Hôm nay,  

Nước Mỹ Chuyển Hướng?

05/02/201300:00:00(Xem: 6418)
Thật ra, cả hai đảng, chẳng có đảng nào dám nghĩ đến chuyện cắt trợ cấp gì hết...

Trong chính trị Mỹ, có hai khuynh hướng rõ rệt, thường được gọi là cấp tiến và bảo thủ. Bài này sẽ bàn về hướng đi của Mỹ trong những năm tháng tới dưới khiá cạnh này. Để sáng tỏ vấn đề, trước hết phải định nghiã cấp tiến và bảo thủ theo quan điểm của người viết để người đọc khỏi hiểu lầm.

Đây là hai khái niệm cực kỳ phức tạp, có thể cần đến cả chục cuốn sách chỉ để định nghiã cho chính xác thôi, chưa bàn tới phần lợi hại, tốt xấu. Trong khuôn khổ bài báo này, ta chỉ có thể đưa ra một định nghiã có tính hết sức tổng quát và ngắn gọn, đủ để độc giả hình dung được vấn đề thôi.

Trên căn bản, khuynh hướng cấp tiến đặt nền tảng trên công bằng xã hội, với chủ trương Nhà Nước đóng một vai trò quan trọng để bảo đảm xã hội không có những bất công quá lớn. Chẳng hạn như cách biệt giàu nghèo cần được giảm thiểu tối đa bằng cách ép buộc những người có phương tiện, tức là có tiền, chia sẻ với người nghèo nhiều hơn, vừa để giảm bớt những khó khăn cho họ, vừa giúp họ có cơ hội tiến thân nhiều hơn. Tiêu biểu là đóng thuế cho Nhà Nước nhiều hơn để Nhà Nước có phương tiện lo cho người nghèo nhiều hơn qua việc cung cấp trợ cấp xã hội, như bảo hiểm và dịch vụ y tế, trợ cấp thất nghiệp, phiếu thực phẩm, v.v…

Vai trò của Nhà Nước cũng nặng nề hơn trên phương diện kinh tế. Theo quan điểm cấp tiến, Nhà Nước lãnh vai trò điều hành guồng máy kinh tế, tuy gián tiếp nhưng rất tích cực qua

- chính sách thuế khoá dưới hình thức thuế lũy tiến: lợi tức càng cao càng đóng thuế nhiều, trong khi lợi tức dưới mức tối thiểu thì được miễn thuế;

- chính sách tiền tệ: bơm tiền mạnh vào kinh tế qua các chi tiêu có tính củng cố hạ tầng cơ sở như xây đường xá, trường học, nhà thương, hay trợ cấp cho từng ngành nghề hay khu vực (kỹ nghệ hay canh nông).

Đi đến tận cùng của quan điểm cấp tiến là các chế độ xã hội chủ nghiã và cộng sản khi Nhà nước gần như là tịch thu hết lợi tức và sản phẩm để chia lại đồng đều cho mọi người, hay gần hơn, là các chế độ xã hội của Âu Châu hiện thời, với Nhà Nước thu thuế khoảng một nửa lợi tức của thiên hạ để có phương tiện đáp ứng những nhu cầu căn bản về giáo dục, y tế, ... của toàn dân một cách hoàn toàn miễn phí.

Trong khi đó, khuynh hướng bảo thủ đặt trọng tâm vào tự do cá nhân. Khuynh hướng này tin rằng sáng kiến cá nhân, dựa trên mưu lợi cá nhân, luôn luôn là đầu tầu kéo theo phát triển kinh tế, đưa đến giàu sang sung túc cho tất cả mọi người, một sự giàu sang tập thể.

