Hôm nay,  

Cuộc Sống và Nghiệp Định

11/01/201400:00:00(Xem: 6960)
Trần Bình Nam
(Phóng thuật theo bản tin của ký giả Scott Gold, viết từ Paso Robles, California trong ngày lễ Giáng sinh 2013 đăng trên Nhật báo Los Angeles Times số ngày 25/12/2013.)

Ngày lễ Giáng sinh 2013. Trong một căn nhà tại Paso Robles, California hai mẹ con bà Brooke Mayo và Patricia Hamlin đoàn tụ mừng Giáng sinh sau 71 năm xa cách và 20 năm tìm kiếm. Câu chuyện như một phép nhiệm mầu bắt đầu từ bảy thập niên trước.

* *

Một buổi chiều tháng 11 năm 1941, khói lửa đang tràn ngập Âu châu. Chiến tranh Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Cô Brooke Mayo 19 tuổi sửa soạn theo chồng tương lai, một chuyên viên dân chính phục vụ quân đội lên đường đi Anh quốc. Một người bạn ở Hollywwod Hills mời cô đến dự “party” thịt nướng ngoài trời đón mùa lễ lạc tháng 12 và năm mới sắp tới. Brooke còn nhớ món đậu la ve nướng thơm phức ăn với gà tây, và cô chủ nhà đỏm dáng trong chiếc áo ôm sát người với chiếc nịt da gắn vài hạt ngọc li ti óng ánh.

Brooke đến một mình. “Party” xong, cô bước xuống lầu vào nhà xe. Một thanh niên thình lình xuất hiện và ép làm tình với cô. Ngà ngà với mấy ly rượu vang đỏ, cô không biết đã phản ứng ra sao. Cô chỉ biết người thanh niên đó đã hiếp cô trong một góc nhà xe tranh tối tranh sáng rồi biến mất, cô không kịp thấy rõ mặt.

Khi biết chuyện người bạn gái của Brooke hỏi: “Sao không đi báo cảnh sát?” Brooke trả lời: “Báo cảnh sát làm gì cho mệt. Họ sẽ không tin tụi mình. Thời buổi này trong các vụ liên quan đến tình dục cảnh sát không tin người đàn ông có lỗi.”

Khi Brooke biết mình có thai cô định phá thai. Luật cấm phá thai, và phá thai lén lút với phương pháp thô sơ rất nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ. Và Brooke không muốn chết.

Brooke khóc kể chuyện cho Mẹ hay, và cùng quyết định. Brooke hoãn việc đi Âu châu, ở nhà sinh con rồi hãy tính.

Cô bé ra đời trong một buổi sáng mùa hè năm 1942 tại một bệnh viện ở Burbank, quận LosAngeles. Brooke đặt tên bé là Delphine. Brooke kể lại: “Tôi dự tính cho bé Delphine làm con nuôi. Tôi ôm Delphine còn đỏ hỏn và đau lòng giao cho người y tá, biết rằng không còn thấy bé nữa.”

Brooke lên đường sang Luân Đôn phục vụ chiến tranh cho đến khi Đức đầu hàng. Công việc của cô là lo chỗ ở và đồ tiếp vận cần thiết cho sĩ quan. Cô không quên những lúc xách mặt nạ chống hơi độc chạy theo đám đông chui xuống hầm tàu điện ngầm tránh bom khi còi báo động hú báo hiệu máy bay Đức tới.

Trở về Los Angeles, Brooke gọi bệnh viện hỏi tin tức Delphine. Brooke muốn biết Delphine có khỏe không. Cô y tá đầu giây trả lời “Delphine “đi” rồi. Brooke không tin ở tai mình, hỏi lại: “Cô muốn nói Delphine chết rồi phải không?” Cô y tá: “Đúng vậy, cô bé chết rồi.”

Brooke hỏi thêm vài chi tiết. Cô y tá không biết gì hơn và gác điện thoại. Brooke nói: “Tôi cảm thấy một sự trống rỗng cùng cực trong lòng như Delphine chẳng bao giờ tồn tại trong cuộc đời tôi.”

Thời gian lặng lẽ trôi. Brooke làm đủ mọi nghề để sống. Có lúc được thuê đóng phim trong những vai phụ không ai cần nhớ. Và khi làm người mẫu Brooke lang bạt từ Los Angeles đến New York. Vốn ham học, ở Los Angeles Brooke ghi tên học toán, ở New York học vẽ trắc đồ.

