Hôm nay,  

Theo Gót Huyền Trân

09/02/201300:00:00(Xem: 7312)
Sàigòn sau thế chiến vẫn còn trong tình huống viên ngọc nhiều tì vít thô sơ mới đập ra từ đá chưa giũa chưa mài, chỗ dung thân thích hợp cho những tay anh chị tứ chiếng giang hồ lưu linh đãng tử, căn cứ địa của đám lỡ thời sống tạm chờ cờ tới tay dộng trống rung chuông. Các khu tồi tàn đầy ngẹt ao tù nước đọng hay chen chúc mả mồ như Chánh Hưng, Rạch Bần, Xóm Chiếu, Bàu Sen, Chợ Quán, Xóm Lò Gốm, Xóm Lò Vôi, Kinh Tàu Hủ, Bến Tắm Ngựa, xóm Mả Ngụy … rải rác trên một địa bàn quá rộng khiến Sàigòn đưa bộ mặt trơ trơ của một người luống tuổi nét nghèo khó in đậm trên da dẻ nhăn nheo mà vài chốn sang trọng nhỏ hí đi giáp vòng chưa mỏi cẳng như Charner, Catinat, Paul Blanchy, Bonard, Point de Plagueur không đủ bù đấp. Trên thì xe hơi, dưới thì ca-nô, nói vậy mặc dầu, Sàigòn vẫn mang dáng dấp của xứ chậm tiến với âm thanh móng ngựa suốt ngày lọc cọc trên đường nhỏ hẹp thời trung cổ, tiếng máy đò xình xịch trên những kinh lạch luông tuồng chằng chịch vang vọng nhức tai, lưu lại ấn tượng nghèo nàn trong lòng du khách hay mấy ông tây thực dân xui xẻo bị bắt trúng thăm phục vụ ở xứ thuộc địa hải ngoại xa xuôi về một cái xứ nóng cháy da phỏng trán...

Vậy mà Sàigòn mang phong thái Bồng Lai đối với người dân Lục tỉnh. Ai cũng ước ao đời phải được một vài lần lên thăm thú Sàigòn. Không thấy cái ga Cuniac người sao mà đông như kiến, không thấy ông-một-hình hùng dũng đứng giơ tay thi gan tuế nguyệt với nắng mưa, không được viếng chùa Cây Mai với cội bạch mai già hàng trăm năm, không được nghe kèn Tây thổi tò te dưới ánh mặt trời chiều thì dẫu đã từng rảo gót đông tây nam bắc mòn chưn mỏi gối cũng kể như kẻ quê mùa hủ lậu, chưa từng ló mặt ra khỏi xóm khỏi làng, “Lên Sài - gòn”, ba tiếng nầy thôi đã nói lên sự cao sang trên trước của vùng Bến Nghé, Gia Định. Ở trên cao Sàigòn ngó xuống “dưới miệt vườn”, miệt Lục tỉnh. “Lên Sài - gòn” được nói ra với lòng giấu nửa kín nửa hở chút hãnh diện ta đây được bước ra khỏi đám tre làng tầm thường vây quanh đời khốn khổ của bao người khác.

Sàigòn đối với dân đã chọn nơi đây làm chốn sống gởi thịt thác gởi xương thì là chỗ ghi lại ấn tích quá khứ đáng nhớ của đời. Hơn nữa, là nơi thân thiết ngọt ngào, xa thì bồi hồi nao nao dạ, ai cho chín xe mười vàng, ai mời giường lèo nệm gấm cũng nằng nặc đòi về, vắng đôi ba ngày đã thấm thía buồn, không thèm mở miệng, chẳng khác anh chàng bị khổ vì con vợ dữ dằn mới chớp được một con mèo ruột lại phải xé nát lòng lìa xa. Phải về Sàigòn để thấy lại nếp sống quen thuộc không biết tự thuở nào đã ăn sâu vô máu: guốc lóc cóc hiên ngang nhịp trên đường nhựa thi đua cùng song mã, xe kéo; ngói âm dương ngếch mặt mỉm cười với nhà-tây ngó xuống dân thầy chú nón cối trắng tinh đi kế bên cu-ly- băng-bù.

Mỗi sáng, ngay lúc trời còn tưng bửng mặt nhựt và nhúm thợ thầy ít ỏi có đời sống dễ thở của Sàigòn còn đương trùm mền kéo dài thêm giấc ngủ nướng thì chuông nhà thờ Huyện Sĩ đã ra công trau chuốt bằng nhạc điệu rềnh rang thân thuộc mà người lương người giáo đều coi như biểu hiệu cho sự bắt đầu của một ngày mới:

“Đẹp lắm người ơi, Chợ Quán, Cầu Kho!
Đẹp lắm người ơi, Chợ Quán, Cầu Kho. ”

Tiếp theo đó không lâu, tiếng kèn lập binh ở thành Tây đường “ong dèm rích ” — llè R.I.C chạy ngang hông trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, chỗ của những cậu học trò nho nhã trong bộ bà ba trắng, nón cối, guốc vông — trổi lên cà giựt ai từng nghe qua suốt đời không thể nào quên:

Thằng nào thức chưa, thằng nào chưa thức?
Thằng nào thức rồi, thằng nào ngồi đây?
Thằng nào thức chưa, thằng nào chưa thức?
Thằng nào thức rồi, thằng nào ngồi đây?

