Hôm nay,  

Trang Đất Việt: Nước Việt Nam

13/12/201200:00:00(Xem: 7926)
Nguyễn Lộc Yên
(tiếp theo)

Lịch sử hình thành đất nước Việt Nam:

Các nhà khảo cổ, khai quật ở Hoà Bình và Bắc Sơn; đã thể nghiệm rằng những người Việt cổ đã sinh sống tại miền Bắc VN ngày nay. Họ sinh sống từ thời kỳ đồ đá cũ, đến thời kỳ đồ đá mới, thì họ biết làm nông nghiệp với kỹ thuật lúa nước. Tham khảo qua một số cổ sử, nòi giống người Việt cổ (Bách Việt) bắt đầu lập quốc đầu tiên ở miền Lĩnh Nam, bao gồm một vùng rộng lớn phía nam sông Trường Giang (nay nước Tàu) đến vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã của nước Việt, tên nước là Xích Quỷ. Sử cũ ghi rằng, tộc người Việt hình thành từ năm 2879 (TCN) tại vùng Hồ Động Đình (Hồ Nam, nay thuộc Tàu).

Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 (TCN), dân tộc Bách Việt (Điền Việt ở Vân Nam, Dạ Lang ở Qui Châu, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Triết Giang, Sơn Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Âu Việt ở Quảng Tây, Lạc Việt...). Đa số bị người Hoa Hạ ở miền Bắc sông Dương Tử đến đánh chiếm, tiêu diệt hay đồng hoá; có lẽ bộ tộc Lạc Việt thì còn đông đủ nhất, di chuyển dần đến miền Bắc nước Việt ngày nay.

Khoảng thế kỷ thứ 7 (TCN), cùng thời Chu Trang Vương (696 TCN-682 TCN) của nước Tàu. Người Lạc Việt hình thành quốc gia trên vùng đất Bắc Việt ngày nay, tên nước là Văn Lang, do các vua Hùng trị vì; đóng đô ở Phong Châu (nay là Phú Thọ). Di tích Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) phát hiện văn hoá đồ đồng cách nay khoảng 3.000 năm (khoảng thời vua Hùng). Văn hoá Đông Sơn, phát hiện trống đồng và chế tạo các vũ khí (giáo, búa...) tức là văn hoá đồ sắt, cách đây khoảng 1.200 năm.

Năm 257 (TCN), Thục Phán là thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt, chiếm được nước Văn Lang, sáp nhập lãnh thổ Âu Việt và Lạc Việt thành nước Âu Lạc; xưng hiệu là An Dương Vương.

Năm 207 (TCN), nhân nhà Tần có loạn, Triệu Đà thôn tính: Âu Lạc, Mân Việt, Quế Lâm, rồi thành lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (gần thành Quảng Châu). Vương quốc Nam Việt trong thời Triệu Đà, gồm: Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay. Nước Nam Việt đến năm 111 (TCN), bị nhà Hán xâm lược. Đến năm 40 (SCN), Hai Bà Trưng khởi nghĩa giành được nền độc lập, nhưng chỉ 3 năm sau, lại bị quân Hán xâm lăng như cũ. Tiếp theo nhà Hán, các đế quốc Đông Ngô, Tấn, Tề, Lương, sang đô hộ nước ta.

Năm 541 (SCN), Lý Bôn (Bí) phất cờ khởi nghĩa, đã đánh đuổi được thứ sử Tiêu Tư nhà Lương, lập ra nước Vạn Xuân. Khi quân Lương trở lại xâm lăng, thì bị Triệu Quang Phục đánh tan. Nhưng vào năm 571, Lý Phật Tử đánh bại Triệu Việt Vương. Đến năm 602, Lý Phật Tử đầu hàng nhà Tùy, nước ta bị Tàu cai trị 336 năm nữa. Kế đến nhà Đường đô hộ lập ra An Nam đô hộ phủ, trên lãnh thổ nước Vạn Xuân cũ. Trong thời kỳ thuộc Đường, có nhiều anh hùng đã khởi nghĩa: Mai Hắc Đế, Phùng Hưng... đã giành được độc lập trong một thời gian mấy năm.

Năm 866 (SCN), nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải, cử Cao Biền làm Tiết độ sứ. Năm 905, Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa chiếm thành Tống Bình (Hà Nội), xưng là Tiết độ sứ. Năm 923, Khúc Thừa Mỹ bị quân Nam Hán bắt. Năm 931, Dương Diên Nghệ đánh chiếm thành Đại La; đến năm 937, ông bị Kiều Công Tiễn làm phản, ám sát chết, rồi cướp lấy binh quyền, sau đấy đầu hàng Nam Hán. Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán ở Bạch Đằng giang, có thể coi là trận chung kết

toàn thắng của dân tộc Việt Nam, trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc và chống đồng hóa. Nhìn vào bối cảnh Bắc thuộc kéo dài 1007 năm (là 4 lần Bắc thuộc, nếu tính 5 lần Bắc thuộc là 1103 năm) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của trận chiến này.

