Hôm nay,  

Lá Thư Từ Đức Quốc, 04-12-2013: Khủng Hoảng, Thất Cử, Triều Đại Roesler Cáo Chung Và Đi Vào Lịch Sử Chính Trị Xấu Nhất Của FDP Từ 1949

05/12/201300:00:00(Xem: 6498)
Lê-Ngọc Châu
(Munich)

Lời tác giả: Như đã nói, có dịp tôi sẽ tóm lược nhanh tin liên quan đến "hậu bầu cử Quốc Hội Đức" đã xảy ra vào ngày Chủ Nhật 22-9-2013. Vì kẹt thời gian nên hôm nay, người viết trở lại cùng quý độc giả với Lá Thư từ Đức quốc tương đối khá dài và thử phân tích tổng quát sự khủng hoảng của FDP trong vài năm qua. Mong quý độc giả hoan hỷ cho sự chậm trễ (thà trễ còn hơn không !) cũng như những sơ sót khó tránh khỏi, nếu có. Đa tạ (LNC).

* * *

Để quý độc giả tiện theo dõi, tôi nhắc lại vài diễn biến liên quan đến FDP trong quá khứ.

Bác sĩ Philipp Roesler, tân chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP), người Đức gốc Việt đã được bà thủ tướng Đức Angela Merkel bổ nhiệm làm phó thủ tướng trong chính phủ liên minh giữa đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) và đảng FDP vào trung tuần tháng 5.2011. Roesler trở thành nhân vật quan trọng thứ nhì trong liên minh chính phủ Đen + Vàng (CDU/CSU + FDP).

Trước đó, Roesler (FDP) đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế liên bang, thay thế ông Rainer Bruederle (FDP) và rồi nhận luôn chức phó thủ tướng thay cho ông Guido Westerwelle, ngoại trưởng Đức sau khi Westerwelle từ chức chủ tịch đảng FDP. Kể từ đó, trong các buổi họp nội các ông Rưsler được sắp chỗ ngồi bên tay phải của thủ tướng Merkel.

Tuy nhiên trách nhiệm nặng nề đang chờ Roesler sau kỳ đại hội đảng FDP 2011 tại Rostock là làm sao cải tổ và chấn chỉnh FDP về nhân sự cũng như nội dung liên quan đến đường lối chính trị đảng để đưa FDP ra khỏi cơn khủng hoảng.

Chúng ta đã biết qua nhiều bài giới thiệu, Dr. Philipp Roesler là một trong những chính trị gia hàng đầu của đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP), lên thay Tiến Sĩ Westerwelle từ chức vì áp lực nội đảng trong chức vụ chủ tịch. Roesler được đánh giá là chính trị gia có khả năng nhưng ai theo dõi tình hình chính trị Đức đều nhận thấy là sức ép, gánh nặng rất lớn đang chờ đợi ông ta lúc đó.

Philipp Roesler, sinh năm 1973, 39 tuổi, là người "di dân" đầu tiên đã có sự thăng tiến vượt bực trên con đường chính trị. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, tỉnh bộ FDP tiểu bang Niedersachsen đã bầu Roesler vào chức "bí thư" khi mới vừa 27 tuổi.

Tháng 10-2009 Roesler trở thành bộ trưởng y tế Cộng Hoà Liên Bang Đức.

Cựu chủ tịch đảng FDP, Westerwelle tỏ ra tin vào khả năng của Roesler, người kế vị ông ta. Ngay cả chính trị gia lão thành của FDP, ông Klaus Kinkel qua cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Deutschlandfunk cũng nhận xét, đánh giá: " Roesler mang theo nhiều điều kiện tiên quyết, để từ đó có thể giải quyết được một cách chắc chắn, can đảm những công việc khó khăn. Ngoài những kinh nghiệm nghề nghiệp, Roesler còn có kinh nghiệm chính trị nội đảng, từng là tỉnh bộ trưởng FDP và xa hơn nữa Roesler có kinh nghiệm chuyên môn. Kinkel khen Roesler thông minh, thận trọng, điềm tĩnh, là người có khuynh hướng gia đình.

Mặc dù được khen nhiều hơn chê nhưng ngay trong nội đảng FDP ai cũng lo ngại là ban tân lãnh đạo xung quanh Roesler chưa đủ sức chấn chỉnh và cứu vớt nổi tình trạng nguy cập của FDP đang vấp phải?. Người ta tự hỏi và cả người viết cũng hoài nghi rằng liệu Roesler trong cương vị tân chủ tịch FDP có thể chỉnh đốn nội đảng, từ nội dung cho đến nhân sự kịp thời, nhằm lấy lại uy tín đã mất hầu vượt qua mức tối thiểu 5% cử tri ủng hộ cần phải có để một đảng được tham chính?

Khối đối lập của chính quyền đương nhiệm giữa CDU/CSU+FDP thì đánh giá hoàn toàn ngược lại. Đảng Xã Hội Đức (SPD) nhìn vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Như báo die Zeit Online ghi lại thì ông F. W. Steinmeier, chủ tịch khối dân biểu của SPD tại quốc hội Đức nói rằng với Philipp Roesler trong chức chủ tịch chưa đủ để đưa FDP ra khỏi ngõ cụt hiện tại!.

Và cũng để quý độc giả dễ dàng phẩm định, người viết xin được ghi lại vài tiến trình của FDP dưới triều đại Roesler kể từ khi nhậm chức chủ tịch FDP thay thế Ts Westerwelle.

