Hôm nay,  

Riêng Một Cõi Thơm

16/03/201400:00:00(Xem: 12616)
Vừa rẽ vào đường hẻm nhỏ, chỉ một đoạn ngắn, chiếc xe Honda ngừng lại, tắt máy.

- Đây rồi.

Lữ khách ngồi sau xe bước xuống, lập lại lời người lái xe:

- Đây rồi!

Có phải đây là nơi chốn đã đến, đã biết đâu, mà sao xác nhận như đã từng!

Đẩy nhẹ cánh cổng sắt khép hờ, là vuông sân gạch. Những giọt mưa đêm còn đọng, như chờ khách. Cơn gió lay động dăm cánh hoa vàng nở từ hôm nào, cũng như đang nấn ná vin cành, chờ khách.

Rồi thầy thị giả bước ra. Nụ cười ấm áp của thầy khiến lòng lữ khách bớt nôn nao. Thầy khẽ nói:

- Sư phụ đã biết. Và đang ở trên lầu.

Lữ khách chắp tay xá, rồi theo thầy thị giả, bước qua gian phòng nhỏ.

Bên ngoài là hương lan, bên trong là hương sách. Thật vậy. Gian phòng nhỏ tràn đầy hương sách. Những cuốn sách nằm im trên kệ đang tỏa hương ngào ngạt. Với những cuốn sách mới, nhân gian thường nói: “Còn thơm mùi mực” để tỏ ý là sách mới lắm, mực còn chưa khô! Nhưng những cuốn sách đang nằm trên kệ kia, có lẽ không mới đến thế, và mùi thơm mà lữ khách chợt cảm nhận được cũng không phải là mùi mực. Sách mà không thơm giấy mực thì hẳn phải là hương thơm từ chữ nghĩa!

Chỉ vừa bước chậm, vừa nhìn thoáng thôi, đã tưởng như lạc vào đại hội văn học với những tác giả Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Thích Phước An, Ni sư Thích nữ Trí Hải, Phạm Công Thiện, Hạnh Viên ….. Và trước khi rẽ vào nấc thang đầu tiên để lên lầu, mắt lữ khách đã kịp chạm vào nét nghệ thuật in ấn qua cuốn “Triết học về Tánh Không” tác giả Tuệ Sỹ. Chỉ bìa sách Tánh Không mà đã thấy “Có” thật nhiều, nơi sự trình bày trang nhã mà nghệ thuật, bay bướm mà trang nghiêm. Bước chân trên từng bậc thang như rúc rích cười thầm vì chợt nhớ giai thoại chia sẻ của TT Thích Phước An với tác giả Triết Học Tánh Không, mà một vị Thượng Tọa khác đã tình cờ tiết lộ:

- Em đọc mãi, chẳng hiểu anh viết gì!

- Tôi viết, tôi còn chẳng hiểu, làm sao ông hiểu!

Tất nhiên, chỉ là đối thoại vui giữa hai vị thầy trong thâm tình huynh đệ.

Tuy cửa mở, lữ khách vẫn cúi đầu, dừng lại, chờ thầy thị giả vào trước.

- Đã tới ư? Vào đây!

- Bạch Sư Phụ, con vừa tới.

blank
Thầy Tuệ Sỹ và một học trò.

Bước vào giữa phòng, lữ khách quỳ xuống, cung kính đảnh lễ Sư Phụ. Thầy ngồi yên, nhận tấm lòng trò. Rồi Thầy chỉ ghế đối diện. Trò vén nhẹ tà áo nâu, khẽ thưa:

- Bạch Sư Phụ, cho phép.

Cũng như lần gặp bốn năm trước, thầy nhìn trò, mỉm cười bao dung. Ôi, vẫn nụ cười và ánh mắt đầy che chở, thương yêu mà trò luôn cảm nhận được mỗi khi nghĩ nhớ đến Sư Phụ, nhất là những khi gặp trạng huống phiền não, trò gọi thầm “Sư Phụ ơi, cứu con” là như thấy Thầy hiện diện ngay!

Lại những ân sủng, tưởng như bình thường, mà thật ra rất khó được. Đó là, Thầy tự tay pha trà đãi trò. Rồi những câu chuyện, cũng tưởng như chỉ là gió thoảng mây bay, nhưng thật ra gió ấy, mây ấy, là tâm đã đạt tới Bất Sinh, mà đã không sinh thì làm chi có diệt! Chẳng hạn như:

- Sư Phụ thường về đây?

