Hôm nay,  

Huyền Thoại Kennedy – Phần II

03/12/201300:00:00(Xem: 7800)
...cuối cùng thì số phận miền Nam cũng đã được quyết định từ Tòa Bạch Ốc...

Đúng ra kẻ viết này không có ý định viết về huyền thoại Kennedy một lần nữa, nhưng vì đã nhận được khá nhiều điện thư của độc giả, nêu lên nhiều vấn đề, nên phải viết tiếp để làm sáng tỏ vài điểm nhiều độc giả thắc mắc.

VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN

Trước hết là vấn đề chủ quyền của các chính phủ đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa.

Phải nói cho rõ, nói miền Nam chúng ta không có chủ quyền không có nghiã là miền Bắc có chủ quyền. Nếu công bằng so sánh hai miền, thì cả hai, chẳng miền nào thực sự có chủ quyền đối với các đại cường, nhưng dù sao, miền Nam vẫn có tiếng nói với Mỹ lớn hơn miền Bắc dám nói với Liên Xô hay Trung Cộng. Đây không phải là lý luận theo kiểu “ta giỏi hơn địch”, mà là sự thật có bằng chứng lịch sử.

Năm 1954, Hội Nghị Geneve bàn về chiến tranh Đông Dương, mở màn ngay sau khi Việt Minh chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Nước Pháp sa sút không còn trong tư thế nói chuyện gì với CS hết. Tân Thủ Tướng Mendes France long trọng hứa sẽ tìm ra giải pháp cho Đông Dương trong vài tuần, hay nói trắng ra, sẽ tìm ra cách đầu hàng đỡ mất mặt nhất. Tất cả mọi chính phủ tham gia đàm phán đều đồng ý chia đôi VN. Vấn đề tranh cãi là chia đôi ở đâu. Pháp đòi vỹ tuyến 17. Việt Minh ngắm nghé vỹ tuyến 15 để có được Huế và Đà Nẵng. Nga và Trung Cộng không muốn lằng nhằng sợ Mỹ nhẩy vào cuộc chiến nên chấp nhận vỹ tuyến 17. Thủ tướng Phạm Văn Đồng họp riêng với cả TT Chu Ân Lai và Ngoại Trưởng Molotov, để vận động hậu thuẫn nhưng bị cả hai “đồng minh” bỏ rơi, đành chấp nhận vỹ tuyến 17, rồi sau đó đã lẩm bẩm càu nhàu cho đến sau năm 75 vẫn còn than vãn nếu có hậu thuẫn mạnh hơn của các đàn anh thì đã chiến thắng, thống nhất VN dễ dàng hơn rồi.

Nói cách khác, các đàn anh đã quyết định, Việt Minh không có tiếng nói, không làm gì khác được. Chủ quyền của Việt Minh không có gì hết.

Ngay cả “chiến thắng lịch sử “ tại Điện Biên Phủ cũng đang được xét lại. Vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp rất có thể chỉ là bình phong, trong khi trận đánh hoàn toàn do tướng lãnh và chính ủy Trung Cộng quyết định. Súng ống, đại bác dĩ nhiên là của Trung Cộng tiếp viện từ kho vũ khí khổng lồ chiếm được của Tưởng Giới Thạch. Chỉ có hàng vạn bộ đội bị thí vào mặt trận là thanh niên Việt.

Trong khi đó, miền Nam, tuy cũng không có đầy đủ chủ quyền muốn làm gì thì làm, nhưng trong cả hai chế độ đệ nhất và đệ nhị Công Hòa, đều đã có dịp có tiếng nói cưỡng lại những quyết định quan trọng nhất của Mỹ.

