Hôm nay,  

Đảng Dân Chủ “Trên Mây”?

26/03/201300:00:00(Xem: 11190)
...chính trường Mỹ càng ngày càng phân hoá, càng bị các nhóm cực đoan chi phối.

Tuần vừa rồi, cột báo này đã bàn qua những khó khăn hiện tại của đảng Cộng Hòa. Nhưng nhìn lại thì đảng Dân Chủ cũng không khá hơn gì cho lắm.

Trong khi hậu thuẫn của TT Obama sau khi đắc cử với 52% phiếu đã rớt xuống lại khoảng 46%, thấp hơn tỷ lệ phiếu của TĐ Romney, thì hậu thuẫn của quốc hội, gồm cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, vẫn ở mức dưới 20%. Có nghĩa là nói chung, cử tri Mỹ chẳng thấy đảng nào hấp dẫn hết. TT đắc cử Obama bây giờ cũng chẳng hơn gì ứng viên thất cử Romney. Cộng Hòa thì có vẻ cực hữu quá, bảo thủ đến độ không theo kịp những thay đổi quá nhanh trong xã hội và thành phần cử tri Mỹ, trong khi Dân Chủ thì lại đi quá mau với những chủ trương cấp tiến quá mức, đi trước đa số dân Mỹ, điển hình là chủ trương chấp nhận hôn nhân đồng tính của phe cấp tiến cho đến nay vẫn chưa được sự ủng hộ của đa số dân Mỹ, mặc dù sự hậu thuẫn đó có khuynh hướng đang lên do sự cổ võ nhiệt liệt của truyền thông.

Và đây chính là vấn đề lớn cùa đảng Dân Chủ: có vẻ đi quá nhanh.

TT Obama sau khi tái đắc cử, đã cởi bỏ chiếc áo ôn hòa đại đoàn kết lưỡng đảng và hiện nguyên hình như một trong những tổng thống cấp tiến nhất lịch sử cận đại Mỹ. Không những cấp tiến nhất, mà còn có sự quyết tâm đến độ không cần thoả hiệp gì với khối đối lập bảo thủ hết. Từ một người chủ trương đại đoàn kết, ông đã trở thành vị tổng thống tạo phân hoá lớn nhất từ thời TT Jonhson.

Thành quả bốn năm đầu của ông rất rõ ràng. TT Obama cho thông qua được ba bộ luật quan trọng về cải tổ y tế, kích cầu kinh tế, và cải tổ ngân hàng. Nhưng cả ba bộ luật đều được thông qua mà không có phiếu nào của khối đối lập, thậm chí còn không được hậu thuẫn của khối bảo thủ trong chính đảng Dân Chủ.

TT Johnson trước đây tạo phân hoá lớn trong chính trường và xã hội Mỹ vì cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng ông đã rất cởi mở và kiên nhẫn đi tìm hậu thuẫn của đảng Cộng Hoà trong các quyết định liên quan đến cuộc chiến, mà cũng cố tìm đồng thuận trong các quyết định quan trọng khác như thành lập Medicare và Medicaid, cũng như “giải phóng” dân da đen, cho họ những quyền ngang với dân da trắng. Tất cả các quyết định và luật ban hành đều có được ít nhiều hậu thuẫn của đối lập Cộng Hòa, không như ba bộ luật của TT Obama.

Thái độ cực đoan của TT Obama cũng đã khuyến khích khối cấp tiến cực đoan trong đảng Dân Chủ càng thêm ... cực đoan.

Tuần qua, khối dân cử cấp tiến tổ chức hội thảo về ngân sách (Congressional Progressive Caucus). Hội thảo đưa ra đề nghị làm nhiều người choáng váng. Các dân cử cấp tiến Dân Chủ đề nghị một ngân sách mới với chi tiêu của Nhà Nước gia tăng hơn 2.100 tỷ!

