Hôm nay,  

Câu Chuyện Ukraine

11/03/201400:00:00(Xem: 15822)
...ít ai có thể nghi ngờ quyết tâm của TT Putin

Trong vài tháng qua, chính trị Ukraine suy đồi mau lẹ. Một ít người biểu tình chống đối chính phủ vì chính phủ thân Nga từ chối ký một hiệp ước thương mại với Liên Hiệp Âu Châu, biến thái thành hàng chục ngàn người nổi loạn, bị đàn áp thẳng tay khiến hàng trăm người bị chết, hàng ngàn người bị thương, rồi quốc hội, trong đó có dân biểu cùng đảng với tổng thống, biểu quyết lật đổ tổng thống, thả bà thủ tướng đối lập đang trong tù ra. Tình hình rối bù, ít người nhìn rõ chuyện gì đang xảy ra. Khủng hoảng chính trị đảng phái? Hay khủng hoảng kinh tế giữa khối đại gia kinh doanh và dân nghèo? Khủng hoảng vì tranh chấp ghiữa Liên Âu và Nga? Khủng hoảng chủng tộc giữa khối dân Ukraine và khối dân gốc Nga? Hay tất cả những khủng hoảng đó gom lại tạo nên tình trạng bát nháo?

Dù sao thì vũng nước đục đó đã dấy lòng tham của ông thợ câu Putin, tạo cơ hội bằng vàng cho ông thả câu bắt cá lớn. Không chừng ông KGB Putin đã núp sau hậu trường quậy cho loạn luôn để có cớ nhẩy vào, bước thêm một bước nữa trong giấc mộng tái lập ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa trên khối Đông Âu như thời Liên Bang Xô Viết. TT Putin là người đã từng công khai tuyên bố sự tan vỡ của Liên Bang Xô Viết là thảm hoạ vĩ đại nhất thế kỷ, và ông chẳng buồn dấu diếm tham vọng tái lập ảnh hưởng của Nga lên các nước trong liên bang đó.

Trong khi thiên hạ đang chú tâm vào những biến động tại thủ đô Kiev, phiá tây Ukraine, thì TT Putin lẳng lặng xua quân qua chiếm bán đảo Crimea, một vùng lớn phiá đông nam của Ukraine, giúp Nga khống chế Hắc Hải –Black Sea. Lý do được viện dẫn là nhu cầu bảo vệ dân vùng đó, đại đa số là dân gốc Nga, nói tiếng Nga, thân Nga, chống lại những người cầm quyền mới tại Kiev, có khuynh hướng thân Tây Phương, nói tiếng Ukraine, chống ảnh hưởng của Nga.

Bất cứ dưới định nghiã nào hay lý cớ nào thì đây cũng chỉ là một cuộc xâm lăng thô bạo lãnh thổ Ukraine bằng vũ lực không hơn không kém, vi phạm tất cả mọi luật lệ quốc tế. Chấp nhận lý luận của TT Putin, thì sẽ phải chấp nhận cho quân lính Nga chiếm gần nửa phiá đông của cả nước Ukraine, vì đây là vùng của dân gốc Nga.

Hành động của TT Putin là một thách đố công khai và trắng trợn đối với cả thế giới, nhất là đối với khối Liên Hiệp Âu Châu và dĩ nhiên, Hoa Kỳ. Và điều đáng nói là cả thế giới chỉ biết... bó tay nhìn, không biết phải làm gì, và thật sự mà nói, chẳng có thể làm gì khác ngoài những câu tố cáo trống rỗng và vài biện pháp tượng trưng. Nga không phải là một Iraq để Mỹ có thể dùng thủy quân lục chiến giải quyết vấn đề. Nga cũng chẳng phải là một Cuba để Mỹ có thể trừng phạt kinh tế hay phong tỏa thương mại.

