Hôm nay,  

Al Gore Tiếp Tay Al Jazeera?

15/01/201300:00:00(Xem: 7587)
...đài Al Jazeera còn có đặc điểm là chống Do Thái cực kỳ mạnh mẽ...

Trước hết, để tránh hiểu lầm, phải nói ngay cựu PTT Al Gore không có bà con liên hệ gì với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera. Hai cái “Al” này khác nghiã nhau xa lắm. Dù vậy, PTT Al Gore cũng mới vừa bắt tay với đài truyền hình Ả Rập, qua một thỏa hiệp thương mại mang lại cho cựu phó tổng thống một số tiền khổng lồ một cách thật nhẹ nhàng.

Theo tin báo chí, những sở hữu chủ của đài truyền hình Current TV, đã bán đài này cho đài truyền hình Al Jazeera với giá là 500 triệu đô. PTT Gore, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Current TV, với phần hùn 20%, đã lãnh sơ sơ một trăm triệu đô. Không ai rõ vốn của ông Gore bỏ ra là bao nhiêu, chỉ biết ông lời đâu ít nhất cũng 7-8 chục triệu.

Chuyện mua bán này có tính cách riêng tư, đáng ra không có gì để nói. Ông Gore dù là phó tổng thống trước đây, bây giờ cũng đã thành phó thường dân, có đầy đủ quyền muốn mua bán gì với ai cũng được. Nhưng vấn đề là trong cuộc giao thương này, có nhiều chuyện phẳng phất mùi giả dối tiêu biểu của các chính khách Mỹ, nói một đàng làm một nẻo, “coi dzậy mà hổng phải dzậy”. Ta cũng nên nhìn để hiểu rõ chính trị của cái xứ này hơn.

Trước hết, hãy nói qua về đài Al Jazeera.

Đài truyền hình Al Jazeera được Quốc Vương Qatar thành lập năm 1996 với số vốn riêng của ông, lúc đó khoảng 150 triệu đô. Qatar là một trong các nước đã kết hợp lại thành Liên Hiệp Các Vương Quốc Ả Rập, United Arab Emirates trong vùng vịnh Trung Đông. Đây là liên hiệp của mấy vương quốc dầu hoả cực kỳ giàu có, trong đó có các thủ đô huy hoàng Doha, Dubai, Abu Dhabi,…

Mặc dù là sở hữu của ông vua dầu hỏa Qatar, nhưng ông này có chủ trương để cho đài truyền hình được hoàn toàn độc lập, loan tin một cách đầy đủ, chính xác, trung lập, và ông vua tuyệt đối không can thiệp. Ít ra đó cũng là chủ trương chính thức. Cốt để tránh tiếng cho ông vua thân Mỹ khi đài Al Jazeera sỉ vả Mỹ để câu khách Ả Rập.

Đài này khởi đầu chỉ là một đài truyền hình có tính địa phương, phát hình trong khu vực các tiểu quốc dầu hỏa vùng Vịnh. Con đường hoan lộ của Al Jazeera thay đổi hoàn toàn từ sau biến cố 9/11.

Ngay từ đầu thì đài này đã có nhiều chương trình về vụ tấn công này nhất, nhiều hình ảnh nhất, và nhiều bài xã luận nhất. Vì là đề tài nóng bỏng lúc đó, nên đài đã thu hút ngay được số người coi rất lớn. Dân trong vùng vốn dĩ không ưa Mỹ cho lắm, thấy Mỹ bị một nhóm thanh niên Ả Rập đánh chí tử, cũng khoái chí, xúm lại coi và bàn tán suốt ngày. Có vẻ hãnh diện một nhóm thanh niên Ả Rập có thể hy sinh làm nên chuyện lịch sử này, nhưng cũng lại sợ chuyện khủng khiếp này sẽ gây tai tiếng không tốt lắm cho khối Ả Rập Hồi Giáo, biến hình ảnh khối này thành hình ảnh của một khối cực đoan, quá khích, và tàn ác.

Ngọn cờ của đài này thật sự phất lên vào các năm sau, 2002 và 2003. Nhờ các cuộc chiến Afghanistan, Iraq, và nhờ Osama Bin Laden.