Năm 968, Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 Sứ quân, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đổi tên nước là Đại Việt. Nhà Lý, nhà Trần mỗi triều đại trị vì Đại Việt trên dưới 200 năm; trong thời gian này các vương triều Lý, Trần chẳng những giữ gìn đất nước được yên ổn, mà còn mở mang bờ cõi về phương Nam. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhân cơ hội này nhà Minh (Tàu), nêu khẩu hiệu “phù Trần diệt Hồ” qua xâm lăng nước ta. Bắc Bình vương Lê Lợi đã lãnh đạo các tướng sĩ Lam Sơn và nhân dân Đại Việt đánh đuổi quân Minh tan tác chạy về Tàu. Năm 1788, Lê Chiêu Thống, kẻ “rước voi về giày mả tổ”, đã rước quân Thanh sang xâm lược nước ta. Xuân Kỷ dậu (1789), Hoàng đế Quang Trung, đánh tan tác trên 20 vạn quân Thanh xâm lược tại thành Thăng Long.

Năm1802, Nguyễn Ánh lên ngôi ở Phú Xuân (Huế), lấy hiệu Gia Long. Gia Long cử Lê Quang Định làm chánh sứ sang Tàu xin phong vương, đổi tên nước là Nam Việt, nhà Thanh lo ngại Nam Việt sẽ lẫn lộn với nước của Triệu Đà (gồm cả: Quảng Đông, Quảng Tây), nên đặt tên nước là Việt Nam.

Nam Bắc phân tranh: Nước Việt có thể nói là tới 3 lần Nam-Bắc phân tranh, gây cảnh tương tàn nồi da xé thịt.

A- Nam Bắc phân tranh lần 1, Lê (Trịnh) và Mạc: Phân tranh 47 năm (1545-1592): Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc. Nhà Lê Trung Hưng được tái lập sau đó, do Nguyễn Kim là một tướng cũ nhà Lê trợ giúp, đã giành được đất từ Thanh Hoá vào trong. Sau khi Nguyễn Kim chết, người con rể là Trịnh Kiểm nắm lấy binh quyền. Đến năm 1592, Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc, mở ra thời kỳ “vua Lê chúa Trịnh”.

B- Nam Bắc phân tranh lần 2, Trịnh và Nguyễn: Phân Tranh 45 năm (1627-1672): Thời gian các chúa Nguyễn trị vì ở Đàng Trong là 177 năm (1600-1777), lấy sông Gianh (Linh giang nay thuộc tỉnh Quảng Bình) làm ranh giới Bắc-Nam. Trịnh-Nguyễn đã đánh nhau 45 năm liên tục, từ năm 1627 (đời Lê Thần Tông), đến năm 1672 (đời Lê Gia Tông). Năm 1784, Nguyễn Huệ (nhà Tây Sơn) đem quân diệt Nguyễn Ánh. Năm1786, Nguyễn Huệ đem quân diệt chúa Trịnh, mới chấm dứt hoàn toàn Trịnh, Nguyễn phân Tranh.

- Thời gian Pháp thuộc và giành độc lập: Năm 1861, trung tướng Pháp là Charner đem 70 chiến thuyền và 3.500 lính, tấn công đồn Kỳ Hòa, đồn bị thất thủ. Ngày 9-5-1862, thiếu tướng Pháp là Bonard ký với Phan Thanh Giản hòa ước Nhâm tuất, VN nhường Pháp 3 tỉnh Miền Đông: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Năm 1867, thiếu tướng pháp là De la Grandière đem quân chiếm 3 tỉnh Miền Tây: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, Phan Thanh Giản thấy không giữ nổi, giao thành và uống thuốc độc chết. Năm Giáp tuất (1874), Nguyễn Văn Tường và Rheinart, ký hòa ước xác nhận: 6 tỉnh Nam VN, do Pháp toàn quyền cai trị. Nước VN lãnh thổ còn lại hoàn toàn tự trị. Ngày 23-7 Quý mùi (1883), Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp ký hòa ước với toàn quyền Harmand (hòa ước Harmand) và khâm sứ De Champeaux. Nước VN đồng ý để nước Pháp bảo hộ.

