Hôm nay,  

Nhưng Mùa Xuân Ghi Dấu, Kỳ 2: Hải Chiến Hoàng Sa Bùng Nổ

10/04/201300:00:00(Xem: 7011)
* Toán công binh và nhân viên Toà Lãnh Sự Mỹ ông Gerald Kosh lên đảo Quang Hoà:

(Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, ông Jerry Scott là bạn của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, TLV1DH, là 1 cưụ Sĩ Quan HQ Mỹ, xin phép Đô Đốc Thoại cho ông Gerald Kosh theo HQ16 để biết Hoàng Sa. Sự thực Toà Lãnh Sự Mỹ có ý gì hay ông Gerald Kosh có làm việc cho CIA hay không thì vị TLV1DH không biết.)

Theo như người bạn cùng khoá HQ Thiếu uý Phan Công Minh thuộc HQ5 tóm lược nhiệm vụ đưa toán công binh và cố vấn Mỹ vào đảo đêm 18.1.1974:

“… Sau nhiều lần kiểm tra đạt yêu cầu, Đại Tá Ngạc mới chính thức giao nhiệm vụ cho Thiếu uý Minh để đưa đoàn công tác lên đảo Hoàng Sa vào tối khuya ngày 18.1.1974.

Cùng đi với Thiếu uý Minh có hai nhân viên cơ hữu HQ5 để lái ca nô (yuyu) và chống mũi. Trung uý Nguyễn minh Cảnh chỉ huy toán hải kích đi chung. Kéo theo sau là hai xuồng cao su do hai nhân viên hải kích cầm lái chở đoàn công tác công binh và một nhân viên toà lãnh sự Mỹ, Gerald Kosh. Vũ khí đem theo là mấy khẩu M16. Sau khi rời chiến hạm các chiến sĩ ta đi trong tình trạng im lặng vô tuyến mặc dù có mang theo một máy PRC 25. Đó là chỉ thị của Đại tá Ngạc nhằm bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc hành quân. Chỉ liên lạc vô tuyến khi cần thiết mà thôi. Gần một giờ trôi qua thì đảo hiện ra lù lù một đống đen ngòm trước mặt, ca nô giảm máy chạy từ từ tiếp cận đảo.

Gần tới đảo, một nhân viên của đoàn công binh dùng đèn pin ra ám hiệu với đơn vị trên đảo, tất cả đều rất căng thẳng. Một ánh đèn pin lóe lên, tất cả hồi hộp, sau một loạt tín hiệu người liên lạc thốt lên:" phe ta"! tất cả thở phào nhẹ nhỏm. Trung uý Cảnh nói với Thiếu uý Minh: "anh em mình thoát nạn!". Sau khi đưa toán công binh lên đảo an toàn, HQ Thiếu uý Minh và 2 nhân viên cơ hữu quay trở lại chiến hạm. Trên đường về cũng hơi lo lắng nhiều, vì đêm tối như mực.

Bạn Minh kể tiếp: “Tôi đã thi hành xong nhiệm vụ được giao phó. Chỉ một lần tiếp xúc với Đại tá Ngạc, tôi nhận thấy Ông là một vị chỉ huy có trách nhiệm, biết dự trù các tình huống, cẩn thận, trầm tĩnh biết cách sử dụng và động viên nhân viên dưới quyền, theo tôi biết ông thức gần sáng đêm để vạch kế hoạch cho cuộc hành quân tái chiếm các đảo đã bị Trung cộng lấn chiếm.”

Sáng sớm ngày hôm sau là ngày 19.1.1974, nhận được thông tin từ Sài Gòn ra lệnh tái chiếm các đảo bị địch lấn chiếm. Các Sĩ Quan trưởng khẩu của những chiến hạm đều quyết tâm bắn chiến hạm địch trước. Tuy nhiên bộ chỉ huy hành quân cũng đã phân tích lợi hại, và đã thống nhất phương án đổ bộ lên đảo.

