Hôm nay,  

Oakland- Kỷ Niệm Mùa Bầu Cử 2012

16/11/201200:00:00(Xem: 6867)
Trong đời tôi chưa bao giờ làm nhiệm vụ công dân cầm lá phiếu đi bầu. Từ thời Việt Nam Cộng Hòa không đi bầu, thời Việt Nam Cộng Sản ở vài năm không có hộ khẩu rồi vượt biển, thời Canada mặc dù là công dân nhưng lại không thấy hào hứng vì vẫn nghĩ mình là kẻ ở tạm, rồi qua Mỹ ở hăm mấy năm vừa mới được quyền đi bầu thì loay hoay làm sao trễ thời hạn ghi danh bầu cử.

Nhưng đôi khi như vậy mà lại hay. Bạn bè kẻ thì theo Đảng Cộng Hòa, kẻ thì theo Đảng Dân Chủ, gặp nhau bàn chuyện bầu cử dễ sinh ra cãi cọ mất lòng. Mình ở vị thế trung lập, tha hồ mà đưa ra lời bình luận mà không ngại bị cho là có thiên kiến đảng phái.

Buổi sáng của ngày tổng tuyển cử quan trọng nước Mỹ, Thứ Ba 6/11/2012 tôi dậy lúc 4 giờ sáng trong giấc ngủ chập chờn cứ sợ ngủ quên trễ giờ. Tôi lái xe lên Oakland khi đường xá còn bóng đêm bao phủ với làn sương lạnh phủ để làm công việc liên quan đến bầu cử.

Trước đây hơn một tháng do sự tình cờ mà tôi được giới thiệu để làm cho cơ quan bầu cử của Quận Alameda, đứng đầu là ông Dave MacDonald và phó ban là bà Cynthia Cornejo. Họ tuyển tôi vào ban huấn luyện các nhân viên chăm lo việc tổ chức cùng điều hành một phòng phiếu. Nội dung thì chẳng có gì khó, nhưng phải trình bày bằng tiếng Anh trong lớp cho các học viên thì tôi không thấy tự tin vì đây là một điều mà tôi chưa từng làm qua bao giờ.

Qua Mỹ ở được hơn hăm mấy năm, tôi toàn dùng tiếng Việt vì làm nghề tự do và sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam nên phần trao đổi Anh ngữ chẳng tiến bộ chút nào. Tôi nhớ lại mấy chục năm trước hồi còn ở Canada, khi có người bạn đi chơi ở Cali trở về bảo rằng dân Việt ở đây nói tiếng Anh dở. Bây giờ nghĩ lại có phần đúng, vì điều này chứng nghiệm cho trường hợp của tôi.
tran_chi_phuc_bau_cu_oakland
Hình trái: Trần Củng Sơn và Trưởng ban huấn luyện Jackie Morrison đang ngồi; Hình phải: Lưu Văn Lai và Trần Củng Sơn.
Khi được nhận công việc huấn luyện nhân viên cho các phòng đầu phiếu, tôi kể chuyện này cho bạn bè nghe rằng mình đang đi làm cho chính quyền và huấn luyện cách chăm sóc phòng phiếu bằng tiếng Anh thì họ đều cười với một vẻ chế nhạo. Thế nhưng tôi cảm thấy thú vị, vì đây là một kỷ niệm đặc biệt trong đời. Cũng may là chương trình huấn luyện có các hình ảnh minh họa để phát cho các học viên, thế nên tôi chỉ cần đọc theo các điều chỉ dẫn là đã đạt được các yêu cầu của ban giảng huấn. Tất cả các nhân viên của phòng đầu phiếu đều phải dự lớp huấn luyện hai hay ba tiếng đồng hồ. Họ là những người trưởng phòng, phó phòng hay các thư ký để chăm lo việc bầu phiếu. Các vị này được trả một số tiền thù lao sau ngày bầu cử.

Nói chung thì tinh thần phục vụ của họ thật là cao, nên ai ai cũng đều tham gia học hỏi về cách giúp các cử tri bầu phiếu cùng việc chăm lo mở và đóng các phòng phiếu. Tôi gặp một số học viên họ Trần, họ Nguyễn, hỏi thăm trao đổi bằng tiếng Việt Nam. Có một bà tuổi đã về hưu, sống ở Mỹ trước năm 1975 tâm sự rằng muốn làm việc phòng phiếu để hiểu thêm về tổ chức bầu cử của nước Mỹ và cũng cảm thấy vui vui khi tham dự vào ngày quan trọng của quốc gia hùng mạnh và tự do nhất hoàn cầu.

