Hôm nay,  

Huyền Thoại Kennedy

26/11/201300:00:00(Xem: 10641)
...lý do thất bại là TT Kennedy quyết định đánh một cách đánh nửa vời, vừa đánh vừa run...

Tuần vừa qua đánh dấu đúng 50 năm kỷ niệm TT Kennedy bị ám sát chết.

Đối với người Việt chúng ta, tháng này cũng đánh dấu một cái chết quan trọng hơn nhiều. Đó là cái chết của TT Ngô Đình Diệm và em là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Cái chết của anh em ông Diệm là cái chết đổi đời, thay đổi hẳn một chế độ, và đã có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng cho đất nước. Người ta có thể tranh luận đến vô tận, nhưng không ai có câu trả lời nếu TT Diệm không bị đảo chánh và không bị giết thì nước ta bây giờ như thế nào. Cuộc tranh luận này, xin nhường lại cho các vị sử gia uyên bác. Trong bài này, chúng ta chỉ bàn về TT Kennedy.

TT John Fitzgerald Kennedy là vị tổng thống đã tại chức ngắn nhất trong lịch sử cận đại Mỹ, vỏn vẹn ba năm, nhưng lại là vị tổng thống để lại nhiều dấu ấn lịch sử nhất. Riêng đối với vấn đề Việt Nam, ông là người đã thay đổi cuộc diện chiến tranh Việt Nam.

Việc ông bị ám sát đã chấn động nước Mỹ và cả thế giới như chưa một biến cố nào có thể có ảnh hưởng lớn như vậy, ngoại trừ đại chiến thế giới, sự sụp đổ của chế độ CS, hay vụ 9/11.

Sau đó, thì có lẽ chưa có tổng thống Mỹ nào được ca tụng, thần thánh hoá như TT Kennedy. Ông được ca tụng như một trong những tổng thống tài giỏi nhất lịch sử Mỹ, với những bài diễn văn hùng hồn, xúc động cả triệu người trên thế giới. “Đừng hỏi đất nước này đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho đất nước này”. “Hãy để tất cả các nước trên thế giới này biết, cho dù họ muốn tốt hay muốn xấu cho chúng ta, là chúng ta sẽ trả mọi giá, chịu mọi gánh nặng, hứng mọi khổ cực để hỗ trợ mọi nước bạn, chống mọi kẻ thù, để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do”.

Một người đã lãnh đạo thế giới tự do đứng lên chống làn sóng đỏ tại Cuba, Bá Linh, và Việt Nam. Một người cũng đã đi tiên phong trong việc nới rộng cánh tay nhân đạo Mỹ, đi cứu giúp cả thế giới chậm tiến qua chương trình Peace Corps, với cả ngàn thanh niên thiện nguyện Mỹ đi giúp dân nghèo đói, bệnh tật khắp thế giới. Một người đã mở rộng biên cương mới của nước Mỹ khi mở ra chương trình thám hiểm không gian.

Đó là hình ảnh của TT Kennedy qua con mắt của truyền thông cấp tiến. Sự thật như thế nào? Ta hãy xét qua vài biến cố lớn nhất dưới triều đại Kennedy.

VỊNH CON HEO

TT Kennedy tuyên thệ nhậm chức đầu tháng Hai năm 1961. Chưa đầy hai tháng sau, xẩy ra biến cố Vịnh Con Heo.

Công bằng mà nói, TT Kennedy bị đặt vào thế chuyện đã rồi, khó làm gì khác được. Trước hiểm hoạ cộng sản sát nách tại Cuba, giữa cuộc chiến tranh lạnh cực kỳ căng thẳng của thập niên 60, đây là một đe dọa trực tiếp cho nước Mỹ. TT Eisenhower quyết định phải lật đổ Fidel Castro, chấm dứt mối đe dọa thường trực trong sân sau nhà. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ giúp một nhóm vài ngàn chí nguyện quân trong khối dân Cuba đang tỵ nạn tại Mỹ. Họ sẽ được Mỹ huấn luyện, tài trợ, rồi đổ bộ lên Vịnh Con Heo tại Cuba, tấn công và lật đổ Castro. Kế hoạch còn đang được soạn thảo khi TT Kennedy đắc cử, và ngay sau đó được hoàn tất. Tân TT Kennedy bị đặt vào thế phải quyết định tiến hành hay không.