* Toán Hải kích từ HQ 5 vào đảo:

HQ Thiếu uý Minh kể về toán Hải kích từ HQ5 vào đảo như sau:

Khoảng gần 7 giờ sáng ngày 19.1.1974, HQ5 cho đổ bộ toán người Nhái Hải kích do Thiếu uý Đơn chỉ huy. Các người lính Hải kích bận quần sọt ở trần, võ trang súng M16, M18, M79 cả AK bá xếp và B40, đại liên M60, M72 và dao găm.

Khi toán Hải kích tới đảo, Thiếu uý Đơn, trưởng toán, cho dàn hàng ngang chuẩn bị xung phong. Từ chiến hạm HQ5 Thiếu uý Minh thấy lính TC chạy ra ngăn. Thiếu uý Đơn giơ cao khẩu colt 45 hô xung phong. Một Hải kích tên Long cầm khẩu đại liên M60 xung phong nã đạn về phía địch, địch bắn trả từ những công sự đã bố trí sẵn. Quân ta anh dũng nhưng tình thế hoàn toàn bất lợi do địa hình hoàn toàn trống trải. Đội hình của toán đổ bộ còn nằm gần nửa người dưới nước biển. Hậu quả, Hạ sĩ Long tử trận, Thiếu uý Đơn cũng bị một viên đạn bắn trúng vào đầu, trong khi tay còn giơ cao khẩu colt 45 hô xung phong, vài nhân viên khác bị thương. Lúc nầy đạn thượng liên địch bắn xối xả, cày một lằn chắn ngang trước mặt toán đổ bộ, tạo thành một hàng rào chắn ngăn không cho toán đổ bộ tiến lên, nước bắn lên tung tóe, từ chiến hạm nhìn thấy rất rõ .

Thấy tình thế bất lợi hoàn toàn, bộ chỉ huy hành quân đành cho lệnh rút quân về chiến hạm. Các nhân viên bị thương đưa sang HQ4, còn các tử sĩ được quàng tại kho thả bóng của HQ5. Bộ chỉ huy hành quân báo cáo về Sài Gòn. SG ra lệnh tạo điều kiện tái lập đầu cầu đổ bộ tiến chiếm lại đảo. Bộ chỉ huy hành quân trình phương án mới là sẽ tấn công các chiến hạm địch trước, vì tái đổ bộ là không thể thực hiện được, SG chấp thuận. Lệnh ban ra là các chiến hạm pháo lên đảo, nếu chiến hạm địch tấn công ta, chiến hạm ta sẽ bắn trả (phải tuân thủ qui chế ngoại giao quốc tế). Song tình hình thực tế không thể làm như vậy được. Đại Tá Ngạc trình phương án mới là cho HQ10 pháo lên đảo Quang Hòa, làm hiệu lệnh tấn công, tất cả chiến hạm ta sẽ đồng loạt tấn công địch trước. SG chấp thuận, lệnh tác chiến được triển khai chi tiết đến các chiến hạm, phân định mục tiêu rỏ ràng cho từng chiến hạm, từng trưởng khẩu. Lúc nầy các khẩu pháo của cả hai bên tham chiến đã đồng loạt chỉa thẳng vào nhau.

Giờ G đã điểm, lúc nầy khoảng 10 giờ 25, trước đó ít lâu Đại Tá Ngạc cho mở máy âm thoại, tất cả hệ thống liên lạc đều nghe rõ tiếng pháo lịch sử phát ra từ chiến hạm Hộ Hống Hạm Nhật Tảo HQ10, mở màn cho cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 …” (hết trích).
hai_chien_ky_2_vnch_2
Những hình ảnh lịch sử.
Những phát đạn đầu tiên:

Theo như người bạn HQ Thiếu uý Phạm Thế Hùng trưởng khẩu đại bác 41 ly bên tả hạm cũng như HQ Trung uý Hà văn Ngân trưởng khẩu 76,2 ly trên HQ10 cùng thuật lại đại ý như sau:

“…Vào sáng ngày 19.1.1974, các chiến hạm chạy loanh quanh với nhau chừng 2 vòng, các chiến hạm của Trung cộng từ từ lảng ra xa hơn. Như một dấu hiệu khác thường, Hạm trưởng HQ10 liền xin lệnh trên cho mở bao súng, hạ nòng xuống, nạp đạn và đề phòng mọi bất trắc, nhưng lệnh trên không cho phép.

