Hôm nay,  

Bảo Vệ Văn Hóa Việt, Từ Trong Gia Đình

30/07/201300:00:00(Xem: 10387)
Nhân dịp Lễ Vu Lan vào Ngày Rằm Tháng Bẩy âm lịch (tức là ngày 21 Tháng Tám dương lịch, năm nay), thử bàn về vài quan hệ giữa cha mẹ và con cái, qua sự bảo vệ văn hóa Việt trong gia đình, với ảnh hưởng Phật Giáo. Theo Khai Thị của Đại Sư Hám Sơn, Việt dịch bởi Thích Hằng Đạt (Pháp Âm, số 53, tháng 9, năm 2007), Đức Phật Thích Ca dạy: “Cúng dường Phật Pháp Tăng (đúng cách) thì gieo nhân lành vào ruộng phước Thanh Cao. Hiếu thảo với cha mẹ (đúng cách) thì gieo nhân lành vào ruộng phước Cung Kính. Cứu giúp những người cùng khổ (đúng cách) thì gieo nhân lành vào ruộng phước Tâm Thức.” Nếu còn dùng cách Niệm Phật hằng ngày để dẹp trừ tâm vọng tưởng thì càng thắng lợi biết bao!... Tôi (ĐS Hám Sơn) hy vọng các bậc trí sĩ sẽ không ưu sầu về Được và Mất trong dĩ vãng, mà hãy lo gieo nhân lành vào ruộng phước tương lai.

Những lời dạy nầy thật giá trị. Bởi vì theo Luật Nhân Quả của nhà Phật, có gieo Nhân Lành bây giờ thì mới gặt được Quả Lành về sau. Nhưng chúng ta cần hiểu rõ và áp dụng đúng vào đời, tùy trường hợp. Ở trong xã hội VN Cộng Sản, đạo đức gia đình và tình đồng bào bị dẹp bỏ, để Đảng vị và tiền bạc lên trên hết. Con người sau năm 1975, dù già hay trẻ, sống lâu trong môi trường bất nhân và tham nhũng của VC, dễ bị tha hóa. Vì đua nhau hám lợi vật chất trước mắt, con người “XHCN” sẵn sàng chửi mắng, xô đánh ông bà, cha mẹ, cô bác, dì dượng, cậu mợ, anh chị em, cháu chắt... ra đường; hoặc chính cha mẹ, anh chị, chỉ bảo con em các âm mưu chiếm đoạt tài sản của người ngoài lẫn họ hàng (từ quốc nội cho đến khi ra hải ngoại), hoặc nhẫn tâm giết người nhà để đoạt tài sản lớn, như nhà cửa, đất đai, xe cộ, nữ trang... Tham Sân Si chút lợi nhỏ (tạm bợ) trước mắt, trong đời nầy, làm kẻ tham ác quên mất cái khổ (vô bờ) sau đó, ngay trong kiếp sống này lẫn các kiếp sau, theo nghiệp lực không thoát khỏi, thật khờ dại. Lại bị mất hết tình gia đình và bạn hữu, mất cả uy tín và danh dự con người, tức là những gì đáng trân quý hơn cả vật chất và tiền bạc.

Đức Phật Thích Ca rất thông thái khi đặt chữ Tham (tự nẩy ý ham thích, muốn chiếm đoạt) đi trước, rồi mới đến chữ Sân (tức giận, thù hận, cay đắng, vì không chiếm giữ được người hay vật mong muốn, mà cũng không biết buông bỏ đúng lúc, để mình được bình an) và sau cùng là Si (thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong kiếp nầy, nhưng tự cao tự đại, hoặc do nghiệp nặng sâu dày từ tiền kiếp, không lắng nghe những lời minh triết để tự sửa, để có thể giúp chính mình, gia đình mình và người khác được bình yên, hạnh phúc).

