Hôm nay,  

Những Ngày Cuối Đời Của Lê Thiệp

09/07/201300:00:00(Xem: 7250)
Lê Thiệp Nhà báo; Lê Thiệp Nhà Văn và Lê Thiệp Thương gia thành công nhất trong số những anh em làm báo Sài Gòn ngày xưa chạy được ra nước ngòai sau ngày 30-04-1975, đã vĩnh viễn ra đi vì chứng Ung Thư Gan vào ngày 05 tháng 07 năm 2013 tại Oakton, Virginia, hưởng thọ 69 tuổi.

Lê Thiệp từ gĩa cõi đời rất nhẹ nhàng bên người vợ hiền, chị Đậu Phương Mai và 3 người con gái Dĩ An, Dĩ Hòa và Qúan Chi và người thân trong gia đình.

Anh là Ký gỉa chính của 2 Nhật báo nổi tiếng Chính Luận và Sóng Thần tại Sài Gòn trước năm 1975. Lê Thiệp được coi là một trong số nhà báo trẻ năng động và thành công nhất của Khóa đào tạo Phóng viên chuyên nghiệp đầu tiên năm 1965 của Giáo sư, Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn Xã.

Anh là Ký gỉa săn tin giỏi, viết sâu sắc các bài về sinh họat tại Hạ Nghị Viện thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng viết Ký sự Chính trị và Xã hội là lĩnh vực đã đưa tên tuổi Lê Thiệp lên cao trong làng báo Sài Gòn vào thập niên 70.

Nhiều người thường trêu anh là “Ký gỉa Cao Bồi” vì lối ăn mặc, đầu tóc và giầy dép của anh mang vào những chỗ “thể diện Quốc gia” như “những chỗ không người”!

Nhưng không ai có thể chê cách viết đặc sắc, đôi khi châm biếm, riễu cợt như chọc vào mắt mấy ông bà Nghị sỹ, Dân biểu của ngòi bút Lê Thiệp.

Tin Thiệp từ gĩa cuộc đời đến với tôi có điều khó giải thích vào trưa ngày 5/7 khi tôi đang rong chơi với mấy đứa cháu trên bãi biển Virginia Beach, cách nhà Thiệp gần 4 giờ lái xe.

Vào khỏang trưa, tự nhiên tôi muốn về nhà vì cảm thấy có ai đó đã gửi cho một e-mail cần phải đọc. Vợ tôi ngạc nhiên trước quyết định đột ngột này nhưng không cản vì tôi hứa sẽ trở lại chừng nửa giờ.

Từ bãi biển về nhà chừng 7 phút lái xe. Khi xe vừa tắt máy trên sân, điện thọai cầm tay kêu.

Đầu giây bên kia là Nguyễn Thiên Ân, nguyên Phóng viên của 3 Đài Phát thanh Sài Gòn,BBC và VOA đang có mặt ở Virginia để thăm Lê Thiệp. Tôi đóan có tin dữ.

Ân nói ngay: “Thiệp nó đi rồi.”

- Mày đang ở đâu ?

- Sắp sửa đến nhà Thiệp.

- Tội nghiệp nó. Thôi đi đi, có tin thêm báo tao ngay. Để tao vào nhà báo tin anh em.

Chưa kịp mở cửa. Anh Uyên Thao, “quản gia” của Tủ sách Tiếng Quê Hương gọi:

- Phạm Trần hả?

- Em đây anh.

- Lê Thiệp nó qua đời rồi!

- Anh có biết mấy giờ không?

- Không, nhưng chắc mới đây thôi.

- Thiên Ân cũng vừa báo tin.

Một e-mail được tôi gửi đi cho bạn bè của Thiệp ở khắp nơi và về Việt Nam với nội dung như sau:

“Khẩn cấp báo anh em:

Người bạn yêu qúy của chúng ta, Nhà văn-Nhà báo Lê Thiệp đã “Ra Đi" vào trưa nay, 5-7-013.

Anh Nguyễn Thiên Ân đang trên đường tới nhà Lê Thiệp.

Có in gì thêm sẽ báo sau.”

