Hôm nay,  

Nghĩa Trang Biên Hòa, 38 Năm Sau

23/03/201300:00:00(Xem: 9554)
Giao Chỉ, San Jose
Thời sự qua hình ảnh.

Cuối tháng 2-2013 hình ảnh của cả thời xa xưa đã trở lại trên những ngôi mộ trong một nghĩa trang điêu tàn.

Một vị linh mục rất trẻ cùng các nam nữ thanh niên công giáo Saigon viếng thăm nghĩa trang Biên Hòa. Rồi tiếp theo là hình ảnh của một cựu thiếu tá QLVNCH đi thăm cùng với vị thứ trưởng ngoại giao cộng sản Việt Nam. Sau cùng, thiếu tá Nguyễn Đạc Thành trở lại thăm nghĩa trang cùng với ông tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon. Ông Lê Thành Ân một người Mỹ gốc Việt.

Đây có thể coi là hình ảnh thời sự quan trọng nhất đối với 16 ngàn tử sĩ còn nằm lại nghĩa trang quân đội miền Nam từ 38 năm qua. Cũng rất quan trọng đối với những cựu chiến sĩ và gia đình còn quan tâm tới mối liên hệ tử sinh đau thương trong chiến tranh Việt Nam. Chủ nhật đầu tháng 3-2013 nhà báo Huy Phương phụ trách chương trình huynh đệ chi binh của SBTN có dịp lên San Jose, ông đã hỏi thăm chúng tôi về đề tài này.

Xin kể lại một vài tin tức.

Nhân vật Nguyễn Đạc Thành.

Chúng tôi có trả lời anh Huy Phương rằng mình rất ngưỡng mộ quyết tâm của ông Thành. Một sĩ quan thiết giáp, Thủ Đức khóa 12, cựu tù chính trị. Được biết đầu tiên ông đã lưu tâm đến anh em tù nằm lại tại miền rừng núi Bắc Việt. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1993 ông lập hội HO, trong tinh thần tương trợ và ái hữu giữa các cựu tù. Năm 2006 Nguyễn Đạc Thành theo tiếng gọi của nghĩa vụ tâm linh, ông tiến xa hơn một bước. Thành lập tổ chức bất vụ lợi Returning Casualty đi tìm mộ phần tù tập trung trên miền biên giới và tại các mặt trận. Giúp gia đình cải táng về miền Nam. Trên 7 năm qua hội của ông đã tìm được 500 mộ tù cải tạo và giúp cho 252 hài cốt về với gia đình, hoặc rước lên Chùa. Thành quả này có thể còn nhỏ bé so với nhu cầu, nhưng quả thực là một công trình vĩ đại về tinh thần mở đường khai lối của một cựu chiến binh, một cựu tù còn sống, nghĩ đến những chiến hữu đã chết.

Người cựu chiến sĩ tìm đường gai góc mà đi được sự khích lệ của bằng hữu, đặc biệt các gia đình có thân nhân tử sĩ. Nhưng quả thực ông vẫn cô đơn. Mặt khác, trong cộng đồng Việt với ngàn người trăm ý đã có những nhận xét rất bất công và hết sức nản lòng chiến sĩ. Thậm chí có người mạ lỵ ông là kẻ buôn bán xác chết. Với những dư luận hết sức sai lầm và tàn độc như vậy, người chiến binh thiết giáp VNCH lại thêm cô đơn như một chiến xa mở đường quay về quá khứ. Ngày xưa chiến xa hành quân còn có bộ binh phối hợp tùng thiết.. Ngày nay xe thiết giáp chung sự vụ của ông chỉ có một mình. Trong nhu cầu tìm xác bạn trên đất thù, ông Thành không ngần ngại đi gặp các giới chức cộng sản từ địa phương đến trung ương. Lập tức ông bị buộc tội đã bắt tay với cộng sản. Kẻ thù đối mặt không tin ông mà chiến hữu sau lưng cũng không tin. Trong hoàn cảnh đó ông Thành vẫn không ngần ngại bước thêm một bước nữa. Vận động qua bạn Hoa Kỳ, ông liên hệ với bộ ngoại giao Mỹ. Được sự giới thiệu của bạn bè, ông liên lạc với các giới chức Việt Nam tại bộ ngoại giao cộng sản. Theo tôi được biết, ông muốn tìm xác anh em trong các ngôi mộ tập thể gần như không còn dấu vết bên ngoài khu nghĩa trang để đưa vào trong. Ông đưa đề nghị chính thức lên bộ ngoại giao Việt nam với sự yểm trợ tinh thần của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Sau hai năm vận động tới lui, kết quả cho ta thấy, bác Thành xuất hiện 2 lần và hình ảnh được phổ biến. Tuần trước ông lên nghĩa trang Biên Hòa với giới chức cao cấp của cộng sản. Tuần sau trở lại với ông lãnh sự Mỹ tại Saigon, cùng với các viên chức Hoa Kỳ.

