Hôm nay,  

Đọc Sách Love Wins của Rob Bell Đạo Phật và Địa Ngục

29/05/201300:00:00(Xem: 11393)
Cuối năm 2011 vừa đi qua, trong lãnh vực tôn giáo và tín ngưỡng, một cuốn sách đã gây nên chấn động lớn cho người tu hành và người nhiệt tâm với đức tin. Mục sư Rob Bell, thủ lãnh khối nhà thờ Tin Lành Phúc Âm (Evangelical megachurch) trong tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ - là một trong những tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ do cư dân từ châu Âu tránh né đạo Gia-tô gây dựng nên thành một vùng trù phú nhất thế giới về kỹ nghệ xe ô-tô - mục sư cho xuất bản cuốn sách Love Wins (Tình Thương Toàn Thắng. Cuốn sách về Thiên Đường, Địa Ngục và Số phận của mọi người đã trải qua cuộc sống). Sách bìa cứng, khổ 15cm x 21cm, Nxb Harper One, được New York Times rao là sách bán chạy nhất giữa năm 2011 (bestseller). Love Wins dày 202 trang, gồm tám chương và bổn tựa ba trang. Sách chữ lớn, đúng khuôn mẫu của một cuốn sách nhà thờ, hấp dẫn người quen đọc kinh, nhưng với người phàm phu "ngoại đạo" như hầu hết chúng ta, đọc đôi mươi trang đã thấy nặng nề, muốn được hội ý phải mất hai, ba đêm. Đề mục là Thiên Chúa không thể tạo lên địa ngục. Đấng Cứu thế Jesus là tình thương bao la, không lẽ Ngài chia cõi đời làm hai phe phái, ai theo Ngài thì được lên thiên đường, ai không theo con đường của Ngài dạy thì phải bị dọa đày xuống địa ngục hay sao?

Tưởng cần nhắc lại, từ ngữ "Tây phương" dùng để chỉ các sắc dân sinh sống ở châu Âu và Bắc Mỹ. Trong nghìn năm trước, người phương Tây dựa vào sức mạnh cơ khí, đi chinh phục thế giới và quen với mặc cảm bá quyền, họ quan niệm "tôn giáo" là đạo riêng của chính họ, người không theo đạo Cơ-đốc là "ngoại đạo", không có tôn giáo. Người phương Tây cũng đinh ninh rằng Thượng Đế, "Thiên Chúa" là Chúa Jesus. Đề mục cuốn sách "Love Wins" xác quyết là Thiên Chúa Jesus không bao giờ tạo nên địa ngục. Tình yêu của Chúa Jesus bao la, Ngài không thể tạo nên thiên đường dành riêng cho tín đồ của Ngài và gạt bỏ mọi người ngoại đạo ra ngoài cương lĩnh.

Thử đơn cử một thí dụ cụ thể. Một người như thánh Gandhi ở Ấn Độ, một tâm hồn vĩ đại (lời của Nehru, cũng là một nhân vật vĩ đại) người đã tái sinh những giá trị vĩ đại của văn hoá Ấn Độ, văn hoá Á Đông, và văn hoá cả loài người, không lẽ lúc chết đã bị đày xuống địa ngục, vì lý do lúc sinh thời không theo tôn giáo Jesus? Và không phải là một mình Gandhi đã gánh chịu nỗi oan khiên này mà hằng muôn triệu người khác -trước Thiên Chúa và sau Thiên Chúa- đã, đang và sẽ bị đày xuống tám tầng địa ngục bởi lý do không may mắn gặp ơn cứu độ của Jesus.