Chỉ trong vòng một năm từ khi Roesler lên nắm quyền chủ tịch thì FDP liên tục thất bại thê thảm trên chính trường Đức! Đầu tiên là sự thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang Bremen. Đảng FDP không những mất phiếu mà còn bị loại ra khỏi chính quyền tiểu bang Bremen. Sự ủng hộ cử tri dành cho FDP tại đây chỉ còn có 2,9%, mặc dù ban lãnh đạo FDP đã thay đổi nhân sự và tuyên bố thay đổi đường lối chính trị của FDP sau kỳ đại hội đảng xảy ra 1 tuần trước đó.

Chưa hết, trong kỳ bầu cử nghị viện ngày 05-09-2011 tại tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern thuộc vùng cực Đông Bắc nước Đức, đảng Tự Do Dân Chủ Đức FDP (đang phân quyền trên bình diện liên bang trong liên minh chính phủ CDU/CSU + FDP) với ứng cử viên sáng giá Christian Ahrendt cũng đã gánh sự thảm bại nặng nề, bị đá văng ra khỏi chính trường tiểu bang với 2,8% (-6,8% so với 2006 là 9,6%). Ahrendt tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng bộ FDP, nhận trách nhiệm sự thất cử. Đây còn là kết quả thảm bại chua cay cho FDP kể từ lúc thay đổi nhân sự lãnh đạo cao cấp từ Ngoại trưởng Guido Westerwelle sang Philipp Rưsler (chủ tịch FDP kiêm bộ trưởng Kinh tế liên bang hiện nay). Thành viên FDP tỏ ra thông cảm, cho rằng còn bị ảnh hưởng do sự mất uy tín của Westerwelle để lại. Nhưng ông Wolfgang Kubicki, một thành viên nồng cốt trong hội đồng trung ương đảng FDP gián tiếp cho hay sự kiện mất sự ủng hộ của cử tri không phải chỉ do uy tín của Westerwelle đang xuống mà ra !. Rõ ràng Kubicki gián tiếp đề cập đến Roesler.

Tuy vậy ban lãnh đạo FDP vẫn nuôi hy vọng từ từ sẽ khá hơn, FDP thế nào cũng sẽ vượt qua được cơn khủng hoảng nhưng sự xuống dốc của FDP không ngừng lại ở đó. Trong cuộc bầu cử nghị viện tại Bá Linh, thủ đô Đức quốc xảy ra vào ngày 19-09-2011, FDP thêm lần nữa thất bại nặng, hầu như mất hẳn sự ủng hộ của cử tri. FDP mất phiếu kỷ lục (-5,8%) và đã bị loại ra khỏi nghị viện Bá Linh. Sự ủng hộ dành cho đảng FDP tại thủ đô nước Đức chỉ còn có 1,8%.


Philipp Roesler, người gốc Việt.

Sau những cuộc thất bại liên tục nói trên, FDP cũng không được sự ủng hộ của cử tri Đức trên bình diện liên bang. Theo kết quả thăm dò ý kiến thì chỉ còn có 4% dân Đức ủng hộ FDP. Mức tối thiểu để được tham chính tại tiểu bang cũng như liên bang ít nhất phải là 5%. Dĩ nhiên FDP run sợ vì nếu tình trạng này không thay đổi hay sút giảm thêm thì FDP sẽ bị loại hẳn ra khỏi quốc hội Đức, không được tham chính! Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì áp lực dành cho Westerwelle trước đây sẽ đến với Roesler.

Bất thình lình Tổng thư ký FDP, Lindner bỏ cuộc, tuyên bố từ chức hôm 14-12-2011, không nói rõ lý do làm cho chủ tịch Roesler cũng như ban lãnh đạo FDP lâm vào tình trạng khủng hoảng. Sự chỉ trích ban lãnh đạo đảng FDP mạnh mẽ hơn bắt đầu xảy ra. Sự từ chức của Lindner mà thành viên FDP có người lên tiếng cho rằng Lindner đã "đào ngũ" xảy ra trong thời điểm hoàn toàn bất lợi cho FDP. Cũng có nguồn tin cho rằng vì Lindner bất đồng tư tưởng với Roesler nên rút lui trước để sau này ra tranh chức chủ tịch đảng với Roesler.

Chủ tịch khối dân biểu nghị sĩ tiểu bang Nordrhein-Westfalen (NRW), ông Gerhard Papke tỏ bày sự tiếc nuối qua sự từ chức của Lindner, đồng thời cũng lên tiếng đòi hỏi Roesler, chủ tịch FDP phải có khả năng thực hiện và rõ ràng hơn trong liên minh phân quyền với CDU/CSU. Chúng ta (FDP) phải cứng rắn đối với liên đảng mà FDP đang liên minh. Ông Papke còn nói thêm qua báo Financial Times Deutschland: "Đây là nhiệm vụ của chủ tịch đảng và đương kim phó thủ tướng Đức".

Roesler tiếp tục bị chỉ trích. Cựu tổng trưởng bộ tư pháp tiểu bang Baden-Wuerttemberg, ông Ulrich Goll (FDP) cho biết là "nhóm trẻ" xung quanh tân chủ tịch Roesler đã thất bại! TTK Christian Lindner cuối cùng phải bỏ cuộc vì ông ta nhìn thấy rằng không đạt được mục đích ! Ông Goll còn nói thêm qua báo "Stuttgarter Zeitung" là sự thất bại này không phải chỉ dành riêng cho Lindner, dĩ nhiên cũng muốn ám chỉ đến Roesler. Nhóm trẻ chưa thể đứng vững được.

