Hôm nay,  

“Ngủ Chung Giường”

26/02/201300:00:00(Xem: 8564)
...Obama thao túng truyền thông trong thời gian qua đã trở thành quá dễ dàng...

Ngạn ngữ Mỹ có câu “ngủ chung giường” để chỉ chẳng những chuyện vợ chồng cùng chăn gối, mà cũng để chỉ tình trạng hai người, hay hai nhóm hợp ý với nhau đến độ gần như thông đồng với nhau trong mọi chuyện. Hiểu theo nghiã này thì ai cũng phải công nhận truyền thông dòng chính đã chui vào “ngủ chung giường” với TT Obama ngay từ những ngày đầu khi ông này xuất hiện trên chính trường Mỹ.

Năm 2004, trong Đại Hội đảng Dân Chủ, theo đề nghị của thượng nghị sĩ John Kerry, ứng viên tổng thống năm đó, ban tổ chức đã mời ông Barack Obama, một nghị sĩ vô danh của tiểu bang Illinois lên đọc bài diễn văn chính của đại hội, phác họa đại cương hướng đi của đảng Dân Chủ dưới sự lãnh đạo của ông Kerry. Chẳng những ít người nghe tên, mà ngay chính ông Obama cũng không phải là một chính khách cực kỳ xuất sắc, được sự ngưỡng mộ của đa số cử tri. Năm 2000, ông ra tranh cử dân biểu liên bang trong một địa hạt phiá nam Chicago và bị thảm bại khi đối thủ cùng đảng Dân Chủ của ông thu được gấp hai lần số phiếu của ông.

Tại Đại Hội đảng, với bài diễn văn được trực tiếp truyền hình trên tất cả các đài chính, vào giờ cao điểm –prime time-, ước lượng có gần 10 triệu người coi, truyền thông khám phá ra “của lạ”, khai thác tối đa, thổi ông Obama lên tận mây xanh, ca tụng bài diễn văn của ông Obama như là một tuyệt tác chưa từng thấy từ bài diễn văn tại Gettysburg của TT Abraham Lincoln, cách đây 150 năm.

“Cái lạ” trong ông chính khách Obama quả là rất nhiều: diện mạo bảnh bao, tuổi trẻ đầy tương lai, nói năng hùng hồn, khác xa mấy ông già Dole, McCain, hay Al Gore, bài diễn văn kêu gọi đại đoàn kết toàn dân mang đầy ý nghiã, đáp ứng đúng ước vọng của thiên hạ. Nhưng quan trọng hơn thế nữa, ông là da đen, với cái tên cực lạ lùng, lại còn có tên đệm ở giữa là Hussein, một Đấng Tiên Tri của đạo Hồi, khi mà dân Mỹ còn đang ngơ ngác tìm hiểu về đạo Hồi, về lý do tại sao lại có biến cố 9/11.

Bài diễn văn đọc vào tháng Bẩy, khi ông Obama đang tranh cử thượng nghị sĩ đại diện cho Illinois. Bốn tháng sau, tháng Mười Một năm đó, ông dễ dàng đắc cử, trở thành thượng nghị sĩ da đen duy nhất trong Thượng Viện liên bang lúc đó. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ là sáu năm, nhưng chưa đầy hai năm sau khi đắc cử, cuối năm 2006, TNS Barack Obama tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống cuối năm 2008.

Trong hai năm tranh cử, 2007-08, ông đã được truyền thông dòng chính, với khuynh hướng cấp tiến rõ ràng, tung hô như chưa một chính khách nào được tung hô từ xưa đến nay. Truyền thông cấp tiến nhất loạt ca tụng ông như là Đấng Tiên Tri tái thế. Bình luận gia Chris Matthews của đài truyền hình MSNBC vỗ ngực khoe mình đã có cái may mắn cực kỳ lớn lao là sinh vào đúng lúc ông Obama giáng trần để cứu nhân độ thế.

Hậu thuẫn mạnh mẽ của truyền thông dòng chính đã giúp tung tên tuổi và uy tín của ứng viên Obama lên tột đỉnh, khiến cả nước ngây ngất mê mẩn, giúp ông thu được và chi cho cuộc tranh cử hơn 700 triệu đô, một con số từ xưa đến lúc đó, chưa ai dám nghĩ tới chứ đừng nói kiếm được. Với số tiền khổng lồ đó, ông đã lần lượt hạ được hai guồng máy chính trị vĩ đại của hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, hạ được bà cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton, và người hùng John McCain, để chễm trệ trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ.