Ông Huy Phương có nói rằng đã phỏng vấn bác Thành 2 lần trên SBTN. Kỳ này về lại Mỹ ông hứa sẽ lại lên đài báo cáo cho bà con ta kế hoạch ra sao. Chúng ta ai cũng muốn tìm hiểu vai trò của Mỹ, vai trò của chính quyền cộng sản. Thỏa hiệp nếu có thì nội dung ra sao. Sẽ sửa sang nghĩa trang Biên Hòa đến cấp độ nào, trên danh nghĩa nào. Ngân khoản ở đâu và ai là người thực hiện. Tôi nói với ông Huy Phương là mình không thể đoán già, đoán non. Phải chờ người trong cuộc nói chuyện. Trước khi về Việt Nam kỳ vừa qua tôi có dịp nói chuyện với ông Thành. Ông rất dè dặt chưa biết kết quả ra sao. Chúng tôi cam kết 100% không đưa tin tức cho báo chí. Mà thực ra đâu có biết bên trong thảo luận ra sao mà đoán mò. Chúng tôi cũng hết sức thông cảm với người trong cuộc, gần như đơn thương độc mã xoay sở giữa quê hương của đồng minh cũ và đất nước của cựu thù. Hẳn có những điểu tế nhị còn thảo luận nên chưa thể có kết quả sau cùng.

Tuy nhiên có điều quan trọng nhất đã thể hiện rõ ràng. Nghĩa trang Biên Hòa ngày nay sau 38 năm bị bưng bít đã ra ngoài ánh sáng. Chính quyền cộng sản đã ra mặt. Thực tâm ra sao, hạ hồi phân giải. Chính quyền Hoa Kỳ đã quan tâm. Tiến xa đến chừng nào, chưa thể xác định. Điều quan trọng nhất là những tử sĩ nằm trong lòng đất mẹ đã được thiên hạ lưu ý. Khu vực quanh nghĩa dũng đài đã được dọn dẹp sạch sẽ và sửa chữa căn bản. Khu cầu tiêu dưới chân nghĩa dũng đài đã dẹp bỏ. Nhìn lại cận ảnh vành khăn tang vĩ đại so với con người nhỏ bé tôi vô cùng xúc động. Tôi nói chuyện với anh em công binh ở San Jose là đơn vị đã hoàn tất tấm ciment cuối cùng của vành khăn tang trước ngày 30 tháng 4. Ai cũng ngậm ngùi.

