Hôm nay,  

Một Tổng Thống Mới?

29/01/201300:00:00(Xem: 7215)
...khiến cho tỷ lệ thất nghiệp leo lên 8%-9%-10%, mà vẫn không lo lắng...

Khuôn mặt vẫn là khuôn mặt cũ, tuy mái tóc đã được điểm khá nhiều muối, kết quả của những đêm ngày vật lộn với những vấn đề nan giải nhất của đất nước. Đúng như TT Obama đã từng nói, ông đã cố gắng rất nhiều. Không ai chối cãi được chuyện TT Obama có những lý tưởng, có hướng đi cho nước Mỹ, và ông đã rất cố gắng thực hiện được những lý tưởng đó trong bốn năm qua. Người ta có thể không đồng ý với những lý tưởng đó, nhưng khó ai phủ nhận được thiện chí và cố gắng của tổng thống.

Tuy là khuôn mặt cũ, nhưng nếu chú tâm theo dõi bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai, người ta lại có cảm tưởng như đang nghe một người khác, một tổng thống mới.

Đi ngược lại dòng thời gian, nghị sĩ tiểu bang Illinois, Barack Obama, từ một người hoàn toàn vô danh, nhẩy vọt lên sân khấu chính trường Mỹ, với tên tuổi nổi lên như cơn bão, bao phủ cả nước và lan ra cả thế giới luôn, khi ông ra trước Đại Hội đảng Dân Chủ năm 2000, đọc bài diễn văn lịch sử ra mắt thiên hạ.

Chẳng những Barack Hussein Obama là một cái tên lạ lùng, mang âm hưởng của một tôn giáo bị nhiều người coi như thù hằn với nước Mỹ sau biện cố 9/11, một người da đen, mà quan trọng hơn nữa, thông điệp của ông là một cái gì thật mới mẻ, trong sáng và thật đẹp.

Trong cái không khí ngột ngạt của Hoa Thịnh Đốn với những trận đánh đá cạn tàu ráo máng như Watergate chống TT Nixon, Monica Lewinsky chống TT Clinton, hay những đả kích đối với TT Bush, thông điệp của ông nghị sĩ trẻ mang lại một luồng gió mới cho cả nước, khiến cả nước ... phủ phục xuống. Một thông điệp thật giản dị, đáp ứng lại mong ước của cả nước:

“... không có một nước Mỹ xanh, không có một nước Mỹ đỏ. Chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ...”
“... không có một nước Mỹ đen, không có một nước Mỹ trắng, chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
“... không có một nước Mỹ bảo thủ, không có một nước Mỹ cấp tiến, chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”

Với thông điệp đó, thượng nghị sĩ Barack Obama ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Ngoài thông điệp đoàn kết toàn dân hấp dẫn đó, ông đã đưa ra một chương trình hành động rất chung chung, không có điểm gì đặc biệt, ngoài việc chấm dứt chiến tranh Iraq, phục hồi kinh tế, cải tổ y tế và giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp. Đều là ước vọng của tất cả mọi người, không ai chống báng được. Và ông đã đắc cử. Trong bất ngờ của cả thế giới. Một chính khách non choẹt, chẳng chút kinh nghiệm gì ngoài kinh nghiệm vài năm là thiện nguyện cộng đồng, và vài năm “học nghề” ở quốc hội tiểu bang và quốc hội liên bang. Ra tranh cử với vài lời hứa hẹn chung chung, gần như ba phải, không có gì cụ thể.

Thượng nghị sĩ Obama đắc cử, kéo theo sau lưng thắng lợi vĩ đại của cả đảng Dân Chủ khi đảng này chiếm được đa số kiểm soát trọn vẹn cả thượng viện lẫn hạ viện. Quyền hành của tân TT Obama coi như tuyệt đối.

