Hôm nay,  

Syria: Chính Sách “Chim Phải Ná”

03/09/201300:00:00(Xem: 8092)
...sở trường của TT Obama, là để phe Cộng Hoà biểu quyết không can dự, rồi... đổ thừa...

Tình hình thế giới thời gian gần đây đã xôn xao về chuyện Mỹ tố cáo Syria sử dụng vũ khí hoá học chống những phần tử đối kháng, và đe dọa sẽ can thiệp quân sự để giúp phe nổi loạn. Nhưng đây là một quyết định không dễ dàng gì, nhất là cho nước Mỹ qua kinh nghiệm Iraq, và đặc biệt là cho TT Obama, một người ít khi dám lấy quyết định mau chóng, khác xa ông cao bồi Bush rút súng rất nhanh.

Syria là một nước độc tài chuyên chế từ mấy chục năm nay. Đương kim tổng thống Bashar Assad là “thái tử” nhận ngôi báu từ “vua cha” vào năm 2000 không khác gì thái tử Kim Jong Un của Bắc Hàn. Vua cha Hafez Assad, xuất thân là tướng tư lệnh không quân, thành viên Hội Đồng Quân Lực đảo chính chính quyền dân sự năm 1966. Năm 1971, ông chiếm quyền qua một cuộc đảo chính khác, lật đổ Hội Đồng Quân Lực và lên ngôi tổng thống. Vua cha trị vì gần 30 năm rồi truyền ngôi lại cho thái tử, đến nay đã làm vua được 13 năm.

Cả cha lẫn con, hai ông cai trị với bàn tay sắt, không dung túng bất cứ hình thức dân chủ đối lập nào.

Cách đây hơn hai năm, Mùa Xuân Ả Rập nở rộ, đưa đến hàng loạt biến động chính trị làm lung lay các chế độ độc tài trong vùng. TT Tunisia, rồi TT Ai Cập bị lật đổ. TT Libya cũng bị giết, tuy bị giết qua sự tham chiến của Mỹ và vài nước Tây Âu. Vài nước Trung Đông khác phải cải tổ chính sách cai trị dân.

Dân Syria cũng rục rịch chống đối, nhưng không may đụng phải một nhà độc tài tàn bạo, không nhân nhượng gì mà trái lại, còn đàn áp thẳng tay bằng xe tăng và máy bay. Rồi bây giờ, bằng vũ khí hóa học. Ít ra là hai chục ngàn người đã bị chết từ hai năm qua. Các thành phố bị tàn phá đổ nát, không khác gì các thành phố Âu Châu thời đệ nhị thế chiến. Điều lạ lùng là cả thế giới bị chấn động bởi thảm họa đó, nhưng bàng quang khoanh tay đứng nhìn.

Khi Khaddafi của Libya dọa mang xe tăng đến đánh thành phố Benghazi, là nơi trú ẩn của quân nổi loạn, Âu Châu áp lực Mỹ phải nhẩy vào cứu mấy trăm anh phiến loạn quân bị kẹt trong thành phố, nhân danh “nhân đạo”. Lực lượng NATO nhẩy vào tham chiến và mau chóng giết Khaddafi, thay đổi chế độ. Khi Assad của Syria mang đại bác, xe tăng và máy bay đánh giết hơn hai chục ngàn người trong hai năm liền, cả thế giới đứng ngoài nhìn. TT Obama biện giải “khó lắm, không dễ như Libya đâu”. Như vậy nghiã là gì? TT Obama chỉ lấy những quyết định dễ dãi thôi, còn gặp chuyện khó khăn thì ngồi ngoài suy tính, tháng này qua năm nọ.

