Hôm nay,  

Bệnh Lý Học Về Hán Tộc

02/08/201300:00:00(Xem: 11176)
Hán, Phi-Hán, và bệnh nhận vơ....

Ttừ năm 1918, nhà văn Lỗ Tấn đầy ảnh hưởng của văn học Trung Hoa đã có một lời phán đoán lạnh mình: "tình trạng ngoại thuộc khiến người Trung Hoa mất lương thiện và lương tri".

Chẳng những vậy, cũng trong truyện ngắn "Cuồng nhân Nhật ký" (Nhật Ký Người Điên) ông còn dùng ẩn dụ "người ăn thịt người" để nói về nền văn minh Trung Hoa. Cỗ bàn cho những kẻ giàu có và quyền thế. Theo Lỗ Tấn, Trung Quốc là nhà bếp của những bữa ăn ghê tởm này.

Chúng ta khó nói Lỗ Tấn có chủ trương kỳ thị Hán tộc dù rằng ông được du học bên Nhật và mở tầm nhìn ra các nước tiên tiến Tây phương. Chính là vì hiểu thấu thế giới văn minh mà ông muốn cảnh tỉnh đồng bào bằng lối viết châm biếm và sắc bén của một văn hào.

Có lẽ Lỗ Tấn phát giác bệnh "tâm thần phân liệt", schizophrenia, của Hán tộc, khi họ sống với hai nhận thức và trạng thái tâm lý trái ngược. Những gì đang xảy ra tại Trung Quốc còn cho thấy họ mắc bệnh "tự bế" hay "tự kỷ", autism, tự thu vào chính mình mà khỏi cần biết về sự thật khách quan ở bên ngoài....

Sau bài "Trung Quốc Ngàn Năm - Những nhập nhằng của Bắc Kinh và hiểu lầm của thế giới về Trung Quốc" đăng kỳ trước về ngàn năm đã qua của Trung Quốc, kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu tâm lý phức tạp của Hán tộc từ đó nhìn ra những động thái hiện đại của lãnh đạo Bắc Kinh.

Trải qua ngàn năm cận đại của Trung Quốc, nếu tính từ năm 960 khi nhà Đại Tống xuất hiện đến năm 1911 là khi là Đại Thanh sụp đổ trong cuộc "Cách mạng Tân Hợi", Trung Quốc nằm dưới sự thống trị của các dị tộc phi-Hán, không phải người Hán, trong hơn 600 năm. Những sắc dân mà Hán tộc cho là thấp kém man rợ, như Nữ Chân, Khất Đan, Kim, Liêu, Tây Hạ, Mông Cổ, Mãn Thanh, v.v... đã khuất phục và cai trị Trung Quốc trong một thời gian dài hơn hai phần ba.

Một độc giả Phong Vân có thêm lời bình về bài này, người viết xin chia sẻ nguyên văn:

"Bác Nghĩa chỉ tính từ thời nhà Tống là còn nhẹ tay với Hán tộc đó. Thực chất khi nhà Tấn phải thiên đô về Giang Tả vì Ngũ Hồ loạn hoa thì phía Bắc Trường Giang đã là thiên hạ của người Hồ. Đê Tần của Phù Kiên, Tiền Yên & Hậu Yên họ Mộ Dung Tiên Ti, Bắc Ngụy của Thác Bạt Tiên Ti. Hán tộc chỉ có được phong quang nhờ vào chiến thắng Phì Thủy của Tạ An, Tạ Huyền; thêm vào Lưu Dụ lập nên nhà Lưu Tống Bắc phạt; cùng với Dương Kiên lập nên nhà Tùy. Nhưng cũng chỉ truyền được 2 đời lại để Lý Đường vốn là gốc người Đột Quyết thống nhất Hoa Hạ. Rồi về sau Hậu Tấn Thạch Kính Đường người Sa Đà nhờ quân Khiết Đan vào lật đổ Hậu Đường dâng lên Yên Vân thập lục châu trở thành cục gân gà khó nuốt cho Hán tộc từ Đại Tống trở đi."

Ngày nay, lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh hiển nhiên là không quên điều ấy và cũng biết rằng trong tiềm thức của thần dân là một chuỗi ẩn ức.

Nói về Bắc Kinh, thành phố này chỉ thật sự là kinh đô Trung Quốc từ những thời ngoại thuộc.