Hôm 25-03-2012, ba tháng rưỡi sau khi Liên minh "Jamaica" đầu tiên tại Đức gồm CDU, FDP và đảng Xanh tan vỡ, 800 ngàn cử tri thuộc tiểu bang Saarland bầu lại nghị viện, nhiệm kỳ 5 năm. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong năm 2012 vì thế gây sự chú ý của các đảng tranh cử. Kết quả FDP lần nữa thất bại thê thảm chỉ còn chiếm được 1,2%, vị chi mất đi đến 8% cử tri ủng hộ và không được tham chính tại tiểu bang nhỏ nhất nước Đức. Sự thất bại trong cuộc bầu cử ở Saarland trong vòng một năm kể từ khi Roesler nắm quyền đảng trưởng là sự thất bại cay đắng thứ tư của FDP nói chung và dưới sự lãnh đạo của Roesler nói riêng!

Vào ngày 15.9.2013 nghị viện tiểu bang Bavaria được bầu lại và FDP chỉ đạt có 3, 2% số phiếu. Như vậy Đảng FDP mất 4,8% số phiếu và bị loại ra khỏi chính quyền tiểu bang, dấu hiệu không tốt cho FDP một tuần trước cuộc tổng tuyển cử bầu lại Quôc hội Đức.

Tóm lại, ngoài các tiểu bang NRW, Schleswig-Holstein và Niedersachsen ra đảng FDP đã bị loại ra khỏi chính quyền vài tiểu bang dưới triều đại Roesler trong khoảng thời gian 2011-15.09.2013.

Nhiều chính trị gia của đảng FDP đã lên tiếng chỉ trích Roesler. Ngay cả phó chủ tịch FDP, ông Holger Zastrow còn cho biết qua Deutschlandfunk về tình trạng của đảng FDP như sau: "Mức độ nhạo báng mà chúng ta (tức FDP) hiện đạt được, đã làm cho người ta cảm thấy khó thở !".

Tôi đã phân tích trong một hai Lá Thư Đức Quốc trước đây, triều đại Roesler sẽ nhanh chóng bị sụp đổ nếu sự chống đối Roesler tăng mạnh mà nguyên nhân có thể là kết quả các cuộc bầu cử vì FDP rất lo sợ sẽ bị loại ra khỏi chính trường Đức. Nếu FDP thất bại thì Roesler càng bị chỉ trích nặng nề hơn trong vai trò đảng trưởng.

Và như tôi đã trình bày trong quá khứ thì vào dịp cuối năm 2012, giới chính trị gia Đức đã không quên đề cập đến Philipp Roesler, người Đức gốc Việt đang lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP). Theo sự thăm dò ý kiến cho tờ báo ảnh Stern lúc đó thì "danh tiếng của nhà lãnh đạo FDP Philipp Roesler" đã sút giảm cách trầm trọng, trong khi đó 38% cử tri Đức đánh giá ông Rainer Bruederle, trưởng khối nghị sĩ FDP tại quốc hội Đức thích hợp trong vài trò chủ tịch đảng FDP hơn là Roesler. Và còn rõ rệt hơn nữa khi 76% trong số các cử tri hiện nay ủng hộ FDP theo kết quả thăm dò ý kiến phán quyết: "Bruederle sẽ là một vị lãnh đạo tốt hơn so với Roesler (sic)".

Trong Lá Thư ngày 28-12-2012, sự ủng hộ cử tri dành cho FDP nằm ớ dưới mức 5%, mức tối thiểu để được tham chính, sợ rằng sẽ bị loại ra khỏi chính quyền tiểu bang Nierdersachsen sau cuộc bầu cử vào tháng Giêng 2013 cũng như sau cuộc bầu cử lại quốc hội Đức vào tháng 09-2013. Điều cần nhắc đến là nhà lãnh đạo Roesler bị đánh giá cho rằng ông ta có lỗi đối với sự sa sút của FDP hiện tại! Từ đó, giới chuyên gia phân tích tình hình chính trị Đức cho rằng số phận của Philipp Roesler hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của FDP trong cuộc bầu cử lại nghị viện Niedersachsen, trễ lắm là sau cuộc bầu cử quốc hội Đức vào tháng 09.2013.

Chính Roesler đã bày tỏ cùng nhật báo Bild là FDP hiện đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Và mọi người trong ban lãnh đạo đều biết là chính họ phải cùng nhau "hướng dẫn" để FDP vượt thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Không lệ thuộc vào những nhận định hay lời tuyên bố nêu trên, hôm 03-01-2013 Roesler cho biết là ông không có ý định từ chức theo như tin đã đồn và chưa nghĩ đến chuyện này! Roesler còn nói qua báo Hannover Allgemeine Zeitung: "Trong thời điểm khó khăn", điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh. FDP hiện đang ở trong một giai đoạn khó khăn. Đây là lý do chính để ông phải gánh chịu trách nhiệm và dẫn đắt đảng đi đến thành công!.

Trong khi đó, chính trị gia Wolfgang Kubicki (FDP) từ Schleswig-Holstein cho biết qua báo "Leipziger Volkszeitung", ông nghĩ là sự tồn tại của đảng đang gặp "nguy hiểm". Hiện tại FDP tranh đấu cho sự sống còn trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội vào mùa Thu 2013. Một số chính trị hàng đầu của FDP gần đây đã tiết lộ cho biết là Roesler không thích hợp với cương vị ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử quốc hội. Trong số đó Niebel cũng đã nói, không phải là lãnh đạo đảng FDP cũng sẽ là ứng cử viên hàng đầu!.