Đức Phật cũng cho biết: “Cuộc sống của con người thật khổ đau. Như cá trong nước, hễ tìm mọi cách thoát ra được khỏi lưới này thì lại sa vào lưới khác...” Thật vậy, ở hải ngoại có cái khổ khác. Thời tiết, ngôn ngữ, văn hóa nước ngoài khác biệt, thêm bận rộn với mưu sinh hoặc ganh đua, đa số cha mẹ Việt chỉ tập trung vào việc khoa cử và sự nghiệp của con, mà quên nói tiếng Việt với con hằng ngày, cũng không dạy con cháu giữ đạo đức nhân-bản của văn hóa VN ở Miền Nam (trước năm 1975). Vì họ dạy con cháu: Văn Hóa VN không cần thiết, học giỏi và làm ra tiền ở hải ngoại là điều quan trọng nhất (có thể cha mẹ được cơ hội khoe danh luôn). Hậu quả là từ việc đơn giản như con cháu tỉnh bơ, không thưa chào khách của ông bà, cha mẹ; đến việc lớn hơn, như trong gia đình, cha mẹ và con cháu Việt nói toàn English, French, German... và xử sự với nhau y như người ở xứ định cư (hầu như mất gốc Việt). Đến lúc, con cháu không quan tâm về các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hoặc tâm sự vui buồn của cha mẹ Việt, chỉ vui chơi riêng với nhau theo cách cá nhân, và sau cùng, khi cha mẹ già yếu, thì đẩy họ vào Nhà Dưỡng Lão (Nursing Home), dù chưa đến lúc cần thiết, dù con cháu có thể thay phiên chăm sóc họ ở nhà, để họ đỡ cô đơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tách biệt, cô lập người già ra khỏi một tập thể mà họ thân thiết như gia đình, bạn hữu, làng xóm, hội đoàn... thường làm họ chết sớm hơn trong phiền muộn, dù được cung cấp đầy đủ vật chất. Theo Phật Giáo, phiền muộn lúc qua đời thường đưa tới sự tái sinh cũng trong... muộn phiền. “Sống sao, chết vậy”. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị trước, cho Tâm Được Ổn Định (vì không phải dễ đạt được Tâm yên tịnh trong lúc hấp hối) qua phương pháp Niệm Phật hằng ngày, để huân tập Tính Điềm Đạm ngay bây giờ, và do đó, sẽ được an vui khi ra đi (khỏi kiếp nầy)... cho một kiếp sau, an lạc và hạnh phúc hơn.

Hãy nghe tác giả Phụng Linh (viết theo lời kể của một nhân viên Hồng Thập Tự người Việt ở CA, Đừng được nắng rồi quên mưa, từ saigonecho.com): “Có một dịp, tôi vào Nhà Dưỡng Lão đút cơm cho các cụ, gặp một bác trai từ sáng đến trưa, không chịu ăn uống gì. Tôi chào hỏi, chúc mừng ông, nhân Ngày Lễ Cha. Ông giận các con không tới thăm nên gay gắt với mọi người. Tôi đút cơm, ông không ăn, bảo đó không phải nhiệm vụ của tôi, và đặt điều kiện, tôi phải cho ông đánh một cái, mắng tôi "đồ bất hiếu", rồi mới chịu ăn. Ở đầu giường ông, dán đầy hình ảnh con cháu làm lễ tốt nghiệp. Ông nghẹn ngào nói: "Xưa, bác ép con của bác học giỏi, đứa nào bây giờ cũng có bằng cấp, có đứa làm bác sĩ đấy. Bây giờ, bác ân hận lắm. Bác không cần chúng học giỏi. Nó nghèo, bán hamburger mà biết nghĩ đến cha mẹ, vẫn quý hơn kẻ học cao chức trọng, mà luôn nói phải dự tiệc tùng, này nọ, để đến chiều tối mới tới chúc mừng cha của mình. Nó Thành Tài nhưng Không Thành Nhân, vì chúng nó Bất Hiếu". Nghe câu nói đó mà tôi rớt nước mắt. Tôi cũng nói với con của tôi rằng, tôi không cần bằng cấp của con, con đi lính mà thành người tốt, biết nhịn trên, nhường dưới; còn hơn thành bác sĩ, kỹ sư, mà nghĩ và nói lời thô bỉ, độc ác, ăn ở bất nhân, làm chuyện xấu xa mà người ít học có thể không làm. Tôi hãnh diện vì đã học được nền luân lý, đạo đức Việt trước năm 1975, vì đã sống ở trại tỵ nạn CS, nếm mùi đau khổ, nên ngày nay, gia đình vợ con, và bằng hữu, đối với tôi, vô cùng quý giá.”

