Hôm nay,  

Tại Sao Mỹ Cần Phải Đóng Cửa Các Sứ Quán Ngày 4-8-2013?

23/08/201300:00:00(Xem: 13926)
1* Mở bài

Câu hỏi nầy xem như thừa vì việc đóng cửa các sứ quán đã qua rồi nhưng cần nhấn mạnh là nó rất cần thiết.

Ngày chủ nhật 4-8-2013, Mỹ đồng loạt đóng cửa 19 sứ quán ở các quốc gia vùng Trung Đông và Bắc Phi. Báo động của Mỹ làm cho Anh, Pháp, Đức, Hoà Lan và Canada cũng đóng cửa các tòa đại sứ ở Yemen, là hang ổ của tổ chức khủng bố Al Qaeda vùng bán đảo Á Rập, AQAP (Al Qaeda in the Arabian Peninsula).

Nhiều bài viết nêu nhận xét khác nhau có ý chỉ trích Hoa Kỳ là hành động thái quá, cảnh giác cao độ như thế là quá đáng.

Mỹ tuyên bố lý do đóng cửa các cơ sở ngoại giao là do bắt được tín hiệu của trùm khủng bố thay thế Bin Laden là Ayman al-Zawahiri, trực tiếp chỉ thị cho thủ lãnh chi nhánh Hồi giáo AQAP là Nasir al-Wuhayshi, mở những cuộc tấn công vào Mỹ và phương Tây. Có người lại đặt vấn đề thật hay giả của lý do nầy.

Ngày 11-8-2013, Mỹ mở cửa lại các sứ quán, ngoại trừ hai nơi hang ổ khủng bố Al Qaeda là Yemen và Pakistan.

Cho dù bất cứ lý do gì, thực hư ra sao?, có hay không về chỉ thị tấn công khủng bố Mỹ của al-Qaeda, thì việc đóng cửa các sứ quán rất cần thiết để bảo vệ sinh mạng của các nhà ngoại giao Mỹ ở những nơi an ninh bị đe dọa.

2* Những nhận định khác nhau về việc Mỹ đóng cửa các sứ quán

2.1. Biện pháp an ninh như thế là quá mức cần thiết

Việc đóng cửa các cơ sở ngoại giao rất dễ làm, chẳng tốn kém gì cả, chẳng thiệt hại đến ai, mà cũng chẳng chết thằng Tây nào, chỉ cần khoá cửa, lính bảo vệ tăng cường canh gác là xong ngay, mà bảo vệ được sinh mạng của nhân viên ngoại giao, thì tại sao không làm?

Một nhà ngoại giao Pháp, cựu đại sứ ở Yemen, ông Gilles Gauthier, cho rằng biện pháp an ninh của chính quyền Obama là “quá mức cần thiết và trở nên dị hợm” vì đã không có biến cố nào xảy ra trong những ngày đóng cửa.

2.2. Gilles Gauthier cho rằng tin tức về khủng bố của Mỹ là “hoàn toàn chế tạo”

Ông Tây nầy nói: “Rõ ràng là người ta có một biến cố hoàn toàn chế tạo: một thông báo của Mỹ trở thành một biến cố, và vào lúc nầy, mọi người đều hoảng hốt. Các chính phủ của chúng ta, các nhà lãnh đạo của châu Âu đã bị mắc vào cái phong trào, không còn biết rõ những gì họ làm và họ đi theo, nên họ mới đóng cửa các toà đại sứ”.

Nếu như những nhận xét nầy đưa ra trước ngày đóng cửa và chứng minh được rằng Al-Qaeda không tấn công khủng bố vào thời gian đó, thì nhận xét mới có giá trị.

Có ai dám bảo đảm rằng Al Qaeda không còn tấn công nữa không?

Ông chỉ trích chính quyền Mỹ tung tin khủng bố để bào chữa cho việc nghe lén điện thoại và kiểm soát Email như lời tố cáo của Edward Snowden. Ông Tây nầy cho biết đó chỉ là một chiến thuật biện hộ của Tổng thống Obama mà thôi.

Cần phải tách rời việc khủng bố và lời bào chữa ra làm hai phần khác nhau, nếu như Mỹ cố tình kết hợp cả hai lại thành một, vì việc khủng bố tấn công các sứ quán Mỹ là chuyện có thật, và các nhóm khủng bố kêu gọi chống Mỹ cũng là sự thật xảy ra hà rầm suốt mấy chục năm nay.

2.3. Không hy vọng khủng bố chấm dứt tấn công

Đối với Al Qaeda, cuộc cách mạng Hồi giáo của họ chưa hoàn thành, và họ đang bị truy diệt thì đừng mong rằng họ sẽ chấm dứt những vụ khủng bố, mà cũng không có hy vọng nào về một thoả hiệp, bởi vì những mâu thuẩn đối kháng khó có thể san bằng, nhất là đối với những người cuồng tín và cực đoan, khi tin tưởng rằng tử vì đạo trong thánh chiến là thể hiện sự trung thành với đấng Allah của họ. Chết lên “thiên đàng” sẽ được thưởng hai trinh nữ 13 tuổi.

