Hôm nay,  

Du Lịch Vào Lòng Người - Úc Châu Du Ký - Bài Số 2: Cuộc Đời, Nhìn Từ Sau Lưng

25/12/201300:00:00(Xem: 4208)
Kể chuyện dông dài:

Sau chuyến đi Úc về chúng tôi có viết bài giới thiệu. Tưởng là sẽ tiếp tục kể lể dông dài, nhưng rồi vì thời sự phải viết theo nhu cầu hàng tuần nên đành tạm gác lại chuyện đường xa. Không ngờ bà con lại cứ hỏi han nhắc nhở nên phải trả lời. Trước hết là các thân hữu Úc châu trách móc. Những món quà quý giá gửi cho Viện Bảo Tàng San Jose sao không thấy ghi lại. Xin thưa rằng sẽ lần lượt kể ra theo thứ tự lịch trình. Đặc biệt các bạn cao niên hỏi đi hỏi lại về sức khỏe của chiến hữu đi hành quân viễn chinh như vậy có vất vả hay không. Tại sao ông mua vé lại còn phải mua bảo hiểm. Đổi tàu bay có trở ngại không.

Vì vậy chúng tôi xin kể một vài chi tiết về tài chánh và sức khỏe trước khi kể nỗi đoạn trường.

Quả thực vào tuổi bát tuần, chúng tôi không hề nghĩ đến chuyện đi Úc một lần nữa. Hơn 20 năm trước, chưa đến tuổi về hưu vợ chồng có qua Úc thăm con gái sinh cháu ngoại. Đi Úc ngày đó là chuyện gia đình. Lần này, hơn 20 năm sau đi Úc là công vụ đấy các bác. Báo Việt Luận mua vé cho 2 vợ chồng. Ngay cả tài tử Nam Lộc cũng có quyền thắc mắc với bác Lộc ở San Jose. Chàng là MC, là ca sĩ, là nhạc sĩ danh tiếng mà chưa bao giờ được ban tổ chức mời đi cả 2 vợ chồng. Ông già Giao Chỉ San Jose tại sao lại được 2 vé khứ hồi. Nhẩy múa không biết. Ca hát không hay. Không bán sách, không bán băng. Chỉ là tác giả gặp độc giả. Mục đích xem ra nhẹ tênh. Lại thêm sức khỏe không biết có qua được cửa tàu bay. Ăn nói không còn hơi. Nghe nói bên Úc tinh thần rất cao. Hô khẩu hiệu với bà con sợ rằng không thành tiếng. Ông đi như vậy coi bộ anh em bằng hữu San Jose rất quản ngại. Tuy nhiên đã nhận lời là phải đi. Ban tổ chức đứng mời là Lê Anh Dũng của Việt Luận họ không ngại, hà cớ mình lại phải lo lắng làm gì. Vấn đề là phải có phu nhân của bần bút đi theo để làm y tá. Nếu không thành công mà thành “bệnh” nhân thì nàng hộ tống cho chàng về. Lại có người hỏi rằng khi mua vé máy bay sao lại còn mua bảo hiểm. Đáp rằng: Dự trù ra đi nhưng sương gió bất thường, nếu giờ chót không đi được làm sao ăn nói với ban tổ chức. Vì vậy đóng tiền bảo hiểm tối đa để gặp hoàn cảnh phải cáo lỗi sẽ nhờ bảo hiểm bồi hoàn 100% cho ban tổ chức.

Thêm vào đó, chưa biết khả năng trình diễn đến đâu bèn mang 1 số hình ảnh qua các thùng hành lý khổng lồ để triển lãm, ngõ hầu hỗ trợ tinh thần cho buổi nói chuyện.

Và trong hoàn cảnh đó, vợ chồng chúng tôi lên đường. Mỗi người đều có những hộp thuốc đủ loại. Mỗi ngày mỗi người uống 9 viên. Người máu cao, người máu thấp. Thuốc loãng máu, thuốc thông máu. Thuốc cho con tim, thuốc cho bao tử. Thuốc ngưng tháo dạ, thuốc dễ nhuận trường. Các bạn uống thuốc gì là chúng tôi cũng dùng thuốc đó.

Lịch trình đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn sợ trễ giờ, lo chuyển tàu, lo hành lý, lo người đưa đón, lo múi giờ thay đổi. Còn lo đám cháu ở nhà vốn được ông nội đưa đón mỗi ngày. Nay cháu gái phải đợi ở trường chờ bố về, cháu trai phải đi bộ. Toàn những chuyện lo nghĩ lẩm cẩm của giới cao niên, chúng tôi cũng không khác gì quý vị.
bai-2-giao-chi-di-uc-chau-resized
Du ký Úc Châu.

