Hôm nay,  

Ngày Quốc Hận 30-4-75 Và Các Bài Học Quý Báu Trên Thế Giới

27/04/201300:00:00(Xem: 7324)
Hôm nay, nhân Ngày Quốc Hận, ngoài việc tưởng niệm anh linh các chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa bảo vệ miền Nam tự do và tưởng niệm các đồng bào đã tử nạn trên đường vượt biên trốn thoát Cộng Sản, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại bức tranh đen tối của nước nhà sau biến cố 30-4-75 và sau đó sẽ lần lượt xét đến các bài học quý báu từ ba quốc gia đã trải qua nội chiến như Việt Nam để người Việt chúng ta suy gẫm.

Sau khi xâm lăng miền Nam và chiến thắng ngày 30-4-75, chấm dứt 21 năm chiến tranh Nam-Bắc, CSVN đã tỏ ra tự đắc, kiêu ngạo và đối xử với người dân miền Nam như kẻ thù truyền kiếp. Họ đã dùng mọi thủ đoạn để hành hạ và trả thù quân cán chính miền Nam. Họ lừa gạt, đàn áp, khủng bố, cướp đoạt một số cơ sở của các giáo hội tôn giáo cũng như nhà cửa và tài sản của dân chúng. Dã man nhất là họ đã tập trung cải tạo và bỏ tù dài hạn mà không hề có một bản án nào hàng trăm ngàn công chức, quân nhân, cảnh sát, trí thức và văn nghệ sĩ. Dân miền Nam không được đối xử bình đẵng với người dân miền Bắc. Ngay cả con cháu của các viên chức thuộc chế độ cũ khi xin nhập học, đi thi hay xin việc làm đều bị bạc đãi và phân biệt đối xử. Miền Nam lúc bấy giờ đã trở thành địa ngục trần gian và dân chúng đã có câu ta thán: “nếu có chân thì các trụ đèn cũng muốn vượt biên”! Hậu quả tệ hại của chính sách trả thù phi nhân, tàn ác đó của CSVN đã khiến cho dân chúng miền Nam sau mấy chục năm vẫn còn căm hờn chế độ, và vì vậy, đất nước tuy gọi là thống nhất nhưng trên thực tế lòng người vẫn phân ly và oán hờn nhà nước.

Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia từng trải qua những cuộc nội chiến khốc liệt, nhưng không nơi nào có chính sách phi nhân, ác độc như CSVN. Trái lại, trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều cuộc nội chiến được kết thúc trong tình đồng bào, tương thân tương trợ hết sức tốt đẹp. Và sau đây là ba tấm gương quý báu rất đáng cho người Việt chúng ta học hỏi.

Trước hết là cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, kết thúc năm 1865. Khi đoàn quân miền Nam bại trận đến đầu hàng, họ đã được đoàn quân chiến thắng đứng dàn chào theo lễ nghi quân cách. Không những thế, họ đã được tiếp tế lương thực, được giúp đỡ phương tiện để trở về quê quán và được đối xử lịch sự, không phân biệt kẻ thắng người thua. Ngoài ra, chính phủ liên bang còn có nhiều chương trình giúp đỡ tài chánh và công ăn việc làm cho phe bại trận, giúp họ có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn do hậu quả của chiến tranh. Nhờ đó, sau cuộc nội chiến khốc liệt với hơn nửa triệu binh sĩ và dân chúng bị thương vong, Hoa Kỳ đã mau chóng hàn gắn vết thương và phục hồi kinh tế để trở thành một quốc gia giàu mạnh.