Các thợ ngọc ra tay trau chuốt giũa mài năm nầy năm khác, bao bàn tay cần cù ra công góp sức điểm tô, muôn vàn phận hẩm rút mình trong bóng tối cho tráng lệ phát huy, Sàigòn theo thời gian tỏa ánh sáng long lanh của thứ kim cương giác bông cúc, bông mai đúng kiểu. Mấy vết nứt mẻ được đẽo gọt khéo léo, chỗ vết than bọt bụi được giấu che tài tình. Khang trang tăng dần dà theo bóng nhật nguyệt đẩy đưa, đẹp đẽ chuyển mình theo thiều quang tấn thối, sót lại chăng ít vài nơi chưa kịp cởi lốt theo đà thì cũng rút mình che mặt trong sâu, kiểu cô gái phận hẩm biết mình vô duyên tối ngày lúc thúc lủi thủi trong nhà không dám chường mặt ra xóm giềng chợ búa.

Đời người bóng câu, tháng ngày miếng ăn thôi thúc gò lưng theo cuộc sống lắm khi ngoái lại ngạc nhiên về cảnh tượng nhưng chỉ nói được đôi câu chứng tỏ từng nhận thấy biển dâu biến đổi, từng đặt dấu chưn nhãn mục trên vùng. Thế thôi. Lòng tuyệt nhiên không mảy may bận bịu vì chính sự đổi thay hay tiếc nuối những gì đã trở thành quá khứ.

“...Chỗ đó đó, dãy nhà lầu cửa sắt đỏ xanh, mang máng như là hồi nẳm lềnh khênh rác rưởi, đầy trời vo ve ruồi xanh, chuột cống chuột con lục lạo thiếu điều nát đất, chòi lá lụp xụp dựa lưng nhà sàn cao cẳng chênh vênh cò ma lội bùn. Nước ao tù đọng đâu từ thời cố Hỷ cố Lai, màng màng dật dờ hôi hám quanh năm như lớp áo thiên nhiên bảo vệ lớp rong rêu bên dưới ... Vậy mà bây giờ...”

“… Nhớ chừng như đâu đây còn có dấu tích cái giếng gạch bự xộn, xưa lắm, gạch xây miệng cao tới ngang hông người, nước mội ngọt lịm, người vùng lân cận thường tới kéo nước đem về để dành. Vùng nầy bỡi vậy kêu là Xóm Giếng Cựu Trào. Hồi còn mũi dãi lòng thòng tôi thường hay hát theo bạn bè trang lứa vào những đêm trăng sáng: “ Giếng nầy là giếng cựu trào. Hồi tôi còn nhỏ tôi nào biết đâu.”

“…Chỗ mấy cái bun-đinh đằng đó hồi tôi mới dọn tới còn lác đác mấy đống rác cao ngập đầu của hãng thuốc M.I.C., đồ phế thải với lại nhãn thuốc in trật cuối tuần họ đốt bỏ, khói trắng bay ngập trời!"

"… Còn nhớ mài mại đâu như là chỗ đó trước đây lụp xụp vài ba cái lều cái chái dơ dáy của mấy con mẹ tào kê miệng ngọt như mía lùi, nuôi em rước khách đủ giống người bất kể chà và, cắc chú, tây đen mặt gạch …”

Hồi nẳm, khi tôi còn nhỏ, hồi tôi mới dọn tới … móc thời gian tỏa ra trong không khí chút hãnh diện của người nói, nhưng thiệt mù mờ cứ điểm tháng năm. Người nói chỉ cần được dịp ta đây cho sướng miệng, người nghe mường tượng được đại khái những gì trước đó đã là quá đủ. Móc thời gian niên đại đâu phải mối bận tâm! Ai rảnh rang đâu trân triu lịch sử từng vùng nhỏ nhoi? Ai ở không chắt mót lý lịch từng xóm mà ngồi xuống kiểm chứng những đổi thay chính xác qua lịch sử?

Lời nói cũng không lấy gì xác quyết: hình như, nhớ chừng, nhớ mài mại, mường tượng, mang máng ... Trí nhớ con người bị quay mòng với đời không đủ sức ghi nhận chuyện sờ sờ trước mắt, chỗ đâu chứa mấy cái chuyện lẩm cẩm đã bay bổng mất miên viễn theo thời gian lại không ăn nhằm gì tới cuộc sống nhiều biến thiên trước mặt?

Sàigòn cổi lớp từ từ, chậm chạp như người ghẻ lở kinh niên may chạy trúng thuốc trúng thầy. Nước lá ổi pha phèn tắm vài lần, mụn nhọt đã rủ nhau kéo da non, nước riềng xức lên vài bữa, mình u mặt nần đã chỉnh trang cởi lớp. Ăn được, ngủ ngon, cô gái lọ lem con Tấm Sàigòn biến thành giai nhân Hằng Nga hòn ngọc Viễn Đông theo từng ngày tháng.

Thiên hạ bỏ làng lên Đô thành theo nhịp lộng hành của mấy chuyện mò tôm, dồn trấu. Bàng dân thiên hạ hướng về Sàigòn như thể hoa quỳ hướng dương. Đất trống hằng hà, ao đầm vô số, Sàigòn mở rộng tầm tay với bất cứ ai tới cất nhà, đóng cọc, lên nền. Lẹ tay, đất tốt rộng rãi, chậm chân, kết bạn với sình hôi, ao vũng, không ai mất phần. Đất hoang hằng hà sa số đâu chẳng có, chuyện giấy tờ phép tắc nhà nước thủng thẳng tính sau. Dãi đãi từ từ rồi cũng đâu vô đó. Kẻ cố cựu đếm trên đầu ngón tay, ai cũng dân tứ xứ, cũng người mới, ngoại giao nói khó với anh Hai chú Ba xung quanh, khó khăn mấy cũng êm xuôi, gật đầu chào thân thiện với chị Tám dì Sáu lân cận, chật chội mấy cũng được nhường phần.

