Hôm nay,  

Góp Lời Về Nhà Thơ Huỳnh Công Ánh

17/12/201300:00:00(Xem: 7027)
Phan Tấn Hải
(LTS: Bài nói chuyện trong chương trình Thơ Nhạc Yêu Nước, ngày 14-12-2013 tại Little Saigon.)

Nói như thế nào về tác giả Huỳnh Công Ánh, một người đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật và nơi nào cũng để lại nhưng tác phẩm đầy cảm xúc?

Trước tiên Huỳnh Công Ánh là người yêu nước, với tuổi thanh xuân đã hiến mình cho cuộc chiến bảo vệ tự do, bị đẩy vào các trại tù sau 1975 cho tới khi vượt ngục năm 1980 và rồi vượt biên. Anh soạn nhạc, anh làm thơ, anh hoạt động trong các hội đoàn để tiếp tục cuộc chiến vì tự do, dân chủ cho quê nhà. Ngọn lửa yêu nước, yêu đời và yêu người nơi anh đã liên tục cháy, không hề tắt, và anh đã chuyển ngọn lửa này vào các nốt nhạc và những dòng thơ.

Huỳnh Công Ánh không chỉ là một người sáng tác, anh còn là người được bằng hữu yêu mến bằng phong thái sống của anh.

Nơi đây, chúng ta sẽ góp lời để nói về Huỳnh Công Ánh, nói về tác phẩm Huỳnh Công Ánh.

*

Trước tiên, để nói về tiểu sử của anh.

Nhà văn Hà Kỳ Lam, từng là bạn tù của Huỳnh Công Ánh trong lao tù CSVN, trong bài viết tưạ đề “Bài Giới Thiệu Về Tác Giả Huỳnh Công Ánh” nói về anh, trích:

“Anh Huỳnh Công Ánh sinh năm 1946 tại làng Phú Kim, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp khóa 3/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1972 anh được chọn là sĩ quan ưu tú nhất của Sư Đoàn, cùng với huân chương Anh Dũng Bội Tinh, và được tưởng thưởng đi thăm viếng Đài Loan. Sau ngày 30-4-1975, cũng như hầu hết các quân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa, Huỳnh Công Ánh đã bị đưa vào trại tập trung dưới chế độ cộng sản Việt Nam, và đã trải qua các trại giam suốt từ Nam ra Bắc. Năm 1980 tại trại tù ở huyện Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh, anh đã vượt ngục thành công, về Nam để cùng gia đình vượt biển đến Mã Lai. Anh định cư tại Hoa Kỳ năm 1982.

Là mẫu người hoạt động, từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ, bến bờ của tự do, của cơ hội, và của mọi giá trị khác, Huỳnh Công Ánh đã không ngừn hoạt động cho sự thăng tiến những lý tưởng mà anh hằng ấp ủ, hằng tha thiết. Xin kể một vài trong số những hoạt động xã hội đa dạng của anh:

- Sáng lập viên Phong Trào Hưng Ca Việt Nam (viết và hát cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho Việt Nam).

- Sáng lập viên và Chủ Tịch Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Cộng Sản Việt Nam.

- Sáng lập viên Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do...”(hết trích)

*

Bây giờ, hãy nhìn thấy thế này: Riêng về âm nhạc, Huỳnh Công Ánh đã có nhiều tác phẩm. Và rồi anh làm thơ, in thơ, làm báo, và kinh doanh. Anh được vinh danh bởi nhiều giải thưởng tại Hoa Kỳ, từng được tuyên dương trước Quốc Hội Hoa Kỳ (năm 1992) về hoạt động xã hội và nhân quyền, cũng như được trao giải thưởng Jefferson Award năm 1998 với lời ca ngợi là người thành công nhất trong năm tại Texas về kinh tế và xã hội.

Tại sao anh xông xáo vào nhiều lĩnh vực như thế? Đơn giản, có thể hiểu rằng, ngọn lửa trong tâm hồn anh đã thôi thúc, không cho anh ngừng nghỉ. Không phảỉ vì anh muốn sống bù cho những ngày anh ở tù. Chỉ đơn giản vì Huỳnh Công Ánh phải sống đêm ngày thao thức vì đồng bào anh vẫn còn đau khổ, chưa thấy được ánh sáng của tự do, dân chủ.
huynh-cong-anh-2013-resized
Huỳnh Công Ánh đàn, hôm Thứ Bảy 14-12-2013 ở Little Saigon.