Trong khi thiên hạ đang chóng mặt với sự vung tay quá trán của TT Obama, và trong khi ngay cả TT Obama cũng đã phải kêu gọi cắt giảm chi tiêu, và ngân sách cả nước đang bị chi phối bởi cái “sequester” bắt buộc phải cắt chi tiêu, thì mấy ông bà dân cử cấp tiến như vẫn còn trên mây, hô hào tăng chi tiêu thêm tới hơn hai ngàn tỷ.

Chưa hết. Kinh tế gia cấp tiến cực đoan –giải Nobel kinh tế - Paul Krugman, chê TT Obama thất bại chưa phục hồi được kinh tế vì ... chưa tiêu xài đủ, phải xài thêm cả ngàn tỷ nữa. Vấn đề ông này không nói là kiếm đâu ra số tiền khổng lồ đó?

Cái lý luận đưa đến những đề nghị này khá đơn giản, dựa trên nguyên tắc kinh tế vĩ mô của kinh tế gia John Maynard Keynes: Nhà Nước bơm tiền vào kinh tế bằng cách chi tiêu thật nhiều để tạo công ăn việc làm, và phục hồi kinh tế. Nhà Nước chấp nhận thâm thủng ngân sách trong nhất thời, nhưng sau đó, khi kinh tế phục hồi lại thì ngân sách sẽ cân bằng với thịnh vượng kinh tế và tận thu thuế má.

Vấn đề là cái ông Keynes này đưa ra thuyết này từ hồi đệ nhị thế chiến, cách đây nửa thế kỷ, như là một giải pháp để phục hồi Âu Châu sau những tàn phá của thế chiến. Cái lý luận này khi đó có thể áp dụng được vì lý do hiển nhiên là với sự tàn phá của chiến tranh, khu vực tư nhân đã biến mất. Chỉ còn Nhà Nước mới có phương tiện làm một cái gì. Thành ra, cái thuyết của ông Keynes đã đúng và thành công tuyệt đối, giúp xây dựng lại cả Âu Châu một cách nhanh chóng. Ở đây cũng phải nói ngay là nói “Nhà Nước bơm tiền” thực ra chỉ là Nhà Nước Mỹ, qua chương trình Marshall bơm cả chục tỷ đô (tương đương với cả trăm tỷ bây giờ) vào Âu Châu, chứ các nước Âu Châu, từ khu vực tư đến công đều kiệt quệ hết rồi.

Với sự thành công của thuyết Keynes, và nhất là dưới ảnh hưởng lớn mạnh của các chủ thuyết xã hội chủ nghiã sau thế chiến, với Liên Xô thống trị một nữa Âu Châu, trong khi nửa còn lái bị áp lực mạnh của các đảng Cộng Sản và Xã Hội, đặc biệt là các nước Pháp và Ý, các chính quyền Âu Châu lại càng tin tưởng vào vai trò quyết định của Nhà Nước. Âu Châu, từ Đông sang Tây, bị chi phối hoàn toàn bởi các chế độ Nhà Nước vú em, bao cấp tối đa, suốt trong bốn thập niên từ sau thế chiến.

Từ giữa thập niên 80 cho đến nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Chế độ Nhà Nước vú em cực đoan trong các nước cộng sản xụp đổ toàn diện, từ Đông Đức đến Liên Bang Xô Viết. Các chế độ Nhà Nước vú em ôn hòa hơn bên Tây Âu thì tuy không đến nỗi xụp đổ, nhưng đã và đang trải qua hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, từ Hy Lạp đến Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ,...

Một chuyên gia kinh tế đã xác định thuyết của ông Keynes chỉ có thể có hiệu quả với một vài điều kiện. Tiêu biểu là mức công nợ chưa lên quá cao, khu vực tư yếu chưa phát triển đầy đủ, và mức thuế còn tương đối thấp để có thể khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân.