Từ Tần Thủy Hoàng Đế (năm -221) đến khi Phổ Nghi nhà Mãn Thanh bị truất năm 1911, trải qua 2132 năm, Bắc Kinh không là kinh đô Trung Quốc trong khoảng 15 thế kỷ. Các triều Hán tộc thời xưa đã chọn Trường An (Tây An ngày nay), Lạc Dương, Khai Phong, hay Nam Kinh, thậm chí Trùng Khánh làm thủ đô. Bắc Kinh chỉ là nơi mà họ lên triều cống các dị tộc man rợ ở mạn Bắc, rồi thành kinh sư của nhà Liêu thuộc tộc Khất Đan (dưới tên Nam Kinh), nhà Kim thuộc tộc Nữ Chân (dưới tên Trung Đô), và nhà Nguyên của dân Mông Cổ (dưới tên Đại Đô).

Vào thời Minh, năm 1402, Yên vương Chu Lệ từ đất phân phong của mình ở đấy đưa quân về Nam Kinh cướp ngôi của cháu lên làm Hoàng đế. Vĩnh Lạc đế mở rộng Bắc Kinh thành kinh đô vào năm 1403. Mà bốn phương không phẳng lặng, hai kinh chẳng vững vàng như văn chương viết lại: trong 276 năm của nhà Minh, từ 1368 đến 1644, Trung Quốc có chừng 300 cuộc chiến! Khi nhà Mãn Thanh từ phương Bắc xuống cai trị toàn cõi Trung Quốc, Bắc Kinh lại trở thành kinh đô của dị tộc, cho đến ngày nay....

Từ vị trí và vai trò của Bắc Kinh, chúng ta khám phá ra một quy luật, như một nghịch lý: Trong ngàn năm, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng dưới thời cai trị của bốn dị tộc Liêu Kim Mông Mãn và co cụm dưới hai thời Tống Minh của Hán tộc!

Dù bị khinh thường, mà bất chấp, các dị tộc đem lại sự huy hoàng và cả tính chất "đa nguyên" cho Trung Quốc với sự đóng góp của nhiều phần tử ưu tú phi-Hán xuất phát từ Tây Á, Trung Á, Âu Châu. Khi Hán tộc lên cầm quyền thì tinh thần duy chủng, chủ nghĩa "Đại Hán là nhất", lại được khôi phục.

Lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay vơ lấy cả hai, hiện tượng tâm thần phân liệt: 1) về địa dư chính trị thì những gì các dị tộc chinh phục được, như Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, đều thuộc về Trung Quốc; 2) về chủng tộc thì Trung Quốc đó là do Hán tộc làm chủ, các sắc tộc khác đều là phó thường dân, được mặc áo đẹp đi vào Đại hội để chụp ảnh tuyên truyền.


Đấy cũng là lúc chúng ta phát giác ra sự dối trá của ngôn ngữ. Quốc hiệu Trung Quốc - quốc gia trung tâm – là sự nhập nhằng tiện lợi. Và "thiên hạ" là khái niệm tuyệt vời, dưới vòm trời này, cái gì cũng thuộc về Thiên triều của Hán tộc! Sự thật thì trong hai phần ba thời gian ngàn năm, Hán tộc mới là sắc tộc bị trị.

Khoảng thời gian đằng đẵng ấy khiến họ phát triển ra khả năng phân thân, ăn nói nước đôi.

Họ lập hội kín, nói một đàng làm một nẻo vì có chính nghĩa sáng ngời là chủ nghĩa dân tộc dưới ách ngoại bang. Gian với địch nghĩa là trung với ta. Riết rồi gian trung khó định, chính tà bất phân. Lỗ Tấn nói không sai! Sau đó, từ năm 1911 trở về sau, mới là chủ nghĩa bài ngoại, một biểu hiện khác của tinh thần duy chủng, được các chế độ cận đại triệt để khai thác.

Hán tộc còn phát huy một huyền thoại khác, là các dị tộc đều được Hán hóa. Chứng cớ là Liêu Kim Mông Mãn đều lại dùng tiếng Hán và áp dụng chế độ cai trị Khổng nho của người Hán.

Thực tế lại không hẳn như vậy. Chế độ cai trị xuất phát từ tư tưởng Khổng nho và cả Hán ngữ được sử dụng như phương tiện củng cố quyền lực trung ương. Các đế chế của dị tộc thiểu số đều dùng phép "trong bá ngoài vương" để cai trị Hán tộc. Bên trong là kỹ thuật chặt chẽ của pháp gia, bên ngoài được tráng men vương đạo của nho gia để bảo vệ triều đình. Ông thầy Khổng tử bị hàm oan khi còn sống. Sau đó, được đề cao hay giáng cấp hoặc đả phá vì những lý do nằm ngoài lý luận nhân trị, vì thuộc về tính toán pháp trị của các đời sau.