Tất cả các chuyên gia chính trường Mỹ, thiên Dân Chủ hay Cộng Hòa, đều đã phải nhìn nhận ông Obama đắc cử tổng thống là kỳ công của ông, nhưng cũng phản ánh ảnh hưởng vĩ đại của truyền thông dòng chính. Tất các đài truyền hình lớn như ABC, CBS, NBC, MSNBC, CNN đều công khai ca tụng và hậu thuẫn ông Obama. Tất cả các báo lớn như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, San Francisc Chronicle, USA Today, ..., các tạp chí Time, Newsweek, ... đều nhất loạt tung hô ông Obama. Tiếng nói duy nhất không ủng hộ Obama là đài truyền hình Fox News.

Trong cuộc tranh cử, màu da của ông Obama đã được truyền thông cấp tiến khai thác tối đa. Họ cố ý nhấn mạnh vào yếu tố màu da, một phần vì ý muốn làm nên lịch sử với tổng thống da đen đầu tiên, đồng thời cũng đánh mạnh vào mặc cảm kỳ thị của đại đa số dân da trắng Mỹ, để khiến họ cảm thấy vừa áy náy vừa muốn chứng minh cho thiên hạ và thế giới thấy nước Mỹ không còn kỳ thị màu da nữa. Dĩ nhiên là đối với dân da màu thiểu số, từ da đen, đến da nâu, da vàng, da đỏ, họ cũng không quên nhấn mạnh việc ông Obama đắc cử sẽ mở cửa Tòa Bạch Ốc cho tất cả mọi sắc dân thiểu số trong tương lai.

Một lý do thầm kín ít người dám nói đến nữa là nhiều người Mỹ hy vọng với một tổng thống có tên Hussein, biết đâu khủng bố Hồi giáo sẽ không gây chiến với Mỹ nữa.

Truyền thông công khai đe dọa việc bà Hillary đắc cử sẽ khơi lại những bê bối của ông chồng bà, cựu tổng thống Clinton, và sẽ giúp Cộng Hòa thắng cử. Hầu hết các cơ quan truyền thông và báo chí lớn chính thức cổ võ cho ông Obama chống bà Hillary.

Sau khi ứng viên Obama hạ được bà Hillary ra đối đầu với ông McCain của Cộng Hòa, thì họ quay mũi dùi vào ông McCain. Đây là một điểm hết sức đặc biệt cần nhấn mạnh. Ông McCain, trong mấy chục năm làm thượng nghị sĩ luôn luôn là một thứ “con cưng” của truyền thông cấp tiến, vì quan điểm tương đối cởi mở, ôn hòa của ông so với các chính khách Cộng Hòa khác bảo thủ mạnh hơn. Ông McCain cũng được cảm tình của truyền thông vì tính nói thẳng và thân thiện của ông đối với các nhà báo, ký giả.

Thế nhưng khi ông McCain trực diện với ông Obama thì truyền thông quay qua ủng hộ gà nhà cấp tiến Obama ngay. Ông McCain bất thình lình biến thành bảo thủ cực đoan, một ông già lẩm cẩm không thể có khả năng dẫn đắt nước Mỹ qua cuộc khủng hoảng gia cư và tài chánh của năm 2008, cũng như không thể mang nước Mỹ vào thiên niên kỷ mới.

Nhưng những tấn công chống ông McCain chỉ là những món ăn điểm tâm rất nhẹ so với cuộc chiến của truyền thông chống bà ứng viên phó tổng thống Sarah Palin. Ngay sau khi bà Palin được chính thức công bố là ứng viên phó cho ông McCain, hàng ngàn nhà báo đổ bộ lên đất Alaska đi tìm hiểu về con người bà Palin. Chẳng những đời tư của bà, mà đến cả chồng và con của bà cũng bị bôi nhục công khai trên các báo, từ báo lá cải đến New York Times. Tạp chí Newsweek đưa hình bà Palin lên trang bià, nhưng là một bức hình bà ăn mặc quần áo thể thao, và khen bà có đôi chân dài. Nói cách khác bà ứng viên phó tổng thống của Cộng Hòa chỉ là một người đàn bà sexy, có đôi chân dài đẹp như một vũ nữ, không phải là hình ảnh của một nữ phó tổng thống. Trên truyền hình, hình ảnh của bà Palin bị bôi lọ như một mụ đàn bà nhà quê ngớ ngẩn nhất thế giới.

Cho đến năm ngoái, trong cuộc tranh cử giữa TT Obama và TĐ Mitt Romney, vai trò hậu thuẫn Obama của truyền thông dòng chính vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Truyền thông cấp tiến đã khoả lấp, hay phớt lờ, hay biện minh cho những thất bại khổng lồ của bốn năm nhiệm kỳ đầu của TT Obama, trong khi hình ảnh ông Romney được tô vẽ một cách cực kỳ xấu sa: một tài phiệt da trắng vô cảm, chỉ muốn bảo vệ nhà giàu, và lo cắt trợ cấp của dân nghèo, dân lao động, và dân thiểu số.