Trong các cuộc chiến Afghanistan và Iraq, đài này cũng vẫn là đài với nhiều tin tức, hình ảnh và xã luận nhất. Tràn ngập những hình ảnh không lấy gì làm đẹp đẽ của cuộc chiến: lính Mỹ xả súng bắn loạn xà ngầu, xe tăng chạy ngang dọc, trực thăng bắn hỏa tiễn vào nhà dân, máy bay Mỹ thả bom vô giới hạn, nhà cháy, trường học xập, nhà thương bị đạn, thường dân chết, trẻ em máu me đầy mình khóc inh ỏi, … Thỉnh thoảng lại có kèm theo vài hình ảnh rẻ tiền kiểu một con búp bế nằm trên đống tro lửa đạn. Những hình ảnh quen thuộc của mọi cuộc chiến, nhưng rất được dân Ả Rập (cùng tâm trạng với dân cấp tiến phản chiến bên Mỹ) thích thú vì hợp nhãn. Vừa coi vừa có dịp chửi Mỹ và chửi Bush.

Rồi đến các thông điệp của Osama Bin Laden. Không rõ vì lý do nào, Bin Laden đã chọn Al Jazeera là đài phát đi các thông điệp của ông. Cả chục thông điệp được thu băng ở đâu đó rồi lén truyền đến Al Jazeera, và đài này cho phát lại nguyên văn, tuy tránh không bình luận gì hết, không chỉ trích, cũng không cổ võ.

Al Jazeera bị tố cáo làm ống loa cho khủng bố Bin Laden. Nhưng sau đó tất cả các đài truyền hình, kể cả các đài Mỹ, tranh nhau mua lại các thông điệp của Bin Laden để phát lại. Tên tuổi và uy tín của Al Jazeera nổi lên như cồn.

Đến cuối năm 2006 thì thật sự Al Jazeera đã trở thành kình địch có tầm vóc đối với các đài truyền hình quốc tế lớn như BBC International và CNN International. Al Jazeera mở thêm đài Al Jazeera English, phát hình hai mươi bốn giờ bằng Anh ngữ, từ bốn cơ sở chính: Doha (thủ đô của Qatar), Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, và Tân Gia Ba. Tất cả các chuyên viên đọc tin đều là người Anh hay Mỹ, phần lớn chiêu dụ từ CNN hay BBC qua.

Sau sự thành công của Al Jazeera, thì một đài truyền hình Ả Rập có tầm vóc quốc tế thứ hai được ra đời, đài Al Arabiya. Đài này tương đối ôn hòa, ít đả kích Mỹ hơn, và ít nổi tiếng hơn. TT Obama ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức năm 2009, đã dành cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên cho đài Al Arabiya này. Một thông điệp hòa bình rõ ràng gửi đến quần chúng trong khối Ả Rập Hồi Giáo.

Đài Al Jazeera từ lâu nay đã tìm cách thâm nhập vào thị trường vĩ đại của Mỹ và Canada, nhưng không có kết quả gì. Cho đến bây giờ.

Trong khi đó thì PTT Al Gore, sau khi thua Bush năm 2000, đã sinh hoạt rất tích cực trong nhiều lãnh vực kinh doanh, và mau chóng trở thành triệu phú. Năm 2005, ông hùn tiền mở đài truyền hình Current TV, phát hình qua công ty truyền hình cáp Time Warner. Đài này có khuynh hướng cấp tiến rõ rệt, không dấu diếm. Những nhà báo cấp tiến nặng như Keith Olbermann, chuyên viên cổ võ cho TT Obama của đài MSNBC được mời làm phát ngôn và bình luận gia chính, suốt ngày ra rả sỉ vả Bush, Cộng Hòa và tung hô Obama.

Đài Current TV, nhờ tên tuổi của ông Gore, cũng như nhờ những quan hệ lớn của ông, đã bành trướng khá nhanh, được phát hình khá rộng tại những thị trường lớn của Mỹ như Nữu Ước và Cali. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đài Current TV đã mạnh mẽ cổ võ không ngừng nghỉ cho liên danh Obama-Biden, triệt để bôi bác liên danh Romney-Ryan. Tuy nhiên, đài không thành công lắm trong việc thu hút khán giả. Các thăm dò của các cơ quan nghiên cứu thị trường cho thấy số khán giả khá èo uột, bất kể sự hợp tác của nhiều tai to mặt lớn trong giới cấp tiến. Kết quả tài chánh không được công bố vì đây là đài tư nhân, nhưng ai cũng biết đài gặp rất nhiều khó khăn, kết hợp với các công ty lớn như Yahoo, Comcast, hay bán cổ phiếu cho công chúng, đều thất bại. Đi đến tình trạng phải rao bán.