Những điều kiện này đã không còn nữa từ cả thập niên qua, đưa đến thất bại của mô thức Keynes thất bại trong thời buổi này, nửa thế kỷ sau khi thế chiến đã chấm dứt. Dù vậy, những người tin vào mô thức Keynes này vẫn không chấp nhận thất bại hoàn toàn. Họ đẻ ra thuyết “tân Keynesian”, trên căn bản vẫn dựa trên nguyên tắc Nhà Nước bơm tiền vào kinh tế, với vài điều chỉnh trong chi tiết thực hành. Và đó là thuyết mà TT Obama và phe cấp tiến đang theo đuổi.

Nếu nhìn lại nhận định của chuyên gia kinh tế nêu trên, thì những điều kiện tất yếu cho sự thành công của thuyết Keynesian, cựu hay tân cũng vậy, vẫn không có trong kinh tế Mỹ trong những năm qua. Mức công nợ không thấp tý nào mà trái lại đã leo lên những mức kỷ lục không tưởng tượng nổi, với những hậu quả tai hại khó lường (chẳng hạn như gánh nợ sẽ đè bẹp vài thế hệ con cháu chúng ta, hay mỗi năm Nhà Nước phải chi cả trăm tỷ chỉ để trả tiền lãi trên công nợ, hay các Chú Ba và các ông vua dầu hỏa Hồi Giáo có thể chi phối kinh tế và chính trị Mỹ qua hàng ngàn tỷ công phiếu Mỹ mà họ đang và sẽ nắm trong tay). Khu vực tư nhân của Mỹ mạnh hơn bao giờ hết và đã chứng tỏ hữu hiệu hơn cả trăm lần khu vực công của các công chức lè phè. Và mức thuế cũng đã quá cao –thuế trên lợi nhuận của các công ty ở Mỹ cao thứ nhì trên thế giới, sau Nhật Bản-, có thể nói đã lên tới mức đỉnh, qua khỏi mức đó sẽ có tác dụng ngược như giảm đầu tư, tăng trốn thuế,...


Phải như việc áp dụng mô thức Keynes có kết quả tốt đẹp trong mấy năm qua thì cũng chấp nhận được, cho dù là trong ngắn hạn. Nhưng thực tế cho thấy TT Obama đã chẳng thể nói là ông đã thành công phục hồi được kinh tế. Bằng chứng hiển nhiên nhất là tỷ lệ thất nghiệp, sau hơn bốn năm áp dụng thuyết tân Keynesian, vẫn lửng lơ ở mức kỷ lục trên dưới 8%.

Một bằng chứng không kém hiển nhiên nữa là trong suốt mùa tranh cử, TT Obama đã sử dụng chiến thuật “đánh địch để thắng”, chứ không phải chiến thuật khoe thành quả của mình để thắng. Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy TT Obama không hề khoe các thành tích như Obamacare hay phục hồi kinh tế trong cuộc vận động tranh cử, mà trái lại chỉ đặt trọng tâm vào việc đả kích tấn công ông Romney, mang hình ảnh một tài phiệt vô cảm ra hù dọa thiên hạ qua hàng trăm triệu tiền quảng cáo tô vẽ ông Romney như ác qủy. Có nghiã là chính TT Obama cũng không thấy thành quả gì đáng khoe trong vấn đề phục hồi kinh tế.

Dù vậy, TT Obama và khối cấp tiến vẫn không chấp nhận thực tế, mà vẫn ôm cứng lập luận của ông Keynes.

Sách lược này sẽ được thử thách qua cuộc bầu cử giữa mùa vào cuối năm tới, 2014. TT Obama thì vẫn rất tự tin, nhưng các chuyên gia chính trị và chiến lược gia của cả hai đảng, nhất là đảng Dân Chủ, đã không lạc quan như tổng thống.