Chừng nửa giờ sau, 2 trong 4 chiến hạm của Trung cộng xích lại chạy song song với nhau. Như một kinh nghiệm chiến trường thúc đẩy Hạm trưởng ra lệnh hạ nòng súng, tháo bao, nạp đạn sẳn sàng và quay súng về phía tàu Trung cộng.

Ít phút sau, hai tàu Trung cộng này chạy gần sát vào nhau và thình lình cùng quay mũi song song tiến về phía HQ10, hướng 3:00 giờ.

Hạm trưởng ra lệnh tất cả súng hướng về mục tiêu 1 và mục tiêu 2.

HQ Trung uý Hà văn Ngân ở ụ súng lớn phía trước mũi (khẩu 76.2 ly) được lệnh nhắm vào mục tiêu 1.

Hạm trưởng lại xin lệnh nổ súng một lần nữa nhưng được trả lời chờ Sài Gòn quyết định.

Thần kinh thật căng thẳng, 2 tàu Trung cộng cứ từ từ đến gần, khi còn cách khoảng 200 thước - 250 thước, Hạm trưởng hét lớn "Bắn". Tất cả hỏa lực trên tàu cùng nhả đạn. HQ10 khai hỏa đầu tiên do lệnh của chính Hạm trưởng ban ra.

Bên trái là phóng đồ 2 chiến hạm Trung cộng (389, 396) đang chỉa mũi thắng vào chiến hạm HQ10 để tận dụng tối đa hoả lực 2 bên chiến hạm của chúng để tấn công vào HQ10 trước khi trận hải chiến xảy ra. Ở vị thế nầy gần như một nửa hoả lực bên tả hạm HQ10 bị hạn chế tác xạ.

Khoảng 5 phút sau, mục tiêu 1 (tàu Trung cộng) bốc khói mịt mù và lùi lại phía sau, tất cả hỏa lực trên chiến hạm HQ10 lại nhắm vào mục tiêu 2. HQ10 đến lúc này vẫn an toàn, đạn từ tàu Trung cộng bắn tới đều bay qua đầu hoặc nổ trên mặt nước trước mặt.

Vài phút sau, mục tiêu 2 cũng bốc khói, mục tiêu 1 tuy còn chút khói bốc lên, chạy trở vào gần HQ10, bắn trả lại HQ10 và HQ10 bắt đầu trúng đạn của tàu Trung cộng.

HQ10 bị trúng trái đạn đầu tiên ngay trên đài chỉ huy, Hạm trưởng cùng các sĩ quan và thủy thủ có nhiệm sở tác chiến trên đài chỉ huy chết hết, trừ Hạm phó bị thương nặng, bò xuống được sàn tàu…” (hết trích).

Và cũng theo như bạn HQ Thiếu uý Phạm Thế Hùng trên HQ10 kể thì tinh thần chiến đấu của thuỷ thủ đoàn ở các chiến hạm ta rất anh dũng. Khẩu đại bác 42 ly bên hửu hạm do người bạn cùng khoá là HQ Thiếu uý Vũ Đình Huân làm trưởng khẩu đã đồng loạt nả những loạt đạn đầu tiên vào chiến hạm TC. Khoảng 5 phút đầu giao tranh, HQ10 chủ động làm cho chiến hạm địch bị thương nặng và lúng túng. Sau đó HQ10 bị trúng đạn ở hầm máy và đài chỉ huy. Không may, Thiếu uý Huân bị tử thương khi giao tranh vì khẩu đại bác 42 ly bên hửu hạm đối diện trực xạ với chiến hạm địch. Tức thì bạn Hùng đang là trưởng khẩu đại bác 41 ly ở tả hạm cầm khẩu M16 chạy sang khẩu 42 ly để tiếp tục bắn tàu địch. Theo như HQ Thiếu uý Hùng cho biết thì HQ10 đã bắn được nhiều quả hải pháo 76,2 ly vào chiến hạm TC. Có khá nhiều vỏ đạn 76,2 ly nằm rải rác tại giàn pháo 76,2 ly.