Chưa hết, hôm 04-01-2013, thành viên lãnh đạo khác của FDP, ông Hermann Otto Solms nói qua báo "Handelsblatt" và lên tiếng đề nghị nên tổ chức đại hội đảng FDP sớm hơn, thay vì tháng 05-2013, để có quyết định cụ thể về thành phần lãnh đạo cho kỳ bầu cử quốc hội Đức sắp tới, sau khi Roesler tuyên bố là ông ta sẽ không từ chức chủ tịch đảng nếu FDP lọt vào nghị viện Niedersachsen với tỷ lệ 5,1%! Hermann Otto Solms, đương kim phó chủ tịch khối nghị sĩ của FDP tại quốc hội Đức đã giữ khoảng cách với Roesler. Ông nói: " Phải có một người phụ nữ hay người đàn ông lãnh đạo và người này phải chuyển đạt giá trị Tự Do (ý nói đường lối của FDP) một cách đáng tin cậy cũng như chuyển từ lý thuyết qua hành động cụ thể ".

Kể từ 05-01-2013, FDP thảo luận công khai việc thay thế lãnh đạo đảng Roesler và nhà chính trị gia lão thành Genscher đã nhập cuộc, lên tiếng ủng hộ Bruederle một cách rõ ràng. Và như chúng ta biết, FDP nhóm họp nhân Lễ Ba Vua, Chủ Nhật 06-01-2013 tại Stuttgart. Tuy nhiên trước khi nhóm họp, chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP) Philipp Rưsler vẫn phải gánh chịu áp lực rất lớn từ trong nội đảng, ngay cả việc thảo luận về việc thay thế ông cũng đã được công khai hóa. Chủ tịch danh dự của đảng FDP, cựu bộ trưởng ngoại giao Hans-Dietrich Genscher lên tiếng ủng hộ chủ tịch khối dân biểu của FDP tại quốc hội Đức, ông Rainer Bruederle.

Bộ trưởng Phát triển Đức, Dirk Niebel (FDP) đã kêu gọi cho một quyết định trong danh sách bầu cử của đảng FDP và do đó cũng liên quan đến tương lai của Philipp Roesler. Dirk Niebel là người phê bình Roesler, nói qua báo Rhein-Neckar-Zeitung: " Cho cuộc bầu cử vào năm 2013, FDP phải bắt đầu với các ứng cử viên tốt nhất. Từ đó chúng ta có thể tốt hơn". Niebel hy vọng cuộc họp vào ngày Chủ nhật 06-01-2013 ở Stuttgart sẽ tiếp tục thảo luận về tình trạng khó khăn, nhân sự và chương trình". Tất cả "vì sự tồn tại của đảng."

Thành viên lãnh đạo khác, Wolfgang Gerhardt nói qua báo Focus, và khuyên Roesler hãy tự hỏi: "chính trị đòi hỏi mỗi cá nhân, luôn kiểm tra lại là mình vẫn còn giải quyết được nhiệm vụ của mình? ". Ngoài ra ông Gerhardt lần nữa, tương tự Hermann Otto Solms và vài thành viên lãnh đạo của FDP cũng nói hãy triệu tập đại hội đảng càng sớm càng tốt để có "một quyết định cuối cùng" về tương lai của Roesler cũng như để giải quyết các liên quan đến ban lãnh đạo đảng.

Phần lớn dân chúng Đức dự kiến dựa theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của viện nghiên cứu tư tưởng Infratest dimap thực hiện cho báo "Welt am Sonntag" thì "con đường chính trị của Roesler sẽ kết thúc trong năm 2013 này"!. 64% người được hỏi nói rằng "Roesler trong năm 2013 sẽ mất đi chức vụ và sự nghiệp chính trị của ông thất bại "!.

Và chuyện gì đến phải xảy ra. Trong cuộc họp hôm nay 06-01-2013, qua bài phát biểu, Bộ trưởng Phát triển Liên bang Đức, ông Dirk Niebel (FDP) mạnh dạn lên tiếng chỉ trích "thẳng vào mặt ban ban lãnh đạo" đảng. Tại Stuttgart, Niebel nói: "Nó xé nát nội tâm tôi khi tôi nhìn thấy tình trạng đảng của tôi hiện tại !". Không thể tiếp tục để như vậy với FDP, giống như bây giờ được!

Niebel thừa nhận rằng với những lời chỉ trích của ông về ban lãnh đạo của đảng xung quanh Roesler sẽ gây ra sự bất bình trong đảng. " Tôi biết rằng khi nói ra tất cả những điều này có nguy cơ đến cá nhân tôi !". Tuy nhiên, đảng FDP không còn đủ khả năng chấp nhận sự thiếu tin tưởng vào thành phần lãnh đạo. Niebel không trực tiếp đòi hỏi Roesler từ chức một cách rõ ràng.