Ngày 6-6 năm Giáp thân (1884), các ông Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, ký với Patennôtre (hòa ước Patennôtre). Từ đó thực quyền cai trị nước Nam đều do Pháp, triều đình Huế chỉ còn hư vị mà thôi!. Như vậy Pháp đô hộ toàn nước Việt Nam 61 năm (1884-1945). Nếu kể từ hòa ước Nhâm tuất (1862) là 83 năm. Pháp chia Việt Nam làm 3 miền: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Đứng đầu 3 kỳ là Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ, cả 3 kỳ đều thuộc quyền giám sát và điều khiển bởi Toàn quyền Đông Dương.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp, triều đình Huế hủy bỏ hòa ước Patenôtre (1884). Trần Trọng Kim làm thủ tướng và thành lập chính phủ ngày 17-4-1945, lần đầu tiên Việt Nam được tuyên bố độc lập. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thì ngày 23-8-1945, chính phủ Trần Trọng Kim bị sụp đổ.


Cuối năm 1946, cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Minh thất bại. Hồ Chí Minh lập ra nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH). Chính quyền Pháp bị áp lực của dư luận quốc tế, đòi chấm dứt chiến tranh và trao trả độc lập cho nhân dân Đông Dương. Pháp phải tìm giải pháp chính trị có lợi cho Pháp là “ngăn chận chủ nghĩa cộng sản”.

Đầu năm 1947, Pháp cử đại diện gặp Bảo Đại, tỏ ý muốn

thành lập một nước Việt Nam độc lập. Để hậu thuẫn cho Bảo Đại đàm phán với Pháp về độc lập cho Việt Nam; các lực lượng chính trị: Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng, đạo Hoà Hảo và Cao Đài; đã liên kết thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất.

Ngày 7-12-1947, tại cuộc họp trên tàu chiến của Pháp ở Vịnh Hạ Long; Bảo Đại và Pháp ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long, đã đồng thuận lập Quốc gia Việt Nam (QGVN) trên cơ sở độc lập và thống nhất một VN trong Liên hiệp Pháp.

Ngày 5-6-1948, Quốc Gia Việt Nam ký kết với Pháp, Hiệp ước Vịnh Hạ Long lần 2, với nội dung Pháp công khai công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tháng 1-1949, Bảo Đại yêu cầu Nam Kỳ thuộc về QGVN, được Pháp đồng ý. Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp là Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysé xác nhận nền độc lập của VN, chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia trên thế giới đã công nhận Quốc gia Việt Nam.

Hiệp định Genève 1954: Tham dự gồm có: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Tàu, VNDCCH, QGVN, Lào, Campuchia; được ký kết tại thành phố Genève của Thụy Sĩ. Ngày 20-7-1954, hội nghị Genève kết thúc. Ngày 21-7-1954, lập một bản tuyên bố chung: “Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Đông Dương: Việt Nam, Lào và Cambodia. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam”. Thủ tướng của QGVN là Ngô Đình Diệm ra tuyên cáo phản đối việc chia hai nước Việt Nam. Nhưng cuối cùng chính phủ QGVN cũng tôn trọng hiệp định Genève ngày 20-7-1954, dùng sông Bến Hải, tại vĩ tuyến 17, làm giới tuyến quân sự. Từ hiệp định Genève, chia nước Việt Nam làm hai chính phủ Bắc và Nam riêng rẽ, tức là có hai nước VN riêng biệt. Miền Bắc do VNDCCH kiểm soát, miền Nam do QGVN kiểm soát. Theo điều khoản của Hiệp định, sau đấy quân đội Pháp rút dần về nước. Hiệp ước quy định 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội VNDCCH và Liên hiệp Pháp hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền. Sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất VN.

Số người từ miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève, không có thống kê đầy đủ. Nhưng theo Hội nghị tại Liễu Châu (Tàu) ngày 3-7-1954, trước khi ký hiệp định Genève, giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai: Việt Minh (VM) dự tính rút khoảng 60,000 người, cả bộ đội và chính trị viên. Và VM dự tính sẽ lén gài người ở lại miền Nam từ 5,000 đến 10,000 người với vũ khí chôn giấu để chờ thời cơ. Trong khi đấy, số người từ miền Bắc di cư vào miền Nam khoảng 1 triệu người. Đây là đợt tỵ nạn Cộng sản đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử Việt Nam; đợt tỵ nạn này cũng nói lên chế độ Cộng sản cai trị độc tài và chế độ Quốc gia cai trị trong thể chế tự do.

Ngày 4-6-1954, Thủ tướng Pháp là Joseph Laniel và Thủ tướng QGVN là Nguyễn Phúc Bửu Lộc, ký hiệp ước công nhận QGVN được độc lập hoàn toàn. QGVN không còn trong Liên hiệp Pháp nữa. Pháp đã công nhận độc lập QGVN, nhưng chưa muốn tách QGVN ra khỏi Liên hiệp Pháp.

