Hôm nay,  

Bài Thuyết Giảng Hạt Nhân Hạnh Phúc Của Thích Tâm Thiện

22/06/201300:00:00(Xem: 8171)
Buổi trưa chủ nhật đầu tiên của tháng sáu đạo tràng Đuốc Tuệ cùng với hơn 300 thính chúng ngồi đầy kín hội trường Sangha, hân hoan và vui mừng chào đón Thích Tâm Thiện về miền Nam California thuyết pháp. Tuy thầy ở xa, là viện chủ của tu viện Cát Trắng tuốt bên tiểu bang Florida, nhưng hình ảnh thầy Tâm Thiện rất gần với đạo tràng Đuốc Tuệ cùng với hàng Phật tử vẫn còn mến mộ thầy suốt gần 10 năm qua. Mỗi năm thầy về vùng Bolsa một hoặc hai lần để ban pháp và để chủ lễ thọ quy y cho thính chúng. Bởi bài pháp được soạn thảo công phu, bởi khả năng truyền đạt bài pháp mạch lạc, bởi tâm tư nhu hòa, thân thiện, thầy được hàng phật tử yêu mến và kính trọng rất nhiều không những ở miền nam Cali nắng ấm, mà còn ở khắp mọi nơi.

Đúng 2 giờ 15 phút tất cả thính giả trong hội trường Sangha đồng loạt đứng lên chào đón Thích Tâm Thiện từ từ tiến vào hội trường. Trong nghi thức thông thường cô MC duyên dáng lên tiếng giới thiệu cư sĩ Mật Nghiêm-Hội Trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ- có lời nói mở đầu trước toàn thể hội trường. Và theo thông lệ nói vài lời thưa thỉnh xong, bác Mật Nghiêm trổ tài làm thơ tặng thầy và thính giả. Thơ bác Mật Nghiêm thật giản dị, dễ hiểu và tỏa hương vị đạo pháp, nên rất được thính giả vổ tay ngợi khen. Rồi đến phần song ca của cô MC với một đạo hữu đàn guitar bài hát "Thỉnh Chư Thiên" cũng rất được hoan nghênh từ hàng dưới ghế ngồi. Và sau cùng hội trường nín lặng, chú tâm nghe bài pháp từ thầy Tâm Thiện.

Mở đầu bài thuyết pháp "Hạt Nhân Hạnh Phúc" thầy Tâm Thiện đã trích dẫn lời nói của Đức Thế Tôn mà thầy đã tâm đắc từ lâu: "Trong tất cả cái gì mà Như Lai biết, không có cái gì đem lại hạnh phúc cho bằng một cái tâm đã được điều phục". Cái tâm chế ngự và điều khiển tất cả sự vật trong đời sống. Trong ngôn ngữ dân gian có hai câu thơ nói lên mọi việc đều tùy thuộc vào tâm:
thuyet_phap_thich_tam_thien_
Buổi thuyết pháp.
Người vui thì cảnh cũng vui
Người buồn cảnh có ngược xuôi cũng buồn

Theo thầy Tâm Thiện, trình bày về hạt nhân hạnh phúc phải qua hai yếu tố chính, đó là sự tỉnh thức và khiêm tốn, hay nói khác hơn đó là ánh sáng nội tâm. Nếu chúng ta không đốt lên được ánh sáng nội tâm thì cuộc đời chúng ta sẽ vất vả và đau khổ vô cùng. Vậy thì ánh sáng nội tâm là gì và làm thế nào để có được ánh sáng nội tâm? Đây là hai phần cốt lõi của hạt nhân hạnh phúc sẽ được trình bày dưới đây.

Trước khi đi sâu vào bài thuyết pháp thầy kể một câu chuyện như sau:

" …Có một anh mù đi đến thăm người bạn. Khi trở về trời đã tối, người bạn mới đề nghị với anh mù:

- Tôi đốt lên cây đèn đưa anh cầm đi về cho an toàn.

Nghe người bạn mình nói như thế, anh mù cười thành tiếng:

- Bạn nói xỏ xiên tôi phải không? Tôi mù lòa có thấy gì đâu, cầm đèn làm chi hỡi bạn?

