Hôm nay,  

Khai Bút Đầu Năm: Một Cảnh Đời Hai Bến Chợ

03/01/201300:00:00(Xem: 9012)
Ngày xưa tại quê nhà, chuyện chợ búa, bếp núc, lo cơm nước, rửa chén là chuyện của đàn bà con gái. Đàn ông con trai ít ai dám xía vô lắm.

Có thương vợ cũng hổng dám nhảy vô tiếp vì sợ bị gia đình và thiên hạ dèm pha xỉa xói.

Lỡ kẹt lắm thì ông mới xách giỏ đi chợ. Bà đưa tiền và dặn phải mua cái nầy cái nọ thì mình phải làm y như vậy đúng theo… thê lệnh để tránh chiến tranh.

Thuở đó, đàn ông mà xách giỏ vô chợ mắc cỡ thấy mồ tổ, đôi khi còn bị mấy con nhỏ bạn hàng chọc ghẹo hay nhìn theo chế nhạo nữa.

Tụi nó nhạo là đàn ông gì mà đi chợ, đàn ông gì mà trả giá kỳ kèo còn hơn đàn bà con gái nữa, vân vân và vân vân.

Tiền bạc đưa ra, thối lại đều theo lối tính rợ, chớ có xài máy tính và có receipt gì đâu nên dễ bị thối lộn hay thối thiếu lắm. Nhứt là đàn ông con trai thì lại càng dễ bị gạt hơn. Chẳng lẽ mình đứng đó mà đếm tới đếm lui hoài sao, coi sao cho đặng... Thôi, họ thối bao nhiêu thì họ biết, mình mau mau nhét hết vào túi rồi vọt lẹ cho rồi, để tránh cái cười... nhạo báng của mấy con nhỏ bán hàng, quê lắm.

Đôi khi, tiền còn dư được chút đỉnh thì mình giữ lấy, kể như tiền tip, đủ uống ly nước mía hay làm một cái cà phê phé nại hoặc xây chừng bên lề đường. Nếu hổng đủ tiền lẻ thì làm một cái lưng chừng cũng đỡ ghiền...(phé nại: cà phê sữa, lưng chừng:1/2 ly cà phê đen nhỏ, xây chừng: cà phê đen nhỏ nguyên ly).

Nụ cười tươi mát, giọng nói ngọt ngào của cô chủ quán cũng như nước trà đều free, uống bao nhiêu cũng được, ngồi bao lâu cũng đặng.

Đi chợ bên nhà ngày xưa

Bên nhà sau 75, ít có nhà nào còn xài tủ lạnh nên mỗi ngày cánh đàn bà con gái thường hay xách giỏ đi chợ, mua đồ đủ ăn trong ngày chớ ít ai có cái lệ mua trữ để ăn cả tuần như tại hải ngoại. Còn cánh đàn ông con trai thì ở nhà làm chuyện khác.

Mà các bạn có biết không, chợ là nơi để mấy bà gặp nhau mỗi ngày, nhỏ to tâm sự, chép chép với nhau, bàn chuyện của bà nầy bà nọ, chuyện đánh ghen, chuyện con mẹ nầy với thằng cha kia, chuyện con nhỏ nọ sao mà bây giờ nó ngựa quá thấy mà phát ghét, v.v... Rồi thì sẵn dịp ngồi xề xuống xạp làm bậy một tô bún riêu, hoặc một tràng bánh hỏi thịt nướng thơm phức để rồi còn nói tiếp nữa chứ.
khai_but_nt_chanh_n_lan
Siêu thị T&T-West Edmonton Mall/Aberta. (Photo Dec 31/2012)
Ngày đó, bà xã tui thường đạp xe mini đi chợ một mình. Ngày cuối tuần, người gõ mới lấy xe Vespa chở vợ đi chợ. Tới nơi, trước tiên hai đứa thường kiếm cái gì để ăn lót bụng trước đã... Sau đó tìm một chỗ đậu xe, và bả xã dặn tài xế ra chờ tại ngã tư Phan Đình Phùng/Nguyễn An Ninh, ở đó tha hồ mà nhìn ngắm các cô đi qua các bà đi lại để giết thời giờ.

Thời điểm đó, hai vợ chồng sống tại thị xã Cần Thơ. Nhà lồng chợ nằm ở dưới bến Ninh Kiều.