Al Qaeda có nhiều lý do để tiếp tục khủng bố. Đó là để hoàn thành sự nghiệp cách mạng Hồi giáo, để trả thù cho cái chết của Bin Laden và cái chết mới đây hồi tháng 6 năm 2012 của phó tướng AQAP là Sheikh Abu Yahya al-Libi, trả thù việc mục sư Terry Jones ở Florida chủ trương đốt kinh Koran vào ngày 11-9, và mới đây, trả thù việc cuốn phim phỉ báng Hồi giáo do nhóm người Công giáo Coptic ở Mỹ thực hiện. Cuốn phim mang tên “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” (Innocence of Muslims).

Đó là những lý do để không ngừng tấn công, nhất là vào tháng 8, tháng 9, lập thành tích kỷ niệm “chiến thắng 9.11”.

3* Đóng cửa các sứ quán là cần thiết

Việc đóng cửa các sứ quán ngày 4-8-2013 rất cần thiết vì ba lý do sau đây: một là Al Qaeda thường tấn công để kỷ niệm “ăn mừng” ngày 11.9, hai là Mỹ không có biện pháp nào ngăn chặn việc tấn công, vì chỉ cần 5 tên chăn trâu với những khẩu B-40 cũng đủ là thiệt hại nặng nề các sứ quán Mỹ để tuyên truyền, ba là trong thời gian tấn công toà Tổng lãnh sự Mỹ ở Benghazi năm qua, đã có 400 hoả tiễn phòng không ở Libya bị đánh cắp.

Quyền lực của Mỹ chỉ giới hạn bên trong khuôn viên các sứ quán với một số TQLC bảo vệ an ninh vòng trong, phần lãnh thổ bên ngoài thì dưới quyền kiểm soát của các quốc gia sở tại.

4* Vụ 400 hoả tiễn phòng không bị mất ở Libya

Ngày 12-9-2012, tại thủ đô Washington, luật sư Joe DiGenova tiết lộ một tin gây sốc trên trang mạng Breibart.com, khi trả lời phỏng vấn của đài phát thanh WMAL, ông cho rằng đã có 400 hỏa tiển phòng không vác vai ở Libya bị đánh cắp. LS Joe DiGenova khẳng định nguồn tin của ông hoàn toàn chính xác.

Những nhà bình luận cho rằng điều đó cũng góp phần vào việc Hoa Kỳ quyết định đóng cửa các sứ quán vào ngày 4-8-2013.

5* Những kế hoạch khủng bố của Al Qaeda

5.1. Tài liệu tịch thu được

Khi tấn công vào tòa nhà của Bin Laden ở Abbottabad (Pakistan) ngày 2-5-2011, biệt kích Mỹ đã tịch thu được 5 máy vi tính, 10 ổ cứng (hard drive), hàng trăm dĩa CD, DVD và những tài liệu viết tay. Chưa biết những tài liệu đó đã được mã hoá hay không, nhưng nó dược xem như một kho tàng vô giá đối với ngành tình báo.

Các chuyên viên chống khủng bố cần biết địa chỉ của những nơi và tên những người liên lạc, là đầu mối để truy tầm những tên đầu xỏ như nhân vật thứ hai là Ayman al-Zawahiri, tư tưởng gia Abu Jahja al-Libi, người phụ trách tác chiến Ilyas Kashmiri, tên trùm huấn luyện quân sự và phá hoại Saif al-Adel…

5.2. Những kế hoạch khủng bố

Các giới chức Mỹ cho biết, trong những tài liệu thu được, có một kế hoạch tấn công nhân kỷ niệm 10 năm ngày “chiến thắng” 11-9-2001.

Al-Qaeda dự định sẽ làm trật đường rầy một đoàn xe lửa, để tự nó lao xuống một thung lũng hoặc đâm đầu vào một cây cầu.

Một viên chức giấu tên cho biết, những bản ghi chú viết tay cho thấy một tham vọng lớn lao của Bin Laden, nhằm phá hủy nước Mỹ bằng những cuộc tấn công quy mô thật lớn, ở những thành phố đông đúc vào những thời điểm có đông người tụ tập, như các kỳ lễ hay ngày kỷ niệm quan trọng.

Trong những ngày lẫn trốn, Bin Laden hoạt động rất tích cực và đã liên lạc thường xuyên với các phó tướng để chỉ đạo các cuộc khủng bố.

Các nhà điều tra đang tích cực đào xới kho tài liệu để có những biện pháp ngăn chận và đối phó với khủng bố al-Qaeda. Mạng lưới al-Qaeda xuyên quốc gia, từ Iraq, Bán đảo Á Rập, Somalia, Bắc Phi, Đông Nam Á, Trung Á, Pakistan…

Tóm lại, những tài liệu thu được cho thấy Al Qaeda không ngừng tấn công khủng bố nhắm vào Mỹ và các nước Tây phương. Trận chiến chống khủng bố không có chiến tuyến rõ rệt, không có thời gian và nơi chốn, những tên khủng bố không phải là quân nhân mà là những kẻ xem như vô hình gồm cả những người mang quốc tịch Mỹ, đang sống trên nước Mỹ nữa.