Ngược lại, Philipp Roesler lên tiếng kếu gọi là đối thủ của ông trong đảng hãy "kỷ luật"! Roesler nói tại Stuttgart: "Điều thuộc về lịch sử của lãnh đạo đảng là họ sẽ bị chỉ trích, vì vậy với tôi không có vấn đề". Roesler nói thêm: "Sự tín nhiệm luôn luôn là câu hỏi của phong cách, sự công bằng, sự đoàn kết (solidarity)". Từ cuộc họp tại Stuttgart phải đưa tín hiệu rằng chúng ta sẵn sàng cùng nhau chiến đấu. Từ "những người bạn trong đảng" ông Roesler yêu cầu hãy "nhất trí". Và Roesler chỉ nhắc ngắn gọn trong bài phát biểu của mình là trong cuộc bầu cử năm 2013, đảng Tự do Dân chủ cần chiếm điểm với các chủ đề then chốt: "Tăng cường khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng, khả năng chi trả năng lượng, cân đối ngân sách, hưởng nhiều lương hơn sau khi trừ thuế cho người dân. Roesler nói: "Đây là một chính sách cụ thể cho phe "đứng giữa!".

Theo báo Spiegel Online, giới quan sát và thành viên đảng chờ đợi từ Roesler một bài diễn văn "nặng ký" và phản ảnh rõ "ý chí tranh đấu quyết liệt" hơn tại Stuttgart, nhưng họ đã thất vọng. Qua nội dung những lời phát biểu của Roesler giới chuyên gia đánh giá rằng với lời lẽ nhẹ nhàng, thì thầm "sẽ không giúp bạn" có thể thoát khỏi được cơn khủng hoảng. Nhà lãnh đạo đảng FDP đang gặp khó khăn, Roesler đã phát biểu quá nhút nhát, hạn chế.

Riêng SPD và Xanh cho rằng Philipp Roesler bị thương nặng. Katrin Goering-Eckardt tiên đoán ngày lãnh đạo FDP của Roesler đã được đánh số!. Những lời khích lệ đối với Roesler tại cuộc họp ở Stuttgart được xem như là đạo đức giả. Thành viên FDP để cho thấy họ bỏ lỡ sự "lịch thiệp" trong việc đối phó với Roesler. Giám đốc điều hành của SPD tại quốc hội, Thomas Oppermann nói: "Cuộc họp tại Stuttgart xem như là sự kiện chia tay dành cho nhà lãnh đạo FDP Roesler" và phe đối lập dự kiến là sau cuộc bầu cử tại Niedersachsen Roesler sẽ nhanh chóng bị thay thế! Kế vị trong chức vụ chủ tịch đảng FDP có lẽ sẽ là người "nhặt các mảnh vụn của lực lượng trẻ".

Người ta nghĩ rằng số phận Roesler an bài trong tháng Giêng 2013 nhưng may mắn cho Roesler, FDP tiểu bang Niedersachsen trái ngược với sự phỏng đoán đã thắng cử và lọt vào nghị viện mà kết quả này, khách quan nói là nhờ sự hỗ trợ của CDU. Roesler dựa vào thành quả đạt dược bất ngờ này đạ "đánh bạt" những đối thủ chỉ trích ông ta trong thời gian qua, làm họ phải im lặng. Tuy nhiên sự tính toán của CDU và FDP không đưa đến kết quả mong muốn, CDU mất phiếu và cuối cùng liên minh CDU+FDP bị loại ra khỏi chính quyền, không được tiếp tục cầm quyền tại tiểu bang Niedersachsen. Một bài học bất ngờ và chua cay cho CDU!

Thời gian trôi qua. Cuộc bầu cử lại Quốc hội Đức diễn ra đúng vào ngày 22.09.2013 như đã ấn định. Kết quả như sau (trong ngoặc đơn là của 2009 để quý độc giả tiện so sánh), như sau: CDU/CSU: 41,5% (33,8%); SPD: 25,7% (23%); FDP: 4,8% (14,6%); Xanh: 8,4% (10,7%); Tả Khuynh: 8,6% (11,9) và AfD là đảng mới thành lập cách đây vài tháng và lần đầu tiên ra tranh cử: 4,7%. Dựa theo kết quả trên, tính ra thì CDU/CSU được 311 ghế tại quốc hội (2009: 239), SPD: 192 ghế (146), Xanh:63 (68) và Tả Khuynh: 64 ghế (76).

Tổng cộng toàn khối đối lập có 319 đại biểu tại quốc hội trong khi liên đảng CDU/CSU đơn thân độc mã, không chiếm được đa số phiếu tuyệt đối và chỉ có 311 ghế. Như vậy, đảng CDU của nữ thủ tướng Đức hiện nay Angela Merkel (chủ tịch CDU) là chính đảng mạnh nhất, trên nguyên tắc CDU được ưu tiên thương lương thành lập một liên minh chính quyền.

FDP bị loại nên nhiệm kỳ mới chỉ còn có 4 đảng tham chính: CDU/CSU, SPD, Xanh và Tả Khuynh. Bà Merkel lần này phải tìm một đảng khác để liên minh vì FDP bị "rớt đài", một chuyện không phải dễ dàng vì đường lối chính trị của 4 đảng khác nhau.

Một điều chẳng vui gì vì FDP đại bại không được tham chính và chẳng còn tiếng nói nào trong chính quyền cả trong 4 năm tới nên tự động người Đức gốc Việt ông Roesler, chủ tịch đảng FDP sẽ mất chức phó thủ tướng Đức. Roesler đã từng tuyên bố 45 tuổi từ giã chính trường. Tương lai Roesler phải rời Berlin với tuổi 40, sớm hơn 5 năm vì thế theo cái nhìn khách quan của tôi, chưa biết con đường chính trị của Roesler đi về đâu?. Ngay sau khi kết quả ước tính công bố thì Bruederle và Roesler xuất hiện trên Tivi, vẽ mặt buồn thiu tuyên bố ngắn gọn là FDP thất bại nặng nề cũng như cho biết cả hai chịu trách nhiệm cho sự "đại bại chính trị" của FDP ! Chắc chắn nội đảng FDP sẽ phân tích "nguyên nhân đưa đến sự thảm bại" và chuyện tranh cãi không tránh được và lần nữa sự cải tổ thành phần lãnh đạo đảng FDP có thể xảy ra.

