Hôm nay,  

Tưởng Nhớ B.S Trần Nguơn Phiêu: Anh Nghe Chăng Cung Kèn Rạng Đông

23/10/201200:00:00(Xem: 12680)
Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, (1927-2011) qua đời tự nhiên ngày 4 tháng Mười Một tại Amarillo, Texas, thọ 84 tuổi. Ông để lại vợ, và con gái.

Gia phong nề nếp, cửa nhà thanh bạch, tuổi thanh niên ông du học Pháp, ngành Quân y. Trở về nước, trong sinh họat nghề nghiệp, ông được giao phó những trách vụ chuyên ngành, rồi được mời tham gia Nội các miền Nam, đảm nhiệm chức Tổng trưởng Xã Hội - chủ xướng chương trình “Y tế Về Làng”, nổi tiếng một thời.

Sinh tiền, ai từng tiếp xúc với ông, chắc hẳn cùng nhìn nhận, rằng ông Phiêu là người khiêm cung, dung dị, chân tình. Tiếp xúc nhiều hơn, lại mới thấy ông có trí nhớ khác thường, tâm hồn nhạy cảm, khả năng quan sát sắc bén…Là những điều ít khi ông tỏ lộ. Tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ ở Pháp, giữ chức vụ cao trong chính quyền miền Nam, tiếp tục hành nghề ở Mỹ… cho đến khi về hưu, ở đâu ông cũng chỉ sống nếp sống đơn giản. Ông thích tham gia việc Xã hội,ưa tham gia sinh họat Cộng đồng địa phương. Và công tác Phật sự…thì bao giờ cũng sốt sắng: Đây là mẫu người trí thức miền Nam truyền thống.

Ai tiếp xúc nhiều, thì biết dù về hưu, ông thêm bận rộn. Ông tham gia vào những Hội thảo về chiến tranh, về người nghèo, về nạn nhân chất độc Da cam.v.v. Ở hải ngọai, ngoài Mỹ, ông có những liên lạc rộng, với đủ mọi thành phần, mọi quốc tịch, từ Canada, Úc, Pháp, Bỉ, Hà Lan…chủ yếu về các đề tài liên quan đến đất nước Việt Nam - nhất là về Kháng chiến Nam bộ. Nhưng cũng ít ai biết ông muốn tham dự sinh họat cầm bút mãnh liệt từ khi nào.

Được quen biết ông khoảng 2 năm trước khi ông cho ra đời cuốn đầu tiên, Phan Văn Hùm - thân thế & sự nghiệp, tôi được hiểu biết nhiều thêm về Cách mạng miền Nam, về những éo le bấy lâu bị che kín. Xin gửi lời cám ơn muộn màng đến ông.
tran_nguon_phieu_02
Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu.
Bác sĩ Phiêu là người chứng ít oi sót lại của thế hệ đã tham gia Kháng chiến Nam bộ, ngay trong giai đọan khắc nghiệt, oan khuất nhất; Là một trong những thế hệ thanh niên đầu tiên hứng khởi hát những bài hùng ca xuất phát từ miền Nam (mới sáng tác từ hồi ấy) lừng lẫy cả nước… của Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ. Và thuở vào đời, ông còn đặc biệt được thấy tận mắt, nghe tận tai, tiếp cận những lãnh tụ cách mạng miền Nam, cũng như tham dự trực tiếp những biến cố lịch sử với hàng trăm ngàn người Nam bộ xuống đường từ tháng Chín, 1945, giành độc lập. (Các lãnh tụ cách mạng mà ông gọi là “các chú, các bác”, như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Văn Vững…kể cả Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.) Và sau này, thời là sinh viên ở Pháp, ông coi là sự kỳ ngộ, khi thuật lại chuyện gặp Hồ Hữu Tường. Ông Tường phải chảy nước mắt khi nghe chuyện Nam bộ của ông.

Chỉ khi trực tiếp nghe ông sôi nổi phân tích chuyện lịch sử, làm tôi mới giật mình: “Lịch sử Kháng chiến Nam bộ không để chỉ cho những Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn… độc quyền tường thuật đâu.”

Lúc ấy tôi mới cảm được sức nóng âm ỷ, cùng hoài bão cuối đời của ông. Nhất là sau 75, khi ông liên hệ được những người mà ông gọi là Các anh lớn như Hoàng Khoa Khôi, Ngô Văn, Nguyễn Văn Liên (những người Trốtkít)… ở Pháp, mà ông đã ghi lại bằng chữ viết.

Nghe tin trễ ông đã qua đời, tôi càng thêm luyến tiếc, một mẫu người hiếm có, một nhân chứng đặc biệt nay không còn.

