Hôm nay,  

Cám Ơn Những Tấm Lòng Vàng

30/11/201300:00:00(Xem: 4777)
Giúp đỡ nhau là việc làm đầy tính nhân bản. Trong chúng ta, mỗi người đều ít nhiều đã nhận giúp đỡ của bạn bè, của hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp, của người cùng tôn giáo hay nhiều khi của tha nhân là những người xa lạ nhưng đầy lòng từ bi, bác ái.

Khi có động đất hay bão lụt khủng khiếp xảy ra, các quốc gia trên thế giới đều đóng góp cho công tác cứu trợ một cách trực tiếp hay qua Liên Hiệp quốc, qua Hội Hồng Thập tự hay qua giáo hội như đã thấy khi có bão Katrina, bão Sandy ở Mỹ, có động đất và sóng thần ở Indonesia, ở Nhật, có siêu bão Haiyan ở Philippines.

Nạn nhân của chiến tranh cũng được thế giới quan tâm cứu giúp, đưa vào trại tạm cư, ở đó người tị nạn được lo cho chỗ ở, được nuôi ăn và giáo dục để chờ ngày trở về quê quán hay đi định cư ở một nước khác.

Với người Việt định cư tại Hoa Kỳ, những gia đình tị nạn đầu tiên đến đây năm 1975 đã được dân bản xứ lo cho nơi ăn chốn ở, lo ghi danh đi học ngôn ngữ, học nghề, lo tìm việc làm để giúp chóng ổn định cuộc sống. Trong hai thập niên kế tiếp, làn sóng thuyền nhân cũng được nhiều nước đón nhận cho định cư, xây dựng lại cuộc đời.

Trong tiến trình lập quốc Hoa Kỳ đã có nhiều làn sóng di dân. Qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau, người nhập cư có những lúc bị kỳ thị, ngăn cấm vào Mỹ, nhưng nhìn tổng thể thì đại đa số di dân khi đã chọn nơi đây làm quê hương, với sự giúp đỡ của những người đi trước cũng sẽ hội nhập vào xã hội mới, ổn định được cuộc sống sau thời gian đầu khó khăn.

Giúp người mới đến là truyền thống của Hoa Kỳ, kể từ ngày con tàu Mayflower chở di dân từ châu Âu đến đây gần bốn thế kỷ trước. Thời đó dân da đỏ bản địa cũng đã mở rộng tấm lòng với người mới đến, giúp họ tìm chỗ ở, dạy cho di dân cách trồng cấy, canh tác. Khi được mùa gặt hái, di dân tổ chức tiệc và mời người da đỏ đến chung vui và để tạ ơn mà sau này đã trở thành Lễ Tạ Ơn truyền thống như chúng ta đang cùng đón mừng vào cuối tháng Mười Một hàng năm.

Từ nay cho đến Lễ Giáng Sinh cũng là dịp người dân Mỹ tiếp tục thể hiện tinh thần bác ái, chia xẻ với những người kém may mắn hơn qua việc làm việc từ thiện. Ngoài đóng góp tài chánh, nhiều người tình nguyện làm việc ở trung tâm phát thực phẩm cho người nghèo hay phục vụ những bữa cơm cho kẻ không nhà.

Làm việc tình nguyện là nếp văn hoá Mỹ. Từ nhỏ trẻ em đã có tinh thần thiện nguyện, lúc tuổi già nhiều người cũng vẫn còn muốn tự nguyện bỏ công sức đóng góp cho xã hội. Rất nhiều người Mỹ làm thiện nguyện ngay trong nước cũng như ở những nước nghèo trên thế giới.
resized-buivanphu-20131127-camonnhungtamlong-h01
Sinh viên Đại học Berkeley tham gia cứu trợ nạn nhân siêu bão Haiyan. (ảnh Bùi Văn Phú)

Arthur C. Brooks, giám đốc của tổ chức American Enterprise Institute, có bài viết trên nhật báo Wall Street Journal hôm 26-11 về truyền thống chia xẻ của người Mỹ. Ông đưa ra những nghiên cứu khoa học xã hội từ các trường đại học cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa tinh thần bác ái và niềm hạnh phúc của một cá thể.

- Theo ước tính của Giving USA, các tổ chức bất vụ lợi và tôn giáo ở Mỹ nhận được 316 tỉ đô la quyên góp trong năm 2012 và 70% đóng góp là từ cá nhân hay gia đình.

-Nghiên cứu của University of Michigan cho thấy mỗi gia đình Mỹ bình quân một năm đóng góp cho quỹ từ thiện 1239 đô la, khoảng 1.6% tổng số thu nhập. Mức đóng góp cũng tăng theo số tuổi và trình độ học vấn. Phụ nữ cho nhiều hơn nam giới và người có gia đình đóng góp nhiều hơn người độc thân. Người theo tôn giáo rộng lượng hơn người không theo đạo nào.


- Khảo sát từ University of Chicago và University of Oregon cũng cho thấy những người đóng góp cho công việc từ thiện có cuộc sống vui hơn những người không.

- Nghiên cứu năm 2008 của Đại học Harvard và University of British Columbia cho thấy số tiền chi tiêu cho bản thân không đem lại nhiều hạnh phúc bằng những chi tiêu cho người khác.

- Năm 2008 University of California đưa ra kết quả khảo sát những trẻ vị thành niên với lòng bác ái có đời sống thể xác và tinh thần tốt hơn so với các bạn đồng trang lứa thiếu lòng quảng đại.