6* Những cuộc tấn công các sứ quán Mỹ

1). Tấn công tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Benghazi (Libya)

Khoảng 10 giờ tối ngày 11-9-2012, một nhóm người vũ trang tấn công toà Tổng lãnh sự Mỹ ở Benghazi, Libya. Những kẻ tấn công phá vở bức tường, đột nhập vào bên trong, phóng hỏa đốt cháy tòa nhà chính. Lửa cháy dữ dội, khói mịt mù, 30 người gồm cả Đại sứ Mỹ ở Libya là Christopher Stevens, chạy tán loạn tìm ngỏ thoát ra khỏi tòa nhà chính.

Khoảng 10giờ 45, lực lượng an ninh sứ quán mở cuộc phản công, nhưng thất bại và bị đẩy lui. (Chờ tới 45 phút sau mới phản công là quá chậm, an ninh bết bát). Cuộc đấu súng dằn co đến 11 giờ 20 phút, thì lực lượng an ninh Mỹ và Libya mới chiếm lại được tòa nhà chính. Cuộc chiến dai dẳng bên trong các tòa nhà trong khuôn viên toà tổng lãnh sự cho đến đến 2 giờ 30 sáng hôm sau mới chấm dứt.

Cuộc tấn công gây thiệt hại nặng nề cho ngành ngoại giao Mỹ. Đại sứ Stevens và 3 nhà ngoại giao Hoa Kỳ thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích nặng nề vì thất bại trong việc bảo vệ an ninh cho tòa tổng lãnh sự và nhân viên ngoại giao.

2). Các Toà đại sứ Mỹ bị tấn công trong các năm 1979, 1983, 1984, 2002, 2004, 2006 và 2007.

Cuối những năm 1970, những toà đại sứ Hoa Kỳ trở thành mục tiêu tấn công của những nhóm Hồi giáo cực đoan bằng những hành động bạo lực như bắt cóc, đánh bom tự sát, phóng hỏa tiển, đa số người chết là người bản xứ.

Ngày 4-11-1979. Tại Thủ đô Tehran, Iran, những sinh viên trong đó có Mahmoud Ahmadinejad, cựu Tổng thống Iran, bao vây tòa Đai sứ và bắt 66 nhân viên làm con tin. Cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày. Một cuộc hành quân giải cứu con tin được hủy bỏ, vì bão cát làm trở ngại máy móc các phi cơ trực thăng.

Ngày 18-4-1983. Tại Beirut (Li Băng), cuộc tấn công tự sát bằng xe bom, làm thiệt mạng 63 người, trong đó có 17 TQLC/HK. Nhóm Hồi giáo Hezbollah thực hiện.

Ngày 3-12-1983. Tại thành phố Kuwait, nước Kuwait, tòa Đại sứ Mỹ bị tấn công tự sát bằng xe bom làm chết 5 người, bị thương 80 người. Nhóm khủng bố Hồi giáo Shiite thực hiện.

Ngày 20-9-1984. Tại Thủ đô Beirut, cuộc tấn công thứ hai vào tỏa đại sứ Mỹ, một trái bom được kích nổ bên ngoài sứ quán làm chết 24 người, trong đó có 2 quân nhân Hoa Kỳ.

Ngày 14-6-2002. Tại thành phố Karachi, Pakistan, một quả bom phát nổ bên ngoài Lãnh Sự quán Hoa Kỳ, làm chết 12 người. Đây là vụ tấn công của al-Qaeda nhắm vào Hoa Kỳ.

Ngày 6-12-2004. Tại thủ phủ Jeddah của Á Rập Saudi, những tay súng bất ngờ tấn công vào Lãnh Sự quán Mỹ, giết chết 5 người. 4 tên khủng bố bị an ninh Á Rập Saudi bắn hạ.

Ngày 13-9-2006. Tại Damascus, Syria, an ninh Syria đã phát hiện và vô hiệu hóa một kế hoạch tấn công của 4 tên khủng bố, nhắm vào tòa Đại sứ Hoa Kỳ.

Ngày 12-1-2007. Tại Athena, Hy Lạp, toà Đại sứ Mỹ bị tấn công bằng một hỏa tiển loại chống xe tăng, không có nhân viên nào bị thương, nhưng đã gây hoang mang, lo ngại cho những nhân viên Ngoại giao HK ở các Sứ Quán nước ngoài.

Ngày 17-9-2008. Tại Yemen, trong khi các nhân viên toà Đại sứ đang trên đường đi làm, thì bị tấn công, làm cho 16 người chết, trong đó có 4 người Yemen. 24 người tình nghi bị bắt và tổ chức al-Qaeda thực hiện vụ nầy.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì trong năm 2005, toàn thế giới đã xảy ra 11,000 vụ tấn công khủng bố, trong đó, chỉ riêng Iraq đã chiếm 1/3 số vụ.

7* Những vụ tấn công của chi nhánh Al Qaeda ở bán đảo Á Rập

7.1. Vụ nổ súng giết chết 13 người Mỹ ở trại Fort Hood, Texas năm 2009

Fort Hood là một căn cứ quân sự lớn nhất nước Mỹ, nằm giữa Austin và Waco của bang Texas, với 52,000 quân đồn trú thuộc nhiều binh chủng khác nhau của lục quân, trong đó có Sư đoàn 1 không kỵ, và cũng là trại Thiết giáp lớn nhất Hoa Kỳ.