Người bạn vổ vai anh mù thân thiện đáp:

- Anh hiểu lầm ý tốt của tôi. Sở dĩ tôi muốn anh cầm cây đèn trên tay đi về trong đêm tối, để mọi người trông thấy anh mà tránh đi và không thể đụng vào anh, chứ không phải để anh thấy ngọn đèn tỏa ánh sáng soi đường cho anh đi.

Anh mù nghe có lý và cám ơn người bạn, cầm trên tay ngọn đèn chầm chậm bước đi về. Đi được một khoảng đường, bỗng một kẻ đi xe đạp đụng vào anh. Anh mù lòm còm ngồi dậy, tức tối xẵng giọng với kẻ đụng mình:

- Bộ anh mù hỡi, không trông thấy cây đèn trên tay tôi hay sao?

Kẻ đi xe đạp cười ngất ngưởng trả lời:

- Cây đèn trên tay anh bị gió thổi tắt rồi. Anh bị mù nên không thấy cây đèn không còn ánh sáng nữa."

Câu chuyện trên cho thấy anh mù dẫu cho có được trợ giúp ánh sáng từ người khác, vẫn không thể chính mình vượt thoát sự mù lòa của mình. Và câu chuyện đó ẩn dụ một ý nghĩa quan trọng rằng nếu chúng ta không thể tự thắp ánh sáng nội tâm trong tâm hồn mình, thì không thể nào cứu thoát cuộc đời mình ra khỏi vực thẳm tối tăm của khổ đau được.

Rồi thầy Tâm Thiện trình bày tiếp theo bằng sự trích dẫn kinh Tương Ưng: "Một ngày có một vị Trời đến hỏi:

Vật gì chiếu sáng đời,
Do chúng, đời chói sáng?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Muốn nghe lời giải đáp.
Đức Thế Tôn đáp:
Bốn vật chiếu sáng đời,
Thứ năm đây không có,
Ngày, mặt trời sáng chói,
Đêm, mặt trăng tỏ rạng,
Lửa cháy đỏ đêm ngày,
Chói sáng khắp mọi nơi,
Chánh giác sáng tối thắng,
Sáng này sáng vô thượng. "

Lời kinh trên cho chúng ta thấy chánh giác, tức là ánh sáng nội tâm là thứ ánh sáng tối thắng, là vô thượng. Không có ánh sáng nội tâm, mọi con đường tìm kiếm hạnh phúc sẽ trở thành viễn vong, vô vọng. Nhưng làm thế nào để thắp lên ánh sáng nội tâm và ánh sáng nội tâm bắt đầu từ đâu? Đây là cốt lõi của hạt nhân hạnh phúc và là nội dung của bài giảng ngày hôm nay.

I- Làm thế nào để thắp lên ánh sáng nội tâm?

Theo thầy Tâm Thiện muốn thắp lên ánh sáng nội tâm cần phải có hai yếu tố căn bản và thiết yếu, đó là phải có mặt ngay trong giây phút hiện tại và và phải có sự tỉnh thức.

- Yếu tố thứ nhất: Phải có mặt ngay trong giây phút hiện tại.

Thầy Tâm Thiện đưa ra một tỷ dụ, muốn lãnh hội một bông hoa đẹp, chúng ta cần phải dừng lại và nhìn ngắm nó, như thế chúng ta mới thấy được từng cánh hoa nở ra với hương thơm rào rạt tỏa màu sắc thắm. Trong cuộc sống chúng ta cũng có nhiều điều tươi đẹp, nhưng bởi vì trong đầu chúng ta bận rộn chứa đầy những phiền não, những ganh tị, những hờn giận, những buồn vui, những khổ đau, v.v..., không còn phút giây nào thảnh thơi nhìn lại bao điều đẹp đẽ trong chính mình. Vì vậy yếu tố đầu tiên để đạt hạnh phúc là phải an trú trong hiện tại. Trong kinh Tăng Chi Đức Thế Tôn đã dạy:

Không than việc đã qua
Không mong việc sắp tới
Sống ngay với hiện tại
Do vậy, sắc thù diệu
Do than việc đã qua
Do mong việc sắp tới
Nên kẻ ngu héo mòn
Như lau xanh rời cành

Vì vậy nếu chúng ta biết sống với từng phút giây trong hiện tại, không quay đầu nhớ chuyện quá khứ, cũng không ngóng cổ mong chờ việc tương lai, thì ánh sáng nội tâm phát sinh khiến gương mặt mình toát lên vẻ hoan hỉ và an lạc. Ngược lại, nếu chúng ta không biết sống an trú trong hiện tại, cứ mãi ôm đầu tiếc nuối chuyện đã qua, hay cứ khép mắt mộng mơ việc mai sau, thì không thể có ánh sáng nội tâm khiến khuôn mặt mình luôn tiều tụy và héo mòn.