Lúc đầu tôi nghĩ là mình sẽ làm công việc dịch thuật một số tài liệu bầu cử từ Anh ngữ qua Việt ngữ, nhưng không hiểu sao họ lại cử tôi vào ban giảng viên. Thôi thì cũng là một công việc thật mới mẻ và đầy thử thách. Hiện tại thì tôi còn được hiểu thêm về cái gọi là Ranked Choice Voting mà tôi xin tạm dịch là bầu phiếu theo thứ tự chọn lựa. Cách đầu phiếu theo lối này đã được áp dụng tại các thành phố Berkeley, Oakland và San Leandro để chọn vị thị trưởng cùng số nghị viên thành phố. Cách bầu cử loại này có một lợi điểm là chỉ bầu một lần để có ngay được kết quả. So với thành phố San Jose hoặc nhiều nơi khác thì các chức vị trên phải được bầu ở vòng sơ bộ vào đầu vào Tháng Sáu, và nếu không ứng cử viên nào được thắng cử khi có hơn 51% tổng số phiếu thì phải chọn 2 người có nhiều phiếu nhất để vào vòng chung kết ở cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Cách thức bầu Ranked Choice Voting là cử tri được phát một lá phiếu có ghi tên các ứng cử viên. Cử tri đánh dấu ứng cử viên thứ tự hạng nhất (first choice), ứng cử viên thứ tự hạng nhì (second coice), ứng cử viên thứ tự hạng ba (third choice) trên lá phiếu bầu của mình. Khi kiểm phiếu vòng một, ban bầu cử đếm lá phiếu dựa trên sự chọn hạng nhất (first choice) để tính mỗi ứng cử viên được bao nhiêu phiếu. Nếu không có ai được 50% +1 trên tổng số phiếu thì bắt đầu qua vòng kế tiếp. Vòng kế tiếp này, người nào ít phiếu nhất thì bị loại bỏ. Và dựa trên lá phiếu của ứng cử viên bị loại này, đếm sự chọn lựa hạng nhì (second choice) dành cho ai và cộng vào số phiếu của người đó. Nếu chưa có ai có 50%+1 tổng số phiếu thì qua vòng kế tiếp nữa, ứng cử viên ít phiếu nhất bị loại, và người ta dựa trên lá phiếu của người bị loại này, đếm sự chọn lựa hạng ba (third choice) dành cho ai và cộng vào số phiếu người đó. Cứ theo cách tính này thì cuối cùng sẽ có ứng cử viên được hơn 50% tổng số phiếu và đắc cử. Đại khái là như vậy. Thật sự mà nói thì cách bầu phiếu loại này có điều dở là kém phần sôi nổi so với lối bầu cử vòng chung kết chỉ còn hai ứng cử viên và đôi khi kẻ chiến thắng lại không phải là người tài giỏi nhất mà chỉ được lòng chung chung của cử tri.


Trong lúc làm công việc huấn luyện nhân viên phòng phiếu tôi gặp được một người gốc Việt Nam khác, anh Lưu Văn Lai. Hỏi thăm anh cùng tuổi tôi và qua Mỹ cuối tháng 4 năm 1975. Anh từng là sinh viên ban Sử cùng học Luật tại đại học Văn Khoa và Luật Khoa của Sài Gòn năm xưa. Qua Mỹ anh tiếp tục việc học nhưng chưa hoàn thành được ước mơ về đỗ đạt. Theo lời kể thì anh đã từng làm thầy giáo cùng các công việc xã hội rồi trở thành giám đốc Hội Người Việt Vùng Đông Vịnh ở thành phố Oakland từ năm 1986 đến năm 2007. Hiện tại thì anh đang làm cho phòng bầu cử của quận Alameda, đặc trách những công tác liên quan đến cử tri Mỹ gốc Việt Nam. Cũng như các nơi có đông dân cư người Mỹ gốc Việt, quận Alameda hiện có các tài liệu cùng các lá phiếu bầu song ngữ là Anh ngữ-Tây Ban Nha ngữ, Anh ngữ-Trung Quốc ngữ, Anh ngữ-Tagalog ngữ và Anh ngữ-Việt ngữ. (Tôi cảm thấy lạ khi người nào đó dùng chữ Trung Quốc ngữ, Tây Ban Nha ngữ để dịch chữ Chinese, Spanish.)

Những người bầu phiếu bằng thư, nếu không xin tài liệu bằng Việt ngữ thì sẽ nhận được lá phiếu bầu gửi đến bằng tiếng Anh cùng tiếng Tây Ban Nha. Theo tôi nghĩ thì chúng ta nên xin tài liệu bằng tiếng Việt để khi điền vào lá phiếu bầu sẽ thấy là phần trên là Anh ngữ, và rồi phần dưới là Việt ngữ. Nếu chúng ta khi đọc không thấy thuận lòng thì cứ việc gửi thư phản ánh để rồi sau đó uỷ ban được giao phó công việc phiên dịch sẽ phải chỉnh đốn để rồi việc soạn thảo bằng tiếng Việt sẽ được hoàn hảo hơn. Các danh từ chuyên môn theo tôi thấy thì chưa được hoàn chỉnh cho lắm.

