Hôm nay,  

Tính Chất Nhà Văn Trong Nhà Báo Lê Thiệp

09/07/201300:00:00(Xem: 7865)
Lê Thiệp là thế hệ phóng viên báo chí đầu tiên của miền Nam, được đào luyện một cách chính quy, tính tới tháng 4 năm 1975.

Cùng với những tên tuổi như Ngô Đình Vận, Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ánh... ông tốt nghiệp khóa 1 báo chí do cơ quan Việt Tấn Xã, Saigon, tổ chức.

Tôi không biết có phải vì đôi lần tình cờ gặp ông trong một vài cuộc họp báo họa hiếm tôi phải tham dự, hình ảnh một Lê Thiệp với bộ dạng bên ngoài khá khác lạ, cho tôi cảm nhận đó là người nhiều cá tính mạnh mẽ mà nổi bật nhất, rõ nét hơn cả trong tôi là, tính bất cần đời của người phóng viên trẻ tuổi này.

Tôi cũng không biết có phải vì những ký sự hay phóng sự của ông, thường cho tôi nhiều điều khác hơn căn bản của một bài ký sự, phóng sự là nhân vật, sự kiện và con số...

Tôi luôn bắt gặp nơi những bài viết của ông một điều gì, rất gần với căn bản một sáng tác văn chương như, chữ nghĩa, hình ảnh, tư tưởng...

Với thời gian, khi ông cầm bút lại, nhiều năm sau biến cố tháng 4, 1975, với tập bút ký nhan đề “Chân Ướt Chân Ráo” (CƯCR) do Tủ sách Tiếng Quê Hương của Uyên Thao, ở Virginia, xuất bản năm 2003, tôi mới có dịp nhìn rõ hơn, thấy rõ hơn tính chất nhà văn, nơi con người nhà báo này.

Ở đây, tôi không muốn nói tới vốn sống ngồn ngộn rói tươi của ông. Tôi cũng không muốn nhắc tới cái kiến thức sâu rộng của ông về nhiều phương diện, từ văn học tới chính trị, lịch sử, xã hội... Tôi chỉ muốn nói tới khía cạnh văn chương như những nhát dao dứt khoát, sấn sổ trên một khối gỗ xù xì để hình thành chân dung một nhân vật, một sự kiện.

Điển hình như khi viết về cha xứ Nguyễn Thành Long ở vùng Hoa Thịnh Đốn, mở đầu bài “Giấc Mơ Việt Nam,” ông viết:

“Ông cha xứ viền điếu thuốc đặt vào nõ chiếc điếu cổ, ngón tay cái hơi miết nhấn những sợi thuốc nâu sậm xuống và châm lửa. Ông rít một hơi ròn tan, dụi bỏ que diêm, rồi thở ra rất chậm rãi. Khói thuốc lào đậm xanh, như quánh lại không tan nổi trong cái không khí oi bức của một buổi chiều mùa hạ.

“Ông ngồi đó dưới gốc cây mơ màng nhìn xuyên qua làn khói. Những thanh sắt làm khung trơ trọi, những mảnh tường chưa dụng kín, những chiếc mái cong vút vẫn còn phải có cái chống, cái kê nhưng ông biết chắc giấc mơ mà ông gọi là Giấc Mơ Việt Nam của ông nay đã thành.” (CƯCR, trang 214)

Khi viết về họa sĩ Ngọc Dũng, một người ông quý trọng, cũng là người anh kết nghĩa của mình, ông viết:

“Gần anh, nhìn tranh anh, dần dần tôi hiểu cái mềm mại của tranh anh, cái quyến rũ của tranh anh bắt đầu từ cái đẹp không lý luận, cái giản dị của chính sự việc, đề tài. Nó gần gũi với tôi, với những gì quanh tôi, nó nhập vào tôi lúc nào không biết. Bức tranh vẽ cô gái gầy guộc ngồi trên ghế nhìn vào khoảng không bỗng lúc nào trở thành một cái gì không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Một lần tôi dẹp tranh để treo một bức trừu tượng vào thay. Có cái gì bứt rứt khó chịu vào những lần đi qua mảnh tường. Tôi bèn úp bức trừu tượng lại, treo cô gái lên. Cô bé bỗng như cười và tôi có cảm giác mình có thêm một đứa con trong nhà, lúc nào cũng ngồi đó im lặng, nhưng sự hiện diện thì tràn đầy trong tôi.” (Ngọc Dũng, Giọt Nước Hân Hoan, CƯCR, trang 211)
le_thiep_bai_du_tu_le__resized
Lê Thiệp và bạn hữu.
Hoặc khi viết về một loại trái cây rất tầm thường đến độ ít ai để ý là trái ổi, trong bài “Những Quả Ổi Cuối Mùa,” ông viết:

“Tôi cắn vào trái ổi, cắn một cách từ tốn chậm rãi, gặm phần vỏ nhai thật kỹ. Nó hơi đắng chát, cái đắng chát dịu dàng. Tôi ăn đến phần cùi. Giòn, sần sật, nước ngọt ứa ra thấm vào tận chân rằng. Tôi nhai phần ruột có hột. Hột ổi to nhưng không cứng lắm, nhai vỡ ra kẹt vào kẽ răng. Tôi vừa đi vừa hít hà để những hột ổi bong ra.” (CƯCR, trang 121-122.)

Tôi không nghĩ người đọc chờ đợi hay, đòi hỏi nơi người viết ký sự, phóng sự những đoạn văn như tôi vừa trích dẫn.

Với tôi, đó là những đoản văn đượm, tươm chất tùy bút.

Tôi thấy như mình ngửi được mùi thơm của trái ổi, cảm được vị chát của vỏ ổi hoặc, độ ngập của những chiếc răng găm vào phần ruột ổi.

Tôi thấy như mình đang đứng trước bức tranh cô gái gầy guộc, ngồi trên ghế, hướng về khoảng không phía trước, với tất cả cảm nhận lẻ loi của cô, trong đăm đăm dõi theo một mơ mộng bồng bềnh, chưa hẳn rõ chân dung một tình yêu hay, khát khao một bờ vai, một cánh tay ai đó, nơi tranh Ngọc Dũng, qua mô tả của Lê Thiệp.

Tôi cũng thấy như mình ngửi được mùi thuốc lào, nghe được tiếng réo sôi hân hoan của niềm vui, hòa lẫn nỗi buồn của những sợi thuốc cháy nhanh, nơi chiếc điếu cầy lên nước thời gian, nhiều dặm xa xôi quê nhà, của cha Nguyễn Thành Long...

Rải rác đâu đó, trong bút ký của Lê Thiệp, nhiều giải lụa tùy bút, như thế. Nhất là những bút ký nhân vật của ông.

Với giọng văn kể chuyện từ tốn, chậm chạp, đôi lúc gây gỗ, gấp gáp một cách bất ngờ. Trước đây, tôi những tưởng Lê Thiệp với nguyên gốc phóng viên, ông sẽ thích hợp với những bút ký về con người, xã hội hay thời cuộc.

Nhưng càng đọc ông, tôi mới thấy, cõi giới văn xuôi Lê Thiệp còn vươn xa hơn mấy phạm trù vừa kể.

Ông viết về tuổi thơ, kỷ niệm và, ngay cả lãnh vực thi ca cũng dễ dàng, thấu đáo với nhiều “nhân vật, dữ kiện, con số” như khi ông viết tin hay, phóng sự vậy.

Vẫn trong tác phẩm nêu trên, tôi rất thích bút ký nhan đề “Sư Triệt Học lận đận nơi nao?”

Không cần phải đọc hết bút ký này, độc giả cũng đã nhận ra hai chữ “lận đận” mà tác giả dùng trong nhan đề của mình, vốn trích từ câu thơ “cùng một lứa bên trời lận đận” của Phan Huy Vịnh, dịch từ nguyên tác Bạch Cư Dị.

Bỏ qua một bên sự gặp lại người bạn học cũ, trong nhân thân mới, nhân thân của một nhà sư - Nhà sư Triệt Học (thế danh Trần Đức Giang,) với tất cả tâm trọng, kỳ thú, như một đoản văn tả các trích tiên gặp nhau; khi nói về bài thơ “Tỳ Bà Hành,” ông viết:

“Phải chờ cho đến khi Phan Huy Vịnh dịch thì mới có thơ:

Bến tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Chủ xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.


“Bạch Cư Dị sáng tác khỏe với 3487 bài thơ. Ông tự sắp thơ của mình thành 4 loại chính: Phúng Dụ, Nhàn Thích, Cảm Thương và Tạp Luận.

“Gần bốn ngàn bài trong đó ông tự hào nhất là loại Phúng Dụ, nhưng hình như mọi người Việt chỉ nhớ Tỳ Bà Hành. Chính nhờ Phan Huy Vịnh.

