Hôm nay,  

Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên

29/01/201300:00:00(Xem: 7518)
LTS: Nhạc sĩ Phạm Duy vừa từ trần ngày 27/01/2013 tại Sài Gòn, thọ 93 tuổi, để lại hơn một ngàn tác phẩm âm nhạc được nhạc sĩ Trần Quang Hải từ Paris ca ngợi là mẫu mực của thế hệ những người sáng tác nhạc hiện nay. Bài sau đây của ca sĩ Quỳnh Giao viết cho Văn Học trong dịp mừng nhạc sĩ Phạm Duy sinh nhật thứ 75. VB.

Tờ Văn Học số mới ra có loan một tin nhỏ làm tôi thấy buồn thấm thía: tháng Bảy vừa qua cuốn "Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay" của Tạ Tỵ đã được tái bản trong nước, nhưng có chương viết về Phạm Duy lại bị bỏ hẳn ra ngoài sách. Trước khi in sách này và xoá chương kia, những người xuất bản chắc cũng đọc khá kỹ và đắn đo khá nhiều, vậy mà cuốn sách sau cùng vẫn bị thu hồi... Tôi thấy tội nghiệp cho những người đã cố xoá tên Phạm Duy trong ký ức chung của dân chúng. Ở ngoài này, mình không phải làm những việc khổ tâm đó. Chúng ta vẫn nghe, vẫn hát và vẫn yêu thích những tác phẩm có giá trị của Văn Cao hay Tô Vũ, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, hay Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu...

Những cảm nghĩ mông lung về âm nhạc, về thời thế, về người nghệ sĩ và lòng tri ân của giới thưởng ngoạn đã khiến tôi trở về với bài viết đầu tiên của mình trên Văn Học, cách đây đúng 10 năm. Bài viết về Phạm Duy, nhân dịp sinh nhật 65 của ông. Thấm thoát vậy mà đã 10 năm, nghĩ đến Phạm Duy và tuổi hạc của ông, tôi thấy lòng chùng xuống....

Phạm Duy viết nhạc cho mọi người, mọi thời, ở vào nhiều cảnh ngộ khác nhau. Hơn nửa thế kỷ viết nhạc trong một giai đoạn nhiễu nhương nhất của đất nước, hình như ông đã có mặt ở mọi nơi và mở rộng lòng mình đón nhận những cảm xúc hay bi thương của chúng ta để ghi lại thành thơ, thành nhạc, thành "ngàn lời ca" như ông nói, cho chúng ta hát và nghe. Nửa thế kỷ đó mà không có Phạm Duy, tân nhạc Việt Nam đã không phát triển như ngày hôm nay. Yêu thích ông hay không là tùy mỗi người, chứ trên những nẻo đường âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ này mà chối bỏ Phạm Duy thì cũng như men theo ngõ ngách để tránh núi, rồi cũng đâm vào núi thôi. Nhại lời Jean Paul Sartre, bạn tôi nói Phạm Duy là incontournable!

Đó cũng là nhận xét của những người nghe nhạc, và chúng ta... đông lắm ! Cái ký ức tập thể này khó có thể xóa được ngày nào còn có người nghe và hát nhạc Việt trên mặt địa cầu.

Tôi nhớ đến một cuốn phim đã xưa về cuộc đời của Rimsky Korsakov, nhà soạn nhạc người Nga ở cuối thế kỷ trước. Truyện phim được hư cấu khá nhiều, nhưng không vì vậy mà kém thú vị. Thú vị nhất là một đoạn đối thoại giữa anh lính thủy Korsakov và thượng cấp. Anh ta gân cổ tranh luận rằng mình sẽ làm nước Nga nổi danh hoàn vũ, còn hơn những chiến công của các bậc vương tôn khanh tướng. Rằng anh sẽ bỏ mộng hải hồ và nhung y để làm cái việc động trời đó. Rằng anh sẽ viết nhạc, sẽ thành nhà soạn nhạc. Đó là cống hiến của anh cho tổ quốc và dân tộc Nga. Tôi nghĩ rằng từ bài "Cành hoa trắng" để giã từ kháng chiến năm 1950, Phạm Duy đã tiếp tục cống hiến cho chúng ta nhiều điều cao đẹp khác mà không phải là máu xương đồng loại.