Lương hảo tốt bụng, thiên hạ mở rộng cửa lòng đón nhận nhau trong tình huynh đệ bốn biển một nhà, nhìn thấy quá khứ chật vật mình trong hiện tại thất thiểu của người. Trước lạ sau quen, xảy ra chuyện gì sớm tối láng giềng có nhau quý hơn bà con xa cả đời không gặp. Thiên hạ cười vui hể hả giúp đỡ người còn vật vờ vật vưỡng. Ai cũng vậy, xây cho có cái nhà tạm trú. Lụp xụp chật hẹp nhưng được chỗ ngả lưng rồi còn lo chuyện mần ăn, cơm áo. Đất đai của ai, hằng tháng trả bao nhiêu, xin phép từ đâu ... lo gì chuyện pháp lý xa vời? Thiên hạ ai sao tui vậy chẳng lẽ nhà nước nghe lời chủ đất bắt buộc mình giở nhà đuổi mọi người ra cho nheo nhóc nắng mưa? Đâu có ai bị tù vì cất nhà không giấy phép? Đâu ai xộ khám vì thiếu chữ ký của chủ chà?

Cây lành chim chen nhau đậu. Đất trống hiếm khan lần, bãi sình cũng thưa mặt. Lạch cùn, đầm cạn teo túm lần theo mức độ tăng trưởng của người chiếm cứ, kẻ chậm chưn đành bấm bụng ăn chung ở chạ với người quá vãng trong các mộ địa căn cứ của ma trơi âm khí ít ai bén mảng. Họ đạp lau lách dựng nhà, bang phác cỏ năng đấp nền, bậm môi lấn lướt người khuất mặt, làm gan coi ma cỏ như chuyện phong thần, lý luận câu sinh ký tử quy chết rồi thành đất nếu có chăng chuyện âm dương thì người khuất mặt cũng thông cảm lẽ sinh tồn.

Chưn người qua lại mả mồ lạn xụp lần lần. Heo gà bươi ủi tróc đất lật mộ bia từng cái từng cái. Hơi dương thạnh từ từ theo sự phát triển nhà cửa đường sá và sự ô uế của người sống, xua đuổi khí âm bước thêm bước nữa vô trong tận cùng hẻm hóc xa xuôi khuất lấp.

Một ngày nào đó nhà mới có khách gõ cửa. Đất công ty cất nhà lên có phép hay không đều phải trả tiền tháng. Ai cũng vậy thôi, không chỉ riêng nội một khoảnh nhỏ nào mà bao la ngang dài hàng chục cây số, có khi bao gồm luôn mấy cù lao, hai ba cái giồng, năm bảy cái bàu, lạch... Khách mặt mũi phương phi, da đen nhưng mập mạp như ông Tây, áo quần tươm tất, cặp táp da bóng lưỡng đi từ nhà nầy qua nhà khác chào hỏi giọng Việt Nam đặc biệt cà ri lờ lợ.

Chủ nhà ở trần quần xà-lỏn đen mốc trắng thủng thẳng bước ra chào thầy Bảy, than thở ba điều bốn chuyện rồi hẹn lần hẹn lửa. Không phải không trả nổi. Tiền đất mỗi tháng chỉ bằng hai ly cà-phê sữa, trả cái rụp luôn một năm cũng hỏng nhằm nhò gì nhưng cứ thiếu chịu vài tháng chơi cho vui. Chừng nào ấp lẫm thấy kỳ kỳ móc túi ra trả c ũng không muộn màng gì. Cả năm dồn lại nhiều lắm cũng chỉ bằng một lần dẫn vợ con đi tiệm nước ăn hủ tiếu có bỏ thêm vài dĩa xíu mại, bánh bao ăn thả dàn, tráng miệng sơ mấy cái bánh tiêu chấm cà phê sữa ... Hẹn, bởi vì cử chỉ thất vọng của thầy Bảy thiệt bắt tức cười, chậm rãi bỏ cuốn biên lai vô cặp táp, tỉnh tuồng, không cau mày có mặt tỏ ý mích lòng. Hẹn, bởi vì chủ nợ không dám động tới sợi lông chưn mình. Để tháng tới gặp mặt thầy nữa chớ. Cho vui cửa vui nhà. Ở đây buồn quá, khách khứa gì đâu, quanh đi quẩn lại chai lì mấy bộ mặt bà con chòm xóm. Phải có gì khác hơn cho xôm tụ. Chạy sống cũng mất ăn mất ngủ, phải kiếm chuyện mua vui. Nghe tụi nhỏ ca chọc “chà-và chà-và điên" hay “có con đừng gả cho chà, nó đem lên nóc nhà nó lấp lòi mỡ sa…'' đâu phải bữa nào cũng có?

Thầy Bảy nghe ca mà miệng luôn luôn cười khoe hàm răng trắng bóc. Thiệt hiền như đất cục, người lớn, gặp tay bậm trợn ăn nói lỗ mãng thầy còn không giận hà huống gì tụi nhỏ hát tầm xàm tầm đế tiếng được tiếng mất?