Một tin động trời đã được loan tải là sau thất bại lịch sử của họ trong cuộc tổng tuyển cử 2013, FDP đánh dấu lại một khởi đầu mới. Toàn bộ ban điều hành của đảng FDP từ chức hôm 23.09.2013. Chính trị gia "sáng giá mới" được đề cập là cựu Tổng thư ký Christian Lindner.

Toàn ban lãnh đạo đảng FDP xung quanh chủ tịch Roesler đồng loạt từ chức, theo tin nóng của một số cơ quan truyền thông loan đi. Tổng cộng có 54 người, bao gồm tất cả các nhà chính trị gia hàng đầu lãnh đạo đảng như Ngoại trưởng Guido Westerwelle, Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr và cả người đứng đầu FDP tiểu bang NRW, Christian Lindner. Roesler cũng từ chức đảng trưởng. Trong số đó có thể có một số người sẽ ra tái tranh cử, dựa theo tin của Focus Online. Hội đồng lãnh đạo mới sẽ được bầu trong một đại hội đảng. Việc xây dựng lại đảng chủ yếu sẽ diễn ra từ các tiểu bang. Lý do cho bi kịch trong đảng Dân chủ Tự do vừa xảy ra là vì kể từ khi sáng lập Cộng hòa Liên bang Đức từ 1949 đến nay lần đầu tiên FDP không còn ở trong Quốc hội Đức !.

Thay lời kết:

Khách quan mà nói, các đảng phái của một nước Đức Tự Do Dân Chủ hầu hết đều do một ban lãnh đạo gồm những chính trị gia tên tuổi, đầy kinh ghiệm điều hành. Bên cạnh đó họ còn có ban cố vấn và tham mưu và làm việc theo kiểu mẫu nhóm (Teamwork) không tự chuyên giải quyết một mình mà còn vấp phải nhiều lỗi lầm từ nhân sự cho đến đường lối tranh cử cho dù vấn đề được thảo luận rốt ráo, công khai, được thành viên hỗ trợ, điển hình là qua sự thất bại của FDP đáng để cho chúng ta suy ngẫm, nếu muốn "tránh tình trạng cục bộ" hay "tự đề cao khả năng của mình (?)" nếu có. Liên quan đến FDP và Roesler người viết đưa ra nhận định riêng sau đây:

* FDP không có thêm 1 đường lối hay chính sách nào đặc biệt ngoài những đề tài xưa nay họ vẫn áp dụng mà các đảng khác cũng đưa ra tuy không chi tiết bằng nhưng mục đích giống nhau.

* Bên cạnh đó, sự tranh chấp nội đảng làm cho cử tri Đức thiếu tin tưởng.

* Dân chúng Đức và ngay cả người viết cũng nhìn ra được sự kiện rất rõ ràng, FDP trong 4 năm tham chính vừa qua không áp lực gì được CDU trong liên minh cầm quyền. Nói rõ ra, FDP chỉ đóng vai trò phụ đối với CDU/CSU, được đánh giá là đảng "thi hành nhiệm vụ" cho bà Merkel !

* FDP không những chẳng có chính sách nào mới gây sự chú ý đối với cử tri Đức khi mà họ vốn đã biết dân chúng từ từ xa lánh họ mà chính họ đã làm cho cử tri Đức đánh gía họ thấp vì thiếu tự tin. Hình thức tranh cử của Bruederle và Roesler một tuần trước ngày 22.09.2013 khi cả hai chủ trương sử dụng lại phương thức "xin phiếu của CDU và của cảm tình viên bầu cho CDU" đã làm cho cử tri Đức phải lắc đầu. Chính giới trẻ thuộc FDP cũng không đồng ý với đường lối tranh cử như vậy. Ngay cả ông W. Kubikci còn cho rằng " phương thức tranh cử như vậy gần như đánh mất lòng tự trọng ". Nói ra điều này để chúng ta lưu ý, nhận thấy rằng "chủ trương, đường lối, tư cách" đóng vai trò quan trọng trên chính trường Đức! FDP vì thiếu các yếu tố này nên đã thất bại một cách thê thảm.

* Một khía cạnh khác: nhân sự. Toàn ban lãnh đạo, cố vấn bàn thảo quyết định chọn ông Bruederle làm ứng cử viên hàng đầu cho FDP. Vài tuần trước bầu cử báo chí phanh phui "cho rằng" ông không đứng đắn trên phương diện "Tình dục" với 1 nữ ký giả. Rồi 6-7 ngày trước 22.09.2013 người ta "mới nhận ra được điều" là Bruederle tuy không thiếu khả năng hiểu biết (một chính trị gia lão luyện mà!) nhưng oái ăm cách phát âm, giọng nói khó hiểu đối với cử tri Đức. Báo chí loan tin là phải mượn giọng nói người khác để chuyển đạt những bài diễn văn, câu nói của Bruederle trong các cuộc vận động tranh cử. Thử hỏi cử tri Đức nghĩ sao vì ông Bruederle

"hành nghề chính trị" lâu năm, quen thuộc với cách ăn nói của ông ta lâu rồi chứ đâu phải bây giờ mới nghe, biết đến. Qua đó để chúng ta biết thêm cách ăn nói (Rhetorik), diễn đạt tư tưởng cho người khác hiểu cũng là yếu tố rất quan trọng để "thu hút cảm tình thính giả" đối với những ai muốn tham gia vào chính trị hay sinh hoạt cộng đồng!