Cũng vì, có những bậc cha mẹ tưởng lầm là không cần dạy, con cháu cũng “tự động” biết Điều Phải. Nhiều cha mẹ Việt thường ngày, không dành thì giờ và công sức để giáo dục, uốn nắn con cháu đúng cách, từ nhỏ, theo đạo đức văn hóa Việt, chỉ thúc hối con cái học cho thành đạt, không kèm theo ý thức phụng sự cộng đồng, xã hội, và lại quá khó khăn khi chúng lầm lỗi, khiến con cháu lánh xa. Từ đó, liên hệ gia đình rời rạc hoặc tan vỡ, vì các thành viên trong gia đình dùng nhiều lý trí và tham vọng, mà thiếu tình thương và sự tha thứ cho nhau. Hãy nhớ: “Tất cả những gì mua được, dù mắc tiền đến đâu, cũng đều rẻ.” Nên: “Nhà cửa, xe cộ, đồ đạc... là để được giữ gìn cho sự xử-dụng, không phải để quý trọng. Con Người cần được chăm sóc để được bảo trọng và thương yêu, không phải để dùng”. Nhưng chúng ta đã thất bại trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân, tình gia đình và họ hàng, trong sinh hoạt hội đoàn, quan hệ nơi làm việc... thường là vì... làm ngược lại!!! Chúng ta bảo trọng đồ vật và danh lợi, mà xử dụng hoặc lợi dụng người khác cho mục đích thăng tiến cá nhân hoặc đảng phái của mình.
van_hoa_hinh_duc_phat_y
Xuống địa ngục cứu mẹ.
Ở quốc nội, nhà trường VC không dạy lễ nghĩa, luân lý làm người. Đảng CS VN còn đầu độc mọi giới bằng các hình thức ăn chơi đồi trụy và tuyên truyền cho sự luồn cúi Tầu Cộng, để dân chúng quên đi Thực Tế Đau Khổ Đang Bị Bóc Lột, và không còn ý thức chính trị Vùng Lên cho Độc Lập, Nhân Quyền. Nếu có những ai can đảm Lên Tiếng vì Dân Tộc thì lập tức bị công an VC (bộ máy tay sai của VC và Tầu Cộng, và là công cụ trấn áp tàn bạo nhất của Đảng CSVN) bắt nhốt tù và hành hạ. Xin nhớ đến blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải đang tuyệt thực trong tù VC đã hơn một tháng, để phản kháng cách đối xử khắc nghiệt và tàn ác của tù CS, ở trại số 6, nhà tù Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, miền Trung VN, hiện nay. Xin các cá nhân và hội đoàn người Việt hãy Lên Tiếng và Cầu Nguyện cho anh Nguyễn Văn Hải, vì anh đang chết dần cho Nhân Quyền của dân tộc Việt.

Còn ở hải ngoại, học đường ngoại quốc không có nghĩa vụ dạy học sinh (thuộc nhiều sắc tộc) phải giữ gìn, trân quý văn hóa Việt, vì đó là nhiệm vụ hữu ích, cần thiết, và quan-trọng riêng của mỗi phụ huynh người Việt. Nhưng buồn thay, nhiều cha mẹ Việt tỏ ra khinh thường ngôn ngữ và văn hóa Việt, do sẵn Thiếu Ý Thức Dân Tộc từ trong gia đình của họ, khi còn ở trong nước (nhất là ngay sau năm 1975, VC có chính sách phá hủy văn hóa đạo đức VNCH của Miền Nam trong lòng người dân); lại bị áp lực (bất ngờ và quá mạnh) của văn minh xứ người, từ khi đặt chân đến đất mới, nhiều cha mẹ Việt đã vô tình dạy con cháu quay lưng với Văn Hóa Dân Tộc Việt, từ nhỏ, y như họ.