Buồn, Brooke uống rượu, có nhiều đời chồng và có thêm hai con. Cuối cùng Brooke bỏ rượu, sống ổn định với người chồng thứ tư, học thêm một lớp kế toán để giúp chồng hành nghề CPA (Certified Public Acountant) ở Los Angeles.

Brooke muốn có một đời sống sung túc, và bà đã có những gì mong ước. Nhưng trong thâm sâu bà không quên được bé Delphine. Theo tục lệ Do Thái, nhớ người đã khuất, trong nhà bếp Brooke để một hộp đèn cầy Yahreit bên cạnh một chén ngũ cốc và một chiếc chìa khóa mở đồ hộp. Mỗi năm đến ngày 12 tháng 8, sinh nhật của Delphine, Brooke mở hộp lấy một chiếc đèn cầy thắp lên để nhớ đến người con xấu số. Brooke làm vậy trong suốt 66 năm không bỏ sót một năm nào.

* *

Delphine không chết. Người ta chỉ muốn xoá dấu vết con nuôi của cô. Cô trở thành Patricia Rodney và lớn lên trong gia đình cha mẹ nuôi mà cô vẫn tưởng là cha mẹ ruột trong suốt 50 năm. Cô có một người anh Ron Rodney và một người em “ruột”.

Năm 1992 Patricia cùng chồng Robert Hamlin sống tại Wichita, bang Kansas. Một hôm từ Omaha, Ron gọi điện thoại cho biết anh bị mất ví mất hết giấy tờ. Anh cần giấy khai sinh để xin lại bằng lái xe. Lục không thấy trong nhà, bà gọi Sở Lưu trữ hồ sơ quận Los Angeles - nơi đó Ron Rodney và bà đã sinh ra – để xin bản sao. Người công chức sở lưu trữ cho biết trong hồ sơ không có khai sinh của ai tên là Ron Rodney.

Ngạc nhiên, Patricia gọi hỏi khai sinh của bà. Patricia quả quyết với người công chức mình sinh tại Los Angeles. Người công chức tìm không thấy và nói rằng, nếu Patricia biết chắc mình sinh ở quận Los Angeles mà không có hồ sơ hộ tịch thì chỉ có một lý do bà là con nuôi. Hồ sơ hộ tịch của con nuôi được niêm phong theo luật.

Patricia ngạc nhiên tột độ. Patrica nghĩ bà biết tung tích mình. Năm đó bà 51 tuổi, sinh ở Burbank thuộc quận Los Angeles năm 1942. Cha là một kỹ sư của hãng Lockheed Martin. Sau khi xin được việc của hãng Boeing ông thuyên chuyển lên Wichita. Patricia theo cha lên Wichita và làm việc cho một công ty khoan dầu trong 18 năm. Bà có 3 người con đã lớn, và đang làm việc thiện nguyện cho sở Hồng Thập Tự và sở Nuôi thú vật vô chủ. Không ai nói với Patricia bà là con nuôi. Không thể như thế được!

Nhưng bà nghĩ: “Không có lửa sao có khói”. Bà phải tìm cho ra sự thật.

* *

Và sự thật là: Vụ việc cho Delphine làm con nuôi được thực hiện một cách kín đáo giữa bác sĩ của Brooke và cặp vợ chồng trẻ Rodneys. Vợ chồng Rodneys đã có một cậu con trai và muốn có một cô con gái. Ông bà Rodneys đặt tên Delphine là Patricia.

Một công ty dịch vụ giúp tìm lai lịch của con nuôi truy ra rằng giấy tơ con nuôi của Patricia có thể được thực hiện tại quận Boone, bang Arkansas. Thời gian đó quận Boone, Arkansas là quận gần Los Angeles nhất có một quan tòa chịu ký giấy tờ con nuôi.

Không ngại tốn kém, Patricia thuê luật sư và liên lạc được với một ông thị trưởng của một thành phố trong quận Boone, nhưng không một viên chức hay một cơ sở chính phủ nào giúp Patricia được gì cụ thể.

Patricia nộp đơn tại tòa quận Los Angeles xin bản sao giấy khai sinh thật. Nhưng do một lý do pháp lý nào đó tòa không giải quyết đơn xin của bà. Mọi việc rơi vào quên lãng trong… 20 năm.