Khi đài chỉ huy HQ10 bị trúng đạn, Hạm Trưởng cùng toàn thể nhân viên đi ca và nhiệm sở tác chiến trên đài chỉ huy tử thương, hầm máy cũng bị trúng đạn bốc cháy. Hạm Phó là HQ Đại Uý Nguyễn Thành Trí lúc đó cũng bị thượng nặng ra lệnh đào thoát. Tuy vậy, Hạ sĩ Lê văn Tây và Ngô văn Sáu đang tác xạ vào chiến hạm địch, không chịu rời nhiệm sở tác chiến ở khẩu đại bác 20 ly tại sân sau, để đào thoát. Trước khi nhảy xuống bè, Chuẩn uý Tất Ngưu cũng kêu gọi HS1VC Tây nhảy theo nhưng Hạ sĩ Tây từ chối và nói: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Chuẩn uý cứ nhảy đi.”.

Tóm lại, theo như những lời kể của các bạn cùng khoá cũng như của HQ Trung uý Hà văn Ngân trưởng khẩu 76,2 ly trên HQ10 thì HQ10 khai hoả đầu tiên khi 2 Trục Lôi Hạm mang số 389 và 396 của TC chạy ủi thẳng góc vào hửu hạm HQ10, thay vì HQ10 tác xạ hải pháo lên đảo Quang Hoà để làm phát súng lệnh theo như kế hoạch của Bộ Chỉ Huy hành quân đề ra. Ngay sau khi HQ10 tác xạ vào chiến hạm TC thì tất cả súng của chiến hạm ta đồng loạt nả vào chiến hạm địch.

Trên HQ4, người bạn cùng khoá là HQ Thiếu uý Nguyễn Phúc Xá cũng đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với kẻ thù TC.
hai_chien_ky_2_vnch_1
Những hình ảnh lịch sử.
Kết quả trận hải chiến:

- Trận hải chiến kéo dài khoảng trên 30 phút. Các chiến hạm VNCH không đuổi theo các chiến hạm Trung cộng khi chiến hạm TC bị thương nặng nên phải ủi vào bải đảo san hô gần đó. Ngược lại các chiến hạm Trung cộng cũng không đuổi theo các chiến hạm VNCH khi bị thương cũng như gặp trở ngại tác xạ rời vùng chiến đấu.

- Khi chiến hạm Trung cộng bị trúng đạn của ta, chúng ủi vào bãi san hô gần đó thì chúng cho xả những trái khói bịt bùng chiến hạm, để giảm tầm quan sát của ta.

- Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, 2 chiến hạm TC mang số 281 và 282 tăng viện vào vùng chiến bắn chìm chiến hạm Nhật Tảo HQ10 bất khiển dụng và đang lềnh bềnh tại vùng chiến.

- Ngoài ra, không có chiến hạm nào của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tiến vào nơi có cuộc giao tranh.

* Thiệt hại về phía HQ Việt Nam Cộng Hoà:

- Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bắn chìm. HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà với 42 quân nhân khác bị tử thương, trong đó có Hạm Phó HQ Đại uý Nguyễn Thành Trí. 32 người mất tích, 23 thủy thủ trôi dạt trên biển được tàu của hãng Shell vớt, 16 chiến sĩ khác trôi dạt trên thuyền cao su về đến Quy Nhơn.

- Hai Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5 bị hư hại, mỗi chiến hạm có hai chiến sĩ bị tử thương.

- Tuần Dương Hạm HQ16 bị trúng đạn nghiêng một bên, được lệnh quay về Đà Nẵng, có một chiến sĩ bị tử thương.