Hậu quả tiêu cực là một số chúng ta vô tình, tiếp tay tiêu diệt văn hóa Việt bằng Sự Vọng Ngoại. Nhiều người Việt khinh người Việt, bất lịch sự, bất kính với nhau, hoặc nhờ vả vồn vập khi cần, được việc rồi thì lạnh nhạt, vô ơn... Dù là người Việt có lòng tốt, nhẫn nhịn, biết cư xử phải trái, hoặc có kiến thức; cũng bị người Việt xấu, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục, và thiếu đạo đức, kỳ thị (intra discrimination), qua cách ăn nói thất lễ, hoặc lối xử sự thô bỉ, phản bội, đâm sau lưng, bất tín và bất nghĩa. Những người Việt xấu nầy rất nịnh bợ người bản xứ (tùy theo nơi họ định cư) như người Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Canada... Điều buồn cười và cũng đáng chê là khi những người Việt xấu nầy bị tai nạn, thì họ lập tức chạy đến kêu cứu với những người Việt đồng bào (thường ngày bị họ coi rẻ), chứ không dám hé răng, nhờ vả những người ngoại quốc, thí dụ người Mỹ (thường ngày được họ xem trọng). Nếu một, hai người Mỹ giúp họ điều gì (dễ làm, thuận tiện, trong khả năng) thì họ rất nhớ ơn, lịch sự ra mặt, quà biếu tận tình, ca tụng hết lời. Nhưng nếu người Việt đồng bào giúp họ những việc trọng đại và khó khăn hơn nhiều, thì họ chỉ cám ơn và rồi... quên mất. Đôi khi người ơn đó có việc gì cần họ góp một tay, cho việc công ích chung, thì người Việt thọ ơn nầy kiếm cớ chối-từ ngay lập tức: “Tôi bận... Và các cháu cũng bận lắm...” Xin lỗi, nhất là ở hải ngoại, ai rảnh??? Ngay cả người thất nghiệp cũng bận đi tìm việc, làm đơn xin trợ cấp, quán xuyến việc nhà cho người đi làm, chăm sóc phụ giúp bà con, bạn hữu ốm đau, hoặc vẫn tham gia công tác cộng đồng... Đó là do cái Tâm, do Tấm Lòng có muốn Giúp hay không... Đừng viện cớ để che đậy tính thiếu phụng sự của mình..


Còn nữa, khi sinh hoạt với người Mỹ, một số người Việt đến đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề, lại sẵn sàng chi phí rộng lượng, giúp tổ chức của người Mỹ (người Việt vọng ngoại lấy làm “vinh dự”chi tiền giúp, ngay cả khi tổ chức Mỹ đó có mục tiêu kinh-doanh mà thôi). Nhưng khi đến các tổ chức người Việt (nhất là với tổ chức bất vụ lợi, gây quỹ cho việc công ích) thì những người Việt nầy, thay đổi hẳn thái độ như một góc quay 180 độ. Họ đến rất trễ, ăn nói trịch thượng, không bỏ ra một đồng, không ủng hộ giúp đỡ việc chung, không thông cảm, chỉ chờ có sơ xuất thì chỉ trích, còn muốn tổ chức người Việt (non-profit), đã quá vất vả, phải chi phí mọi thứ cho họ nếu họ vào sinh hoạt chung. Tại sao cũng cùng một số người Việt đó, mà thái độ, tinh thần, và cách chi tiêu của họ thay đổi dường ấy? - Bên trọng, bên khinh. Đây là điều mà mọi cha mẹ Việt nên chú ý và tự xét lại ý nghĩ và hành động của mình, để làm gương tốt cho con cháu, để giúp chính mình và con cháu trở về với văn hóa VN truyền thống (trước năm 1975): “Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn”.

Xin nhắc, chúng ta không thể sửa đổi con người nhanh chóng qua đêm (we cannot change people overnight), nên thực là một thử thách cho cha mẹ Việt, khi phải đối phó với con cháu và bạn bè của cha mẹ hoặc của con, nếu có các vấn đề liên quan đến sự xung đột giữa hai nền văn hóa (cultural clash), xẩy ra trong gia đình, đặc biệt khi bạn bè của con là người sắc tộc khác.

