Hôm nay,  

Để Chặn Vũ Khí Hóa Học Syria Không Lọt Vào Tay Khủng Bố?

22/12/201200:00:00(Xem: 20066)
(Thân tặng độc giả Việt Báo: cựu Đại Úy Hải Quân Nguyễn Văn Sáu (Bịnh Xá Bạch Đằng), Thiếu Tá KQ Đoàn Văn Long, Trần Văn Tâm, cựu Trưởng Ty Y Tế Côn Sơn, và Ái Nguyễn, Kỹ Thương Ngân Hàng.)

1* Mở bài

Trong mấy tuần qua, dư luận thế giới xôn xao về việc tổng thống Bashar al-Assad của Syria có thể xử dụng vũ khí hoá học để bảo vệ chế độ trước nguy cơ trên bờ sụp đổ.

Cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 tháng làm chết 42,000 người, đang gia tăng khốc liệt khi quân nổi dậy tấn công đến các vùng phụ cận của thủ đô Damascus. Ngày 18-7-2012, tại thủ đô, một vụ đánh bom tự sát đã giết chết Bộ trưởng Quốc phòng và 4 tướng lãnh cao cấp khác, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Assad đã gần kề.

Các cuộc vận động quốc tế đang dồn dập để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, có thể đưa đến việc xử dụng vũ khí giết người hàng loạt, và nguy hiểm hơn nữa là mối lo ngại vũ khí hoá học có thể lọt vào tay các tổ chức khủng bố như Hezbollah ở Libăng, Hamas ở Dải Gaza và tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Tổng thống Mỹ, Tổng Thư Ký LHQ, khối NATO đều lên tiếng cảnh cáo tổng thống Assad về ý đồ xử dụng loại vũ khí hoá học trong cơn hấp hối của chế độ.

Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ, CIA đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và bảo vệ các kho vũ khí đó.

2* Tổng thống Bashar al-Assad đã chuẩn bị bom Sarin

2.1. Syria có kế hoạch dùng vũ khí hoá học

Ngày 8-12-2012, Thủ tướng Anh, ông William Hague, nói với đài BBC rằng Anh và Mỹ đã có đủ chứng cớ cho thấy Syria đang chuẩn bị xử dụng vũ khí hoá học. Và Syria đang cần một lời cảnh cáo. Ông Hague cho biết: “Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh cáo về các hậu quả nghiêm trọng mà Al Assad phải nhận lãnh nếu xử dụng vũ khí hoá học, và ông thực sự nghiêm túc khi cảnh cáo như thế”.

Hôm 5-12-2012, Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, ông sẽ không tán thành bất cứ một thoả thuận nào dành quyền tỵ nạn cho Assad. Ông Assad phải chịu trách nhiệm về những hành đông vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chế độ của ông đã gây ra cho người dân, có nghĩa là phải bị bắt đưa ra Tòa Hình Sự Quốc Tế (ICC=International Criminal Court).

Đối với những kẻ cứng đầu, liều mạng và điên cuồng, thì những lời cảnh cáo như thế không có hiệu quả cho lắm.

2.2. Syria đã nạp hoá chất Sarin vào bom

Ngày 5-12-2012, các quan chức Mỹ cho biết quân đội Syria đã sẵn sàng dùng vũ khí hoá học chống lại người dân của họ, chỉ còn chờ lịnh của Tổng thống Assad là thi hành. Họ nói rõ là quân đội đã nạp khí độc Sarin vào các quả bom, có thể được ném xuống từ hàng chục máy bay quân sự, nhưng cũng cho biết là cho đến ngày 5-12-2012, các quả bom chưa được mang lên các phi cơ.

Ngày 13-2-2012, một sĩ quan Syria đào ngũ, đại úy Abdel-Salaam Ahmed Abdul Razel đã công bố một tin tức cho rằng tổng thống al-Assad, dưới sự giám sát của Iran, đã xử dụng chất độc sarin 500 lần để đàn áp quân nổi dậy ở Homs. Tuy nhiên, chưa có cơ quan nào thẩm định lời tuyên bố trên.