Công bằng mà nói, hành động của TT Putin cũng chẳng khác gì mấy hành động của TT Reagan đánh Grenada hay TT Bush cha chiếm Panama, bắt tổng thống xứ này mang về Mỹ cho ra tòa phạt 40 năm tù. Cái luật gọi là “luật quốc tế” thật ra chỉ là luật của vài cường quốc, luật của kẻ mạnh. Đó chính là thực tế chính trị thế giới.

Cái luật của kẻ mạnh đó thật ra cũng không phải là tuyệt đối, mà thường bị chi phối bởi một số yếu tố.

Yếu tố đầu tiên, ta tạm gọi là “vùng ảnh hưởng”, vườn sau nhà của tôi. Như Trung và Nam Mỹ thuộc vùng ảnh hưởng của Mỹ, và Đông Âu thuộc vùng ảnh hưởng của Nga. Trong những vùng đó, luật không thành văn là ông hàng xóm có quyền có vài “hành động”, ta có thể hò hét phản đối, chỉ trích, nhưng không thể làm gì hơn, không thể nhẩy qua hàng rào để trừng phạt ông hàng xóm. Ta cũng có quyền làm vài chuyện để ông hàng xóm bực mình hay cảm thấy thua thiệt, la ó phản đối, nhưng cũng chẳng làm gì hơn được.

Yếu tố thứ nhì là cái thế của đối phương trên chính trường thế giới. Đối phương yếu, ta hành động, đối phương mạnh ta chờ thời.

TT Reagan đánh Grenada năm 1983, và TT Bush đánh Panama 1989 khi Liên Bang Xô Viết đang trong cơn hấp hối, gần kề ngày chế độ cộng sản xụp đổ và liên bang tan vỡ. Liên Bang Xô Viết tung quân đàn áp dân nổi loạn Tiệp Khắc năm 1968 khi Mỹ đang bị lún sâu trong cuộc chiến tại Việt Nam, cũng như đánh chiếm Afghanistan năm 1978 khi Mỹ chưa hoàn hồn sau thảm họa Việt Nam, cũng là lúc đang được lãnh đạo bởi TT Jimmy Carter, một người hiền lành, đôn hậu, nhưng chỉ là một trong những tổng thống yếu nhất lịch sử Mỹ.

Trong tất cả những cuộc chiến đó, ta đều thấy đối phương lớn tiếng chỉ trích, đòi biện pháp này nọ, nhưng rồi cuối cùng cũng chẳng đâu vào đâu.

Khủng hoảng Ukraine ngày nay đi đúng theo bài bản đó, chẳng có gì khác. Nga tấn công khi nước Mỹ được lãnh đạo bởi một ông tổng thống lo bảo vệ cái giải Nobel Hòa Bình mà ông đã được tặng khi vừa nhậm chức và ông Ngoại Trưởng “phản chiến” nặng.

Tình hình Ukraine thật ra nghiêm trọng hơn tất cả những cuộc chiến vừa nêu. Ukraine là một xứ lớn, giàu, nhiều tài nguyên. Tuy Nga đang kiểm soát bán đảo Crimea, nhưng vẫn còn một nước Ukraine to lớn với một khối dân thiểu số thân Nga kiểm soát vùng đất giàu có nhất của cả nước, và một chính quyền thân tây phương đang được hậu thuẫn mạnh mẽ của khối đại đa số dân Ukraine. Ukraine là nước lớn thứ nhì của Âu Châu sau Nga, lớn hơn các cường quốc Tây Âu như Đức và Pháp. Chính quyền mới của Ukraine sẽ phản ứng như thế nào, chưa ai biết được vì ngay cả quyền lực thật sự trong tay của chính quyền mới mạnh tới đâu cũng chẳng ai rõ. Chẳng hạn như Tư Lệnh Hải Quân Ukraine đã công khai phản lại chính quyền trung ương, mang hết hạm đội Ukraine đặt vào tay Nga.

Mỹ và khối Liên Hiệp Âu Châu phản ứng như thế nào cũng chẳng ai đoán được.