Coi kìa, lại một câu nữa nghe như chọc phá tầm bậy tầm bạ. Không có gì xảy ra. Tụi con nít con nôi hát trời ơi đất hỡi chớ ai mướn tụi nó đâu. Múa men ca hát lỏm bỏm đã thèm rồi cũng giải tán. Thầy Bảy chỉ hề hề tiếp tục từ nhà nầy qua nhà khác. Ai biết thiếm Bảy mặt mũi ra sao mà xỏ xiên nầy nọ? Cáp đôi thầy với cô nầy cô nọ thầy còn mắc cở nữa kìa. Tội nghiệp lắm, mấy đứa con gái của tôi hả, phải còn đứa nào chưa chồng thẩy ưng đứa nào tôi gả liền đứa nấy không đòi hỏi gì hết. Người gì mà hiền hỏng thua Phật trên bàn, cả đời chắc hỏng biết làm mích lòng ai.

Cảm tình của người mướn đất đối với thầy Bảy tăng lần theo số lượng nhà cửa thi đua nhau mọc. Thầy trở thành một nhân vật sinh hoạt của vùng, của xóm bằng cách chịu khó ngồi xuống lóng tai nghe chuyện làm ăn, gia đạo của bất kỳ ai muốn nói cho hả hơi trước khi viết biên lai bỏ tiền vô cặp.

Thằng Lành dắt vợ lên Sàigòn đâu cũng được trót năm. Xứ sở ông bà không dung thân được vì mấy ổng làm quá đã đành, thêm bên vợ mới có chút đỉnh đã lên mặt lên mày theo kiểu tiền rừng bạc bể thấy bắt ghét. Lứa đôi với con họ thì phải nhịn nhưng mà nhục chí trai. Đi, đi xa lập thân, mang chài mang lưới ban đầu rồi cũng dễ thở lần lần có gì đâu mà hòng sợ. Chí trai mà! Với lại đất Sàigòn đâu có bạc đãi ai, vài năm lận lưng một mớ tiền, áo gấm hồi hương mấy hồi. Ăn nhờ ở đậu với bạn bè đỡ ngặt cái thời chưn ướt chưn ráo cái đã. Nhưng mà không lẽ báo cô thiên hạ hoài hủy? Thằng Lành từ khi cái bầu của vợ u u gò mối đã thấy cái chuyện ở chung ở chạ luông tuồng trở thành bất tiện mà còn dễ mích lòng mích bề. Tính kế khác, theo kiểu thiên hạ có chút đỉnh vốn liếng phòng thân. Một năm nay cũng đã chắt mót được nhấm mớ nên dọ chỗ cất nhà. Ai đó mách nước một miếng đất trống bên cầu Rạch Bần, nó kiếm tới chỗ năn nỉ ông Sáu — làm nghề khiêng trái cây ở chợ Cầu Ông Lảnh — cho nó “tàn quyền” khoảnh đất trống phía sau nhà mà lâu nay coi như ông làm chủ vì cái sàn nước của ông một mình độc chiếm.

Đất trống, đúng ra là phần rạch cùn của con rạch cạn. Rạch chết lần hồi vì thiên hạ lấp ngăn từ chặn từ chặn. Nước ứ đọng bốc hơi. Rác đánh những cú chí tử, con rạch nằm trơ mình như sấu mắc cạn lâu ngày thành lớm đớm những miếng ao tù nho nhỏ, lơ thơ mấy bụi dừa nước, vài cây bình bát, ngoi lên từ đám đất bùn đen sệt hôi hám, chọt một khúc cây xuống rút lên bùn dính đen như thuốc nhuộm, cái lỗ để dấu nhiều khi bốc hơi khí đá lên theo. Đáng lẽ thiên hạ đã chiếm lâu rồi, chỉ vì bốn bề nhà cửa bít kín chỉ còn chừa lại con hẻm hẹp té giữa hai tấm vách. Dĩ nhiên ông Tám phải cho Thằng Lành mượn tạm con đường sạn đạo bằng mấy tấm ván bắt chạy dọc theo hông nhà. Thiệt là Thục-đạo-nan. Mới đi lần đầu vợ thằng Lành sợ dựng tóc, lựng khựng như gái mới về nhà chồng. Tấm ván nhỏ híu lại trơn luồi lạng quạng có nước té xuống ăn bùn. Xây dựng cơ ngơi đâu dễ bao giờ! Thằng Lành khoái trá quá xá cỡ khi khám phá ra ý tưởng đó mình ên. Nó chịu tiền cà phê cho ông già, tiền trầu cau cho bà già mà lòng hớn hở. Điệu nghệ mà ta! Đồng tiền đi đúng chỗ là đồng tiền khôn.

