Hôm nay,  

Tôi Đọc Chân Ướt Chân Ráo Của Lê Thiệp

09/07/201300:00:00(Xem: 7617)
Lê Thiệp là một tên tuổi quen thuộc trong làng báo Việt nam trước tháng Tư năm 1975. Là một ký giả trẻ, chuyên nghiệp, năng nổ, anh từng cộng tác với nhiều tờ báo ở Sàigòn, trong đó phải kể tới hai nhật báo lớn, uy tín bậc nhất tại miền nam lúc bấy giờ là các tờ Chính Luận và Sóng Thần. Với tinh thần yêu nghề, ham học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, chàng ký giả trẻ tuổi tài hoa này đã tiến rất mau và rất xa trong lãnh vực nghề nghiệp của anh.

Tôi không nhớ lần đầu gặp tác giả Chân Ướt Chân Ráo bao giờ, ở đâu và trong trường hợp nào? Ấn tượng còn ghi đậm trong trí nhớ của tôi khi bắt gặp một Lê Thiệp mang quân phục đang chỉ huy một toán quân nhân đi tuần thám trên đường Thoại Ngọc Hầu, khu Ngã Ba Ông Tạ vào những ngày người dân Sàigòn chưa hết bàng hoàng sau biến cố Tết Mậu Thân, 1968. Với dáng vẻ phong sương, dày dạn, anh nheo mắt nhìn tôi cười nửa miệng. Nét cười còn đọng mãi trong ký ức mỏi mòn của tôi. Một chút ngạo nghễ, khinh bạc hàm ngụ trong đó. Có thể anh đang phẫn nộ về một ý nghĩ chợt đến trong đầu. Trong khoảnh khắc, tôi không giấu được cảm giác Thiệp muốn gây gổ vì nghĩ rằng trong lúc anh và đồng đội đang vất vả săn tìm kẻ thù thì như bao người khác, tôi chỉ là kẻ đứng bên lề. Giả dụ lúc ấy Thiệp cưu mang những ý nghĩ như thế thì hẳn những ngày sau đó anh phải hiểu rằng cá nhân tôi và Uyên Thao cùng một số anh em đang làm việc tại đài Phát Thanh đã vất vả như thế nào trong nỗ lực duy trì tiếng nói của người quốc gia trong những điều kiện ngặt nghèo tại Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre?

Trong thời gian viết bài phông và phụ trách trang tham luận chính trị trên Nhật báo Sóng Thần, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ Lê Thiệp hơn. Nhưng dường như giữa tôi và anh vẫn có một khoảng cách. Từ ngày Lê Thiệp từ giã Nhật bản qua định cư tại Hoa kỳ, chúng tôi đã gặp nhau dăm ba phen, hầu hết ở miền nam California, kể cả lần đầu Trần Nguyên Thao chở anh tới thăm tôi khi vừa “chân ướt chân ráo” tới Mỹ. Giữa Thiệp và tôi chỉ có sự quen biết mà chưa tiến tới mức độ quen thân. Như tôi và Uyên Thao. Như tôi và Trần Nguyên Thao hoặc Nguyễn Tuyển.

Tại sao vậy? Nếu bảo rằng vì tuổi tác chênh lệch thì không đúng vì Tuyển cũng ngang tuổi anh, tức là kém tôi chẵn một con giáp. Cuối cùng có lẽ chỉ vì khuôn mặt quá nghiêm trang của ông thày dạy quốc văn nơi tôi. Nhưng đúng hơn có thể vì tôi tuy mang tiếng là kẻ viết văn, làm thơ, làm báo, làm phát thanh nhưng hiếm khi tôi túm năm tụm ba với đồng bạn tại những chốn ăn chơi?

Chiều Thứ Năm 20-02-03, sau khi đi thăm cháu gái lớn ở bệnh viện về, tôi bắt gặp một bì thư gửi khẩn cấp bỏ trước cửa nhà. Mở ra là cuốn Chân Ướt Chân Ráo và lá thư viết vội của Lê Thiệp.