Nhà văn Nguyên Lương trong bài viết tưạ đề “Chất Thơ Trong Con Người Huỳnh Công Ánh” đã ghi nhận:

“...Ông đã từng là nhà giáo, sĩ quan, tù nhân, thương gia, nông gia, ông làm tất, và làm cái gì cũng được việc. Ông là người tài hoa nên bạn hữu gọi ông là nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, ông từ chối hết, chỉ nhận một chữ sĩ: liêm sỉ. Ông sống có hậu với bạn bè, người thân, và cả đến người muốn hại ông. Ở ông toát ra một cái gì đó ngang dọc, khuấy động, không chịu cúi lòn của Từ Hải trong truyện Kiều. Có lúc ông đã có, có rất nhiều và cũng có khi ông đã mất, mất hết sạch. Dù có nhiều hay mất hết, trong ông lúc nào cũng ngùn ngụt cháy một ngọn lửa của tình chiến hữu, nghĩa đồng bào, hồn dân tộc. Trong thơ ông ít nhiều mỗi bài đã nói lên những điều đó:

Thì mở vòng tay như đã mở.
Đón đời, đón tình, đón yêu thương.
Và đón những gì không còn nữa.
Biết đâu may đó là thiên đường...”(hết trích)


*

Sang tới Hoa Kỳ tỵ nạn, nhiều năm sau Huỳnh Công Ánh vẫn còn ngẩn ngơ thắc mắc vì đâu anh buông súng, khi đạn đã lên nòng.

Nhà văn Đào Văn Bình trong bài viết tựa đề “Giới thiệu tập thơ “Ơn Nghĩa Trùng Trùng” của Huỳnh Công Ánh” có ghi nhận những hình ảnh lúc hào hùng, lúc thơ mộng của Huỳnh Công Ánh, trích:

“Cũng giống như chúng ta, anh mang thân phận của một linh hồn vong quốc và lúc nào cũng ngỡ ngàng tự hỏi “vì đâu anh buông súng” trong khi “viên đạn đã lên nòng”. (Trong Vì Đâu Anh Buông Súng trang 85)

Thả vào gió vào mây hồn Phạm Thái

Và chuôi gươm lạnh ngắt tự bao giờ
Bầu rượu cạn mấy mươi mùa khô mãi
Môi anh hùng tê tái đọng giọt thơ
(trong “Rượu nhập huyết trào, thơ thống hận” trang 60)


...

Tình yêu chính là liều thuốc màu nhiệm làm sống lại một tâm hồn phiêu bạt, chai cứng, bầm giập mà anh gọi là “đá cũng trổ bông” như trong bài thơ Tình Muôn Năm nơi trang 24:

Em mưa nhỏ lời tình thiêng sũng ướt
Đá hồn ta trơ thế vẫn trổ bông
Em nắng xuống trên lưng đời óng mượt
Băng giá ta tan chảy ngập trong lòng.”(hết trích)


*

Sống với những cảm xúc như thế thật là tuyệt vời. Trong Huỳnh Công Ánh là những âm vang cuả trống trận Tây Sơn, và trong những gì làm men sống cho người thất trận như anh là hình ảnh một cô em với lời tình thiêng sũng ướt, nơi hồn anh đã trơ đá vì nỗi đau thất trận vẫn hốt nhiên trổ bông.

Hay như phân tích của Kathy Trần qua bài viết tưạ đề “Một chút thơ nhạc của Hưng ca Huỳnh Công Ánh,” trong đó có lời tự giải thích của Huỳnh Công Ánh, trích:

“...Ba mươi tám năm dài trên đất tự do, HCA vẫn mang một trái tim, một tấm lòng miệt mài tranh đấu. Anh đã bắt đầu lại từ con số không và vẫn mang nặng tấm lòng trăn trở về vận nước. Không còn cây súng trong tay, anh dùng lời thơ, cây đàn, tiếng hát làm vũ khí.

Anh nói về chính nghĩa của những người VN bỏ nước ra đi:

Là người Việt Nam, máu tiếp máu luân lưu
Từ cha ông đến đời đời con cháu
Giòng máu hùng anh, bền gan tranh đấu
Đánh đuổi giặc ngoài thù trong
Xin đừng nói chúng tôi lưu vong
Xin đừng nói chúng tôi tha phương,
Vì bát cơm, manh áo
Mà vì một ngày về Làm rạng rỡ Việt Nam
(Khúc Quanh Lịch Sử)”(hết trích)


*

Tuy nhiên, hãy nêu câu hỏi rằng, những gì đang xuyên suốt tất cả những nhạc, những thơ của Huỳnh Công Ánh? Vâng, đó là Tâm, đó là nhân cách, đó là tấm lòng...