- Năm 2009 các học giả Hà Lan và Anh quốc phổ biến một khảo sát cho thấy những ai cho nhiều thì có khuôn mặt được các nữ sinh viên đánh giá là đẹp trai hơn.

Dựa trên dẫn chứng khoa học, Brooks viết: “Mở rộng tấm lòng đóng góp cho những công tác từ thiện mà chúng ta trân quý thật sự sẽ giúp cho chính mình có được cuộc sống tốt hơn và lòng kính trọng của những người chung quanh…” và như thế “Chúng ta có thể làm ngơ không đóng góp được sao?”.

Về tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong văn hoá Việt, tôi nhớ đến tiểu thuyết “Tấm lòng vàng” của Nguyễn Công Hoan mà thời còn là học sinh đã đọc. Đó là câu chuyện về một em học sinh nghèo được một ân nhân âm thầm giúp đỡ để ăn học nên người. Tình người thể hiện qua tác phẩm này, được viết ra từ những năm của thập niên 1930 ở thế kỷ trước, đến nay vẫn là một tấm gương nhân bản mà nhiều cá nhân, hội đoàn đang tiếp tục thể hiện qua việc giúp đỡ học sinh, nhất là các em sống trong các vùng sâu xa, để các em được cắp sách đến trường và nhiều sinh viên có cơ hội lên đại học.

Tại hải ngoại, người Việt cũng thể hiện tinh thần bác ái trước những biến cố gây thiệt hại khủng khiếp như 9/11, bão Katrina, sóng thần ở Indonesia, ở Nhật hay siêu bão Haiyan ở Philippines.

Nghĩ về quê hương nguồn cội, người Việt hải ngoại không quên người kém may mắn ở quê nhà, từ những em học sinh, người bệnh nan y đến thương binh Việt Nam Cộng hoà. Nhiều nơi trên quê hương nay có những nhà tình thương, có giếng nước sạch, có cô nhi viện, chẩn y viện, trường học được dựng lên, nhiều thương phế binh được giúp đỡ là nhờ lòng bác ái của người Việt hải ngoại.

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn, kể bạn đọc nghe câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi ở quê nhà nhưng tôi không bao giờ quên.

Năm đó, một chiều đạp xe từ trường về nhà thì tôi bị một xe vận tải quyẹt vào làm té xuống, rách quần và bánh xe cong không đi được nữa trong khi chiếc xe tải tiếp tục chạy mất. Đứng giữa công trường đầy xe qua lại, đang lo sợ và ngơ ngác không biết phải làm sao thì một thanh niên, cũng đi xe đạp, đã ngừng lại giúp tôi khiêng xe vào lề. Rồi anh đưa tôi đến một chỗ sửa xe bên đường để nắn niềng, thay căm xe. Tôi không có tiền để sửa, anh bảo đừng lo và anh trả tiền trước cho thợ. Xong anh đạp xe đi tiếp. Tôi chưa hoàn hồn vì thoát tai nạn và trong mươi phút ngắn ngủi gặp anh giúp đỡ tôi không biết nói gì ngoài lời cám ơn và chỉ biết được anh là người ở khu Ngã tư Bảy Hiền.

Nay tôi vẫn nhớ người thanh niên đầy nhân bản đó. Thế giới tốt đẹp hơn nhờ có những tấm lòng như anh, một tha nhân không quen biết nhưng sẵn lòng giúp đỡ những ai khi cần.

Việc anh đã làm cho tôi là một nghĩa cử đầy tình người. Nay anh đang ở đâu, tôi vẫn mong có một ngày được gặp. Còn nếu không có cơ may, cho tôi một lần nữa nói lên hai tiếng “Cám ơn”.

© 2013 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thượng tọa Thích Không Tánh tường trình việc Cứu trợ Dân Oan, Nạn nhân cầu Cần Thơ và nạn nhân bão lụt Kekina
Năm 2004, Viện thăm dò dư luận Galớp của Mỹ có thăm dò nhận xét của người dân Mỹ về xã hội Mỹ; kết qủa hơn 70% trong số gần 100 triệu người được hỏi
Là người dân Việt nam, không một ai trong đất nước không biết đến những anh Pha, Chị Dậu, Chí Phèo..., những nạn nhân của chế độ thực dân Pháp ngày xưa
Trong chuyến thăm viếng Bắc Hàn vừa qua của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, dường như lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn có nêu ý kiến là Bắc Hàn
Tháng 11 là tháng Tạ Ơn của người Hoa Kỳ để cám ơn Thượng Đế đã ban cho chúng ta sự sống
Gần đây người ta khám phá một loại cây thường được gọi là “cây phép lạ - miracle tree”
Ngày 30/10/2007 vừa qua, tôi công bố bài viết về việc có một vài người ở cơ quan tôi đã có hành động xấu đối với tôi
Lữ Đoàn 3, còn có tên gọi là Airrowhead Stryker, thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã tổ chức buổi lễ trở về của Lữ Đoàn  hôm 11/10/ 07
Sau đây là thư ngỏ của cô Nguyễn Thanh Nhiên gửi phó tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới CSVN Nguyễn Như Phong.
Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thì ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Trung Cộng đang tăng tiến, bất chấp việc tuyền truyền chủ nghĩa cộng sản vô thần
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.