Patricia không nản chí. Mới đây bà tiếp xúc với một vị đương kim chánh án của bang Arkansas. Vị này sau khi nhận nhiệm sở có đọc hồ sơ tìm gốc gác của bà Patricia và có ý muốn giúp đỡ. Khi Patricia gọi hỏi ông mau mắn trả lời: “Bà muốn tìm nguồn gốc hả ? Tôi thấy hồ sơ xin của bà đã lâu lắm rồi. Bà gởi cho tòa $8.50 lệ phí.”

Giấy tờ cho thấy với mục đích tốt dấu không cho Patricia biết mình là con nuôi, nhiều sự kiện được ngụy tạo, trong đó có chi tiết ông Rodney ở Arkansas hằng ngày lái xe đi đi về về làm việc ở Burbank, quận Los Angeles để chứng minh tại sao Patricia sinh ở Los Angeles mà cho con nuôi ở Boone, Arkansas. Nhưng tờ giấy quan trọng nhất là tờ có ghi “cô bé” con nuôi được mẹ đặt tên là Delphine, và một chữ nhỏ ghi tên người đàn bà đã sinh ra Patricia, viết kiểu chữ này nối tiếp chữ kia một cách gọn gàng: Brooke Mayo.

Patricia nói: “Cuối cùng tôi tìm được địa chỉ và điện thoại của Mẹ ruột. Nhưng không biết bà có biết tôi còn trên cõi đời này, và nếu biết bà có nhận tôi không.”

* *

Đối với bà Brooke Mayo, cuộc đời phẳng lặng trôi qua. Vợ chồng bà về sống ở Paso Robles đã 20 năm và bà không đổi chỗ ở sau khi chồng chết. Con mèo Bugsy hiền lành của bà vẫn theo thói quen ngủ ngoài hiên bên cạnh chậu hoa hồng. Bà nuôi 4 con chó, trong đó có một con thuộc giống Chihuahua rất dữ, ba con kia sợ một phép.

Và… mỗi ngày bà không quên liếc nhìn hộp đèn cầy dành cho Delphine, hộp ngũ cốc và cái khóa mở đồ hộp…

* *

Người đưa thư gõ cửa. Robin Barris người giúp việc của Brooke mở cửa ký nhận một phong thư bảo đảm rồi đưa cho bà. Như thường lệ bà nhờ Barris: “Mở thư đọc giúp cho tôi nghe”. Bà Brooke kể lại “Nghe xong tôi không tin ở tai mình, tôi nghĩ ai đó đùa giỡn một cách ác độc thôi. Cô bé đáng thương đó chết đã hơn nửa thế kỷ rồi!”. Nhưng Robin đưa cho bà Brooke xem trang cuối của phong thư. Rõ ràng chữ ký của bà và chữ ký chưa ráo mực của Patricia có ghi chú thêm: Delphine.

Trước sự thật hiển nhiên, mặc dù còn bán tín bán nghi, Brooke gởi điện thư cho Patricia và chờ điện thoại.

Hai mẹ con nói chuyện với nhau hai tiếng đồng hồ. Đầu óc quay cuồng, bà Brooke chỉ còn nhớ:

Brooke: “Tôi đây, đúng tôi đây. … Brooke Hollywood Hill đây.”

Patricia: “Con đây, con là Delphine, con gái của Mẹ đây. Mẹ có khỏe không?”

Brooke nói chừng nào còn sống bà sẽ không quên cái giờ phút xúc động và kỳ thú khi nói chuyện với người con tưởng đã chết cách đây 71 năm.

Cuộc điện đàm dài quay lại cuốn phim cuộc đời của Brooke và Patricia trong 71 năm qua. Chỉ có một khoảng trống, Patricia không thể biết tông tích của cha đẻ. Và một nghi vấn, 66 năm trước khi Brooke gọi bệnh viện hỏi tin tức của Delphine, người y tá trả lời Delphine đã chết là vì nhầm hay cố ý bảo vệ tông tích của Delphine?

Brooke và Patricia không ngờ rằng khi còn bé có lúc Patricia ở Burbank trong khi Brooke ở Hollywood Hills, chỉ cách nhau một đoạn đường. Và trong thời gian Patricia làm quảng cáo cho công ty Adohr Farms, Brooke thường lái xe đi làm qua lại trên con đường có tấm hình quảng cáo của Patricia.