Nhà văn Huỳnh Văn Phú trong bài viết tựa đề “Bài Viết Giới Thiệu Thi Tập Quẳng Gánh Lao Đao, Giữ Nụ Cười” đã ghi nhận, trích:

“...tôi thật sự bị lôi cuốn vì ngôn ngữ thơ của anh và những điều anh muốn gửi gấm đến người đọc. Bàng bạc trong suốt tập thơ, tôi nhận ra một điều chủ yếu là tác giả có cái Tâm. Chính cái Tâm này làm nên nhân cách của tác giả. Ngoài nhân cách ra, tác giả còn có một tấm lòng. Chữ tấm lòng ở đây với tất cả ý nghiã của từ ngữ này. Chỉ riêng qua bài thơ “Tâm Tình của Một Hội Viên Mới” thôi, chúng ta cũng thấy được tấm lòng của Huỳnh Công Ánh là tấm lòng của một người suốt đời hướng về gia đình vợ con, thân hữu, bè bạn, chiến hữu và quê hương đất nước với những tình cảm rạt rào và thiết tha nhất.

Càng đi sâu vào thi tập “Quẳng Gánh Lao Đao Giữ Nu Cười”, tôi khám phá thấy thơ của Huỳnh Công Ánh thật đa dạng và phong phú về mọi góc cạnh của cuộc đời. Huỳnh Công Ánh làm thơ thật tự nhiên, thật dễ dàng, có vẻ như không trau chuốt mà lại rất trau chuốt với một ngôn ngữ thơ rất là …Huỳnh Công Ánh...”(hết trích)

*

Và một điểm đặc biệt chỉ có bác sĩ mới nhìn thấy được nơi Huỳnh Công Ánh: nghệ thuật là để trị liệu cho những nỗi đau lưu vong của anh.

Nhà văn Trang Châu, cũng là một bác sĩ y khoa, từ Canada giải thích qua bài viết tựa đề “Đọc thi phẩm Quẳng Gánh Lao Đao Giữ Nụ Cười của Huỳnh Công Ánh” đã phân tích bằng những mũi dao giảỉ phẫu rất là nghệ thuật, trích:

“...Trước tiên Huỳnh Công Ánh coi việc làm thơ như một phương pháp trị liệu cho chính tâm hồn mình:

Thơ chữa lành
Tủi hận, ưu tư...


Huỳnh Công Ánh làm thơ vì cuộc đời trôi nổi của ông bắt ông không thể không làm thơ dù ông khiêm tốn không nghĩ mình là thi sĩ:

Tôi làm thơ
Không để thành thi sĩ
Ghi lại thôi
Những dữ liệu trong lòng
…………
Hồn mực nầy
Là máu nhỏ từ tim
Lời thơ ấy
Đã hằn bao oan nghiệt
Bởi lòng tôi đầy ứ những ưu phiền...


...

Huỳnh Công Ánh làm thơ để tạ ơn đời dù đời ông đã trải qua bao nhiêu kham khổ, hiểm nguy: Bị tập trung đi tù qua các trại tù từ Nam ra Bắc, rồi vượt ngục,vượt biên.Nhưng dù đời đã bắt trải qua trăm nghìn cay đắng Huỳnh Công Ánh vẫn nhìn đời bằng đôi mắt bao dung,bằng một trái tim rộng lượng,bằng một lối sống an nhiên và bằng những suy nghĩ về thế sự một cách tích cực.

Ta hãy đọc:

Ít ra cũng gởi lại đời
Chút bâng khuâng, phớt nụ cười đắng cay
Chút thiết tha đôn hậu kiếp nầy
Chút chua chát, khẽ nhíu mày thứ tha...”(hết trích)


*

Nhìn chung, Huỳnh Công Ánh đa dạng, đa tài, đa hiệu... Anh không chỉ hiện thân trong nghệ thuật, mà thực ra anh đã phân thân, anh đã hóa thân để trở thành một chuỗi kính vạn hoa. Nhìn sang bên này, anh là thơ; sang bên kia, anh là nhạc. Tuy nhiên, dù nhìn trước hay nhìn sau, nhìn phải hay nhìn trái... tận cùng trong tác phẩm Huỳnh Công Ánh là nỗi nhớ quê hương, là ước mơ dân chủ cho đồng bào, là những tình yêu nồng nhiệt của anh giành cho đất nước, cho con người, và cả cho người tình.

Xin cảm ơn Huỳnh Công Ánh.

Phan Tấn Hải

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.