Một thí dụ: Nhiều con em người Việt sinh trưởng ở hải ngoại, không được cha mẹ dạy về Thứ Tự trên dưới (Order) trong gia đình. Khi con đến nhà người Việt khác, hoặc có bạn đến nhà mình, có thể các con hoặc người bạn, vô tình không chào các bậc cha mẹ Việt trước; lại chào hỏi, nói cười một hồi với bất cứ người trẻ nào, vì gặp trước. Điều nầy làm cha mẹ Việt tức giận, chỉ trích con hoặc bạn của con, “thiếu lễ nghĩa”. Nhưng vì chưa hề được chỉ dạy điều này bao giờ, đám trẻ ngạc nhiên, phản ứng lại: hoặc buồn giận cha mẹ, hoặc phớt lờ, coi như không (dont care). Sự bất hòa giữa cha mẹ và con hoặc với bạn bè của con, từ đó phát sinh, cho đến khi những xung đột lớn hơn tiếp diễn... Cũng là do sơ sót: Không Vun Trồng Văn Hóa Việt trong gia đình, từ trước.

Ngoài ra, trong thời mạt pháp hiện tại, con người yếu lòng, dễ bị sức lôi kéo quá mạnh của văn minh vật chất nên bị tha hóa, mất đi thiện tâm, và thường không vui lòng với những gì hiện có. Nhiều người ở VN (nhất là trước năm 1975) thì hiền lành chân thật. Qua Mỹ một thời gian, không may gặp bạn xấu, người phối ngẫu xấu, và môi trường xấu, dạy cho các thói bạc ác, bỏ mất nhân tâm. Người ta chỉ muốn đua đòi cho bằng hoặc hơn người khác về tiếng tăm, vật chất (thay vì bỏ thì giờ, tự rèn luyện, để bằng người về tính tình, nhân cách, tài năng), lại thích có ngay mà không phải học hành gì hết. Do đó, cờ bạc, trộm cướp, hoặc lừa bịp (về vật chất hoặc tinh thần, tình cảm) là cách chọn lựa của đa số người có lòng Tham và muốn hưởng thụ ngay, hoặc muốn tiếng tăm ngay tức khắc. Nên cẩn thận khi ta được khen nịnh quá đáng, có thể đó là cách dẫn dụ tới lừa bịp sau đó. Cũng đừng sợ cười chê, khi bạn thất bại trong kinh doanh, nghề nghiệp, trong nỗ lực tiến thân, hoặc khi làm những việc công ích chân thật, vì thất bại lần này dẫn đến thành công lần sau, do học hỏi và kinh nghiệm. Kẻ nào cười bạn “thất bại” hoặc xấu miệng, đi bêu riếu sự không may đó của bạn, mà không hề ủng hộ bạn về tinh thần hoặc tài chánh, thì có thể là người thiếu từ tâm hoặc thiếu tư cách, nên không đáng quan tâm. Đường ta, ta cứ đi. Không thù hận.

Một thí dụ khác: Từ quốc nội ra hải ngoại, cha mẹ có công nuôi con, dựng vợ gả chồng cho con, rồi nuôi cháu, mà một số con cháu chẳng kính trọng thương yêu, sai bảo cha mẹ “tắt bếp”. Tệ nhất là: con gái và con rể, hoặc con trai và con dâu, hợp lại, nghĩ cách bóc lột cha mẹ. Lợi dụng chỗ yếu của ông bà là quá thương yêu cháu nội, ngoại: Hết đưa đón cháu đi học, đến cho ăn, và chăm sóc chúng khi đau ốm... nhưng ông bà không được quan tâm đến Sức Khỏe và Nỗi Niềm riêng. Vợ chồng trẻ có thì giờ nghỉ ngơi thì cần biết nghĩ và làm gì đền đáp ông bà, cha mẹ? Tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, hãy hỏi ý ông bà và cùng bàn bạc, xử sự sao cho họ được an vui lúc tuổi già, là một cách thực hành đạo nghĩa của văn hóa Việt Nam. Con cháu cũng sẽ noi gương ta mà cư xử tình nghĩa với ta lúc tuổi già. Nhân nào, quả nấy. “The apple doesnt fall far apart from the tree.”