Lập luận của mục sư Bell rất giản dị và rất cao thâm. Nhưng dĩ nhiên là cuốn sách của ông đã gây ra tức thời trăm mối bất bình khi "Love Wins" vừa xuất hiện trên quày sách và qua mạng điện tử. Ngay những người trong hàng ngũ tín ngưỡng của mục sư Bell cũng cảm thấy bất an vì ý kiến của ông. Làm thế nào mà một người đã sống suốt đời trong giáo huấn của Thiên Chúa lại có thể "phỉ báng" lời dạy của Ngài. Khi Chúa dạy có thiên đường để tưởng thưởng những người sống theo lời dạy của Ngài, thì tất nhiên phải có địa ngục để trừng phạt những người sống xấu xa và sống ngoài ánh sáng của Ngài. Janice Shaw Cruise trong bài bình luận đắng cay trên báo The Washington Times lên án mục sư Bell đã dám trình bày một ý kiến dị giáo (heresy) đi ngược với tôn giáo tối cao và bất chấp cả truyền thống đã báng bổ Kinh Thánh (blasphemy) đã được loài người tin tưởng từ hai ngàn năm nay. Thản hoặc từ nay mỗi tín đồ - rộng hơn nữa là mỗi người có lòng tin, bất cứ tôn giáo nào - chối cãi hay tảng lờ lời dạy của Thiên Chúa và tự mình thiết lập cho chính mình cơ sở tín ngưỡng của riêng mình, xem lời dạy của Thiên Chúa là trò đùa, thì thử hỏi kết quả là tôn giáo có cần tồn tại nữa hay không? Shaw Cruise kết luận: "Khi mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể tạo ra cho chính mình một môn thần học (theology), Nhà Thờ sẽ trở nên bất lực, mất hẳn khả năng chỉ đạo, mất hẳn cơ sở thích hợp và chính đáng ("impotent and irrelevant"). Cruise không ngần ngại đưa ra lời phê bình nghiêm khắc đối với một vị lãnh tụ tôn giáo, và đã kết hợp được, qua mạng lưới, một số ý kiến cực đoan. Đôi người trên mạng lưới đã gọi thẳng mục sư Rob Bell là một khí cụ của Xa-tăng (a tool of Satan).

Nhưng cũng có một số người vẫn giữ được trầm tĩnh, sau khi đọc "Love Wins", tìm hiểu sâu hơn ý kiến của vị chăn chiên Bell. Trong số báo New York Times, tờ báo lớn nhất của Hoa Kỳ và của thế giới (nhưng cũng không thoát được ảnh hưởng tài phiệt Do Thái). Ross Douthat lập luận: mục sư Bell đề cao sự cứu rỗi toàn diện và phổ biến cho toàn thể loài người." Ý kiến này phù hợp với chiều hướng suy tư tân tiến của thế giới ngày nay. Thế nhưng khi Thiên Chúa đảm bảo cho mỗi một chúng ta, mỗi người có một chỗ đứng vững chãi trên thiên đàng, thế thì tự hỏi cái khả năng tự quyết định chiều hướng hành động của mỗi cá nhân chúng ta, "the free will" thiện nguyện và tự nguyện, điều mà con người văn minh muốn vươn tới, cái khả năng đó còn có giá trị nữa hay không. Không địa ngục khác gì đánh cờ không bắt tướng, không đếm quân, biết ai được, biết ai thua?

Douthat lý luận khôn khéo đúng theo lập trường lâu bền của ban biên tập của New York Times: "vun vào" vừa đủ làm vui lòng đa số vững chãi của người Tin Lành, nhưng không kém "bàn ra" để tránh làm mất lòng tín đồ đạo Gia-tô La Mã, trung thành với truyền thống.

Bây giờ ta thử đi ngược lại, tìm hiểu dư luận đang yểm trợ ý kiến của mục sư Bell. Bài viết tiêu biểu có giá trị rất cao ta tìm đọc được trong báo The Christian Post. Tác giả Richard J. Mouw nhận định là Rob Bell không làm gì khác hơn là nêu lên cái cách giải thích thiên lệch của Nhà Thờ (ý hẳn muốn nói Nhà Thờ Gia-tô La Mã), đã làm cho lập truờng chính thống của Thiên Chúa Jesus bị đời sau hiểu sai lạc, nghiêng về phần ích kỷ, vị kỷ (danh từ dùng là "stingy orthodoxy"), dẫn đến chỗ thế nhân hiểu sai là Jesus chỉ bênh vực người theo đạo Ngài và đày đọa cả muôn triệu người xuống địa ngục. Chính trong sách, mục sư Bell nói rõ là mỗi cá nhân chúng ta xứng đáng được Thiên Chúa ban phát tình yêu miễn là chúng ta không chối bỏ, khước từ đức Chúa. Như thế The Christian Post bênh vực lập trường của Bell, ghi nhận rằng Thiên Chúa không tạo ra địa ngục, mà chính loài người chúng ta đã tự tạo nên địa ngục ở sát cạnh chúng ta, vào giờ phút bây giờ, vì chúng ta tham lam và ích kỷ, không ngừng chém giết lẫn nhau hằng ngày, tạo ra chiến tranh. Đó mới thật là đề tài chân chính trong sách Love Wins của Rob Bell.