Cử tri đi bầu tổng thống và cử tri đi bầu giữa mùa cho các trách nhiệm khác, là hai khối cử tri khác nhau hoàn toàn. Trong cuộc bầu tổng thống, cá nhân TT Obama đã thu hút được phiếu của các khối dân thiểu số, giới trẻ, và giới phụ nữ, hồ hởi đi bầu cho ông. Trong cuộc bầu giữa muà, thiên hạ không còn bầu tổng thống nữa, mà chỉ bầu các trách nhiệm dân cử khác, nhất là các dân biểu và nghị sĩ vào quốc hội. Không còn TT Obama cũng có nghiã là mất đi sự thu hút lớn đối với khối cử tri của ông, và khối này có nhiều hy vọng sẽ... ngồi nhà, không đi bầu. Trong khi khối đối lập thì muốn lợi dụng sự vắng mặt đó để kiếm phiếu vào quốc hội để có dịp khoá tay tổng thống. Khối đối lập Cộng Hoà có nhiều hy vọng có nhiều cử tri đi bầu hơn, đưa đến sự thắng thế của họ.

Đây là sự thật chẳng những cho chính quyền Obama, mà cũng cho hầu hết các chính quyền trước. Trên căn bản, các bầu cử giữa mùa luôn mang lại chiến thắng cho phe đối lập với tổng thống đương nhiệm. TT Obama đã nếm mùi đó năm 2010 khi Cộng Hòa chiếm thêm 63 ghế và nắm đa số kiểm soát Hạ Viện.

Bây giờ, TT Obama muốn đi vào lịch sử với một gia tài cấp tiến hơn cả gia tài của TT Johnson, nhưng thái độ cứng rắn hơn bao giờ hết có thể sẽ là mối nguy lớn nhất cho các dân cử của đảng Dân Chủ. Thái độ cứng ngắc đó đã đưa đến bế tắc quy mô trong chính quyền Mỹ, chẳng giải quyết được chuyện gì, chẳng thông qua được luật quan trọng nào từ sau 2010. Chính trị là phải hai chiều, gọi là “có qua có lại mới toại lòng nhau”, mới làm ra chuyện được.

Dân Mỹ đã nhìn thấy rõ những bế tắc hiện nay, điển hình là vụ ngân sách cắt giảm qua “sequester”. Dĩ nhiên là cả hai đảng đều mang trách nhiệm, nhưng dù sao thì tổng thống vẫn là tổng thống, vẫn là người cuối cùng chịu trách nhiệm cho cả chính quyền. Một tổng thống giỏi sẽ tìm được thoả hiệp để làm một cái gì, trong khi một tổng thống dở chỉ biết ngồi than thân trách phận hay đổ thừa. Trong mùa bầu cử tới TT Obama không ra tranh cử, nhưng cả trăm dân biểu và nghị sĩ trong đảng Dân Chủ cầm quyền sẽ phải ra tranh cử, đối đầu với cử tri, và giải thích bế tắc.

Đề nghị tăng thêm cả ngàn tỷ chi tiêu của khối cấp tiến cực đoan chỉ tăng thêm lo ngại của cử tri và gây khó khăn hơn cho các vị dân cử Dân Chủ muốn giải thích bế tắc và kiếm phiếu. Tuy mâu thuẫn giữa khối đa số cấp tiến ôn hoà và khối cấp tiến cực đoan chưa nổ bùng ra như mâu thuẫn giữa bảo thủ ôn hoà và bảo thủ cực đoan bên Cộng Hòa, nhưng người ta cũng đã thấy rõ sự phân hoá trong nội bộ Dân Chủ và ảnh hưởng lớn mạnh của khối cực đoan, được sự cổ võ gián tiếp của TT Obama.

Tính cực đoan này đã khiến ông Ted Van Dyk, một trong những chiến lược gia hàng đầu của đảng Dân Chủ từ mấy thập niên qua, đã phải lên tiếng than phiền ông không còn nhận ra đảng Dân Chủ của ông nữa (My Unrecognizable Democratic Party). Ông mô tả TT Obama là “kẻ tạo đoàn kết của năm 2008 đã trở thành một người tạo phân hoá có tính toán (calculated divider) của năm 2012”, và chiến lược bất hợp tác và bôi bác đối lập của TT Obama thuộc loại “chính trị hạ cấp” (low politics).

