Hôm nay,  

Trần Hoài Thư: Người Lính Sưu Tập Hương Thơ Của Mùa Chinh Chiến Cũ Qua Vuông Đời “Ô Cửa” (2)

07/12/201300:00:00(Xem: 4552)
Trong bài trước, chúng tôi được hân hạnh giới thiệu đến qúi bạn đọc thi tập “Dưới Trời Khói Lửa” của Trần Hoài Thư, tập thơ ghi lại những ngày tác giả cầm súng giữ đất trời Bình Định, Tây Nguyên trong tuyển tập Ô Cửa.

Hôm nay, chúng tôi hân hoan, mạn phép,mở cánh cửa hồn nhà thơ lính qua thi tập”Tình Si”, bởi đôi khi thơ thẩn qúa nên đâm ra ngớ ngẩn: “Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng- Mà sầu trong dạ đã mang mang” của Xuân Diệu thi sĩ thuở nào.

Ai cũng giữ riêng cho mình những ngăn kéo trong tim,tác giả thuở vào đời đã run rẩy:

”Nhã ở làng trên- Anh về làng dưới” để rồi “Không biết khi nào anh được hôn em- Nhã trang 132”.

Đời lính phiêu bồng, ngược Nam xuôi Bắc,khi về biển,lúc dẫm bước lên rừng, con chim lạc bầy bay xuống phương Nam, làm con chim quyên ăn trái nhản lồng, hát bài Lý Ngựa Ô, nhưng mà con ngựa ô không phải theo chàng mà hoạt cảnh trái ngược, đúng như tác giả tự thuật:

“Theo em bỏ núi về châu thổ
Bỏ mán về kinh làm rể xa”


Hay:

“Cám ơn người nữ vùng châu thổ
Cho anh về gởi rể phương Nam”
(Theo em trang 134)


Trang nhật ký cuả tác giả chứa chan những ân tình, những cảm nghĩ chạy xuyên suốt phần đời cuả mình: “…Từ vầng trăng cô độc bến An Đông, tôi lên xe bỏ lớp, vì sao tôi trở lại miền Nam, núi có buồn kéo tận Trường Sơn, nghe đất trời nhỏ lệ miền Nam” nghe như một bài hành của một đời thơ, một bản sơ yếu lý lịch mà Tâm Bồ Tát diệu vợi bao la hoà điệu cùng niềm đau đất nước:

“Màu lục thủy cũng là màu hồng thủy
Thái bình dương thì cũng nghĩa trang dương
Ai ở đó ngàn năm đôi mắt tội
Một trăm năm tôi ra biển gọi thầm”
(Thơ của Văn trang 139)


Trong “Cảm tạ đồng bằng trang 140”, tác giả phân vân giữa đôi bờ thương nhớ:” Nhớ Trường Sơn lại mến đồng bằng hoặc Anh theo em bỏ xứ. Bao giờ”. Những mối tình nảy sinh bất ngờ đó, đã khiến nhiều thi nhân sáng tác nên những vầng thơ trác tuyệt.

Mối tình viễn phương, đẫm màu sắc hương xa cuả Phan Lạc Tuyên qua bài “Đêm trăng Vạn Tượng” với những câu đầy tình tứ, thi vị:

“Dòng Cửu Long xao xuyến đêm trăng
Vang tiếng “khèn” êm êm dịu dàng
Những “phòu sao” đẹp như vũ trụ
Tóc mun cài hoa
Cánh lan trắng ngà..”


Dòng sông Cửu qua thi ca sẽ là một đề tài đầy hấp dẫn, chứa chan tình tự vô ngần. Nhà thơ Kiên Giang trong “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”,đã gây những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, nhất là người lục tỉnh miền Tây:

“Nơi đây dân sống no lành lắm-Với đất miền Tây, nước Hậu Giang- Với trái Cần Thơ rau Bảy Núi- Với khô Rạch Gía lúa miền Nam.

Muối Bạc Liêu nặng tình biển cả- Tiêu Hà Tiên nồng ý quê hương -Thơm tho khói thuốc mùi Cao Lảnh-Cá cháy bùi ngon vị Sóc Trăng”.
(Đẹp Hậu Giang)

Và ở Trần Hoài Thư:” Cảm tạ em người em Cửu Long -Em cho anh hơi thở đồng bằng”.