Dĩ nhiên là Nhà Nước có vai trò quan trọng, nhưng chỉ là một vai trò tối thiểu, để bảo đảm một sự phát triển trong trật tự và trong vòng luật pháp, không có chuyện cá lớn nuốt cá bé quá đáng. Đối với khối người thiếu may mắn, không có thể có đủ phương tiện để tự túc thì vai trò của Nhà Nước là phải thiết lập một thứ lưới an toàn tối thiểu. Dưới một mức lợi tức nào đó thì Nhà Nước có bổn phận phải lo, nhưng lo ở mức tối thiểu và tìm cách khuyến khích họ tự phát triển, tự làm giàu để ra khỏi mức tối thiểu. Khác với quan điểm cấp tiến là chu cấp tối đa, biến thành một hình thức khuyến khích họ tự giam mình trong mức tối thiểu và vĩnh viễn lệ thuộc vào trợ cấp Nhà Nước.

Một hình ảnh cụ thể để thấy rõ khác biệt giữa cấp tiến và bảo thủ: nếu có một chiếc bánh cho mọi người ăn chung thì cấp tiến đặt trọng tâm vào việc bảo đảm mọi người đều có phần, càng đồng đều càng tốt, trong khi bảo thủ cho rằng quan trọng là việc làm cho cái bánh ngày một lớn ra để phần của mỗi người đều tăng tuy không đồng đều.

Nhìn dưới khiá cạnh này, đảng Dân Chủ tranh đấu cho quan điểm cấp tiến, trong khi đảng Cộng Hòa giành thắng cho quan điểm bảo thủ.

Vấn đề đường hướng nào là tốt hơn đã được tranh cãi từ cả mấy trăm nay và sẽ còn được tranh cãi cả mấy trăm năm nữa. Nhưng không phải là đề tài của bài viết này.

Trở lại vấn đề hướng đi của nước Mỹ trong những năm tháng tới, điều nổi bật hiện nay là theo truyền thông dòng chính, với sự đắc thắng của TT Obama, phe bảo thủ hiển nhiên là đang đi vào tử lộ trong khi thanh thế của khối cấp tiến chưa bao giờ mạnh hơn.

Người ta đã thấy hàng loạt bài báo và bình luận bàn về tính thủ cựu của đảng Cộng Hòa, đã không theo kịp đà tiến hoá của nhân loại, vẫn khư khư ôm lấy những quan điểm cũ rích của mấy ông già nhà giàu da trắng như chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính, chống tăng thuế, chống đồng đều nam nữ, chống dân da màu, chống Nhà Nước, chống kiểm soát súng đạn, chống di dân, … Nghiã là chống lung tung, chống đủ thứ. Điều đáng nói là những cái mà họ chống lại là những cái mà đa số dân chúng, tức là đa số cử tri, ngày càng ủng hộ mạnh, đưa đến sự ra đời của một liên minh chính trị mới đã hai lần mang thắng lợi lại cho TT Obama.

Nói trắng ra, đảng Cộng Hoà với quan điểm quá bảo thủ, chẳng những không theo kịp đà tiến hoá của văn hoá Mỹ, mà cũng không theo kịp sự chuyển hướng của dân số Mỹ, tức là cử tri Mỹ. Đưa đến hậu quả là đảng Cộng Hòa của mấy ông nhà giàu da trắng càng ngày bị cô lập trong biển tư tưởng cấp tiến, càng ngày càng khó thắng trong các cuộc bầu cử, nhất là bầu cử tổng thống. Chẳng mấy chốc sẽ biến thành một loại khủng long, sẽ biến khỏi chính trường Mỹ.

Cái nhìn này phản ánh nhận định của truyền thông dòng chính thường có cảm tình với phe cấp tiến, nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng tiến trình lịch sử, cũng như đã không phù hợp với những biến cố thực tế. Điển hình là nhận định này đã hoàn toàn không lưu ý đến nhiều dữ kiện quan trọng:

- Khối bảo thủ Cộng Hòa vẫn chiếm được đa số tại Hạ Viện, 232 dân biểu, so với 200 thuộc đảng Dân Chủ và 3 độc lập;

- Đảng Cộng Hòa vẫn giữ ghế thống đốc tại 30 tiểu bang, so với 20 thuộc đảng Dân Chủ;

- Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, thăm dò cho thấy so với cuộc bầu năm 2008, thì 2,4 triệu cử tri giới trẻ, 1,6 triệu cử tri phụ nữ, và 950.000 cử tri da đen đã bỏ TT Obama để bầu cho TĐ Romney, tuy chưa đủ để mang lại chiến thắng cho TĐ Romney, nhưng cũng cho thấy một chuyển hướng bất lợi cho khối cấp tiến, chứ không phản ánh chuyện đảng Cộng Hoà đang suy thoái;

- Gần 60% dân Mỹ vẫn chống lại Obamacare, đến độ TT Obama đã không dám mang Obamacare, tác phẩm để đời của mình, ra làm đề tài tranh cử;

- Theo thăm dò của Pew, hơn một nửa dân Mỹ (53%) cho rằng Nhà Nước ôm đồm quá nhiều, đe dọa tự do cá nhân, so với 43% cách đây 10 năm, và con số 53% là con số kỷ lục cao nhất lịch sử cận đại Mỹ;

- Phong Trào Tea Party với hàng triệu người tham gia trên tất cả 50 tiểu bang vẫn còn ảnh hưởng chính trị rất lớn, chẳng hạn như ứng viên thượng nghị sĩ của họ, ông Ted Cruz, đã thắng lớn tại Texas;

- Đài truyền hình bảo thủ Fox News có số lượng người coi lớn hơn số lượng người coi của tất cả năm đài cấp tiến ABC, CBS, NBC, MSNBC, và CNN cộng lại;

- Chỉ cần chưa tới 300.000 cử tri tại các tiểu bang xôi đậu bỏ phiếu cho TĐ Romney thay vì cho TT Obama thì ông Romney bây giờ đã làm tổng thống rồi. 300.000 người tức là chưa tới 1% dân Mỹ. Khó có thể dựa trên cái 1% đó để luận là dân Mỹ đã chuyển hướng, và khuynh hướng bảo thủ đã cáo chung tại Mỹ.

Nhận định khuynh hướng bảo thủ chống những tư tưởng gọi là “tiến bộ” của nhân loại như trên là nói chuyện một chiều. Khối bảo thủ chống những thứ đó, không sai. Nhưng khối bảo thủ cũng có những quan điểm tích cực như tôn trọng các giá trị luân lý gia đình, tôn trọng tự do cá nhân, nguyên tắc tự lực cánh sinh không ỷ lại vĩnh viễn vào trợ cấp bằng tiền thuế của người khác, tức là bằng công sức của người khác, chấp nhận người chịu khó đi làm vất vả có quyền hưởng thụ công khó của họ. Trên quan điểm kinh tế, khối bảo thủ tin tưởng ở một Nhà Nước có tinh thần trách nhiệm, không vung tay xài vung vít hay vay mượn tứ phiá, rồi đè cổ thiên hạ lấy thuế để bù đắp, hay chuyển nợ lại cho con cháu các đời sau gánh vác, không chấp nhận một Nhà Nước vú em can thiệp bằng đủ thứ luật lệ chỉ bảo mọi người trong đủ mọi sinh hoạt cá nhân, cũng như không chấp nhận tạo ra một cuộc đấu tranh giai cấp, huy động giới người gọi là nghèo chống lại khối người gọi là giàu trong một tinh thần mỵ dân nhất thời.

Một số không nhỏ dân thuộc các nhóm thiểu số, trong đó có không ít dân tỵ nạn Việt, cũng đã bị ảnh hưởng bởi lập luận mỵ dân của đảng Dân Chủ, luôn nghĩ rằng đây là đảng của dân nghèo, luôn luôn lo bảo vệ quyền lợi của dân nghèo, lo cung cấp đủ thứ tài trợ, trong khi đảng Cộng Hòa là đảng của mấy ông nhà giàu da trắng chỉ lo cắt trợ cấp dân nghèo.