Chân Ướt Chân Ráo do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành tại Virgina năm 2003 và là tác phẩm thứ chín do nhà văn Uyên Thao chọn đưa vào Tủ Sách. Về hình thức sách dày 392 trang. Bìa offset của Từ Phong được tạo hình bằng kỹ thuật điện toán với những mảng bóng tối vẩn lên những tảng màu đỏ, hồng, trắng chen lẫn, làm nền cho tiêu đề sách màu xanh ngọc, gợi nhớ tới một loài đá quý với những viên tròn đều quấn quanh cổ các mệnh phụ phu nhân. Phía trên là tên tác giả màu vàng. Góc bìa sau là hoạt họa diện mạo họ Lê do Ngô Vương Tọai thực hiện cùng với sơ lược tiểu sử người viết.

Mở vào nội dung, người đọc bắt gặp 38 đoản văn theo thể loại ký sự.

Ngoài bài ký mở đầu dài 62 trang, tức là ngót 1/6 tác phẩm, thuật lại những tháng ngày long đong kiếm bạn đồng tâm, bòn góp từng lít nhiên liệu, sục sạo sắm la bàn, mua ghe, chọn bến để tìm đường vượt thoát chế độ, 37 bài còn lại trung bình mỗi bài khoảng 5, 7 trang, nội dung ghi lại các góc cạnh, tình huống, người, sự việc cùng những suy tư của người viết về những gì anh bắt gặp trong cảnh đời xa xứ. Mỗi trang là một mẩu đời sống nơi xứ người. Nó được tô vẽ bằng muôn hình muôn vẻ nhưng có một mẫu số chung la đều quy về một nơi chốn. Đó là quê hương Việt Nam.
doc_chan_uot_bai_tran_phong_vu__2__resized
Từ trái qu: Trần Phong Vũ – Lê Thiệp – Uyên Thao – Phạm Duy – Vương Đức Lệ trong buổi sinh hoạt giới thiệu Chân Ướt Chân Ráo ở TS Người Việt tối 01-3-2003.
Từ tâm sự của một người đồng hương (Một chuyện rất bình thường), những trăn trở của việc dọn từ căn nhà cũ qua căn nhà mới (Cái nhà là nhà của ta), những đổi thay què quặt về ngôn từ chữ nghĩa (Từ Việt hóa chiến tranh đến Nạc hóa đàn lợn), chuyện ăn uống, nhậu nhẹt (Nước mắm và xì dầu, Tình anh hàng phở), tình cờ bắt gặp trái ổi tại một siêu thị của người địa phương (Những trái ổi cuối mùa),...tới sự ra đi của một người bạn (Ngọc Dũng, giọt nước hân hoan).... tất cả đều là những gợi nhớ để tác giả ghi lại những cảm xúc chợt đến trong anh về một hình bóng, một kỷ niệm của một thời đã xa, đã mất hút tại một quê hương ngàn trùng xa cách. Với Lê Thiệp, nó không chỉ là sự xa cách trong không gian mà là một mất mát đớn đau, một chia lìa biền biệt. Chính những ám ảnh này đã khiến ký giả họ Lê, dù đã lìa xa đất nước hơn hai thập niên, anh vẫn mang cái cảm giác là kẻ chân ướt chân ráo nơi xứ người. Chúng ta hãy nghe những lời tự bạch của Lê Thiệp nơi trang đầu tiên trước khi vào sách:

“Những bữa ăn trong gia đình, dù nói chuyện trời chuyện đất, chuyện con cái học hành, chuyện nhà cửa, chuyện bill rồi cuối cùng cũng lại chuyện Việt nam. Bằng hữu anh em những lúc trà dư tửu hậu, những lúc tính cái này cái nọ, kết cục thế nào cũng đá chuyện Việt nam vào”.