Vào ngày bầu cử 6/11/2012 tất cả các giảng viên dạy nhân viên phòng phiếu như tôi đều bị coi như hết việc và được phân công chạy vòng vòng qua mấy chục địa điểm bầu phiếu để kiểm soát và giúp đỡ giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bầu cử. Có phòng phiếu tự dưng mất điện, có chỗ máy thu nhận phiếu bị kẹt giấy, có chỗ bút mực bị cử tri dùng quên trả lại cho nên bị thiếu hụt. Chúng tôi đều phụ lo và công việc đầu phiếu của các cử tri đã được hoàn thành một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, có những chỗ thì nhân viên phòng đầu phiếu chỉ toàn là phụ nữ cùng các vị lão niên, thế nên tôi đã phải giúp đỡ khiêng thùng đựng phiếu cùng các vật l´iệu khá nặng vào lúc cuối giờ.

Hôm đó trời Oakland nắng thật đẹp. Nhiệt độ không nóng không lạnh của tháng Mười Một cho cảm giác thoải mái. Anh Lai cùng tôi đi chung một chiếc xe để viếng thăm các phòng đầu phiếu. Lúc sáng tôi đã nổi hứng để ăn mặc thật chỉnh tề. Tôi thắt chiếc cà vạt cùng mang thêm bộ áo vét. Đây là một điều thật hiếm hoi trong lối sinh hoạt thường ngày của tôi. Tôi nói đùa với anh Lai là tôi chưng diện cho thật đẹp để chào mừng ngày bầu cử thật quan trọng của nước Mỹ, ngày chọn lựa ra một người lãnh đạo của đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Dù sao hai chúng tôi cũng được coi là viên chức có thẩm quyền của ban bầu cử tại quận Alameda trong ngày bầu phiếu. Những lá phiếu được đút vào máy thu nhận phiếu- Scanner và lúc chấm dứt bầu cử thì hộp ghi dữ kiện và các lá phiếu bầu sẽ được đem về trung tâm bầu cử để kiểm phiếu. Khi các phòng phiếu vừa đóng cửa vào lúc 8 giờ tối của Cali, và dĩ nhiên là các nhân viên chưa kịp thu dọn xong các dụng cụ thì tin tức đã cho biết là Tổng Thống Obama đã tái đắc cử vì họ đã tính chắc tiểu bang California thuộc về Đảng Dân Chủ.

Tôi có được một ngày ghé thăm nhiều nơi của thành phố Oakland và vùng lân cận, thành phố quan trọng vì có một hải cảng đứng vào hàng thứ năm của Hoa Kỳ, và cạnh đó là đại học UC Berkeley vang danh thế giới. Số người Việt cư trú ở đây khá đông nhiều năm trước được gọi là Người Việt Vùng Đông Vịnh nhưng bây giờ một số cũng đã dời đi nơi khác vì sinh kế.

Việc bầu cử chấm dứt vào lúc 8 giờ tối, thế nhưng chúng tôi lại phải đến một trung tâm thu hồi các phiếu bầu cùng các dụng cụ để chờ cho người vị trưởng phòng phiếu cùng một nhân viên của phòng phiếu lái xe đến giao nộp các phiếu bầu cùng các bộ nhớ của máy đầu phiếu.

Hôm đó là ngày làm việc cuối cùng của tôi cho công tác bầu cử. Ngày Tổng Tuyển Cử sắp hết, những tin tức xôn xao, những tranh luận hào hứng, những lời tiên đoán kết quả và bao nhiêu lo toan của ban tổ chức bầu cử trong đó có sự tham gia của tôi.

Tôi lái xe rời Oakland về San Jose vào lúc 10 giờ tối để xem tin tức truyền hình về bầu cử . Suốt mấy mùa bầu cử trong mấy chục năm qua tôi lúc nào cũng theo dõi phần diễn văn đêm chung kết, người thua cố gắng lịch sự chúc mừng kẻ thắng với những khuôn mặt đẫm lệ của các ủng hộ viên và sau đó người chiến thắng nụ cười rạng rỡ trong tiếng reo hò của đám đông phò trợ . Tôi nhờ anh Lai chuyển dùm phiếu tính giờ làm việc để lãnh lương đến cô sếp là Jackie Morrison phụ trách ban huấn luyện với lời cám ơn. Tôi cũng bày tỏ sự quyến luyến đối với anh, một người bạn mới tao ngộ không lâu. Tôi chúc anh giữ được một vai trò nòng cốt trong bộ phận liên quan đến người Mỹ gốc Việt Nam của cơ quan bầu cử quận Alameda.

Một tháng rưỡi qua mau, cảm giác bồi hồi khi giã từ cái gì đó không tái diễn. Bao nhiêu điều đã trôi qua trong cuộc đời, có cái nhớ có cái quên nhưng có lẽ công việc giảng viên huấn luyện nhân viên phòng bầu cử của đất nước Hoa Kỳ cũng là lạ, mà tôi muốn ghi lại làm kỷ niệm.

Ý kiến bạn đọc
16/11/201216:49:22
Khách
Tác giả nên trở lại với loạt bài "Chào Em Tháng (Mươi Một)" có lẽ sẽ có được nhiều độc giả hơn, chứ còn chuyện bầu với bán đã nhiều quá nên có lẽ đã thành nhàm rồi.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.