Danh sách mạnh thường quân được công bố cho thấy 80% ký giả, nhà báo của truyền thông dòng chính đã gửi tiền yểm trợ quỹ tranh cử của TT Obama.

Thái độ thiên vị này cho đến nay vẫn được duy trì, một cách công khai, không chút e lệ nào.

Ngày thứ ba tuần qua, TT Obama đọc bài diễn văn báo cáo tình trạng liên bang trước quốc dân. Ngay sau đó, thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida được Cộng Hòa chỉ định đọc bài diễn văn trả lời tổng thống. Bất cứ một nhà báo bình thường nào, có thái độ nghiêm chỉnh, cũng phải bỏ công sức và thời gian để phân tích hai bài diễn văn cực kỳ quan trọng này. Nhưng sự thực lại không phải như vậy.

Trong những ngày sau đó, báo chí và truyền thông tập trung tối đa vào một chi tiết thật vớ vẩn. Đó là hình ảnh ông Rubio đang nói chuyện thì ngưng lại, liếc qua liếc lại, rồi cúi xuống lấy ly nước lạnh, uống một hớp trước khi nói tiếp. Câu chuyện không có một chút ý nghiã gì, và cũng chẳng có gì bất thường. Vậy mà truyền thông tung tin này lên hàng đầu trong mấy ngày liền, gọi đó là “water-gate thứ hai”, nhái lại chuyện xì-căng-đan Watergate đã từng buộc TT Nixon phải từ chức. Nguyên một ngày liền, hình ảnh ông Rubio uống nước đã được tung lên liên tục cả mấy chục lần trên đài CNN. Một nhà báo khác đặt ngay câu hỏi “đây có phải là ly nước chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Rubio không?”. Thú thật, cho đến bây giờ, kẻ viết này vẫn chưa hiểu chuyện uống nước này có gì tai hại đáng nói đến thế.

Nhưng nếu nhìn xa hơn một chút thì có thể ta sẽ hiểu vấn đề. Ông Rubio là ngôi sao sáng đang lên của Cộng Hoà. Có nhiều tin ông này sẽ là một ứng viên nặng ký của Cộng Hoà trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tới đây. Tên tuổi của ông gần đây đã nổi lên vì ông là người đã đưa ra một đề nghị cụ thể để giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp. Chẳng những đề nghị của ông có tính ôn hoà và thực tiễn, mà ông lại còn là con của di dân bất hợp pháp từ Cuba qua, nên tiếng nói của ông trong vấn đề này thật là nặng ký. Đề nghị của ông đã đẩy ngay những đề nghị của TT Obama vào hàng thứ yếu, không đáng chú ý bằng.

Đây gọi là truyền thông cấp tiến đánh phủ đầu trước, ngay từ bây giờ khi tư thế của ông Marco Rubio còn chưa vững mạnh lắm. Chỉ cái chuyện uống nước chẳng đâu vào đâu cũng trở thành đề tài để đánh đối phương tương lai.

Truyền thông này còn chơi trò chắc ăn hơn là chẳng những triệt hạ đối thủ mới, chưa nổi, mà cũng đánh luôn cả những đối tượng cũ, cho họ khỏi có cơ hội ngóc đầu lên lại.

Tuần qua, một trang mạng mang tên là The Daily Currant, loan tin bà Sarah Palin hợp tác làm bình luận gia cho đài truyền hình Al Jazeera. Mấy ngày sau, nhà báo phe ta Suzy Parker vồ lấy tin này, cho đăng lên Washington Post, gợi ý là bà Palin giả dối, hợp tác với đài truyền hình mà bà Palin vẫn công khai chỉ trích là tiếng nói của khủng bố Hồi giáo quá khích.

Tin đăng trên Washington Post thì phải chắc hơn đinh đóng cột? Nhưng không phải vậy. The Daily Currant là một trang mạng mang tính “đùa dai chính trị”, chuyên đăng những tin vịt cồ hay tin miả mai, chọc quê chính trị, tương tự như Le Canard Enchainé của Pháp. Nhưng bà Suzy Parker, trong tư thế hăm hở đánh phe địch bảo thủ Cộng Hòa, đã thấy tin này và mừng quá mất khôn, vồ lấy, coi như tin có thật, cho lên bài. Ban biên tập Washington Post không biết vì lý do sơ xuất, hay quá tin tưởng vào bà Parker, hay cũng mừng quá mất khôn, cho đăng tin này lên mà không kiểm chứng gì hết. Sau đó thì chính The Daily Currant xác nhận là tin vịt họ phịa ra chơi cho vui, khiến Washington Post phải lúng túng cải chính tuy không biết có xin lỗi bà Palin hay không.

