Hôm nay,  

Trần Hoài Thư: Người Lính Sưu Tập Hương Thơ Của Mùa Chinh Chiến Cũ Qua Vuông Đời “Ô Cửa”

03/12/201300:00:00(Xem: 5325)
Trong cuộc sống chạy theo kim đồng hồ vả một bản tánh lục bình trôi, hôm nay, một ngày không, đọc lại “Ô Cửa”, mới thấy tâm sự của một người lính miệt mài với tay súng rất ân cần, đầy trách nhiệm. Và nơi xứ người, chàng lính ấy vẫn một lòng với quê hương đất nước, đặc biệt về thi văn của một thời qua phân mà anh cũng như những anh em khác đã bất ngờ tham dự.

Những Tuyển tập thi ca thời chiến, tôi nghĩ đã ngốn biết bao thời gian, tâm trí của anh để sưu tập, chọn lọc và gởi đến bạn đọc bốn phương như một món qùa, một kỷ vật của chiến tranh. Chiến tranh qua rồi, kỷ vật cũng sẽ chỉ có một lần và tàn phai theo năm tháng. Không ai kéo ngược lại thời gian để bày trò chơi súng đạn mà đoạn cuối như những đọan phim buồn.Những tráng sĩ trẻ thời Xuân Thu, Chiến Quốc ấy đã ngủ vùi trên những chiếc xe lăn và giai nhân đã sớm bạc đầu trước khi mùa giông bảo kết thúc. Tang thương, chết chóc, chia lìa…

Thập niên 1960, anh là một người viết đầy sung mãn, giở các trang báo Văn, Bách Khoa, Văn Học, Khởi Hành… đều có mặt anh. Anh viết không ngừng nghỉ, viết như sẽ không còn được viết, lý do chắc qúi bạn đọc cũng nhận thức được.Giọng văn quay cuồng, hối hả như một lệnh hành quân, kín đáo như đặc lệnh truyền tin đóng dấu mật…

Tuyển tập gồm có: Dưới trời khói lửa, Tình si, Lao khổ rừng tràm, Quê nhà bỏ lại, Bạn bè, Cõi riêng.

Chúng tôi lần giở từng trang sách, xin mời khách giang hồ phiêu du cùng tác gỉa qua cánh đồng chiến tranh- Mặt trận Bình Định với những địa danh Kỳ Sơn, Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Ly, Phù Mỹ, Dương Liễu, Đệ Đức hay lên miền núi Kontum, Pleiku và cũng sẽ không quên An Khê, đèo Mang Yang dốc ngược. Ban Mê Thuột với Buôn Hô, Thuần Mẫn, Đơn Dương. Cái huy hiệu Tam Sơn Nhị Hà là ma lực đã đẩy anh và những tay súng khác xuôi ngược từ duyên hải về vùng cao nguyên đất đỏ. Dân Thám kích cũng như trinh sát- “ Đi lần này đâu biết có lần mai.”

Bình dị như nguời lính miền Nam, đi chiến đấu tâm hồn trong sáng như trang giấy mới, những tư duy rất người, và những ray rức-” Trên đôi vai anh nặng nề lịch sử” nhưng may còn có em một “ vầng trăng mười sáu anh giữ ở đáy ba lô “. Có khác biệt chăng nếp nghĩ của những người bên kia lằn ranh súng đạn?

Đơn vị đối với người lính như tổ ấm phải quay về, nhất là một nơi chốn đầy kỷ niệm máu xương, một niềm vui thấy được trên môi những nụ cười con trẻ, của em thơ đời cắp sách hay lam lũ trên đồng hoặc mẹ gìa tuổi đời gìa hơn tuổi thật.:

“Mai lỡ chết cũng quay đầu về thành phố
Để nhớ về những ngày thuốc lá cà phê
Để nhớ về một vũng máu hôm tê…”
(Qui Nhơn trang 7)


Tình cảm dạt dào của tác gỉa như dòng máu luân lưu trong cơ thể mà chúng ta mơ hồ cảm nhận, một người lính trái tim lúc nào cũng đập trước hơn tiếng cơ bẩm lên nòng. Tạ từ những xóm làng, những chiến hửu, thậm chí cả tiếng gà trưa gáy lẻ loi như phần đời kỷ niệm. Cuối cùng:” Và kinh hải, trời ơi, ta vẫn còn sống sót.”. Tác giả kêu lên thảng thốt, sững sờ như những ngôi nhà còn nguyên vẹn sau trận đánh kinh hoàng.