Và ông đã không bỏ qua cơ hội, thực hành quyền hành đó cũng một cách tuyệt đối luôn trong hai năm đầu 2009-10. Ông cho thông qua ba bộ luật lớn: kích cầu kinh tế, cải tổ ngân hàng, và quan trọng nhất, cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế. Cả ba bộ luật mang nặng mầu sắc cấp tiến, đến độ không thu hút được một phiếu nào của khối bảo thủ đối lập, kể cả phiếu của những vị dân cử Cộng Hòa nổi tiếng là ôn hòa nhất.

Người ta liên tưởng đến TT Bush, một người bị mang tiếng là “phe đảng”, tạo chia rẽ, vậy mà ngay trong năm đầu chấp chánh, ông đã vận động được thượng nghị sĩ cấp tiến nhất khối Dân Chủ, Ted Kennedy, ký tên cùng ông để giới thiệu và cho thông qua luật cải tổ giáo dục No Child Left Behind. Hình ảnh của một sự hợp tác lưỡng đảng để giải quyết những vấn đề chung của đất nước. Bây giờ đây, vị tổng thống đắc cử với chiêu bài đại đoàn kết toàn dân, lại là người cho thông qua ba bộ luật mà không có được một phiếu nào của đối lập, hoàn toàn coi đối lập như không có. Thiên hạ chỉ còn biết ngỡ ngàng, không hiểu ông ứng viên tổng thống của đại đoàn kết toàn dân đã đi đâu rồi.

Đến cuộc tranh cử giữa mùa, năm 2010, đảng Dân Chủ đại bại, mất thế đa số tại Hạ Viện trong khi thế đa số tuyệt đối tại Thượng Viện bị thu hẹp lại. Thông điệp của cử tri Mỹ rất rõ ràng: họ không chấp nhận chuyện tổng thống ra luật một chiều, họ mong muốn hai đảng chính cùng chia sẻ quyền hành, sao cho chấm dứt nạn phân hoá quá nặng nề của Hoa Thịnh Đốn. Nói cách khác, họ mong muốn phe Dân Chủ bớt cấp tiến hơn và phe Cộng Hòa cũng bớt bảo thủ hơn, không bên nào có toàn quyền sinh sát không ai kiểm soát được nữa.

Để rồi thực tế cho thấy cả hai bên, chẳng bên nào nhân nhượng hợp tác với bên nào, đưa đến tình trạng chẳng còn một luật nào được thông qua trong hai năm kế tiếp của nhiệm kỳ đầu của TT Obama. Một lần nữa, ông tổng thống của đại đoàn kết toàn dân đã đứng hẳn qua phiá đảng của ông, chứ không phải là trên cả hai đảng, trong tư thế người lãnh đạo cả nước. Ông đã chứng minh rõ ràng ông là tổng thống của đảng Dân Chủ, chứ không phải là tổng thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Thế rồi đến cuộc bầu cử tổng thống cuối năm ngoái vừa qua. TT Obama tái đắc cử. Cũng trong ngỡ ngàng của nhiều người. Ai cũng hiểu được lợi thế vĩ đại của một đương kim tổng thống khi ra tái tranh cử, nhưng nhiều người cũng nhận định ông khó có thể đắc cử lại với tình trạng kinh tế èo uột và tỷ lệ thất nghiệp cao như vậy được. Nhưng họ đã đánh giá sai khả năng tranh cử và hứa hẹn của TT Obama, cũng như đánh giá sai sự trung thành của khối cử tri của ông, sẵn sàng bầu cho ông bất kể mọi tình huống. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức chưa từng thấy là gần 20% nhưng khối dân da đen vẫn bầu cho TT Obama với tỷ lệ hơn 90%. Họ cũng đã không nhận thức được những cử tri đi bầu tổng thống khác xa những cử tri đi bầu giữa mùa cho các dân biểu, nghị sĩ. Trong khi hầu hết giới trẻ nằm nhà không đi bầu giữa mùa cho các ông bà dân bểu, nghị sĩ, thì họ đã chịu khó đi bầu hàng loạt cho TT Obama.

Chiến thắng mới đó đã mang lại cho ta một tổng thống... mới. Khác xa với vị tổng thống của đại đoàn kết toàn dân ta nhìn thấy trong những năm 2000 và 2008.