Tôi xin gửi cảm nghĩ trên tới ông, nhân dịp sinh nhật thứ 75 của Phạm Duy, ngày 5 tháng 10 tới.
pham_duyjames_phamduy_bai_quynh_giao
Hình ảnh trích từ trang web của James Durst, người nhạc sĩ lừng danh của nhạc đồng quê Mỹ, kể lại chuyện lần đầu tiên ông bay từ Hoa Kỳ sang Việt Nam chỉ để mừng sinh nhật thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh mới do Phong Quang chụp ngày 5 tháng Mười 2011.
Là người trình bày các ca khúc, tôi may mắn được học nhạc và đi hát từ khi còn ở cái tuổi "mê trời mây tía, không nghe mẹ gọi về", và được gặp hầu hết những nhạc sĩ tài hoa của chúng ta trong mấy chục năm liền. Vì còn bé và bé nhất trong đài phát thanh, tôi gọi các "đồng nghiệp" bằng cô, chú, ngoại trừ có chị Mai Hương, và tôi cũng được nuông chiều nhất. Được hát cùng các nhạc sĩ Vũ Thành, Phạm Đình Chương, hay Phạm Duy, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền, Đan Thọ, v.v... tới nay tình cảm của tôi với những nghệ sĩ lão thành trên vẫn nguyên vẹn. Người khó tính nhất và tôi kính trọng nhất nay đã mất, chính là Vũ Thành. Người dễ tính nhất và cũng được nhiều người nói tới nhất, chính là Phạm Duy.

Hát nhạc Vũ Thành - hay bất cứ ai khác - mà sai từ lời ca tới âm điệu hay cách ngân, cách láy, cách ngắt nhịp, là khổ với nhạc trưởng Vũ Thành. Trong đài phát thanh, ai cũng phải nể sợ ông và các ca nhạc sĩ ít khi lơ là bê trễ trong tập dượt. Ngược lại, Phạm Duy rất xuề xoà dễ tính, ông không mấy phật ý khi có người hát sai điều ông viết, nhiều người uốn và vuốt tới méo cả lời ca. Ông chỉ cho rằng họ chưa hiểu điều ông viết mà thôi. Tôi rất cảm động khi có lần ông tâm sự, rằng có người hát nhạc của mình thì cũng đủ vui rồi. Ở một ai khác, có ít tác phẩm hoặc chưa nổi tiếng, điều này có thể thông cảm được. Ở Phạm Duy, đây là điểm thật đáng quý, đáng yêu, nhất là khi ông lại rất khó tính với chính mình.

Phạm Duy ở ngoài đời, theo cảm nghĩ của tôi, là người hiểu biết sâu sắc, nói chuyện có duyên và ân cần nhất trong xử thế mà cũng chuyên nghiệp và chu đáo trong địa hạt âm nhạc của ông. Có một lần, lâu lắm rồi, tôi còn nhớ ông thuyết trình hai giờ liền bằng Pháp ngữ tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Sàigòn, khiến cử tọa thán phục vì sự uyên bác và tài hùng biện của ông. Sau này trong đời lưu vong và bao lần dừng chân tại miền Đông Hoa Kỳ, ông không dựa vào tình cảm của bạn hữu hay người thưởng ngoạn rất đông bên đó mà khệnh khạng phiền hà bất cứ ai trong mọi việc di chuyển hay ăn uống của mình. Ông dậy sớm, mở bản đồ tìm lấy xe buýt đi lo việc riêng và ngăn nắp trong từng việc nhỏ để khỏi làm rộn người khác. Chiều xuống, ông về rất đúng hẹn và cũng lặng lẽ tự lo lấy cho mình, để đi tiếp nơi khác.

Phạm Duy viết nhạc như trời biển, ăn nói bạt mạng như cuồng sĩ và đam mê như mãi mãi thanh xuân, điều đó ai cũng biết và tôi cũng nghe nói tới. Nhưng ít ai ngờ là bên trong, ông sống ngăn nắp và chu đáo như một kế toán viên cần cù. Giờ đây, khi Phạm Duy học điện toán và sử dụng multimedia để giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm âm nhạc của đất nước, tôi không ngạc nhiên. Phạm Duy đi rất nhiều, sống rất nhiều, nhưng luôn tự lo liệu cho mình và học hỏi không ngừng.