Bồng Sơn, một địa danh dễ gợi thơ cho những người muốn làm thơ. Con sông Lại mùa khô có thể băng ngang, quận đường nằm nghiêng bên cầu xe lửa. Tam Quan nhớ đồi mười, nhớ những rặng dừa cụt đầu, nhớ đường cát vào làng em dệt chiếu. Chiếc mũ có hình sao vàng chắc vẫn luôn rình rập từng giây phút.

“Những quán bên đường nghèo trống gió
Những cô hàng buồn như tản cư “
( Cây đa bên cầu trang 16)


Tuyệt!. Thay vì sử dụng thêm từ “ánh mắt”, tác giả trao phần dự tưởng cho người đọc.

Có gì để tác gỉa ghi khắc không?. Cây đa đã diễn đạt nỗi lòng anh. Một quá khứ bị chôn vùi hay nỗi niềm chưa muốn biểu hiện, người lính mà hồn thơ toả ngập ấy rung lên những lời tha thiết, não người:

“Đa bám làng, tôi đi bám đất
Đất và làng, thương qúa quê hương…”
(Cây đa bên cầu trang 17)


Phải, quê hương thời chiến, đất Bình Định, những người lính trẻ “ Mang trái tim nhân đạo rất thơ ngây ” cũng dễ bị lôi cuốn vào ánh mắt mông lung nào đó?. Bóng dáng thanh niên hiếm khi gặp ở thôn làng, những mái nhà hoang chạy dọc theo quốc lộ 1 xuôi về xứ Quảng.Phù Ly, Phù Cũ đã là dấu ấn cho những ai đi không ngừng nghỉ, tay súng không rời.

Bụi phi trường Thiết Đính, bên kia Nam Hải rặng Sui Lam cao vút. Tác gỉa tâm sự mang mang, khi bước chân qua những ngôi chợ phiên để nghe lòng mình ấm lại, tự an ủi mình còn thấy chút yên vui vì chiến tranh nghiệt ngã mơ hồ…

Những câu:” Thì đi, đột kích trong lòng địch- Chụm tiếp nồi cơm hộ Bắc quân”, ngông nghênh, hào khí dấy màu thơ. Không lãng mạn như Thâm Tâm:” Đưa người ta không đưa qua sông”, ở tác giả đưa người bằng chiếc “ băng ca”, bằng poncho úp mặt, bằng tâm thức rã rời:

“Lịch sử cũng vô tình thế đó
Người qua sông không nhớ con đò
Những người chết không còn nhắm mắt
Người sống giờ như những hồn ma”
( Trung đội trang 23)


Người lính miền Nam, ngoài phần được huấn luyện về kỹ năng tác chiến, chỉ huy, vũ khí, sơ lược phần chiến tranh chánh trị… Họ không bị nhào nắn bởi những hận thù, những lệch lạc về ý tưởng của người bên kia chiến tuyến. Những “ hồn đôi khi thơ ngây ấy” trải dài theo máu bụi chiến trường, tâm hồn họ vẫn thênh thang như mây trời lộng gió, như dòng sông của mùa trăng Hàn Mặc Tử, của rừng xanh đầy những tiếng chim ca, của và của những đóa hoa sim luôn nở rộ dọc đường hành quân.

“Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm”
(Ta lính miền Nam Trang 26)


Và vẫn chấp nhận, một mặc nhiên theo lý lẽ của đời sống, nhưng hồn lính chàng luôn trĩu nặng ưu tư, đầy băn khoăn, và hồn nhiên mẫn cảm. Hỏi, nhưng không có lời giải đáp:

“Có một nơi nào hơn ở Việt Nam
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam”
(Ta lính miền Nam trang 28)


Mang tâm trạng “ chai lì”, dưng dưng;người lính thám kích như ánh sao đêm không tỏa sáng bay trước trên bầu trời lửa đạn, mà theo anh, ở một thoáng cảm hoài, một tiếng kêu ngoài hải đảo hoang vu, bởi thuyền anh không bao giờ đến bến, một con chốt thí cô đơn. Hoa thanh bình đúng nghĩa không bao giờ có thực.

“Thì ta ra trận, ta ra trận
Trăm lần thì cũng chuyện rong chơi
Vẫn chuyến bốc quân vào buổi sớm
Vẫn chuyến trở về không buồn vui”
(Nhảy trực thăng ở Phước Lý trang 30)


Bài “Đồi xưa” đượm sắc màu tiếc thương, những lời tống biệt, khúc mặc niệm, chiêu hồn trong âm vang của tiếng pháo, tiếng trực thăng rền rĩ đổ quân. Đến và đi tự nhiên như ánh thuốc được khơi lên và tàn lụi.