"Cần Thơ có bến Ninh Kiều,
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân."

Ôi thôi, bạn hàng buôn bán ì xèo, loạn xà ngầu cả dưới bến lẫn ngay trên bờ quanh chợ.

Bà xã kể rằng vì bả đi chợ quá thường xuyên, mua dễ nên bạn hàng quen mặt và rất thích nên mỗi khi thấy mặt bả là họ kêu réo um xùm mời cô Tư mua mở hàng dùm...

Đó là chuyện của những ngày xưa thân ái ở quê nhà, lúc hai đứa còn đang ở lứa tuổi 30.

Thời gian rồi cũng đã lặng lẽ trôi qua mau…

Đi chợ bên nầy ngày nay

Tại hải ngoại thì khác. Nam nữ bình quyền. Chuyện chợ búa và bếp núc là chuyện của cả đàn bà lẫn đàn ông. Hễ ai rảnh rỗi thì người đó nhận lãnh, còn như muốn tình nguyện lãnh luôn hết thì càng hay.

Phần đông thiên hạ đều đi chợ vào những ngày cuối tuần…Thứ năm là ngày lãnh lương của công nhân hãng xưởng, nên chiều thứ năm thì tất cả chợ búa và siêu thị đều bắt đầu rộn rịp lên.

Ai cũng đi chợ vào những ngày cuối tuần để mua sẵn đồ ăn cho cả tuần tới. Nhà nào có con đông thì mua khẩm đồ, đầy nhóc một xe... để đẩy, để xách mệt nghỉ.

Từ vài năm nay, Canada bắt chước Việt Nam mình ngày xưa, đi chợ thì phải xách theo túi, giỏ để đựng đồ, nhưng lỡ có quên cũng hổng sao, nhưng phải trả thêm 5 xu cho một cái xắc plastic. Lý do là để hạn chế ô nhiễm môi sinh vì vấn đề phế liệu plastic(?).

Nhớ những năm đầu 80 mới qua định cư tại Montréal, nghèo rớt mồng tơi mà dám chơi sang hết biết. Cuối tuần thì tụi nầy lôi hai đứa nhỏ đi chợ với Pa Má. Đi bằng métro và bus chớ có xe cộ riêng gì đâu. Đi một vòng hai ba chợ cùng trong một buổi chiều...
khai_but_ntc_nl_ben_ninh_kieu
Gia đình Nguyễn Thượng Chánh-Bến Ninh Kiều/Cần Thơ. (Photo NTC 1978)
Đầu tiên lấy métro xuống chợ cá, còn gọi là chợ Roy mua đầu cá: 1 đô 1 cái đầu về nấu canh chua sao mà ăn tanh rình, kế là chợ trái cây 4 Frères ở đường Avenue du Parc, rồi đón bus xuống chợ Việt Nam ở đường St-Laurent phố Tàu mua lặt vặt vài ba món đồ và rau thơm, sau cùng là vợ chồng con cái khệ nệ xách đồ lên xe bus về chợ Tây gần nhà để mua thịt, sữa, bánh mì...Xong xuôi hết thì lết bộ hay lội tuyết về apt. gần đó. Vô nhà, đồng hồ chỉ 7giờ rưỡi tối.

Ăn hổng có bao nhiêu mà hổng biết tại sao mình phải chịu mệt xác quá trời!

Hai đứa nhỏ, trái lại mừng lắm vì mỗi khi đi chợ với Pa Má thì được cho ăn Mc Do. Tụi nó mừng lắm và lăng xăng phụ giúp Pa Má xách đồ đạc...

Đó cũng là những ngày đầu hạnh phúc và nhiều kỷ niệm nhất của gia đình tác giả ở hải ngoại.

Sau nầy, thì có xế hộp nên cũng đỡ hơn. Tuần nào mình cũng có bổn phận làm tài xế chở vợ đi chợ, đẩy xe tò tò phía sau má sắp nhỏ. Nghề nầy rất tốt cho sức khỏe và bảo đảm không bao giờ bị mất job, không cần nghỉ hưu.