* FDP thiếu chuẩn bị về nhân sự! Có lẽ vì thế nên đành chọn Bruederle là chính trị gia lão thành làm ứng cử viên, một phần vì áp lực "nội đảng" và mặt khác "giới trẻ" cảm thấy chưa đủ uy tín nên tránh né. Nhìn ra được khó khăn này nên các đảng phái Đức từ từ thay đổi cách làm việc, những chính trị gia "lão thành" tự động rút lui khỏi những chức vụ then chốt dọn đường cho đảng viên trẻ sinh hoạt hầu từ đó thành viên trẻ, có khả năng học hỏi thêm kinh nghiệm chính trường!

Tóm lại, triều đại Roeler kéo dài được khoảng 2 năm rưởi ! Tôi có lần đã viết vào cuối năm 2012, nếu thức thời sớm Roesler nên từ chức trước khi quá trễ để giữ uy tín, chờ thời. Tôi nghĩ rằng là một chính trị gia lão luyện Roesler tự ý nhận thức được điều này nhưng rất tiếc sự việc không xảy ra như tôi mong đợi. Sự thăng tiến nhanh chóng của Roesler, danh vọng của ông ta vun trồng được trong 20 năm qua bỗng tan biến trong chốc lát, có thể nói vài phút sau khi văn phòng bầu cử đóng cửa lúc 18 giờ ngày 22-09-2013.

Sự "đăng quang", vinh dự hiếm có dành cho một người Đức gốc Việt còn đó, được ghi trong sử sách Đức. Lịch sử chính trị Đức vinh danh Roesler với chức Phó thủ tướng Đức nhưng oái ăm cũng không kém là lịch sử chính trị của đảng FDP nói riêng và chính trị Đức nói chung cũng phải "dành cho ông sự đánh gíá "Roesler là nhà lãnh đạo đầu tiên của FDP đã đưa đảng FDP của ông ta ra khỏi quốc hội Đức, sau hơn 60 năm tham chính!".

Chưa hết, họ cũng sẽ không quên - vì lịch sử bất biến - ghi chú là dưới triều đại Roesler đã có từ 600 đến 900 người làm việc cho FDP (gồm thượng nghị sĩ, chính trị gia, thành viên, nhân viên, ký giả, thư ký, tài xế …) bỗng dưng "trở thành thất nghiệp, họ phải tìm sinh kế khác" chỉ vì FDP dưới sự lãnh đạo cùa Roesler đã thất bại thê thảm trên chính trường Đức. FDP bị đào thải, ra đi không kèn không trống, chẳng còn tiếng nói tại Quốc hội !

Người viết muốn trình bày tương đối liên tục, đầy đủ về FDP dưới triều Roesler cho nên Lá Thư từ Đức quốc kỳ này quá dài rồi mong quý độc giả hoan hỷ cho.

Và trước khi ngừng viết tôi mạn phép lưu ý một điểm để cùng suy ngẫm: Chẳng những riêng FDP mà hầu hết các đảng phái Đức đều có ban lãnh đạo gồm nhiều chính trị gia nam nữ tên tuổi, tốt nghiệp chính trị học hay nhân chủng học, và đa số là trí thức, khoa bảng đầy kinh nghiệm vì họ tham gia chính trị từ lúc còn rất trẻ (khi còn đi học trung học). Bên cạnh đó họ còn có ban tham mưu, cố vấn giỏi, làm việc theo kiểu nhóm (Teamwork), cùng lấy ý kiến chung mà các đảng FDP, SPD, Xanh, … bị thất bại như đã trình bày ở trên thì thử hỏi làm sao một cá nhân dù (nghĩ rằng mình) tài giỏi đến đâu cũng không làm thế nào có thể thay thế được nhiều khối óc, nhiều sáng kiến mục đích làm thăng tiến đảng của họ ??. Người viết nhận xét là nhiều chính trị gia Đức phẩm định tình trạng của FDP hoàn toàn đúng và tiên đoán số phận, con đường chính trị của Roesler trễ nhất sẽ chấm dứt sau cuộc tổng tuyển cử 22.09.2013 và điều này đã xảy ra.

Một điểm khác không kém quan trọng là ông F. W. Steinmeier, chủ tịch khối dân biểu của SPD tại quốc hội Đức hoàn toàn có lý khi nói rằng với Philipp Roesler trong chức chủ tịch chưa đủ để đưa FDP ra khỏi ngõ cụt !. Sự đánh giá của ông F. W. Steinmeier rõ ràng giống như tục ngữ Việt Nam mình vốn có câu " Một con én không làm nỗi mùa Xuân" đối với riêng Roesler. Nhưng khách quan phải nói rằng trách nhiệm lớn là Roesler gánh chịu tuy nhiên ban lãnh đạo của FDP cũng phải cùng chịu trách nhiệm cho sự thất cử thê thảm của họ và đây là nguyên nhân làm cho toàn ban lãnh đạo FDP đã phải từ chức, nhường chỗ cho ban lãnh đạo mới được bầu lại trong kỳ đại hội đảng bất thường trong hai ngày 07+08.12.2013 tại Berlin, không ngoài mục đích qua sự thay đổi nhân sự (Tân chủ tịch sẽ là cựu TTK Christian Lindner) kèm theo những đường lối, chính sách mới vả từ đó FDP hy vọng rằng sẽ được tham chính trở lại vào cuối năm 2017 !.