Trong suốt cuộc tranh cử chống PTT Nixon, TNS Kennedy đã bị phe Cộng Hòa tô vẽ như một người ngây thơ, không có kinh nghiệm chính trị quốc tế, yếu đuối, sẽ bị Krushchev bóp mũi. Với hình ảnh đó, TT Kennedy không có lựa chọn nào khác trước thử thách quốc tế quan trọng đầu tiên. Ông quyết định đánh.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cho phi cơ đánh không lực Castro trước, rồi tiếp thả bom diệt quân của Castro, và nếu chẳng may đổ bộ thất bại, thì đổ tàu vào cứu nhóm nghiã quân.

Cuộc đánh bom đầu tiên thất bại, chỉ tiêu hủy được một vài chiếc máy bay của Castro. Cuộc đổ bộ 1.400 quân kháng chiến Cuba cũng thất bại nặng khi Castro cho máy bay thả bom và bắn quân kháng chiến đang nằm trơ trên bãi cát. Hai chiếc tàu lớn chở súng đạn tiếp tế đậu ngoài khơi cũng bị đánh chìm. Kháng chiến quân bị đe dọa tiêu diệt hoàn toàn. Cầu cứu Mỹ. TT Kennedy lên cơn rét, đổi quyết định, ra lệnh quân lực Mỹ không được cứu giúp dưới bất cứ hình thức nào. Toàn bộ khối quân kháng chiến hoặc bị giết, hoặc bị bắt cầm tù.

Truyền thông phe ta xúm lại đổ lỗi cho CIA và Ngũ Giác Đài đã cài TT Kennedy trong thế kẹt, rồi ca tụng TT Kennedy đã không sa lầy trong cái bẫy của CIA. Không ai nói đến chyện TT Kennedy có quyền hủy toàn bộ kế hoặch, mà ông đã không làm vì sợ mang tiếng yếu đuối.

Mấy năm sau, các sử gia nghiên cứu thấy lý do thất bại là TT Kennedy quyết định đánh một cách đánh nửa vời, vừa đánh vừa run, tìm đường tháo chạy. Kết quả là trước thử thách đầu tiên, TT Kennedy đã hoàn toàn thảm bại, cả trăm quân kháng chiến bị chết, cả ngàn còn lại bị tù đầy. TT Kennedy tuyên bố hùng hồn “trả mọi giá... để bảo đảm... tự do”: coi dzậy mà hổng phải dzậy!

KHỦNG HOẢNG HOẢ TIỄN NGUYÊN TỬ

Trước thắng lợi trọn vẹn tại Vịnh Con Heo, Castro thừa thắng xông lên, bắt tay với Liên Sô, cho Liên Sô lập mấy dàn hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử và có tầm bắn tới New York và Washington. Tình báo Mỹ chụp hình thấy rõ ràng. Không thể ngồi yên trước đe dọa trực tiếp và cụ thể này nữa, TT Kennedy ra lệnh phong tỏa Cuba, chặn tất cả các tầu vào Cuba, và điều đình với Krushchev. Quân đội Mỹ khắp thế giới báo động đỏ cấp cao nhất. Thế giới bên bờ vực của thế chiến thứ ba, lần này khủng khiếp hơn nhiều vì là giữa hai cường quốc đều có bom nguyên tử. Dân Mỹ xanh mặt vì nguy cơ lãnh bom nguyên tử thật sự, chứ không còn là đánh nhau trên vài hòn đảo tuốt tuột bên kia Thái Bình Dương như thời thế chiến.

Vài ngày sau, Krushchev ra lệnh tháo gỡ các dàn hỏa tiễn, mang về Liên Sô. Truyền thông tung hô TT Kennedy như người đã đại thắng, ép được tên điên khùng nguy hiểm Krushchev vào đường cùng phải chịu thua. Một lãnh tụ cực tài giỏi, bình tĩnh, can đảm, cứu được nước Mỹ mà không tốn một viên đạn, chứ đừng nói tới chuyện tránh được bom nguyên tử.