Còn nhớ một hôm trong chợ Việt Nam, thình lình có tiếng đàn bà phía sau lưng gọi anh ơi anh ởi, rồi còn khều lưng nữa chớ. Mình quay lại thì có một bà nào lạ hoắc hà. Té ra là bà ta xớn xác muốn gọi ông chồng đứng đâu đó mà lộn với mình. Mình hết hồn hết vía vì có bà xã bên cạnh, còn phần bà ta chắc cũng hết hồn mà còn bị quê nữa (chắc chồng bà ta đầu cũng hói giống như mình). Tình ngay lý gian mà lỵ!

Có một lần khác, trong lúc mình đang ngó chỗ khác, có bà chị nào đó tự nhiên đem bỏ thêm vài ba món vào xe của mình rồi ung dung đẩy cái xe của mình đi tỉnh queo. Té ra bà ta lộn xe (có lẽ vì lựa đổ gần giống nhau quá). Thiệt là vô ý vô tứ hết sức!

Có khi chợ đông quá, đường lại chật, đẩy xe không kịp, không thấy bà xã, hổng biết bà chủ lủi ở đâu mất tiêu (chắc còn chạy đi kiếm đồ sale). Lại phải mắc công chờ thêm tí nữa!

Có người đi chợ mua đồ xong, tự tiện để xe nằm chình ình choán giữa lối đi, cản trở lưu thông, không ai đi qua đi lại được hết (chắc họ tưởng đang ở nhà). Mất lịch sự hết biết!

Ra quầy tính tiền, thì phải xắp hàng, kẻ trước người sau đông ơi là đông. Nếu có ít đồ, thì mình cũng có thể trả tiền lẹ hơn bằng cách qua hàng tính tiền tự động (self service cashier). Mình tự scan lấy đồ mua, bỏ vào xắc, tự trả tiền vô máy, xong thì xách đồ đi. Tiện lợi biết mấy!

Người gõ thì thuộc loại thế hệ cao niên, bởi thông minh quá nhưng lại rất chậm hiểu nên lọng cọng với ba cái kỹ thuật hiện đại nầy lắm. Đã có thử làm nhiều lần nhưng vẫn cứ còn lọng cọng, trật vuột hoài. Thôi, đứng xắp hàng bên phía quầy có caissière cho rồi để đỡ quê, đỡ… stress!

Trong gia đình Việt Nam, chợ búa mua cái gì là do các nình bà quyết định. Đây cũng là trường hợp chung trong gia đình các xứ Âu Mỹ.
khai_but_ba_noi_day_chau
Bà nội Ngọc Lan kéo cháu. (photo NTC 2010)
Mình mua cái gì thì phải bàn tính trước để bà xã xem lại giá cả, so sánh cái nầy với cái kia, chợ nầy với chợ kia, có cần hay không, mắc hay rẻ, nên mua ở đâu, ở chợ nào, vân vân.

Đám nình ông thường không có thói quen nầy... Một số bạn chắc cũng như mình, hễ thích món nào là mua món đó, tiền bạc mắc rẻ chút đỉnh cũng hổng sao, không quan trọng. Bận tâm chi ba cái lẻ tẻ. Thấy cục thịt bò nào mình ưng ý thì a lê hấp, lấy thẩy vô xe mà ít khi nào check lại cái giá theo đơn vị price per/kg.

Mình còn có tật làm biếng, nhiều khi không chịu kiểm soát coi cái gì còn cái gì hết trong tủ lạnh trước khi đi chợ nên cắm đầu lấy thẩy vào xe một cách vô tội vạ. Về nhà mới té ngửa ra là đã có món đó trong tủ lạnh rồi.

Rau cải, trái cây là vấn đề nan giải nhứt, vì là hàng mau hư. Có khi các chợ Tây bị ối đọng hàng hóa nên phải bán bỏ để khỏi bị hư thối... Chẳng hạn như chợ trái cây Fruiterie 440, thỉnh thoảng họ bán sale cải salade dún 1$/ba bó, mỗi bó tươi rói lớn hơn ba bàn tay, hai vợ chồng ăn một bó một tuần cũng hổng hết. Thấy rẻ thì ham, mua về hổng có đủ chỗ nhét vô tủ lạnh, vì còn nào là rau muống, cải bẹ xanh, khổ qua, bầu bí, trái cây, v.v… Nhiều khi rau cải thúi trong tủ lạnh mà mình cũng hổng hay.