Dưới TT Diệm, Mỹ đã muốn mang quân tác chiến vào VN thay vì chỉ có một số ít cố vấn quân sự, nhưng đã bị TT Diệm bác, không chấp nhận. Ngay cả các tướng lãnh sau khi đảo chính, cũng không có thiện cảm với chuyện lính Mỹ trực tiếp tham chiến. Phải đợi đến sau khi tình hình chiến sự VN sa sút quá mức, sau những xáo trộn trầm trọng gây ra bởi những chỉnh lý liên tục của các tướng, với những thay đổi tư lệnh chiến trường không ngừng, đe dọa sự sống còn của cả miền Nam, năm 1966, thì Mỹ mới được mang quân vào.

Nên nhớ là chưa khi nào có một chính quyền miền Nam nào chính thức yêu cầu Mỹ cho quân tác chiến vào giúp. TT Diệm và các cấp lãnh đạo dân sự và quân sự sau 63 đều tin tưởng quân lực VNCH có thể đương đầu với quân CSBV, chỉ cần hỗ trợ vũ khí đạn dược thôi. Chỉ có các TT Dân Chủ Kennedy và Johnson là coi quân lực VNCH không ra gì nên nhất định phải mang lính Mỹ vào mà không cần biết đến hậu quả chính trị. Những nhận định bất lợi nhất cho quân lực VNCH trong suốt cuộc chiến cũng đến từ những dân biểu và nghị sĩ của đảng Dân Chủ, kể cả thượng nghị sĩ John Kerry, bây giờ là ngoại trưởng. Ta không quên ông Kerry đã từng ra trước quốc hội công khai tố lính VNCH chỉ giỏi ăn cắp gà và hãm hiếp phụ nữ.

Dưới TT Thiệu, những thoả thuận giữa BV và Mỹ đã bị TT Thiệu bác bỏ, không chịu ký trong mấy tháng, cho đến khi hiệp định được sửa vài điều quan trọng nhất, và sau khi đã ép TT Nixon dội bom ào ạt Hà Nội mùa Giáng Sinh 1972, ông mới chịu ký. Hiệp định không hoàn hảo đưa đến chuyện mất miền Nam, nhưng đỡ hơn bản thảo đầu nhiều. Có thể nếu không có sự chống đối của TT Thiệu thì miền Nam tự do đã bị khai tử trước vài tháng hay một hai năm không chừng.

Qua cả hai câu chuyện, ta thấy ngay, cuối cùng thì số phận miền Nam cũng đã được quyết định từ Tòa Bạch Ốc, dưới tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hoà cũng chẳng có gì khác, và với thân phân tiểu quốc, ta cũng chẳng làm gì được. Nhưng dù sao thì cũng không ai có thể chối cãi được cả TT Diệm lẫn TT Thiệu, đều đã có dịp cưỡng lại quyết định của đồng minh, trong khi miền Bắc thì dù bất mãn đến đâu, cũng không dám làm gì khác ngoài chuyện vâng dạ rồi lẩm bẩm cho đỡ bực.

VẤN ĐỀ MIỀN NAM “THUA”

Có nhiều độc giả vẫn thắc mắc không hiểu tại sao quân lực VNCH có thể “thua” được.

Thật ra, phải định nghiã lại cho rõ thế nào là “thua”. Nếu “thua” là hai bên ra trận đánh nhau, dốc toàn lực sống mái với nhau, rồi một bên vì sai lầm chiến lược hay chiến thuật nên bị bên kia đánh bại, phải tháo chạy, thì đó đúng là thua.

Cuộc chiến VN chấm dứt khác xa trường hợp trên.

Như đã nhận định trong bài viết tuần trước, “Khi Mỹ muốn đánh thì cấp súng đạn cho ta đánh, khi Mỹ muốn tháo chạy thì mang súng đạn về, kể cả ngòi bom CBU”. Sau khi TT Nixon đã bắt tay được với Mao thì Mỹ thấy không còn lý do gì can dự vào cuộc chiến VN nữa, và quyết định rút về.