- Yếu tố thứ hai: Phải có tỉnh thức.

Theo thầy Tâm Thiện chúng ta phải sống tỉnh thức trong từng ý nghĩ và hành động, để không có bất kỳ một sự sợ hãi nào khi phải đối diện với mọi khổ đau và phiền não. Chúng ta không ai không muốn có hạnh phúc, nhưng phải ý thức rằng niềm hạnh phúc phải đến từ trong nội tâm của mình, chứ không đến từ bên ngoài. Đó được hiểu là bản thể của tâm. Khi chúng ta để tâm đến đối tượng nào, thì chính đối tượng đó biến thành thế giới hay đời sống thực tại của mình. Vì vậy chúng ta muốn sống được hạnh phúc, được an bình, được vui vẻ, thì chúng ta phải biết hướng tâm đến niềm hạnh phúc và an lạc. Nói khác, chúng ta hãy nuôi dưỡng nội tâm mình trong chiều hướng và năng lượng của hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta luôn chứa chấp trong tâm những cố chấp, những hận thù, những ganh tỵ, tham lam, sân hận, v.v.., thì càng làm tăng thêm sự khổ đau mà thôi. Tóm lại, chúng ta nên nhớ rằng hướng tâm vào cái gì, vào đối tượng nào, thì cái đó, đối tượng đó biến thành cuộc sống thực tại của mình. Tiếng Mỹ có câu tương tự như thế: Your attention becomes your reaction.

Sau đó thầy Tâm Thiện kể câu chuyện "Con đại bàng gà" như sau:

"…Ngày xưa có một tiều phu tình cờ lượm được một quả trứng. Ông ta không biết đó là trứng của con chim đại bàng, cho nên ông đem bỏ quả trứng đó vào ổ trứng gà. Sau nầy quả trứng của chim đại bàng nở ra và lớn lên cùng với đàn gà. Một ngày con chim nầy bỗng nhìn thấy đàn chim bay lượn tung tăng trên bầu trời cao, nên mơ ước mình được bay bỗng lên không trung như thế. Mấy con gà biết nỗi mơ ước của con chim nầy, mới cười chế giễu nó, bảo rằng thế giới của loài chim là bầu trời bao la, còn thế giới của đàn gà chúng mình là mặt đất, đừng có mơ tưởng viễn vong, hãy tiếp tục bươi đất kiếm ăn. Vì thế con chim đại bàng cỏn con nầy mất dần niềm mơ ước bay cao trên trời xanh, mà tiếp tục sống trong thế giới nhỏ bé của đàn gà. Theo năm tháng đôi cánh của nó càng nhỏ dần và hai chân nó càng nhọn và dài ra. Để rồi cuối cùng con chim đại bàng nầy được sinh lên, được lớn lên và chết trong trong kiếp con gà "….

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy lỗi lầm lớn nhất của con chim đại bàng là đánh mất niềm tin về chính mình, tự nghĩ không thể bay cao được, nên an phận chấp nhận sống với số kiếp gà con. Cũng trong dịp nầy thầy Tâm Thiện nhắc nhở cho chúng ta biết cách đây hơn 13 năm, vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 cơ quan Liên Hiệp Quốc đã ra một nghị quyết công nhận Đại Lễ Phật Đãn là một ngày lễ quốc tế. Bởi Đức Thế Tôn đã phán một tuyên ngôn vĩ đại: "Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành". Chúng ta chưa thành Phật như Đức Thế Tôn, chưa giải thoát sinh lão bệnh tử, nhưng chúng ta phải tin tưởng một cách dũng mãnh rằng chúng ta có khả năng loại trừ những tật xấu trong cuộc sống, mà để tâm hướng về từ bi hỉ xả, thì đời sống chúng ta sẽ được hạnh phúc và an vui. Hãy đừng để đánh mất niềm tin như con chim đại bàng không tin rằng nó có thể bay được lên trời cao.