Vẫn chung dòng sông Cửu, nghe phù sa quyện lấy châu thân, bởi đất màu đưa cây trái đơm bông:(những bưởi, những xoài, những vú sửa, những chôm chôm…) và bởi từ đó đồng lúa miền Nam tập hợp những hạt giống trời nuôi tình hay nuôi em khôn lớn. Trong sự ân sũng vô vàn đại lượng và cũng vô vàn vi diệu, ai trong chúng ta một khi rời xa dòng sông ấy, tự đáy lòng không khỏi luyến lưu.

Ôi chao!, nỗi lòng tác giả vương vít như nỗi lòng gái quê mỗi khi bâng khuâng đón làn gió Tết. Những cảm giác mênh mông, xa vắng, không diễn tả bằng ngôn từ và trái tim gọi những nhịp đập vu vơ và từ đó thân thể đời vươn vai đứng dậy, như chu kỳ của con tằm ăn một, ăn hai, ngủ vùi, sau cùng biến thái, hóa thân thành bướm.

“Đừng chạm nhé, áo lòng tôi đã rách
Kẻo tôi về ôm lấy những chờ mong”
(Tháng chin trang 144)


Thêm vào đó, tác giả bị mê hoặc do nhựa sống miền Nam?.Chân giày tàng dẫm qua biết bao vùng sông nước và nhất là tình người chân chất miền Tây, những chữ “dìa, mình ên, qua, bậu,…”, thoạt tiên nghe ngớ ngẩn nhưng khi xa rời cũng khiến ta ngẩn ngơ.

Hoa đồng tiêu biểu của vùng sông nước Hậu Giang có hoa súng, điên điển, mà tác giả khi đưa vào vị giác đã cảm khái:” Miền Tây ơi vương trạch- Đất và người bao dung” hay tình dân quân gắn bó nồng đượm bởi dư hương của một người:

“Mẹ vo nồi gạo trắng
Em ra vườn hái bông
Nồi canh chua điên điển
Ấm chút tình non sông”
(Bông châu thổ trang 149)


Trái tim lướt thướt của tác giả rung đều theo bước chân kỷ niệm” Sợ áo em mỏng ra đường đi lễ sớm…Đẫm hồn tôi người con gái Thê Rê Sa ‘ và bất chợt nghe lòng mình thương cảm qúa:

“Cảm ơn một thời tuổi trẻ Việt Nam- Cho tôi hiểu tình yêu và nước mắt- Cho tôi hiểu khi một người hạnh phúc- Là ấm thêm lòng giọt lệ nhớ nhung.” (Đôi mắt trang 151)

Trong “Tình Si”, chúng tôi thoạt nghĩ tác giả chỉ viết dành riêng cho thời tuổi trẻ hay lạc bước quê người. Hồn lính ấy vẫn tiềm tàng, vẫn thôi thúc, vẫn chung tình.Đáng yêu biết mấy khi có người bạn đời, thốt nên một câu để đời trong trái tim tác giả:

“Tôi qúa nghèo chỉ bộ đồ xanh
Dăm thằng bạn quen nhau thời khốn khó
Nàng thì thào bên tôi, cần gì thứ đó
Miễn tình anh vô lượng như thơ anh”
(Người yêu tôi ở đồng bằng trang 157)


Mát dạ mát lòng chưa hởi nhà thơ lính cuả chúng ta?.

Tình hoài hương ẩn trong tình yêu đương, tác giả nhớ, nhớ và nhớ. Nhớ đến vô cùng, sợi nắng vàng quê hương, những đồi sim tím, những bản Thượng, hoa quì vàng nở rộ ven đường lên sơn cước miền cao hay cánh đồng đưa mùi luá chín, nhớ hoa sứ nhà nàng, nhớ mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử và nhớ mình đang cô đơn nơi xứ lạnh quê người:

“Lạnh thêm nỗi nhớ trùng trùng- Tìm đâu hương cũ giữa dòng viễn khơi”. (Vào giêng trang 161).