“Bài thơ thất ngôn cổ phong 88 câu này được làm khi Bạch Cư Dị bị biếm trích khỏi Tràng An đến nhậm chức Tư Mã ở quận lỵ hẻo lánh Giang Châu. Trong buổi tiễn thiền sư Mãn Thượng Nhân ở bến sông Bồn, hai người đã gặp một kỹ nữ về già. Tỳ Bà Hành thuật lại cuộc gặp gỡ này và bài thơ trở thành bất hủ...”

Nhưng Lê Thiệp không quy kết, không trói buộc bài viết của ông trong những “nhân vật, dữ kiện, con số” mà, ông đẩy ngòi bút, cảm hứng của mình tới những đỉnh cao, những vực sâu khác.

Những đỉnh cao, những vực sâu làm thành bởi những trận “địa chấn” mà bài thơ của Bạch Cư Dị, đúng hơn, bản dịch của Phan Huy Vịnh (như một bài thơ khác, nếu tôi được phép nói như vậy) làm thành.

Tôi muốn nói, sự bước khỏi khuôn-thành-ký-sự, để đi vào lãnh giới “tư tưởng,” một trong ba thành tố căn bản của văn chương.

Lê Thiệp viết:

“...Nhưng sức truyền bá của bài Tỳ Bà Hành thì thấm từ nhiều thế hệ nho gia đến tận Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương...

“Sau Chu Mạnh Trinh đọc Kiều mà giọt lệ Tầm Dương chan chứa đến Vũ Hoàng Chương:

Tình nhân thế chưa cay người lịch duyệt
Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu
“Và Xuân Diệu thì:
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
.......
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi.
Hoặc chỗ khác:
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.(...)


“Tôi ngồi đọc lại một lần nữa. Tờ photocopy lâu ngày đổi màu, nay cũng đã cứng hơn, nham nháp nơi tay.

“Hà tất tằng tương thức? Lọ sẵn quen nhau?

“Bạch Cư Dị và người kỹ nữ đâu có quen biết nhau trước. Họ vẫn là tri âm và chính vì mối tri âm mà có Tỳ Bà Hành:

Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức
......
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
“Thì ra thế. Cùng một lứa.


“Quan Tư Mã, đại thi hào, kỹ nữ, vợ anh lái trà, có gì khác đâu? Cái giai cấp, cái phân biệt đã xóa nhòa để có Tỳ Bà Hành.

“Phải chăng chỉ chính vì cùng một lứa bên trời lận đận, sư Triệt Học đã đưa tôi bài thơ này trong chiếc ga xép khi chia tay ở Fukuoka?”

Tuy nhiên, người đọc cũng bắt gặp rất nhiều những từ ngữ, những chữ nghĩa bổ bã, rất ấn tượng làm bật lên cảnh tượng sinh hoạt của một giai đoạn xã hội nào đấy. Chính những ngữ cảnh đầy tính chất phóng sự, ký sự này, phần nào cũng đã làm thành nét riêng trong văn xuôi Lê Thiệp.

Du Tử Lê
(Do Nhà báo Phạm Trần, đại diện thân hữu của Lê Thiệp tiềp nhận và phổ biến để tưởng nhớ đến một Ký giả có lòng với mọi người.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tính cho đến nay con số người Việt sống bên ngoài lãnh thổ VN khoảng 4,2 triệu người, 3,2 triệu người đang sống tại Mỹ và Châu Âu và Úc châu
Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc
Từ một năm nay, ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Tấn Dũng tạo nên hy vọng cho không ít bà con ta trong và ngoài nước.
Chủ Nhật vừa qua, Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney của Australia
Vụ án Lê Phước Tuấn đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ CHXHCN Việt Nam
Đọc bài báo có tựa đề "Câu kết trong ngoài và mưu đồ chính trị nham hiểm" trên báo Quân Đội Nhân Dân, người đọc có hiểu biết một chút
Hồ Chí Minh lại đưa ra một quan điểm trái ngược: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.”
Chủ quan là nhìn một chiều theo cái muốn của cái tôi. Cái tôi nghĩ như vầy, muốn như vầy, và điều gì ngược lại hay giống như cái tôi nghĩ, cái tôi muốn, thì tạo ra rối loạn tâm tư, tạo sự bực mình hay buồn bã
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian. Không thụ động không bất động, mà phải hành động tiến bước
Quốc trưởng của một quốc gia được quốc trưởng của một quốc gia khác mời tới thăm viếng quốc gia bạn thì chuyến công du này
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.