Chỉ ít phút sau, điện thọai, e-mail anh em khắp nơi đổ về tôi bầy tỏ thương tiếc và hối hận không về kịp để gặp Lê Thiệp trước khi anh ra đi.

E-mail của Trần Công Sung, nguyên Phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã từ Paris : “Tôi kẹt chuyện gia đình , muốn đi sớm gặp Lê Thiệp lần cuối nhưng không đi được. Hơn nưã vé máy bay muà hè rất khó kiếm. Rất ân hận.”

Nguyễn Tuyển, từ California, một trong số bạn “rất thân” của Lê Thiệp từ thủơ làm báo Sài Gòn trước 1975 đã được chính Lê Thiệp khuyên “đừng về thăm” vì”tao cần nghỉ ngơi” đã tỏ ra buồn phiền: “Rất tiếc tao cũng không kịp gặp nó”!

Nhưng không riêng Nguyễn Tuyển mà Phan Thanh Tâm, nguyên Phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã, bây giờ ở Minesota, cũng ngạc nhiên phản ứng: “Sao nó đi nhanh vậy ?”

Vũ Ánh, Trưởng Phòng tin tức Đài Phát thanh Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến 1975 cũng bàng hòang từ Orange County (California): “Có ai ngờ nó ra đi mau như vậy đâu?”

Trần Trọng Thức, người từng sát cánh với Lê Thiệp trong nhóm Việt Nam Ký Sự, một thời nổi tiếng với những bài Phóng sự làm thay đổi bộ mặt làng báo Sài Gòn trước 1975.

Thức viết từ Sài Gòn: “Đành rằng chuyện gì đến rồi cũng phải đến, nhưng Lê Thiệp ra đi sao mà buồn quá.

Tao có niềm an ủi là được gặp Thiệp một tháng trước ngày hắn rời bỏ anh em mình.

Đã báo với bạn bè bên này. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Thiệp yên nghỉ sau gần 70 năm rong chơi cõi trần.”

Trần Nguyên Thao, cựu Phóng viên Chính Luận viết:

“Khi tôi tập tễnh bước vào nhật báo Chính Luận, thì anh Lê Thiệp đã là ký giả thành danh, được nhiều phóng viên thời đó gọi thân thương là đại ký giả Lê Thiệp.

Anh là một trong những phóng viên chính của nhật báo Chính Luận.

Lê Thiệp chuyên viết tin chính trị và được cử đặc trách theo dõi sinh hoạt Hạ Viện. Anh có lối tường trình độc đáo, mô tả rất sống động trong sinh hoạt nghị trường. Đọc tường trình của anh, độc giả mường tượng ngay ra được không khí tranh luận lúc thật, khi "cuội", lúc "nhì nhằng", khi lộ nguyên hình hỉ, lộ, ái ố của từng phe nhóm dân biểu lúc đó.

Là người có tuổi nghề vững vàng trong làng báo, Lê Thiệp có cung cách viết rất thẳng thắn, đôi khi ngang tàng. Nhưng trong Anh là một tâm hồn sống lạc quan. Đối với Lê Thiệp, không có gì là "big deal" trên cõi đời ô trọc này cả ! Chính quan niệm sống này, đã giúp anh sống an bình nội tâm trong thời gian đối phó với bạo bệnh. Tôi rất mừng nghe lối nói "chắc nịch" của anh trong những ngày cuối. Đói với tôi, đây là thái độ sống đầy Hy Vọng, rất cần thiết cho mọi con người.

Tiễn biệt anh với tấm long quý mến cuộc sống hiên ngang trong tinh thần coi mọi sự đều nhẹ nhàng như gió thoảng, mây trôi. Một tấm gương sống cần thiết để hòa hợp được với nhiều người.

Nguyện cầu vong linh anh luôn vui nơi Vĩnh Phúc.”

GẶP NHAU LẦN CUỐI

Tôi là một trong số ít người may mắn đã đến thăm và nói chuyện riêng với Lê Thiệp được 30 phút ngày 26/06/2013. Chị Mai và 3 cháu bỏ mặc 2 đứa chúng tôi ở phòng khách để đi lo chuyện riêng như gia đình chị vẫn thường làm để tôn trọng chuyện riêng của Bố.

Nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi không vây quanh chứng bệnh khó trị của Lê Thiệp mà tập trung vào chuyện bạn bè, những người ở xa muốn đến thăm hoặc muốn liên lạc với Lê Thiệp đã nhờ tôi chuyển lời.

Tôi hỏi: “Anh em muốn liên lạc với mày bằng thư hay e-mail được không ?”

Thiệp đáp: “Thì cứ gửi, có gì mà phải hỏi?”

- Nhưng tao muốn mày cho biết có thời giờ để đọc không, hay chúng nó lại làm cho mày mệt mỏi thêm ?

Ậm ừ một lát, Thiệp buông câu như bỏ cuộc: “Thôi đừng bảo chúng nó gửi nữa. Đứa nào gửi thì gửi, loan báo làm gì cho mất công!”

Nhìn gương mặt Thiệp và nghe câu nói này, tôi hiểu Thiệp đã mất nhiều sức không còn thời giờ đọc thư và e-mail của bạn bè nữa.

Tôi trả lời ngay: “Thôi, tao sẽ không loan báo cho chúng nó nữa. Mày yên tâm.”

Tôi quay qua chuyện vài dự án sách viết dở của Lê Thiệp, trong đó có cuốn viết về Đại lão Hòa Thượng Thích Qủang Độ, Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Thiệp nói:”Cuốn này tao mới viết được chừng 200 trang thì đổ bệnh phải ngừng. Nhưng cuốn mà tao muốn viết là cuốn nói về bệnh Ung Thư, kinh nghiệm của một người mắc chứng Ung thư để cho mọi người biết.”

Tôi khuyên: “Thôi mày hãy tạm hõan mọi chuyện lại để lo nghỉ ngơi, chữa bệnh đã. Khi nào khá rồi tính.”

Tuy nói thế nhưng qua mọi cử chỉ của Thiệp thì tôi thấy sức anh đã kiệt. Giọng nói anh đã trầm xuống. Đối đáp không còn nhậy bén như xưa nữa.

Lê Thiệp trước mặt tôi hôm 26/6/2013 không còn là một Phóng viên “bốp-chát” nhậy bén của những ngày vàng son của anh. Sự từ tốn, chậm rải phát ngôn của một Lê Thiệp “bất cần đời” đã lột xác khiến tôi có cảm tưởng như anh mới trải qua một lớp ngồi Thiền hay Tĩnh tâm của một Nhà tu hành.

Tôi biết Lê Thiệp là một Phật tử rất sùng đạo và có thể ngồi xếp chân vành tròn trước mặt trên sàn nguyện đường của Chùa tụng kinh như một kẻ chân tu cả giờ không cựa quậy. Tôi đã thấy anh ngồi cầu kinh như thế tại buổi lễ cầu siêu cho con trai Nhà văn Uyên Thao tại Chùa Vạn Hạnh ở Manasas.

Một hôm tôi hỏi Thiệp: “Làm sao mà mày có thể ngồi xếp chân ngon lành như vậy? Tao chịu thua mày!”

“Có cái chó gì mà không làm được. Bữa nào mày muốn học tao dạy cho”, Thiệp đáp nhanh.

Tôi đã không có dịp và không còn dịp nào để học cách ngồi tụng kinh của Lê Thiệp nữa.

Thiệp đã ra đi không bao giờ trở lại, nhưng anh đã để lại trong 30 phút cuối cùng gặp mặt giữa chúng tôi một hình ảnh “rất Lê Thiệp” như anh đã thể hiện trong cuộc sống.

Những nét độc đáo “coi mọi chuyện chả có gì mà phải lo” của Lê Thiệp đã được tôi tóm gọn trong e-mail gửi cho bạn bè ngay sau khi tôi đến thăm Thiệp:

Các Bạn,

“Như tôi đã hứa sẽ cho các bạn biết sau ngày hôm nay, Thứ Tư (6-26), về Lê Thiệp nhưng chưa hết ngày mà tôi đã có note này thì đó là một Tin Tốt.

Tôi đã đến thăm và nói chuyện với Lê Thiệp 30 phút (11:00 am-11:30 am).