Công bằng mà nói, tình trạng Syria khó khăn hơn Libya nhiều. Libya tuy rộng lớn, nhưng thật sự chỉ là một dẫy vài ba thành phố ven biển phiá bắc, còn ngoài ra, toàn là sa mạc. Quân đội Libya thực tế chỉ là một đạo quân cảnh sát công an có nhiệm vụ bảo vệ chế độ, giỏi bắt nhốt và tra tấn dân chúng chống đối, nhưng không có khả năng chống lại quân lực NATO. Khaddafi sau 40 năm cầm quyền, đã đổ đốn, chỉ còn mụ mỵ ham mê sắc dục với đám nữ cận vệ, đầu óc mù mờ vì dùng viagra mỗi ngày tháng này qua năm nọ. Cả Nga lẫn Trung Cộng cũng chẳng ngó ngàng tới. Đối với TT Obama, trên phương diện quân sự, Libya có thể được giải quyết trong vòng vài tiếng đồng hồ dội bom, về phương diện chính trị, Mỹ núp sau bình phong NATO, “lãnh đạo từ phiá sau”. Do đó, quyết định tham chiến dễ dàng hơn.

Syria rắc rối hơn nhiều. Đây là một nước lớn mạnh, với một quân đội vũ trang đầy đủ, rất thiện chiến vì kinh nghiệm đánh nhau với Do Thái từ mấy chục năm qua. TT Assad kiểm soát cả nước rất chặt chẽ. Syria cũng được sự hậu thuẫn mạnh của Iran, Nga và Trung Cộng. Đã vậy, lực lượng chống đối TT Assad lại là các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó Al Qaeda đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Người ta cũng không thể quên cuộc nội chiến tại Syria thật ra mang mầu sắc tôn giáo nhiều hơn là chống độc tài. Đây quả thực là cuộc chiến giữa hai khối Hồi giáo Shia của đảng cầm quyền Baath và Sunni là thành phần chủ lực trong vụ nổi loạn, mà nếu không giải quyết ổn thoả, sẽ có nhiều triển vọng lan truyền ra cả khối Trung Đông và Ả Rập, là kho dầu của cả thế giới. Tại Syria, khối Sunni chiếm 70% dân số trong khi khối Shia chỉ chiếm khoảng 15%, nhưng Shia của TT Assad giữ thế áp đảo chính trị và quân sự.

Trước một Syria tương đối mạnh như vậy, cả Tây Âu lẫn Mỹ đều phải rụt rè, đánh võ miệng chứ không dám đánh thật.

Cái điều tai hại là đánh võ miệng nhiều quá, đến một lúc nào đó thì phải có hành động, nếu không thì mất hết uy tín trên thế giới. TT Obama suốt hai năm qua đã đánh võ miệng khá nhiều, phần lớn để biện minh cho sự tham chiến tại Libya. Khi Mỹ nhẩy vào tham chiến tại Libya nhân danh “lý tưởng nhân đạo”, nhân danh những “giá trị luân lý và đạo đức nền tảng của văn hoá và xã hội Mỹ”, mà lại không nhúc nhích gì tại Syria thì thật khó coi. Nên TT Obama cũng bị bắt buộc phải “làm một cái gì” tại Syria, cho dù là đánh võ miệng.

Vì tình trạng khó khăn hơn, nên sự can dự của Mỹ cũng đã có điều kiện khó khăn hơn. Và TT Obama đã tự vạch ra một lằn ranh đỏ -red line-, nếu chính quyền Assad vượt qua, TT Obama đe dọa sẽ can dự vào. Lằn ranh đỏ đó là việc Assad sử dụng vũ khí giết người tập thể, như vũ khí hoá chất.

TT Assad đã phải đối phó với những chống đối vũ trang ngày càng lớn mạnh, khiến ông phải leo thang theo, sử dụng vũ khí ngày một mạnh như máy bay, xe tăng, đại bác. Vẫn không có kết quả gì nhiều, nên đã phải ra chiêu vũ khí hoá chất. Tức là đã vượt qua lằn ranh đỏ của TT Obama vạch ra. Một lằn ranh đỏ mà TT Obama hy vọng Assad sẽ không dám lại gần, ai ngờ Assad làm càn, sử dụng vũ khí hoá học thật. Có lẽ với chính sách xin lỗi bốn phương tám hướng của TT Obama, mấy ông độc tài tép riu nhất cũng coi Mỹ chỉ là cọp giấy. Đưa TT Obama vào thế bí, bắt buộc phải có hành động.