Có điều các ý kiến yểm trợ hay chống đối Bell quên không nhắc tới là thái độ chính thức của Nhà Thờ (đặc biệt là giáo quyền Gia-tô) đối với cuốn sách Love Wins, chối bỏ lời dạy của Thiên Chúa về cõi âm ti. Cách đây hơn bốn trăm năm, cũng một vị mục sư, Martin Luther chỉ dán vào cổng Nhà Thờ một bản ước nguyện phản đối việc quyên tiền quá lộ liễu của Tòa Thánh để xây cất đại điện Saint Pierre Basilica tại Roma. Nhà Thờ phản đối dữ dội và rút phép thông công của mục sư, yêu cầu chính phủ nước Đức tống giam để định tội. Muc sư Luther nhờ vua Frederic III tiểu bang Saxon đem vào lâu đài Wartburg cho trú ngụ mới tránh khỏi tù tội và hành hình. Ông tiếp tục công kích triều đại Vatican và lập nên tôn giáo mới, đạo Tin Lành. (xin đọc Nguyễnphúc Bửu Tập: "Tìm Hiểu Đạo Tin Lành", email: buutap@gmail.com). Thế mới biết ngày nay đời sống xã hội đã vô cùng thế tục hoá, đời sống của cá nhân con người, về mặt đạo đức, giáo dục, nghệ thuật và kinh tế... đã đi khỏi thật xa luật lệ của Nhà Thờ mà Nhà Thờ không làm gì được.

Đến đây tưởng đã đến lúc ta đặt câu hỏi: người thờ Phật như chúng ta hiểu và nghĩ gì về lời dạy của đức Phật liên quan đến địa ngục. Khi thông suốt đươc quan điểm của giáo lý nhà Phật, ta nghĩ gì về đề mục sách Love Wins của mục sư Rob Bell? Một đề tài trong tôn giáo như Thiên Đường và Địa Ngục chắc không thể thu ghép được vào trong khuôn khổ chặt hẹp của một bài viết như thế này. Ta sẽ phải tự giới hạn vào một khổ nhỏ là địa ngục hiểu theo giáo lý Phật là thế nào và Thích-ca đã quan niệm ai được lên Thiên Đường và ai phải xuống Âm Ti, và đại từ "ai' hướng về ai?

Theo tín ngưỡng thời cổ xưa, và cũng theo quan niệm dân gian, địa ngục là nơi trú ngụ của người chết. Anh ngữ gọi là hell, Pháp ngữ là enfer, Sanskrit là naraka, Pali là niraga. Đạo Gia-tô La Mã còn gọi địa ngục là purgatory, nơi linh hồn người chết được tẩy rửa sạch sẽ bằng đau khổ để chuẩn bị giờ phán xét cuối cùng của Thiên Chúa. Quan niệm Cơ-đốc xuất phát từ đạo Do Thái, xem địa ngục là nơi chấp chứa những mối đọa đày tàn khốc cho những người lúc sống đã phạm nhiều tội xấu xa, mà tội lớn nhất là không phục tòng Thiên Chúa.

Cũng như đạo Cơ-đốc, giáo lý nhà Phật xem địa ngục là cõi khổ, là nơi đày đọa của những chúng sinh khi sống đã phạm phải nhiều tội ác. Nhưng Thích-ca không dạy rằng cuộc sống ở địa ngục là vĩnh cửu. Địa Ngục cũng như Thiên Đường chỉ là một đoạn, một mấu khúc trong dãy dài luân hồi của con người. Người phạm tội bị đọa đày, sau khi chịu trừng phạt, trả hết nợ, sẽ được tái sanh ở những cõi đời tốt đẹp hơn. Lại hơn nữa, nếu có nhân duyên, cá nhân đó có thể sống hướng thiện, tiến tới giác ngộ, đạt tới Niết Bàn tức là giải thoát khỏi luân hồi.

Như vậy, trên căn bản lý thuyết, giáo lý nhà Phật cởi mở hơn, giới hạn thời gian trừng phạt ở Địa Ngục, lại còn cởi mở cho người phạm tội có phương tiện và cơ hội trở lại cõi đời. Tuy nhiên hiểu như vậy cũng chưa hết gò bó. Ở trên đã nói Thiên Chúa Jesus tạo nên đạo, và những người ngoại đạo không biết Jesus, sẽ bị đày vào Địa Ngục. Bây giờ ta lập luận là những người thờ Phật, nếu khi sống đã phạm tội, cũng phải đi qua Địa Ngục, nhưng khác ở chỗ là khi trả hết nợ, vẫn có lối lên Thiên Đường. Ta đang tạo cho chính ta một lập luận lẩn quẩn: những người không biết đến đức Phật thì sao?