Bài học thứ hai là cuộc chiến chống nạn kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela. Ông đã từng bị nhà cầm quyền da trắng cầm tù ngót 29 năm, cho đến khi chế độ kỳ thị Nam Phi sụp đổ, Mandela được trả tự do và đến năm 1994,ông đã đắc cử và trở thành Tổng Thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Ông là một chính trị gia lỗi lạc biết nhìn xa thấy rộng và có lòng bao dung cao cả. Vốn là người da đen nên ông rất thông cảm sự khổ đau và căm thù của đồng bào ông đối với thiểu số da trắng từng cai trị Nam Phi theo chính sách kỳ thị chủng tộc. Nhưng Mandela dã ý thức rằng, sau khi dẹp bỏ chế độ kỳ thị chủng tộc, nếu nhà cầm quyền trong tay người da đen lại trả thù người da trắng, lấy oán trả oán thì đất nước Nam Phi sẽ tiếp tục rối loạn và suy yếu vì nạn chia rẽ và kỳ thị chủng tộc. Do đó, việc làm đầu tiên rất ý nghĩa và khôn ngoan của Mandela là mời ông De Klerk, vị Tổng Thống da trắng vừa mãn nhiệm ra làm Phó cho ông. De Klerk đã sát cánh cùng Tổng Thống Mandela thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù để cùng nhau xây dựng đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mandela, Nam Phi đã vững tiến trên con đường dân chủ pháp trị. Ông đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình và được xem là biểu tượng của hòa bình thế giới.

Bài học thứ ba là sự thống nhất của Tây Đức và Đông Đức năm 1990. Sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh năm 1945, nước Đức bị chia đôi, Đông Đức trở thành nước Dân Chủ Cộng Hòa Đức (German Democratic Republic), theo chủ nghĩa Cộng Sản và Tây Đức trở thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức (Federal Republic Germany), theo thể chế tự do dân chủ. Sau 45 năm chia cắt, do chủ trương và đường lối khác biệt giữa hai thể chế chính trị tự do dân chủ và độc tài chuyên chế đã khiến cho Tây Đức càng ngày càng giàu mạnh trong khi Đông Đức ngày càng suy yếu và thua xa Tây Đức.

Vào thập niên 1980s, kinh tế tại các nước Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu đều bị suy thoái, trì trệ. Đông Đức cũng cùng chung số phận. Khắp nơi lương thực đều bị khan hiếm và hơn một phần ba dân chúng trên toàn quốc bị thất nghiệp. Toàn bộ nền kinh tế gần như bị phá sản và vào các năm 1989-90, đồng Mark của Đông Đức đã không còn giá trị gì ngoài Đông Đức. Hai tuần sau khi bức tường Bá Linh bị sụp đổ vào giữa tháng 11 năm 1989, Thủ Tướng Tây Đức Helmut Kohl đã đưa ra một chương trình 10 điểm đề nghị Đông Đức bắt tay hợp tác với Tây Đức để thống nhất đất nước. Vì đã thấy rõ chủ nghĩa Cộng Sản độc tài đảng trị là nguyên nhân đã khiến cho Đông Đức ngày càng suy yếu, kiệt quệ, do đó các nhà lãnh đạo Cộng Sản Đông Đức đã sáng suốt chấp nhận giải thể chính quyền Đông Đức để hội nhập với Tây Đức và thống nhất dưới cái dù của Cộng Hòa Liên Bang Đức trong hòa bình và ổn định kể từ ngày 3-10-1990.

Sau khi đất nước thống nhất, dân chúng Tây Đức đã chấp thuận đóng thuế cao hơn để nhà nước có thêm ngân khoản giúp đỡ dân nghèo và thực hiện nhiều dự án xây cất, sửa chữa đường sá, cầu cống và hạ tầng cơ sở tại Đông Đức nhằm chỉnh trang Đông Đức và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Nhờ viễn kiến của các giới lãnh đạo và tinh thần hào hiệp, tương trợ đồng bào của dân chúng Tây Đức, nước Đức đã có thể hàn gắn vết thương thù nghịch để nhanh chóng phục hồi tiềm năng sức mạnh của dân tộc Đức. Nhờ thế, sau gần 20 năm thống nhất, nước Đức đã trở thành cường quốc số một trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

Với các kinh nghiệm từ ba quốc gia Hoa Kỳ, Nam Phi và Đức quốc, chúng ta có thể rút ra được một số bài học quan trọng cho tương lai Việt Nam. Vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay của chúng ta là làm sao để có thể nhanh chóng dẹp bỏ chế độ Cộng Sản để mang lại tự do, dân chủ cho toàn dân và cứu nguy tổ quốc thoát họa xâm lăng từ phương Bắc.