Đây là một quyết định nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nhưng cũng là một quyết định được lấy vì những nhu cầu chính trị nội bộ Mỹ. TT Nixon bị vướng mắc vào xì-căng-đan Watergate không có lối thoát, với hậu thuẫn quần chúng gần như mất hết, trong khi hậu thuẫn chính trị trong giới chính khách Mỹ và trong quốc hội lung lay tận gốc rễ. TT Nixon không còn thời giờ để lo chuyện VN, cũng như đang có nhu cầu lấy lại phần nào hậu thuẫn để đối phó với Watergate đang đe dọa chính cái ghế tổng thống của ông. TT Ford kế nhiệm trong tư thế tổng thống duy nhất không được dân bầu trong lịch sử Mỹ, không có đủ hậu thuẫn chính trị lật ngược quyết định rút, nhất là khi đó ông lại hoàn toàn bị Kissinger thao túng.

Một khi đồng minh Mỹ muốn rút thì sẽ mang súng đạn rút theo. Khi đó quân lực VNCH đánh nhau bằng gì?

Trong khi đó, trực diện chúng ta là miền Bắc với hậu thuẫn cụ thể bằng tiền bạc, và súng đạn không giảm chút nào. Một nửa triệu quân Mỹ với đầy đủ bom đạn vô giới hạn và ngân sách bạc trăm tỷ đã không hạ được quân Bắc Việt với viện trợ quân sự hùng hậu của khối CS. Bây giờ ai có thể nghĩ quân lực VNCH có thể ngăn được làn sóng đỏ, với viện trợ của Mỹ trên nguyên tắc có thể “thay thế tiêu hao” như Hiệp Định Ba Lê quy định, nhưng trên thực tế chẳng thay thế được gì, mà chỉ vơi dần thật mau lẹ? Quân lực đó cầm cự được tới 1973 là giỏi lắm rồi.

Hiển nhiên cái “thua” đó không phải là thua theo nghiã bình thường. Bị lấy đi vũ khí, trói tay lại, đưa ra trước trận đấu, thì không còn là trận đấu và không còn nói đến thắng hay thua được nữa.

Ta thất bại vì đồng minh quyết định thôi, không chơi nữa, phủi tay bỏ đi. Chủ quyền có thể được xác định một cách tiêu cực bằng cách phản đối không nghe theo hay làm theo một chuyện gì, nhưng không thể xác định một cách tích cực như bắt đồng minh phải tiếp tục hậu thuẫn, tiếp tục viện trợ được.


CÁI CHẾT CỦA TT DIỆM

Tác giả có đưa ra ý kiến có lẽ TT Kennedy đã không trực tiếp “ra lệnh” giết TT Diệm, mà cái chết của TT Diệm chỉ là một “rủi ro” lớn mà TT Kennedy chấp nhận. Vài độc giả cho rằng đã có tài liệu xác nhận TT Kennedy đã đích thân chỉ thị cho các viên chức Mỹ tại VN phải “giúp” các tướng lãnh VNCH diệt tận gốc, tức là giết TT Diệm, không có chuyện cho TT Diệm tỵ nạn chính trị tại Mỹ hay một nước đồng minh nào khác như Thái Lan, Phi Luật Tân hay Đài Loan.

Đúng ra, tác giả cũng đã được biết là đã có một nhà báo uy tín Mỹ đang chuẩn bị ra một cuốn sách mới, đưa bằng chứng rõ ràng TT Kennedy đã “ra lệnh” phải giết TT Diệm, chứ không phải đó là ý kiến của một trong các phụ tá như các ông Harriman, Hilsman, hay của đại sứ Cabot Lodge.

Cuốn sách chưa phát hành, chưa ai thấy những bằng chứng sẽ được đưa ra, và tính thuyết phục của những bằng chứng đó. Do đó, tác giả chưa thể bàn xa hơn. Nhưng có thể cuốn sách đó cũng lại sẽ rơi vào trường hợp của không biết bao nhiêu tài liệu khác về vấn đề này. Chỉ đổ dầu vào lửa, tạo thêm tranh cãi về vấn đề, mà vẫn chưa ai dám nói là có câu trả lời tối hậu.

