Hôm nay,  

Con Chuột Và Người Bộ Đội Già

19/02/201300:00:00(Xem: 8183)
Anh tên là Lân, cựu bộ đội già chính quy. Tuổi hưu trí đang ở ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hy”. Cuối thập niên 60, anh là giáo sư dậy thể dục ở trường trung học tỉnh Sơn Tây.

Khi chiến sự leo thang, miền Bắc đổ quân vào Nam, anh bị động viên rồi theo đường mòn di chuyển về Nam với khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam”. Tháng 4 năm 75, anh theo đoàn quân “ngơ ngác” tiếp thu Sài Gòn rồi vài tháng sau được giải ngũ, trả về quê cùng vợ con. Vốn thuộc thành phần tiểu tư sản, có trình độ học vấn trung cấp nên suốt quãng đời binh lửa, anh chỉ leo được đến chức tiểu đội trưởng với một bảng khen gia đình in sẵn chữ ký của ông đại tướng quân đội nhân dân Võ Nguyên Giáp. Anh treo nó ngay giữa nhà, bước vào là thấy ngay, vừa để khoe vừa làm bùa hộ mệnh! Tôi để ý thấy vài con nhện giăng tơ chung quanh làm nền bắt muỗi! Vợ anh chết vì xuất huyết khi sanh thằng con út một năm sau ngày đoàn tụ để anh trong cảnh gà trống nuôi con. Đến bây giờ thì chúng nó đã lớn, có gia đình riêng. Trời thương anh còn sức khoẻ, cuộc đời cô đơn cứ thế trôi ngày qua ngày ở quê xứ Đoài.

Vì có liên hệ họ hàng nên nhân chuyến viễn du về quê ngoại, tôi ghé thăm anh. Vun vén gia tài từ đời cha, anh cũng mua được một căn hộ ọp ẹp trong ngõ hẹp! Phòng khách ngoài tấm bảng khen, giản dị kê bộ ghế đã phai mầu và cái bàn cũ mốc sờn cạnh. Đối diện chỗ tôi ngồi, ở góc phòng có chiếc tủ lạnh và hũ gạo, tôi sững sờ để ý thấy một con chuột to bằng bàn tay, lên xuống qua lại với quỹ đạo từ gác xếp bò theo bờ tường xuống chỗ chúng tôi ngồi vì đồ ăn thức uống vương vãi tại đây. Chuột sống và lớn lên ở nơi này có lẽ đã lâu nên thông thạo đường đi, nhanh nhẹn leo trèo, đôi khi ngừng lại nhìn mọi người chào hỏi (?) rồi mới trốn chạy. Tôi khuyên anh để bẫy bắt vì sống chung với chuột dễ bị lây bệnh. Anh khua tay trả lời thản nhiên:

- Mặc kệ nó! Không cần bắt, từ từ nó cũng chết vì mèo hàng xóm hay tự ý sẽ dọn đi ở chỗ khác...

Trước nhà anh có cái loa phát thanh ngày hai buổi, sáng chiều đọc tin vẻ vang đất nước và sập sình nhạc vàng cách mạng. Lần nào cũng thấy anh đóng chặt cửa ngõ để được yên thân dù phải ngồi trong bóng tối giữa ban ngày. Gợi chuyện cho vui, tôi khuyên anh làm đơn trình thị trưởng cái loa vô duyên ấy, nó hướng thẳng vào nhà gây nên nỗi khổ thường nhật, dù không nghe nhưng tinh thần bị hoang mang mất ngủ, thế là anh thao thao bất tuyệt với chính sách bất công của nhà nước xã hội chủ nghĩa và cuối cùng lập lại câu kết:

- Mặc kệ nó! Nó nói nó nghe, việc ta… ta làm!

Tôi làm bộ ngây thơ, bàn với anh: dự định chiều nay khi bóng đêm ụp xuống, sẽ leo lên cột đèn cắt đứt dây để khu xóm được yên thân... Anh nói trong sợ hãi, vẻ mặt kinh hoàng, cho rằng tôi “ngu dốt” chẳng hiểu ngô khoai xứ này và mặt đỏ ửng, gân cổ quả quyết là công an sẽ tìm ra thủ phạm, mất nhà và đi tù cả đám! Bàn vấn đề dân chủ, tôi “vô tư” đề nghị anh nên phúc trình với người đại diện tỉnh Hà Tây những điều ngang trái vì với bảng khen của ngài Đại tướng do công lao chinh chiến, người ta phải đối xử nể nang với anh chứ?