Còn cái vụ lựa bắp tươi. Tây tụi nó lựa rất lâu vì tụi nó chỉ thích bắp non. Ngược lại, mình thì khoái bắp già, trái to, hạt to, càng cứng càng tốt. Chỉ cần 5 phút là lựa xong 12 trái bắp giá 2.99$.

Mua dưa hấu, thì mình ôm lên, kê ngang tai và búng nhè nhẹ nếu nghe kêu bon bon là được, Tây trắng lé mắt ngạc nhiên (chắc hổng biết cái ông nầy lựa cái kiểu gì đây?).

Vấn đề khuyến mãi marketing là một vấn đề rất khoa học. Con buôn nắm lấy tâm lý ham rẻ của người tiêu thụ nên triệt để khai thác, bắt buộc họ mua số lượng lớn để tiết kiệm được một hai đồng. Rồi còn những mặt hàng họ cố ý trưng bày ngay cửa, cạnh caisse trả tiền với những lời quảng cáo đầy màu sắc gợi sự chú ý, đó là những mặt hàng họ cố tình thôi thúc tạo tâm lý cho người mua phải mua ngay, nhưng mua về thì cũng hổng có sử dụng.

Khoa học gọi đây la impulse buying.

Trong các chợ Tây, đàn ông đi chợ cũng khá nhiều và thường là họ có làm một cái liste những gì họ cần phải mua.

Hai vợ chồng tác giả thì hầu như tuần nào cũng y như tuần nào, mua cũng bao nhiêu thứ đó mà thôi. Khỏi cần làm liste mất công, ngoại trừ khi nào nhà chuẩn bị đãi tiệc thì bà xã mới làm liste phải mua những gì cần mua cho buổi tiệc mà thôi!

Khi ghé chợ mua ít đồ, thì bà xã đi vô mua một mình, còn mình ở lại xe xem báo hoặc đánh một giấc cho sướng tấm thân già 70.

Nhưng mình nghĩ nếu có mình đi theo thì chắc là bà xã sẽ vui hơn!

Đôi khi bà xã bận việc, mình được vợ giao tiền cho đi chợ một mình. Trước khi đi, bả dặn dò đủ điều, nên mua thứ nào, phải xem như thể nào, thí dụ như mua hột gà nhớ mở ra coi có hột nào nứt bể không; fromage đầu bò bao nhiêu tiền một hộp, nhớ đưa coupon cho họ bớt tiền; mua sữa nhớ xem ngày hết hạn sử dụng expiration date; trả tiền xong đứng lại check coi có đúng hay không, coi chừng người ta ăn gian đó, như mua hai hộp lại tính ba hộp, mua loại tomate 99 xu/lb lại tính loại 1.50$/lb; tiền lẻ thối lại nhớ đếm kỹ đừng thấy con nhỏ caissière liếc nhìn rồi lính quính quên hết; nhớ mua món nầy xong rồi chạy qua tiệm nọ mua món khác vì ở đó rẻ hơn; vân vân và vân vân.

Có khi mua có ba bốn món mà phải chạy qua hai ba chợ...

Làm như xe chạy bằng nước lạnh!

Theo các nhà tâm lý học, họ khuyên các bà xã đừng gọi phone vô sở bảo ông xã xong giờ làm việc ghé qua chợ coi cái gì được mua về làm cơm chiều. Khi đói bụng ông xã thường hay có khuynh hướng thấy món nào cũng ngon hết nên mua quảng mua tiều đủ thứ. Tốn tiền vô ích. Đúng là đói con mắt!

Mua món gì thì nên đi thẳng lại nơi có trưng bày những thứ đó. Mua xong thì nên lẹ lẹ đi ra chớ đừng có dại mà đi vòng vòng tiệm coi họ có bán cái gì lạ không. Thế nào cũng bị ngứa con mắt mà mua thêm những thứ thật sự không cần thiết.

Các nhà tâm lý học nói gì?

Tạp chí La Semaine vol 6 No 21 tháng 7/2010 vừa qua có đăng bài “Hommes et Femmes: à chacun son épicerie” có nêu nhiều điểm khác biệt trong cách đi chợ giữa đàn ông và đàn bà. Sau đây là những điểm chính yếu qua sự nhận xét của nhà tâm lý học Yvon Dallaire và nhóm Environics Research Group:

- Đàn ông thường hay ghé chợ để mua lặt vặt những gì họ đang thiếu trước mắt mà thôi. Đàn bà thì khác, các bà quy hoạch rất kỹ, lo xa nên chỉ đi chợ một tuần một lần mà thôi.