Chúng ta hãy chờ sau khi cuốn sách đó phát hành để có dịp nhìn lại câu chuyện. Hy vọng cuốn sách đó sẽ có bằng chứng cụ thể không tranh cãi được để chúng ta hiểu rõ hơn một biến cố trọng đại trong lịch sử nước ta.

VẤN ĐỀ LÀO

Một vài độc giả nêu vấn đề Hiệp Ước Trung lập Lào do TT Kennedy chủ xướng, có ảnh hưởng rất lớn lên cuộc chiến tại VN, nhưng lại không thấy đề cập trong bài viết của tác giả này. Tác giả đã không đề cập vì khuôn khổ giới hạn của bài báo.

Hiệp Ước Trung Lập Hoá Lào năm 1962 đại cương cũng chỉ là một thất bại khác của TT Kennedy. Cuộc nội chiến tại Lào, khởi mào từ ngay sau Thế Chiến Thứ Hai, được gắn liền với cuộc chiến tại VN, với diễn biến tương tự, rối bù, và sự toàn thắng của khối cộng năm 1975.

Nội chiến Lào là cuộc chiến tay ba giữa lực lượng cộng sản của đảng Neo Lao Hak Xat, thường gọi là Pathet Lào, lực lượng thân Mỹ, và lực lượng trung lập của Hoàng Gia.

Pathet Lào chiếm cứ vùng đông và bắc, giáp giới VN và Trung Cộng. Lực lượng thân Mỹ chống cộng chiếm cứ vùng tây nam, giáp giới Thái Lan, với lực lượng H’mong là chủ yếu. Lực lượng trung lập, trung thành với vua, kiểm soát vùng quanh thủ đô Vạn Tượng và thành phố lớn Luang Prabang. Đây là một cuộc chiến hết sức phức tạp, với ba phe thay phiên nhau đạt thế thượng phong, hợp tác rồi chia rẽ, với liên minh thay đổi qua lại, chẳng khác gì thời Tam Quốc Chí bên Tầu, với các lực lượng quân sự của nhiều nước đứng sau lưng. Trên thực tế, cả ba phe của Lào đều hết sức yếu về mặt quân sự, mỗi phe lèo tèo vài ba tiểu đoàn chẳng có gì là thiện chiến. Dân Lào có lẽ là dân hiền hòa nhất thế giới, không biết đánh nhau là gì. Và cuộc chiến thật sự là cuộc chiến giữa hai khối CS với Trung Cộng và CSVN một bên, chống Tây Phương, trước là Pháp, sau đó là Mỹ, với sự góp sức của Thái Lan và VNCH sau này.

Sau thất bại nặng nề tại Vịnh Con Heo bên Cuba, TT Kennedy quyết định vạch lằn ranh đỏ, quyết tâm giữ Miền Nam VN. Ông nhìn thấy rõ Bắc Việt chỉ có một con đường xâm nhập duy nhất qua ngõ Lào. Chiến lược cơ bản của Mỹ là làm sao đóng cái cửa ngõ này. Và giải pháp theo TT Kennedy là một hiệp ước trung lập hoá Lào, không cho các lực lượng CSVN dùng đất Lào để chuyển quân vào Nam VN. Đưa đến sự ra đời của giải pháp 1962.

Theo TT Kennedy, trường hợp lạc quan nhất thì việc trung lập hoá sẽ đóng cửa con đường xâm nhập Lào (khi đó chưa quy mô và chưa được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh), giúp cô lập lực lượng CS trong miền Nam VN. Trường hợp bi quan nhất thì ít ra, cũng giới hạn được phần lớn sự xâm nhập của quân Bắc VN vào Nam VN qua một hiệp ước quốc tế có Nga và Tầu ký.