1). Vụ nổ súng

Lúc 1 giờ 30 chiều ngày 5-11-2009, tại căn cứ Fort Hood, thiếu tá bác sĩ tâm thần Nidal Malik Hasan, đã nhảy lên đứng trên bàn, với hai khẩu súng ngắn, bắn loạn xạ vào đám đông, làm chết 13 người và 30 người khác bị thương.

2). Nữ cảnh sát bắn hạ hung thủ

Một điều lạ là trong một đơn vị quân đội lớn như thế mà không có một tay súng nào ngăn chặn sự tàn sát đó cả, người bắn hạ hung thủ là một nữ cảnh sát dân sự bên ngoài doanh trại.

Nữ trung sĩ Kimberly Munley, 34 tuổi, đang đem xe đi sửa thì nghe máy thông báo có vụ nổ súng ở Fort Hood, cô phóng xe đến trại thì thấy Hasan đang cầm súng rượt đuổi một quân nhân đang bị thương, bên ngoài toà nhà. Nhảy ra khỏi xe, trung sĩ Munley rút súng, tiến thẳng về phía hung thủ, mặt đối mặt, chạy thẳng tới đụng đầu nhau. Cả hai cùng nổ súng và cả hai đều ngã gục.

Trung sĩ Munley bị đạn ở hai đùi và một phát ở cườm tay phải. Tình trạng sức khoẻ ổn định ở bịnh viện. Thiếu tá Hasan bị trúng 4 phát đạn, có nguy cơ bị liệt từ ngực trở xuống. Chân không còn cảm giác và không cử động được.

Trung sĩ Kimberly Munley nhập ngũ năm 2000, đến năm 2008 thì được chuyển qua cảnh sát dân sự. Cô là chuyên viên của đơn vị SWAT (Special Weapons And Tactics), được huấn luyện đầy đủ về chuyên môn của ngành. Nữ cảnh sát Munley can đảm đối diện với hung thủ, và hành động dũng cảm của cô đã chấm dứt được cuộc tàn sát lớn nhất trong doanh trại quân đội Hoa Kỳ.

Mười ba người thiệt mạng gồm có: một trung tá, một thiếu tá, một bác sĩ dân sự, hai trung sĩ, hai chuyên viên, hai đội trưởng và bốn binh nhất.

3). Điều tra của FBI

Tổng thống Obama và Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện yêu cầu mở cuộc điều tra đầy đủ về Nidal Malik Hasan.

FBI cho biết, Hasan có liên lạc với trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, khi tên nầy làm giáo sĩ phụ trách đền thờ Hồi giáo Falls Church, Virginia, thời gian 2001, 2002. Đền thờ có 3,000 tín đồ Hồi giáo.

Năm 2001, al-Awlaki đã làm chủ lễ cho đám tang của mẹ Hasan, và sau đó, hai người liên lạc nhau qua Email, nhiều nhất là vào năm 2006 và 2007. Chính giáo sĩ Anwar al-Awlaki đã tiếp chuyện và giảng đạo cho ba tên không tặc trước ngày 11-9-2001.

4). Vài nét về thiếu tá Nidal Malik Hasan

Nidal Malik Hasan sinh ngày 8-9-1970 tại Virginia. Độc thân, người Mỹ gốc Palestine. Đậu bằng bác sĩ tâm thần tại Đại học Quân y Uniformed Services University of the Health Science ở Maryland năm 2001.

Bạn bè kể lại, Hasan thường hay giận dữ trước cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq, cho đó là cuộc chiến tranh chống Hồi giáo. Anh ta tuyên bố, trước hết anh là một người Hồi giáo, và sau đó mới là một người Mỹ. Hasan thường hung hăng tranh cãi với những ai chỉ trích Hồi giáo.

Tại toà án ngày 6-8-2013, đại tá Steve Henricks, công tố quân sự cho biết, Hasan đã chọn ngày 5-11-2009 để thực hiện cuộc tàn sát, nhưng không cắt nghĩa chi tiết. Hasan bị kết 13 tội mưu sát, 32 tội cố ý giết người, nếu bị kết án có tội thì sẽ bị tử hình bằng chích thuốc độc.

7.2. Vụ đánh bom bất thành vào ngày Giáng Sinh năm 2009

Ngày thứ sáu 25-12-2009, ngay vào ngày Giáng Sinh, trên chuyến bay số 253 của hãng Northwest Airlines, cất cánh từ Amsterdam (Hoà Lan) với 278 hành khách và 11 phi hành đoàn, bay đến Detroit (Virginia), thì một hành khách tên Umar Farouk Abdulmutallab kích hoả cho nổ quả bom mang trong người, nhưng bom không nổ, và hắn bị khống chế ngay trong lúc phi cơ đang đáp xuống phi trường Detroit.