Trở lại vấn đề làm thế nào để có sự tỉnh thức, theo thầy Tâm Thiện chúng ta không thể lìa xa cuộc sống hiện tại mà có tỉnh thức được. Bởi vì sự tỉnh thức không thể có mặt ở trong quá khứ và cũng không có mặt ở trong tương lai. Chúng ta phải tham dự toàn diện vào cuộc sống hiện tại đang trôi chảy một cách liên tục, không ngừng nghỉ vào những công việc thường nhật như lúc lái xe, lúc nấu ăn, lúc làm vườn, cho đến những công việc hệ trọng khác ở sở làm, công việc kinh doanh, v.v... Vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên Triết gia Hy Lạp Heraclitus đã nói một cách chí lý: “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Dòng sông cứ mãi lẳng lặng đều trôi và không hề bận tâm trôi về đâu. Điều nầy cho thấy phút giây hiện tại luôn luôn sinh động và mới mẻ. Cho nên để đạt được sự tỉnh thức chúng ta phải có mặt ngay trong hiện tại, chứ mà những gì đã xảy ra trong quá khứ hay những gì sẽ xảy ra trong tương lai chỉ là ảo tưởng mà thôi.

Nếu trong cuộc sống chúng ta thường xuyên gặp phiền muộn và khổ đau, hãy nên coi đó là nghiệp báo, tam thế thị phi, oan gia trái chủ của mình. Nói đến nghiệp chúng ta phải hiểu rằng nghiệp không thể xảy ra trong một thời một khắc, mà đã xảy ra cho mình trong ba đời nhân quả. Vì vậy chúng ta nhớ rằng những sự việc thường hay xảy ra cho mình, hãy nên quán đó là nghiệp quả mà chúng ta đang phải gánh chịu và do vậy sự đau khổ giảm đi rất nhiều. Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, Đức thế Tôn dạy rằng:

- Người có cuộc sống ngắn ngủi và nhiều bệnh tật, bởi vì người ấy sống với tâm độc ác, không có lòng từ bi, tàn nhẫn sát hại mạng sống của chúng sinh. Sau khi mạng chung, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú hay địa ngục.

- Người có cuộc sống được trường thọ và ít bệnh tật, bởi vì người ấy sống với tâm từ bi, thương yêu mọi loài chúng sinh, không sanh tâm sát hại mạng sống kẻ khác. Sau khi mạng chung, người ấy sinh vào cõi Người hay cõi Trời.

- Nếu người nào sống trong sự phẫn nộ, sân hận, bất mãn, thì sẽ đưa đến có một thân thể không xinh đẹp, không dễ thương. Ngược lại, nếu người nào sống trong sự vị tha, trầm tỉnh, không phẫn nộ, không sân hận, đó là nguyên nhân khiến cho người ấy có thân hình đẹp đẽ, dễ thương.

- Người nào sống với lòng tật đố, tị hiềm, nghi kỵ, không tôn trọng người khác, đó là lý do khiến cho người ấy sống trong xã hội không có quyền thế. Ngược lại, người nào sống với lòng khoan dung, cảm thông, tôn trọng kẻ khác, do vậy người ấy sống có quyền thế trong xã hội.

- Người nào sống với tâm keo kiệt bỏn xẻn, không biết bố thí cúng dường, thì người đó có đời sống nghèo khổ, bần cùng. Ngược lại, người nào sống với tâm rộng rãi, biết bố thí cúng dường, thì người ấy có cuộc sống giàu sang, quyền quý.

Vì vậy để tham dự vào cuộc sống hiện tại, chúng ta hãy đừng sợ hãi nghiệp báo nhân quả, trái lại hãy nên chấp nhận nghiệp quả đến với mình. Bởi nghiệp đi theo mình như hình với bóng, chúng ta không thể nào tránh được nghiệp. Không sớm thì muộn, không đời nầy cũng sang đời khác, nghiệp lành hoặc nghiệp dữ rồi sẽ đến với chúng ta. Một khi biết chấp nhận nghiệp báo nhân quả, rồi thì tâm hồn của chúng ta luôn được thảnh thơi, nhẹ nhõm và cuộc sống chúng luôn hướng tới hiện tại. Trong truyện Kiều tác giả Nguyễn Du đã diễn tả nàng Kiều phải đành chấp nhận nghiệp duyên của mình qua hai câu thơ:

Đã đành túc trái tiền oan
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi!