Hôm nay một xe ba bánh xà bần. Mai một xe cá đất cục, mốt vài bao cà ròn vỏ dừa; từ từ như nước lớn, thằng Lành bằng mồ hôi nước mắt, bằng chí cần cù nhẫn nại vô biên đắp cái nền nhà được ớn với số tiền chẳng có bao nhiêu. Dộng nền cho cứng, đợi vài tuần coi kỹ lại cái chưn có bộng không. Bộng xụp nghiên thì đổ đất thêm nện lại lần nữa không thôi mai mốt cất nhà lên cột kèo xiên xẹo bà vô đó mà cứu! Dừng lớp vách bằng ván thùng sữa Con Chim, Trái Núi. Lợp thêm cái nóc đỡ bằng lá chầm. Vậy là đủ chỗ cho hai vợ chồng hủ hỉ sớm hôm. Đi ra đi vô khó khăn, phải bấm chưn vịn vách, sàn nước còn xài ké với ông Sáu dài dài, nhưng mà dãi đãi rồi tính. Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, chuyện đâu rồi cũng vô đó! Cái nhà đã có, khỏi lo chung lộn, tháng tháng khỏi chạy tiền nhà, không cần ké né quỵ lụy ai lại tránh được lục đục mích lòng mích bề. Tiền đất trả cho chủ chà không bằng một cuốc xe từ hãng đúc Nguyễn Văn Dụng tới đất Hộ Dakao. Dễ mà lo gì!

Trong lúc chưa đập bầu nằm dật dựa ở nhà, thấy chồng cực khổ, lây ý lo sợ cái thai mau lớn khó sanh, vợ thằng Lành xin phép chồng đi đò qua sông tới trường li-xum Nguyễn Văn Khuê lượm ba cái thứ hàng bông bạn hàng chợ Cầu Muối vạt bỏ, gọt tới xẻo lui bán bậy bạ cho dân xích lô xe kéo cũng để dành được nhắm mớ phòng hờ khi hữu sự.

Thời gian lặng lẽ trôi. Trong mấy năm chị nầy đập bầu liền xì bốc. Con trai, con gái. Ngưng hai năm lấy hơi. Con gái, con trai. Lượm, bán đồ hàng bông vạt ban đầu cầu âu cho vui cửa vui nhà càng ngày càng thành chuyện thiệt. Mang bầu lạch ạch cũng bò ra chợ, mới đẻ hôm kia cũng te te đi bán, bỏ lún mấy đứa nhỏ ở nhà khóc lòi rún, mặt mũi tèm lem tuốc luốc, sống chết phó thác cho trời khỏi cần cột niệt. Lúc sáu bảy tuổi con Bông nhỏ hơn thằng anh nó một tuổi phải làm chuyện người lớn, chiều chiều dắt thằng Cu anh nó và hai đứa em đi tắm. Ai thấy chuyện cũng bắt tức cười.

Vậy mà rồi trong nhà cũng sắm được đủ thứ bĩ bàng, vợ thằng Lành thêm chút đỉnh vòng vàng làm của lận lưng. Cả nhà ăn uống đạm bạc rau cỏ vậy mà trời khiến mấy đứa nhỏ, như cỏ hoang mọc dại bụi bờ bén rễ chịu nước, nhổ giò như thổi, sởn sơ không biết bịnh vặt bao giờ.

Một bữa nào đó, dòm tới bầy con, vợ chồng thấy nhà tù túng chật chội bèn đổ thêm xà bần, nối dài thêm khúc sàn nước, mở rộng thêm hai bên hông, cất tạm thêm hai cái chái. Bắt nhốt mấy đứa nhỏ trong nhà hoài cũng bó chưn bó cẳng tội nghiệp, con nít con nôi phải cho chạy chơi thong thả ở ngoài hít thở không khí cho lớn phổi. Vậy là đắp thêm cái sân, cắm cọc cái hàng rào. Rồi còn con đường đi vô nhà nữa! Nhịn ăn, nhịn bận một chút để đường dẫn vô nhà coi cho được. Không cần vác mặt hỉnh mũi với ai, chỉ sợ lụi xụi quá chúng khi dể. Ai đời cầu ván cầu khỉ quanh năm. Đóng đinh chắc mấy rồi cũng gập ghình. Chịu tốn một lần cho đáng, gát mấy cây đà xi măng cho cứng rồi "phè cánh nhạn” suốt đời. Khoẻ ru bà rù.

Tiền để chết một chỗ tuy là yên bụng rủi có bề gì thì có sẵn nhưng mà đâu có sanh lời, mà cừ tràm hay cừ xi măng, ván, cây ... thứ nào thứ nấy cũng ngày càng mắc mỏ. Không làm cho rồi năm nay năm tới cũng phải làm mà giá lại cao!

Theo cái đà lớn của mấy đứa nhỏ, căn nhà trong kẹt của anh Lành bành trướng từ từ. Nhà cửa chung quanh cũng đổi thay theo chiều phát triển. Người đã đi qua xóm Rạch Bần một lần, mấy năm sau có chuyện đi ngang sẽ ngạc nhiên lõ mắt như thấy lại đứa con gái nhỏ ngày xưa tóc cũn cỡn với cái kẹp ba lá inoxidable, mặt non choẹt, ngực mới u-u vú cau, giờ đã vươn vai thành cô thiếu nữ trổ mả, nhựa sống căng tràn, đầy đủ đường cong nét gợi.

Thầy Bảy Chà như hồi nào tới giờ, tháng tháng lết lê từ nhà nầy qua nhà khác nói nói cười cười đưa hàm răng trắng hếu, mở cặp thâu tiền đưa biên lai. Giá cả nhích lên chậm chạp, một vài năm bò lên chút đỉnh nhằm nhò gì, không gợi chú ý của một ai. Sàigòn vẫn sống theo nhịp điệu hối hả của một thành phố đêm đêm nghe súng vọng về, biết ngày thanh bình chưa có nhưng coi đó là chuyện thiên hạ xa vời của Lục tỉnh miệt dưới, riêng đây vẫn đầy đủ tính chất thiên đường ... Tô hủ tiếu một đồng leo thang lên đồng hai, đồng rưỡi, hai đồng, hai đồng rưỡi ... Thiên hạ kiếm bạc cắc dễ dàng, vẫn ăn uống ào ào, vẫn chơi bời bất kể. Thành phố như con vật huyền sử không biết ngủ, luôn luôn mở cặp mắt tỉnh queo năm này sang năm nọ ...