Cho đến nay, cũng chưa ai đoán biết được con cáo già KGB Putin sẽ ra chiêu gì và đi xa tới đâu, nhưng rõ ràng hành động chiếm bán đảo Crimea của Ukraine chỉ là màn ra quân khởi đầu trong một ván cờ cực lớn và cực nguy hiểm trong một vùng nóng bỏng, với những hậu quả vĩ đại khó lường.

Trước đây, nhiều người đã cho rằng TT Putin chỉ đòi hỏi một hiện diện quân sự trong vùng để tạo áp lực không cho chính phủ Kiev thân Mỹ và tây phương quá. Thực tế cho thấy ông ta sẽ tìm cách sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga qua một cuộc trưng cầu dân ý cuội. Đi xa hơn nữa, cũng có thể ông ta khích động khối dân thân Nga vùng đông Ukraine nổi lên đòi tự trị đối với Kiev. Tại vài thành phố lớn phiá đông, dân chúng đã bắt đầu tụ tập biểu tình ủng hộ Nga, và vài phong trào đã nổi lên đòi tách khỏi Ukraine và sát nhập vào Nga. Bàn tay “lông lá” của Putin rất có thể đã ở phiá sau những cuộc biểu tình gọi là tự phát đó.

Tất cả mọi kịch bản đều vô cùng bất lợi cho Ukraine, và dĩ nhiên chính quyền mới của Ukraine không thể ngồi yên chấp nhận bị bóp chết. Không ai biết tương lai sẽ ra sao, chỉ biết TT Putin là người cầm cương, quyết định mọi chuyện, trước sự lo lắng và bối rối của Mỹ và Liên Âu đang bị chiếu bí.

Hành động của TT Putin đặt TT Obama vào một thế cực kỳ khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, hay nói cho quen thuộc hơn, không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. TT Obama đang cố gắng vớt vát nhiệm kỳ hai của ông bằng những thoả hiệp về giảm giới vũ khí hạt nhân, kềm chế Iran trong chính sách phát triển vũ khí hạt nhân, tìm ổn định lâu dài tại Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq, Afghanistan, Syria, Libya, Palestine và Do Thái. Tất cả những vấn đề này cần sự hợp tác tích cực của TT Putin. Vấn đề của TT Obama là làm sao thắng bớt mưu đồ của TT Putin tại Ukraine đồng thời vẫn có được sự hợp tác của Nga trong các vấn đề vừa nêu. Một hành động đu giây thật khó.


Để vớt vát uy tín phần nào, TT Obama cảnh cáo Nga “sẽ có cái giá phải trả”, rồi cho phép Ngoại Trưởng John Kerry công khai đe dọa Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Biện pháp “trừng phạt” đầu tiên là không cho Nga tham gia hội nghị thương đỉnh G-8 của tám cường quốc tại Sochi, nơi đã tổ chức Thế Vận Hội mùa đông vừa qua, hay đi xa hơn một chút, loại Nga khỏi khối G-8 đó. Nghe thì có vẻ ghê gớm, thực tế mà nói thì chẳng mấy quan trọng. Một vài thỏa thuận kinh tế, thương mại có thể sẽ bị trì hoãn ít lâu, rồi đâu lại vào đấy, mọi người lại vui vẻ họp lại, vì quyền lợi chung của tất cả mọi phiá. TT Putin trước khi lấy quyết định xâm lăng Crimea chắc chắn đã có nghĩ và cân nhắc chuyện này. So với mối lợi chiếm Crimea và áp đảo Ukraine, chuyện họp thượng đỉnh G-8 chỉ là chuyện nhỏ và nhất thời.

Ngoại trưởng Kerry cũng đe dọa có thể cứu xét việc phong toả tài sản của các công ty kinh doanh Nga đang hoạt động tại Mỹ. Rồi bộ trưởng Quốc Phòng Hagel cho hai ba chiếc phản lực chiến đấu bay lảo đảo trên trời Ukraine gọi là để nhắc nhở Nga về sự hiện diện của cường quốc quân sự lớn nhất thế giới.