Vừa đắc cử lại, chưa đến ngày tuyên thệ nhậm chức, TT Obama đã khẳng định ngay ông “không có gì để điều đình với khối Cộng Hoà” hết. Ông đã được bầu lại, tức là dân Mỹ tiếp tục tín nhiệm ông và tin tưởng chính sách của ông. Thế là … đường ta, ta cứ đi thôi.

Quan điểm cấp tiến của ông đã được thể hiện một cách không thể nào rõ rệt hơn trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai.

Ngay từ những đoạn mở đầu, ông đã khẳng định ngay quan điểm khi ông tuyên bố:

- chúng ta không thể chấp nhận thay thế sự độc đoán của chế độ độc ai của vua chúa bằng những biệt đãi cho một khối thiểu số,

- chúng ta phải bảo vệ tự do cá nhân bằng những hành động của tập thể,

- không cá nhân nào có thể xây dựng hệ thống đường xá hay các trung tâm nghiên cứu để mang lại công ăn việc làm cho mọi người,

- kinh tế thị trường chỉ có có thể phát triển trong luật lệ quy củ để bảo đảm cạnh tranh công bằng.

Đi xa hơn những quan điểm này là những khẳng định mới, rất rõ nét, liên quan đến những vấn đề thay đổi khí hậu, quyền của phụ nữ được lãnh lương ngang hàng với nam giới, quyền hôn nhân của những người đồng tính, quyền của những người di dân bất hợp pháp, nhu cầu kiểm soát súng, ... Đó là những ưu tiên mới của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai. Dựa trên một sự bành trướng mạnh của vai trò của Nhà Nước.

Không có gi sai trái trong những khẳng định này. Nhưng hiển nhiên là phản ánh cái nhìn một chiều của khuynh hướng cấp tiến, chứ không phản ánh một quan điểm ôn hòa hay cởi mở, chấp nhận cách nhìn của khối bảo thủ. Khác xa với quan điểm “không có một nước Mỹ cấp tiến hay một nước Mỹ bảo thủ”. Ở đây, người ta nhìn thấy hình ảnh một nước Mỹ cấp tiến rõ ràng.

Cho dù cử tri Mỹ đã bầu cho một đa số bảo thủ Cộng Hoà tại Hạ Viện, TT Obama đã coi như chuyện này như không hề xẩy ra, hay không thể ngăn cản ông theo đuổi một chính sách cấp tiến gần như tuyệt đối.

Điều mà nhiều quan sát viên nhận định là việc TT Obama đưa ra những chương trình trong nhiệm kỳ hai chứng tỏ con người thực của ông, quan điểm thực sự của ông khi không còn phải ra tranh cử nữa. Đó là một chính khách với quan điểm cấp tiến nhất, hơn xa đại đa số dân Mỹ, nhưng sẵn sàng mang hết uy tín của mình để thực hiện hướng đi cấp tiến trong nhiệm kỳ cuối cùng.

Năm 2008, ông kêu gọi cả nước đoàn kết, đi theo con đường trung hòa, không cấp tiến quá cũng không bảo thủ quá. Năm nay, ông cũng kêu gọi cả nước đoàn kết, nhưng đoàn kết đi theo con đường cấp tiến mà ông đề ra. Hai lời kêu gọi khó khác nhau nhiều hơn nữa.

Những chương trình TT Obama mới đưa ra đều có tính cách hết sức phức tạp, với đại khái một nửa dân chúng ủng hộ, một nửa chống. Và ông sẽ phải vận dụng hết vốn liếng chính trị và uy tín cá nhân để thuyết phục được quốc hội chấp nhận hướng đi mới của ông.