Cũng chỉ mấy năm sau, những tài liệu được giải mật cho thấy thực sự TT Kennedy đã... thua đậm. Thua vì không bứng được cái gai Castro ngay bên hông, vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau. Nhưng quan trọng hơn nhiều là thua vì ông đã nhượng bộ hai đòi hỏi của Krushchev: 1) Mỹ phải chấm dứt chương trình không thám U-2 trên lãnh thổ Nga và Đông Âu, và 2) Mỹ phải tháo gỡ toàn bộ dàn hoả tiễn nguyên tử đã dựng lên từ sau thế chiến tại Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các thành phố lớn và các địa điểm chiến lược quan trọng nhất của Liên Sô.

Nói cách khác, Krushchev vướng vào hai cái gai đó, không biết cách nào gỡ được dưới thời TT Eisenhower, bây giờ mang hoả tiễn nguyên tử vào Cuba để hù dọa và đổi chác với Kennedy, và TT Kennedy đã nhượng bộ, đáp ứng tất cả đòi hỏi của Krushchev. Chuyện Krushchev công khai lập dàn hỏa tiễn, chẳng dấu diếm gì là bằng chứng rõ ràng Krushchev muốn cho Mỹ biết để có dịp đổi chác trả giá. Kết quả cuộc khủng hoảng, Mỹ chấm dứt chương trình không thám và tháo gỡ dàn hỏa tiễn tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa Liên Sô, trong khi Mỹ... không được gì ngoài việc mấy dàn hoả tiễn tại Cuba được tháo gỡ. Chẳng ai biết vài cái hỏa tiễn được Liên Sô cố tình cho chụp hình có đầu đạn nguyên tử thật hay không.

Thành tích vẻ vang nhất của TT Kennedy dường như phải nói là thành tích lớn nhất của vua phé cáo già Krushchev.

CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Trong vấn đề vai trò của TT Kennedy trong chiến tranh Việt Nam, có ba câu hỏi lớn, mà cho đến nay, qua việc giải mật của hàng triệu tài liệu, vẫn chưa có ai có kết luận cuối cùng, không tranh cãi được nữa.

Câu hỏi đầu tiên là tại sao TT Kennedy gia tăng cường độ tham dự vào cuộc chiến tại Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, ta phải nhìn lại thời gian tính. Đúng một ngày sau khi vụ Vịnh Con Heo thất bại và TT Kennedy lên truyền hình nhận trách nhiệm, ông ra lệnh thành lập một nhóm công tác đặc biệt –special task force- nghiên cứu chương trình ngăn cản cộng sản chiếm miền Nam VN.

Nôm na ra, TT Kennedy quyết định can thiệp mạnh mẽ vào cuộc chiến VN một phần vì lý tưởng can thiệp cứu giúp thiên hạ theo đúng quan điểm cấp tiến, cũng như đáp ứng đòi hỏi của cuộc chạy đua ảnh hưởng Mỹ-Nga thời đó, nhưng lý do chính là để cứu vớt uy tín cá nhân bị đổ vỡ theo thất bại của Vịnh Con Heo.

Quyết định này mở màn cho cuộc tham chiến lâu dài, tốn kém tiền bạc và nhân mạng, gây tranh cãi nhiều nhất, và cuối cùng là thảm bại đầu tiên của quân đội Mỹ trong một cuộc chiến.

Câu hỏi thứ hai là vai trò của TT Kennedy trong cuộc đảo chánh 63, và nhất trong cái chết của TT Diệm. Qua những tài liệu giải mật, chuyện TT Kennedy “bật đèn xanh” cho các tướng đảo chánh đã vào lịch sử, không ai chối cãi hay thắc mắc gì nữa. Vấn đề là TT Kennedy có đồng ý cho giết TT Diệm hay không.