Muốn biết TT Putin sợ hãi đến mức nào, thì chỉ cần biết vài ngày sau những hăm dọa, Nga cho bắn thử hoả tiễn liên lục địa ICBM chơi, rồi quốc hội Nga soạn thảo ngay dự luật phong tỏa tất cả tài sản của Mỹ trên đất Nga. Không phải là “cứu xét” kiểu ông Kerry mà soạn ra luật luôn. Cũng không phải chỉ là tài sản của các công ty kinh doanh Mỹ, mà là tất cả tài sản của Mỹ, tức là kể cả tài sản của Nhà Nước Obama và tài sản của các cá nhân Mỹ tại Nga luôn. Rồi quốc hội Nga cũng biểu quyết cho phép Putin dùng vũ lực chiếm trọn nước Ukraine luôn. Chưa hết, quốc hội Crimea biểu quyết tách Crimea ra khỏi Ukraine để sát nhập vào Nga, và chuẩn bị “trưng cầu dân ý để dân Crimea quyết định” cho có lệ.

Đại khái thông điệp của TT Putin cho TT Obama là “ông dọa dùng tay, tôi sẽ dùng dao; ông dọa dùng dao, tôi sẽ dùng súng”. Người ta có thể nghi ngờ quyết tâm của TT Obama, nhưng ít ai có thể nghi ngờ quyết tâm của TT Putin.

Để chứng minh thiện chí, ông Kerry cũng đề nghị thành lập một kiểu ủy ban giám sát quốc tế đến Ukraine để bảo đảm dân thiểu số thân Nga không bị chính quyền mới bạc đãi như TT Putin lo sợ. Đề nghị của Mỹ không thể vô vị hơn. Dân Việt ta đã trải qua kinh nghiệm “ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến” để rồi cả nước rơi vào tay cộng sản trước sự bất lực trọn vẹn của hai ủy ban, thành lập năm 1954 và 1972. Không ai ngây ngô đến độ tin rằng TT Putin sẽ hồ hởi chấp nhận giải pháp này, nhất là khi chuyện ngược đãi dân gốc Nga chỉ là cái cớ ngụy tạo để biện minh cho cuộc xâm lăng.

Truyền thông phe ta đang thổi phồng tin TT Obama nói chuyện thường xuyên với TT Putin, mỗi lần hơn cả tiếng đồng hồ. Làm như thể TT Obama chỉ cần nói đôi ba câu qua điện thoại là sẽ phá tan giấc mộng tân đế quốc của Putin. Chỉ tiếc là Putin không phải là loại nhà báo cấp tiến sẵn sàng phủ phục dưới chân Đấng Tiên Tri sau khi nghe vài lời sấm vàng son.

Chuyện ngoài lề đáng nói trong cuộc xâm lăng mới của TT Putin là cuộc xâm lăng này đã có người tiên đoán trước từ khá lâu rồi.

Tháng 8 năm 2008, TT Bush ngồi xếp va-li chuẩn bị dọn nhà về Texas. Các chính khách Mỹ bận rộn đấm đá nhau vì cuộc bầu cử tháng Mười Một. TT Putin lợi dụng tình trạng rối rem của Mỹ, tung quân vào đánh Georgia. Liên danh tổng thống John McCain - Sarah Palin của Cộng Hoà mau mắn lên tiếng chỉ trích cuộc xâm lăng và đòi hỏi Tây phương có hành động. Liên danh Barack Obama – Joe Biden im lặng “nghiên cứu tình hình”.

Bà Sarah Palin khi đó tuyên bố đại khái “sau khi quân lực Nga xâm lăng Cộng Hoà Georgia, thái độ chần chừ của thượng nghị sĩ Barack Obama là cách phản ứng chỉ khuyến khích Putin tiếp tục bước tới là xâm lăng Ukraine” (nguyên văn: “After the Russian army invaded the nation of Georgia, Senator Obama's reaction was one of moral indecision and equivalence, the kind of response that would only encourage Russia's Putin to invade Ukraine next.”).