Không dừng ở đó, trí óc chàng bay và tim chàng chỉ lối, những dòng kinh gợi nhớ chiếc khăn rằn, những lần di hành mạng sống như sợi chỉ mong manh. Về biển Qui Nhơn ngậm ngùi vào bệnh viện. Cả một vùng đất trời thênh thang đó là ảnh hình không thể chia cắt hay là những âm bản buồn?. Lại Phù Cũ, Bồng Sơn, An Khê, Tuy Phước, Gò Bồi, Gò Găng, có em chầm nón chờ che nắng quái quê hương bốn mùa lửa đạn. Xuôi về Nam hương gây mùi nhớ, hoa bưởi, hoa cam và hương chàng nhớ nhất có phải hưong thầm của một người:” Em cũng theo tôi nuôi chồng lận đận…Cám ơn em người con gái miền Nam” (Sợi tóc nhớ nhung trang165).

Bốn bài lục bát, hơi thở tác giả phả vào từng con chữ, dịu dàng như mây mùa thu mà cõi lòng biết đâu là đông xám. “Con trâu đã trả lại sừng ngoài ao- Cầu Trời trang 169) hay “Dỗ tôi soi bóng dặm ngàn ly hương -Một nửa vầng ngọc lan trang 171) hoặc trong “Điếu thu trang 172- Trên cành một lũ qụa đen- Oác lời cho thảm điệu kèn điếu thu”.

Trong không gian của màn sương khuya, tác giả mông lung, chập chờn giữa đêm không trăng và tự vấn:” Đêm qúa tối, người làm sao thấy- Những nỗi buồn chất ngất Trường Sơn”. Ngôn từ buồn được sử dụng, được nhắc nhở, trải dài gần như trong từng mỗi bài thơ. Thiếu tiếng “buồn”, qúi thi nhân cảm thấy trống vắng làm sao ấy. Nó như hương liệu gia tăng nồng độ kích thích cảm giác con người.

“Một mai tôi chết bên trời Bắc
Em làm sao được khóc bên song”


hoặc, thấy người hỏi lại chính ta, qua trạng thái làm chiếc lá vàng:

“Đôi khi thấy áo bay đầy phố
Ngỡ hồn mình hiu hắt mùa thu”
( Si dại trang 178)


Tâm trí chàng gắn chặt với quê hương, những hơi hướm của trời cuả đất nơi tác giả đã kinh qua. Đó có thể là thị trấn mù sương, một con đèo dốc đổ, cánh hoa cúc dại vàng rực nở rộ bên đường xuôi Phú Bổn, ven đỉnh Hàm Rồng hay của Đơn Dương xứ “Buồn Muôn Thuở”. Kỷ niệm không bao giờ nhạt phai, một người lính chung tình rất đổi mà chúng ta hiếm gặp. Những dáng hồng Tây Phương cũng chỉ là hư ảnh trong tim chàng dù đời thường là chân ảnh. Những tỉ dụ rất người khiến ta càng nhận rõ con người lính chiến ngày xưa, luôn khắc ghi những hồn chiến sĩ, đã ngủ vùi đâu đó bên cánh đồng mạ tươi hay bìa rừng Tây Nguyên gía lạnh.:

“Sao tôi buồn lại nhớ Đơn Dương
Con đèo xám, sương mù hôn thị trấn
Chiếc quán trên đèo, gió lùa vách trống
Mỗi năm tôi về đốt sợi tình si”
( Em Tây Phương trang 182)


Đọc đến chừng này trang, tôi có cảm nhận đây là bài thơ tình hay,đẹp, dễ thương, giai điệu nhẹ nhàng, chuyển ý mạch lạc theo bốn câu bảy chữ,ý thơ sâu lắng nhưng đằm thắm trong thi tập “Tình Si”. Nó gây cho chúng ta cảm giác gì nhỉ?. Sum họp, chia tan, chúng ta mở lòng nghe tác giả phát tín hiệu lời chúc qua cái bắt tay:

“Cái bắt tay này chuyền từ thịt da
Lửa sẽ nóng để làm em ấm áp
Ở nơi ấy, mưa dầm hai ba tháng
Em lấy gì sưởi ấm lúc em đau
.
Cái bắt tay này, kỷ niệm đàn ông
Những lúc thất tình mang ra để nhớ
Để có lúc buồn lấy tiêu xài đở
Cũng yêu thầm nhớ trộm vu vơ
.
Cái bắt tay này để phòng khi xa
Em cảm lạnh không ai chuyền hơi nóng
Để hơi sức tôi đổi thành hơi nóng
Cho em mau lành vui với chồng con”
(Mai em về, xin được bắt tay trang 184)


Qúi liệt vị cánh đàn ông nghĩ sao về bài thơ?. Nên lén cắt để dành trong ví cũng như lời van vỉ cuả chàng:” Những lúc thất tình mang ra để nhớ”. Nội dung bài thơ, chúng tôi bất khả tư nghì.