- Chỉ cần nhìn vào chiếc xe đẩy trong chợ cũng đủ thấy có sự khác biệt về thói quen và gu mua sắm giữa đàn ông và đàn bà. Các ông không có nhu cầu và sở thích giống như các bà về mặt ăn uống.

- Xe của quý bà, hàng hóa thường bỏ lộn xộn, không thứ tự. Quý ông đầu óc rất khoa học (cartesien), theo bản năng tự nhiên, họ xắp xếp sản phẩm theo từng loại chẳng hạn như rau quả chung với nhau ở một phía, thịt thà cá tôm thì theo một phía khác, vân vân (xin quý bà chớ vội tự ái, hổng phải ý của tui đâu đấy nhé!).

- Đàn ông thường có cầm theo cái liste mua sắm nhưng kẹt một nỗi là các ông hơi ích kỷ (égoistes) nên có khuynh hướng hay mua bốc đồng (achat impulsif) nhiều hơn các bà. Các bà thì có lòng rộng lượng (altruistes) hơn, nên thường nghĩ chung cho cả gia đình trong lúc mua. Trong thực tế, có khi cái liste trong tay các ông là do chính các bà viết ra vì các bà biết cái gì còn cái gì thiếu trong tủ lạnh hay trên kệ…

- Khảo cứu của MasterCard cho biết đàn ông thường dễ tính (indulgence) nên có khuynh hướng hay mua quà ăn chơi, ăn vặt như chocolat, kẹo, bánh ngọt, chip…

- Đàn bà quan tâm nhiều hơn đàn ông trong vấn đề bảo vệ sức khỏe. Trong lúc đi chợ, các bà thường xem nhãn hiệu dinh dưỡng trên món hàng trước rồi mới mua.

- Các bà rất quan tâm đến chi thu trong gia đình. Rất cần kiệm để ngân sách gia đình khỏi phải thiếu hụt. Chính các bà là người lo gom góp coupons, chờ mua đồ sale.

Đây là một đức tánh tốt cần ghi nhận và phải biết ơn các bà, và cũng bởi lý do này nên các bà ít chịu đi ăn tiệm hơn các ông.

Ăn ở nhà vừa bảo đảm mà cũng vừa tiết kiệm nữa!

Về chuyện “Những người Việt khôn ngoan”
“Những người Việt khôn ngoan” là bài viết của tác giả Phạm Xuân Phụng. http://www.advite.com/nhungnguoivietkhonngoan.htm

Người gõ xin mượn đỡ vài đoạn để cho bà con mình đọc chơi cho vui:

- Một số người mình đi ăn buffet “xấu tính”: ăn nửa bỏ nửa

“…Có người dẫn theo gia đình, con cái, nhiều em nhỏ xíu cũng lấy thức ăn đầy vun như người khổng lồ. Ăn vài ba miếng là bỏ lại nguyên đĩa, lại xăng xái đi lấy món khác. Ông chủ bảo ăn bao nhiêu cũng không tiếc, vì cái luật của “bao bụng” ổng kinh doanh trên 10 năm nay, nhưng kiểu vừa ăn vừa đổ ổng nóng mặt không chịu được. Họ chỉ ăn chọn những món “sang” như một cách gỡ gạc hơn là thưởng thức các thức ăn đa dạng của tiệm…”

- Đi mua xoài

“…Chuyện người bạn kể không lạ với tôi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến những cảnh khó coi của một số người Việt mình, trong một chợ ở địa phương, tôi tận mắt thấy hai ba bà nội trợ hè nhau xé tung hai ba thùng xoài đã niêm kín để chọn những trái ngon nhất, mập nhất cho vào thùng của mình. Tôi thấy xót ruột dùm cho chủ chợ, vì không những thùng xoài này sẽ không bán được vì bị lấy mất những trái ngon nhất mà còn bị bầm giập khi bị ném ào ào từ nơi này sang nơi khác.