2.3. Do Thái thực tập báo động tránh bom hoá học

Trong tuần qua, Do Thái đã cho chạy thử hệ thống còi báo động mới, khi bị tấn công bằng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân hay hóa học. Do Thái lo ngại, vì kho vũ khí hoá học của Syria lớn nhất nhì ở Trung Đông.

Hệ thống báo động trên toàn quốc gồm có 3,100 cái còi, phát ra những âm thanh khác nhau để cho dân chúng biết đó là báo động về hỏa tiễn thông thường, hoặc hỏa tiễn hạt nhân hay hoá học.

Vũ khí của Syria gồm có đầu đạn chứa khí mù tạt (mustard gas), khí Sarin hay VX. Những vũ khí được phóng đi từ đạn đại bác, bom, cho đến đầu nổ của hỏa tiễn Scud, bắn xa 700km, bao phủ các nước lân cận bao gồm cả Do Thái.

3* Kho vũ khí hoá học của Syria

3.1. Năm nhà máy sản xuất khí độc hoá học

Theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Vũ Khí Hoá Học James Martin (JMCNS) ở Mỹ, thì Syria có 5 nhà máy sản xuất khí độc hoá học ở Al Safir, Latakia, Damayr, Khan Abu Shamat và Al Furqlus.

Vũ khí nầy được cất giấu ở hàng chục địa điểm nằm rải rác khắp Syria, và được lực lượng tinh nhuệ canh giữ.

Kho vũ khí hoá học Syria lớn cở nào, tối tân đến bực nào thì không ai biết chắc chắn được, vì Syria không ký tên tham gia Công Ước cấm sản xuất, phát triển và xử dụng vũ khí hoá học (Nuclear Non-Proliferation Treaty-NPT hoặc NNPT) nên không khai báo theo quy định.

3.2. Vì sao Syria chú tâm tăng cường vũ khí hoá học?

Ông Charles Blair, học giả cao cấp của Liên Đoàn Khoa Học Gia Mỹ giải thích: “Hồi năm 2007, Do Thái đã phá hủy một cơ sở hạt nhân bí mật của Syria, mà nước nầy không có loại vũ khí nào để răn đe và chống trả lại Do Thái, nên Syria chọn vũ khí hoá học vì việc sản xuất dễ được giữ bí mật và đơn giản hơn, so với vũ khí hạt nhân”.

4* Vũ khí hủy diệt hàng loạt

4.1. Vũ khí hoá học

Vũ khí hoá học là một trong những vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapon of mass destruction), gây tổn thương và nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cối. Vũ khí hoá học có đặc điểm là độc tính cao, giết người nhanh, được chia ra các loại như sau:

- Chất độc gây ngạt

- Chất độc làm tổn thương thần kinh

- Chất độc gây loét da

- Chất độc diệt cây cối. (chất độc màu da cam)

4.2. Vũ khí sinh học

Vũ khí sinh học (Biological weapon hay Biological agent), còn được gọi là vũ khí vi trùng, là một trong những vũ khí hủy diệt hàng loạt, dựa vào đặc tính gây bịnh hay truyền bịnh của các sinh vật cực nhỏ như vi trùng, vi khuẩn, hoặc chất độc do vi trùng tiết ra, để gây bịnh làm chết người, động vật hoặc cây cối.

Đặc điểm của vũ khí sinh học là dễ lây nhiễm, hiệu lực cao, dễ phát tán bằng bình xịt. Thông thường là dịch hạch, dịch tả. Vũ khí nầy không độc hại bằng vũ khí hoá học.