Thầy nhận ra ngay ẩn ý của đứa học trò tinh quái, muốn biết gì, bèn cười khẽ, trả lời thẳng:

- Chùa không có chỗ trú thân thì tôi ngủ gốc cây. Dễ thôi mà! Về đây dăm ngày trong tuần chỉ vì không nỡ bỏ nhóm người ham học quá! Những ngày cuối tuần thì …. làm mây bay. Nào ai biết trước mây bay hướng nào!

Khi xưa, Lương Võ Đế từng xây dựng biết bao nhiêu chùa, tháp, nhưng không biết thời đó có ai hỏi nhà vua, vì sao Bồ Đề Đạt Ma không ở chùa, mà lại cửu niên diện bích?

Thầy đã nói quá đủ, trò nào dám hỏi hơn.

Thầy như thế. Nói ít, phải hiểu nhiều, nhưng viết nhiều lại phải đọc kỹ, đọc chậm mới nắm bắt được chủ ý.

“Không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc, mà như những đợt nhảy của con chim hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.”

Có thể không mấy người biết con chim hồng như thế nào. Tôi cũng chưa biết, nhưng đọc đoạn ngắn trên đây, trích từ “Tánh Không Luận là gì?” của Thầy, tôi cảm nhận như có sự nhiệm mầu nào đang nhẹ nhàng vén tấm màn vô minh cho ta thọ nhận những nét đẹp vẫn thường hằng quanh ta mà do vụng về, ta đã để phiền não che lấp.

Nói về những tột cùng sâu thẳm tâm linh, về sự sống còn, thành hoại, ngay cả về những bước ngoặc bi thảm của lịch sử, mà qua lời chia sẻ của Thầy, đôi khi lại là những hình ảnh thi ca diễm lệ như:


“Sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng, hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ còn ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên nhiên, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu.”

blank
Thầy Tuệ Sỹ và một học trò.

Đó là tư tưởng triết lý Tánh Không được nói bằng ngôn ngữ của Thầy Tuệ Sỹ.

Thầy tìm về cửa Đạo từ thuở ấu thơ, đã khổ công tu tập, học hỏi, để ngay ở tuổi niên thiếu, Thầy đã là ngôi sao sáng trên bục giảng các Đại Học Phật Đường, đặc biệt là Đại Học Vạn Hạnh, vì nơi đây, Thầy là giảng sư nòng cốt, không chỉ phụ trách những chương trình gay go về giáo pháp như: Triết học Tánh Không, Trung Quán Luận, A Tỳ Đạt Ma, Đại Cương Thiền Quán …v…v… mà Thầy còn khai mở trí tuệ tăng sinh, dẫn dắt họ tìm về triết học Tây Phương qua các tư tưởng Henry Miller, Jean Paul Sartre, Platon …v…v… Rồi từ chân trời phương Tây, Thầy lại đem hết kiến thức Kinh, Luật, Luận, Tam Tạng giáo điển để dẫn tăng sinh về phương Đông với những triết học Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Kinh Dịch, Kinh Thi; rồi văn học Trung Hoa qua Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha …. Không chân trời nào Thầy không soi dọi, dẫn dắt cho những ai cầu học.

Thầy như thế. Tất cả tài năng, trí tuệ, đều mang tâm từ mà cung hiến trọn vẹn cho Đạo, cho Đời trên con đường Bồ Tát xuất thế gian mà không rời thế gian pháp.

Thầy như thế, bình dị và đơn giản ngay giữa thế kỷ 21,thời đại văn minh tuyệt đỉnh của nhân loại.

Thầy như thế. Luôn luôn và mãi mãi như thế, ngay giữa những bon chen quyền lực, lợi danh, chẳng phải chỉ xảy ra ở đời thường!

Thầy như thế. Luôn luôn và mãi mãi như thế, ngay cả trong những trạng huống bất xứng:

Trách lung do tự tạo
Tán bộ nhược nhàn du
Tiếu độc thoại ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù

Năm xưa, được một vị Thượng Tọa cho xem tập thơ Thầy viết trong tù, bằng chữ Hán, tôi đã thức nhiều đêm để khóc! Chính tập thơ này là động lực khiến tôi đi tìm “ông đồ”, cầu học dăm ba chữ, hy vọng có ngày hiểu được phần nào ý Thầy. Như bài thơ trên, tựa là “Trách lung”, nghĩa là “Lồng hẹp”, tuy ngắn mà quá cô đọng, tôi loay hoay mãi, không thể nào dùng thể thơ năm chữ mà diễn tả nổi, đành phải dùng thể tám chữ, vẫn chưa dịch hết ý:

Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại
Khách nhàn du ta thả bộ thong dong
Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản
Ngày tù dài, trôi nhẹ tựa như không!