Ngày xưa tôi đã từng bỏ những lá phiếu tinh thần cho các chiến hữu trở về phục quốc. Lá phiếu oan nghiệt dành cho không quân Mai văn Hạnh trở về Cà Mau đã bị bắt tù. Khi Trần văn Bá bị xử bắn, chính tổng thống Pháp can thiệp để phi công Hạnh được thả về Paris. Sau đó ông qua chơi Hoa Kỳ lại chết ở Bolsa. Lá phiếu ủng hộ Hoàng Cơ Minh lên đường để ông phải chết ở Hạ Lào. Lá phiếu dành cho Võ đại Tôn trải qua 9 năm tù nay may mắn còn trở về bên Úc.
nghia-trang-quan-doi
Cựu thiếu tá VNCH Nguyễn Đạc Thành cùng tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon, ông Lê Thành Ân, thăm nghĩa trang Biên Hòa.
Bây giờ tôi vẫn còn lá phiếu để dành cho Nguyễn Đạc Thành.Tôi công khai ủng hộ ông trên đường về nước không phải mưu cầu đội đá vá trời. Đơn thuần là để cứu xác anh em. Như lính nhẩy dù ngày xưa, liều chết xông ra chiến trường kéo xác chiến hữu đem về. Như trực thăng quân ta rơi rụng vì đáp xuống cứu anh em. Ông đã làm công việc chính tôi muốn làm, nhưng bất khả. Anh em hay nghe tin đồn nhảm có hỏi tôi về việc Hoa Kỳ dành ra trăm triệu cho chương trình tìm xác tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Với kinh nghiệm là người tham dự vào việc soạn thảo quân viện cho Việt Nam trước 75. Đặc biệt trong thời gian làm giám đốc chương trình PathFinder tại TTM phối hợp với chuyên viên ngũ giác đài. Tôi có được học về con đường dự thảo và chuẩn y ngân sách. Cho đến công việc 37 năm làm dịch vụ Non-profit xin Funding tại Hoa Kỳ. Tôi trả lời rằng đã tra cứu từ trước đến nay hoàn toàn không có tiền bạc nào của người Mỹ dành cho việc này. Đừng đổ tội cho bác Thành chạy theo ngân khoản MIA VN. Bày đặt ra tin tức như vậy, rồi chuyển tiếp tin tức khốn nạn như vậy là có tội với các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Xấu lắm.


Lê Thành Ân là ai.

Dù chỉ xuất hiện trong vài tấm hình thăm nghĩa trang Biên Hòa nhưng dư luận xem ra đã ghi nhận vai trò quan trọng của ông Ân.

Lê Thành Ân, người Gò Công, qua Mỹ lúc10 tuổi, tốt nghiệp đại học vào làm cho bộ hải quân Hoa Kỳ và sau xin qua làm bộ ngoại giao. Vóc dáng đường bệ, và hoàn thành công việc xuất sắc, ông lên chức vụ cuối cùng là phó đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp. Chức vụ ngoại giao cấp sứ thần này ngang với cấp tướng bên quốc phòng. Ông về nhậm chức lãnh sự Saigon là một sự ngạc nhiên của Việt Nam cũng như thế giới. Nếu thuận buồm suôi gió Lê Thành Ân 59 tuổi có thể sẽ là đại sứ Mỹ tại Hà Nội trong tương lai. Như chúng ta thấy trong hình, ông Ân thông thạo Việt ngữ, dáng dấp cao hơn người Mỹ trung bình, cẩn thận dè dặt, kín đáo. Ông đã đi thăm hầu hết các tỉnh miền Nam Việt Nam. Nếu sau này ông lên làm đại sứ, cũng như Hoa Kỳ có vị đại sứ gốc Trung Hoa tại Bắc Kinh, lịch sử sẽ ghi thêm một trang đặc biệt. Người thanh niên gốc Việt tỵ nạn xứ Gò Công có thể sẽ làm nên lịch sử. Các bạn biết đất Gò Công của các danh nhân nào? Nhà cách mạng Trương công Định, nhà văn Hồ Biểu Chánh. Ông nội của tướng Hồ Văn kỳ Thoại. Và Gò Công cũng là quê hương của nhan sắc Cửu Long. Là quê hương của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ và Nam Phương Hoàng Hậu.

Năm 2012 ông lãnh sự Saigon có đến thăm San Jose và chúng tôi có dịp gặp ông 2 lần. Có tặng ông 2 cuốn sách. Cuốn Boat People của Carina bên Úc châu và cuốn 16 ngàn tử sĩ ở lại nghĩa trang Biên Hòa, chúng tôi phát hành năm 1993. Ông Ân cho biết cũng đang giúp ông Nguyễn Đặc Thành trong việc nghĩa trang Biên Hòa. Tôi hết sức mừng và mong rằng chuyện này sớm ra công khai. Từ 1975 đến nay tôi chưa có dịp trở lại quê nhà. Vì vậy nên đã cảm khái nói rằng, đường về quê hương của tôi phải đi qua nghĩa trang quân đội.

Nghĩa trang quân đội, xin kể lại đôi điều.

Nghĩa trang vĩ đại này khởi sự 1962 dự trù dành chỗ yên nghỉ cho 30 ngàn tử sĩ. Tên gọi là nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Có dự trù sẽ trở thành nghĩa trang quốc gia nhưng chưa có văn bản chính thức.