- Có 43 chiến sĩ trên đảo đã bị bắt làm tù binh, trong đó có cố vấn Mỹ, Mr Gerald Kosh, được đưa về Quảng Châu, sau đó được trao trả cho VNCH qua Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.

* Thiệt hại về phía Trung cộng:

Theo tài liệu nghiên cứu của nhà biên khảo, Bác sĩ Trần Đại Sĩ ở Pháp, từng đi công tác tại Trung cộng thì cho biết sự thiệt hại của Trung cộng như sau:


Liệp Tiềm Đỉnh (Hộ Tống Hạm) Kronstadt, ký số 271, Hạm trưởng là Đại-tá Vương Kỳ Vy, tử thương. Chiến hạm K271 bị chìm.

Liệp Tiềm Đỉnh (Hộ Tống Hạm) Kronstadt, ký số 274, Hạm trưởng là Đại-Tá Quan Đức, tử thương. Đây là soái hạm của chiến dịch. Tư lệnh mặt trận là Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh phó Hạm đội Nam Hải của Trung cộng tử thương. Hộ tống hạm K274 bị hư hại nặng và ủi vào bãi san hô Quang Hoà. Sau đó được trục vớt đưa về đảo Hải Nam.

Tảo Lôi Hạm (Trục Lôi Hạm), ký số 389, bị chìm, Hạm trưởng là Trung tá Triệu Quát, tử thương.

Tảo Lôi hạm (Trục Lôi Hạm), ký số 396, bị hư hại nặng, Hạm trưởng là Đại-Tá Diệp Mạnh Hải, tử thương.

Ngoài ra còn có nhiều sĩ quan và binh sĩ TC bị tử thương.

Soái hạm HQ TC, K274 bị chìm sau khi ủi vào bãi san hô ở đảo Quang Hoà.

Thay lời kết: Vào tháng 12 năm 2008 tôi hân hạnh có được nhiều cơ hội tiếp xúc với Đô Đốc Thoại khi Đô Đốc Thoại đến Đức quốc để cùng với Luật Sư Nguyễn Thành đến từ Mỹ, Luật Sư Trần Thanh Hiệp đến từ Pháp thuyết trình về chủ đề „Hội Luận về Hiện Tình Lãnh Thổ và Lãnh Hải Việt Nam“ được tổ chức tại Frankfurt am Main, Đức Quốc ngày 06.12.2008. Nhờ vậy tôi biết thêm một số chi tiết cần để ý về Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.1.1974:

- Đô đốc Thoại cho biết rằng vào ngày 17.1.1974 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn đến thăm viếng Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Nhân dịp nầy tại Trung Tâm Hành Quân, Đô Đốc Thoại đã trình bày về hiện tình Hoàng Sa. Sau phần thuyết trình, khoảng 15 phút, Đô Đốc Thoại nhận chỉ thị trực tiếp từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với thủ bút của Tổng Thống.

Tóm lược phần chỉ thị cho Đô Đốc Thoại:

- Thứ nhứt là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền xử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.“

Tổng thống Thiệu rời Bộ Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải sau khi ra chỉ thị về biện pháp đối

phó với Trung Cộng khi hạm đội Trung Cộng xâm nhập hải phận Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa (1974).

- Sau khi trận chiến xảy ra, Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải đã xin Bộ Tư Lệnh Hải Quân tăng viện cho chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa thêm Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6 và Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ11.

- Khi nghe trận hải chiến bắt đầu thì Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, đã đến Trung Tâm Hành Quân của BTL Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải để được nghe Đô Đốc Thoại trình bày diễn tiến trận hải chiến. Lúc đó vị cố vấn Mỹ tại Sài Gòn cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải biết qua vị cố vấn Hoa Kỳ của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải thì TC có 17 chiến hạm, trong đó có 4 tàu ngầm đang hướng về Hoàng Sa.