Dân nghèo xích lô xe kéo tuy cực khổ rách rưới nhưng chưa từng biết túng với những món tiền nho nhỏ. Cứ xách xe ra, thiên hạ đi Đại Thế Giới, Kim Chung nườm nượp. Chưa kể chịu khó canh tới khuya thế nào cũng có gặp mối xộp. Mỗi đêm cả ngàn người sạch túi, hàng chục hàng trăm người thần tài ghé chào, ối thôi với mấy cha nội được của phù vân đầy túi, mắc rẻ năm bảy đồng họ coi như đất cục miểng sành, có khi hốt đưa từng nắm không thèm đếm. Ban ngày chịu khó môi miếng chỉ chỏ mấy cậu đầu-chải-bảy-ba-hột-gà ngồi tụm năm tụm bảy ở mấy tiệm nước hả, thế nào cũng bắt được mối đi Bình Khang, Bọt Đền. Nếu biết riêng vài cô nhảy dù, độc quyền giới thiệu thì kể như bẻ tiền đầu dài dài, bữa nào cũng chộ vốn. Mấy ông thần chơi hoang nghe chuyện gái sao khỏi híp mắt, bao nhiêu tiền trong túi chẳng tuôn ra?

Lựu đạn nổ lung tung ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo, ở rạp Cầu Muối; lựu đạn liệng giữa ban ngày ban mặt gần bót Catinat, gần sở Lục hình; mấy “trái mãng cầu” ai đó quýnh quá nhét đại dưới nệm một chiếc xích lô xui xẻo ... xảy ra như cơm bữa. Nhưng mà ăn nhằm gì ... Càng lộn xộn thiên hạ càng ăn chơi, càng xảy ra chuyện này nọ thiên hạ càng thấy có lý do xài tiền bất kể. Sống nay chết mai, đời đâu ai ngu chịu chết làm ma đói với cái bóp-phơi dầy cộm?

Mới đây, hai ba bữa trước, một trái nổ ở đình Thành Xương, tay chưn óc thịt bầy nhầy, ai thấy cũng bắt ói mà rồi cũng đâu vô đó. Tuồng mới khai trương khán giả cũng đông nghẹt, hạng cá kèo thiên hạ chen còn hơn cá hộp, thanh niên, già dịch kề vai cọ vế mấy cô la ơi ới mà vẫn đâm đầu vô.

Đồ hàng bông miệt dưới lên xe nào xe nấy đầy nhóc, khiêng vác cả đêm bữa nào như bữa nấy. Nhiều chợ mở thâu đêm suốt sáng, cơm sạp cháo chợ cà phê vợt thiên hạ vẫn ùn ùn đóng góp vô sinh hoạt bất tận của thành phố mang tâm trạng bất ổn sống vội từng ngày. Dưới nước ghe thương hồ đậu lềnh khênh đặc sông đặc nước. Mấy khúc Kinh Tàu Hũ, rạch Ruột Ngựa, rạch Lò Gốm đêm đêm tiếng rao chè cháo hột vịt lộn ... rót vô tai mời gọi, vui vui ...

Dân quê lớp lên tỉnh lập nghiệp, lớp lên mua sắm nầy nọ xài bớt chút tiền kiếm được: ván ngựa, tủ bàn, lư đồng, máy may, máy hát, xà bông thơm, bán thiếu điều muốn đuổi khách mà vẫn có người mua.

Dân Sài Gòn ngày càng ăn nên làm ra, không phải lụi đụi như mấy chục năm về trước. Đường sá, nhà cửa khang trang đẹp mắt. Miệt đình Tân Kiểng, Rạch Bần, Chánh Hưng, Khánh Hội, Xóm Chiếu, vùng Bến Tắm Ngựa, miệt chợ Cầu Kho, đình Phú Nhuận càng ngày càng lạ với đường mới xẻ dọc cắt ngang, trước trải đá sau tráng nhựa phẳng phiu, đen bóng.

Căn nhà thằng Lành ban đầu cầu khỉ dẫn vô chỉ bự bằng một tấm ván, dắt xe máy qua mà cứ sợ ứ hơi, giờ cái mobilette của thằng Cu chạy thẳng vô ngon lành. Cái sân chơi của mấy đứa nhỏ đã tráng xi măng thẳng thớm, láng boong, hai góc ngoài lại còn có hai cái trụ để căng dây kẽm gai cho giàn bông giấy. Trong nhà, mấy đứa nhỏ dơ dáy ở trần đưa rún không còn nữa. Đứa đã học trường Gia Long, thằng thi đậu vô Petrus Ký. Con Bông xõa tóc ngang vai, mắt đen lay láy, từ lâu đã biết ôm cái cặp da sát vô ngực chậm rãi đếm từng bước chân thẹn thùng.