Cái tin vịt bà Palin “hợp tác” với Al Jazeera đã bị Washington Post vồ lấy như của báu để đánh bà Palin. Trong khi cái tin cựu PTT Al Gore bán đài truyền hình của mình cho Al Jazeera với giá năm trăm triệu đô, giúp Al Jazeera cơ hội phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ thì lại được coi như tin kinh doanh bình thường, chẳng có ý nghĩa gì khác.

Báo Washington Post là “bà con” (cùng chủ) với tạp chí Newsweek, là tạp chí mà ông chủ bút năm 2008 đã từng gọi Obama là Đức Chúa –God-. Newsweek đầu năm nay mới đóng cửa tiệm không phát hành nữa vì lỗ lã quá, chỉ còn duy trì bản online trên mạng. Nghe nói mấy ông bà chủ Newsweek cũng đang dọ bán Washington Post luôn vì lỗ nặng.

Với thái độ thiên vị như vậy, việc TT Obama thao túng truyền thông trong thời gian qua đã trở thành quá dễ dàng mà chẳng gặp khiếu nại quan trọng nào.

So với các vị tiền nhiệm như cha con ông Bush, Clinton,..., TT Obama là người xuất hiện trên truyền hình nhiều nhất, nhưng lại là người họp báo ít nhất. Phần lớn các hình ảnh truyền thông phổ biến là hình ảnh do Tòa Bạch Ốc chụp và phổ biến.

TT Obama tự khoe chính quyền Obama là trong sáng –transparent- nhất trong lịch sử hiện đại. Lời tuyên bố này đã bị một nhà bình luận của Washington Post cho là “đúng, nhưng chỉ đúng với những chuyện gì TT muốn cho phổ biến, có lợi cho ông”, trong khi những tin bất lợi thì rất khó biết đâu là sự thật. Điển hình là vụ khủng bố tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi, hay những vụ đột kích khủng bố bằng máy bay không người lái, hay mới nhất là chuyện quân Mỹ can thiệp lén lút vào một số nước Phi Châu.

Tuần trước, TT Obama đọc báo cáo tình trạng liên bang, đưa ra hàng loạt chương trình, kế hoạch. Truyền thông cấp tiến vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, nhưng không một tờ báo nào đặt câu hỏi TT Obama sẽ lấy tiền ở đâu ra?

Trong những năm tháng tới, khuynh hướng “phục vụ” cho TT Obama sẽ được đài truyền hình NBC công khai hoá một cách không thể rõ ràng hơn. NBC loan tin đã mời ông David Axelrod, cựu “cố vấn tối cao” của TT Obama, tác giả hai cuộc vận động tranh cử thành công của TT Obama, làm bình luận gia chính thức của NBC. Đài truyền hình “con đẻ” của NBC là đài MSNBC thì loan tin cựu phát ngôn viên của TT Obama, ông Robert Gibbs, sẽ là bình luận gia chính của MSNBC.

Nếu những chuyện trên chưa chứng minh được là truyền thông dòng chính “ngủ chung giường” với TT Obama thì cần phải có bằng chứng nào khác? Mà cho dù có bằng chứng khác thì có lẽ vẫn chưa thuyết phục được những người đang nhắm mắt coi TT Obama như thần tượng. (24-2-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biên giới và người di dân bất hợp pháp là đề tài nóng bỏng trong mùa bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Trước khi vào bài chuyển ngữ: Lịch sử là những sự thật và thường liên hệ đến tương lai. Những nhân vật đóng vai trong lịch sử, dù muốn dù không
Hàng ngày! Chúng ta thường thấy trong các bản tin thời sự quốc tế được đăng tải trên các báo tronng nước, người ta thường đặc biệt nhấn mạnh
Chiều thứ sáu ngày 29, 2008 gần 200 giáo chức, nhân viên điều hành thuộc các học khu Anaheim, Garden Grove và Santa Ana
Nhà thương tâm bệnh DePaul ở New Orleans bảo trợ một cuộc hội thảo do bác sĩ Patrick Carnes điều khiển, về đề tài: Lành Mạnh Tính Dục và Tinh Thần.
Tôi du hành đến nhiều nơi vòng quanh thế giới và khi thuyết giảng trước quần chúng, tôi có cảm nghĩ rằng tôi là một người bà con trong gia đình của họ
Vào đúng hai giờ chiều, ngày 1, tháng 10, 2007; một phái đoàn gồm 30 quan khách đã được long trọng
Một xã hội được quản lý bởi lực lượng quân đội, gọi tắt là quân quản, là dấu hiệu của một thời kỳ đặc biệt của lịch sử, hay là thời kỳ chuyển tiếp
Qua các cuộc đấu tranh cách mạng từ cổ chí kim, vai trò của tuyên truyền (truyền thông) đã được khẳng định luôn đóng một vai trò cốt yếu
Suốt ba tháng qua ở San Jose, thành phố với gần 100 nghìn người Việt sinh sống và chiếm 10% số cư dân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.