Ngay lúc đó cố vấn trưởng Hoa Kỳ của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải bước vào Trung Tâm Hành Quân cho Đô Đốc Thoại biết phản lực cơ chiến đấu của Trung Cộng sắp cất cánh từ đảo Hải Nam để tấn công hai chiến hạm vừa được vị Tư Lệnh V1DH chỉ định hướng về Hoàng Sa để gia nhập Hải Đội của Đại tá Ngạc…“ (hết trích)

Được biết sau trận hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974 Bộ Tư Lệnh HQ VNCH có kế hoạch thực hiện 2 chiến dịch Bạch Đằng 50 và Bạch Đằng 52 nhằm tái chiếm quần đảo Hoàng Sa đã bị Hải quân TC xâm chiếm.

Chiến hạm HQ503 mà tôi phục vụ là loại Dương Vận Hạm (LST) cũng nằm trong danh sách của chiến dịch. Có lẽ chiến hạm tôi được trưng dụng vì vừa có thể chở quân, vũ khí đạn dược, xe tăng dưới hầm và trên boong còn có thể chở được máy bay trực thăng, đại bác. Nhưng vì cộng quân Bắc Việt gia tăng gây áp lực trên các mặt trận địa chiến vào năm 1974 nên 2 chiến dịch BĐ 50 và BĐ 52 không thể thực hiện được và đã được huỷ bỏ. Có lẽ Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH cũng đã cân nhắc kỹ càng về mối tương quan lực lượng Hải quân giữa ta và Trung cộng cũng như tình hình chiến sự bất lợi cho ta trong thời điểm đó.

Tôi cũng ghi lại nơi đây hình ảnh mà Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu TLHQV1DH đã được mời đến Đức Quốc ngày 06.12.2008 để trình bày về Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.1.1974. Đó cũng là ý muốn của cựu Tư Lệnh Chiến trường và là cựu Chỉ Huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm năm xưa.
hai_chien_ky_2_nguyen_van_phay
Hình tác giả Nguyễn Văn Phảy, và ngày kết hôn.
Thuyết trình đoàn: "Hội Luận về Hiện Tình Lãnh Thổ và Lãnh Hải Việt Nam" ngày 6.12.2008 tại Frankfurt am Main, Germany.

Mùa Xuân Ất Mão 1975 - Đám Cưới, Di Tản Quân Dân Cán Chính và những tháng năm kế tiếp:

Mùa Xuân Giáp Dần trôi qua, rồi mùa Xuân Ất Mão lại đến. Ngày 30.1.1975 là ngày đám cưới của vợ chồng tôi. Mặc dù đám cưới trong thời chiến, nhưng Hạm trưởng HQ503 mà tôi phục vụ đã ưu ái cho tôi nghỉ 5 ngày phép. Vợ chồng tôi luôn biết ơn Hạm trưởng cũng như các bạn bè Sĩ quan HQ503 đã gánh trách nhiệm dùm tôi để tôi được đi phép. Sau Lễ Thành Hôn được tổ chức tại Sài Gòn, vợ chồng tôi đi Đà Lạt để tận hưởng tuần trăng mật. Trời vào đông, khí hậu Đà Lạt rất lạnh. Sương mù bao phủ vùng núi đồi cao nguyên vào mỗi buổi sáng sớm. Mặt nước hồ Hồ Xuân Hương nằm ở ven thành phố Đà Lạt phẳng lặng như tờ. Khoảng 10 giờ sáng mặt trời lên khỏi đỉnh đồi, lồ lộ trên ngọn thông vi vu trước gió, tia nắng xoá tan sương mù, phản chiếu như tấm gương của bức tranh thuỷ mạc đẹp tuyệt trần. Lần đầu tiên của cuộc đời tôi đến thăm một thành phố mến yêu của vùng cao nguyên thơ mộng. Vợ chồng tôi được ông chú vợ là Trung tá, làm việc tại Đà Lạt, có xe Jeep riêng, đã chở chúng tôi đi xem nhiều thắng cảnh. Nhờ vậy, lần đầu tiên tôi biết được loại dâu tây, trái đỏ mộng thắm được trồng tại Đà Lạt. Tôi cũng được đi thăm trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Biệt Điện Bảo Đại và thác Cam Ly.