***

Khi gọi điện thọai chia buồn với tang quyến, nói chuyện với bạn đời của Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, Bà Trần - nguyên Giáo sư, tác giả sách giáo khoa đầu tiên của người Việt cho Đại học Khoa học, cuốn Sinh học Động vật – còn thuật cho tôi một chuyện lạ, xảy ra vài ngày trước khi ông từ trần. Số là, trong lúc nhập viện Hồi lực, trên giường bệnh, ông lúc tỉnh lúc thiếp. Sau những lúc li bì, khi tỉnh giấc, thì thân nhân, y tá dù ở xa, cũng đều nghe Bác sĩ Phiêu hát to một mình, phấn chấn, như một thanh niên mới lớn,

Anh nghe chăng cung kèn rạng Đông
Đang uy linh lừng vang trên không…

Chị Phiêu bùi ngùi thuật lại, “Nhiều lần như thế. Rồi ảnh mất Ảnh ra đi thanh thản.”
-------
Chuyện đến đây, chúng tôi cùng im lặng hồi lâu.Tôi không biết nói gì.
-------
Chúng tôi cùng biết anh sắp trở về với thời Kháng chiến Nam bộ đẹp đẽ…của anh.
------

Bác sĩ Phiêu viết nhiều đề tài đăng rải rác trên các báo chí hải ngọai, được nhiều độc giả theo dõi… Nhưng không giống nhiều người cầm bút khác, tôi chưa bao giờ nghe ông nhắc những chuyện văn chương, những phản dội, hay thành quả của những đìều ông đã viết. Và tôi tin, sự nghiệp cầm bút của Bác sĩ Phiêu, sẽ càng ngày càng sáng tỏ.

Ông đã hoàn thành được những thành tựu qúy báu, qua chữ viết của ông về lịch sử Vịệt Nam cận đại, trong các văn phẩm:

- Phan Văn Hùm - thân thế & sự nghiệp, 2003

- Những Ngày Qua, 2005

- Gió Mùa Đông Bắc, 2008.

Và,

- “Những người anh còn lại” (trong Nhìn Lại Sáu Mươi Năm Tranh Đấu Cho Việt Nam, Tủ Sách Nghiên Cứu, 2004 - tr. 18-19-20-21-22-23-24.)

Tiếng kèn rạng Đông của anh, thưa anh Phiêu, sẽ càng ngày càng có nhiều người nghe thấy.

Xin anh yên nghỉ.

- Vũ Huy Quang, 2012

(Với nén hương lòng, kỷ niệm ngày Giỗ đầu, để tưởng nhớ Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu.)
GHI CHÚ của VB: Sau đây là tiểu sử sơ lược của Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, theo trang www.buddhahome.net.

Pháp danh: Phước Lư. Sanh năm 1927 tại Gia Định. Lớn lên ở quê nội Cao Lãnh (SaĐéc) và quê ngoại, ấp Phước Lý (Biên Hòa). Cựu học sinh các trường Trung học Petrus Ký và Chasseloup Laubat. Trong thời kỳ Kháng Chiến đã tham gia phụ trách báo Nam Thanh của tổ chức Nam Bộ Thanh Niên Kháng Chiến Đoàn (Nam Thanh Đoàn).

Tốt nghiệp Y Khoa Đại học Bordeaux (Pháp). Trở về nước, đã phục vụ hơn 17 năm trong ngành Quân Y Hải Quân. Chức vụ trước khi giải ngũ là Cục phó Cục Quân Y Việt Nam Cộng Hòa.

Đã từng đảm nhiệm:

- Tổng trưởng Xã Hội từ 1968 đến 1973,

- Chủ tịch Hội Y sĩ VN tại Texas,

- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Y sĩ VN tại Hoa Kỳ,

- Chủ tịch Hội đồng Đại diện Hội Y sĩ Quốc Tế VN Tự Do,

- Và, Hội trưởng Hội Phật Giáo miền Bắc Texas.

Đã từng cộng tác trên các tập san: Thế kỷ 21, Văn Hóa, Lướt Sóng, Y Tế Nguyệt san, Nội san các Hội Y-Nha-Dược, và một số báo Tập san, Đặc San Phật giáo...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài phát biểu sau đây của Giáo sư Nhật Bản Teruo Tonooka được ông trình bày trong Đêm Hội Ngộ tại Nhà hàng Emeral Bay Seafood
Có người hay "ví von" rằng Cộng Đồng người Việt hải ngoại nói chung, ở Quận Cam nói riêng, giống như những con cua bị nhốt chung trong một cái giỏ
Trong các loại hàng tiêu thụ, thì chỉ số tăng giá đã lên cao nhất cho lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, là mặt hàng cần yếu cho đa số người dân
Hồi đó tôi chưa đủ 50 kí lô, lại hay bị xây xẩm bất ngờ, trong khi thấy các sư huynh, sư muội quật nhau rầm rầm, nên hơi hoảng.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới tức World Trade Organization (WTO).
Từ xưa cho tới nay, đại đa số dân "sồn sồn" đều thích xem phim chưởng với những kiếm sĩ, võ sĩ Trung Hoa bay lượn như chim
Ngày 17/3/2003 tổng thống Bush ra lệnh tấn công lật đổ Saddam Hussein. Chiến trường Iraq chưa êm tiếng súng các nhà quan sát Tây phương
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.