TT Obama cò cưa, viện cớ này lý nọ để trì hoãn, đưa lý do chưa có chứng cớ rõ ràng, cần nhiều bằng chứng cụ thể hơn, v.v... Cuối cùng, cách đây hơn một tháng, đành phải lấy quyết định sẽ “hỗ trợ” quân nổi loạn bằng quân sự. Nhưng nói mà vẫn không làm gì. Chẳng ai thấy Mỹ gửi thủy quân lục chiến qua Syria, chẳng thấy máy bay Mỹ bỏ bom, mà cũng chẳng thấy Mỹ viện trợ súng đạn gì cho quân nổi loạn.

Cái gương Iraq vẫn còn lù lù đó. Chim đại bàng Cờ Hoa đã trúng ná một lần, bây giờ đâm ra làm gì cũng run. Việc TT Assad dùng hơi ngạt giết cả ngàn quân chống đối rõ hơn ban ngày, cả thế giới đều biết qua đầy rẫy hình ảnh thường dân nằm chết xùi bọt mép, lằn ranh đỏ đã bị vượt qua từ lâu rồi, nhưng TT Obama vẫn … run. TT Assad đã đánh phé, thách thức Liên Hiệp Quốc gửi chuyên gia vào Syria điều tra thực hư. Chỉ khiến TT Obama bối rối hơn.

Cái rắc rối lớn hơn nữa là lực lượng nổi loạn có một số không nhỏ là quân khủng bố Hồi giáo cực đoan Al Qaeda. Trong khi TT Obama la hoảng là Al Qaeda vẫn còn mạnh, đến độ phải đóng cửa hai chục cơ sở ngoại giao, mà Mỹ lại thành đồng minh tiếp tay với Al Qaeda tại Syria thì giải thích làm sao?

Chưa kể TT Obama trước đây ra rả sỉ vả TT Bush về việc không lượng sức mình, can thiệp vào hai cuộc chiến một lúc tại cái vùng đau đầu nhất thế giới. Bây giờ chưa rút chân hẳn ra khỏi Iraq và Afghanistan mà lại tham gia vào cuộc chiến thứ ba tại Syria? Làm sao bảo đảm Syria sẽ không là vùng đất lún, sẽ nuốt hết lính Mỹ và tiền Mỹ trong cả chục năm tới?

Cụ thể mà nói, TT Obama hiện nay có vài lựa chọn, chẳng cái nào hấp dẫn hơn cái nào.

Thứ nhất, TT Obama khua chiêng trống nhưng vẫn án binh bất động. Đây là giải pháp an toàn cho ông tổng thống có giải thưởng Nobel Hòa Bình. Cũng có nhiều triển vọng áp dụng được sau khi quốc hội Anh biểu quyết không cho quân đội Anh tham chiến (một thảm bại cho chính sách đối ngoại của TT Obama; ít ra TT Bush trước đây còn có được hậu thuẫn và sự tham chiến của Anh tại Iraq), cũng như sau khi Pháp có vẻ de lui, kêu gọi tìm giải pháp chính trị, và nhất là sau khi Putin và Tập Cận Bình công khai lên tiếng chống lại mọi can thiệp quân sự của Mỹ và Tây Phương. Phe Cộng Hòa cũng chống, do đó, nếu TT Obama mang vấn đề can thiệp quân sự vào Syria ra “xin phép” quốc hội, có nhiều hy vọng sẽ không đủ phiếu, như vậy sẽ có lý do thủ cẳng. Thăm dò dư luận cũng cho thấy đại đa số dân Mỹ chống lại việc tham chiến tại Syria.