Quẩn quanh như tác giả đưa lời:” Câu chuyện lứa đôi- nhàm chán như chuyện ăn ngủ”, nhưng hồn thơ sao mãi vấn vương hoài, ký ức cuộn tròn trong mảnh sân trước, vườn sau, những vườn cây ăn trái, trăng sáng đường làng, con ve sầu. Tình cảm chàng lấn cấn khó biểu lộ thành một ý niệm rõ ràng:” Cũng muốn vất xuống giòng sông qúa khứ- Sao lại mang vào túi áo khi đi- Để giữ gìn những yêu dấu tuổi thơ- Dư niệm trang 188).

Cuộc tương phùng hẳn là đau thương ngoạn mục, khi mỗi người mỗi ngã, bất ngờ tao ngộ chiến, tác giả, người lính gìa ngơ ngác: ”Thôi thì xem hoa niệm- Của một thời chiến chinh- Tình xưa trang 191). Tâm trạng tác giả cùng với âm hưởng bài “Tình gìa “cuả cụ Phan Khôi, nỗi ray rức chùng nặng giữa hai tâm hồn:

“Hai mươi bốn năm sau- Tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được…”


“Khi qủa đất này loài người gần gũi- Tại sao có người rất lạ quê hương”. Có thể chúng ta rơi vào thời đại toàn cầu hoá, nên tác giả vẽ ra một hình tượng gần gũi về mặt thông tin, nhưng địa lý vẫn muôn vàn xa cách, trong đó ý thức hệ con người vẫn là mây lửa, bụi mù.Tác giả rất lạ với quê hương cũng nằm trong tâm thức đó. “Đất nước mất rồi ta cũng mất em sao?.-Xa lạ trang 192). Chúng tôi xin dành câu giải đáp cho qúi bạn đọc. Nhưng tiếng than tuyệt vọng ấy, may ra còn có tiếng phản hồi để châu về hiệp phố sau cuộc đổi đời không tiền khoáng hậu. Những cánh cửa bật tung, sân khấu đời kịch diễn vở tuồng dài, kẻ khóc người cười, tưởng chừng như cánh màn nhung không bao giờ khép.

“Gọi cốc cà phê, cốc nhớ nhung- trang 193”, tác giả thẩn thờ trong phong vị nhuốm màu quan san:

“Gọi cốc cà phê cốc nhớ nhung
Tàu đi, tôi có tiễn ai đâu
Những người tôi tiễn thì đi biệt
Còn lại mình tôi những chuyến tàu”


Tuyệt vời.

Tác giả xem chừng đã “có nợ nần gì nhau” trong miền đất khổ Tam Quan, đi và nhớ là sợi dây ràng buộc tác giả, dù chỉ ly xây chừng, uống nước dừa em trao, ngần ấy cũng gợi cho tác giả những cảm xúc dâng tràn. Tác giả chiến đấu chính bằng sinh mạng, bằng máu, nước mắt, chút an ủi đơn sơ, bình dị,đủ xóa mờ đi tất cả, người lính miền Nam của chàng là thế đấy.

“Núp dưới gốc dừa che mây che nắng
Ôi những thân dừa cho tôi được sống
Lỗ đạn cày bừa chi chit tang thương
……………
Tôi về Tam Quan ngược lên Đèo Nhông”
(Đôi mắt Tam Quan trang 203)


Những câu thơ đẹp không mấy khó tìm trong “Tình Si”, bài ”Hoa đồng” như một ví dụ điển hình. Tác giả, mà trí tưởng tượng mênh mông, chạy theo từng góc nhớ không ngừng nghỉ, đang chiêm ngưỡng người em áo bà ba, cỏ nội hương đồng, bên gốc cau nàng đưa tay tưới, lại viễn du: “Cau mới trổ buồng, trái nhỏ còn non- Khi cau lớn em nhớ để dành cho anh em nhé”. Sự liên tưởng như chiếc nút đóng và mở,chạy nhảy, đi đứng,bay lang thang, vẩn vơ vì tác giả là một nhà thơ lính chân tình.