Mấy lần tôi đi thu nhạc với Duy Cường, ông cuốc bộ từ nhà tới phòng thâu Tomlinson chờ nghe. Ông lặng thinh một góc để khỏi phiền cậu con khó tính trong cách hoà âm và khó tính cả với ông bố to như trái núi. Không có chỗ ngồi thì ông ngả lưng trên thảm, nghe thu âm mà không hề "xen lấn nội bộ". Cho tới khi xong ông mới có một vài câu phê, thường thì chắc nịch và đúng phóc. Nghe tôi hát "Nương chiều" lần mới đây, ông nói một câu làm ta phải giật mình. "Mãi tới nay mới có người hát đúng đoạn staccato đó của chú". Rồi cùng Duy Minh lững thững ra về...

Cái vẻ thơ thới của Phạm Duy khi nghe nhạc làm tôi hiểu vì sao ông viết hay. Phạm Duy trân quý âm nhạc hơn là ta có thể mường tượng ra. Tôi để ý thấy rằng khi nghe nhạc, bao nhiêu sự tinh quái hay cuồng loạn của ông như tan biến cả, ông hồn nhiên như trẻ thơ. Tôi cũng nghiệm thấy rằng những người sống nhiều, khi luống tuổi thường có dáng chững chạc đáng kính khác hẳn cái nếp cuồng nhiệt sôi động thời trước. Phạm Duy không vậy, ông trẻ lại, và vẫn trẻ mãi, có lẽ vì âm nhạc và nhờ âm nhạc. Mối tình của ông với âm nhạc là một đam mê lớn lao nhất.

Dăm eo sèo nhân thế,
Chưa phai lòng say mê,
Với đôi ba lần gian dối
Đời vẫn ban cho ngọt bùi!

Lời "tự thú" của Phạm Duy trong bài "Tạ Ơn Đời", nếu có hát thành "nhạc vẫn ban cho ngọt bùi" vẫn là hoàn toàn đúng.

Viết về nhạc Phạm Duy thì đã có nhiều người, và sẽ còn có nhiều người. Chúng ta chịu ơn Phạm Duy rất nhiều trong cuộc sống thường nhật khi muốn tìm tới những điều cao đẹp nhờ âm nhạc. Tôi chỉ xin ghi lại đây cảm nghĩ của những người đầu tiên chịu ơn ông, đó là những người hát nhạc Phạm Duy (một cách chuyên nghiệp, chứ ai trong chúng ta không có lúc hát Phạm Duy). Là một ca sĩ trình bày các ca khúc của đất nước từ nhiều thập niên, tôi cho rằng Phạm Duy là người khai phá đích thực, trong ý nghĩa là từ khi có ông xuất hiện trong từng thể loại hoặc từng đề tài, tân nhạc Việt Nam đã có đổi khác. Sau Phạm Duy, người ta không viết như trước nữa.

Tôi muốn riêng nhắc tới thể loại dân ca và đề tài tình yêu trong nhạc Phạm Duy.

Đối với các ca sĩ, nhạc Phạm Duy bắt đầu chinh phục người nghe là từ những bài dân ca và những bài ca lên đường vào thời đó. Công lao và sự khai phá đầu tiên của Phạm Duy là dân ca và nỗi hứng khởi ban đầu cho việc mở đường đó chính là kháng chiến ca. Những bản hùng ca đầu tiên của ông dễ hát và dễ hợp ca nhờ những nhịp mạnh rải thật đều và nhờ lời ca lôi cuốn vì gợi lên nhiều hình ảnh bi tráng lẫm liệt. Mặt kia, những bản dân ca cải biến có lời nên thơ và dễ nhớ vì khởi đi từ lục bát hay lục bát biến thể quen thuộc và vì nhạc có những nốt láy dễ hát thật tự nhiên. Phạm Duy dùng kỹ thuật chuyển hệ để mở rộng âm giai ngũ cung nguyên thủy của dân ca và, khi tân nhạc đang ở vào thời dọ dẫm tìm kiếm, ông đưa lối nhạc cải cách đó về với kho tàng phong phú của dân ca cô điển. Ông nối liền truyền thống với hiện đại, thôn quê tới thị thành, nhờ những ca khúc đầu tiên của ông, sáng tác cách đây hơn 50 năm.