Ở đây, vấn đề vẫn còn đang được tranh cãi. Người thì khẳng định cái chết của TT Diệm là một cú shock lớn lao đối với TT Kennedy và ông đã rất bực tức các tướng lãnh VN. Người khác thì cho rằng ông đã thông đồng với các tướng lãnh giết ông Diệm.

Nước Mỹ có truyền thống dân chủ, thay đổi lãnh đạo thường xuyên, hoàn toàn trong tôn ti trật tự của thể chế dân chủ và Hiến Pháp. Đảo chánh là chuyện khó hiểu. Giết đối lập chính trị lại càng vô lý, không thể chấp nhận được. Trong môi trường đó, khó mà chúng ta có thể nói TT Kennedy đã thông đồng với các tướng lãnh, hay thậm chí “ra lệnh” cho họ giết TT Diệm. Như vậy thì có lý do để tin TT Kennedy không can dự trực tiếp đến cái chết của TT Diệm, không biết gì và không dính dáng gì đến cái chết này mặc dù ông chấp nhận đảo chánh.

Nếu đây là sự thật thì phải nói TT Kennedy quả là tay mơ chính trị nếu không muốn nói là ngây ngô. Mỹ có câu “muốn làm trứng chiên, phải đập vỏ”. Nếu TT Kennedy nghĩ có thể làm một cuộc đảo chính lật đổ một chế độ độc tài, với cả ngàn quân nhân súng ống võ trang đầy đủ mà không đưa đến giết người, như đi ăn tiệc sinh nhật, thì TT Kennedy chẳng hiểu biết gì về chính trị Á Đông hay về chính trị ngoài thể chế dân chủ kiểu Mỹ. Cho dù ông không kinh nghiệm, nhưng quanh ông, vẫn có biết bao cố vấn, làm sao họ không biết hay không đoán được nguy cơ TT Diệm bị giết? Kẻ viết này tin là TT Kennedy đã được cảnh báo đẩy đủ, dù ông không chủ ý nhưng đã chấp nhận cái “rủi ro” lớn là TT Diệm có thể bị giết. Tức là ông đã chấp nhận đó là cái giá phải trả, tức là ông không có “oan Thị Kính” gì trong vụ giết TT Diệm. Không ra lệnh, nhưng chấp nhận rủi ro.

Câu hỏi thứ ba là TT Kennedy có đang tính chuyện rút ra khỏi VN trước khi ông bị ám sát không. Ở đây có nhiều sách báo khẳng định ông đã có ý định này. Thậm chí, còn có giả thuyết ông bị ám sát chính vì ý định muốn rút này nên đã bị khối diều hâu/quân đội ám sát chết để bảo đảm cuộc chiến VN sẽ tăng cường độ để bán vũ khí hay thử nghiệm các chiến lược quân sự chống CS.

Đã có một cuốn sách được viết, khẳng định TT Kennedy đã có ý định rút. Bằng cớ đưa ra là một chỉ thị của TT Kennedy ra lệnh Bộ Quốc Phòng lập một kế hoặch rút toàn diện hết các cố vấn quân sự về. Việc ra lệnh này chắc là có thật, nhưng nếu dựa trên lệnh đó mà nói TT Kennedy chuẩn bị rút ra khỏi VN thì có hơi võ đoán. Trong tư thế lãnh đạo, TT Kennedy phải có chuẩn bị cho mọi tình huống. Do đó việc ông ra lệnh làm kế hoạch rút quân không có gì là lạ, và cũng không mang ý nghiã đặc biệt gì. Chưa phải là lệnh rút, mà chỉ là lập kế hoặch dự phòng có thể rút. Chắc chắc ngoài lệnh đó ra, ông cũng đã ra lệnh làm kế hoặch đổ nửa triệu lính Mỹ vào VN hay thậm chí đổ bộ thủy quân lục chiến vào Vịnh Hạ Long không chừng.

