev và một số doanh nhân. EU cũng có biện pháp tương tự với 10 chính khách và 3 sĩ quan quân đội Nga, 7 người Crimea và một chỉ huy hạm đội Hắc Hải Ukraine đã đào thoát sang Nga.

Quyết định của Tổng thống Obama bị một số nhân vật trong chính giới Mỹ cho là trễ và quá yếu, biểu lộ sự thiếu cương quyết của Hoa Kỳ.

Trong bài bình luận trên báo Wall Street Journal ngày 18/3, cựu ứng viên tổng thống Mitt Romney cho rằng từ năm năm qua chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama đã đặt Hoa Kỳ vào thế yếu, không còn được thế giới tin tưởng, qua một số sự kiện như “lằn đỏ” ở Syria hay việc Iran chế vũ khí hạt nhân mà Hoa Kỳ đã không có những biện pháp mạnh hơn. Khi Nga nhìn ra thế yếu và sự thiếu cương quyết của Mỹ, khủng hoảng Ukraine đưa tới việc sáp nhập Crimea là hệ quả của chính sách ngoại giao “reset - đặt lại quan hệ” của Tổng thống Obama. Ông Romney nhận định.

Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Obama chỉ hù dọa mà không có những hành động cụ thể khiến thế giới coi đó là sự yếu kém của Hoa Kỳ.

Còn cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice cho rằng chủ trương của chính quyền Obama là Hoa Kỳ nay không còn đóng vai trò cảnh sát thế giới đã đưa đến hệ quả hiện tại.

Trước trừng phạt của Mỹ, các quan chức Nga có tên trong danh sách coi việc này như chuyện hài. Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin có lời nhắn qua Twitter khi hay tin bị Mỹ chế tài: “Một nhân vật diễu hài nào đó đã viết sắc lệnh này cho Tổng thống Mỹ. LOL”

Ngay cả một nhân vật Nga đối lập với Tổng thống Putin là ông Aleixe Navalny cũng cho rằng cách trừng phạt của Mỹ “chỉ làm những kẻ lừa đảo vui lên và khuyến khích họ thêm.”

Đến ngày 20/3 Tổng thống Obama ký thêm một sắc lệnh nhắm vào chánh văn phòng của ông Putin là Sergei Ivanov và 19 nhân vật thân tín nữa như Arkady Rotenberg, Gennady Timchenko. Sắc lệnh mới cũng ngăn cấm giao dịch với ngân hàng Rossiya của Nga được coi là nơi kinh tài của ông Putin và thuộc cấp.

Về phía EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng nhóm G-8 trong đó có Nga đã chết và hội nghị thượng đỉnh EU-Nga cũng sẽ không diễn ra vào tháng Sáu tới như dự trù. EU cũng đưa vào danh sách trừng phạt thêm 12 cá nhân nữa, nâng tổng số lên 33 người.

Đáp lại, Nga ban hành lệnh cấm nhập cảnh với 9 chính khách Mỹ, gồm 3 phụ tá cố vấn an ninh Bạch Ốc, 3 dân cử đảng Cộng hoà trong đó có chủ tịch hạ viện John Boehner và 3 thuộc đảng Dân chủ. Khi biết bị cấm đến Nga, Thượng Nghị sĩ John McCain viết trên Twitter: “Tôi hãnh diện bị Putin trừng phạt và sẽ không bao giờ ngưng những nỗ lực và cống hiến cho tự do và độc lập của Ukraine, bao gồm cả vùng Crimea.”

Một dân cử khác, Thượng Nghị sĩ Robert Menendez cũng viết qua Twitter: “Nếu yểm trợ cho nền dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đưa đến việc bị Putin trừng phạt, tôi sẽ chọn điều đó.”