Giữa anh em quân đội thường gọi tắt là nghĩa trang Biên Hòa, dù ngày nay quận Dĩ An, nơi có nghĩa trang tên mới là nghĩa địa nhân dân Bình An đã được cộng sản chuyển qua thuộc tỉnh Bình Dương, nhưng ta vẫn gọi là nghĩa trang Biên Hòa.

Trước đây trong trách nhiệm yểm trợ vùng III, chúng tôi có dịp bay trên không phận Dĩ An lựa chọn vị trí cho nghĩa trang và giúp bên quân nhu ngay từ lúc thành lập liên đội chung sự nên đã biết nhiều chuyện từ đầu. Qua Hoa Kỳ từ thập niên 90 tôi bắt đầu sưu tầm tài liệu làm mô hình nghĩa trang cho Viet Museum nên đưa chuyện nghĩa trang ra công luận từ 1993. Gửi người về tảo mộ hàng năm và thu thập tài liệu của bà con trên thế giới về thăm nghĩa trang..

Chúng tôi mở lại hồ sơ về việc cộng sản chiếm đất sau 30 tháng tư. Làm nhà, lập doanh trại, trồng cây, xây tường, xây nhà máy nước, phá thấp ngọn kiếm tại nghĩa dũng đài. Nhờ tin tức bà con, nhờ toán công tác thương binh ta tại Biệt khu thủ đô, và nhờ gửi người về hàng năm. Các tin tức nhật tu tiên khởi tổng kết trong cuốn sách phát hành năm 1993. Năm 2006 thủ tướng cộng sản ban hành lệnh dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, chúng tôi có gửi thư cho ông Nguyễn tấn Dũng để đưa vấn đề ra công luận.

Nhân danh một công dân Hoa Kỳ tôi yêu cầu Hà Nội ra lệnh bảo toàn và tuyên bố nghĩa trang này là di sản quốc gia. Văn phòng thủ tướng cho biết có nhận được nhưng không trả lời chính thức. Bản sao tài liệu được thân hữu gửi cho các giới chức cao cấp của đảng và chính quyền Việt Nam. Ông Võ văn Kiệt, thủ tướng hồi hưu có nhận được và hết sức lưu tâm, nhưng nửa đường đứt gánh.

Cho đến bây giờ, việc tảo mộ của chúng tôi vẫn là tảo mộ chui. Chúng tôi chưa có khả năng tiến xa hơn. Nhưng với chúng tôi, rõ ràng là nhờ thiết giáp Nguyễn Đạc Thành, cánh cửa nghĩa trang đã mở ra như là thiết giáp cộng sản đánh vào cổng dinh Độc Lập 38 năm trước.

Tuy nhiên, chuyện tương lai vẫn còn là dấu hỏi.

Chúng ta phải làm gì.

Tôi nghĩ rằng hiện nay nghĩa trang cần bảo toàn chứ không cần vẽ ra nhiều nhu cầu sửa chữa quy mô hoành tráng! Vừa không có ngân khoản, vừa tàn phá cảnh trí oai nghiêm rất nhiều ý nghĩa hiện nay. Lại thêm phiền phức trong việc hợp tác giữa hai bên thù nghịch.

Nghĩa trang Biên Hòa hiện có một vị trí hết sức độc đáo mà không nghĩa trang liệt sĩ của cộng sản nào có thể so sánh được. Những tượng đài lẩm cẩm của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Quảng Trị rất màu mè và phản mỹ thuật. Không nên đem những hình đó vào nghĩa trang Biên Hòa. Hãy giữ lại hình ảnh đơn sơ, nhưng vĩ đại với các mộ phần đồng loạt của phe ta. Cần dọn cỏ, chặt cây, đắp mộ. Sửa chữa cống rãnh, đường thoát nước... Tuyệt đối tránh việc sơn quét mầu sắc vô nghĩa. Đó là nói về phần vật chất của nơi tử sĩ VNCH yên nghỉ. Phần tinh thần là cần có cuộc vận động quy mô của công dân Mỹ gốc Việt qua các giới chức lập pháp. Chúng ta đã vận động quốc hội Mỹ ra nhiều quyết nghị đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.