“Có ai như thể người binh Thượng
Ngồi khom trên bờ đá thổi kèn
(Đồi xưa trang 32)


Cảm giác con người hẳn phải biến thiên theo thời tiết, theo cảnh trạng chung quanh, như bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng sao có người chỉ chọn cho mình một trong bốn mùa làm ước vọng.” Cô hàng ơi, một mai tôi chết- Ai tiêu dùm ba tháng tiền lương”’, chếnh choáng khiến chàng dễ bị con tim đánh thức, thương một người chiến hửu, xót một người Bắc quân:

“Cô hàng ơi cho một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại một bài thơ”
(Một ngày không hành quân trang 34)


Sự kiện này dẫn đến quyển nhật ký của Đặng Thùy Trâm, nếu không có những tên Ngụy rạt rào tình người, những chàng G.I. xâm lăng đầy lòng trắc ẩn, nhật ký ấy sẽ chẳng bao giờ thành quyển sách. Trang nhật ký như một chứng tích sống viết về thân phận con người trong mạng lưới chiến tranh lạnh lùng, khắc nghiệt, đôi lúc bạo tàn.

Câu: ”Ai ngồi đốt thuốc bên bờ xáng- Hay lính bộ binh qúa nhớ nhà”. Mối tình quê quay quắt, chìm đắm xót xa, chỉ có khách đồng hội đồng thuyền mới cảm thông, chia sẻ.

Ừ nhỉ, trong cuộc chiến nở rộ những quán cà phê, những tên người con gái, chỉ loi lẽ một tên người: những Nhớ, những Quên, những Liên, những Thúy, còn quán nào ta gọi quán em, thôi,dỗ người Quán Sớm để tôi vui, cô còn say giấc ngủ, tôi áo quần chờ đi rong chơi. Đoạn thơ rất thơ, ngôn ngữ bình dị nhưng nhờ sự kết hợp nhịp nhàng ở giai điệu đã khiến thơ chắp cánh:


“Năm giờ. Quán sớm không ai nói
Cô hàng ngồi đó, buồn mông lung
Cô có chạnh lòng nơi cửa phố
Tôi trở về máu đổ mùa xuân
.
Năm giờ. Hết phép chờ xe hốt
Từ biệt cô, từ biệt bạn bè
Từ biệt một ngày trai phóng đãng
Mai về trên núi thiếu cà phê…”
( Quán Sớm trang 44)


Bước chân tác gỉa lại lang bạt kỳ hồ lên xứ Thượng đìu hiu, đâu buôn rừng, ngọn suối, vượt đèo Chư Pao, lúc yên bình chỉ là mỏm núi cao chắn gió rừng từ trại Plei’MRong thổi về thành phố Kontum. Vẫn được nghe tác gỉa nhắc đến “ người anh em Sao Vàng” từ Quảng Ngải dạt về:

“Một cốc cà phê chào buổi sáng
Chào Kontum và sông Dakbla
Dakbla len giữa tim thành phố
Mang tình em chảy ngược triền xa”
( Chào Kontum trang 45)


Một bài tình nhẹ nhàng, đầy rung động như lời tình tự của mây và gió, dù anh đang mặc áo nhà binh, dù tháng giêng anh đang bị thương, và mùa xuân bâng khuâng chợt đến..

“Anh ở trên này, mây đùn mây
Mây anh hốt, hốt hoài không hết
Chim thì ít làm sao nghe tiếng hót
Mà em thì xa,tiếng hát cũng xa”
( Anh ở trên này, mây đùn mây trang 56)


Trong thi tập “ Dưới trời khói lửa” này, dường như đây là lần thứ ba, chúng ta lại được nghe anh nhắc đến từ vựng đầy nhân hậu của con người. Thử hình dung những bất trắc của một đêm đột kích mà yếu tố bất ngờ đóng vai chủ động, tác giả đã trang bị cho mình những quân dụng cần thiết. Có thể, tác giả cũng tự khấn nguyện cho mình qua làn nhang ấm hay Niệm Pháp Nam Mô, ấy thế mà nỗi băn khoăn độ lượng lại vượt lằn ranh chiến tuyến:

“Ta đang lên đường hỡi người bộ đội
Ta đang tìm ngươi, ngươi làm sao biết”
(Đêm đột kích trang 65)


Những câu thơ đẹp:” Mắt mỗi đứa nhắm nghiền,u hồn khói thuốc- Đêm bên ngoài hay đêm của thanh xuân- Giọt đen cà phê, quạnh đặc linh hồn- Đôi mắt bạn bè chao ơi,buồn qúa đổi”-( Về với phố trang 68)

Miệt mài qua những chặng đường của đất nước được thu nhỏ lại nơi tác giả đồn trú. Lính-không thể giải thích trọn vẹn, chỉ biết nhận lệnh, thi hành.và mùa xuân thì rất xa.