Phạm Duy đã đi vào cõi nhạc không ký âm của dân tộc và đem dân ca ra khỏi thôn quê truyền đi khắp nước, đồng thời đưa nhạc cải cách từ thành phố về tới thôn quê. Từ Phạm Duy dân ca có lời có nhạc, ghi chép và truyền tụng được, giúp mọi người thấm sâu hơn những cảm xúc tình tứ lãng mạn của dân giả lầm than. Từ Phạm Duy, dân ca và kháng chiến ca đã quyện thành lời kêu gọi hùng hồn cảm động, khiến nhiều lớp người cùng đứng lên vì non sông. Những tác phẩm tiêu biểu nhất của mười mấy bài dân ca kháng chiến này là "Nhớ người thương binh", "Muà Đông chiến sĩ" hoặc "Tiếng hát trên sông Lô" ông viết trên núi rừng Việt Bắc năm 1947 và các bài "Quê nghèo", "Bà mẹ Gio Linh" hay "Về miền Trung" ông viết trên đoạn đường Trị Thiên vào các năm 48-49. Tình bạn của ông với Văn Cao bắt đầu từ đó. Nhưng hơn hẳn Văn Cao đã chôn chân tại chỗ và sống với dư âm cùng nuối tiếc, ông tiếp tục mở đường rộng lớn cho tân nhạc của chúng ta tới ngày nay. Ba trường ca "Con đường cái quan", "Mẹ Việt Nam" và "Bầy chim bỏ xứ" là biểu tượng cho cuọc hành trình không ngơi nghỉ đó trong hồn nước và lòng dân của ông.

Về nhạc tình của Phạm Duy, có lẽ chúng ta cần cả một cuốn sách.

Phạm Duy viết rất nhiều tình ca, có những bài ai cũng thuộc cũng hát được mà cũng có bài kén người hát. Thí dụ như thật giản dị thì có "Đêm Xuân" tương đối dễ hát, từ nốt thấp nhất là La tới cao nhất là Rê, và có bài như "Đường chiều lá rụng", chạy 16 nốt từ Fa dièse lên Fa dièse qua hai octaves và kén người hát ở tiêu chuẩn tối thiểu là âm vực của giọng hát, chưa nói tới những đòi hỏi khác. Nhưng, khó nhất cho chúng ta là khi phải tuyển chọn chừng mười bản tình khúc hay nhất của ông. Tôi thấy khó là vì mình không biết chọn bài gì, bỏ bài gì, bài nào bỏ cũng thấy tiếc! Khó hơn cả là những bài có nội dung hoà nhập giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu thiên nhiên, và những tình cảm cao thượng, kể cả sự siêu thoát của kiếp người.

Những người thích nét nhạc nhẹ nhàng êm ả và ý tứ dịu dàng có thể yêu những mối tình câm lặng ấp úng trong những bài như "Cô hái mơ" (ca khúc đầu tay của ông năm 1942, từ thơ Nguyễn Bính), "Cây đàn bỏ quên", "Khối tình Trương Chi", "Bên cầu biên giới" và cả bài "Cành hoa trắng". Những người yêu sự lãng mạn thanh cao và có giọng trong sáng thì có thể thích hát "Đêm Xuân", "Ngày đó chúng mình", "Thương tình ca". Nồng nàn bi thiết và ưa thích diễn tả khi hát thì ta có thể thích "Tình kỹ nữ", "Kiếp nào có yêu nhau", "Còn gì nữa đâu" hay "Đừng xa nhau", "Cỏ hồng". Có nội dung cao cả và tình cảm thiết tha hơn, nên cũng đòi hỏi giọng hát nhiều "não tính" hơn, thì có những bài như "Mộng du", "Tìm nhau", "Cho nhau", hay cả "Nghìn trùng xa cách". Với những bài trên, tình yêu trong nhạc Phạm Duy như bắt đầu đi vào hướng cao thượng hơn tình yêu đôi lứa thông thường. Đồng thời, tình yêu và thiên nhiên còn hoà lẫn thần tình trong những bài mà sự rạo rực của thời tiết và lòng người như đã thành một, đó là đặc tính của "Xuân thì", "Hoa Xuân", "Xuân nồng", "Dạ lai hương". Nhạc tình của Phạm Duy có nét siêu thoát của trí tuệ khi cất lên giữa lằn ranh của tình yêu và đời sống, nỗi chết và sự phục sinh. Tôi thiển nghĩ những bài "Nước mắt rơi" hay "Tạ ơn đời", "Chiều về trên sông" và "Đường chiều lá rụng" kén người hát không chỉ ở kỹ thuật âm nhạc mà còn ở nội dung là vì vậy.