Chiếc xích lô của thằng Lành biến thành chiếc taxi, kiểu xe Renault 4-ngựa, nổ máy thiệt êm. Thằng Lành biến thành Chú Hai với hai bệt tóc hoa râm hai bên “pat” thường nhăn mặt khi thấy con Bông đi học về mỗi bữa có thằng nào đó, như sam, lẽo đẽo theo hoài. Mà ác ôn, con nhỏ tuy ngó xuống nhưng hình như tủm tỉm cười, cử chỉ không có một chút gì phật ý.

Chuyện đám cưới con Bông ngạc nhiên nhiều người trong xóm. Con nhỏ tuần trước còn đi học ràng ràng, mới ở nhà hai ba ngày, bây giờ đã sửa soạn về nhà chồng. Bữa rước dâu mạnh phe nào phe nấy nói chuyện. Đàng trai đàng gái chỉ ngó nhau gật đầu làm quen nhau bằng mắt. Thầy Bảy — hai hàm răng vẫn đều đặn, trắng bóng như thuở nào, chỉ có điều trên nét mặt đã phảng phất nét thời gian — tới đầu này lăng xăng lích xích oảnh ní nẹ thượng cây lâm vồ hạ cây Bồ Đề với người đồng chủng, tới đầu kia khúm núm chào ông chào bà với những người quen mặt hơn hai chục năm nay.

Chú rể, mặt đen như lọ chảo cao thiếu điều bằng cột đèn ngày nào lấp ló đi sau lưng cha vô xóm Việt, mắt tròn quay lục lạo hết chỗ này tới chỗ khác, giờ hớn hở cười mơn kế bên cô đâu đương ửng hồng đôi má, luôn luôn ngó xuống đôi guốc sơn cao gót quai thêu cườm xanh xanh đỏ đỏ ...

Vài tháng sau chú Hai mua đứt chiếc taxi đương chạy, giao cho một người bạn mướn, ở không coi sóc chuyện đóng móng, lên lầu căn nhà cũ, biến cái sân thành một căn nhà trệt, trên có sân thượng trồng bông. Công việc lúc này dễ như cơm sườn, xe chạy tới tận chỗ đổ xi măng, xuống gạch; căn nhà của ông Sáu đã được triệt hạ, cặp vợ chồng già đồng ý nhận một số tiền đủ để về quê dưỡng già nhường thành phố lại cho lớp trẻ nhiều năng lực, hướng về tương lai.

Hôm nào đó, nhân buổi trưa thợ nghỉ xả hơi chú Hai mon men lại chỗ bình trà, oang oang, chắc mẩm trong bụng thiên hạ biểu đồng tình:

“Gả con rồi mừng hết lớn. Khoẻ ru. Tới tuổi gả phức. Con gái đi học nhiều thêm rắc rối; bồ bịch, trai gái lùm xùm. Nó là lựu đạn mở ngòi chứa trong nhà chớ bộ giởn sao?”

Gió trưa hừng hực thổi, chú bồi thêm:

“Việt Nam hay chà-và Ấn Độ gì cũng là người, cũng đầu xanh máu đỏ, bị đánh cũng đau. Con ưng đâu gả đó, không chê ai mà cũng không đang tâm ép uổng.”

Thợ thầy nghe thì nghe vậy, không ai góp ý thêm lời. Khó quá, chuyện trái mắt, nói bọc xuôi a dua theo chủ nhà anh em cười mình nịnh. Không chê mà bắt con gả cho chà, bỏ rơi đành đoạn cái thằng cùng màu da con mình nó thương lâu nay trong xóm? Thiên hạ có tiền nói nghe lùng bùng lỗ tai, nhưng mà nói chống lại cho người ta cứng họng lợi được cái gì chớ?

Thấy ai nấy làm thinh, nhưng không có vẻ biểu đồng tình, chủ nhơn coi mòi bẽn lẽn liệng điếu thuốc Cotab đương hút hết phân nửa, đưa tay lấy gói Job đỏ trong dĩa dành cho thợ, đốt, nói cầu thân với một ông thợ già:

“Cha, lúc này tôi hút thuốc thơm hết còn biết đã nữa, hút bòn anh em điếu thuốc Job này coi... Vợ tui nó nói tui hút nhiều quá điếu kia hạ rộng, điếu nọ động quan, điếu này quàng để đó … nhưng mà không có thuốc nó buồn miệng cách gì. Lạt nhách.”

Người thợ già đứng dậy nhường ghế cho chủ ngồi, Hai Lành thấy đã đúng lúc kiếm đồng minh:

“Anh Tư nghĩ coi phải không, người Ấn Độ gả con gái phải bù tiền, mình được họ theo phong tục Việt Nam đi đồ đủ thứ vậy là cha đời rồi. Con mình nó có chồng khá, mấy em nó sau này được nhờ. Mình lớn tuổi rồi, đi gần hết đời, ham hố gì nữa đâu. Tôi biết nhiều người nói sau lưng là gả gia tài chứ đâu có gả con mà tôi làm thinh đâu thèm chấp nhứt.”

Người nghe chỉ gật gật, lập bập điếu thuốc sâu kèn để chuyện trôi qua. Tụi nhỏ hát mấy chục năm nay có điếc cũng thuộc lòng câu: “Có con đừng gả cho chà” hay “Tham đồng bạc trắng nên lấy vào chú Tây đen.” Ông bà nói hoài, của nặng hơn người. Gả cho Thầy Bảy, chú Ba gì cũng vậy, kể như mất con. Nói gì giờ đây chuyện của người?