Và đây là điều không dễ chút nào. Người ta không hiểu dựa vào đâu mà TT Obama đã có thể mạnh dạn ngỏ ý muốn đẩy nước Mỹ đi về hướng cấp tiến đó, khi mà Hạ Viện còn nằm trong thế đa số của khối bảo thủ Cộng Hòa trong khi khối cấp tiến Dân Chủ chỉ nắm được đa số tương đối rất yếu trong Thượng Viện. Tình trạng quyền lực trong quốc hội vẫn y như trong hai năm qua, do đó không ai tin TT Obama có thể làm được chuyện gì có tính cực đoan như ông mong muốn. Chẳng những ông sẽ vẫn không được hậu thuẫn của khối Cộng Hòa, mà ông còn bị đe dọa mất luôn cả hậu thuẫn của các dân biểu nghị sĩ bảo thủ của đảng Dân Chủ của những tiểu bang phiá Nam. Theo ước tính của các chuyên gia, có ít nhất là tám thượng nghị sĩ Dân Chủ sẽ phải ra tranh cử lại vào năm 2014 và trực diện với khối cử tri tương đối bảo thủ tại các tiểu bang miền Nam này.

Có thể TT Obama sẽ không phải ra tranh cử lại, nhưng đó không phải là tình trạng của cả trăm dân biểu và nghị sĩ. Những chương trình TT Obama đề ra trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai mang nặng màu sắc cấp tiến, ít ai dám khẳng định sẽ được hậu thuẫn của những nhóm dân biểu nghị sĩ trong các vùng bảo thủ. Nhưng hiển nhiên, đó không phải là ưu tư của TT Obama.

Không cần tinh ý gì lắm, người ta cũng có thể nhận thấy những thiếu sót quan trọng của bài diễn văn: không có gì đặc biệt về khủng hoảng kinh tế, hay tỷ lệ thất nghiệp, mà nhiều người vẫn còn cho là ưu tư số một hiện nay.

Đối với TT Obama, chuyện thất nghiệp là chuyện chu kỳ kinh tế, đến rồi đi, trước sau gì thì cũng được giải quyết, do đó, không phải là ưu tư hàng đầu của ông. Chính vì cái nhìn đó mà TT Obama trong hai năm đầu đã chỉ quan tâm lấy lệ đến khủng hoảng kinh tế, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp leo lên 8%-9%-10%, mà vẫn không lo lắng quá mức, tập trung mọi nỗ lực vào luật cải tổ y tế. Bốn năm trước không phải là ưu tiên, bây giờ lại càng không phải là ưu tiên. Điều đáng nói là rất nhiều người đang thất nghiệp, đã … đồng ý với ông và bầu ông lại.

Trong bài diễn văn nhậm chức, người ta cũng để ý thấy những vấn đề mà khối bảo thủ coi như là sinh tử như thâm thủng ngân sách hay công nợ, đối với TT Obama cũng chỉ là … chuyện nhỏ, không đáng quan tâm.

Ở đây, cái nhìn của TT Obama một lần nữa đã được khẳng định. Điều ông quan tâm đặc biệt là thay đổi cấu trúc xã hội về lâu về dài, chứ không phải những thứ nhất thời như tỷ lệ thất nghiệp hay nợ nần bạc chục ngàn tỷ.

Bài diễn văn đã kích động không ít những người thuộc khuynh hướng cấp tiến, nhưng bù lại, đã làm cho khối bảo thủ lo lắng không ít. Họ có cảm tưởng TT Obama hoàn toàn không có ưu tư gì đối với họ nữa. Nếu họ đi theo ủng hộ đường lối của tổng thống thì dĩ nhiên họ sẽ được hoan nghênh, nhưng nếu họ không chia sẻ quan điểm, không đồng ý với tổng thống, thì cũng … ráng chịu thôi. Các nhóm Tea Party sẽ thất vọng nhiều khi thấy những ưu tư về sưu cao thuế nặng của họ không hề khiến TT Obama mất ngủ ngày nào. Nói như TT Obama đã từng nói, “chúng tôi thắng!”. Thông điệp mới của ông: “không có một nước Mỹ cấp tiến và một nước Mỹ bảo thủ, chỉ có một nước Mỹ cấp tiến thôi!”

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.