Ta có thể an tâm. Thích-ca đã nghĩ đến điểm đó. Ngài khẳng định: "Ta là Phật đã thành - Mỗi một chúng sanh là Phật sẽ thành." Và Ngài chứng minh rằng không phải một mình Ngài đã đạt đến giác ngộ, mà trước Ngài muôn vàn người đã giác ngộ, sau Ngài cũng vậy. Ngài đơn cử ví dụ trước Ngài có năm vị Phật gọi là Ngũ Quang Phật như Đại Nhật Phật, Bất Không Thành Tựu Phật, Bất Động Phật, Bảo Sinh Phật, và đặc biệt vị Phật gần gũi chúng ta nhất, Phật Adiđà (Amita, Amitaba). Ngài ở đầu môi của nghìn triệu người Á Đông khi gặp hoạn nạn hay mừng vui bất ngờ, khi nói câu chào hỏi, khi bắt đầu trò truyện... Phật Adiđà đã được Thích-ca nhắc trong ba cuốn kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang kinh (cuốn dài và cuốn ngắn), và cuốn Quán Vô Lượng Thọ kinh. Đức Phật Adiđà lập ra 48 điều nguyện (Adiđà Tứ Thập Bát Nguyện), người thờ Phật tìm học trong Encyclopaedia of Buddhism, cuốn 1, trang 434 đến 463. Các điều đại nguyện được học giả Trung Hoa các đời Hán, Ngụy, Tùy, Đường, Tống, và học giả Nhật Bổn gần đây giải thích và phân tích làm ba nhóm: nhóm 1 ghi chép những điều thần thông của người thành Phật, nhóm 2 ghi nhận khuôn phép cách tu tịnh độ, và nhóm 3 lời nguyện cứu độ cho mỗi một chúng sanh. Ta đọc một câu kinh: “…nhược hữu chúng sanh, dục sanh ngã quốc, xưng Như lai danh, vị Bồ đề đạo” [nếu có một chúng sanh nào muốn về nước Phật chỉ đọc (nghĩ) đến tên ta, là đến được cõi Bồ đề]. Ta đọc một lời nguyện: "... ta (Đức Phật Adiđà) nguyện không thành Phật nếu ta không là một bậc cứu độ toàn thể chúng sinh, nếu ta không trở thành một người đến bên cạnh bất cứ một chúng sanh nào đang bần cùng và đau khổ... Khi ta đã bước đến mức Bồ Đề, nếu tên ta vẫn chưa đạt được đến tai mỗi một chúng sanh mười phương, ta nguyện không thành Phật."

Chắc không thể nào chứng minh được rõ ràng hơn là giáo lý Thích-ca, đã, đang, và sẽ trang trải vào đủ mọi thành phần thế sự, và vào đủ mọi người. Chưa hết, lại còn ý niệm bodhisattva, bồ tát, trong kinh Phật. Vào thời nguyên thủy, đạo của Thích-ca muốn thâu phục đại chúng phải khuất phục trước số người chân thành, chuyên việc tu hành. Giới luật kinh kệ nhằm người tu đạt mức alahán, hiện thân của giác ngộ cho chính bản thân mình. Như vậy đến bờ Niết Bàn chỉ nhờ một con thuyền nhỏ, chở cho chính mình, tín ngưỡng đạo Phật tiểu thừa Hinayana. Khi đạo Thích-ca ra khỏi mảnh đất nhỏ bên bờ sông Hằng, giáo lý của Ngài buộc phải chú tâm vào đa số quần chúng, con thuyền đưa người sang bờ bên kia tìm giác ngộ phải lớn hơn, tín ngưỡng đạo Phật đại thừa Mahayana, và số người lái thuyền phải được thấm nhuần nhiều hơn tư tưởng bi, trí, huệ của giáo lý. Bồ tát là người đã đạt được Phật quả, nhưng đã nguyện không nhập Niết Bàn, khi còn một chúng sanh chưa giác ngộ. Tiêu biểu cho Bồ tát là Phật Quán Thế Âm.

Hiểu rõ như vậy, chắc người thờ Phật có đủ hành trang tham dự cuộc đối thoại về cuốn sách Tình Yêu Toàn Thắng của mục sư Bell.

[Liên lạc email: hvuong31@gmail.com để nhận bài viết của tác giả Bửu Tập.]

Ý kiến bạn đọc
29/05/201314:48:33
Khách
Tôi tập đánh bỏ dấu cho báo trước rồi mới viết.
Tôn giáo nên dùng danh xưng cho đúng:
Gia tô giáo trong bài náy phải nói là Công-giáo,
có tổng hành dinh là Vatican, một quốc gia dộc lập,
thủ lãnh là Giáo Hoàng(Papa, the Pope)....
không nên tránh né, người đọc sẽ hiểu sai. Trân trọng.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.