Gần 3000 năm trước, Đại Sư Mục Kiền Liên đã khóc lạy, van xin Đức Phật Thích Ca chỉ cách dùng gậy báu, phá cửa địa ngục, dũng mãnh xông vào, tìm người mẹ ác (đang bị hành hình như một ngạ quỷ đói khát), để biếu thức ăn, giúp bà chuyển tâm-thức Ác thành Thiện, và sau khi trả nghiệp xấu, qua đời, bà được tái sinh lên Cõi Thiên, vui hưởng phúc lộc. Ngày nay, dù có một người mẹ thiếu thiện tâm, nên nhớ đó vẫn là người mẹ từ nhân-duyên tiền kiếp, nay có công sinh thành, nuôi dưỡng ta. Các con vẫn phải mang ơn và báo đáp trọn nghĩa, nhưng đồng thời phải kiên nhẫn, can gián cha mẹ (và cùng khuyên nhủ nhau) không làm những điều vô ơn, bất tín, bất trung, bất nghĩa, với người trong gia đình lẫn người ngoài, theo đạo đức của văn hóa Việt.

Còn theo Phật giáo, Đạo Hiếu rất quan trọng, và cách đền đáp công ơn cha mẹ đúng đắn nhất là kiên trì, hướng dẫn cha mẹ Tin Phật Pháp. Ngoài việc cung cấp các phương tiện vật chất cho cha mẹ được lành mạnh trong kiếp sống tạm nầy, món quà hữu ích nhất cho muôn đời là khuyên cha mẹ giữ Ngũ Giới của Phật Tử và thực hành Pháp Môn Niệm Phật (luôn trì hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật). Giải thích rõ 3 yếu tố của việc Niệm Phật (Tín, Nguyện, Hành) để cha mẹ thức tỉnh, giảm thiểu Tam Độc (Tham, Sân, Si), và tự kiểm soát Tam Nghiệp (Ý nghiệp, Khẩu nghiệp, Thân nghiệp) hằng ngày.

Nhờ chân thật tu sửa với việc Niệm Phật (giữ khẩu nghiệp lành), chuyển đổi tâm thân mỗi ngày một ít, dần dần đi đến chỗ buông xả tất cả (người thân lẫn của cải) trong khi lâm chung (để được an lạc, tự do hoàn toàn, không bám víu vào người hay vật nào hết, không lo sợ mất mát gì nữa). Cha mẹ sẽ dứt khoát xả bỏ xác thân cũ kỹ yếu đau, ra đi an lạc, thoát khỏi cảnh luân hồi hằng ngàn kiếp trước mặt. Nên người nhà cần bình tâm, nhỏ nhẹ nói với người sắp ra đi những việc làm tốt của họ, không nói những gì buồn phiền, không than khóc, để họ giữ tinh thần vui vẻ, tích cực, lên thuyền Cực Lạc... Tốt nhất là Trợ Niệm cho họ. Muốn vậy, hằng ngày, người nhà phải tập Niệm Phật chung với nhau cho quen, thì đến giây phút khó khăn đó, vẫn giữ được thói quen Niệm Phật, để trợ niệm cho cha mẹ tới cùng. Có những con cháu có hiếu hoặc các thân hữu tận tình, xin nghỉ làm khác ngày nhau, để thay phiên tiếp tục trợ niệm cho cha mẹ trong 49 ngày sau (thất tuần).

Quan trọng là không lau rửa, đụng chạm, hoặc di chuyển thân thể của người vừa qua đời trong 6-8 giờ đồng hồ đầu tiên, để tâm thức có đủ thì giờ xuất ra khỏi, nhẹ nhàng. Vì sự va chạm thô bạo nầy làm người mới tắt thở (nhưng chưa chết hẳn, vì tâm thức chưa ra khỏi cơ thể) có thể bị đau đớn mà sinh tâm tức giận, quên mất mục tiêu hướng về cõi Phật, như dự định, và vì sự tức giận (negative emotion), người vừa mất có thể bị đọa vào một thế giới sân hận... Nhiều con cháu vô tình hại cha mẹ do thiếu hiểu biết như vậy.