“Bình Định quê em, đau thương tang tóc
Biết đến khi nào thấy được mùa xuân”
(Những ngày quân về những ngày quân đi trang 76)


Lời tự thú của một người, quanh năm chỉ thấy rừng hoang, bụi đỏ,những lý luận quanh co tác giả chẳng dám luận bàn. Trong nỗi chết không rời, những gì hiện thực, nắm bắt trong tầm tay của người lính, đó mới là điều quan yếu. Ẩn ức lòng tác giả đã nói thay lời cho hàng ngàn người khác cùng chung cảnh huống.

“Anh là lính bộ binh
Giày da mòn trung thổ
Đời quẩn quanh sinh tử
Hầm hố pháo xung phong
……………
Ai dạy đạo đức kinh
Xin mời lên giảng đạo”
( Lính rừng trang 80)


Mượt mà như suối tóc vai liễu gầy.Bài thơ thanh thoát trải dài cho đến phiên đoạn cuối. Một sợi dây đàn căng chỉ cần cơn gió thoảng cũng vang lên những cung bậc tha thiết:

“Cô hàng tóc dài đẹp tựa hồ ly
Bình hoa nghiêng nghiêng dáng em hao gầy
Từ rừng về thành đón xe Vạn Hạnh
Một lũ bạn bè đốt sợi tình thân
……………
Tối lội mấy đường Ngã Bãy, Ngã Năm
Đái trước cửa lầu cài then kín cổng
Cột điện mấy hàng chong hàng lính khổ
Canh giữ phố phường một lũ vinh thân
Đêm ngủ trên trần xe đò ra Trung
Để mai lên đường, giang hồ xứ Thượng
Xa xa vọng về những tràng nổ chậm
Chiến tranh còn dài hãy cố ăn chơi”
(Về thành trang 86)


“ Những đốt sợi tình thân, đái trước cửa lầu, giang hồ xứ Thượng, hãy cố ăn chơi” đã gây thêm ý nhị cho tòan bài, dù có cảm khái,phẫn hận, nhưng biết sao vì đời còn có câu:” Lính mà em”. Giản dị nhưng là cả một trời tai ương, thống khổ được cuộc đời ưu ái tặng dữ.

“ Xin chị đừng chờ hoài hoá đá-Kẻo buồn lòng thế hệ cháu con-( Khi qua trại gia binh trang 89) “ hay “ Em nhìn tôi mắt đỏ- Hận thù hay van lơn- Tôi làm sao moi tim- Để lòng tôi em hiểu-( Hành quân dưới chân đèo An Khê trang 94) hoặc “ Cái bằng làm lính khổ miền Nam - Bằng cấp trang 100) là những viên đá qúi liên hoàn trong vòng chuổi oan khiên của tác gỉa.

Người lính trẻ có hồn thơ bát ngát, có lòng độ lượng bao la, có tình yêu làm suối nguồn lai láng. Khi về thành, ngắm gái phố phường như cố tìm lại thời thanh xuân còn bỏ quên đâu đó. Vẫn mộng mơ,vẫn hối tiếc như Phan Phụng Thạch đã viết:” Quán cà phê đốt đời anh cháy- Khói thuốc vàng tay lạnh tháng năm”.

Và với Trần Hoài Thư, phong vị thấm đẩm gìa dặn, suy tư:

“Khi trở lại ngồi trong lòng quán tối
Thuốc vàng tay và vầng trán đăm chiêu
Thế hệ chúng tôi những đứa đôi mươi
Hồn đã mọc những nụ buồn rất sớm
Khi trở lại, dựa lưng vào vách quán
Để giọt buồn pha đậm tuổi suy tư
Chiếc mũ rừng che nửa mặt âm u..”
(Đàn ngựa về thành trang 106)


Tác giả chiến đấu, giữ đất, giữ quê qua ảnh hình yểu điệu thục nữ.Sự sống sẽ không là câu hỏi, nó đã hàm ý rõ nét trong những vần thơ tình quá đổi lãng mạn của tác gỉa:

“Tôi biết rằng khi xa Qui Nhơn chắc khóc
Nên tôi càng tha thiết với Qui Nhơn
Và khi máu mình đổ xuống mặt đường
Tôi mang chiến thương tạ tình thành phố
……………………
Bởi có bao giờ em chịu xót thương
Bắt tôi phải trồng gốc cây si cà phê Bạch Tuyết”
( Qui Nhơn Mậu Thân trang 108)


Sau mỗi lần tiến chiếm mục tiêu hoàn tất, những mất mát, những xót xa. Thương đồng đội sớm bỏ cuộc chơi, thương phận mình rồi sẽ về đâu? Cảm tạ đời còn hơi thở, ba lô súng đạn lại lên đường.