Nếu một chiến lược gia của đảng mà có những nhận định như vậy, thì người ta có quyền thắc mắc khối cử tri nói chung, nhất là khối cử tri độc lập không thuộc đảng nào sẽ nghĩ sao? Theo các thăm dò mới nhất, hậu thuẫn của TT Obama đang tuột dốc mạnh, nhất là sau khi dân Mỹ thấy những hù dọa về chuyện cắt chi tiêu qua sequester đã chẳng xẩy ra. Chuyện hàng trăm ngàn công chức bị sa thải, hay chuyện tầm thường như các chuyến bay sẽ bị chậm trễ hàng loạt, hay chuyện quan trọng hơn là cả ngàn trẻ em sẽ không được điều trị vì thiếu nhà thương, v.v..., tất cả những hù dọa đó đã được chứng minh chỉ là hù dọa hão. Uy tín của TT Obama đã sứt mẻ không ít.

Theo thăm dò của chính báo phe ta Washington Post, trước ngày sequester xuất hiện, TT Obama được hơn 60% dân Mỹ tin tưởng có khả năng giải quyết khó khăn kinh tế, so với chưa tới 40% cho đảng Cộng Hòa. Sau khi những hù dọa về sequester không thành sự thật, tỷ lệ tin tưởng vào khả năng giải quyết vấn nạn kinh tế của TT Obama chỉ còn 44%, ngang với mức của đảng Cộng Hoà.

Những con số này đang làm các chính khách Dân Chủ lo xót vó khi nhìn vào lịch bầu cử. Chẳng những đảng Dân Chủ có ít hy vọng chiếm lại đa số trong Hạ Viện, mà lại còn có nguy cơ mất luôn thế đa số tại Thượng Viện.

Tại Thượng Viện, đảng Cộng Hoà chỉ cần thắng thêm 6 ghế là sẽ nắm đa số. Trong khi đó, có 5 thượng nghị sĩ Dân Chủ phải ra tranh cử lại trong năm tiểu bang bảo thủ đã bỏ phiếu cho TĐ Romney (Alaska, Arkansas, Louisiana, North Carolina, Montana). Hai thượng nghị sĩ Dân Chủ từ chức tại hai tiểu bang đã bầu thống đốc Cộng Hòa (Michigan, Iowa). Hy vọng chiếm đa số tại Thượng Viện của Cộng Hoà là sự thật đáng đau đầu cho đảng Dân Chủ, nhất là trong tình trạng tổng thống của đảng Dân Chủ tiếp tục dấn thân mạnh vào con đường cấp tiến cực đoan làm cho nhiều cử tri lo sợ.