1). Chân dung tên khủng bố

Umar Farouk Abdulmutallab hay còn gọi là Omar Farooq al-Nigeri, sinh ngày 22-12-1986 tại Lagos, Nigeria. Là con của triệu phú người Nigeria, Umaru Mutallab, chủ tịch ngân hàng First Bank of Nigeria.


Can phạm đã từng theo học tại College London, Anh Quốc. Đương sự đến Yemen từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2009 để được huấn luyện và cung cấp vũ khí khủng bố. Người lãnh đạo trực tiếp chính là Anwar al-Awlaki. CIA cho biết, hồi tháng 11 năm 2009 cha của hắn đến tòa đại sứ báo với các viên chức Mỹ ở Nigeria về quan điểm cực đoan của con ông.

2). Thực hiện đánh bom

Tên khủng bố vào phòng vệ sinh khoảng 20 phút trước khi xảy ra vụ việc. Khi trở lại chỗ ngồi, hắn kêu đau bụng rồi lấy mền trùm lên che bụng. Hành khách nghe những tiếng nổ lép bép như pháo chuột, có mùi gì đó. Nhiều người thấy quần và chân hắn bốc khói vì cháy, người ta dùng mền và bình chửa lửa dập tắt ngọn lửa. Mặt hắn rất bình tĩnh. Một tiếp viên hỏi: “Cái gì trong túi?”. Được trả lời “thuốc nổ”. Thế là hắn bị hành khách khống chế.

Thuốc nổ thuộc loại khá nhạy, tên là PETN (Pentaerythritol Tetranitrat) được khâu bên trong quần lót và có gắn một ống chích.

3). Phản ứng của Tổng thống Obama về vụ đánh bom ngày Giáng Sinh

“Hệ thống tình báo, an ninh đã để cho một tên cực đoan mang chất nổ lên phi cơ là một thất bại không thể chấp nhận được. Nhiều tuần trước, người cha đã cảnh báo về quan điểm cực đoan của con mình, thông tin đó được chuyển đến một bộ phận an ninh tình báo, thế nhưng không được phổ biến một cách có hiệu quả để đưa tên khủng bố vào danh sách cấm bay.Tôi cho rằng điều nầy hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Sau đó, một vị bộ trưởng an ninh từ chức.

Ngày 16-2-2012, Toà án Liên bang buộc Abdulmutallab tám tội, gồm có: xử dụng vũ khí giết người hàng loạt, mưu sát 289 người trên phi cơ.... Hắn bị kết án tù chung thân không được hưởng ân xá có điều kiện.

8* Anwar al-Awlaki

Giới chức chống khủng bố cho rằng Anwar al-Awlaki là một tên khủng bố rất nguy hiểm, đã tổ chức những cuộc tấn công vào nước Mỹ.

8.1. Tổng quát về Anwar al-Awlaki

Anwar al-Awlaki sinh ngày 21-4-1971 tại Los Cruces bang New Mexico Hoa Kỳ, bị bắn chết ngày 30-9-2011.

Cha là Nasser al-Awlaki đậu bằng tiến sĩ ở Đại học Nebraska, làm việc tại bang Minnesota từ 1975 đến 1977.

Năm 1978, Anwar al-Awlaki theo gia đình về Yemen. Người cha làm thủ tướng Yemen từ 2007 đến 2011.

Năm 1991, al-Awlaki trở lại Mỹ, lấy bằng cử nhân ở Đại học Colorado. Sau đó, theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học San Diego, rồi George Washington, nhưng bỏ dở nửa chừng.

Năm 1994, kết hôn với người em họ ở Yemen và có 5 con.

Năm 2004, al-Awlaki trở về Yemen sống trong làng quê của tổ tiên thuộc vùng núi non hẻo lánh tỉnh Shabwa.

8.2. Lãnh tụ Al-Qaeda bỏ ra hàng ngàn đô la cho gái điếm

Anwar al-Awlaki có thành tích mua dâm gái điếm ít nhất 7 lần từ Washington D.C. đến Florida trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 2 năm 2002. Chỉ riêng ở D.C., anh ta đã chi 2,300 USD cho gái điếm. Ngày 4-2-2002, cô gái mãi dâm khai rằng cô ta bị sốc khi nhìn thấy giáo sĩ râu quai nón giống như Bin Laden, anh ta trả 400 USD để ngủ với cô một đêm.

Một cô bán dâm khác cho biết, ông ta trả cho cô 300 USD để xem cô nầy thực hiện những hành vi khiêu dâm và tự kích thích, vào tháng 12 năm 2001. Họ lại gặp nhau vào tháng 2 năm 2002 để làm những việc tương tự. Những cuộc gặp gỡ diễn ra ở khách sạn.

8.3. Dường như giáo sĩ Hồi giáo đa dâm?

Dường như đa số các giáo sĩ Hồi giáo rất đa dâm cho nên đạo Hồi chủ trương cho đa thê. Giáo luật cho phép đàn ông có 4 vợ chính thức và nhiều tiểu thiếp lẻ tẻ. Chính Thánh Mohamed có 5 vợ và một tiểu thiếp tên Maria, do thống đốc Ai Cập trao tặng. Tiểu thiếp nầy có đứa con tên Ibrahim với Thánh Mohamed.