Trong bài ký Một chuyện rất bình thường, ngòi bút của Lê Thiệp đã phát hiện tâm sự ưu uất không bình thường của một người đồng hương HO sau 20 năm nhắm mắt lao đầu vào giấc mơ hội nhập, mong sớm trở thành người....bản xứ! Đương sự đã đạt được ý nguyện. Vợ chồng, con cái đua nhau nói tiếng Mỹ, ăn đồ ăn Mỹ. Những bữa cơm Việt Nam vắng dần. Cả bạn bè Việt Nam cũng lần hồi thưa thớt. Trả lời tác giả về mấy đứa con, người đồng hương HO cho biết: “Chúng là Mỹ, là con Mỹ.....Đứa lớn có vợ Mễ sống ở Dallas, đứa con gái sống ở tận Chicago, có hai con với đời chồng trước, nay đang ở với boyfriends” (tr 84).

Ba năm kẹt lại trên quê hương – một quê hương đã thay tên đổi họ – đã đủ cho Lê Thiệp thấy được những chuyện ngược đời, những trò múa rối quanh anh. Với quá khứ cả chục năm trời đùa chơi với chữ nghĩa, cái đập vào nhãn quan, vào thính giác họ Lê sau ngày đám cán ngố dép râu mũ tai bèo theo xe tăng cộng sản tiến chiếm Sàigòn, là thứ ngôn từ, chữ nghĩa ngô nghê, chắp vá, nửa trịnh trọng, nửa hài hước, khiến anh không khỏi chau mày, choáng váng. Trong bài ký Từ Việt nam hóa chiến tranh đến nạc hóa đàn lợn, tác giả viết:

“Những lớp học cấp tốc được tổ chức mà sách vở là từ tiếng Tầu dịch ra.....Chúng ta có một thứ tiếng lạ tai, cả viết lẫn nói, được đảng và nhà nước chấp thuận như ngôn ngữ triều đình làm điên đầu người dân......Khi đến thăm một người dân sống dưới sự hướng dẫn của đảng và nhà nước, được chào mời kiểu:

- Xin vô tư. Mọi tiện nghi đã được bố trí chu đáo. Bánh cuốn đã được phân phối, lại còn tăng viện cả cà cuống, đặc thù hôm nay có chả quế”.

Và tác giả diễn nôm theo lối nói bình dị của người bình dân miền Nam trước tháng 4-75 như sau: “Tự nhiên nhe bà con. Đồ ăn tùm lum, có bánh cuốn, chả quế và thêm cà cuống nữa” (tr. 143-144)

Nguy cơ của vấn đề là sự quen tai. Theo tác giả bài ký thì lâu dần thứ ngôn ngữ kỳ cục ấy cũng xâm nhập vào cách nói, cách suy nghĩ của những thành phần bị coi là ngụy lúc nào không hay. Không phải chỉ giới bình dân ít học mà ngay cả những nhà văn nhà báo đã thành danh trong chế độ cũ. Họ Lê đã mang đàn anh của mình là Uyên Thao, một nhà văn, một ký giả kỳ cựu, ra để làm dẫn chứng.

(Mời độc giả đọc lại trang 144 để có thể nắm được ý nghĩa lời kể lại của nhà văn nguyên chủ bút tờ Sóng Thần năm xưa về khoảnh đất lộ thiên ông sử dụng để bán sách cũ kiếm sống qua ngày cho gia đình sau hơn muới năm trời ở tù cộng sản được trả tự do trở lại Sàigòn. Muốn hiểu rõ từ ngữ nạc hóa độc giả cũng cần phải đọc cho đến dòng chữ cuối của bài ký này).