Sau 38 năm nước ta thống nhất, chỉ trừ một thiểu số đảng viên Cộng Sản và thương gia xu thời đã làm giàu nhờ thế lực và tham nhũng, đa số dân Việt Nam, nhất là nông dân và lao động vẫn sống trong cảnh nghèo túng, cơ cực. Hiện nay đất nước ta đang lâm vào tình trạng nguy khốn vì phải đối đầu với thù trong và giặc ngoài. Thù trong là đảng CSVN độc tài, tha hóa và tham nhũng, chỉ lo vơ vét tiền bạc làm giàu và củng cố thế lực cho mình và cho Đảng CSVN, bất kể quyền lợi của quốc gia. Giặc ngoài là Trung Cộng với tham vọng bành trướng đã từng bước lấn chiếm đất đai và xâm lăng biển, đảo Việt Nam.

Muốn cứu nguy tổ quốc, trước hết phải loại trừ chế độ độc tài phản dân hại nước để xây dựng đoàn kết và nội lực dân tộc ngõ hầu có thế đối đầu với giặc ngoại xâm. Dựa vào các bài học lịch sử về sự sụp đổ của các chế độ CS tại Liên Xô và các nước Đông Âu, chúng ta thấy rằng nguyên nhân chính đã đưa đến sự sụp đổ các chế độ đó là sự bất mãn tột cùng của dân chúng vì nhân quyền bị chà đạp và đời sống khốn khổ do thất nghiệp và đồng bạc mất giá. Các chế độ đó đã không bị sụp đổ vì bị tấn công bằng vũ lực do các lực lượng từ bên ngoài, mà chỉ do tình trạng tức nước vỡ bờ, dân chúng chán ghét chế độ, muôn người như một vùng lên đòi quyền sống và tự do, dân chủ. Trong nhiều trường hợp, các cuộc nổi dậy đó đã được hậu thuẫn của một số giới chức cao cấp trong guồng máy chính quyền và các cựu đảng viên Cộng Sản thức thời, nhanh chóng đứng về với quần chúng để đạp đổ độc tài chuyên chế nhằm cứu nguy dân tộc.

Tình hình Việt Nam hiện nay cũng đang tiến dần đến giai đoạn chín muồi cho cơn bão tố chính trị. Trên tờ nhật báo New York Times số ra ngày 24-4-2013, ký giả Thomas Fuller cho rằng CSVN đang đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của người dân về sự trược dốc của nền kinh tế. Và cũng trong cùng bài báo, một thương gia ngoại quốc đã từng sống lâu năm tại Việt Nam, ông Peter R. Ryder, Giám Đốc quỹ đầu tư Indochina Capital cũng đã nhận xét: “trong vòng 21 năm sống ở đất nước nầy, tôi chưa bao giờ thấy sự bất mãn của trí thức và doanh nhân đối với chế độ lại lên cao đến mức như hiện nay”. Rõ ràng tình hình Việt Nam đang tiến dần đến giai đoạn chín muồi cho cơn lốc chính trị có thể xảy ra trong một tương lai không xa.

Cũng nhân Ngày Quốc Hận năm nay, mỗi người chúng ta hãy tự hứa với lòng mình sẽ gia tăng nỗ lực vận động Nhân Quyền và Dân Chủ cho Việt Nam và cầu xin hồn thiêng sông núi phù hộ cho con dân Việt Nam trong và ngoài nước đoàn kết một lòng quyết tâm dẹp bỏ chế độ Cộng Sản độc tài phản dân hại nước để mang lại Tự Do, Dân Chủ và phú cường cho Dân Tộc.

Nguyễn Thanh Trang
San Diego, 30-4-2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.