Thầy như thế. Luôn luôn và mãi mãi như thế, không tình, không cảnh nào vướng bận được Thầy. Lý và Sự luôn thể hiện nhẹ nhàng trên chính bản thân Thầy, nên từ nhiều thập niên qua, hàng Phật tử khắp năm châu đã hướng về Thầy như một vị Bồ Tát hóa thân, khen chẳng mừng, chê chẳng giận, chỉ thanh thản sống vì lợi ích chúng sanh thôi.

Có lẽ chẳng phải chờ tới lời tán thán của Ngài Văn Thù Sư Lợi thì sự im lặng của Trưởng Giả Duy Ma Cật mới trở thành Bất Nhị tối thượng.

Không gian tĩnh lặng, hương trà, hương sách, hương từ nét thảo những thư pháp quanh phòng đã thầm lặng tạo thành Riêng Một Cõi Thơm với vị tu sỹ quanh năm bốn mùa, Bát chỉ nhận mỗi ngày một bữa, Y chỉ bộ nhật bình đơn sơ, dù trên bục giảng Đại Học hay quảy gánh độc hành trên đường thiên lý.

Một, trong những cuốn sách cho tôi, Thầy viết bằng chữ Hán: “Tam thế bất an do như hỏa trạch”. Một cuốn khác, cũng bằng chữ Hán: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng. Cứu Cánh Niết Bàn” Rồi một cuốn khác: “Chư nhất thiết chủng, chư minh diệt. Báo chúng sanh, xuất sanh từ ni”.

Đa tạ Sư Phụ đã nhắc nhở con thật nhiều, chỉ qua những giòng ký tặng sách mà cô đọng cả bao bẫy sập, bao chông gai, bao hầm hố điên đảo thế gian, rồi nếu may mắn tỉnh thức thì đâu là cứu cánh.

Những bước chân ra khỏi đường hẻm nhỏ, trò tự hứa phải luôn cố gắng, sao cho hôm nay biết sống xứng đáng hơn hôm qua, để khỏi phụ lòng Thầy.

Khi chiếc xe Honda lao vào dòng đời xuôi ngược, lữ khách mới càng thấy rõ hơn, cõi riêng ấy, thơm ngát nhường bao!

Hạnh Chi
(Quê hương, Đông chí – Quý Tỵ niên)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Độc tài, độc đảng là bà đẻ của tham nhũng vì hệ thống cai trị dựa trên sự bao che và tuỳ tiện để bảo vệ đặc lợi cho đảng cầm quyền.
Trong khi Quốc hội thảo luận cho có lệ thành phần tân Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng đề nghị để hòan tất thủ tục trao quyền lãnh đạo Nhà nước
Ông Patrick Creamer , Giám Đốc Văn Phòng Liên Lạc của Dân Biểu Chris Smith (R – NJ) cho biết Ủy Ban Ngoại Giao của Hạ Viện đã chấp thuận dự luật cải thiện
...cổ phần hoá rất chậm hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong khi lại lập thêm tổng công ty quốc doanh...
Tôi là một dân oan Việt Nam, là một người lương thiện đã chịu bao thủ đoạn tàn bạo của những đảng viên CSVN tha hoá biến chất
Các Công Tố Viên sẽ không yêu cầu một án tử hình hung phạm Terapon Adhahn nếu y bị kết án sát hại em Zina Linnik, 12 tuổi tại Tacoma.
Tình cờ đọc số báo Việt Weekly điện tử đề ngày 26 tháng 7 năm 2007, thấy anh viết một bài trình bầy quan điểm của anh về việc tham dự bữa tiệc
Thay mặt Hiệp hội thông công Tin lành các dân tộc Việt nam,chúng tôi xin trân trọng gữi thông cáo báo chí này đến cùng quí vị
Trong kinh Pháp Hoa, có phẩm “Dược thảo dụ” trong đó đức Phật so sánh căn cơ nhận thức và thấu hiểu Phật pháp của chúng sanh như cây cỏ trong rừng
LƯ THỊ THU DUYÊN, gia đình diện chính sách, có công với chế độ, hiện tôi đang ngụ tại 77/13B Trần Bình Trọng, Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Sài Gòn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.