Osama bin-Laden có 6 vợ, và cô vợ bé nhất 17 tuổi người Yemen khi cưới ở Afghanistan. Chính bin-Laden là con thứ 17 trong 51 người con của cha ông. Khi biệt kích tấn công nhà ông ở Abbottabad, Pakistan, thì hắn ta đang sống với 3 người vợ. Biệt kích Seals thu được những băng dĩa phim con heo loại XXX với thuốc Viagra của Mỹ. (Chống Mỹ nhưng lại khoái thuốc Mỹ). Bin Laden được cho là một “cổ máy tình dục”, các thuộc hạ phải chờ suốt ba ngày ba đêm trong thời gian ông ta hành lạc trong phòng.

Do đó, al-Awlaki chi hàng ngàn đô la cho gái điếm cũng không có gì lạ. Giáo sĩ nầy có tiền sử về việc mua dâm vào năm 1996 và 1997 ở San Diego, đã nhận tội nhiều lần, đóng tiền phạt và phải làm công tác công ích cộng đồng nhiều ngày.

9* Anwar al-Awlaki bị giết

Từ năm 2009, al-Awlaki trở thành thủ lãnh của Hồi giáo vùng bán đảo Á Rập (AQAP) mà tổng hành dinh là Yemen. Giới chức Hoa Kỳ cho rằng hắn là tay khủng bố nguy hiểm nhất đối với Mỹ. Hắn cũng đã tấn công vào những quốc gia Hồi giáo thân Tây phương. Do ảnh hưởng của cách mạng Mùa Xuân Á Rập từ Tunisia, Al Qaeda âm mưu lật đổ chế độ của tổng thống Ali Abdullah Saleh để thiết lập quốc gia Hồi giáo chính thống ở Yemen. Tổ chức khủng bố nầy đã lãnh đạo quần chúng chiếm hai thành phố của Yemen, do đó tổng thống Ali Abdullah Saleh đồng ý cho Mỹ thanh toán al-Qaeda ở hai thành phố đó.

Al-Awlaki đã tổ chức bắt cóc một thiếu niên Hồi giao Shiite để tống tiền. Năm 2009, đã đánh bom tự sát giết chết 4 du khách Hàn Quốc ở Yemen. Hồi tháng 8 năm 2009, đánh bom tự sát giết chết hoàng tử Mohamed bin Nayefd, chỉ huy trưởng cơ quan chống khủng bố của Saudi Arabia.

Một tòa án Yemen đã phát ra lịnh bắt sống hoặc giết chết al-Awlaki (Capture dead or alive).

9.1. Al-Awlaki chết hụt

Ngày 24-12-2009, do mật báo có một buổi họp các thủ lãnh Al Qaeda vùng Bán đảo Á Rập (AQAP) tại nhà của al-Awlaki, phi cơ không người lái của Mỹ đã dùng hoả tiễn bắn cháy ngôi nhà ở vùng núi non hẻo lánh Khashef Jawf thuộc tỉnh Shabwa, giết chết 30 thành viên al-Qaeda, nhưng hú hồn cho al-Awlaki, hắn thoát chết trong gang tấc vì chưa vào buổi họp.

9.2. Al-Awlaki chết thiệt

Ngày 30-9-2011, Bộ Tư lịnh hành quân hỗn hợp (Joint Special Operations Command) do CIA điều khiển, đã dùng hai chiếc Drone xuất phát từ phi trường Saudi Arabia, bắn hỏa tiễn vào đoàn xe, giết chết al-Awlaki và 3 thành viên khác tại Khashef Jawf tỉnh Shabwa.

Kỳ nầy al-Awlaki chết thật. Người thay thế lãnh đạo AQAP là Nasir al-Wuhayshi.

10* Những cuộc tấn công vào Mỹ của Al Qaeda vùng bán đảo Á Rập

1). Tấn công tàu USS Cole

Ngày 12-10-2000, khu trục hạm USS Cole của HK bị đánh bom khi đang tiếp nhiên liệu ở cảng Aden, Yemen, làm cho 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 bị thương.

2). Bom thư cho phi cơ nổ trên bầu trời nước Mỹ

Ngày 29-10-2010, một quả bom được tìm thấy trong gói bưu kiện tại phi trường East Midlands, Anh quốc. Cảnh sát cho biết, nếu không được vô hiệu hoá, thì quả bom có thể làm cho phi cơ chở đầy hành khách nổ trên bầu trời phía đông HK. Đồng thời, một quả bom khác, cũng được phát giác ở phi trường Dubai. Cả 2 quả bom đều xuất phát từ Yemen, được đặt trong hộp mực của những máy in (computer printer), và địa chỉ nơi đến là một nhà thờ Hồi Giáo ở Chicago (HK)

Rõ ràng, Yemen là hang ổ của khủng bố Al-Qaeda.

Từ đó đến nay, hoạt động khủng bố gia tăng ở Yemen, nhắm vào các toà đại sứ Tây phương và bắt cóc các du khách ngoại quốc. Các Toà đại sứ Anh, Pháp, Hoa Kỳ phải đóng cửa một thời gian.