Úc Châu đây rồi.

Từ giã Cali buổi tối thứ ba, sau khi vật vờ liên tiếp 2 đêm trên máy bay, buổi sáng đến phi trường Sydney đã qua ngày thứ năm. Thiên hạ ồn ào đứng chờ lấy hành lý. Nhà tôi tay cầm sẵn tiền Mỹ trả tip nhưng chẳng thấy các tay red cap, đầu đội mũ đỏ, chuyên giúp chuyển hành lý cho thiên hạ. Thôi cũng đành tự tìm hành lý đem ra 1 góc. Khi thiên hạ lấy hết đồ đạc mà mình chưa thấy thùng triển lãm, lại thêm hoảng hốt. Hỏi ra mới biết, hàng hóa của ông bà thuộc loại quá khổ họ để ở 1 khu đặc biệt. Quanh quẩn rồi cũng tìm ra. Rồi lại nhờ được 1 ông của hãng máy bay tiếp tay đẩy ra khu kiểm soát. Khối lượng hàng hóa khá nhiều được hướng dẫn xếp vào 1 chỗ. Nhân viên hải quan dẫn chó nghiệp vụ ngửi qua 1 vòng. Quả thực nếu mà xui xẻo có đứa nào nhét vào 1 gói bột trắng thì chết cha. Chuyện này chưa xảy ra. Xếp hành lý lên xe đẩy. Nhà tôi hãnh diện trao cho anh chàng Úc vui tính 20 đồng Mỹ kim tiền Tip. Bạn Úc cười lắc đầu. Bà xã tưởng rằng bạn ta chê ít. Phe phẩy tờ $20 us ngon lành. Tôi nhắc nàng là Úc Châu không lấy Tip. Bà cất tiền đi mà tấm lòng yêu nước Úc dâng cao hết xẩy. Lẩm bẩm: Úc nó không lấy Tip, văn minh thiệt. Cũng ngang với Nhật Bản.

Vui được một chút lại thấy lo sợ. Không thấy phái đoàn đón tiếp ở đâu. Đẩy xe ra khỏi khu hải quan. Thiên hạ tấp nập đầy phi trường. Một hàng dài các đại diện công ty và các khách sạn, các ban tổ chức hội thảo đứng cầm bảng đón khách.


Quý vị này đứng hàng ngang, quần áo lịch sự, cầm bảng tên khách phương xa. Nhìn một vòng không thấy ai là có vẻ người của phe ta. Niềm lo âu bơ vơ đất khách quê người tại xứ Úc bắt đầu. Bèn bảo vợ đứng một chỗ bên hai xe hàng hóa khổng lồ để chồng đi tìm. Rõ ràng là ban tổ chức hứa hẹn đã cử hai xe với hai ông thanh niên đẹp trai, khỏe mạnh chỉ chuyên khuân vác đón từ 5 giờ sáng. Bây giờ gần 7 giờ mà sao chưa thấy ai. Bất chợt thấy có hai ông Việt Nam lom khom đứng ngó vào khu hải quan. Một ông cao, tóc bạc phơ. Một ông chống gậy. Ngó sau lưng ngửi thấy mùi Saigon. Nhìn ra trước mặt. Trời ơi, ông Quý công binh đây chứ ai. Trung tá Phan Bá Quý, nguyên tiểu đoàn trưởng công binh kiến tạo, đứng cạnh ông trung úy dược sĩ Nguyễn Xuân Quang. Chúng tôi rất mừng vì ngoài tình gặp gỡ thân hữu đồng hương mà còn mừng nhiều hơn vì có được người ra đón. Bước đầu thế này là quá ngon lành. Phan Bá Quý là bạn cùng khóa, nửa thế kỷ mới gặp lại. Bác chậm rãi, từ tốn tiếp tục chống gậy chỉ huy dù còn chiến tranh, dù ở tù, hay dù lưu vong qua Úc. Bạn Quang tóc bạc trắng phau hết sức nhanh nhẹn xốc vác. Anh chàng này 38 năm về trước vốn là trung úy dược sĩ trẻ đẹp nay đã trở thành trung niên tráng sĩ tóc bạch kim, hoạt bát tháo vát. Xứng đáng đại diện cho tinh thần hiếu khách của Úc Châu. Chúng tôi đẩy hàng hóa ra xe van của chị Trúc Quân, nhân vi ên của Việt Luận. Chị sẽ đưa thẳng hàng triển lãm lên trung tâm cộng đồng, là nơi thứ bẩy sẽ tổ chức triển lãm và nói chuyện với độc giả. Còn anh em tôi lên xe chú Quang lái để đi ăn phở Sydney, một kỷ niệm đầu tiên đáng ghi nhớ trên nước Úc. Do bác Quý khoản đãi.