Thầy Tâm Thiện còn nói thêm rằng để muốn có cuộc sống hạnh phúc, ngoài việc chấp nhận nghiệp báo nhân quả, chúng ta còn phải chấp nhận luật vô thường trong đời sống nữa. Được coi là vô thường khi mọi sự việc luôn luôn thay đổi, và chúng ta phải chấp nhận bất cứ sự việc, tình huống nào xảy ra đối với chúng ta, không thể cưởng lại được. Một cơn bảo ập đến, một luồng gió tornado thổi tới, lòng nào không đau đớn trước nhà tan cửa nát, lạc mất người thân. Nhưng nhờ có sự tỉnh thức chúng ta mới đứng vửng trước sự đổi thay của luật vô thường, và do đó sự mất mát và khổ đau được giảm đi rất nhiều. Theo thầy Tâm Thiện một khi đã biết chấp nhận luật vô thường, chúng ta có thừa khả năng tham gia cuộc sống thực tại. Cho dù chúng ta được giàu sang, danh vọng, có nhiều quyền lực, nhưng nếu chúng ta không tham gia toàn diện vào cuộc sống thực tại, không có mặt ngay phút giây hiện tại, mọi điều trên trở thành vô nghĩa, và nỗi bất an cùng đau khổ vẫn hiện hữu vây quanh cùng niềm an lạc hạnh phúc xa vời tầm tay. Đó là vì sao Đức Khổng Tử đã nói: "Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị", nghĩa là tâm mà không có mặt thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không biết mùi vị. Thầy cũng muốn nhắc nhở một điều quan trọng rằng không có cái gì bảo đãm, chắc chắn hết, ngoại trừ giây phút hiện tại. Đó là một nguyên tắc của sự tự do và cơ hội quí giá ngay trước mặt chúng ta. Về điểm nầy thầy giảng giải thêm, vô thường không phải là điều bi quan, yếm thế, mà phải hiểu bởi vì vô thường nên bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra và do đó chúng ta có được cơ hội một cách tự do chấp nhận hết mọi việc, dù buồn hay vui, dù tốt hay xấu, dù khổ đau hay hạnh phúc.

Hòa Thượng Mãn Giác đã làm bốn câu thơ rất hay:

Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh

Ý của bài thơ trên nhắc nhở cho chúng ta hiểu rằng tất cả các pháp đều mới mẻ, nên chúng ta cần phải tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại.

Tóm lại, để có được cuộc sống an bình và hạnh phúc, chúng ta hãy cố gắng thực tập phương pháp an trú trong hiện tại, bằng cách tham gia từng phút giây vào thực tại hiện tiền với sự tỉnh thức và sẳn sàng chấp nhận luật vô thường xảy ra ngoài ý muốn và tầm tay của mình.

2- Ánh sáng nội tâm bắt đầu từ đâu?

Sang đến phần thứ hai thầy Tâm Thiện trình bày về ánh sáng nội tâm bắt đầu ngay từ một không gian cảm xúc. Để cho dễ hiểu, thầy đưa ra hình ảnh việc nấu ăn. Muốn nấu nồi canh cho vừa ý, đầu bếp phải nếm trước xem nồi canh có ngọt, mặn, chua, cay hay chưa, rồi sau đó thêm hay bớt gia vị vào nồi canh. Trong khoảnh khắc nếm trước đó được xem là không gian cảm xúc. Cũng như khi uống tách trà, chúng ta cần có một khoảnh khắc tỉnh lặng để nhận biết tách trà có mùi vị thơm ngon hay đắng nghét. Đó cũng là một không gian cảm xúc và đời sống của chúng ta rất cần khoảng thời tỉnh lặng để nghiệm xem cảm xúc của mình. Trong giáo lý ngũ uẩn, thọ là một loại cảm xúc mà chúng ta thường hay đồng hóa con người mình với những cảm xúc của mình là một. Chúng ta thường gán ghép cái buồn, cái vui, cái giận, cái phiền não là cái buồn của mình, cái vui của mình, cái giận của mình, cái phiền não của mình. Nhưng nổi buồn, nổi vui, nổi giận hờn, nổi phiền muộn đâu có trụ mãi trong tâm của chúng ta, vì vậy không thể được xem là của chúng ta. Đây là một sự vô minh của con người, mà chúng ta cần có tuệ giác và tỉnh thức để nhận biết các loại cảm xúc buồn, vui, hờn giận, phiền não có sinh và có diệt và chỉ trong tạm thời, khoảnh khắc mà thôi. Vì vậy chúng ta cần phải tạo ra không gian hạnh phúc, tức là tập sự lắng nghe chính mình. Thực hành được điều nầy chúng ta sẽ đạt đến sự giải thoát hay giác ngộ.