Một năm sau ngày ký hiệp định Genève, Phạm Văn Đồng, thủ tướng VNDCCH, gởi thư ngày 19-7-1955, cho thủ tướng QGVN là Ngô Đình Diệm, yêu cầu mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955, để bàn về việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của hiệp định Genève. Ngày 10-8-1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã bác bỏ đề nghị của Bắc Việt, vì lý do chính phủ QGVN không có ký vào hiệp định Genève và không thể chấp nhận VNDCCH đã đặt quyền lợi Quốc tế Cộng sản lên trên quyền lợi quốc gia.

Ngày 23-10-1955, Trưng cầu dân ý, Quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất. Thủ tướng Ngô Đình Diệm, được bầu làm Tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hoà (tại miền Nam) tức là nền Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam và giải tán chính thể QGVN.

C - Nam Bắc phân tranh lần 3, giữa Quốc gia và Cộng sản: Phân tranh 21 năm (1954-1975); cuộc chiến giữa Việt Nam Cộng hoà (VNCH: Quốc gia, ở miền Nam VN) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH: Cộng sản, ở miền Bắc VN).

Miền Nam Việt Nam, do Tổng tống Ngô Đình Diệm lãnh đạo nền đệ nhất Cộng hoà (1955-1963), sau khi các tướng lãnh đảo chánh ngày 1-11-1963, tướng Nguyễn Khánh thực hiện “chỉnh lý”, nắm quyền lãnh đạo chính quyền, kế đến Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo (1965-1975) rồi ông Thiệu đắc cử Tổng thống năm 1967, lập nền đệ nhị Cộng hoà, Hoa Kỳ yểm trợ cả 2 nền đệ nhất và đệ nhị Cộng hoà ở miền Nam.

Miền Bắc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo (1945-1969), nhưng thực sự kể từ năm 1960, Lê Duẫn bắt đầu thâu tóm quyền hành. Tổng bí thư thứ nhất đảng Cộng sản VN Lê Duẫn lãnh đạo (1960-1986), vì kể từ năm 1960, Lê Duẫn đã cô lập Hồ Chí Minh và Đại tướng Giáp với nhiều đảng viên Cộng sản cao cấp khác (Trên giấy tờ Lê Duẫn chính thức làm Tổng bí thư của đảng Cộng sản VN kể từ năm 1976?!). Đảng Cộng sản miền Bắc cùng Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGPMN), đều là Việt Nam Cộng sản (VC), được yểm trợ từ các nước Xã hội chủ nghĩa (Cộng sản): Tàu cộng, Nga cộng... Cuộc chiến đã lan ra toàn cõi Đông Dương, đến hai nước láng giềng là Ai Lao và Cao Miên. Cuộc chiến bắt đầu mạnh từ năm 1960, khi miền Bắc đưa quân xâm nhập miền Nam và thành lập MTGPMN.

Đặc biệt trong thời gian Nam Bắc phân tranh này: Tết Mậu thân, Việt cộng tấn công hầu hết các tỉnh thành miền Nam. Riêng tại thành phố Huế, VC đã sát hại quân dân cán chính VNCH khoảng 6.000 người, vì ngưng bắn (VC bội ước) họ về gia đình ăn tết, nên bị kẹt lại trong thành phố. Chiến dịch Lam Sơn 719 (Cuộc Hành quân Hạ Lào) do VNCH chủ động vào năm 1971 và Hè Đỏ Lửa do VC tổng tấn công năm 1972, đã gây cho không biết bao nhiêu quân sĩ 2 bên bị tử thương!. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký bởi: Ngoại trưởng Mỹ William Rogers, Ngoại trưởng Cộng sản Bắc Việt Nguyễn Duy Trinh, Ngoại trưởng Chính Phủ Lâm thời miền Nam Nguyễn Thị Bình và Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm. Nhân vật chủ chốt đàm phán là Henry Kissinger (Mỹ) và Lê Đức Thọ (VC). Chính hiệp ước này bức tử VNCH. Sau 21 năm nội chiến, chính thức kết thúc ngày 30-4-1975, khi Tổng thống bất đắc dĩ của VNCH là Dương Văn Minh đầu hàng. Trong suốt 21 năm chiến tranh, gây chết chóc vô số
(**).
_________________________
(**)- Quân đội của VNCH bị tử thương khoảng: 250.000 người. Hoa Kỳ bị chết: 58.209 người.

- Quân đội của VC bị tử vong khoảng: 1.100.000 người, trong số này bao gồm chết vì chiến trận, chết vì bị máy bay trên đường xâm nhập vào Nam và chết vì bệnh tật.Tàu cộng chết khoảng 1.100 người.

- Thường dân: VN bị chết khoảng 3.000.000 người, Cao Miên bị chết khoảng 70.000 người, Lào bị chết khoảng 50.000 người.

Tổng kết quân đội các bên (kể cả quân Mỹ; quân Tàu... tham chiến) và thường dân VN, Miên và Lào đã bị chết, ước tính khoảng 4.480.000 người.

(Còn Tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.