Ngồi trên xe với tay lái bên phải và dòng xe đi qua lề trái làm cho du khách có cảm tưởng toàn gặp tài xế điên cứ muốn lao vào nhau rồi lại tránh qua cái rẹt. Những con đường vòng tròn ở ngã tư nếu rộng lớn thì tạm ok, nhưng rất nhiều ngã tư đường vòng nhỏ xíu và các xe đua chạy quanh như trò chơi trẻ con. Khi khách được mời lên xe, tôi quen thói Hoa Kỳ đi vòng qua tay mặt, dược sĩ Quang bèn đưa chìa khóa nói: Vậy anh lái đi. Du khách vội cười xòa rồi quay sang ngồi bên trái.

Tiệm phở đầu tiên được coi là nổi tiếng trên con phố của Banktown. Tô phở nhỏ ở đây giá $15 Úc kim. Như vậy có phải là vào khoãng $14 Mỹ kim. Chẳng biết tôi có nhớ đúng hay không nhưng vẫn coi là trong đời di tản chưa ăn tô phở nào có giá cao như thế tại Cali.

Phở tiệm này có thể coi là ăn được nhưng các bạn tôi khoe là nhà hàng có tiếng chém Ngọt. Giá hơi cao, ngày lễ hội lại còn tăng giá. Gọi 1 tô lớn mà lại đòi thêm cái bát để xẻ đôi, nhà hàng tính thêm ba đồng. Chuyện này cũng khá lạ. Chưa từng xảy ra trong các nhà hàng Việt Nam. Thực sự nếu bạn đi ăn tại nhà hàng Mỹ, khẩu phần 1 người ăn quá nhiều có thể chia ra và chủ tiệm tính thêm tiền. Chuyện như thế này. Vào nhà hàng Mỹ ở San Francisco. Gọi 1 phần bò bít tết cho 1 người ăn giá $30 Mỹ kim. Bạn yêu cầu chia cho 2 người. Nhà hàng sẽ chia đôi cho 2 đĩa. Đầy đủ, đẹp đẽ, ngon lành, lịch sự. Có phần dao muỗng khăn ăn cho 2 người. Họ tính thêm $5 Mỹ kim. Đó là thể thức hợp lý. Nếu nhà hàng Việt Nam mà biết làm ăn. Có thể theo công thức này.

Còn khách hàng chỉ yêu cầu cho mượn 1 cái bát. Chém thêm 3 Úc kim, xem ra quá đáng.

Ngoài ra, tôi có thói quen, khi đi tiệm, dù có nhu cầu hay không cũng vào thanh tra nhà vệ sinh. Tại đây nhận thấy bồn cầu xả nước có 2 nút bấm. Bên nhỏ, bên to. Xem lại thì để xả nước nhiều hay ít. Dường như bên Úc nhà nào cũng dùng loại bồn nước này. Tiết kiệm nước chăng.

Sau bữa ăn, chúng tôi chia tay anh Quý. Anh muốn đi bộ về thẳng nhà. Anh Quang đưa chúng tôi thăm tòa báo Việt Luận. Hình ảnh đầu tiên nhìn thấy anh Quý phía sau lưng tại phi trường. Bây giờ,chia tay ở tiệm phở, lại thấy phía sau. Phan Bá Quý chống gậy đi trên hè phố Banktown. Từ từ khuất ở nẻo đường xa. Ngày xưa, chúng tôi gặp nhau khi vào trường Đà Lạt tháng 3-1954. Sau đó ra trường mỗi người một ngả. Suốt 21 năm quân đội loáng thoáng có gặp lại đôi khi, nhưng không gần gũi. Như vậy phải gọi là trên nửa thế kỷ mới gặp lại nói chuyện với nhau. Bạn ở Úc cùng khóa còn có anh Nguyễn Duy Mô và anh Nguyễn văn Minh hiện ở Melbourne. Các anh dự trù sẽ về Sydney vào cuối tuần.

Hẹn sẽ gặp nhau, ta sẽ họp khoá rõ ràng là lần cuối.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
Mạng ''Chứng nhân lịch sử'' vừa treo giải ''Lưỡi Vàng'' cho những câu nói hay nhất trong năm con Lợn - Đinh Hợi. Phải là những câu nói xuất sắc
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.