Giám đốc Trung Tâm Chống Khủng Bố Quốc Gia Hoa Kỳ, ông Michael Leiter cho Quốc hội biết, nhóm khủng bố ở Yemen là nguy hiểm nhất cho an ninh của HK.

Tên Al-Awlaki, công dân Mỹ, đã rời HK đến Yemen tham gia lực lượng khủng bố Al-Qaeda, đã có liên hệ đến những vụ khủng bố tại HK trong suốt những năm qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Yemen, ông Abu Bakr al-Qirbi công nhận rằng đã có hơn 300 thành viên của Al-Qaeda đang ở nước ông, họ là những người Yemen chớ không phải là người ngoại quốc, cho nên những tù trưởng bộ lạc địa phương bao che cho họ.

11* Hoa Kỳ hợp tác với Yemen chống khủng bố

Cuối năm 2009, Hoa Kỳ hợp tác với Yemen chống khủng bố, bao gồm việc huấn luyện, đào tạo nhân viên, chia xẻ tin tức tình báo do phi cơ và vệ tinh thu thập được.

Ngũ giác đài xác nhận đã cung cấp cho Yemen 70 triệu đô la viện trợ quân sự.

Từ tháng 12 năm 2009 đến năm 2010, chính phủ Yemen đã tổ chức trên 10 cuộc hành quân lớn để tiểu trừ al-Qaeda, đã hạ hơn 50 tên, trong đó có những lãnh tụ địa phương, và bắt giữ cả trăm tên khác.

Hỏa tiển Hoa Kỳ đánh sập hai trại huấn luyện khủng bố ở Yemen

Ngày 17-12-2009, với sự hợp tác của lực lượng an ninh Yemen, HK đã phóng những hỏa tiễn có điều khiển đánh sập 2 trại huấn luyện của Al-Qaeda, một ở phía nam, một ở phía bắc Yemen. Ngay sau khi vụ nổ chấm dứt, lực lượng an ninh Yemen vào lục soát, bắt người và thu thập tài liệu. Có 34 người chết, 17 người bị bắt giữ.

12* Tổng quát về Al-Qaeda

Al-Qaeda là một tổ chức vũ trang Hồi Giáo do Osama Bin Laden thành lập. Mục đích thanh lọc ảnh hưởng Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, ra khỏi những quốc gia Hồi giáo. Hoạt động bằng vũ lực. Al-Qaeda tiến hành một cuộc “Cách mạng Hồi giáo thế giới” để thiết lập luật của đạo Hồi Shariah trên các quốc gia Á Rập. Al-Qaeda kêu gọi Thánh chiến Jiha toàn cầu, nhằm lật đổ các chế độ mà tổ chức nầy gọi là thối nát và phản Hồi giáo. Thành lập một nhà nước duy nhất hoặc một đế chế, được quản lý chặt chẽ bằng luật Shariah. Al-Qaeda coi Hoa Kỳ và các nước Tây phương là một trở ngại cho cuộc cách mạng của họ nên chống Mỹ là mục tiêu hàng đầu.

Al-Qaeda coi sự có mặt của quân đội Mỹ trên đất Á Rập Saudi là một lăng mạ ghê gớm đối với đạo Hồi, vì đã có 2 thánh địa Hồi giáo ở Á Rập Saudi, đó là Mecca và Medina, tức là nơi sanh ra và nơi làm mồ chôn nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi.

Al-Qaeda có 6 cuộc tấn công khủng bố lớn vào Hoa Kỳ, trong đó vụ ngày 11-9-2001 là lớn nhất, đã làm chết 3,000 người, đa số là người Mỹ.

13* Ayman al-Zawahiri lãnh tụ mới của Al Qaeda

1). Tiểu sử

Sinh ngày 19-6-1951. Thành viên xuất sắc của al-Qaeda. Trước khi gia nhập vào tổ chức khủng bố nầy, Zawahiri là thủ lãnh Phong trào chiến tranh Hồi giáo Ai Cập (Egyptian Islamic Jiha (EIJ). Là bác sĩ giải phẩu người Ai Cập, nhà vật lý, nhà thơ và là nhà tổ chức quân sự.

Năm 1998, sát nhập tổ chức của ông vào al-Qaeda. Zawahiri vừa làm cố vấn, vừa là bác sĩ chữa bịnh, bạn thân của Bin Laden, và phát ngôn nhân của tổ chức.

FBI đã treo cái đầu của Zawahiri giá 25 triệu USD.

Những bí danh của Zawahiri là: Abu Muhammad, Abu Fatima, Muhammad Ibrahim, Abu Abdallah, The Doctor, The Teacher…Tờ Wall Street Journal cho rằng Zawahiri là tên khủng bố cực đoan và tàn độc hơn Bin Laden rất nhiều. Lý do là hắn bị Ai Cập bắt, tra khảo và vợ con bị bom của Hoa Kỳ giết chết. Được cho là kẻ đứng sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Có tên trong danh sách 22 tên khủng bố bị tầm nã trên toàn cầu.