PatriciaAndBrookeMùa hè vừa qua Patrcia, 71 tuổi về Paso Robles thăm Mẹ, bà Brooke 91 tuổi. Khi Patricia bước vào nhà, Richard chồng Patricia nhận thấy hai người giống nhau như hệt. Cũng đầu tóc bạc óng ánh, đôi mắt hình trái hạnh đào, nếp nhăn trên sống mũi khi cười. Bức tranh của bà Brooke vẽ trong thập niên 1970 treo trên tường tưởng là bức tranh của Patricia một họa sĩ nào vừa họa xong. Richard còn tìm ra rằng hai mẹ con thuận tay trái, hơi vụng về, có cùng sở thích về nữ trang và lối trang trí nhà cửa. Và lúc còn con gái hai mẹ con đều mang kính cận.

Hai mẹ con nói chuyện thoải mái như đã quen nhau từ kiếp trước. Và khi Patricia té trặc chân, Brooke đã tặng con gái chiếc nạn của bà. Khi nhà báo lân la hỏi tin tức, bà Brooke thường sung sướng thốt lên: “Đây là món quà lớn nhất đời tôi. Chắc tôi đã tu nhiều kiếp!”

Năm nay Brooke và gia đình Patricia đón mừng Giáng sinh với nhau. Bà Brooke gốc Do Thái, Patrica theo đạo Tin lành. Trong phòng khách hai mẹ con đặt hình Ông già Santa Claus cạnh Cây đèn cầy 9 nhánh (Menorah). Các gói quà được đặt dưới gốc một cây thông kết đèn rực rỡ tượng trưng một bụi Hanukkah (Hanukkah bush) đối với Brooke và cây Noel đối với Patricia.

Hai mẹ con cùng ăn sườn heo nướng, khoai tây nghiền chan nước xốt, hưởng những giây phút quý nhất của đời người. Bên nhau, Brooke và Patricia tìm thấy một triết lý: đời sống có thể rất dài nhưng cũng có thể rất ngắn. Đời sống có thể hỗn độn nhưng cũng có thể rất trật tự như có một bàn tay vô hình của Chúa hay của Nghiệp định sắp xếp./.

Trần Bình Nam (phóng thuật)

Jan. 10, 2014

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn mươi năm đúng đã trôi qua, kể từ biến cố đau thương Tết Mậu Thân 1968. Quãng thời gian gần nửa thế kỷ, đủ dài cho mấy thế hệ dã lớn lên
Nhà thơ Vương Đức Lệ đã ra đi vào lúc 13:50 trưa  ngày  20 Tháng Giêng 2008 tại Virginia
Trước và sau Đại hội X đảng Cộng sản (CS), tin tức thật là ồn ào về vụ PMU 18 và chuyện các cô gái Việt trưng hàng tại Saigon hay được rao bán công khai
Mỗi khi năm hết Tết đến, ai cũng có cảm tưởng: Thời gian đi mau quá! Mới hôm nào đây còn nghe tiếng súng nổ vang trời trong dịp Tết Mậu Thân 1968
Biến cố tết Mậu Thân sắp được hầu hết toàn thể dân tộc VN, đặc biệt nhân dân miền Nam, kỷ niệm lần thứ 40 với trái tim vẫn còn rỉ máu
Tang lễ của Cố Đại Tướng CaoVăn Viên được Cử hành vô cùng trang trọng theo lễ nghi quân cách trong ba ngày
Bài sau đây của tác giả Vũ Linh Châu là một góp ý ngữ học về một vấn đề đã được tranh luận từ lâu. Thực ra, đứng về mặt bút pháp nói chung
Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đã ra đi lúc 6:15 sáng ngày 22 Tháng Giêng
Ngày tôi gặp lại Dung ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, cô giật mình, lùi lại như nhìn thấy một bóng ma. Khuôn mặt cô tái hẳn đi, cặp môi xinh xinh cong lên
Hôm Thứ Sáu 25/1/2008 tại trụ sở của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại Hà Nội gần tòa Khâm sứ cũ của giáo hội đã xẩy ra một vụ xô xát giữa giáo dân và công an.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.