4.3. Chất độc Sarin

Sarin còn được biết đến theo tên của NATO là GB. Là một hợp chất phosphor hữu cơ (Organophosphorus compound), ở nhiệt độ trong phòng, Sarin là một chất lỏng không màu, không mùi, được xử dụng như một vũ khí hóa học có tác dụng là một chất độc thần kinh (nerve agent) đã bị LHQ xếp vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Công Ước QT về vũ khí hoá học năm 1993 đã cấm sản xuất và tồn trữ loại vũ khí nầy.

Sau khi được nạp vào đạn đại bác, bom, đầu nổ hỏa tiễn, tuổi thọ của nó chỉ kéo dài được vài ba tuần, do đó khi nạp chất độc vào vũ khí thì phải xử dụng ngay, nếu không thì phải hủy bỏ vì không còn tác dụng. Nhưng Syria đã cải tiến bằng cách ghép những chất hóa học khác vào sarin để kéo dài thời gian công hiệu, mang tên VX.

4.3. Triệu chứng khi bị nhiễm độc

Khi hít phải khí Sarin hoặc hấp thụ vào cơ thể qua da, triệu chứng ban đầu là chảy nước mũi, đau tức ngực, ngay sau đó khó thở, chảy nước dãi, buồn nôn, cuối cùng hôn mê và tử vong sau những đợt co giật.

4.4. Những cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học Sarin

Hai cuộc tấn công và khủng bố gây kinh hoàng bằng chất độc sarin được nhắc đến nhiều là vụ giết người Kurd ở Iraq năm 1988 và vụ khủng bố trạm xe điện ngầm ở Nhật năm 1995.

Năm 1988, sắc tộc người Kurd ở thành phố Halabja, phía bắc Iraq, dân số 70,000, đã bị Saddam Hussein cho ném bom hoá học sarin và bom chùm, con số ước tính là đã có khoảng 5,000 người Kurd bị giết tại chỗ bởi hai thứ bom đó.

Ngày 20-3-1995, vào lúc 8 giờ sáng, giờ cao điểm tại trạm trung ương xe điện ngầm thành phố Tokyo, một nhóm 5 người, đệ tử của giáo phái Aum Shinrikyo đã mở tung các túi nylon chứa chất độc sarin khiến cho 13 người chết liền tại chỗ và 6,000 bị thương phải đưa đi cứu cấp.

Trong một toa xe, hành khách bị xếp như cá mòi nằm trong hộp, nghẹt thở nên không còn cử động được nữa.

Nhiều nạn nhân sống sót bị hành hạ cho đến chết vì những chứng nhức đầu, khó thở và chóng mặt.

Cuộc tấn công khủng bố nầy gây kinh hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Nguyên do là tham vọng chính trị của giáo chủ Shoko Asahara bị thất bại trong cuộc ứng cử làm nghị viên Nhật Bản. Ông nầy đã bỏ hàng núi tiền để tranh cử nhưng thất bại. Cay cú, Asahara tuyên bố với tín đồ: “Thế giới đầy tội lỗi nầy phải bị diệt vong vì đã không cho ta cơ hội.”

Giáo phái Aum Shinrikyo vào thời cường thịnh nhất đã có tới 10,000 tín đồ ở Nhật, 30,000 ở Nga.

Sau cuộc đầu độc, 13 thành viên kể cả giáo chủ Shoko Asahara bị kết án tử hình, nhưng chưa tên nào bị thi hành bản án cả. 3 thành viên khác có tên trong danh sách truy nã của cảnh sát.

5* Hoa Kỳ có thể ngăn chặn và bảo vệ được vũ khí hoá học của Syria không?

5.1. CIA chạy đua săn lùng vũ khí hoá học của Syria.

Sự sụp đổ chính quyền của Tổng thống Al Assad được dự đoán là từng ngày, do đó CIA phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm và bảo vệ các kho vũ khí sinh, hoá học của nước nầy.

Nhật báo The Beast của Anh dẫn lời của một quan chức chính quyền Tổng thống Obama cho biết, CIA đã tung ra những nhóm đến khu vực, tiếp xúc với các sĩ quan Syria đào ngũ để thu thập tin tức. Nhóm theo dõi điện đàm, email, phân tích hình ảnh của vệ tinh do thám và các nguồn tin liên hệ.