2). Vợ con

Zawahiri kết hôn năm 1978. Vợ tên Azza Ahmed Novari, là một sinh viên môn triết tại trường Cairo University. Đám cưới rất trang nghiêm của người sùng đạo. Nam nữ thọ thọ bất thân, khách mời được dành cho 2 khu riêng biệt, nam và nữ giới. Không có nhạc, không có đèn màu, không có chụp ảnh, quay phim.

Họ có 6 con, 5 gái và 1 trai, trong đó, con gái tên Aish bị hội chứng bịnh Down.

Sau vụ 11-9-2001, Hoa Kỳ đánh bom vào một tòa nhà của viên chức Taliban ở Gardez, Afghanistan, vợ (Azza) và con gái Aisha thiệt mạng. Bà Azza bị chôn dưới đống gạch đổ nát, nhưng không bằng lòng cho nhân viên cứu hộ đào bới để cứu bà, vì bà không muốn cho bất cứ người đàn ông nào thấy mặt bà. Chịu chết thôi. Con gái Aisha không bị thương, nhưng chết vì bị nhiễm lạnh do cứu cấp trễ.

Sau cái chết của bin-Laden, một số lãnh tụ al-Qaeda im hơi lặng tiếng, bất động, nghe ngóng, vì không biết tài liệu Hoa Kỳ thu được có tên tuổi, địa chỉ và hệ thống hoạt động của họ hay không? Cho nên Ayman al-Zawahiri chưa có hành động nào đáng kể trong bối cảnh phi cơ không người lái liên tục tấn công vào nơi trú ẩn của đương sự ở Pakistan.

14* Sự lợi hại của phi cơ không người lái

Drone được trang bị dụng cụ xác định tọa độ mục tiêu, một máy chụp hình camera màu, một camera TV, một camera hồng ngoại tuyến cho nên thấy rõ được mục tiêu xuyên qua màn khói, mây che, sương mù. Hình ảnh nhận được đầy đủ màu sắc, cử động và hướng di chuyển. Hình ảnh được thu liên tục trong khu vực giám sát, ở những tọa độ khác nhau. Từ màn hình của trạm điều khiển từ xa, các phi công biết rõ người ấy là ai, trước khi bấm nút ra lịnh phóng hỏa tiễn. Drone được xử dụng ở Yemen là MQ-1 Predator có hai hỏa tiễn loại chống chiến xa AGM-114 Hellfire và súng đại liên. (AGM=Air-to-Ground Missile. Hellfire từ cụm từ HELicopter Launched FIRE-and forget)

15* Kết luận

Hoa Kỳ hiện đang đối diện với một cuộc chiến tranh chống khủng bố đầy khó khăn và tốn kém. Đã chi phí 3,000 tỷ đôla để tìm diệt Bin Laden trong suốt 12 năm qua, bắt đầu từ việc đưa 15,000 quân vào Afghanistan, không kể những thiệt hại do khủng bố gây ra trong ngày 11-9-2001, là từ 50 đến 100 tỷ USD.

Khó khăn chồng chất vì những kẻ khủng bố được bao che, ẩn náo trong những quốc gia không có thiện cảm với Hoa Kỳ. Kẻ thù được xem như vô hình vì đã và đang sống trà trộn lẫn lộn với người bản xứ trong các bộ tộc. Khó phân biệt được ông nào là can phạm trong đa số những con người râu rìa bao phủ gần hết cả mặt mày, y phục như nhau.

Mỹ còn phải đương đầu với luật pháp quốc tế trong việc tìm diệt can phạm ở nước ngoài, và ngay cả trong nước, cũng có công dân mang quốc tịch Mỹ tham gia tấn công khủng bố, đó là những thanh niên người Mỹ gốc Somalia ở bang Minnesota, đã trở về Somalia để được huấn luyện phá hoại chống lại quốc gia họ đang sinh sống.

Chính quyền lại cũng phải đương đầu với luật bảo vệ nhân quyền trong việc moi tìm thông tin của khủng bố bằng nghe lén điện thoại và kiểm soát Email. Chỉ có một ông “cà tửng” như Edward Snowden cũng đủ làm rung rinh nước Mỹ.

Những tù nhân ở trại Guantanamo thả ra thì họ lại tiếp tục tham gia khủng bố. Căn cứ vào quốc tịch mà trả về quốc gia nguyên quán, nhưng không ai chịu nhận những tên khủng bố cả, vì thế mà Tổng thống Obama hứa dẹp trại tù đó mà chưa thực hiện được.

Trở lại việc đóng cửa 19 sứ quán vùng Trung Đông và Bắc Phi từ hôm chủ nhật 4-8-2013, đó là biện pháp rất cần thiết để bảo vệ tánh mạng của nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ.

Tổng thống đảng Dân Chủ Obama không dám tuyên bố ẩu về vụ bắt được tin chỉ thị khủng bố của Al Qaeda, vì phía đối lập Cộng Hoà luôn luôn chờ chực để hạ đảng Dân Chủ.

Những người chống Mỹ, trong đó có ông Tây Gilles Gauthier đã nêu những nhận xét không có cơ sở thuyết phục.

Có ai dám quả quyết rằng al-Qaeda không còn tấn công vào công dân và quyền lợi của Mỹ trên khắp thế giới hay không?

Trúc Giang

Minnesota ngày 22-8-2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.