Rồi 1 tuần lễ qua đi, tôi trở về chiến hạm vào dịp cuối năm, chuẩn bị đón mùa Xuân mới ở đơn vị. Để bảo toàn chiến hạm, tàu tôi được lệnh phân tán mỏng, di chuyển ra biển Vũng Tàu thả neo. Chúng tôi đón Giao thừa với trời mây gió nước ngoài cửa biển. Đời thuỷ thủ là thế đó.

Đầu năm 1975 chiến sự ngày càng gia tăng cường độ. Chiến hạm tôi đi công tác liên tục. Hết ra miền Trung rồi xuống tận hải đảo miền Nam. Hầu hết các chuyến công tác là di chuyển quân và cứu vớt cũng như chở đồng bào di tản. Ngày 18.4.1975 trong khi công tác cứu vớt quân dân cán chính chạy tỵ nạn cộng sản tại vùng Cà Ná mũi Dinh sau khi Phan Rang thất thủ ngày 16.4.1975 thì chiến hạm tôi bị pháo của cộng quân bắn trúng khoảng 10 quả đại bác 105 ly và 155 ly, gây một số thiệt hại cho chiến hạm. Có 4 Sĩ quan tử thương và 18 nhân viên bị thương. Mời xem hồi ký “Trận Chiến tại vùng Cà Ná mũi Dinh Phan Rang ngày 18.4.1975” được đăng trên http://navygermany.gerussa.com hoặc ở Diễn Đàn Việt Thức:

http://www.vietthuc.org/2013/03/19/tran-chien-tai-vung-ca-na-mui-dinh-ngay-18-4-1975/

Nhờ sự nhanh chóng tiếp cứu của các chiến hạm hiện diện tại mặt trận, chiến hạm tôi ra khỏi vùng nguy hiểm khi đại pháo của cộng quân bị triệt tiêu bởi hải pháo 127 ly của các Tuần dương hạm HQ 3, HQ 17 và 76,2 ly của Hộ tống hạm HQ11 và Trợ chiến hạm HQ231 cũng như từ những chiến hạm khác phản pháo.

Rồi ngày 30.4.1975 vùng trời ảm đạm ập đến cho quê hương miền Nam VN bởi lời tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương văn Minh mang danh Tổng thống VNCH. Chiến hạm tôi vì bị hư hại nặng đang được sửa chữa tại Hải quân Công xưởng Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, nên hầu hết thuỷ thủ đoàn HQ503 bị kẹt ở lại. Cũng như tất cả Sĩ quan QL VNCH khác, tôi phải bị mấy năm vào “tù cải tạo”.

Thế rồi, tất cả những kiến năng về hàng hải, những kiến năng về ngành Luật đều được xem như vứt đi dưới chế độ cộng sản. Không những tôi bị xếp loại thành phần nguỵ quân mà còn bị ghép vào thành phần tiểu tư sản trí thức mà tôi đã có được là nhờ công lao cha mẹ nuôi dưỡng lo cho ăn học cũng như nhờ đất nước vun bồi đào tạo để có kiến năng về hàng hải khả hữu nhằm góp phần tái thiết đất nước trở thành vô nghĩa.

Rồi một ngày kia 23.6.1980, tôi và gia đình rời bỏ quê hương bằng chiếc thuyền nan mà thế giới gọi là “Boat People, thuyền nhân”. Vào lần vượt biên sau cùng, trong lúc ghe tôi trên tuyến đường đến Singapore ở biển khơi, gia đình tôi được tàu Cap Anamur cứu vớt. Cap Anamur là con tàu nhân đạo do Uỷ Ban Bác Sĩ Cấp Cứu người Tây Đức thực hiện nhằm để cứu vớt người tỵ nạn cộng sản trên biển Đông. Hành động nhân đạo đó đã làm cho thế giới nể vì và ngưỡng mộ. Trong vòng vài năm tàu Cap Anamur đã cứu vớt khoảng 13.000 người Việt trên biển Đông.