Trái lại, nếu được vào cõi Tịnh Độ, nhờ Niệm Phật hằng ngày cho đến lúc lâm chung (nhờ sự tự lực của mỗi người) và nhờ đại nguyện từ bi, cứu độ của Đức Phật A Di Đà (nhờ tha lực từ Đức Phật), cha mẹ sẽ được thân mới, trang nghiêm, với tâm thức mới, an vui bất tận, tiếp tục học và hành Phật Pháp, tương lai trở thành Phật, cứu giúp nhiều người khác... ngang hàng với Đức Phật A Di Đà và các vị Phật khác. Do đó, Phật giáo được xem là tôn giáo của Sự Bình Đẳng. Phật tử không phải là kẻ dưới quyền của bất cứ vị sư nào ở trần thế, cũng không phải là nô-bộc cho một vị Phật độc-tôn nào ở cõi Tịnh Độ. Mỗi người chúng ta đều có Phật tính (Buddha nature) ẩn tàng bên trong. Vậy nên dũng mãnh, tự lực tu sửa, để Phật tánh được hiển lộ, thành Phật. Giản dị như vậy, nhưng chúng ta không tin, không hiểu, và không thực hành Pháp Môn Niệm Phật, do thiếu nhân duyên lành. Lại ham công tiếc việc, không lấy thì giờ riêng, để thiền định, tự giác, để chuyển tâm lao xao, phiền não, thành thanh tịnh, an vui. Chúng ta thường để Phật tính của mình bị che mờ, ác tâm phát triển, làm điều tổn hại người khác, chính mình, và gia đình mình. Nếu có người khuyên nhủ, thì ta tức giận hoặc trả thù; cũng không biết hối lỗi, quay về với Phật tính của mình, nên lạc mất đường về cõi Phật trong vô lượng kiếp... Thật quả đáng tiếc...

Trở về với hải ngoại và quốc nội, trong mỗi dịp Lễ Vu Lan (báo ân cha mẹ, cứu giúp các vong hồn): Chúng ta, những người Việt còn đang có sự sống quý báu (trong từng phút) ở cõi đời vô thường nầy, hãy vì tình đồng bào, mà nhắc nhau bỏ các thói xấu, như ích kỷ, hám lợi, háo danh, ganh tỵ, tiểu nhân, nhỏ mọn, hãm hại người hiền tài..., để cùng góp công của và tinh thần, bảo vệ nét đẹp nhân bản, vị tha của văn hóa Việt truyền thống (trước năm 1975), từ trong các gia đình đạo đức. Lại cần đoàn kết làm việc, hoặc ủng hộ (chứ không phá hại) những người dấn thân, phục vụ Lý Tưởng Dân Tộc, để mong có ngày góp phần giải thoát hằng triệu ông bà, cha mẹ, con cháu... đang rên xiết trong ngục tù CS rộng lớn, hình chữ S, bên bờ đại dương.

Viết cho Lễ Vu Lan, Rằm Tháng 7 âm Lịch, Năm Quý Tỵ 2013

GS Trần Thủy Tiên, M.A. in Human Sciences.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Muốn thấy thật phải buông bỏ, trút bỏ hết những ý muốn, vọng tưởng, mơ tưởng. Bỏ hết những gì mình muốn làm cho chính mình.
Đánh dấu sáu năm vụ khủng bố 9-11, hệ thống truyền thông As-Sahab của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã tung ra hai băng hình của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush đạt một thành tích hiếm có, là đụng đáy ở tỷ lệ ủng hộ 22%. Nay tỷ lệ này đã nhích lên một chút
Để vận động 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu Cộng sản Việt Nam trở thành 1 trong 10 thành viên không thường trực
Vào giữa Tháng Tám vừa rồi nhà văn Bích Huyền có trao cho tôi cuốn sách với nhan đề ngồ ngộ "Viết Từ Hang Đá, nhỏ lệ cùng dân"
Bôi, xoá lịch sử hay bịa ra chuyện  để có lợi cho mình không phải là việc làm bất bình thường  của người Cộng sản Việt Nam,
Nhân dịp ông đến Hoa kỳ để họp Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi viết thư này gởi đến ông với tất cả sự chân thành của một công dân Việt Nam
...Những nước không có tự do dân chủ, sự lạm dụng và sai lầm sẽ trầm trọng gấp trăm ngàn lần Mỹ, vì bưng bít và không có cơ hội tự điều chỉnh...
Biến cố quan trọng nhất là Khối 8406 đã được thành lập ngày 8/4/2006, liên kết các cá nhân tranh đấu riêng lẻ thành một lực lượng đông đảo đầy khí thế.
Tu chánh án mang tên của Thượng Nghị Sĩ John McCain và Dân Biểu Tom Davis đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ chấp thuận gia hạn thêm hai năm (2008 - 2009).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.