Chỉ cần lướt qua chợ búa một vòng, tôi nghĩ ai cũng thấy những cảnh chướng mắt tương tự, người ta thi nhau bóp, nặn cật lực những quả đào, trái xoài đã chín mọng để chọn một quả ưng ý, bất chấp việc nhào nặn khiến chúng sẽ bị vất đi vì bầm đen. Và không biết sẽ có bao nhiêu người tính kỹ như vậy. Có thể vì vậy mà sau này tôi thấy nhiều chợ Á đông không còn để rau quả bên ngoài mà cho hẳn vào bọc ny lông để tránh bị vầy vọc...”

-Cái gì của mình là vàng, là ngọc còn của thiên hạ xem như là đồ bỏ

“…Nói chung tâm lý của nhiều người cái gì của mình là vàng, là ngọc còn của thiên hạ xem như đồ bỏ. Việc này không chỉ ở chợ Việt Nam mà lan sang những chợ Mỹ. Nhiều lần tôi nghe người ta kháo nhau đi sắp hàng để mua giấy vệ sinh bán giảm giá (sale), nhiều người mua nhiều lần và trả tiền ở các quầy khác nhau để tránh nhận diện, trong khi tiệm đó “On sale” với mục đích để kéo khách hàng đến mua những món khác chứ không phải bán giấy vệ sinh dưới giá thị trường để mau sập tiệm…”

- Đi mua gạo về trữ

“…Tôi còn nhớ có lần năm 2000, người ta đồn thổi việc bị cúp điện khi chuyển sang thiên niên kỷ mới, người Việt ùn ùn kéo nhau đi mua gạo, nước mắm khiến giá đẩy lên gần gấp đôi vì khan hiếm giả tạo...Chưa đủ, họ đùng đùng kéo nhau qua các tiệm Mỹ, từ Costco cho đến Sam Club để lùng mua gạo. Nhiều gia đình rủ nhau đi 3, 4 người, có người nhờ bạn bè sắp hàng mua dùm một lúc 20 bao gạo khiến manager phải hạn chế ban đầu chỉ cho mua 4 bao, sau giảm mỗi đầu người còn 1 bao và họ xanh mặt khi thấy người đầu đen vẫn tiếp tục nườm nượp kéo đến mua gạo, giống như đang tận thế đến nơi.

Tôi không rõ rằng, nếu tích lũy gạo, mì gói nước mắm cho vài năm như vậy, liệu họ có được yên thân khi cả nước Mỹ thiếu thực phẩm, hay họ cho rằng họ khôn hơn thiên hạ, khôn hơn cả chính phủ Mỹ để dân chúng đói bù lăn bù lóc trong khi chỉ có mỗi gia đình mình là no đủ.

Chính vợ tôi cũng nhiều lần thúc giục tôi “đầu cơ” gạo mắm khi nghe ngóng dư luận bên ngoài nhưng tôi phản đối và tin rằng chúng ta đang ở một đất nước tự do với sự điều hành của một chính phủ biết quan tâm đến đời sống của dân chúng.

Một khi chúng ta đã chọn nơi này làm quê hương thì “hột muối cắn đôi, cục đường không... lủm trọn”, đó cũng là cách chia sẻ buồn vui với đất nước này và từng bước học hỏi những nếp

sống văn minh.

Đâu đó tôi vẫn gặp những con người “khôn ngoan”, họ dạy dỗ, quát mắng con cái inh ỏi bằng tiếng Anh ba rọi trong tiệm ăn, nhà hàng, siêu thị. Họ để chúng chạy nhảy, đùa giỡn như đang ở... vườn trẻ (daycare), khiến nhiều lúc tôi dại dột thầm mong là biết khi nào để thiên hạ bớt “khôn” để người khác nhờ không đây?...”

Chuyện lạ đó đây

3 Videos: Những cảnh trong chợ Tây

1) Bà đầm bị tào tháo rượt ngay trong chợ
http://www.dailymotion.com/video/xrm93b_une-femme-belge-fait-ses-besoins-dans-un-magasin_sport

2) Trời ơi! Bà nầy gan quá xá
http://www.youtube.com/watch?v=M8cS_MXffKo

3) Đói quá phải ăn cắp
http://videos.tf1.fr/jt-20h/l-enquete-du-20h-voler-pour-manger-6508119.html

Chợ búa hi-tech trong tương lai
*/ Chuyện bên Tây: Chợ Libre service

Intermarché Rennes de Longchamps bên Pháp có thí nghiệm một phương thức của IBM về loại chợ Libre service:

Khách hàng tự mua, đẩy xe ra khu caisse, lấy từng món ra tự làm scan giá tiền rồi bỏ trở lại vô xe, trả tiền vô máy, xong thì đẩy xe ra ngoài.