Vấn đề trợ cấp an sinh thực sự là một vấn đề then chốt, nếu không muốn nói là sinh tử cho rất nhiều người. Chỉ vì lo sợ đảng Cộng Hòa cắt hết trợ cấp nên rất nhiều người trong giới cao niên và lợi tức thấp đã sợ đảng Cộng Hòa hơn ngáo ộp.

Thật ra, cả hai đảng, chẳng có đảng nào dám nghĩ đến chuyện cắt trợ cấp gì hết, nhưng trực diện với nguy cơ các quỹ tài trợ an sinh xập tiệm trong vòng hai ba chục năm nữa, đảng Dân Chủ chỉ biết rung chuông báo động mà không dám có bất cứ đề nghị cụ thể nào vì sợ mất phiếu, trong khi đảng Cộng Hoà ít ra cũng đã có can đảm đề nghị cải tổ không phải để chấm dứt các tài trợ, mà để bảo đảm những quỹ trợ cấp an sinh đó tồn tại lâu dài, đến đời con đời cháu chúng ta.

Đó là những quan điểm nền tảng của khối bảo thủ mà nếu nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy không có gì sai trái, hủ lậu, đáng cho vào thùng rác lịch sử. Trái lại, đó là những quan điểm đã có từ khi có nhân loại trên trái đất và sẽ tồn tại đến khi nào nhân loại còn trên trái đất.

Trên thực tế, chính trị Mỹ không khác gì quả lắc đồng hồ, không bao giờ đứng yên một phiá, mà luôn chạy qua chạy lại từ phải qua trái, rồi từ trái qua phải.

Đi ngược dòng lịch sử, mỗi lần một tổng thống Cộng Hoà đắc cử là thiên hạ lại hô hoán cấp tiến đang chết, và ngược lại, mỗi lần một tổng thống Dân Chủ đắc cử là có tiếng la hoảng bảo thủ cáo chung. Thật ra, những cuộc bầu cử thường chỉ phản ánh những phản ứng nhất thời của cử tri. Điểm đặc biệt là tổng thống càng cấp tiến thì tổng thống kế vị lại càng bảo thủ, và ngược lại tổng thống càng bảo thủ thì vị kế nhiệm lại càng cấp tiến.

Một trong những tổng thống cấp tiến nhất lịch sử cận đại Mỹ là TT Johnson, được kế nhiệm bởi một diều hâu bảo thủ nặng là TT Nixon. Sau Nixon, dân Mỹ đã bầu cho TT Carter, là một trong những thống đốc cấp tiến nhất trong đảng Dân Chủ thời đó. Nhưng tiếp theo TT Carter lại là TT Reagan, một người đi vào lịch sử như hiện thân của phong trào bảo thủ, cũng là người đã giúp khối bảo thủ gần như là thống trị tư tưởng chính trị Mỹ trong suốt ba thập niên qua, từ TT Bush cha đến TT Clinton và TT Bush con. TT Clinton, tuy là Dân Chủ, nhưng cũng phải chấp nhận tư tưởng bảo thủ khi ông dõng dạc tuyên bố “thời đại của Nhà Nước bao đồng đã cáo chung” (… the era of big government has ended…). TT Clinton được coi như là một trong những tổng thống Dân Chủ có khuynh hướng ôn hòa nhất, có nghiã là cấp tiến nhưng gần với tư tưởng bảo thủ nhất. Và có lẽ cái ôn hòa đó đã là một trong những lý do ông cũng là một trong những tổng thống được hậu thuẫn mạnh nhất, giúp ông thoát được chuyện mất chức, rồi duy trì hậu thuẫn ngay cả cho đến bây giờ, hơn một thập niên sau khi ông đã mãn nhiệm.

Ba mươi năm thống trị của tư tưởng bảo thủ đã khiến cho tư tưởng cấp tiến trở thành một thứ ma quỷ hắc ám cho các chính khách của cả hai đảng trong mấy chục năm gần đây. Ai cũng sợ cái mà truyền thông Mỹ gọi là “the L word”, L tức là Liberal, hay cấp tiến. Sợ đến độ không dám nói đến nguyên danh từ, mà phải viết tắt.