Một trong những nhà đầu tư đầu tiên ngỏ ý muốn mua là nhà báo Glenn Beck. Những người nào có theo dõi đài truyền hình Fox News đều biết ông Beck là một nhà báo cực hữu, có thể nói đến mức cực đoan, trở nên triệu phú nhờ suốt ngày sỉ vả TT Obama trên đài truyền hình và qua sách báo.


Đề nghị mua đài Current TV của ông Beck bị từ khước –theo như ông Beck nói- trong vòng 15 phút. PTT Gore giải thích đại khái “ai là người tiếp tục điều hành đài Current TV đối với tôi rất quan trọng, phải là người chia sẻ quan điểm chính trị với chúng tôi”.

Từ lý luận đó, dĩ nhiên ai cũng hiểu là ông Beck không thể mua được đài Current TV vì quan điểm bảo thủ cực đoan của ông, khác xa quan điểm cấp tiến của PTT Gore. Điều này cũng dễ hiểu. Nhưng khi được biết đài Current TV đã bán cho Al Jazeera thì mọi người đều ... chưng hửng. Đây là một đài truyền hình Ả Rập, không phải cực đoan theo bảo thủ, cũng chẳng phải thiên về phe cấp tiến của PTT Gore, mà là cực đoan chống Mỹ, suốt ngày chửi Mỹ, bất kể là Mỹ-Bush hay Mỹ-Obama, mặc dù đài có khuynh hướng chửi Bush mạnh hơn nhiều.

Một ngạc nhiên khác là đài Al Jazeera còn có đặc điểm là chống Do Thái cực kỳ mạnh mẽ như tất cả các cơ quan truyền thông Ả Rập, trong khi ông Gore lại đã từng mời một thượng nghị sĩ theo Do Thái Giáo và thân Do Thái kịch liệt, Joseph Lieberman, đứng chung liên danh tranh cử TT-PTT với ông năm 2000.

Trong cả chục năm qua, đài này đã không có cách nào thâm nhập vào thị trường Mỹ được, bây giờ chính PTT Gore là người giúp cho đầy đủ phương tiện. Tất cả mọi phương tiện của đài Current TV, như nhân viên, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia quản lý, tiếp thị, cơ sở, máy móc dụng cụ, quan hệ khách hàng quảng cáo, quan hệ với các hãng truyền hình cáp cần thiết để phổ biến hình ảnh đến hàng triệu gia đình Mỹ, bây giờ Al Jazeera thừa hưởng trọn vẹn.

Các chuyên gia tài chánh cho rằng ông Gore khó có thể từ chối vì cái giá 500 triệu thật ra lớn hơn trị giá thị trường của Current TV rất nhiều. Coi như Al Jazeera sẵn sàng trả giá cực cao để mua cái tên “Al Gore” cũng như để đặt ông Gore và các nhà đầu tư khác của Current TV vào thế khó từ chối.

Trở lại câu giải thích của PTT Gore khi ông từ khước ông Glenn Beck, người ta không khỏi thắc mắc, ông Gore chấp nhận bán cho Al Jazeera, như vậy chẳng lẽ một đài truyền hình mang tiếng là ống loa của Bin Laden, chuyên chửi Mỹ và Do Thái lại có quan điểm chính trị thân cận với cựu phó tổng thống Mỹ, hơn là ông Beck, là người Mỹ? Đâu là ranh giới bạn và thù?

Ngoài quan điểm chính trị lại cũng có vấn đề khác. PTT Gore, không ai không biết, là người bỏ cả đời ra tranh đấu cho hai vấn đề mà ông cho là cực kỳ quan trọng cho nhân loại: hâm nóng địa cầu và năng lượng sạch. Ngay từ khi ông còn làm phó tổng thống, đây cũng đã là những chủ đề tranh đấu của ông. Sau khi thất cử, ông hầu như làm việc toàn thời để quảng bá hai mục tiêu này. Chủ trương “sạch hoá địa cầu” cũng đã giúp ông Gore nhận được giải Nobel Hoà Bình năm 2007.

Trong vấn đề năng lượng sạch, ông cổ võ việc chống sử dụng dầu hỏa quá nhiều, chẳng những có hại trên phương diện môi sinh, mà cũng khiến cho Mỹ lệ thuộc các tiểu quốc dầu hỏa Trung Đông ngày một nhiều. Lệ thuộc dầu hoả đưa đến lệ thuộc tài chính, rồi đưa đến lệ thuộc chính trị.