Xuyên suốt tác phẩm Chân Ướt Chân Ráo, người đọc tâm đắc nhất những bài ký Lê Thiệp viết về những khuôn mặt đàn anh trong làng báo nhưng lại khá thân thiết với anh như bác sĩ Đặng Văn Sung, ký giả Từ Chung, các nhà báo kỳ cựu Thái Lân, Thái Linh, họa sĩ Ngọc Dũng, nhà văn Uyên Thao, kể cả những chi tiết ly kỳ chung quanh giấc mơ Việt nam của ông linh mục “thuốc lào” Nguyễn Thanh Long. Qua đoản văn Một tấm lòng son với nước non, ký giả họ Lê đã hé mở cho người đọc thấy được một phần cuộc đời và sự nghiệp của ông bác sĩ suốt đời say mê làm báo, làm chính trị hơn là hành nghề thày thuốc này. Cá nhân tôi từng được Trần Nguyên Thao giới thiệu với bác sĩ họ Đặng vào những năm tháng cuối đời ông. Trong lúc tinh thần sảng khoái, minh mẫn có lần nguyên chủ nhiệm nhật báo Chính Luận định cho phép tôi thâu vào băng nhựa những câu hỏi đáp về các chi tiết liên quan tới cuộc đời hoạt động của ông.

Nhưng một lần hai lữa vì cơn bệnh trở tới trở lui nên dự tính không thành. Một bữa, sau khi đọc bài viết của tôi trên một tạp chí ghi lại những cảm nghiệm nóng bỏng sau lần chết hụt trong một tai nạn xe hơi năm1996, ông ngỏ ý muốn đọc thêm những gì tôi viết. Dịp này tôi đã biếu ông bản thảo cuốn tâm bút Bên Vực Tử Sinh. Mấy tháng sau ông qua đời khi cuốn sách sắp sửa đưa in. Trong lời nói đầu, tôi đã ghi lại chi tiết này.

Những bài viết về ký giả Từ Chung và các nhà báo kỳ cựu Thái Lân, Thái Linh, tác giả đã cho giới độc giả sinh sau đẻ muộn thấy được cái thời nền báo chí Việt Nam còn in Typo của thập niên 60 trở về trước. Những giai đoạn săn tin, viết tin, sửa tin, xé bản tin thành 10, 15 mảnh để trao cho các em bé đứng chúi đầu bên những ô đựng chữ lặng lẽ nhặt từng mẫu tự xếp thành chữ, thành câu trước khi ráp lại thành bài để chuyển qua nhóm thợ làm bản vỗ, thợ đúc chì và ráp vào khuôn máy in. Tất cả đã được Lê Thiệp vẽ lại một cách thật vắn tắt nhưng cũng thật sinh động. Đọc văn anh mà tôi như nghe được bằng tai tiếng động tí tách của những con chữ trên tay mấy em nhỏ, nhìn được bằng mắt quang cảnh người qua kẻ lại thoăn thoắt nhưng câm lặng như những cái bóng trong buổi sáng mờ sương trên cầu thang hẹp của những tòa soạn nhật báo ở Sàigòn ngày nào.

Lê Thiệp ngoài đời được anh em trong báo giới nhìn nhận là một con người quảng giao, trân quý bạn bè.

Trong Chân Ướt Chân Ráo, người đọc cảm nhận được một cách cụ thể qua những bài ký anh viết về những người đã một thời làm việc chung với anh, kẻ còn sống sót cũng như người đã nằm xuống, trong số phải kể tới Ngọc Dũng (người đã nghỉ yên trong lòng đất lạnh) và Uyên Thao (kẻ sống sót như một phép mầu sau cả chục năm tù cộng sản và hút chết vì hai căn bệnh nan y sau khi qua định cư tại Mỹ: ung thư dạ dày và ung thư cuống họng).

Đọc những bài ký loại này có người so sánh Lê Thiệp với ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc để dẫn tới kết luận là tác giả Chân Ướt Chân Ráo chịu ảnh hưởng lối viết của tác giả Gửi Ban Gần Xa. Tôi chỉ đồng ý một phần.