Theo IBM, công thức nầy khu caisse tiết kiệm được 50% diện tích và ngoài ra còn tiết kiệm thêm được 30% thời gian nữa.

Vidéo: Libre service ngàn năm hi hữu tại Tân Tây Lan (khỏi cần trả tiền!)
http://www.wat.tv/video/nouvelle-zelande-supermarche-3mgzn_2exyh_.html

*/ Chuyện bên Trung Quốc: Ai ăn ráng chịu

Phỏng vấn thăm dò đồng-hương về vấn đề đi chợ cuối tuần tại hải ngoại

Chào các Anh và các Chị,

Tại hải ngoại: USA, Canada, Westminster, San José, Virginia, New York, Houston, Toronto, Vancouver, Montréal, Paris, London, Sydney, Munich, chắc đa số các bạn nình ông cuối tuần thường phải chở bà xã đi chợ mua đồ ăn cho tuần tới (không phải đi shopping xí xọn trong mấy cái thương xá đâu nhé!)

+ các bạn hãy cho biết cảm tưởng của mình, những vui buồn, bực bội (nếu có)....

+ bạn thấy gì quanh bạn, cho biết những nhận xét của quý bạn về thái độ, tâm lý mua của nình ông và nình bà Việt Nam trong chợ?

+ bạn thường thấy gì trong chợ, và cung cách của nình ông, nình bà trong chợ (Chợ Tây, Chợ Việt Nam và chợ Tàu)?

+ thái độ lúc mua, lúc đẩy xe, lúc trả tiền?

+ bạn có thường đi với bà xã của bạn hay không (phải trên 10 năm thâm niên mới hợp lệ)?

+ bạn từng bị hay được bà xã nhờ đi chợ một mình…

+ ai thường sử dụng coupon giảm giá?

+ nình ông thích mua gì trước và mua gì sau cùng...Còn nình bà thì sao?

+ vấn đề mua đồ sale, nhãn đỏ…

+ nếu bạn là người độc thân, vợ chết, vợ bỏ hay bỏ vợ thì thái độ của bạn lúc đi chợ ra sao?

+ ai thường móc bóp trả tiền?

Đây là một thăm dò ý kiến mà thôi.

Thành thật cám ơn tất cả,

Nguyễn Thượng Chánh, Canada

**Sau đây là một số bạn bè đã trả lời

Tác giả nhận thấy “ý kiến nào cũng hay, cũng đều chí lý hết”:

(Anh PTH, Nam Cali)

- thưòng là vui, vì ngày thường đi làm việc mệt nhọc, mấy khi đi với nhau, thêm nữa, phải kiên nhẫn vì H quen sợ vợ rồi. Thâm niên có vợ là 19 năm;

- đàn ông giả bộ đứng ngó là chính, thường xúi mua đại cho rồi. Đàn bà mua kỹ hơn, có khi đi 2 hay 3 chợ để mua các thứ khác nhau;

- thường là vui vẻ khi được bà xã bắt đi chợ một mình;

- chợ Việt Nam không có coupon. Chợ Mỹ có, nhưng không xài bao giờ, vì chủ yếu đi chợ Việt Nam là chính. Các thứ có coupon thì mình lại không cần mua;

- đương nhiên là H móc bóp trả tiền.

(Anh NQĐ, Honolulu, Hawai)

- trước khi đi chợ: anh chờ em tí nhé... để em vô tè...một cái;

- lúc đẩy xe trả $ thì còn lục đục lựa thêm đồ... bắt chồng phải chờ;

- bạn từng bị hay được bà xã assign đi chợ một mình: Thì xong ngay trong vòng 10 phút nhưng cộng thêm chai rượu chát;

- ai thường sử dụng coupon: cắt coupons để dành là bà ta... mình chỉ cần giảm giá về bia gượu...và mồi;

- nình ông thích mua gì trước mua gì sau cùng: 1/ rượu bia 2/ mồi, còn nình bà thì thịt cá... rau cải... trái cây... đồ nấu canh chua cá kho;

- vấn đề mua đồ sale, nhãn đỏ: only nàng ta... not me!