Lịch sử của FDP và lịch sử chính trị Đức dù muốn dù không đã ghi thêm dữ kiện: " Dưới triều đại Philipp Roesler, lần đầu tiên kể từ năm 1949 FDP bị loại ra khỏi chính quyền Đức !".

Hẹn sẽ trở lại với quý độc giả nay mai với Lá Thư từ Đức Quốc khác, nếu thời gian cho phép.

- © Lê-Ngọc Châu (Munich, Chiều tối ngày 04.12.2013)

- (Tài liệu tham khảo: AFP, Spiegel Online, SZ, RTL, ZDF, Yahoo-News và Internet)

* Phụ bản đặc biệt: Roesler và FDP

* Lý lịch và sự nghiệp chính trị của Dr. Roesler

Philipp Roesler sinh ngày 24.02.1973 tại Việt Nam. Ông mồ côi và rời Việt Nam đến Tây Đức khi vừa mới chín tháng tuổi, được một gia đình Đức nhận làm con nuôi và đã trải qua tuổi thơ tại Hamburg-Harburg và Brueckenburg.

-1992: đậu Tú Tài tại trường trung học Luther ở Hannover.

Hiện nay Roesler lập gia đình, vợ cũng là bác sĩ và có hai con song sinh.

- Năm 1992 (19 tuổi) Philipp Roesler gia nhập vào đảng FDP tại tiểu bang Niedersachsen. FDP tuy là đảng nhỏ nhưng trong nhiều năm đã kết hợp với 1 trong 2 đảng lớn là CDU (Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) và SPD (đảng Xã Hội) để điều khiển chính quyền Tiểu Bang + Liên Bang Đức.

- 1996 (23 tuổi) Philipp Roesler trở thành một thành viên trong ban chấp hành đảng FDP của tiểu bang Niedersachsen.

- Năm 2000 (27 tuổi): tổng thư ký của đảng FDP/Niedersachsen.

- Năm 2003 (30 tuổi): trưởng khối FDP trong quốc hội tiểu bang Niedersachsen.

- Từ năm 2005 (32 tuổi) Dr. Philipp Roesler được bầu làm chủ tịch đảng FDP/Niedersachsen, là người tỉnh bộ trưởng trẻ nhất tại Đức từ trước đến nay khi mới 32 tuổi.

- Năm 2007: Dr. Philipp Roesler (34 tuổi) được bầu vào ban chấp hành đảng FDP của toàn Liên Bang Đức.

- Năm 2008, dưới sự dẫn dắt của Roesler, trong cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang Niedersachsen vào ngày 27/01/2008 FDP đã đạt được số phiếu 8,2% và tiếp tục cầm quyền 5 năm tới với đảng CDU cho đến năm 2013.

- Ngày 18/2/2009: Dr. Philipp Roesler tuyên thệ trở thành Tổng Trưởng Kinh Tế và Giao Thông, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Phó Thống Đốc của tiểu bang Niedersachsen, người quan trọng thứ nhì trong bộ máy cầm quyền tại đây.

Tóm lại, chính trị gia Roesler, 38 tuổi, một "di dân" gốc Việt, người di dân đầu tiên có sự thăng tiến vượt bực trên con đường chính trị bắt đầu tại tiểu bang Niedersachsen, rất nhanh chóng, không ngờ được. Walter Hirche là người đã đỡ đầu cho Roesler đã nói lúc nào Roesler cũng là người trẻ tuổi nhất: Bí thư tỉnh bộ trẻ nhất, rồi đến chủ tịch khối dân biểu, tỉnh bộ trưởng trước khi thành tổng trưởng kinh tế và giao thông tiểu bang Niedersachsen.

- Ngày 28/10/2009 (36 tuổi): Dr. Philipp Roesler tuyên thệ trở thành Bộ Trưởng Ý Tế Liên Bang trong nội các nữ thủ tướng Dr. Angela Merkel.

- Ngày 12-05-2011: trở thành bộ trưởng kinh tế Đức thay thế Bruederle (FDP)

- Ngày 13-05-2011: được bầu làm chủ tịch FDP với hơn 95% sự ủng hộ của các đại biểu tham dự.

- Ngày 16-5-2011: Roesler trở thành phó thủ tướng Đức trong nội các của Ts Merkel (CDU)

Sau 19 năm gia nhập FDP, Roesler cho biết ông ta sẳn sàng nhận lãnh thêm trách nhiệm với đảng trong hoàn cảnh rất khó khăn hiện tại của FDP; nói theo cựu bộ trưởng ngoại giao Đức Genscher (FDP) là trong tình trạng mất còn của đảng. Roesler cũng đã lên tiếng trước khi đại hội đảng xảy ra, nói rằng sẽ cải tổ về nội dung cũng như nhân sự của đảng FDP!".

- Ngày 22.09.2013: FDP lần đầu tiên từ khi Cộng Hòa Liên Bang Đức được thành lập bị loại ra khỏi quốc hội Đức sau cuộc tổng tuyển cử 2013.

- Ngày 23.09.2013, triều đại Roesler chấm dứt, sau khi ông tuyên bố từ chức đảng trưởng FDP.

* © Lê Ngọc Châu (Munich, Chiều tối ngày 04.12.2013)

* Tài liệu tham khảo: Wikipedia, AFP, DPA và Internet.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.