Ước mơ của tác giả cũng vỡ tan như vầng thơ sầu rụng cuả Lưu thi sĩ. Bày chi một cuộc biển dâu và tác giả còn những gì chưa bày tỏ, chúng ta hãy nghe tiếng chuyển động của cơn địa chấn hay một cơn hồng thủy, gây chấn động tim chàng:

“Nhưng cuối cùng sông núi vẫn chia phôi
Có ai biết một ngày anh phải bỏ
Phải đành đoạn xa lià người em gái nhỏ
Phải tha phương nơi xứ lạ quê người
Đã bao năm rồi nước vẫn cứ trôi
Chắc những mùa cau vẫn trổ buồng trổ trái
Không biết có buồng nào em dành cho anh ngày anh về lại
Để anh còn tưởng nhớ lại người thương
Của hoa đồng cỏ nội quê hương”
(Hoa đồng trang 208)


Lời thơ tha thiết, miên man dễ gây xúc động lòng người.

Bước chân đi còn nhớ mãi quê nhà, hồn đông phương của những trái tim thơ dạt dào cảm xúc. “Như ngôi nhà gió nhìn ra biển- Không thấy người mà bảo biệt ly- Khi qua Nữu Ước trang 217”. Vâng, biệt ly đã ngự trị sẳn trong lòng người, như con thuyền ra khơi vào một đêm đen, gió mưa sùi sụt, hay trên chuyến bay đi xa mà nhiều người vẫn cố mang cho mình nắm đất quê hương. Bởi cội nguồn chúng ta đã là sự phân ly giữa biển và núi, giữa Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc. Riêng chàng, cuộc từ ly cũng vẫn mang tâm sự của hai người nam nữ, tác giả hẳn phải hân hoan chấp nhận, bởi còn thú vị nào hơn khi: ”Uống tách cà phê để nhớ người.”. Một trời hạnh phúc đấy nhà thơ lính cuả chúng ta ơi!....

Hương cà phê chắc dễ khiến hồn tác giả say khước thay vì men rượu. Tách cà phê sẽ đưa tim chàng bay cao?. Những ngày xuôi ngược miền cao gía lạnh, tách cà phê hẳn sưởi ấm tim chàng,mà con tim ấy,lúc nào cũng đeo đuổi một bóng giai nhân. Cứ cho là vậy, để chàng còn ngao du trên những trang giấy, tạm quên bóng dáng chiến tranh săn đuổi, rình rập quanh mình. Bên “lô cốt”, trên những thùng đạn đại liên, chiếc ba lô đẩm nồng mồ hôi, tác giả viết mảng đời trôi nổi, cuồng vọng của mình.

“Nên để em pha tôi một ly cà phê thật đậm
Để tôi phải trở về suốt đêm trằn trọc
Cứ nhớ hoài một đôi mắt tô than”
(Trách trang 217)


Ba bài sáu tám ngắn, có những câu đẹp,rung động, trầm dịu:” Màu biệt ly cũng chỉ màu từ ly- Bồi hồi biển dâu trang 218”; “Sao tôi không đóng nỗi niềm muội mê- Hỏi lòng trang 219”; “Bây giờ hạt nặng hạt thưa- Tôi mang nỗi nhớ đụt nhờ ai đây- Hiên tình trang 220”.

Tác giả không còn “Tương tư chiều” như một bài thơ cuả Xuân Diệu, ngược lại, tác giả tương tư hết một đời.

Trong bài, tác giả không miêu tả rõ, chỉ gợi ảnh hình, có lẽ muốn trang điểm cho khung cảnh tình yêu lãng mạn đôi chút, súng gươm bỏ lại bên nghĩa trang làng,chàng đi phục kích, cũng dè sẻn cho mình năm phút để nhìn ngắm dáng hồng, trước khi bày trò chơi súng đạn:” Hãy để tôi nhìn lên đôi mắt- Trước khi chia chát với âm hồn- Từ buổi ra về trang 223”. Trời ạ!, chỉ có nhà thơ lính duy nhất này mà thôi, và biết đâu cũng còn những “hồn thơ ngây” khác, cứ ngẩn ngơ vì sắc da trắng, môi hồng, dáng vấp thanh tú, nhiều cô đều ngang ngửa như nhau. Cái đất Tây Sơn, địa linh nhân kiệt, hậu duệ cuả nữ tướng Bùi Thị Xuân, tài trí, trung nghĩa vẹn toàn. Thôi thì chúng ta cứ mặc cho chàng đánh cược với tình yêu, vì chiến tranh còn dài, không buông tay hôm nay rồi cũng sẽ phải ngày mai?. Súng đạn vô tình và lòng cô thôn nữ có vô tình không nhỉ?. Nhưng, dễ chừng hơn bốn mươi năm qua, nụ hoa đồng ấy, đã đóng dấu ấn cho con tim tội tình của chàng vết thương chẳng bao giờ lành:

“Bỏ người con gái làng Tân Ngải
Bỏ cánh hoa quê tuổi dậy thì”
(Từ buổi ra về trang 223)


“Bây giờ tôi ở xa ngàn dặm….Có hoa nào yêu dấu đời tôi- Từ buổi ra về trang 224).

Tác giả có cần thêm một ly xây chừng nữa không?. Nước mắt hẳn phải thay chất sửa cho hương vị đời bớt đau thương.

Như cụ Nguyễn Công Trứ ai hoài: ”Kiếp sau xin chớ làm người- Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Liệu có kiếp lai sinh và tác giả hoài vọng cho mình điều ước gì?. Nghiệp thơ trĩu nặng trên vai nữa cùng không?. Chúng ta hãy nghe tác giả tự hỏi vu vơ:

“Cô bạn lạnh lùng như gỗ cây
Hồn tôi đây mưa lạnh giăng đầy
Trời ơi, hai kẻ nhìn mưa đợi
Cô đợi người, tôi biết đợi ai?”
(Xa lạ trang 225)


Trong thi tập “Tình Si”, chúng ta đã dong ruổi theo chàng xuyên qua nhiều miền của đất nước, đã nghe chàng hối tiếc thời thanh xuân qua bóng dáng chú sóc băng ngang đường, hàng cây trắc bá diệp xanh màu lá, vầng trăng cô độc bến An Đông, dấu rêu phong thành nội. Hồn phiêu du trên dãy Trường Sơn, thương dòng Thạch Hãn, Cửu Long, mẹ gánh con trên đôi thúng nhỏ, hải hùng trên đại lộ kinh hoàng, nghe đất trời nhỏ lệ Việt-Nam. Bên nay bờ Thái Bình vẫn run theo từng nỗi nhớ và một trăm năm ra biển gọi thầm.

Tình yêu thời tuổi trẻ được tác giả ghi lại, lúc đậm nét, lúc nhạt nhoà. Nghe tha thiết như tiếng kinh cầu, khi xuôi tay vẫn si tình cô hàng cà phê Bạch Tuyết, thân trên đầu súng vẫn cợt đùa theo bóng sắc giai nhân làng Tân Ngải. Một mối duyên tiền định cùng người em gái Hậu Giang.

Và hơn bao giờ hết, mối tình si ấy, theo thiển nghĩ,vẫn là mối tình chiến hửu, những người ràng buộc sống chết bên nhau, trên những ô ruộng nhỏ của quê hương nhục nhằn Bình Định, của cao nguyên nắng bụi mưa bùn, thẩn thơ qua ảnh hình sơn nữ. Những sợi dây quá khứ, kết tụ như những “nút “buồn trong lòng viễn khách, liệu có phôi pha?. Tác giả vẫn đứng đợi chờ ai ngoài bãi đậu xe, con tim rải theo từng vết bụi mù chuyển bánh:

“Đợi mãi, đợi hoài, như chiêm bao”.

Ngoài ra, tác giả cũng còn những buổi chiều, những sớm, một mình xoay tách cà phê, nhớ một sợi nắng vàng nào đó của quê hương.

Dòng thơ nhẹ, không dồn dập, ý thơ phong phú qua nhiều thể tài dù là “Tình Si”.

Và cũng xin mượn một câu thơ anh thay lời kết:” Làm sao bứng hoài gốc nhớ trong ta- Gốc nhớ trang 209.”

Thi tập Tình Si trong tuyển tập Ô Cửa của Trần Hoài Thư

Thư Ấn Quán xuất bản năm 2004

Trình bày, lay out: Trần Hoài Thư

Lâm Hảo Dũng

Van,BC,Can.Nov24-13

(2) Giới thiệu thi tập Tình Si

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.