- Mặc kệ nó! Đừng dại! đụng vào… đi tù mọt gông! Ở Hà Nội, người có thẩm quyền đều thấy vô lý, chẳng mống nào dám lên tiếng cả! Giả dụ nếu có ai mạnh miệng thì rồi cũng chìm xuồng mà thôi! Thế thì thằng tôi… ăn thua mẹ gì mà báo cáo với báo công!

Thấy anh lãnh lương hưu trí ngành giáo dục mỗi tháng vỏn vẹn chỉ được 1 triệu rưỡi, tính ra khoảng 75 đô la Mỹ, “bàn lề” cho vui cửa nhà, tôi khuyên anh nên đệ đơn lên bộ quốc phòng xin tiền trợ cấp vì 10 năm chiến đấu “chống Mỹ cứu nước” chỉ mang về tấm bảng khen “Tổ Quốc ghi công” không đổi lấy được nửa ký gạo thế mà bây giờ còn sợ chính quyền thị xã như quan thầy thực dân! Nói xong, tôi lại bàng hoàng được nghe tiếng anh sang sảng:

- Mặc kệ nó! Chả dại tốn phí thì giờ một cách vô ích... Có bao nhiêu thì nắm lấy mà tiêu cầm hơi! Người ta có chính sách cả rồi, mỗi tháng đừng bớt tiền hưu của tôi là xong chuyện…còn ai muốn làm gì thì cứ làm!

Một hôm đẹp trời, trước cửa nhà anh người ta mang hồ đến để xây bãi rác công cộng, anh đau khổ mỗi lần ra phố là gặp lù lù đống rác... Tôi làm bộ lên tiếng phản đối vì thấy quyền lợi phía mình bị tổn thương nhưng câu trả lời “vũ như cẩn” của anh một lần nữa lại khôi hài bi quan:

- Mặc kệ nó! Trước cửa nhà nhưng đất xây bãi rác thuộc về nhà nước! Nó có xâm phạm lối vào nhà mình đâu?

Từ đó, hàng ngày anh nghe tin tức từ cái loa pha thêm mùi thối của rác nhưng vẫn phải đóng vai người dân mẫu mực, quân tử hào phóng không màng chuyện đời nhỏ nhen để mỗi lần an ủi số phận, phải cười ra nước mắt rồi buông thòng câu “Mặc kệ nó!” tuy ngắn ngủi nhưng nói lên cả một nhân sinh quan trên đất nước này!


Anh đã hơn 70 nhưng bề ngoài khoẻ mạnh và đẹp lão, nhiều trai làng có thể còn thua anh. Mất cái này thì được cái kia... Thời gian quân ngũ anh mất hết tuổi thanh xuân, gian nan vất vả nên ông trời bù lại cho phần thể lực rắn rỏi. Tôi thấy anh có mái tóc hoa dâm đẹp, thân hình mảnh mai cường tráng nhưng bộ răng người miền Bắc xấu xí, nhô ra như cái mái hiên nên mỗi lần nhai, anh phải đưa hàm dưới ra đụng vào hàm trên trông như con thỏ nhai cỏ! Tôi đề nghị anh tìm cách đi sửa nhưng cũng chỉ được nghe chữ nghĩa một điệu buông trôi:

- Mặc kệ nó! Tuổi này còn thiết gì!... Còn nhai ngày nào nuốt ngày đó! Đến đâu hay đến đó... Lo gì mà lo cơ chứ!

Anh cũng không mang kiếng ở tuổi gìa nên mỗi khi đọc hay nhìn bất cứ cái gì cũng phải dí sát mắt vào chủ đề nên tôi đề nghị mua tặng anh cặp kiếng cận nhưng anh cũng từ chối vì không quen mà cũng chẳng màng thử nghiệm xem có thể giúp anh hơn tình trạng hiện nay không? Tôi lại nhận được lời cảm ơn với câu nói cố hữu:

- Mặc kệ nó! Quen rồi! Chẳng cần...

Anh có người yêu, tuổi cô ta xấp xỉ con anh, chồng chết nên cô đơn, chót thương rồi bám vào anh. Mỗi lần làm tình, hãnh diện vì tình thực cô nàng trao, cả hai chấp nhận không mang bao cao su mà cứ thế “vào ra” cho trọn tình chăn gối. Tôi đề nghị anh nên nghĩ lại hoàn cảnh... Nhỡ nàng có bầu thì khổ cả ba! Với số lương chỉ đủ mình anh, cộng thêm tuổi già gần đất xa trời, anh sẽ chỉ mang đau thương cho người chót yêu anh. Lần này tôi ngạc nhiên và không tin tai mình, dù đã nhiều lần quen câu nói ngắn ngủi ấy:

- Mặc kệ nó! Có bầu thì đem đi nạo, ăn thua mẹ gì! Ở xứ này, con gái vào phá thai chẳng ai hỏi nguyên do hoặc bố nó là ai cả...