Bây giờ thì ông đã không ngại bán đài truyền hình, cơ quan ngôn luận của ông, cho mấy ông... vua dầu hỏa, bỏ túi một trăm triệu tiền bán dầu của họ. Giải Nobel dù sao cũng chỉ đáng giá có một triệu đô, chỉ là 1% tiền ông thu được khi bán đài Current TV. Dù sao PTT Gore cũng biết làm toán cộng trừ nhân chia, nhìn thấy đâu là mối lợi lớn.

Rồi đến vấn đề sở trường, ưu tiên số một của TT Obama: đánh thuế nhà giàu.

Quan điểm của TT Obama, mà thiên hạ nghe mãi đến độ nhàm chán, là nhà giàu cần phải đóng góp một cách công bằng hơn, nghiã là đóng thuế nhiều hơn. Chuyện thư ký của tỷ phú Warren Buffett đóng thuế theo tỷ lệ cao hơn cả ông tỷ phú đã được nhai đi nhai lại, để diễn tả cái vô lý của hệ thống thuế khoá Mỹ. Bằng mọi cách, phải bắt nhà giàu đóng thuế nhiều hơn, với tỷ lệ cao hơn, cũng như phải khoá lại những lỗ hổng để tận thu mấy ông nhà giàu. TT Obama cũng không quên kêu gọi tinh thần trách nhiệm, và lòng ái quốc của các nhà đầu tư, triệu phú, tỷ phú.

Lập luận của TT Obama được ca đoàn cấp tiến Dân Chủ lập lại một cách triệt để. Mấy ông chính khách cấp tiến, ai cũng sẵn sàng sỉ vả mấy ông nhà giàu vừa đóng ít thuế vừa có đủ mọi xảo thuật trốn hay lách thuế. Kể cả mấy ông tỷ phú như Warren Buffett và George Soros cũng tự sỉ vả mình và lớn tiếng quảng bá sẵn sàng hy sinh đóng thuế nhiều hơn.

Nhưng sự thật không hẳn như vậy.

Cách đây không lâu, trên cột báo này có đăng mẫu tin mấy ông bà trong Hội Đồng Quản Trị báo phe ta Washington Post đã dự đoán thuế suất sang năm 2013 sẽ tăng, do đó, đã quyết định ước tính số tiền lời của năm 2013, rồi chia cổ tức của năm 2013 này ngay trước cuối năm 2012, để tránh khỏi phải trả thuế cao hơn. Một cách lách thuế đầy sáng tạo từ tờ báo đồng minh của TT Obama.

Bây giờ đến phiên PTT Al Gore, một đồng minh không kém quan trọng và hăng hái của TT Obama. Ông cũng nhìn thấy nguy cơ TT Obama phải tăng thuế “nhà giàu” trong năm 2013. Trong số những “nhà giàu”, dĩ nhiên là có ông. PTT Gore bèn ra chỉ thị bằng mọi giá, cuộc thương thảo giữa Current TV và Al Jazeera phải được hoàn tất nội trong năm 2012, để tránh mức thuế cao hơn của năm 2013. Kết quả, giao kèo mua bán đước ký kết đúng ngày 31 tháng 12 năm 2012. Nếu đó không phải là một cách lách thuế thì là gì? Theo các chuyên gia, PTT Gore đã “tiết kiệm” được ít nhất năm bẩy triệu tiền thuế nhờ luật giảm thuế của kình địch Bush mà ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đả kích là chỉ biết bảo vệ túi tiền nhà giàu. Chửi thì chửi, lợi dụng được thì tội gì không làm?

Nhìn tổng quát vụ bán đài truyền hình Current TV cho đài Al Jazeera, ta nhận thấy:

- vì tiền, PTT Gore sẵn sàng bán cả một hệ thống đài truyền hình trên đất Mỹ cho một nhóm truyền thông nổi tiếng là có cảm tình với Hồi Giáo quá khích, chống Mỹ và chống Do Thái;

- PTT Gore cũng đã không ngần ngại nhận cả trăm triệu tiền dầu hoả mà ông ra rả chỉ trích cả đời ông ta;

- dù hô hào tăng thuế nhà giàu là “nghiã vụ yêu nước”, PTT Gore cũng tìm mọi cách để bớt đóng thuế.

Thế mới nói, trong chính trị Mỹ -hay bất cứ chính trị xứ nào cũng vậy-, lời nói và hành động của các chính khách ít khi nào đi đôi với nhau. Ai ngây thơ tin các lời hò hét hay hứa hẹn của các chính khách thì sẽ có ngày vỡ mộng. Nói như ông tông tông của chúng ta, “đừng nghe những gì các chính khách nói, mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm”. (13-01-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.