Tình hình chiến sự Syria biến chuyển không ngừng, tờ Wall Street Journal đưa tin, quân đội Syria đã di chuyển vũ khí hoá học ra khỏi các nhà kho.

Đại sứ Syria ở Iraq, ông Nawaf Fares, người chạy sang hàng ngũ đối lập tiết lộ, Tổng thống al-Assad sẽ không ngần ngại xử dụng vũ khí hoá học để chống lại quân nổi dậy.

Dân biểu Liên Bang, Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện cho biết, chính quyền Obama đã triển khai “các nguồn lực cần thiết” để thu thập tin tức, nhằm giúp Hoa Kỳ có được những quyết định tốt nhất trong việc xử lý các loại vũ khí sinh, hoá học sau khi chính phủ Assad sụp đổ.”

Thật vậy, trong phe nổi dậy có nhóm khủng bố Al Qaeda, đã có ý đồ chiếm hữu các kho vũ khí hoá học của nước nầy.

5.2. Hoa Kỳ tiến hành thành lập nhóm “những người bạn của Syria”

Ngoại trưởng Hillary Clinton đang xúc tiến thành lập một nhóm quốc gia được gọi là “Những người bạn của Syria”, nhằm hỗ trợ tài chánh cho phe nổi dậy để thành lập một chính phủ chuyển tiếp có khả năng bảo vệ các kho vũ khí hoá học, nói trắng ra là không để cho vũ khí nguy hiểm nầy lọt vào tay khủng bố Al Qaeda nằm trong phe nổi dậy chống Al Assad.

6* Do Thái muốn bảo vệ kho vũ khí hoá học của Syria, không để lọt vào tay khủng bố.

6.1. Do Thái phát động chiến tranh bí mật tại Syria

Ngày 9-12-2012, tờ Sunday Times loan tin, Do Thái bắt đầu một cuộc chiến tranh bí mật nhằm giám sát các kho vũ khí hoá học của Syria. Tờ báo dẫn nguồn tin của một viên chức Do Thái: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã biết vị trí chính xác của các loại vũ khí hoá học, sinh học của Syria. Trong tuần qua, chúng tôi nhận được các dấu hiệu rằng vũ khí đã được chuyển đến những địa điểm mới”.

“Hoạt động xuyên biên giới” là một phần của cuộc chiến tranh bí mật, mục đích bám sát những dấu vết của các loại vũ khí vô cùng nguy hiểm nầy. Bài báo cũng cho biết, các lực lượng Do Thái đang hoạt động tại Syria cũng vì mục đích trên.

Tờ báo Haaretz của Do Thái loan tin, Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc những chiến dịch quân sự nhằm chiếm quyền kiểm soát các kho vũ khí của Syria.

Như vậy, nếu chiến dịch nầy xảy ra, thì quả thật là một cuộc chiến tranh tấn công vào Syria, mà trước đây và cho đến nay Hoa Kỳ không có chủ trương.

Ngày 8-12-2012, các tay súng của phe nổi dậy đã chiếm một nhà máy Chloride ở Al Safir, phía đông thành phố Aleppo, vốn được xem là một kho vũ khí hoá học lớn nhất của Syria. Nơi đây cũng được tồn trữ hoả tiễn Scud-D, mang đầu đạn hoá học, tầm xa 700km có thể phóng tới Do Thái, trang web tình báo DEBKAfile của Do Thái đưa tin như thế.