Lê Thiệp có gầy đi hơn so với hình chụp ngày ra mắt sách của anh Trần Phong Vũ 24-03-013, tóc mất bớt đi, dáng dấp chậm chạp vì yếu hơn so với ngày 24/3.

Nhưng tinh thần và cách nói vẫn là của riêng "cậu Thiệp không có gì là quan trọng cả, có chó gì mà phải lo".

Tôi quan sát thấy Lê Thiệp đang trong tình trạng "giữa lạc quan và mặc kệ mẹ nó, đến đâu hay đến đó, có gì mà phải lo, chỉ tòan là chuyện có ít xít ra nhiều".

Vê ăn uống, Lê Thiệp thích ăn cháo Cá và ngày ăn 2 bữa, tuy không được nhiều nhưng cũng không thể để cho thiếu đến độ "sẽ kiệt quệ".

Thiệp nói vẫn đi loanh quanh trong nhà, uống "nhiều thứ thuốc lắm" và đang chờ Test của Bác sỹ. Tôi không tiện hỏi Test gì vì không muốn để cho Thiệp phải nói nhiều.

Tôi có hỏi: Mày có muốn nhận thư và e-mail của anh em không? Thiệp ậm ừ, trước nói "đứa nào gửi thì cứ gửi", nhưng sau lại bảo thôi trong dáng điệu mỏi mệt.

Vì vậy, tôi mong các Bạn "đình chỉ ý định gửi thư hay e-mail" để cho Thiệp "nghỉ ngơi" và không mất thời giờ phải "nghe vợ đọc" hay "tự đọc" vì tôi quan sát thấy Thiệp "đã mất khá nhiều sức".

Thiệp đã bỏ dở không viết tiếp tập sách, như ý định trước đây về "chứng Ung thư" nữa.

Sau 30 phút chỉ có 2 đứa nói chuyện với nhau do tôi "chủ động phần lớn để thử coi bộ óc của Thiệp trả lời được đến đâu" thì tôi thấy tuy mệt, mất cân nhưng cơ thể của Thiệp chưa thể suy sụp mau chóng như tôi đã "nghe tin gió" trước khi đến và tận mắt quan sát Thiệp.

Trước khi ra về, tôi có dặn Thiệp cần gì thì nói với Vợ báo tin và tôi đã "bắt Thiệp phải để tôi đứng đó đợi cho cậu ngồi vào chiếc ghế Salon dài để ngả lưng ngủ trưa cho chắc ăn rồi tôi mới ra cửa" và Lê Thiệp đã "ngoan ngõan" làm đúng như "lệnh" của tôi.

Ra tới cửa, trước khi đóng lại, tôi chứng kiến Thiệp bật quẹt châm điếu thuốc rồi hít một hơi rất ngon và bình thường như "không có chuyện gì xẩy ra" cho bản thân!

Tôi không cản vì trước đó tôi đã hỏi Thiệp: Tại sao mày còn cầm điếu thuốc làm gì?

Thiệp đáp: Mỗi ngày tao chỉ có 1 điếu thôi!

Tôi nghĩ, ngoài vợ và 2 cô con gái nay đã về nhà "ở luôn bên cạnh Bố, không đi làm và nghiên cứu ở xa nữa" thì điếu thuốc là niềm an ủi khác của Thiệp vào lúc này.

Vài hàng tin các Bạn và cầu nguyện cho Thiệp.”

Sau khi e-mail này được gửi đi, bạn bè khắp nơi phấn khởi và hy vọng Lê Thiệp sẽ khá hơn, nhưng riêng tôi thì lại sợ những ngày còn lại của anh không dài.

Sự lo lắng của tôi đã được anh Nguyễn Thiên Ân xác nhận sau khi bay từ Oaklahoma về Virginia thăm Lê Thiệp và thấy bạn mình đã “mệt mỏi nhiều”.

Để hiểu hơn về một người “có bệnh trầm kha” như Lê Thiệp mà vẫn coi mọi chuyện nhẹ như “lông hồng” thì chúng ta hãy chia sẻ với nhau những điều tâm sự dưới đây của anh Trần Trọng Thức từ Việt Nam:

Sài Gòn, ngày 05 tháng 07 năm 2013

Phạm Trần ơi,

“Hồi cuối tháng 5 tôi có qua thăm Lê Thiệp, buổi chiều chia tay tại quán Phở 75, nhìn gương măt trầm buồn của Thiệp, tôi bàng hoàng cảm nhận đây là lần cuối cùng gặp mặt thằng bạn thân thiết nhất trong đời làm báo của mình.