- nếu bạn là người độc thân, vợ chết, bị vợ bỏ hay bỏ vợ thì thái độ lúc đi chợ ra sao? Nhanh, gọn còn về lo việc khác...vui hơn;

- ai thường móc bóp trả tiền? Tui chứ ai... trừ $ shopping for beauty!

(Anh NNM, Montréal)

- đi chợ nhiều khi cũng là một cái thú để đi ra đường chơi, hoặc cho mấy đứa nhỏ đi chợ chơi cho vui, để cho biết mấy cái món ăn;

- thường thì đi nhìn chung quanh coi có gì mới lạ, rabais, hoặc mình đang cần;

- thường thì đi dạo qua các dãy hàng coi những món mà mình định mua, hoặc có món gì mới lạ không. Khi nào biết sẽ mua món đồ đó, thì chỉ cần đi thẳng tới quầy hàng đó lấy;

- lúc đi một mình thì chỉ cần mua món mà mình đi mua rồi đi ra trả tiền, rồi dong;

- đa số là đi chung với gia đình để cho mấy đứa nhỏ chơi;

- chỉ khi nào có cần gấp cái gì hoặc là quá bận rộn thì bà xã kêu đi một mình để mua cái đang cần;

- bà xã là người thường xử dụng coupons;

- cái gì thấy trước thì lấy trước, thấy sau thì lấy sau. Thường thì bắt đầu đi từ chỗ entrée đến cái dãy cuối cùng rồi ra caisse;

- vấn đề mua đồ sale, nhãn đỏ: tùy theo cái gì mình cần. Đa số là coi trong circulaire;

- ai thường móc bóp trả tiền? Cả hai, nhưng người trả bill là mình.

(Chị NNM, Montréal)

- tôi riêng bản thân thì thích mua đồ sale thôi. Cái vừa rẻ, vừa tốt. Ngày thứ năm là tôi chốp tờ quảng cáo, cái nào sale là mua ngay cái ngày sale cuối tuần. Đó là những món xài thường nhất, còn quần áo thì miễn bàn, không cần. Còn chợ VN thì muôn năm không bán đồ sale bao giờ, có rẻ thì là đồ thúi, vì vậy để vừa túi tiền thì phải tới lui lựa chọn thành thử đi chợ VN đã lâu còn lâu hơn. Đôi khi cản trở lưu thông, không lịch sự…nói lớn tiếng nữa chứ. Không khí cũng vui;

- ui cha, còn đàn ông rất ít người chịu lựa chọn. Đa phần là vô lấy mua đại rồi xách ra, tiếc ơi là tiếc, vừa mắc và vừa không ngon lành gì cả;

- chợ Tây tôi thích đồ sale và coupon, mua cho kỳ được, vì vậy khăn lau và giấy vệ sinh và savon xài mãn đời, 10 năm, không hết. Tôi thuộc loại «đầu cơ tích trữ…cỡ hạng trung bình»

(Anh NNL, Montréal)

- tui chở bả đến chợ;

- bả vô mua gì thì mua, còn tui, tui đợi ở trong xe.

(Anh BTT, Úc Châu)

- tôi rất đơn giản, không chấp mọi thứ, kể cả vợ mình. Phớt tỉnh. Mua gì cũng được. Không mua thì ăn mì gói hay dùng cơm với xì dầu Maggie của Đức. Nếu bà xã đi chợ, bả có tiền sẵn bả trả. Mua gì tùy bả, xong tôi lái xe về. Nếu có đói bụng, tôi đến shop trái cây mua pears, apple, strawberry, mua xong ăn liền 1 đồng 1 kílô, rẻ chán.

- không quan tâm mọi sự. Giữ tâm an ổn. Về nhà coi sách. Hạnh phúc đó bạn Chánh ơi!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013

“Năm mới Tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la. Mọi nhà no đủ. Vàng bạc đầy hũ. Gia chủ phát tài. Già trẻ gái trai. Sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. Lộc đến quanh năm. An khang thịnh vượng!”(trích từ internet)

http://www.youtube.com/watch?v=ngCzdDF0hzs

**Đọc thêm:

- Tống Chí Linh. Đàn Ông đi chợ
http://www.vn.net/article.php/20060903230624462

- Marilyn Gardner.What men want-in the supermarket
http://www.csmonitor.com/2004/0623/p11s01-lifo.html

Montréal 2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.