Thế rồi đến hiện tượng Obama. Trong hai năm ngắn gọn làm thượng nghị sĩ liên bang, đại diện cho tiểu bang Chicago, thượng nghị sĩ Barack Obama đã được một tổ chức bảo thủ lượng giá như là thượng nghị sĩ cấp tiến nhất Thượng Viện, ngang hàng với các thượng nghị sĩ Ted Kennedy và John Kerry của tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, Massachusetts.

Nhưng khi ra tranh cử tổng thống, với sự giúp đỡ công khai của truyền thông dòng chính, ông đã dấu nhẹm cái thành tích cấp tiến đó.

TT Obama khi ra tranh cử lần đầu đã cố chứng minh mình là người tương đối ôn hòa trong đảng Dân Chủ. Khi đó, ông tìm mọi cách tố giác bà Hillary Clinton mới là người cấp tiến, gần như cực đoan, vì đã có chủ trương thiết lập một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân. Ứng viên Obama chẳng những chống cải tổ y tế của bà Hillary mà ông gọi là cực đoan, mà ông cũng ủng hộ vài quan điểm bảo thủ như chống hôn nhân đồng tính, chấp nhận việc sở hữu súng, chấp nhận tiếp tục chính sách chống khủng bố của ông cao bồi Bush,…

Đến lần tái tranh cử năm ngoái, cho dù ông đã thực hành cải tổ y tế bị tố “cực đoan” của bà Hillary và chấp nhận hôn nhân đồng tính, nhưng khi ra tranh cử, ông vẫn hô hào cân bằng ngân sách, cắt giảm chi tiêu, và cải tổ các chương trình trợ cấp an sinh, tất cả đều là quan điểm của khối bảo thủ. Nói cách khác, ông vẫn phải tôn trọng một số chủ trương và chính sách bảo thủ của đảng Cộng Hòa. Do đó khó ai có thể nói tư tưởng bảo thủ đã đến hồi cáo chung. Chỉ đến sau khi đã đắc cử an toàn, ông mới trình bày tư tưởng cấp tiến cực đoan của ông một cách rõ ràng hơn trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai.

Do đó, nói sự đắc cử của TT Obama chứng tỏ quan điểm bảo thủ đã hết thời thì không đúng sự thật. Câu nói này thật ra nằm trong kế sách của TT Obama và khối cấp tiến, muốn trong nhiệm kỳ tới dùng mọi phương pháp để triệt hạ đảng đối lập bảo thủ Cộng Hòa, và bảo đảm khuynh hướng cấp tiến thống trị chính trường Mỹ vài chục năm tới, tương tự như khuynh hướng bảo thủ đã làm với TT Reagan. Ta hãy chờ xem TT Obama sẽ thành công trong mục tiêu này hay không. (3-2-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
05/02/201318:32:53
Khách
Would like to thanks the writer for a very informative piece.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
Số lượng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ cao kỷ lục đang khiến cho hệ thống nhập cư vốn đã quá tải càng thêm phần căng thẳng. Dữ liệu mới đây của chính phủ cho thấy các viên chức biên phòng đã thực hiện 2.05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chánh kết thúc vào tháng 9. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà số vụ bắt giữ như vậy cao hơn 2 triệu. Trong quá khứ, các con số tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách, như các đợt suy thoái kinh tế và siết chặt biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng chưa bao giờ số vụ bắt giữ vượt quá 1.7 triệu, và cũng chưa bao giờ duy trì ở mức cao như vậy trong mấy năm liên tục.
Hai việc đang làm cho Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ là “tình trạng xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “tham nhũng quyền lực” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chống tham nhũng, thanh tra và thi hành kỷ luật...
Lúc còn tại thế, có lúc ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó: “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương…
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
Thái độ chán học Mác và ngán nghe theo lời Bác dậy lan tràn trong sinh viên, học viên các trường Đảng đã làm cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng tăng cao đe dọa sự tồn vong của chế độ...
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.