6.2. Ý đồ cướp kho vũ khí hoá học Syria của tổ chức khủng bố Al Qaeda

Các chuyên gia vũ khí cho rằng thật là vô cùng nguy hiểm khi vũ khí giết người hàng loạt lọt vào tay các tổ chức khủng bố như Hezbollah ở Libăng, Hamas ở Dải Gaza hoặc tổ chức al-Qaeda. Mới đây, tổ chức Al Qaeda bổng nhiên tham gia lực lượng nổi dậy chống Bashar al-Assad, khiến cho các nhà phân tích nghi ngờ mưu đồ cướp loại vũ khí nguy hiểm nầy của al-Qaeda khi chính quyền Assad bị sụp đổ.

Tài liệu do quân đội Mỹ thu được ở Afghanistan cho thấy Al Qaeda không giấu giếm ý đồ sở hữu và xử dụng vũ khí hoá học.

6.2. Tương lai các kho vũ khí hoá học của Syria sẽ ra sao?

Một số bài báo cho rằng Hoa Kỳ đang có kế hoạch tung biệt kích vào trấn giữ các kho vũ khí hoá học ở Syria. Tuy nhiên, trên thực tế không đơn giản, kinh nghiệm chiến trường Iraq cho thấy không thể thực hiện được kế hoạch như thế, đó là nhận xét của chuyên gia Charles Blair.

Hồi tháng 2 năm 2012, đài CNN dẫn nguồn tin của Bộ QP/HK, cho biết, Mỹ dự định đưa 75,000 quân Mỹ và đồng minh vào Syria để bảo vệ các kho vũ khí hoá học, nhưng ông Charles Blair cho rằng nhiệm vụ bất khả thi, vì đồng minh không có đủ số quân lớn như thế trong khu vực. Hơn nữa, họ không có hứng thú với ý kiến của Hoa Kỳ.

Ông Pieter Wezeman, thuộc Viện Nghiên Cứu QT ở Stockholm, Thụy Điển, tỏ ra bi quan: “Nếu chính quyền Damascus sụp đổ thì vũ khí hoá học trôi về Libăng (Hezbollah), Thổ Nhỉ Kỳ, Kurdistan và một số ít sẽ bị đánh cắp để bán chợ đen”.

Tướng Do Thái tên Michael Herzog nhấn mạnh: “Không có gì bảo đảm được rằng vũ khí hoá học không lọt vào tay những kẻ xấu khi chế độ al-Assad sụp đổ”.

7* Chiến dịch Orchard phá hủy lò phản ứng hạt nhân Al Kibar của Syria năm 2007

7.1. Tình báo Mossad ra tay

Năm 2004, cơ quan Anh Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (NSA) đã thông báo cho đơn vị “8200” thuộc tình báo quân đội Do Thái, tên Anan, về những cuộc điện đàm từ thủ đô Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) đến một địa điểm tên Al Kibar, phía bắc sa mạc của Syria. Lập tức, Do Thái dựng những hệ thống ăng ten theo dõi mục tiêu Al Kibar.

7.2. Nhận diện mục tiêu

Tháng 12 năm 2006, tờ Daily Telegraph dẫn một nguồn tin giấu tên, cho rằng một quan chức hàng đầu của Syria đến Luân Đôn (Anh Quốc) với cái tên giả.

Tình báo Mossad phát hiện nhân vật nầy đặt phòng ở khách sạn Kensington, vùng phụ cận Luân Đôn. Lập tức 10 điệp viên Mossad được phái đến Luân Đôn. Họ được chia làm 3 nhóm: nhóm ở phi trường Heathrow để nhận diện và theo dõi khi hắn đến, nhóm thứ hai đặt phòng ở khách sạn Kensington và nhóm thứ ba theo dõi mọi hoạt động và tiếp xúc của đương sự. Trong các nhóm có chuyên viên ám sát, chuyên viên đột nhập vào nhà cửa, sứ quán, phòng ngủ của khách sạn để đặt các thiết bị nghe lén.

Ngày thứ nhất, nhân vật nầy đến sứ quán Syria ở Luân Đôn rồi sau đó đi mua sắm ở các cửa hiệu.