Vì thế, cống hiến của Hán tộc không chỉ có chủ nghĩa duy chủng ethnocentrism mà còn có nghệ thuật cai trị độc tôn, được các dị tộc triệt để khai thác - trên đầu Hán tộc.

Và về văn hóa thì quả rằng cuốn Tự Điển thời Khang Hy hay bộ Tứ Khố Toàn Thư vĩ đại thời Càn Long là những đỉnh cao chói lọi cho hậu thế. Nhưng là thành tựu của triều Mãn Thanh làm rạng danh Hán tộc. Cái danh hão....

Chúng ta trở lại chuyện ngày nay và cái bệnh "tự bế" autism của thiên triều Hán tộc tại Bắc Kinh.

Nhìn ra ngoài thì năm 1919, Đế quốc Ottoman sụp đổ trên một dải đất bát ngát vắt qua ba lục địa Âu-Á-Phi sau khi sắc dân Thổ (Turkish) khởi nghiệp từ năm 1299. Khi ấy, dân Thổ có sự chọn lựa. Hoặc là ôm rơm nặng bụng để giữ lại lãnh thổ cũ của Đế chế suy tàn, bên trong có quá nhiều sắc dân, nào Nam Âu, Phi Châu, nào Ba Tư, Á Rập, Ai Cập, v.v.... Hai là gom lại vùng đất truyền thống, nơi tập trung dân số đông nhất.

Họ chọn giải pháp thứ nhì để lập ra Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ và hạ phóng các vùng khác. Năm 1928, họ cũng đưa mẫu tự La tinh vào hệ thống quốc ngữ và giữ lại tiếng Thổ được cách tân, nhưng gạt bỏ ảnh hưởng của ngôn ngữ Ba Tư và Á Rập. Đấy là một cuộc cách mạng mấy trăm năm mới thấy một lần. Trung Quốc thời Mao lại không có tinh thần cách mạng như vậy!

Mao Trạch Đông không làm cách mạng về văn hóa và ngôn ngữ mà chỉ cải cách theo kiểu chắp vá. Và về chuyện lãnh thổ lại có những chọn lựa nửa vời, hậu quả của bệnh tâm thần phân liệt.

Thay vì giải phóng hoặc buông bỏ những khu vực của dị tộc để tập trung xây dựng quốc gia trong vùng đất truyền thống của Hán tộc, Mao đòi giữ hết và nhận hết như lãnh thổ của Hán tộc và thi hành chính sách di dân, dời dân, trong nội địa để bảo đảm cái thế thống trị của Hán tộc.

Ngoại lệ và sự nửa vời là dù Mao đòi lại những phần đất bị liệt cường sâu xé vào đời Thanh sau Hiệp ước Bắc Kinh năm 1860 thì vẫn nhường lại cho Liên Xô, hậu duệ của Đế quốc Nga, một dải đất bát ngát tại khu vực Mãn Châu, đất cũ của các tộc Nữ Chân, Khất Đan, Cao Ly, v.v.... Đó là miền Đông Tartary, kéo dài từ hợp lưu của sông Hắc Long giang (sông Amur) với Ô Tô Lý sông Ussuri) tới đảo Sakhalin và bao trùm lên hai thành phố lớn là Khabarovsh và Vladivostok. Ngoài ra, nhiều dải đất khác cũng bất ngờ được thả nổi, như Ngoại Mông nay là Cộng hòa Mông Cổ, hay Cộng hòa Tyva ở miền Nam Tây Bá Lợi Á.

Cho nên ranh giới của Trung Quốc hiện đại là kết quả của nhiều chọn lựa chập chờn phi lý thời "cách mạng". Những chọn lựa này và chánh sách cải tạo và di dân sau đó mới gây vấn đề nan giải cho một xứ có địa dư đa nguyên mà chính trị độc tôn của một sắc tộc.

Khi nhìn thấy lãnh đạo Bắc Kinh còn xây dựng các khu vực chiếm đóng của dị tộc làm vùng trái độn quân sự, nay lại đòi nhoài mình ra Đông hải của xứ khác, ta hiểu ra tâm lý tự bế hay tự kỷ. Họ bất chấp sự thật khách quan ở bên ngoài mà chỉ nhìn thấy những ham muốn ở bên trong.

Họ ôm rơm nặng bụng và có ngày bị báng khi hết đà tăng trưởng. Là chuyện của 10 năm tới....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.