Vói tay tự rót cho mình tách nước trà nóng, chủ nhân vớt vát thêm:

“Lựa được con dâu, trỏm sâu con mắt” tôi lựa rể cho con Bông còn mệt hơn lựa dâu. Trong gia đình, ngoài thân tộc có nhiều người phản đối nhưng “đèn nhà ai nấy sáng, gia đạo nhà ai nấy biết”. Hai thứ tóc đời mấy ai ngu dại ...

Không khí xuôi xị, ai nấy ngó ra chỗ công việc làm mấy bữa nay. Coi được ớn. Mé đằng sau đố ai biết được trước đây sình lầy ứ đọng? Nhà lầu sẽ dựng lên nay mai. Xóm nầy chắc mẩm đẹp hơn xóm ngoài mặt tiền. Chỉ có điều con Bông gả đi ai từng biết nó cũng tội nghiệp, cũng buồn. Con nhỏ nổi tiếng chuyện em mà biết làm chị, dẫn thằng anh đi tắm, thiên hạ bàn rùm trời chém cha lớn lên cũng một tay xây dựng sự nghiệp cho chồng, đứa nào may mắn lấy được nhắm mắt cũng ăn nên làm ra.

Vậy mà lọt vô tay Chà Và Ma Ní. Thấy chuyện nhiên hạ mà muốn trào máu cục!

Nhà Hai Lành xây xong coi đẹp đẽ không thua gì Đốc công Trường Tiền Hà Nội đứng làm, bốn căn ba từng dài thăm thẳm, đẹp bứt đầu trên xóm dưới. Bữa ăn tân gia, con Bông bồng thằng con lai về thăm ông ngoại. Kẻ hiếu sự vạch màn dòm cho tạn mặt người con gái huyền thoại đã cúi đầu chấp nhận xé bỏ tình yêu lấy chồng nước lạ để cha mẹ có tiền lên nhà lầu. Gái một con trông mòn con mắt, thanh niên trong xóm chắt lưỡi hít hà trước cái đẹp thùy mị, man mác buồn, cái đẹp diệu vợi của nàng công chúa bỏ tình nhân Khắc Chân về với vua Hời, trong lòng chứa chan điều bất như ý lẫn nét tự hào.

Cái thằng học trò cùng lứa theo chưn nó ngày nào, ngồi trong nhà hé cửa ngó ra, thỉnh thoảng buồn tình đứng dậy đi xẩn quẩn, mắt lơ lơ láo láo như gà mở cửa mả với những tiếng thở dài não nuột xót xa.

Bẵng đi thiệt lâu, không còn ai nghe vợ chồng Chú Hai nhắc tới mấy thằng cháu ngoại và cô con gái làm nên sự nghiệp cho mình nữa. Ai vô tình nhắc xa gần thế nào thím cũng chống chế nữ sinh ngoại tộc, con gả rồi gánh chịu bến đục bến trong, sống ở Cal¬cutta, Bombay bên xứ Chà-và hay còn đâu đó đằng đường Ohier, Bonard, Chùa Chà cũng vậy thôi. Bổn phận mình nuôi nó kể như xong xả. Con gái lấy chồng mười hai bến nước trong nhờ đục chịu cha mẹ đâu đủ sức lo hoài.

Câu hát bậy bạ trong xóm ngày xưa con nít ưa hát người lớn thương tình vợ chồng Hai Lành hăm mẻ răng đứa nào hát nữa sẽ bị mét cha mẹ đánh đòn nứt đít nên lần lần ít người còn biết. Con Bông biệt tăm biệt dạng nhưng nhà lầu ba nó cất lên vẫn còn sừng sững chọc mắt cạy miệng những người đàn bà lối xóm ưa bất bình thiên hạ sự.

Chắc cô con gái kẹp tóc, ôm cái cặp-táp phía trước ngực ngày nào đó, khi biết mình không thể về thăm xóm cũ nữa đã lén khóc thiệt mùi trong những đêm người chồng ngoại nhân vô tư ngủ kỹ. Nước mắt cho gia đình, cho cha mẹ, cho quá khứ, cho bạn bè lúc ấu thơ, cho mối tình mới nở vội tan ...

Chắc vợ chồng chú Hai ôm của nhưng đêm đêm không khỏi giọt vắn giọt dài nghĩ đến đứa con hiếu thảo, chua xót vì những eo xèo của người trong xóm.

Sàigòn, hòn ngọc Viễn Đông lên nước sáng ngời lần lần cũng do nước mắt và cuộc đời của bao nhiêu người như vậy; cách nầy, cách khác; đau đớn thể xác, tâm hồn. Họ, những người thợ ngọc bất đắc dĩ, trau chuốt trong âm thầm nhưng công sức góp phần vô cùng hữu hiệu.

Mỗi khi đi qua một khu phố đẹp buổi sáng mờ sương, tôi thấy thấp thoáng đâu đó những giọt nước mắt còn đọng trên mi của cô con gái có mái tóc dài từng ôm sát cái cặp vào ngực bước đi nhút nhát qua chiếc cầu ván nghèo nàn đóng đinh lắc lẻo, hoặc tiếng thở dài của hai vợ chồng già ngồi rút mình thui thủi trong căn nhà lầu thênh thang, ngó trân trân vô vệt nắng sớm lung linh trên nền gạch bông, chua xót.

NGUYỄN VĂN SÂM (San Antonio 6/86 — Houston 8/89) - (Trích trong tập truyện Câu Hò Vân Tiên, Gió Việt, TX, 1985)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.