Nhóm đột nhập vào phòng của khách sạn phát hiện được một máy tính xách tay, và chuyên viên máy tính lập tức cài một software để Mossad theo dõi các hoạt động của laptop. Mossad tìm thấy trong ổ cứng (hard drive) chứa đựng các công đoạn xây dựng, hàng trăm bức ảnh và nhiều thơ từ qua lại.

Trong tấm hình, một người châu Á mặc đồ xanh được ghi nhận là tên Chon Chibu, một trong các lãnh đạo chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, đang ngồi họp với giám đốc cơ quan nguyên tử năng Syria tên Ibrahim Othman.

Thủ tướng Do Thái, Ehud Olmert được báo cáo đầy đủ tin tức, nhưng các chuyên gia cho rằng bao nhiêu đó chưa đủ yếu tố để biết rõ về cơ sở hạt nhân của Syria, do đó lịnh ám sát được hủy bỏ để tiếp tục theo dõi.

Sáu tháng sau, Mossad báo cáo với Thủ tướng Ehud Olmert là Syria đang hợp tác làm việc với Bắc Hàn và Iran. Iran cung cấp cho Syria số tiền một tỷ đô la để xây dựng một cơ sở hạt nhân ở Al Kibar, mục đích tinh chế chất uranium, đóng vai trò phòng hờ, thay thế trong trường hợp các lò phản ứng hạt nhân của Iran bị phá hủy.

7.3. Vụ nổ chết người ỏ Musalmiya bắc Syria

Tháng 7 năm 2007, một vụ nổ xảy ra ở Musalmiya, phía bắc Syria, làm chết 15 quân nhân và 50 người khác bị thương.

Ngày 26-9-2007, tuần báo Janes Defense tiết lộ vụ nổ xảy ra trong cuộc thí nghiệm hoả tiễn Scud có mang đầu đạn chứa khí độc mù tạt (mustard gas). Mossad dễ nhận ra khi tất cả các nhân viên thu dọn hiện trường đều mặc quần áo và mang mặt nạ chống hơi độc.

Một viên chức cao cấp Hoa Kỳ cho đài BBC biết là tình báo Mossad đã cài điệp viên hoặc mua chuộc nhân viên trong nhà máy chụp hình các hoạt động ở đó, nhưng không cho biết là Mossad có tham dự tạo ra vụ nổ đó hay không.

Hai tháng trước chiến dịch Orchard, Do Thái phóng vệ tinh gián điệp Ofek-7 vào không gian để quan sát, theo dõi và xác định tọa độ địa lý của nhà máy hạt nhân Syria nầy.

Giữa tháng 8 năm 2007, Mossad cử 12 biệt kích, dùng 2 trực thăng xâm nhập khu vực nhà máy để chụp hình và lấy những mẫu đất có chứa phóng xạ. Tuy bị quân Syria phát hiện, nhưng toán biệt kích vẫn lấy được mẫu đất cần thiết.

Ba ngày trước cuộc tấn công, ngày 3-9-2007, vệ tinh ghi nhận một chiếc tàu hàng Al-Ahmad của Bắc Hàn mang cờ nước Comoros, chở nguyên liệu uranium đến cảng Tartus của Syria.

Trước đó, hồi tháng 9 năm 2006, một chiếc tàu mang tên Gregorio xuất phát từ Bắc Hàn, đã bị tóm ở Cyprus, gián điệp Mossad nhận thấy trên tàu có những ống là máy ly tâm để tinh chế chất uranium.

Do Thái đã thu thập đầy đủ bằng chứng về lò phản ứng hạt nhân Al Kibar, nên Hoa Kỳ đồng ý cho tấn công, và sau đó, tuyên bố xác nhận không tham dự.