Không ai phủ nhận họ Phan là một bút ký gia cự phách. Ông nổi tiếng viết nhanh, viết đều. Điều đáng nói là không vì thế mà ký của ông giảm giá trị. Vì tâm đắc với nội dung và cách tiếp cận đề tài của ông nhà báo tài ba này, đã có lần tôi cắm cúi thả dòng tư tưởng tản mạn về một bài ký của ông. Trong Gửi Bạn Gần Xa, Ký Giả Lô Răng đã viết thật nhiều về tình bằng hữu, nếu so với Lê Thiệp trong Chân Ướt Chân Ráo. Nhưng tôi vẫn thấy những nét khác biệt trong văn phong và nhất là cung cách phô diễn tâm tình của ký giả họ Lê qua hai bài ký viết về Ngọc Dũng và Uyên Thao. Có thể vì cách nhìn và sự cảm nhận về hai nhân vật này của Lê Thiệp trùng hợp với cách nhìn và sự cảm nhận của tôi.

Với họa sĩ quá cố Ngọc Dũng, hồi còn ở trong nước tôi chỉ gặp anh thấp thoáng. Giữa ba người họa có tiếng lúc bấy giờ, tôi biết nhiều về các anh Thái Tuấn và Duy Thanh hơn là Ngọc Dũng. Giản dị là vì cả hai vị kia đều gắn bó với đài phát thanh Sàigòn, nơi tôi làm việc nhiều năm. Đến ngày di tản qua Mỹ, qua trung gian Trần Nguyên Thao, anh bắt đầu vẽ cho nguyệt san Đường Sống do anh em chúng tôi thực hiện từ năm 1980 đến tháng 7 năm 1992 như một món quà tinh thần gửi tặng đồng bào tị nạn tạm cư tại tám quốc gia Đông Nam Á. Cũng như Duy Thanh, Ngọc Dũng đã cho phép tôi sử dụng một số tranh của anh làm phụ bản cho tập truyện ngắn Quê Hương Còn Đó xuất bản năm 1983.

Dù chưa được hân hạnh là bạn của người họa sĩ tài hoa này, nhưng qua những lần gặp gỡ chớp nhoáng, nhất là trong dịp chuyện trò, tâm sự với anh dịp anh về Cali tiễn đưa nhà văn Mai Thảo đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi phát hiện những đức tính hiếm có không xa với những gì tác giả Chân Ướt Chân Ráo đã viết về anh.

Riêng trường hợp Uyên Thao, mấy trang có tiêu đề Ông Uyên Thao vậy đó của người viết họ Lê đã vẽ lại trọn vẹn con người và tâm tình của Thao, bạn tôi và cũng là người bạn già của Lê Thiệp. Thẳng thắn. Chân thành. Chung thủy. Quên mình. Luôn nghĩ tốt, làm tốt cho bạn. Say mê làm việc, say mê viết và đọc như một người mới lớn mê chuyện gái trai.

Tắt một lời, có thể vì lý do chủ quan kể trên, quả tình tôi rất tâm đắc văn phong và cung cách bộc lộ tình cảm với bạn của Lê Thiệp qua những bài ký anh viết về hai khuôn mặt mà tôi luôn quý mến là cố họa sĩ Ngọc Dũng và nhà văn suốt đời lận đận Uyên Thao.

Trước khi kết thúc bài viết ngắn ngủi này, sau Chân Ướt Chân Ráo, tôi mong sẽ sớm được đọc thêm những tác phẩm khác của Lê Thiệp. Bởi lẽ giản dị anh là một ký giả, một nhà văn có tài, Hơn thế, anh còn trẻ, ít nữa so với Uyên Thao, với tôi, anh còn có cả con giáp trước mắt.

Nam Cali ngày 21-02-2003
TRẦN PHONG VŨ
(Do Nhà báo Phạm Trần, đại diện thân hữu của Lê Thiệp tiềp nhận và phổ biến để tưởng nhớ đến một Ký giả có lòng với mọi người.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.