“Cao điểm chiếm rồi
Vui mừng quá độ
Mà sao người truyền tin rơi lệ
Báo cáo trong tiếng mất tiếng còn
Về những thằng
Bị kiến cắn ngủ yên”
( Eo gió trang 114)


Tâm trạng mang mang của người lính ở miền núi non, đôi khi ngẫu hứng bộc lộ tình cảm của mình như một ẩn sĩ, một kẻ lánh đời, xa thế tục. Môi trường sống đè nặng trên vai tác gỉa mà chất thơ tàng chứa trong hồn chất ngất như rặng Chư Prong.

“Ta để tóc dài thì vui biết mấy
Giày rơm cỏ, nhà sàn, săn chồn đặt bẩy
Có đất trời thì vô lượng mênh mông
………………
Có gái thổ, trần truồng căng tràn ngực vú
Có suối ngàn, em gái mọi đùa trăng”
( Hoàng hôn trên bản địa trang 120)


Có một lúc nào đó, thời gian ngủ quên hay thời gian đứng, tác giả chợt nhận ra mình ở một góc khuất nào đó của đời thường bị lãng quên:

“Ngăn kéo cũ đã lâu rồi không mở
Tấm hình tôi lem luốc nhìn không ra
Tôi đứng giữa những nỗi buồn lịch sử
Lẫn tự hào của tuổi trẻ hôm qua”
( Tấm hình thời chinh chiến cũ trang 123)


Thơ mộng và cũng thơ thẩn, chàng thám kích sư đoàn của chúng ta ơi!. Chỉ bằng ngần ấy thôi sao cũng đủ để tác giả xao xuyến lẫn trong niềm trân qúi: Ghé tạm trú bên đường, ly nước lạnh khát lòng …Cuộc sơ ngộ bất ngờ đeo đuổi tác giả trong suốt mùa chinh chiến dù chẳng biết tên người:

“Để rồi khi lận đận
Còn nhủ đời bao dung
Để khi sờ vết thương
Nhớ một người không biết”
(Giọt nước Cam Lồ trang 126)


Ai nói hộ dùm tác giả những sâu lắng tâm hồn như nhạc khúc tạ từ, những băn khoăn khi “ Có đôi mắt đi vào đời cả kiếp- Có làn môi cháy nóng cả tim khô”. Thời tác giả cũng rộn ràng tiếng nhạc mệt mõi, rã rời, đi cõng trên vai nỗi buồn không tên của Lê Uyên &Phương.

“Tôi đào hố đào hầm chôn lấy đời tôi
Trong huyệt đạo bùn lầy lên quá gối
Tôi bỏ hình em trong quần trong túi
Và đọa đày em trong giấc ngủ mộng tinh”
( Giữ dùm trang 129)


Qua “Dưới trời khói lửa”, chúng ta nhận thức được con người đích thực, một bản lai diện mục của người thơ lính Trần Hoài Thư,đã nổi trôi, gánh chịu những đau thương nghiệt ngã của thân phận con người mong manh trong cuộc chiến. Một cuộc chiến không do chính mình quyết định, trong trạng huống mà anh đã bi phẫn thốt lên: những con chốt thí qua sông, nhưng may mắn còn nẻo quay về, và quê hương vẫn mịt mù khói súng. Tác giả mang trái tim rong chơi, những đột biến trong tâm não đôi khi cũng gia tăng thêm hương vị cho đời sống hay cũng dấy lên trong lòng tác giả, một hồn thơ lồng lộng, phiếu diễu như khi ở rừng núi Tây Nguyên nhìn em gái Thượng trần truồng bên suối, một hiền sĩ ẩn danh đâu đó miệt quê vùng Tuy Phước…

Tập thơ đáng được lưu giữ cho chúng ta và cho những thế hệ tiếp nối.

Tập thơ do Thư Ân Quán xuất bản tại Hoa Kỳ tháng 10 năm 2004. Trình bày và lay out: Trần Hoài Thư.

Lâm Hảo Dũng

Van, BC-Can

Nov 22-2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
Mạng ''Chứng nhân lịch sử'' vừa treo giải ''Lưỡi Vàng'' cho những câu nói hay nhất trong năm con Lợn - Đinh Hợi. Phải là những câu nói xuất sắc
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.