Điểm tai hại của giải pháp này là cọp giấy Obama đã được chứng minh rõ ràng là cọp giấy thật. Uy tín của TT Obama sẽ tiêu tan, nhất là trước mắt của Do Thái cũng như của các phong trào quần chúng nổi lên chống độc tài đòi dân chủ. Họ sẽ thấy không thể mong chờ gì ở TT Obama. Các chế độ độc tài gặp chống đối cũng không cần phải lo Mỹ sẽ can dự và sẽ tha hồ đàn áp.

Lựa chọn thứ nhì là đơn thân độc mã can thiệp mạnh nhân danh “giá trị đạo đức Mỹ”, cũng như vì muốn chứng minh mình không phải là cọp giấy. Lịch sử tái diễn với bức tranh Iraq hiện ra trước mắt: quân Mỹ sẽ mau chóng thanh toán được quân của Assad, thay đổi chính quyền, nhưng Mỹ sẽ lún vào vũng bùn Syria cả chục năm tới. Không thể nhẩy vào phá tan nát rồi khơi khơi rút về, mà phải có trách nhiệm xây dựng lại Syria cho dù trong mức tối thiểu nào đó. Chưa kể việc can thiệp có thể xé vấn đề ra to hơn nếu Iran nhẩy vào cuộc chiến, đánh Do Thái để bảo vệ đồng minh của mình như đã đe dọa.

Bài học từ Việt Nam đến Iraq cho thấy một khi đã can dự vào thì hậu quả sẽ dây dưa từ chuyện này qua chuyện khác, ngày càng lún xuống bùn mà không thấy có đường rút ngoài đường tháo chạy.

Lựa chọn này nghe có vẻ không hợp với tính tình của TT Obama mấy và có ít hy vọng thành sự thật, cho dù đây lại là chủ trương của khối cấp tiến cực đoan trong ê-kíp của Obama. Chính vì áp lực của nhóm này mà TT Obama đã phải nhẩy vào can thiệp tại Libya trước đây, cũng như hậu thuẫn nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo lật đổ TT Mubarak của Ai Cập. Mà cánh này chính là cánh đang nắm thực quyền trong chính sách đối ngoại của TT Obama, gồm có bà Susan Rice, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, bà Samantha Power, đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, và bà Valerie Jarrett, Cố Vấn Đặc Biệt và là bạn tâm giao của TT Obama.

Ngoài Tòa Bạch Ốc, các chính khách và truyền thông cấp tiến nhất –kể cả báo New York Times- cũng đòi Mỹ can thiệp mạnh, thay đổi chế độ. Điều oái ăm của chính trị Mỹ là khối cấp tiến nặng (ultra-liberal) ngày nay lại cũng là khối chủ trương can thiệp vào chuyện thay đổi chế độ giống y hệt nhóm tân bảo thủ (neo-conservative) đã áp lực TT Bush đánh Iraq.

Giải pháp thứ ba là Mỹ không trực tiếp tham chiến, nhưng sẽ giúp vũ khí đạn dược cho quân nổi loạn. Tương đối an toàn vì sẽ không chết lính Mỹ và không cần đến các quan thái thú Mỹ đến xây dựng lại nước Syria đã tan hoang. Nhưng lại chẳng giải quyết được gì, mà trái lại, chỉ kéo dài cuộc chiến huynh đệ tương tàn thêm không biết bao nhiêu lâu nữa. Như vậy thì can thiệp làm gì? Để nuôi dưỡng chiến tranh sao?

Và cái hại lớn nhất là lực lượng Hồi giáo khủng bố cực đoan Al Qaeda sẽ được viện trợ súng đạn Mỹ. Mỹ giúp súng đạn, nhất là súng bắn máy bay để ngăn cản việc Assad dùng máy bay thả bom hoá chất lên nhóm loạn quân. Nhưng ai bảo đảm được Al Qaeda sẽ không mang những súng đó đi bắn máy bay dân sự Mỹ trên khắp thế giới? Viễn ảnh đó đã làm cho TT Obama đau đầu không ít và vẫn cứ lằng nhằng không biết quyết định như thế nào. Chính vì vậy mà cả mấy tháng nay, mặc dù lớn tiếng “chuẩn bị” giúp quân nổi loạn, TT Obama vẫn chưa làm gì hết.