Thực tế chuyện TT Kennedy muốn rút là khó tin. TT Kennedy chỉ cần viện lý do TT Diệm độc tài, đàn áp Phật Giáo, chấm dứt viện trợ TT Diệm là xong. Không cần phải rắc rối phê chuẩn việc lật đổ TT Diệm, mang tai mang tiếng là đế quốc để rồi sau đó làm kế hoặch rút ra khỏi VN. Hậu thuẫn đảo chánh làm gì nếu đã tính rút lui? Nói cách khác, TT Kennedy vẫn bị ám ảnh bởi thất bại hai lần tại Cuba, nên muốn vạch lằn ranh, nhất định mạnh mẽ ngăn chặn làn sóng đỏ tại VN. Nếu ông không bị ám sát, có nhiều triển vọng chính sách của ông cũng sẽ như chính sách của TT Johnson sau này thôi. Ta cũng không thể quên những tác giả của chính sách của TT Johnson tại VN là bộ trưởng quốc phòng McNamara, ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh Bundy,... đều là người của ê-kíp Kennedy.

Cả ba câu chuyện tuy khác nhau, nhưng tóm gọn đầy đủ câu chuyện cuộc chiến VN, và là đáp số cho câu hỏi tại sao miền Nam thất bại, tại sao quân lực VNCH thua. Chỉ vì chính quyền miền Nam, cho dù dưới thời đệ nhất hay đệ nhị Cộng Hòa, chưa khi nào thực sự có chủ quyền trọn vẹn, có quyền quyết định đánh hay không đánh, đánh theo kiểu nào, đánh cho quyền lợi đất nước ta hay đánh vì quyền lợi Mỹ. Cũng như quân lực VNCH, chưa bao giờ được huấn luyện và hỗ trợ theo nhu cầu thực sự của cuộc chiến, mà chỉ là theo nhu cầu của chiến lược, chiến thuật của Mỹ. Khi Mỹ muốn đánh thì cấp súng đạn cho ta đánh, khi Mỹ muốn tháo chạy thì mang súng đạn về, kể cả ngòi bom CBU.

Nếu ta nhìn vào ba quyết định lớn của TT Kennedy nêu trên, trong cả ba trường hợp, đều không có yếu tố Việt Nam trong đó, tức là chuyện chính quyền VN và dân VN có cùng ý không, can dự hay không can dự có lợi hay có hại cho nước và dân VN như thế nào,... Tuyệt đối không cân nhắc những chuyện này, mà chỉ cân nhắc quyền lợi của Mỹ ở đâu thôi. Trong cuộc chiến này, đồng minh chỉ tính toán theo quyền lợi của họ thôi, chứ ít thắc mắc về sự sống còn của chúng ta. Khi Kissinger nói chuyện được với Mao là lúc quyền lợi chiến lược Mỹ được bảo đảm, VN thành con chốt thừa.

Người Việt chúng ta có quyền cảm mến cái hào hoa của TT Kennedy và cái tài ăn nói của ông, nhưng chỉ trong tư cách tổng thống Mỹ thôi. Còn nhìn dưới khiá cạnh Việt, ông không khác gì các TT Johnson, Nixon, hay Ford: VN chỉ là con chốt trong thế cờ chiến lược toàn cầu của Mỹ. Cần giữ thì giữ, cần thí là thí.

Nói tóm lại, hình ảnh huy hoàng đẹp đẽ của TT Kennedy chỉ là dàn diễn do truyền thông cấp tiến dựng lên, trong khi thực tế TT Kennedy không thần thánh như tưởng tượng. Trong 1.000 ngày nắm quyền, ông chỉ để lại những diễn văn hùng hồn nhất, hình ảnh một tổng thống trẻ tuổi, đẹp trai, vợ đẹp con khôn, trong khi thành quả cụ thể thì... thất bại nhiều hơn thành công. Ông là người đã quyết định can thiệp vào cuộc chiến VN, đi xa đến độ chấp nhận hy sinh TT Diệm khi thấy ông này là một trở ngại cho chiến lược chống cộng của Mỹ. TT Kennedy chết đi để lại những câu hỏi không có câu trả lời như nếu ông ngay từ đầu không can dự vào VN, hay nếu ông sống, thì chiến tranh VN sẽ như thế nào? (24-11-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
26/11/201308:00:00
Khách
The guy i s a lo o se r !!!
Thanks Mr. Vu Linh
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.