Với khủng hoảng Ukraine ngày càng nóng lên và hiện tại mới chỉ có những biện pháp kinh tế. Tuy nhiên, có lo ngại rằng Chiến tranh Lạnh đã trở lại vì không chỉ căng thẳng ở Ukraine mà cùng lúc Trung Quốc đang trỗi dậy ở phương Đông cũng để đối đầu với Hoa Kỳ qua xung đột trên biển, qua sự kiện Bắc Kinh vẽ đường lưỡi bò và xác định vùng phòng không.

Trong biến cố Crimea, một nghị quyết không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea được biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc với 13 phiếu thuận, phiếu chống duy nhất của Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Lá phiếu trắng khiến những nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc quan ngại nước này có thể cũng sẽ có hành động lấn chiếm hay sáp nhập vùng tranh chấp và Nga sẽ đồng tình im lặng.

Với khủng hoảng Ukraine còn kéo dài, liệu chiến tranh có bùng nổ? Giới quan sát dự đoán là không, vì kinh tế EU và Nga ngày nay lệ thuộc nhiều vào nhau, vì Ukraine không là thành viên NATO và vì Hoa Kỳ nay không còn muốn trực tiếp can dự vào những giải pháp quân sự ở nước ngoài.

Tổng thống George W. Bush, người khởi động hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan với lý do bảo vệ an ninh Hoa Kỳ, đã không can thiệp khi Nga đem quân vào Georgia năm 2008.


Hơn phần tư thế kỷ qua, quan hệ giữa các cường quốc, bất kể thể chế chính trị, đã thay đổi theo chiều hướng ràng buộc nhau qua hiện tượng “toàn cầu hoá”. Nếu có chiến tranh, ảnh hưởng xấu về kinh tế sẽ bao trùm thế giới.

Sau những đối đầu quân sự ở Việt Nam trong thập niên 1960, Afghanistan và Campuchia thập niên 1980, các cường quốc đều muốn tránh chiến tranh.

Trước cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu – thời điểm còn Chiến tranh Lạnh – và trước khi quan hệ giữa Mỹ-Trung chính thức mở ra năm 1979 thì quan hệ thương mại hầu như đóng khung trong các định chế chính trị gần như cứng nhắc. Các nước kinh tế thị trường buôn bán với nhau, các nước xã hội chủ nghĩa giao thương với nhau mà không có nhiều trao đổi thương mại giữa hai khối.

Thời Chiến tranh Lạnh, Hồng quân Nga đã tiến vào Budapest, vào Prague khiến Mỹ tăng cường phòng thủ quân sự ở Tây Âu qua Liên minh NATO để đối đầu với sự bành trướng của Liên Xô. Ở châu Á, Mỹ đưa quân vào Nam Việt Nam, có Liên minh quân sự SEATO để phòng thủ, ngăn chặn Trung Quốc.

Khi Hoa Kỳ đã tạo dựng được quan hệ kinh tế với Trung Quốc vào đầu thập niên 1970, Mỹ quyết định rút khỏi Đông Dương và khối SEATO tan rã.

Cuối thập niên 1970 lại bùng nổ chiến tranh. Việt Nam xâm lăng Campuchia, Trung Quốc tấn công Việt Nam, Liên Xô đem quân vào Afghanistan.

Khi xe tăng Liên Xô tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan cuối năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter có lệnh trừng phạt kinh tế, sau đó là tẩy chay Olympic 80 ở Moskva. Kết quả không buộc được Hồng quân rút về và năm 1984 Liên Xô và các nước Đông Âu đáp trả bằng cách tẩy chay Olympic 84 ở Los Angeles. Khi Ronald Reagan lên làm tổng thống, Mỹ giúp vũ khí cho các lực lượng Mujahideen để giải phóng Afghanistan và cuộc chiến này kéo dài một thập niên cho đến khi Liên Xô rút lui năm 1989.