Hoa Kỳ và Do Thái có đầy đủ chứng cớ Al Kibar là lò phản ứng hạt nhân của Syria, do tài liệu mà một thiếu tướng Iran tên Ali-Reza Asgari, 63 tuổi, từng là lãnh đạo của lực lượng tinh nhuệ nhất và được tin cẩn nhất là Vệ binh Cách mạng Iran, ông đã đào tỵ sang Hoa Kỳ hồi tháng 2 năm 2007. Tướng Asgari mang theo tài liệu chứa trong một máy tính xách tay nhiều hồ sơ bí mật về chương trình hạt nhân của Iran.

7.4. Phải được sự chấp thuận của Hoa Kỳ

Kế hoạch hành quân phải được sự chấp thuận của Hoa Kỳ bởi vì mục tiêu phá hủy chỉ cách các căn cứ quân sự của Thổ Nhỉ Kỳ, một thành viên của NATO, chừng vài Km. Kế hoạch không kích dự định sẽ thực hiện vào đầu tháng 7 năm 2007, nhưng ngoại trưởng HK, bà Condoleezza Rice đề nghị hoãn ngày lại, vì ngày 4 tháng 7 là lễ Độc Lập của HK.

7.5. Tiến hành chiến dịch Orchard

Ngày 5-9-2007, lúc 11 giờ đêm, các phi công tại căn cứ không quân Ramat nhận được một mệnh lệnh giống như bình thường, là chuẩn bị cho một cuộc diễn tập khẩn cấp.

Quá nửa đêm, dùng kế nghi binh để đánh lạc hướng, 10 chiếc phi cơ chiến đấu gồm F-15 mang bom, hoả tiễn, và F-16 bảo vệ, vọt lên bầu trời đêm, thay vì bay về hướng đông là nước Syria, nhưng tất cả bay về hướng tây, ra Địa Trung Hải. Ba chiếc F-15 được lệnh quay về căn cứ. Bảy chiếc còn lại đổi hướng, tiến về Syria, bay rất thấp để tránh radar và trên đường bay đã đánh sập một đài radar của nước nầy.

Trong vòng 18 phút, đúng 2 giờ 55 phút sáng ngày 6-9-2007, chiến đấu cơ Do Thái đã phóng những hỏa tiễn không đối đất AGM (Air-to-Ground Missile) nặng 500 lbs xuống nhà máy Al Kibar thuộc vùng Deir el-Zor trên sa mạc của Syria. Hoả tiễn được hướng dẫn bằng tia Laser do một nhóm biệt kích Do Thái đã xâm nhập vào khu vực ngày hôm trước.

Sức tàn phá của những quả bom nhiều hơn mức độ cần thiết, nên không ảnh cho thấy khu nhà hình vuông ngày hôm trước đã biến thành một cái hố sâu trên sa mạc.

Ngay sau khi nhận được một thông báo ngắn gọn của quân đội “Mục tiêu đã bị tiêu diệt”, Thủ tướng Do Thái Ehud Olmert gọi điện cho Thủ tướng Thổ Nhỉ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giải thích tình hình và yêu cầu thông báo cho Tổng thống Bashar al-Assad rằng, Do Thái sẽ không khoan dung với bất cứ một nhà máy hạt nhân nào khác, đồng thời, cảnh cáo, nếu Assad phát động tuyên truyền kéo sự chú ý của quốc tế về vụ oanh kích nầy, thì Do Thái cũng sẽ có hành động tương tự như hôm nay. Thổ Nhỉ Kỳ lúc đó còn là đồng minh của Syria.

Đối với thế giới bên ngoài, nhà máy hạt nhân Al Kibar là một bí mật, và cuộc không kích của Do Thái cũng là một bí mật.

Người Do Thái vẫn còn bị ám ảnh bởi nạn bị diệt chủng do Đức Quốc Xã đã gây ra, nên việc tìm bằng chứng về lò hạt nhân nầy đã được tích cực và nổ lực thực hiện.

Thủ tướng Ehud Olmert đã phê chuẩn một sứ mệnh có nhiều rủi ro, đó là xâm nhập lãnh thổ của một quốc gia khác.

Việc đánh sập nhà máy Al Kibar đồng thời được xem là một thông điệp cảnh cáo Iran.