Mời xem hồi ký “Lần Vượt Biên Sau Cùng”: http://www.vietbao.com/D_1-2_2-67_4-205822_5-15_6-1_17-7617_14-2_15-2/

Rồi những tháng năm nơi xứ người, nỗi đau thầm kín trong tôi thường xuất hiện:

Những ngày xa quê hương là những ngày mang đau thương
Một ngày xa quê hương là một ngày mang đau khổ
...
Đất nào sinh ra tôi, mẹ hiền nào cưu mang tôi
Miền nào nuôi thân tôi mà giờ này tôi xa rồi

Hãy biết và hãy biết rằng ngày mai khi ta về
Hãy nhóm ngọn lửa hồng thắp sáng vạn niềm tin…
(Nhạc phẩm Quê Hương Bỏ Lại)

Mùa Xuân Quý Tỵ 2013 - Lòng người Viễn Xứ

Thắm thoát 33 năm trôi qua khi tôi và gia đình đến Tây Đức định cư. Mùa Xuân nữa lại về trong tôi nơi xứ người. Nhớ lại bài thơ Xuân Thanh Bình được sáng tác khi Hiệp Định Đình Chiến Paris được ký kết vào ngày 27.1.1973 làm lòng mình không được vui. Quê hương Việt Nam vẫn còn đắm chìm trong quá nhiều đau khổ. Ngư dân Việt Nam thường bị tàu hải giám Trung cộng bắt nạt. Chúng ủi chìm ghe, cướp tài sản, phá ghe của ngư dân VN. Xem tin tức mà lòng đau như cắt.

Từ phương xa, nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám đốc đài phát thanh SBTN đã cùng với trên 100 Hội đoàn và Tổ chức thực hiện chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư “Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói” với nhạc phẩm “Triệu Con Tim” do anh sáng tác, tác động cho chiến dịch, đã vận động gần 150 ngàn chữ ký ủng hộ nhằm đệ nạp cho Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền cũng như các Bộ Ngoại Giao của một số quốc gia tân tiến.

Từ phương xa nhìn về Quê Hương, đất nước tôi sau bốn ngàn năm.
Ải Nam Quan nay không còn. Hoàng Trường Sa nay không còn. Mẹ Việt Nam ơi !
Ngày hôm nay, nhìn về Quê Hương, đất nước tôi sao lắm nhiễu nhương.
Người Yêu Nước trong chốn lao tù. Mẹ thương con thiêu cháy thân mình. Mẹ Việt Nam đau…
(Nhạc phẩm “Triệu Con Tim” của Trúc Hồ)

Nghe những lời nhạc của anh Trúc Hồ nỗi buồn hiện trong tôi. Xuân Quý Tỵ 2013 đến trong lòng người dân Việt Nam nhưng “Mùa Xuân An Vui” chỉ là niềm mơ ước trong tôi hơn 40 năm rồi cũng chưa thành hiện thực. Nơi Viễn Xứ, tôi ngậm ngùi ngâm lại những vần thơ “Xuân Thanh Bình“ năm nào và sửa 2 câu thơ thứ 11 và 12 để có tựa đề cho bài thơ:

Mùa Xuân Trong Tôi
“Xuân Thanh Bình” lại về trên đất Mẹ
Ngàn đoá hoa đua nở đón Xuân sang
Màu Xuân tươi nhuỵ thắm cánh mai vàng
Cây cỏ ướm mầm non Xuân Dân Tộc
Xuân nay về không còn nghe tiếng khóc
Bom đạn thù gây chết chóc thê lương
Mẹ Việt Nam giòng lệ hết trào tuôn
Màu chinh chiến phai nhoà trong dĩ vãng
Gió Xuân về bầu trời xanh quang đãng
Dân tộc mình hạnh phúc đón Xuân sang.
Xuân An Vui niềm mơ ước vô vàn
Xuân Viễn Xứ hiền hoà trong tâm khảm.

Nguyễn văn Phảy
Xuân Quý Tỵ 2013 in Germany

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.