Với bộ đội cộng sản Việt Nam chiếm đóng Campuchia, Hoa Kỳ cũng áp dụng biện pháp phong toả kinh tế với Hà Nội, cũng lúc yểm trợ các lực lượng vũ trang mở cuộc chiến tranh du kích cho đến khi Việt Nam rút quân và một giải pháp hoà bình được ký kết năm 1993.

Các cuộc điều quân vào một nước khác đều làm hao tốn ngân sách, nhân mạng: Mỹ tại Việt Nam, Nga ở Afghanistan, Việt Nam ở Campuchia. Cũng như trong thập niên trước Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq và Afghanistan. Qua những trải nghiệm đó của nhiều quốc gia, việc đối đầu quân sự kéo dài không còn là đáp án cho những xung đột. Nếu có chỉ là can thiệp nhanh chóng như ở Kosovo, Somalia, ở Lybia.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với Đông Âu dân chủ hoá và Liên bang Sô-viết tan rã, cùng lúc Trung Quốc mở cửa, phát triển thương mại với nhiều nước, từ đó trao đổi thương mại thế giới tăng nhanh nhờ các hiệp ước được ký kết song phương hay giữa các khối như EU ở châu Âu, ASEAN ở châu Á, NAFTA ở Bắc Mỹ và WTO cho toàn cầu.

Ngày nay mối quan hệ giữa các nước là một ràng buộc chằng chịt, lệ thuộc vào nhau trong quan hệ kinh tế, thương mại nên các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn – nhiều nước có vũ khí hạt nhân – không muốn phải đối đầu qua chiến tranh, vì nếu xảy ra, ảnh hưởng của nó không chỉ tác động cục bộ mà lây lan toàn cầu.

Không muốn đối đầu với chiến tranh nên chế tài kinh tế, phong toả giao thương đang được áp dụng. Nhưng liệu có hiệu quả không. Mỹ đã không đạt được mục tiêu chính trị của mình khi cấm vận Iran, Bắc Hàn, Cuba từ bao năm qua.

Theo báo New York Times ngày 12/3, trong nội các Obama thì Ngoại trưởng John Kerry, thứ trưởng đặc trách châu Âu và khu vực Âu-Á Victoria J. Nuland và đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt là muốn Hoa Kỳ trừng phạt Nga mạnh và ngay lập tức, trước khi có trưng cầu dân ý ở Crimea. Nhưng bộ trưởng ngân khố Jack Lew, đại diện thương mại Michael Froman và cố vấn kinh tế quốc tế Caroline Atkinson không muốn Mỹ phản ứng quyết liệt vì sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế của EU nếu Nga đáp trả, từ đó lây lan sang kinh tế Mỹ.

Bán đảo Crimea nay đã chính thức nằm trong Liên bang Nga, dù thế giới không công nhận. Còn Ukraine đã ngả về EU trong quan hệ kinh tế. Những biện pháp trừng phạt được Hoa Kỳ và EU đưa ra, ảnh hưởng đến cá nhân nhiều hơn là nền kinh tế Nga, vốn đã yếu kém. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 20/3 phát biểu là Hoa Kỳ sẽ gia tăng chế tài là để nhắn với lãnh đạo Nga không nên tiến xa hơn vào Ukraine.

Chuyện sáp nhập Crimea của Ukraine vào Liên bang Nga coi như đã xong, một cách êm thắm, hoà bình, hợp pháp và thể hiện đúng ý dân ở đó – theo cách nhìn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hoa Kỳ và EU chỉ trừng phạt Nga một cách vừa phải. Trong khi thế giới khoanh tay đứng nhìn. Vì lo sợ những phản ứng ngược.

EU chi một năm 550 tỉ đôla để nhập xăng dầu và hơi đốt, một phần ba từ Nga. Dù nền kinh tế đang yếu kém, nhưng nếu Nga thật sự trả đũa, liệu Hoa Kỳ và các nước có khả năng giúp EU đủ nhiên liệu để giữ vững mức phát triển kinh tế?

© 2014 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.