Tối hôm trước, hai chúng tôi ngồi uống trà nói chuyện đời đến nửa khuya.

Thiệp kể câu chuyện chiến đấu nghiệt ngã với căn bệnh ung thư quái ác, những phương thức điều trị hành xác, bằng một thái độ thản nhiên và nói đang viết lại để bạn bè cùng đọc, có thể đây là cuốn sách cuối cùng. Thương bạn ta, con người nhiều nghị lực như vậy mà đến lúc cũng phải tìm thêm sức mạnh tinh thần, nhưng tôi nhận ra là đã quá muộn.

Tôi quí Lê Thiệp về nhân cách và thái độ sống thật với mình, sòng phẳng với thiên hạ, tốt bụng với bạn bè. Ai cũng thương hắn là vì vậy.

Thiệp và tôi ngoài thâm tình như anh em trong nhà còn có mấy năm chúng tôi ký chung một bút danh trong nhiều bài viết trên một số báo ở Sài gòn hồi đầu thập niên 1970. Hôm gặp Thiệp lần cuối, hai đứa tôi bàn tính sẽ tìm cách in lại những bài viết này và mới đây đã gửi hắn xem một vài bài cắt từ các tờ báo cũ. Nhưng rồi cũng đã muộn, tối hôm qua bạn bè cho biết không thể có phép mầu nào cho bạn ta nữa rồi.

Tôi viết vội cho ông đôi dòng thương nhớ bạn. Hôm trước đọc bài viết của ông về Lê Thiệp thật cảm động, bạn bè mấy chục năm vẵn sắc son như thế là vô cùng qúi.

Thăm và xin lỗi hôm lên DC không gặp ông được, một phần không đứa nào biết số phone của ông, phần khác tôi cũng muốn để trọn thời gian 2 ngày ở chơi với Thiệp vì biết sẽ không còn cơ hội nào khác.”

Những người bạn báo chí khác của Lê Thiệp còn ở Việt Nam cũng đã bồi hồi xúc động trước tin Lê Thiệp “ra đi nhanh qúa” rồi họ bắt đầu bảo nhau đếm xem ai còn, ai mất!

Bắt đầu từ cặp vợ chồng Thi sỹ-Phóng viên Trần Đại-Bình Minh chết mất xác ở Biển Đông trên dường vượt biển tìm tự do sau 30/04/1975!

Sau đó đến lượt Dzõan Bình, Mai Anh, hai Phóng viên chiến trường hữu hạng của VNTTX và Nguyễn Văn Khánh của VOA Tiếng Việt v.v..

Còn những người bạn khác của Lê Thiệp ở nước ngòai thì sao?

Ít ra cũng đã có 5 người đã ra đi là Đạm Phong, Phạm Huấn, Trọng Viễn, Lê Đình Điểu và Đỗ Ngọc Yến. Ngoài ra còn có cả người Thầy của anh là Nhà báo, Bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã qua đời ngày 12/08/2012 tại San Jose, California.

Các Chủ nhiệm từng mua bài của nhóm Việt Nam Ký sự của Lê Thiệp như Việt Định Phương (Phạm Thu Trước) của Trắng Đen; Nguyễn Ang Ca của Tin Mới; Nguyễn Trung Thành của Tia Sáng cũng đã xa cách chúng ta ở nước ngòai.

Tất cả những ai biết Lê Thiệp, nhất là những thực khách thân quen của hệ thống Phở 75 do anh gây dựng ở vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hay đã đọc những gì anh viết, đặc biệt qua 3 Tác phẩm: Chân Ướt Chân Ráo, Lững Thững Giữa Đời và Đỗ Lệnh Dũng đều sững sờ và tiếc thương cho một người có tài và có lòng với mọi người đã không còn ở bên chúng ta nữa. -/-

Phạm Trần
(07/013)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.