Nhìn vào sự kiện trên, cũng như nhìn vào ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của các dân cử khuynh hữu được hậu thuẫn của các nhóm Tea Party bên Cộng Hoà, ta thấy chính trường Mỹ càng ngày càng phân hoá, càng bị các nhóm cực đoan chi phối. Có lẽ đó mới chính là gia tài lớn nhất mà TT Obama sẽ để lại cho hậu thế: một chính trường phân hóa hơn bao giờ hết trong khi ông đắc cử với chiêu bài đoàn kết lưỡng đảng. Một mỉa mai lịch sử. (24-03-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau nhiều ngày, với nhiều “phương án cứu hộ” rất nặng phần trình diễn của nhà nước Việt Nam, chung cuộc, giới truyền thông của xứ sở này đã đồng loạt (và ái ngại) loan tin: “Bé Hạo Nam đã tử vong!”
Hôm đầu tháng Hai DL vừa qua, một chiếc khinh khí cầu kích thước bằng 3 chiếc xe buýt bay vào không phận Mỹ và đã đặt chính quyền Biden cũng như hệ thống phòng ngự Bắc Mỹ vào tình trạng báo động. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau người ta biết đích xác đó là khinh khí cầu do thám của Trung quốc, và ngay tức khắc, thông tin này tràn ngập TV, báo chí, mạng xã hội...
Đầu năm mới Qúy Mão không ai muốn nghe chuyện xui, nhưng dân gian và báo chí của đảng CSVN lại chỉ nói đến những nguy cơ tiềm ẩn đang đe dọa sự sống còn của chế độ...
✱ HĐ Tham Mưu Trưởng LQ/JCS: Tổng thống Kennedy và Johnson đều không tin tưởng vào các cố vấn quân sự của họ, vì cho rằng các tướng lĩnh và đô đốc thiếu sự tinh tế về mặt chính trị - Giới quân sự bất bình vì "coi lực lượng quân sự là công cụ để thương lượng về mặt ngoại giao". ✱ McNamara: Một khi bổ sung quân số sẽ tăng thêm chi phí về nhân sự, về chính trị và kinh tế do cuộc chiến gây ra, làm suy giảm khả năng của quốc gia một khi cuộc chiến kéo dài. ✱ JCS: McNamara chủ trương tìm kiếm một giải pháp hòa đàm về cuộc chiến - thúc giục Hà Nội đi đến bàn đàm phán hòa bình...
Cái thời bao cấp (thổ tả) ấy, may quá, đã xa như dĩ vãng. Sau khi Đảng dũng cảm nhìn vào sự thực, quyết tâm đổi mới toàn diện, và cương quyết bẻ lái con tầu tổ quốc (theo hướng kinh tế thị trường) thì bộ mặt của xã hội đã hoàn toàn thay đổi ...
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, gồm có 9 chương và 23 điều khoản. Nội dung mà Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ VNDCCH, Chính phủ VNCH và Chính phủ CMLTMNVN đồng thuận không phải là thoả hiệp giữa hai phe thắng và thua, mà nhằm quy định việc ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam, QĐNDVN được ở lại miền Nam; bù lại, Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ, VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình...
Tại sao rất ít người Việt đọc sách Việt? Tôi muốn nói đến sách văn chương, sách triết học, sách khoa học. Đây là ba nguồn kiến thức, tư tưởng lớn của nhân loại. Nếu lấy ra hết ba loại hiểu biết này, con người chỉ là đàn bò nhai lại và tranh cãi. Nếu một người không có hiểu biết nào từ ba nguồn cung cấp trên, người đó không thể khác hơn con bò. Tuy nhiên, việc này không bao giờ xảy ra.
Hôm thứ Sáu 13/1/2023 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản tại phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc. Chương trình nghị sự của hai nguyên thủ quốc gia hẳn phải đề cập đến hiểm họa an ninh từ Trung quốc, mà cả hai quốc gia trong thời gian những năm gần đây đều đặt lên trọng tâm hàng đầu
Làm sao để giữ vững tư tưởng trong Quân đội và Công an là vấn đề sống còn năm 2023 của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Lý do vì năm con Mèo (Quý Mão) có Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa đảng XIII, dự trù vào khoảng tháng Sáu, để bỏ phiếu tín nhiệm các cấp Lãnh đạo từ Trung ương xuống địa phương. Cuộc bỏ phiếu này sẽ là cơ hội cho các cấp tranh đua, chạy chức, chiếm quyền lãnh đạo. Và kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ đặt nền tảng cho Đại hội đảng khóa XIV để bầu lên Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mới nhiệm kỳ 2026-2031...
Chứ chả lẽ cái chết thảm thiết của bà Cát Hanh Long và của hàng bao nhiêu triệu lương dân khác nữa (ở khắp ba miền đất nước, từ hơn nửa thế kỷ nay) thì đất/trời có thể dung tha được hay sao?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.