7.6. Phản ứng của Syria

Damascus phủ nhận Al Kibar là một nhà máy hạt nhân, cho rằng Do Thái đã mang chất uranium đến thả trên khu vực, tạo thành một mục tiêu tấn công để khai chiến với Syria. Al Assad cũng tố cáo Do Thái đã nhiều lần xâm phạm lãnh thổ của nước ông.

Ngoại trừ Iran, các quốc gia Á Rập Hồi giáo trong khu vực không có nước nào lên tiếng phản đối Do Thái cả.

Cơ quan Nguyên Tử Năng QT (IAEA) yêu cầu Syria trả lời những câu hỏi về hạt nhân và đề nghị cho tổ chức nầy đến thanh tra, nhưng Syria không hợp tác.

Ngày 28-4-2010, Giám đốc mới của IAEA là ông Yukiya Amano lần đầu tiên tuyên bố rằng mục tiêu mà Do Thái không kích là một lò phản ứng hạt nhân bí mật để sản xuất vũ khí hạt nhân trong tương lai.

8* Kết luận

Các nhà phân tích cho rằng kho vũ khí hoá học của Syria lớn hàng thứ tư trên thế giới. Hoa Kỳ, Do Thái và các nước đồng minh rất lo ngại loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nầy rơi vào tay các tổ chức khủng bố.

Việc ngăn chặn Al Assad xử dụng vũ khí hoá học giết hại thường dân, hoặc chuyển giao chúng cho các tổ chức khủng bố, ngăn chặn không cho lọt vào tay khủng bố, có thể không bảo đảm thành công như ý muốn, bởi vì các kho vũ khí nầy được cất giấu nhiều nơi trên nước Syria.

Chất độc sarin được nạp vào đạn đại bác, bom và đầu nổ của hỏa tiễn, được phóng đi từ hàng chục phi cơ quân sự, súng đại bác, chỉ phát hiện được sau khi nổ, và có những hiện tượng bị trúng độc. Do đó, việc bảo vệ và ngăn chặn vũ khí hoá học không dễ dàng chút nào cả.

Dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thú nhận: “Chúng tôi chưa biết phải làm cách nào để có hiệu quả nhất ở Syria nếu như nước nầy sụp đổ trong nay mai”.

Trúc Giang
Minnesota tháng 12 năm 2012

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Suốt buổi sáng Thứ Sáu mùng bảy, truyền thông Hoa Kỳ tập trung phân tách một đề tài nóng nhất, là cuốn băng hình do al-Qaeda phổ biến
Xưa, Trần Quốc Toản, một thiếu niên đời Trần, đã bóp nát trái cam lúc nào không biết vì căm phẫn trước tình trạng đất nước bị giặc Nguyên xâm lăng
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian
Phần chính bài này đã được trình bày trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hùng, đài RFA, với tác giả  và đã được phát thanh sáng 6.9 giờ VN.
Nhìn lại chuyện đúng sai của quá khứ để rút tỉa bài học cho tương lai là quá trình bình thường. Tiếc thay, con đường kiến tạo tương lai
Thế nào là những “người bạn dân”, có phải gắn lên mình hai chữ nhân dân thì là bạn dân" Thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân
Hoa Thịnh Đốn.- “Rối rắm, lung tung beng” là những chữ rất chính xác để mô tả về nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, sau 20 năm  đổi mới.
Hồ Chí Minh từng viết báo và tham gia sáng lập nhiều tờ báo cách mạng ở Pháp. Các bài viết của ông chủ yếu là các bài chính luận nảy lửa
Sở trường của người cộng sản xưa nay vẫn là "chia để trị", một chính sách hết sức nham hiểm. Mục đích" Thứ nhứt là phân loại thành phần
Qua thông tin hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình chúng ta có cảm tưởng đảng Dân chủ muốn quân đội Hoa Kỳ rút lui
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.