Những diễn biến lịch sử sau đó đã cho thấy TT Kennedy tính sai hết, chỉ vì thiếu kinh nghiệm đối phó với sự giảo hoạt của CS. Hiệp ước trung lập Lào, cũng giống y hệt tất cả các hiệp ước được ký kết giữa khối Âu-Mỹ với khối CS, kể cả hai hiệp ước Geneve 1954 và Paris 1973: trói tay khối Tây Phương nhưng lại chỉ là mảnh giấy vụn đối với khối CS. Sau khi hiệp ước ra đời, Mỹ rút hết gần 1.000 cố vấn quân sự ra khỏi Lào, VNCS rút về vài chục “cố vấn”, còn lại cả sư đoàn chính quy được cho mặc quần áo Pathet Lào, gia nhập lực lượng Pathet Lào, ở lại tiếp tục trấn áp các lực lượng chống cộng và trung lập. Đường mòn Hồ Chí Minh bây giờ hoàn toàn mở rộng dưới sự kiểm soát trọn vẹn của CSBV.

Lực lượng CSBV qua khối 959, thành lập tháng 9 năm 1959 để hỗ trợ Pathet Lào, trở thành lực lượng quân sự bảo vệ “đường mòn”, khi đó bắt đầu lớn dần cho đến khi thành “xa lộ” sau này. Mỹ vớt vát bằng cách hỗ trợ các lực lượng H’mong của tướng Vang Pao cho đến 1975, nhưng lực lượng này cũng chỉ là vài viên sỏi nhỏ trên đường nam tiến của CSVN qua ngã Lào.

ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN

Tác giả đã tránh không viết về đời sống cá nhân, nhưng có độc giả hỏi sao không nói về đời sống cá nhân của TT Kennedy với bà vợ đẹp và hai con ngoan, là “gương mẫu” –role model- cho xã hội Mỹ, kiểu như TT Kennedy đã tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ như thế nào. Vậy xin nói qua vấn đề.

TT Kennedy bị bệnh đau lưng kinh niên, những năm cuối phải ngồi ghế đặc biệt. Ngay cả hôm ông bị ám sát, trong người cũng phải mặc áo đặc biệt, giữ lưng ông thẳng, nên khi bị bắn từ sau lưng, đã không ngã gập người xuống phiá trước, mà lưng vẫn thẳng, ngã nghiêng người qua một bên về phiá bà Jakqueline Kennedy. Bệnh đau lưng chính thức là do ông bị thương ở lưng từ hồi đi hải quân trong Thế Chiến Thứ Hai.

Có tin cho rằng ông thật ra bị đau thận vì sắc dục quá độ. Ông bị bệnh nghiện sex rất nặng, gần như ngày nào cũng phải làm tình, không có không được. “Tôi sẽ bị nhức đầu nếu mỗi ngày tôi không làm tình một lần”, đó là câu tâm sự của TT Kennedy. Ban mật vụ -Secret Services- đặc biệt phải lo cung cấp gái cho ông mỗi khi ông đi kinh lý, hay xa bà vợ. Có thể là tài tử hay ca sĩ thượng thặng như Marilyn Monroe và Angie Dickinson, và ngay cả tài tử Marlene Dietrich (khi đó đã trên 60 tuổi và từng là người tình của bố TT Kennedy), hay gái gọi hạng siêu sang. Phần lớn các cô thư ký Tòa Bạch Ốc, kể cả tùy viên báo chí của bà Kennedy, đều đã qua đêm với ông. Ông đã từng chia sẻ một bà đào với trùm mafia Chicago, Sam Giancana, đưa đến giả thuyết ông bị Giancana thuê Oswald ám sát vì ghen. Bà Kennedy biết rõ nhưng làm ngơ vì không đáp ứng nhu cầu sinh lý quá mức của ông chồng được.

Cả họ Kennedy, từ ông bố đến ông tổng thống và hai ông em Robert và Ted đều nổi tiếng về chuyện trăng hoa. TT Clinton so với TT Kennedy chỉ là anh học trò dốt, ăn vụng không biết chùi mép.

Truyền thông thời đó biết rất rõ, nhưng đã đồng tình lờ không đăng những chuyện này. Hình ảnh gia đình đầm ấm của TT Kennedy cũng vẫn chỉ là một huyền thoại khác được dàn dựng thật khéo. (1-12-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.