Hơn 5 năm trước, bà Sarah Palin, mà truyền thông dòng chính không ngớt mô tả như một mụ nhà quê ngớ ngẩn nhất lịch sử chính trị Mỹ, đã tiên đoán ngay tróc chẳng những kế sách của TT Putin, mà còn nói đúng cả tên cái nước mà Putin sẽ xâm chiếm. Trong khi đó, báo chí ngày nay mô tả hành động của TT Putin đánh Crimea là một bất ngờ hoàn toàn đối với chính quyền Obama. Nói cách khác, 5 năm sau câu tiên đoán chính xác của bà Palin và 5 năm sau khi đã làm tổng thống, TT Obama vẫn không nhìn ra sách lược của Putin.

Người ta cũng không quên trong kỳ tranh cử tổng thống năm 2012, TĐ Romney tố giác Nga là kẻ thù chính trị số một của Mỹ (nguyên văn: “our number one geopolitical foe”). TT Obama mau mắn phản ứng, chê TĐ Romney lạc hậu và tuyên bố “Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt từ 20 năm rồi (“the Cold War has been over for 20 years”).

Hành động của TT Putin chứng tỏ Đấng Tiên Tri nhận định và tiên đoán tình hình chính trị thế giới hoàn toàn sai lệch, trong khi bà Palin và TĐ Romney đã nói đúng. Chiến tranh lạnh Mỹ - Nga chưa bao giờ chấm dứt mặc dù chế độ cộng sản Nga đã xụp đổ hoàn toàn.

Ở đây, cũng phải nói dùng danh từ “chiến tranh lạnh” không chính xác chút nào. Trong suốt mấy thập niên gọi là “chiến tranh lạnh”, thật sự chiến tranh nóng bằng bom đạn thật vẫn liên tục xẩy ra, qua các cuộc chiến “bổ nhiệm” tại các nước chậm tiến để các cường quốc –phải nói các đế quốc mới chính xác- tranh dành ảnh hưởng và quyền lợi, từ Congo đến Việt Nam, từ Mã Lai đến Ethiopia, từ Afghanistan đến Chile,... Ngày nay, hiển nhiên cuộc chiến đang tiếp tục với những chiến trường mới nhất, Georgia, Syria, và Ukraine.

Khi mà TT Obama nhận định chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ 20 năm nay thì ông đã không biết hay không muốn nhìn vào thực tế. Và cái nhìn sai lệch đó chỉ có thể đưa đến những thất bại trầm trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ, với hệ quả rõ ràng nhất là thế lãnh đạo của Mỹ đã thật sự tuột về... phiá sau lưng đúng theo chiến lược “lãnh đạo từ phiá sau” của TT Obama, trong khi uy thế của Nga ngày một lớn mạnh.

Hiển nhiên ông tổ chức cộng đồng chưa phải là đối thủ của ông đại tá KGB.

Công bằng mà nói, TT Obama không có tam thập lục chước đối phó với tình trạng hiện hữu, nhưng vấn đề là chính cái chính sách yếu đuối của ông đã dồn ông vào chân tường.

Ngày trước, TT Reagan đã nhận định phản ứng của chính quyền Jimmy Carter đối với các mối đe dọa từ ngoài nước đã phản ánh một chính sách yếu ớt, bất nhất, chao đảo và hù dọa nói mà không dám làm.

Cả thế giới ngày nay đã nhìn thấy TT Putin đang làm gì. Phản ứng của TT Obama đang được cả thế giới -đặc biệt là Trung Cộng, Bắc Hàn, và Iran- chờ đón để lượng giá xem có giống phản ứng của ông Carter, một tổng thống cũng đã từng được giải Nobel Hòa Bình hay không. (09-03-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.