Nhạc tình Phạm Duy ngự trị trên một vùng rộng lớn như vậy nên ai cũng có thể yêu nhạc và hát nhạc của ông, tùy từng trình độ và trạng thái tâm lý vào mỗi thời. Từ tuổi ô mai mười ba tới tuổi sinh viên tan trường về, và sau này nữa, khi lòng mình đã trầm lắng về nhân thế, thanh thản với cuộc đời, chúng ta đều tìm thấy niềm ước mơ hay kỷ niệm và sự vỗ về ở tình khúc Phạm Duy.

Điểm độc đáo nhất của Phạm Duy là ông yêu đời, yêu người mà viết rất hay về cái chết. Đó là một biểu hiện của một trí tuệ cao. Tình yêu và cái chết, như chúng ta hay triết lý vẩn vơ, là những trạng thái chỉ mình mình biết mà khó diễn tả được cho người khác. Ở Phạm Duy, trong "Lữ hành", "Mộng du" hay "Đường chiều lá rụng" chẳng hạn, ông truyền đạt được tới chúng ta những cảm xúc lạ kỳ đó. Tôi nói tới trí tuệ hay não tính vì không tìm ra những chữ rõ ràng hơn để mô tả trạng thái hoà nhập của siêu nhiên vào trong thiên nhiên và tình cảm. Phạm Duy viết nhiều câu thần tình về trạng thái trên mà không cầu kỳ lập dị, kiểu siêu thực rẻ tiền. Chẳng hạn như yêu nhau đến chết, hay lắm, gay cấn lắm, hứa hẹn lắm. Nhưng, sau đó rồi sao ?

Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm.
Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên.
Lá vàng êm! Lá vàng êm!
Như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên.
Lá vàng khô! Lá vàng khô!
Như nét môi già đã nhăn chờ trên nẻo đường băng giá.
...
Còn rơi rụng nữa,
Cành khô và lá,
Thành ngôi mộ úa.
Chờ đến một trận gió mưa.
Cho rữa tình già xác sơ,
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ.

Ông viết "Đường chiều lá rụng" năm 1958, khi chưa tới tuổi 50, và 15 năm trước một loạt các bài về nhựa sống nuôi tình thơ của tuổi mộng mơ, tuổi ô mai, tuổi mười ba. Phạm Duy rong chơi giữa cõi tử sinh và mông mơ như người không tuổi, vì cảm xúc và trực giác hơn là vì tuổi tác. Trong nhiều ca khúc của ông, ta đều gặp trạng thái trên. Tôi tự hỏi trẻ mãi không già là vậy chăng?

Với âm nhạc và hơn 50 năm viết nhạc không ngơi nghỉ, Phạm Duy là một phần không thể xoá trong tâm hồn chúng ta. Ngày xưa, Nguyễn Du đã khống thiết tự hỏi là ba trăm năm nữa có còn ai khóc ông không. Dù chẳng muốn cường điệu tôi vẫn nghĩ rằng nghìn năm nữa dân ta vẫn không quên nhạc Phạm Duy. Cho nên mình cũng chẳng tiếc gì một chương sách bị bóc, khi âm nhạc và lời ca Phạm Duy vẫn làm ta rung động từ ngày bú mớm cho tới khi chúng ta từng người "sẽ lên đường trở về", như ông kết trong bài "Lữ hành" năm 53, như một lời tiên tri tuyệt vời.

Xin mừng tuổi thơ 75 của chú Phạm Duy.
Quỳnh Giao

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.