Như trên đã nói, trong giáo lý ngũ uẩn có sắc, thọ, tưởng, hành và thức, thì thọ là một loại cảm xúc mà bất cứ người tu tập nào cũng phải nhận thấy. Trong kinh Nikaja một ngày có một tỳ kheo đến vấn an Đức Thế Tôn và được Đức Thế Tôn hỏi:

- Thầy của các con dạy tu tập thế nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, thầy chúng con dạy rằng thấy sắc đừng nhìn, nghe tiếng hãy bịt tay lại, để cho tâm được thanh tịnh.

Nghe như thế Đức Thế Tôn mới dạy thầy tỳ kheo:

- Nếu các con tu tập như thế sẽ trở thành người câm điếc hết rồi.

Trong sự tu tập các con phải thấy được bất kỳ sự tiếp xúc nào, và phải thấy ba loại thọ: khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ.

Chúng ta cần phải ý thức rằng ba loại cảm thọ trên đều có sinh và có diệt và chúng thuộc về pháp hữu vi, tức là vô thường. Trong sự tu tập để tạo ra không gian cảm xúc, chúng ta phải chú ý đến tâm của mình, chú ý đến con người thật của mình và chú ý đến cảm xúc chung quanh mình, và không nên đồng hóa chúng là một.

3- Kết luận

Để kết luận bài thuyết giảng về Hạt Nhân Hạnh Phúc, thầy Tâm Thiện đặt ra câu hỏi rằng ánh sáng nội tâm có liên hệ gì đến tài sản của mình hay không? Thông thường tài sản được xem là của cải vật chất, nhưng theo thầy tài sản là có thật nhiều những gì có ý nghĩa nhất đối với chúng ta. Theo định nghĩa nầy chúng ta mới bắt đầu nhận thấy không có ranh giới giữa thế giới tâm linh và thế thế giới vật chất. Do đó sự an lạc trong nội tâm chính là tài sản có ý nghĩa nhất của chúng ta. Đức Phật dạy có năm điều quí báu khó tìm:

- Tuổi thọ
- Nhan sắc
- Sự an lạc
- Danh tiếng
- Cõi trời khả lạc khả hỉ.

Năm điều quí báu trên đây không phải cầu xin mà được. Đạo Phật chúng ta là một tôn giáo rất thực tiển, không dựa vào sự lễ bái, cầu xin. Muốn đạt được năm điều quí báu nầy, chúng ta cần phải tu tập con đường đưa đến những điều trên. Cũng vậy, để cuộc sống được hạnh phúc và an lạc, chúng ta cần phải kiên trì tu tập đến cùng con đường dẫn đến hạt nhân hạnh phúc, bằng cách sống an trú trong hiện tại và biết sống tỉnh thức với sự chấp nhận nghiệp báo nhân quả cùng với luật vô thường xảy ra bất cứ lúc nào.

Được như thế chúng ta sẽ chiếm hữu được tài sản vô giá, đó là sự an lạc và hạnh phúc.

Tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường khi thầy Tâm Thiện chấm dứt bài pháp. Toàn thể thính chúng biết ơn thầy rất nhiều và cảm thấy vô cùng hạnh phúc được thầy Tâm Thiện ban cho một thời pháp thực sự hữu ích. Niềm hạnh phúc càng lớn hơn khi mọi người nghe ông Hội Trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ cho biết thầy sẽ trở về đây lần nữa vào tháng 12 của năm 2013. Thành tâm kính chúc thầy luôn được bình an và thân tâm thường lạc.

June 8, 2013
Phan Minh Hành

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.