Bây giờ cũng theo đường lối này, với tư cách người dân Mỹ, hãy yêu cầu dân biểu Mỹ lưu ý đến thân quyến của chúng ta còn nằm trong lòng quê hương cũ. Thỉnh cầu từ lập pháp thành nghị quyết chuyển qua hành pháp thi hành. Hãy can thiệp để nhà cầm quyền Hà Nội dành nghĩa trang Biên Hòa là di sản quốc gia. Trong tất cả các hiệp ước cộng sản Việt Nam ký kết đều có điều lệ về việc tôn trọng tử sĩ đối phương, bảo vệ các nghĩa trang của phía thù nghịch. Theo đúng tinh thần hiệp định Genève 54. Hiệp định Paris 73. Các luật lệ và công pháp quốc tế mà Việt cộng đã ký ?kết với tư cách thành viên Liên hiệp quốc. Đó là những hành động văn minh mà nước Mỹ đã làm sau chiến tranh Nam Bắc. Đó là các hành động nhân đạo mà các nước Âu Châu đã làm sau đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Những nghĩa trang dành cho lính SS của Đức trên đất Pháp là một thí dụ điển hình. Binh đoàn lính SS vốn là các đơn vị khốn nạn nhất của Hitler nhưng khi nằm xuống vẫn được dân Pháp đối xử hết sức nhân đạo và lịch sự trong nghĩa trang riêng biệt được bảo vệ và tôn trọng.

Các vận động theo phương thức này sẽ ảnh hưởng từ lập pháp qua hành pháp đến bộ ngoại giao, đến tòa đại sứ Mỹ và sẽ có cơ hội cho tử sĩ VNCH tại Biên Hòa thực sự yên giấc ngàn thu. Chúng tôi dự trù sẽ công bố dự án công khai và cụ thể về việc này. Sẽ vận động để có sự yểm trợ của cựu tổng thống Jimmy Carter, các dân biểu California: Zoe Lofgren, Mike Honda và. Xin quý vị tiếp tay với chúng tôi, vận động các vị dân cử địa phương. Đó là điều chúng ta sẽ làm được.

Sau cùng điều có thể làm ngay là bầy tỏ tấm lòng ủng hộ công việc của ông Thành và hội VFA. Phần tôi, xin gửi lá thư ủng hộ đính kèm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến đi Mỹ của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong tuần này là dấu chỉ cho thấy quan hệ Mỹ-Việt tiếp tục được phát triển, dù gần đây nổi lên những khác biệt
Cách đây đúng 10 năm, hàng loạt các nước Đông Á bị khủng hoảng tài chính rồi kinh tế và qua năm 1998 cuộc khủng hoảng đã lan rộng ra thế giới
Nguyễn Minh Triết đã tới New York vào ngày 18 tháng 6 và đang có những hoạt động nhằm ngụy biện cho chế độ độc tài đảng trị.
Kể từ ngày 18/6/2007, ông Nguyễn Minh Triết sẽ công du Hoa Kỳ với tư cách đại diện cho nước CHXHCNVN. Là vị nguyên thủ quốc gia
Thành viên của Hiệp Hội Ký Giả Truyền Thông Báo Chí Chuyên Nghiệp tin tưởng rằng khai sáng thông tin cho công chúng
Chuyến thăm viếng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ từ ngày 18/6 đến 22/6/2007 xem như đã dàn xếp xong
Chiều thứ bảy sau khi hoàn tất Khóa Huấn Luyện Sư Phạm thiện nguyện cho Trung Tâm Giáo Dục Hông Y Nguyễn Văn Thuận
Khi "nhập gia" Huê Kỳ vì phải "tùy tục" mà mỗi năm cứ đến ngày 17 tháng 6 , người Việt Nam tổ chức ngày Father's Day để nói lên lòng biết ơn của con cái đối với
Trong sự trân trọng niềm tin của tất cả quí vị quan tâm đến tình hình tại Việt Nam trong và ngoài nước, trong tinh thần chia sẻ
Tôi lớn lên trong thời Đệ Nhị Cộng-Hòa, Bố tôi là một viên-chức về hành chánh của Bộ-Nội-Vụ, trụ sở ông làm việc nằm ở góc đường Nguyễn-Du
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.