Chút buồn thảm dâng lên trong lòng nên tôi tìm cách đổi sang chuyện xưa cũ cho ngày hôm nay bớt dài... Thời chiến tranh, anh đào hầm sống dưới lòng đất để tránh bom đạn, máy bay đứng trên trời phóng thanh chiêu hồi, gần với tầm đạn nhưng các anh không dám bắn lên vì nếu để lộ là cả đoàn quân sẽ bị cầy thành cát bụi. Đôi bận, anh nghĩ đến chuyện bỏ rừng nhưng đảng đã khóa anh lại trước khi nhập ngũ, vợ con anh đã trở thành con tin ở nhà! Có vài người chống đối chính sách sinh Bắc tử Nam ở xứ Đoài, họ phải đeo tấm bảng nhục nhã: “Nếu ai cũng như tôi thì mất nước!” nối đuôi nhau đi khắp phố phường. Tôi mến anh ở tấm lòng chung thủy khi xưa, anh hy sinh để vợ con yên ổn rồi đến cuối đời cũng mãi chỉ là gà què quanh quẩn cái cối xay cay đắng Cộng sản gian manh. Anh kể với tôi ngày miền Nam thất thủ, quân đoàn chủ lực của anh bàng hoàng, không tin vào tình hình cho đến khi chiếc xe tăng phá tung cổng vào Dinh Độc Lập. Vận nước dù có tính cũng thua vận Trời vì theo anh nếu miền Nam chỉ kéo dài thêm 6 tháng phù du thì tình hình đã đảo ngược. Miền Bắc sẽ phải quy hàng vì lúc đó bất hoà với Tầu cộng đã nhen nhúm nẩy mầm. Quả tình chỉ thời gian ngắn vài năm sau đó, chiến tranh biên giới bùng nổ...

Nói chuyện xong, tôi chào anh ra về, vô tình lại gập con chuột bò xuống từ gác xếp trên trần nhà, nó khựng lại nhìn tôi như gởi lời chào vì có lẽ đây là nhà của nó! Tôi chỉ là khách lãng du, đến thăm rồi lại đi! Ra đến cổng mới biết, đống rác nuôi nhiều chuột chứ không phải chỉ có một con, không khử nó thì phải sống với một bầy đó cũng là lẽ thường tình...

Chủ nghĩa Karl Marx du nhập vào nước ta bởi một nhóm dân quê ít học! Kiếp người của họ chưa dứt đời nô lệ nên đánh ông Tây lại vác thằng ba Tầu về với cái chủ thuyết mà dân ta đa số “ất giáp” mù tịt nên biến nó thành chủ nghĩa “Mặc kệ nó!”. Thiết nghĩ tập đoàn Mc Donald thăm dò nhiều phen mà vẫn chưa dám bước vào thị trường Việt Nam có lẽ vì tên của họ giống cái xã hội “Mặc Đói No!” hiện nay.... Ai có tiền cứ “vô tư” ăn chơi, sống chết mặc bay!

Căn nhà của anh Lân hay quê hương đất nước như cùng hoàn cảnh tương đồng? Một lũ chuột ngày ngày thảnh thơi ăn gạo, chỉ cần bò xuống từ căn gác xếp hay lúc vắng người, “lỉnh” ra đống rác là no nê!

Giống như anh Lân, bị “tẩu hỏa nhập ma”, tôi lắp bắp: - Mặc kệ nó! Không cần bắt, từ từ nó cũng chết vì mèo hàng xóm hay tự ý sẽ dọn đi ở chỗ khác...

Nhưng biết đến bao giờ? Phải chăng anh Lân nói đúng vì “con mèo” phương Bắc từ mấy năm nay từng bước đã và đang xâm chiếm đất nước mình, còn những đảng viên có tiền gởi con đi học ngoại quốc mua nhà, mua cửa, dinh thự nguy nga để khi có biến là dọn sẵn lên đường!

Vừa đi trên đường phố Sơn Tây, tôi vừa lẩm bẩm vừa thẹn thùng với chính mình để không dám nói lên thành tiếng:

- Mặc kệ nó! Chiều đã xuống rồi... Kiếm tạm cái gì ăn thôi!

Cao Đắc Vinh

Ý kiến bạn đọc
19/02/201305:58:08
Khách
Bài viết sống động quá!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.