Giải pháp thứ tư là giới hạn chuyện can thiệp vào việc Mỹ thả bom (hay bắn đại bác từ các chiến hạm ngoài khơi) những nơi bị nghi ngờ là kho chứa hoá chất, đồng thời đánh không lực Syria, đánh vài phi trường, phá máy bay để phá phương tiện thả hoá chất của Syria. Cái lợi lớn dĩ nhiên là an toàn, không tốn kém như gửi lính Mỹ vào đánh, và lại chứng minh được TT Obama giữ lời hứa không cho Syria vượt lằn ranh đỏ, không cho Assad sử dụng vũ khí hoá chất.

Nhưng tất cả các chuyên gia quân sự đều biết giới hạn của việc tấn công bằng máy bay thả bom. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã thả cả triệu tấn bom mà chẳng đi đến đâu hết, rốt cuộc vẫn thua trận. TT Assad không có máy bay vẫn còn hàng ngàn xe tăng và hoả tiễn có thể dùng để bắn đạn hay hỏa tiễn chứa hoá chất, có thể kéo dài cuộc chiến đẫm máu thêm không biết bao năm nữa. Việc đánh các kho chứa hoá chất lại càng có tính phiêu lưu hơn nữa. Chẳng ai biết những kho hoá chất đó ở đâu hết. Tình báo Mỹ qua vụ Iraq, đã chứng tỏ khả năng cực kỳ yếu kém trong việc truy tìm các kho vũ khí giết người tập thể. Cái kẹt là ngày nào TT Assad còn vũ khí hoá chất để sử dụng thì ngày đó Mỹ vẫn khó có lý do ngưng can dự được.

Một giải pháp nữa là... câu giờ, chờ cho Assad thu dẹp hết vết tích, rồi phái đoàn điều tra tuyên bố không có chứng cớ gì về vũ khí hóa học, thế là hết chuyện. Giải pháp này dĩ nhiên không che mắt được ai.

Giải pháp cuối cùng, cũng là sở trường của TT Obama, là để phe Cộng Hoà biểu quyết không can dự, rồi... đổ thừa. Giải pháp này chỉ chứng tỏ TT Obama chẳng có khả năng lãnh đạo mà chỉ giỏi đổ thừa.

Nói chung, TT Obama không thấy có giải pháp nào vẹn toàn hết. Mà điều lý thú nhất là không nghe TT Obama nói chuyện tham khảo quốc hội, đồng minh hay Hội Đồng Bảo An gì hết. Có vẻ không cần hậu thuẫn của ai hết? Một điều TT Obama đã từng mạnh mẽ chỉ trích TT Bush.

Trong câu chuyện Syria, TT Obama đã tự mình cài mình vào thế kẹt. Ông hiểu rõ Mỹ không thể đi lại vết xe đổ Iraq, nhưng lại huyênh hoang tuyên bố vung vít, lỡ thị oai quá lớn để khỏa lấp cái nhút nhát của chính sách đối ngoại của mình, để rồi bây giờ bị đặt vào thế phải làm một cái gì nếu không muốn mất hết uy tín. Gọi là tháu cáy bị bắt.

Có nhiều triển vọng TT Obama sẽ chọn giải pháp thứ tư, là giải pháp yếu xìu, cho máy bay oanh tạc để gây khó cho không lực Syria và một vài nơi tình nghi là kho chứa hoá chất. Làm rùm beng cho có để chứng minh mình không phải cọp giấy, rồi tuyên bố đã đạt mục tiêu và rút về. Trong khi đó cuộc nội chiến Syria sẽ tiếp tục kéo dài, dân Syria tiếp tục chết trong sự thờ ơ của thế giới, không khác gì tình trạng Iraq: Mỹ rút lui để lại mấy nhóm Iraq tha hồ giết nhau, không ai ngó ngàng tới nữa. (01-09-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.